Tất cả những quý vị thuộc thế hệ chiến tranh Quốc-Cộng và từng mặc bộ quân phục đều biết uy quyền của một vị tướng. Tôi không được thấy nhưng được nghe cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc kể chuyện trong doanh trại Trại Trần Hưng Đạo, nơi được dùng làm Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH, mỗi ngày, mọi người từ lính trơn lên đến hàng tướng lãnh, đều nhìn về hướng văn phòng của Đại Tướng Cao Văn Viên, ở đó có cột cờ treo lá cờ đỏ 4 sao trắng, khi cờ này được kéo lên, ai nấy đều biết hôm nay Đại Tướng có mặt ở doanh trại, tự nhiên, mọi người phải e dè.
Tôi cũng được nghe Đại Tá Thủy Quân Lục Chiến Phạm Văn Chung, nguyên Lữ Đoàn Trưởng 368 có gần 2,000 chiến binh dưới quyền và cũng từng là tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam quyền uy một tỉnh, kể rằng khi ông về đến Bộ Tổng Tham Mưu, nhìn quanh, thấy cấp Đại Tá của mình "chẳng tới đâu", chẳng ai thèm để ý, nên quanh quẩn một chút rồi đi về đơn vị của mình, tránh sự bất chợt gặp ông tướng nào trong Bộ TTM "hỏi thăm sức khỏe" rất phiền.
Tôi cũng được nghe chính Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại kể rằng, ông là tướng một sao, về trình diện Đề Đốc Trần Văn Chơn, tướng hai sao, mà cũng phải ngồi chờ cả tiếng mới được gặp vị tư lệnh.
Còn bản thân tôi, tôi được dạy rằng, đang đi ngoài đường nếu nhìn thấy xe có cờ hiệu tướng lãnh, phải đứng nghiêm chào. Một lần, tôi thấy tận mắt có một người lính không thấy hay quên hoặc không chào khi xe của vị tư lệnh đi qua, anh ta đã bị quân cảnh đứng gần đó phạt ngay tức khắc.
Năm 1972 tôi học quân sự ở Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang, một hôm Tư Lệnh Hải Quân Đề Đốc Trần Văn Chơn đến thanh tra quân trường. Lúc đó, trường có khoảng hơn 1,000 khóa sinh các cấp và các ngành, phải ra sân cờ, đứng xếp hàng từ 6 giờ sáng chờ, rồi đến 8 giờ sáng vị tư lệnh đến thanh tra, ông đi đến từng người lính một, đến ai, người nào cũng phải nói thật lớn, xưng tên và cấp bậc, nghe xong, vị tư lệnh lại bước qua người khác, một ngàn người phải trình diện Tư Lệnh như thế.
Tôi kể những mẫu chuyện nhỏ đó để quý vị biết rằng, quân đội VNCH tuy rất non trẻ vì chỉ có hơn 21 năm tiểu sử tồn tại mà thôi nhưng đã là một quân đội có nhiều truyền thống, có kỷ cương, có quân cách, lính ra lính, quan ra quan, và nhất là tướng phải ra tướng để chỉ huy muôn người.
Nhưng đến ngày 30/4/1975 rất oan nghiệt, hàng trăm vị tướng quyền uy quân cách như thế, đã "đào tẩu" trước quân địch. Quý vị nghĩ sao, riêng tôi, là một người lính, tôi không thể nào ngưỡng mộ các vị tướng đào tẩu đó được.
Cũng may, tôi đã nói với bạn hữu của tôi nhiều lần, vẫn còn một số vị tướng lãnh đã ở lại chiến đấu đến giờ phút cuối cùng (rất tiếc là không có vị trung tướng và đại tướng nào), và đã có đến 5 vị tướng cấp thấp nhất trong hàng tướng lãnh đã tuẫn tiết để gìn giữ danh dự một quân đội rất đáng ngưỡng mộ nhưng vừa mới thua trận.
Sau này khoảng năm 1993, tôi đã được dịp nói chuyện phỏng vấn hai lần cách nhau 10 năm với Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, tư lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, được nghe chính lời ông tâm sự, mới hiểu nỗi đau đớn trong lòng của ông, mới hiểu trong bối cảnh hoảng loạn của một biến cố không nhìn thấy trước, ông Tướng chỉ huy một đại đơn vị thiện chiến, can trường và anh dũng nhất quân đội, cũng bị hoảng loạn mà bỏ chạy, để sang Mỹ bản thân tự dày vò chính mình trong suốt 20 năm dài mới nguôi ngoai.
Tôi được ngồi bên tâm sự với Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, ông chẳng nói gì nhiều, nhưng tôi cảm được bàn tay của ông đã nắm chặt tay tôi như nói rằng, một ngày nào đó anh sẽ hiểu. Thực tế, vào những ngày cuối tháng 4/1975, vị tướng thanh liêm trong sạch, tuy nhỏ con nhưng rất được các tướng lãnh đồng minh Mỹ to con kính trọng, tướng Đồng Văn Khuyên cũng bị hoảng loạn bối rối, không còn biết ra những lệnh gì nữa cho đến lúc người Mỹ đẩy ông lên máy bay C47 bay qua Guam, và đến Guam, ông tướng tủi nhục, chỉ nằm quay đầu vào tường không nói chuyện với ai, và sang Mỹ, ông vào Chùa tu hành, mặc áo nâu sòng quét sân chùa để quên thế sự (theo chuyện kể lại của Đại Tá Vũ Văn Lộc, thuộc cấp trực tiếp của Tướng Khuyên).
Và tôi rất thường tâm sự với vị Đô Đốc của tôi, bác Trần Văn Chơn. Ông già buồn lắm, thường hay gọi tôi đến nói chuyện, hỏi gì ông cũng kể cho nghe. Ông nguyên là tư lệnh Hải Quân, con trai ông đương chỉ huy một con tàu, người Mỹ cho nhân viên sứ quán đến sẵn sàng đưa cả nhà ông lên máy bay, ông đã quyết định ở lại vì ông tin rằng "còn nước còn tát", và quyết định đó đã khiến ông phải vào tù cải tạo mất gần 14 năm dài.
Kể lại chuyện để chính bản thân mình học hỏi hơn nữa. Điều tôi học được là sự thông cảm cho sự việc, thế thời, thời phải thế. Các vị tướng VNCH cũng là con người như chúng ta, hầu hết đã bị hoảng loạn trong biến cố 30/4 và giữa cái chết trong gang tấc, cũng đã chạy đi tìm sự sống như mình mà thôi.
Chẳng lẽ, nói như thế, các vị tướng đào tẩu đã được thông cảm không còn gì để phê phán hay sao? Thưa không, quý vị nghĩ gì tôi không rõ, riêng tôi, tôi muốn nói rằng, "các vị đó vẫn là tướng nhưng không phải là danh tướng" của tôi.
Phạm Phú Nam.
Dân Sinh Media.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét