Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

Duyên trời định của cô ca sĩ khiếm thị Việt Nam mắc kẹt ở Mỹ = Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Cách đây hai năm, cô ca sĩ trẻ Quỳnh Trâm được mời qua Mỹ hát. Tại xứ cờ hoa, cô “bị” chàng nghệ sĩ piano Trần Lộc tỏ tình. Điều đặc biệt là, cuộc gặp gỡ “định mệnh” này xảy ra rất nhanh, ngay trong đại dịch COVID-19.Đôi nghệ sĩ đa tài, ca sĩ Quỳnh Trâm và nghệ sĩ piano Trần Lộc, sẽ có tiết mục lễ cưới độc đáo trong đại nhạc hội Ngọc Trong Tim diễn ra vào Thứ Bảy, 24 Tháng Bảy, 2021. (Hình: Quỳnh Trâm cung cấp) Trong những ngày tập dượt để chuẩn bị chương trình đại nhạc hội “Singing for Hope” (“Hát Cho Đời Vui”) lần thứ tám do hội Ngọc Trong Tim tổ chức vào lúc 6 giờ chiều Thứ Bảy, 24 Tháng Bảy, tại Studio SBTN TV ở 10561 Garden Grove Blvd., Garden Grove, CA 92843, cô bật mí sẽ có màn trình diễn đặc biệt của vợ chồng cô
<!>
Mối lương duyên của hai tâm hồn đồng điệu.

Kể với phóng viên nhật báo Người Việt, ca sĩ Quỳnh Trâm cho biết cô sinh hoạt trong hội Ngọc Trong Tim, hội bất vụ lợi tạo điều kiện cho tài năng khuyết tật trong và ngoài nước có cơ hội tỏa sáng qua các chương trình ca nhạc tổ chức tại Mỹ.

Năm 2019, cô Trâm bay sang Mỹ để biểu diễn cho “live show” ca nhạc của Ngọc Trong Tim. Sau đó, cô bị kẹt ở Mỹ do đại dịch COVID-19. Nghệ sĩ Thành Lễ, sáng lập viên Ngọc Trong Tim cũng là trưởng ban tổ chức các chương trình ca nhạc, giới thiệu cô với nghệ sĩ piano của hội, Trần Lộc.


“Anh Lộc cũng bị thị lực kém như tôi nhưng nặng hơn một chút. Ban đầu anh Thành Lễ giới thiệu anh Lộc với tôi vì tôi bị khô mắt nên nhờ anh Lộc xem thuốc nhỏ mắt giùm,” cô Trâm kể.

“Tôi phụ thuộc chủ yếu vào màu sắc. Nếu màu tương phản cao thì tôi có thể thấy nhưng nếu có nhiều màu phức tạp và rối mắt thì tôi không thấy,” cô nói về thị lực của mình và cho hay cô nhận biết qua tiếng nói là chính, bởi vì cô không thể phân biệt đặc điểm hay nét riêng của khuôn mặt người khác do chỉ thấy loáng thoáng.

Cô Trâm kể tiếp: “Từ từ, hai chúng tôi có cảm tình vì rất hợp nhau cả về trong tính cách lẫn đam mê nghệ thuật. Ngày nào chúng tôi cũng ‘líu lo’ suốt mấy tiếng đồng hồ.” Nói rồi cô nhìn anh Lộc cười khúc khích.


Anh Lộc cười nói: “Tôi thích cái tính phóng khoáng và lạc quan của Trâm rồi ngỏ lời cầu hôn sau khoảng thời gian tìm hiểu.”

Ca sĩ Quỳnh Trâm và nghệ sĩ Trần Lộc làm lễ cưới nhỏ ở sau vườn nhà anh Lộc, tại Minnesota, vào Tháng Sáu, 2020.

Hai người rất thích nấu ăn và dùng sở trường nhạy bén về thính giác và khứu giác để canh độ chín của món khi nấu nướng.

“Anh Lộc thì bài bản hơn tôi, anh ấy canh phút trên đồng hồ khi nấu ăn. Dù đôi khi không chính xác cho lắm vì không nhìn rõ nhưng dần dà rồi cũng quen,” cô nói.

Cô cũng chia sẻ thêm: “Còn Trâm thì dùng mũi nhiều hơn, chỉ cần ngửi hương là biết được độ chín của cá hay thịt.”


Đôi nghệ sĩ Quỳnh Trâm-Trần Lộc đồng điệu từ tâm hồn đến sở thích âm nhạc, thể thao và nấu ăn. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

Thêm vào đó, hai vợ chồng còn đồng cảm qua niềm đam mê thể thao.

Anh Trần Lộc có năng khiếu chơi bóng rổ. Anh còn nhớ tên hết các vận động viên và các đội tuyển bóng rổ. Thần tượng của anh là cố vận động viên Kobe Bryant.


“Hồi đó thì Lộc chơi bóng rổ một mình, giờ thì chơi với vợ,” anh cười nói.

Ngoài ra, đôi vợ chồng cũng thường bàn luận về tâm lý học những lúc rảnh rỗi.

Anh Trần Lộc cũng gợi ý là vợ hoạt bát nên nói nhiều hơn. “Còn tôi thì chỉ cười thôi,” anh nói.

Vận động viên điền kinh mê hát

Cô Quỳnh Trâm xuất thân là vận động viên điền kinh. Cô tham gia chạy từ lúc 12 tuổi, và 14 tuổi thì bắt đầu thi đấu các giải trong nước và quốc tế dành cho người khuyết tật.

Cô gái có dáng người gầy, nhưng khỏe khoắn cùng nụ cười luôn thường trực trên môi này đoạt nhiều huy chương ở các giải điền kinh quốc tế.

Với sở trường là chạy tốc độ 100 mét, 200 mét, và 400 mét, cô giành được hai huy chương bạc ở ASEAN Para Games 2014, ở Myanmar, và sau đó là thêm hai huy chương bạc và một huy chương đồng ở Para Games 2017, ở Malaysia.


Trước khi chính thức theo đuổi đam mê ca hát, Quỳnh Trâm từng là nữ vận động viên điền kinh chuyên nghiệp đoạt nhiều huy chương. (Hình: Quỳnh Trâm cung cấp)

Sau khi kết thúc thành công mùa thi đấu điền kinh, cô Trâm đi theo người bạn thân tham gia vòng sơ khảo của Thần Tượng Bolero 2018, một chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc nổi tiếng ở Việt Nam.

“Trâm lén gia đình nhờ chú xe ôm chở đi tham gia vì chỉ nghĩ đi cho vui thôi. Không ngờ chỉ có mình Trâm may mắn được vô vòng trong,” cô nói.

Cô chia sẻ là có niềm đam mê ca hát từ nhỏ. Dù bị khiếm thị không thấy được nốt nhạc nhưng bù lại cô có năng khiếu cảm âm tốt.

“Mới 2 tuổi là Trâm hát karaoke và 6 tuổi thì hát cải lương rồi đó,” cô cười nói. “Đi đâu mình cũng nghêu ngao hát, mặc kệ người khác nghĩ gì.”

“Mình thường nghe ca sĩ hát rồi bắt chước tập theo, thế thôi,” cô kể thêm.

Mặc dù dừng chân ở Top 18 Thần Tượng Bolero nhưng cô ca sĩ trẻ đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng khán giả qua giọng hát ngọt ngào cùng ý chí và nghị lực phi thường.

Sau khi tạm rời xa ánh đèn sân khấu, cô gái tiếp tục tập luyện giải điền kinh tuyển chọn World Grand Prix của Ủy Ban Thể Thao Người Khuyết Tật Thế Giới để chuẩn bị “chinh chiến” ở Asian Para Games 2018.

Cơ duyên với Ngọc Trong Tim

Cô Quỳnh Trâm nói rằng chính ca sĩ Như Quỳnh, một trong ba giám khảo của mùa thi Thần Tượng Bolero năm ấy, nói về cô với nghệ sĩ Thành Lễ.

Nghệ sĩ Thành Lễ ngỏ ý mời cô qua Mỹ hát nhưng lúc ấy cô do dự vì đang chuẩn bị cho giải đấu điền kinh. Một thời gian sau, cô đồng ý và gấp rút chuẩn bị giấy tờ qua Mỹ theo dạng “working visa,” để kịp trình diễn cho đại nhạc hội Ngọc Trong Tim.

Thế là năm 2019, ca sĩ Quỳnh Trâm lần đầu tiên qua Mỹ hát cho chương trình ca nhạc của hội Ngọc Trong Tim.

“Kỷ niệm mà tôi nhớ mãi là khi tập tiết mục cải lương ‘Sông Dài,’ đêm trước đại nhạc hội, tôi đóng vai cô bé mù đang cố vùng vẫy khỏi tay người yêu. Vì diễn hăng quá nên xém chút là rớt xuống sân khấu phải nhờ mấy anh chị đỡ lại,” cô kể.

Cô tâm sự rằng trước mỗi chương trình cô đều nhờ người dẫn đi thị phạm để làm chủ sân khấu. Cô phải luôn nhớ hướng và đếm bước chân kỹ càng để mang đến màn trình diễn tự nhiên nhất và hoàn hảo nhất.

“Tôi tập cẩn thận lắm rồi mà đến đêm diễn thiệt vẫn gần lọt xuống khỏi khán đài, nhưng hên là không sao. Cô chú khán giả khi đó la lên sợ tôi bị té,” cô cười khi nhớ lại.

Cô cũng kể thêm: “Cô chú khán giả thương tôi lắm. Biết tôi không thấy rõ nên mọi người trang điểm giùm, chỉnh sửa trang phục, và đầu tóc cho tôi để tôi sẵn sàng lên sân khấu.”


Dù sinh hoạt có đôi chút khó khăn vì thị lực kém nhưng đôi nghệ sĩ vẫn luôn tích cực “nhìn đời.” (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

Không khuất phục nghịch cảnh

Ca sĩ Quỳnh Trâm là chị lớn trong nhà có năm anh chị em. Cô có một người em sinh đôi tên là Quỳnh Trân và cũng bị kém thị lực.

“Nghe mẹ kể là hồi ấy chị em tôi sinh thiếu tháng. Vì ra đời mới có bảy tháng tuổi nên chúng tôi bị đặt vào lồng kính hay lồng ấp trẻ sơ sinh để bác sĩ theo dõi,” cô kể.


“Đèn lồng kính rất sáng nhưng không ai che mắt cho chị em tôi cả, nhưng những đứa trẻ khác thì có,” cô hồi tưởng lại câu chuyện gia đình kể.

Trẻ sinh non thường có thể mắc bệnh lý võng mạc vì sự phát triển của mạch máu võng mạc bị gián đoạn. Thêm vào đó, việc không được che mắt trong lồng kính cũng có thể gián tiếp gây nên bệnh mắt nghiêm trọng cho cặp chị em song sinh Quỳnh Trâm và Quỳnh Trân.

Cô Trâm cũng cho biết thêm là anh Lộc cũng bị hư mắt do can thiệp.

“Anh Lộc lúc nhỏ ở Việt Nam bị cườm mắt. Vì lúc đó chưa biết đi Mỹ nên gia đình quyết định cho Lộc đi mổ mắt lúc còn rất nhỏ. Nghe người nhà kể lại là bác sĩ mổ đi, mổ lại nhiều lần, và vô tình làm đứt mống mắt của anh,” cô Trâm vừa nhìn chồng vừa nói.

Cô nói thêm: “Hồi đó là tròng mắt anh ấy màu đen, càng ngày lớp canxi đóng dày cộm tạo ra màn màu trắng đục khiến áp suất mắt lên cao nên anh Lộc phải đi mổ để lấy ra.”

“Từ lúc qua Mỹ năm một tuổi rưỡi đến giờ thì tôi phải mổ mắt lấy lớp canxi ra khoảng 14 lần,” chàng trai 29 tuổi cho hay.

Nhưng nghịch cảnh ấy vẫn không thể cản ý chí cầu tiến của cặp vợ chồng.

Với âm nhạc, Trần Lộc là một người nghệ sĩ đa tài, anh vừa chơi piano vừa làm nhạc nền cho các chương trình ca nhạc. Thỉnh thoảng anh cũng góp giọng phục vụ khán giả.

Anh Lộc không giỏi tiếng Việt nhưng để có thể giao tiếp với vợ, anh nỗ lực luyện tập. Giờ đây, không chỉ nói tiếng Việt lưu loát mà anh còn là một thông dịch viên Anh-Việt, chuyên dịch cho bệnh viện.

Còn cô ca sĩ trẻ 26 tuổi thì luyện tập tiếng Anh hằng ngày để có thể tự tin nói chuyện.

“Người khuyết tật ở Mỹ được tôn trọng và được đối xử bình đẳng. Dù vốn tiếng Anh chỉ ở mức trung bình nhưng Trâm vẫn có thể bay qua các tiểu bang khác trình diễn một mình cũng nhờ sự giúp đỡ của mọi người,” cô cho biết.

Cô cũng gửi lời tri ân đến hội Ngọc Trong Tim và anh chị em nghệ sĩ.

“Đây là hội đầu tiên bảo lãnh nghệ sĩ khuyết tật từ Việt Nam qua Mỹ hát và giúp cấp giấy tờ đi làm cho chúng tôi. Với Ngọc Trong Tim, chúng tôi là ca sĩ, không phải người đi hát góp vui cho hội đoàn như ở chỗ khác. Khán giả tin tưởng mua vé để xem chúng tôi hát chứ không phải là được vé mời đi xem trình diễn từ thiện,” ca sĩ Quỳnh Trâm hãnh diện cho biết

.

Đôi vợ chồng dù không thể nhìn rõ mặt nhau nhưng với nghị lực cùng sự lạc quan, họ cùng dìu nhau vượt qua số phận để chiến thắng nghịch cảnh. (Hình: Quỳnh Trâm cung cấp)

Cũng như bao cặp vợ chồng son khác, cặp nghệ sĩ Trần Lộc-Quỳnh Trâm luôn thể hiện sự rạng rỡ và hạnh phúc mỗi khi bên nhau. Anh Lộc thì luôn cười tươi rói, hướng về phía cô vợ trìu mến mỗi khi cô kể chuyện vui thuở nhỏ. Và, chính cô cũng là người hướng dẫn anh tạo dáng chụp hình để trông tự nhiên nhất. Ngoài ra, đôi nghệ sĩ cũng có một trang YouTube riêng để chồng đàn vợ hát, nhằm thỏa sức sáng tạo.

Đôi vợ chồng dù không thể nhìn rõ mặt nhau nhưng với nghị lực, cùng sự lạc quan, và yêu đời, họ cùng dìu nhau vượt qua số phận để chiến thắng nghịch cảnh. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: nguyen.nhien@nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào: