Ảnh minh họa: Getty
VOV.VN - Biến thể Delta có thể khiến mọi nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của thế giới thời gian qua quay về vạch xuất phát nếu không nhanh chóng đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine và thực hiện các biện pháp kiểm soát. Làm “phá sản” kế hoạch thoát khỏi Covid-19 Biến thể Delta đang thay đổi tính toán của các chính phủ trên thế giới, làm dấy lên những lo ngại về việc làm thế nào để có thể nhanh chóng thoát khỏi đại dịch, khoảng cách ngày càng rộng giữa những nơi có tỷ lệ tiêm vaccine cao và phần còn lại, cũng như sự gia tăng số ca mắc ở các quốc gia trước đó từng kiểm soát được dịch bệnh.
Khả năng lây nhiễm của biến thể Delta dễ dàng hơn so với các chủng virus ban đầu đã nhanh chóng làm tăng số ca Covid-19, thậm chí ở cả những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao như Anh và Israel. Tại những quốc gia này, vaccine đã giúp ngăn chặn các ca bệnh nặng và ca tử vong. Tuy nhiên, tại nhiều nơi thuộc phần còn lại của thế giới, đại dịch khiến ít nhất 200 triệu người mắc bệnh và hơn 4 triệu người tử vong này vẫn đang diễn biến nghiêm trọng.
Tin tốt là vaccine vẫn có hiệu quả cao trước biến thể Delta trong việc ngăn chặn những ca bệnh nặng và ca tử vong ở những người đã được tiêm chủng đầy đủ. Đây là sự xác minh cho những ván cược lớn của các chính phủ đặt cược vào vaccine như một cách đảm bảo nhất để quay lại cuộc sống bình thường.
Khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2 đang giảm dần ở những người được tiêm vaccine đầy đủ bởi sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, giám đốc điều hành BioNTech Ugur Sahin cho hay.
Tuy nhiên, ông Ugur Sahin nhận định, vaccine vẫn đủ khả năng bảo vệ người được tiêm chủng không bị bệnh nặng và có thể chưa cần tới mũi tiêm thứ ba.
Ở những nền kinh tế phát triển, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều người cần được tiêm vaccine để ngăn chặn những đợt bùng phát mới và những hy vọng dịch Covid-19 sẽ nhanh chóng trở thành một dịch bệnh như cúm, ngày càng giảm dần.
Các chính phủ ở châu Âu và một số bang ở Mỹ đang thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường chiến dịch tiêm vaccine để đối phó với biến thể Delta. Những quốc gia khác cũng đang tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang và yêu cầu một số doanh nghiệp đóng cửa trở lại. Các biện pháp hạn chế đi lại, cách ly theo hướng dẫn và làm việc ở nhà ngày càng phổ biến.
Viễn cảnh cho các nước đang phát triển thậm chí còn tồi tệ hơn. Hiện nay, biến thể Delta khiến nhiều nơi ở châu Á và châu Phi đều ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục, trong đó có cả những quốc gia trước đó từng kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh.
"Thực tế khủng khiếp mà tôi cho là mọi người chưa thể hiểu hết là, đây là một dịch bệnh mới tồi tệ và có lẽ nó sẽ tồn tại vĩnh viễn", Martin Hibberd, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London nhận định.
"Điều này là một gánh nặng gia tăng mà tất cả chúng ta đều phải đối phó".
Ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng ngày càng xa tầm tay
Biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào cuối năm ngoái và kể từ đó cho tới nay đã được ghi nhận ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, Sáng kiến GISAID, với cơ sở dữ liệu trực tuyến gồm những thông tin phân tích gen của các mẫu virus được các nhà khoa học chia sẻ, cho biết. Khoảng 80% những mẫu virus được phân tích và gửi tới GISAID vào giữa tháng 7 là biến thể Delta, gấp 2 lần so với 1 tháng trước đó. Điều này đã nhấn mạnh rằng biến thể này đang thay thế các chủng virus trước đó nhanh chóng như thế nào.
Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh cho biết, biến thể Delta chiếm 83% mẫu virus được phân tích trình tự gen ở Mỹ. Tại Anh, con số này là 99%. Biến thể Delta cũng chiếm hơn một nửa các mẫu gen của virus được phân tích ở Pháp, Đức, Thụy Điển và Bồ Đào Nha. Biến thể này còn chiếm hơn 70% các mẫu được gửi tới GISAID từ châu Á và hơn 60% mẫu virus được gửi tới từ châu Phi.
Vào thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19, trước khi biến thể Delta xuất hiện, các nhà khoa học ước tính, khoảng 2/3 dân số thế giới cần được miễn dịch, nhờ tiêm vaccine hoặc kết hợp giữa tiêm vaccine và những ca mắc Covid-19 trước đó để ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Nếu đạt được mục tiêu đó, Covid-19 sẽ trở thành một dịch bệnh giống như cúm mùa và hiếm khi nào có thể khiến hệ thống y tế quá tải.
Tuy nhiên, sự lây lan của biến thể Delta trên khắp thế giới đã làm thay đổi mọi thứ. Những ước tính có thể đưa ra những con số khác nhau nhưng các nhà khoa học tin rằng, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn chủng virus ban đầu khoảng 2 - 3 lần. Nếu như thiếu các biện pháp y tế công cộng nhằm làm giảm số ca mắc, cứ 10 người nhiễm chủng virus ban đầu thì trung bình sẽ lây cho 25 người khác. Với biến thể Delta, cứ 10 người mắc thì sẽ lây cho từ 60 - 70 người khác, một sự gia tăng đáng kể.
Điều đó đã đặt ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng ngày càng xa tầm tay. Những nơi mà các chính phủ và các nhà chức trách trước đó kỳ vọng miễn dịch cộng đồng có thể đạt được khi 60 - 70% dân số được tiêm vaccine thì nay, với biến thể Delta, ngưỡng để đạt miễn dịch cộng đồng có thể phải tăng lên 80 - 90% dân số, Mark Woolhouse, giáo sư về dịch bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh cho hay.
Một số ước tính khác thậm chí còn đặt ngưỡng miễn dịch cộng đồng ở mức hơn 95%. Hơn nữa, các nhà khoa học cũng không chắc sự bảo vệ của vaccine sẽ kéo dài bao lâu nếu các biến thể mới xuất hiện và thoát khỏi hàng rào bảo vệ này.
"Bởi vì mức miễn dịch cộng đồng đã được nâng lên quá cao nên câu hỏi đặt ra không phải là khi nào chúng ta đạt được mức này mà là liệu chúng ta có đạt được hay không", giáo sư Woolhouse cho hay. Đưa dịch bệnh vào tầm kiểm soát có thể đòi hỏi thêm các biện pháp can thiệp như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội trong một thời gian dài, chuyên gia này nhận định.
VOV.VN - Tỷ lệ trẻ em tử vong do Covid-19 tại Indonesia cao hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới và điều này đã thách thức quan điểm cho rằng, trẻ em ít gặp nguy cơ rủi ro hơn so với người lớn nếu mắc Covid-19.
Cả thế giới phải nghĩ lại về chiến lược đối phó với Covid-19
Ở những nền kinh tế phát triển, thậm chí cả khi có tỷ lệ cao dân số được tiêm vaccine thì biến thể Delta cũng đang buộc các nhà chức trách y tế phải nghĩ lại về chiến lược của mình.
Sau khi số ca mắc tăng gấp 6 lần, Hà Lan đã phải đóng cửa các hộp đêm vào tháng này sau khi chỉ vừa mở cửa trở lại hồi cuối tháng 6. Việc đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được duy trì ở Pháp, Đức và Italy.
Kế hoạch "hộ chiếu vaccine" nhằm nối lại các hoạt động xã hội đang được thảo luận lại ở Pháp, Italy, Israel và Anh như một phần trong nỗ lực rộng khắp nhằm tìm kiếm giải pháp thay thế cho lệnh phong tỏa để làm giảm sự lây nhiễm và khuyến khích mọi người vượt qua tâm lý ngần ngại khi tiêm vaccine.
Tại Mỹ, biến thể Delta đã khiến xu hướng giảm số ca mắc hàng ngày chấm dứt. Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, số ca mắc trung bình trong 7 ngày đã vượt quá 49.000, gấp đôi con số trước đó chỉ 10 ngày. Hạt Los Angeles, khu vực đông dân nhất của Mỹ đã phải tái áp đặt quy định đeo khẩu trang trong nhà sau khi chứng kiến sự gia tăng ca mắc mới.
Tại châu Phi, nơi có chưa tới 1,5% trong số 1,3 tỷ dân được tiêm vaccine, sự gia tăng kỷ lục số ca mắc trong những tuần gần đây đã làm quá tải các bệnh viện và khiến cho những nghĩa địa ở Zambia và Namibia không còn chỗ chôn. Tuần trước, Nam Phi đã vượt 10.000 ca tử vong vì Covid-19.
Các quốc gia như Nam Phi, Uganda và Namibia đều phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Dữ liệu từ Nam Phi còn cho thấy thách thức đặc biệt mà biến thể Delta đặt ra cho thế giới. Các nhà dịch tễ học hồi tháng 5 dự đoán làn sóng Covid-19 thứ ba ở Nam Phi sẽ ít nghiêm trọng hơn so với 2 làn sóng trước đó, vốn đã lây nhiễm cho phần lớn dân số ở quốc gia 60 triệu người này. Một nghiên cứu trên toàn quốc đã cho thấy khoảng 47% dân số Nam Phi đã có kháng thể Covid-19 trước khi làn sóng hiện tại diễn ra trong khi khoảng 62% dân số nước này đã hồi phục sau khi mắc Covid-19.
Tuy nhiên, khi Nam Phi trải qua sự gia tăng kỷ lục số ca mắc mới gần đây, các nhà khoa học đã nhận ra một thực tế rằng những kháng thể được tạo ra sau khi nhiễm biến thể Beta không có hiệu quả vô hiệu hóa biến thể Delta. Với khả năng lây nhiễm cao của biến thể Delta, các nhà dịch tễ học cho biết Nam Phi vẫn dễ tổn thương như khi bắt đầu đại dịch.
"Chúng tôi về cơ bản đã quay trở về điểm xuất phát", Juliet Pulliam, người chỉ đạo Trung tâm Phân tích và Xây dựng Mô hình dịch bệnh của Nam Phi đánh giá.
Tại châu Á, biến thể Delta cũng đang gây ra nhiều vấn đề cho những quốc gia từng phản ứng tốt vào giai đoạn đầu của dịch bệnh và là hình mẫu của thế giới nhưng hiện nay lại chậm chạp trong quá trình tiêm chủng vaccine.
Hàn Quốc đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất khi trải qua làn sóng bùng phát số ca mắc lớn nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Các quy định mới cấm tụ tập trên 2 người sau 18h, hạn chế các thành viên tham dự đám cưới và đám tang, cấm khán giả tại các sự kiện thể thao và hầu hết các cửa hàng đều phải đóng cửa vào 22h.
Nhật Bản cũng chứng kiến sự gia tăng số ca mắc vào cuối tháng 6 khiến Thủ tướng Suga Yoshihide phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo từ 12/7. Các biện pháp khẩn cấp, dự kiến mở rộng cho tới 22/8, sẽ kéo dài suốt Olympic Tokyo, sự kiện được tổ chức mà hầu như không có khán giả.
Đông Nam Á là khu vực đặc biệt dễ tổn thương bởi tỷ lệ tiêm vaccine thấp. Hầu hết các quốc gia đều có tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ chưa tới 15% dân số. Thậm chí, Singapore, quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất khu vực với khoảng 50% dân số, cũng đang tập trung đối phó với sự gia tăng số ca mắc mới do biến thể Delta gây ra.
Biến thể Delta đang gây ra sự phá hủy nặng nề nhất ở Indonesia khi số ca mắc bắt đầu tăng lên hồi đầu tháng 6. Các bệnh viện đã nhanh chóng bị quá tải và tỷ lệ tử vong tăng lên mức kỷ lục. Hơn 1.000 ca tử vong vì Covid-19 được ghi nhận hàng ngày ở quốc gia này trong tuần qua và tỷ lệ số ca tử vong theo đầu người ở Indonesia cao nhất trong khu vực với 283 ca/triệu người. Chính phủ Indonesia hiện đã phải áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhất tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét