Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

“Phù thủy” ở Tuy Hòa – Chuyển ngữ: Lân Thế Hoàng

 

(Chuyện về ASA, Lực lượng Tác chiến Điện tử – Trận chiến đã cứu thị xã Tuy Hòa vào 1968)  Ed Minnock, Jr là một chú lính nhóc đã chu du khắp thế giới trước khi kịp tuổi thiếu niên, hệ quả tất nhiên bởi chú từng phải theo người cha – Edward W. Minnock Sr, một Thượng sĩ Quân báo. Sau khi nhập ngũ, được đào tạo cơ bản ở ASA, Minnock lại nối gót cha mình để đến Việt Nam và trở thành một thành viên của Đơn vị 404 Tác chiến Điện tử, hoạt động dưới sự hỗ trợ của Lữ đoàn 173 Nhảy dù. Lữ đoàn Nhảy dù này thuộc cấp số tổng trừ bị, dùng để “giải tỏa áp lực chiến trường” cho khắp các mặt trận ở Nam Việt Nam. Nếu bất cứ nơi nào trên lãnh thổ bị địch quân phong tỏa, Lữ đoàn 173 sẽ được gửi đến tham chiến nhằm giải tỏa áp lực, cho dù đã có hay không những đơn vị quân đội Mỹ khác đóng tại đó.
<!> 
Có thể là chỉ trong vài ngày, vài tuần, hoặc có khi vài tháng, hễ nơi nào Lữ đoàn 173 đặt chân tới, thì sớm muộn gì nhóm Tác chiến Điện tử 404 cũng có mặt bên cạnh. Trận Tết Mậu Thân 1968, Lữ đoàn 173 Dù đã phái một nhóm đặc nhiệm giúp giải tỏa cho doanh trại của Lực lượng Đặc biệt tại Kontum và Dak To, sau đó ở là khu vực Pleiku-Ban Mê Thuột. Các tiểu tổ Tác chiến Điện tử 404 cứ phải chia thành nhóm nhỏ rải ra tứ giăng. Chính vì vậy, nhóm 404 mà quân số cơ bản chỉ có 40 mống (không ai trong số này có được cái lon sĩ quan) giờ đây lại càng mỏng dính…
 
Ed Minnock là một anh chàng lanh lợi. Vào tháng Ba năm 1968, mới 19 tuổi, chỉ là binh nhì tò te, anh đã phải kiêm nhiệm trách vụ Trưởng toán hoạt động – vị trí vốn chỉ dành cho cỡ Thượng sĩ dày dạn kinh nghiệm.

Lều dã chiến

Minnock phải chịu trách nhiệm một tiểu tổ gồm 4 binh nhì khác, và nhóm đang hoạt động trong một căn lều dã chiến. Họ là tổ duy nhất còn lại ở căn cứ của nhóm Tác chiến Điện tử 404. Căn cứ hiện gần như trống hoác không người này ở cạnh Phú Hiệp, bên một thôn vắng heo hút cách Tuy Hòa khoảng năm dặm về phía nam. Công việc chính của nhóm là theo dõi thông tin liên lạc của đối phương trong khu vực Phú Yên, và tìm kiếm những tin tức tình báo về các hoạt động có thể đe dọa tới an ninh của thị xã Tuy Hòa. Đơn vị Tác chiến Điện tử đã bị bỏ quên ở đó từ tháng Giêng với rất ít đồ tiếp vận, không có phương tiện xe cộ đi lại. Minnock năm thì mười họa mới liên lạc với Bộ chỉ huy Lữ đoàn. Khi cần thiết phải gặp cấp trên, anh toàn phải đi ké trực thăng, quá giang xe vận tải, thậm chí có khi phải tự cuốc bộ.
 
Là thủ phủ của Phú Yên, Tuy Hòa là mục tiêu chính của cộng quân với hàng loạt các cơ sở hành chánh và mục tiêu quân sự của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đặt tại đây, có một nhà tù rộng lớn với hàng ngàn tù nhân Việt cộng, một căn cứ không quân quan trọng hàng đầu của Mỹ ở Nam Việt Nam với các chiến đấu cơ phản lực F100 sẵn sàng cất cánh. Vấn đề càng phức tạp hơn sau biến cố Tết Mậu Thân, khi khu vực này bị hàng ngàn người tìm cách tràn vào tỵ nạn, thị xã chợt đông ken với hơn 100.000 thường dân các loại ùa về tá túc.
 
Hôm đó là ngày 27 tháng 3 năm 1968. Minnock nhận thấy trong tần suất hoạt động các kênh liên lạc của đối phương mà tổ của anh vẫn thường xuyên giám sát bắt đầu xảy ra khác lạ. Dự kiến địch sắp mở chiến dịch quân sự lớn, anh vừa phân tích và tái phân tích một lượng lớn những dữ liệu thu thập được, vừa yêu cầu đồng đội chú ý tập trung mọi nỗ lực vào các mục tiêu đã phát hiện để cung cấp cho anh thêm càng nhiều dữ liệu càng tốt.
 

Binh nhì Ed Minnock, Jr.

Cho đến ngày 31 tháng 3, anh và nhóm của mình đã thu lượm được đầy đủ dữ kiện. Xử lý những dữ kiện này, với trực giác nhạy bén, Minnock đã viết một bản tường trình phân tích chiến thuật toàn diện, trong đó dự đoán toàn bộ về các đơn vị của Bắc cộng, quân số sẽ tham chiến, thời điểm sẽ xảy ra cuộc tấn công, các tuyến đường mà địch sẽ tiến quân cũng như rút lui, các mục tiêu chính mà trận công kích sẽ nhằm đến. Các mục tiêu đó bao gồm: các căn cứ Không quân Hoa Kỳ, một tiểu đoàn pháo binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đang đóng tại đây, một nhà tù lớn đầy nhóc tù binh Việt cộng sau Tết Mậu Thân, và hai cây cầu huyết mạch. Thời điểm tấn công sẽ xảy ra trong mười ngày tới.

 
Binh nhì Minnock đã cố gắng để báo cáo theo trình tự hệ thống quân giai lên các chỉ huy Lữ đoàn Dù 173, nhưng những nỗ lực của anh không được ai để ý. Các chỉ huy cấp thấp không thèm đếm xỉa, và anh phải tìm cách báo cáo vượt cấp, trình bày phát hiện của mình qua cửa hậu cho một đại tá vừa mới nhậm nhiệm sở.
 
Nguồn tin mà Minnock và nhóm của anh có được là loại Tình báo đặc biệt (SI), với quy định cực kỳ chặt chẽ về việc phổ biến thông tin. Chàng binh bét cố trình bày điều anh phát hiện với ông Đại tá, và cả những cơ sở cho dự đoán về cuộc tấn công sắp tới của địch. Anh đã thử diễn giải về các hoạt động quân sự sắp tới của Việt cộng, nhưng vì không thể tiết lộ nguồn tin thuộc hàng tuyệt mật của mình, anh không thể thuyết phục được cha nội Đại tá tin vào những tiên đoán mà thậm chí hoang đường với ngay cả cơ quan Tình báo Quân đội mà anh đang phục vụ!
 
Và Minnock nhận ra mình đã sai lầm khi ráo họng giải trình với Đại tá, anh đã trật lất khi tin tưởng vào trí tuệ và kinh nghiệm của một viên chức cấp cao vòi vọi. Ông Đại tá cho rằng với loại binh nhì tép riu như anh thì biết quái gì về quân sự, ổng tống cổ chàng lính trẻ ra ngoài sau khi tụng một tràng nghiêm huấn về hệ thống quân giai cần được tuân thủ theo đúng trình tự.
 
Không được lắng nghe và thấu hiểu, nhưng anh vẫn quyết tâm phải tìm bằng được người nào đó biết nghe mình. Minnock nghĩ tới Chỉ huy trưởng Trung đoàn 26 thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn. Các đơn vị của Hàn quốc hiện đóng tại Tuy Hòa. Trung đoàn 26 đang triển khai cuộc hành quân Tìm và Diệt, và sẽ tung khoảng 3.000 lính bộ binh vào chiến dịch, điều đó có nghĩa là sức phòng ngự của thị xã Tuy Hòa sẽ càng thêm suy yếu. Minnock xin diện kiến ông ta, với hy vọng một Chỉ huy trưởng sẽ hủy bỏ cuộc hành quân đã lên kế hoạch sau khi được thuyết phục bởi một anh Binh nhì Đơn vị ASA!
 
Ed Minnock không có ý đánh lừa vị chỉ huy Đại Hàn. Từ khi còn là đứa trẻ, anh đã luôn nghiêm chỉnh, người cha quân nhân dạy anh là phải tuân thủ đúng theo điều lệnh và cấp bậc. Nhưng vì các chiến binh Lữ đoàn Dù 173 và nhất là toán Tác chiến Điện tử 404 hầu như chẳng mấy ai đeo lon hoặc bảng tên, vì vậy người ngoài không thể phân biệt được Minnock là binh nhì hay sĩ quan; vị Đại tá Hàn quốc lại không hề hỏi han tới cấp bậc mà chỉ căn cứ vào phong thái tự tin của Edward Minnock Jr, điều mà anh chàng này không hề thiếu. Vị chỉ huy chăm chú lắng nghe báo cáo của Minnock, đánh giá thái độ, sự thuyết phục của báo cáo, và mức độ nắm rõ các sự kiện của diễn giả. Trên hết thảy, ông rất ấn tượng bởi cung cách phân tích, ý kiến xử lý tình hình của chàng trai. Nhân viên tình báo Mỹ trẻ măng này rõ ràng là một chuyên viên nắm rõ công việc của mình, ông chỉ huy Đại Hàn thậm chí còn cho rằng anh hẳn phải là một sĩ quan.
 
Tin tưởng vào những gì Minnock vừa báo cáo và nhanh chóng nắm được toàn bộ tính nghiêm trọng của sự việc, vị chỉ huy lập tức tự biết mình phải làm gì. Ông liên lạc ngay với cố vấn MACV (Bộ chỉ huy Quân sự), phân tích tình hình và giải thích rằng ông đã thay đổi mục tiêu cuộc hành quân Tìm và Diệt để chuyển thành “Diệt gọn”. Kế hoạch hành quân của ông không nhằm ngăn chặn đường tấn công của quân Bắc Việt vào Tuy Hòa, mà sẽ là phục kích dọc theo các đường tiến quân đó, đợi đối phương lún sâu vào bẫy rồi mới tém gọn. Ông ra lệnh tắt mọi liên lạc vô tuyến. Kể từ lúc này, tất cả những thông tin, lệnh hành quân của Trung đoàn chỉ được chuyển nhận bằng thư tín trao tay, để bảo đảm bí mật tuyệt đối cho kế hoạch phục kích.
 
Bước tiếp theo, Minnock phải tính tới cây cầu trên trục lộ chính của cửa ngỏ thành phố, với trường hợp quân Bắc Việt sau khi mắc mưu ông Chỉ huy trưởng Đại Hàn sẽ rút qua đây. Cây cầu chỉ được vài tay súng Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ, chắc chắn họ không thể ngăn chặn được quyết tâm tháo lui của tụi bộ đội Bắc Việt chính quy.
 
Minnock tiếp xúc với viên Đại úy Đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 16 Kỵ binh, một đơn vị của Lữ đoàn 173 Nhảy dù. Đơn vị của ông Đại úy đang dưỡng quân tại Phú Hiệp, cũng là nơi đội 404 trú đóng, Minnock có quen biết ông ta sơ sơ. Chàng binh nhì báo cáo tình hình cho vị Đại úy, nói với ông ta về kế hoạch triển khai của Mãnh Hổ Đại Hàn, và yêu cầu ông giúp tăng viện cho cây cầu bằng các chiến xa bọc thép của ông. Đại úy bèn liên lạc với thượng cấp, “thượng cấp” lại chính là cha nội Đại tá đã đuổi Minnock trước đó, dĩ nhiên Đại tá không chấp nhận đề nghị xi-ba-chao kia, đã vậy lão còn không chịu hủy bỏ cuộc diễn tập của Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 503 sẽ diễn ra ở khu vực lân cận.
 
Sau những đắn đo và hoàn toàn lượng định được những hậu quả mình sẽ gánh chịu nếu tiên liệu của Minnock là sai lầm, vị Đại úy Đại đội trưởng đã tự có quyết định. Ông làm theo bản năng của người lính là phải có đồ chơi để đón tiếp cuộc viếng thăm sắp tới của kẻ địch, và ông cho hàng chục xe bọc thép dàn hàng, cộng thêm mười hai đại liên 50, hai mươi bốn súng máy 7,62 ly chờ sẵn trên độc đạo dẫn đến cây cầu.
 
* * *
 
Ba ngày trước cuộc tấn công, binh nhì Minnock gặp một người quen đáng tin cậy, Đại úy John Moon, người trước đây từng hoạt động trong đơn vị Tình báo Quân sự của Lữ đoàn Dù 173, ông mới trở về Phú Hiệp dạo gần đây. Minnock hầu như đã hoàn tất đến từng chi tiết cho kế hoạch bảo vệ thị xã, nhưng nếu có thêm sự cố vấn hoặc giúp đỡ nữa thì càng tốt chứ sao…
 
Moon lắng nghe phân tích của Minnock, thẩm định tình hình, và sau đó đề nghị phải tiến hành phá hoại khu Trung tâm Hành quân của Sư đoàn 5 Bộ đội Việt cộng trước khi nó được sẵn sàng cho việc chỉ huy các lực lượng.
 
Đại úy Moon cho biết: trước khi tấn công, Bộ đội Sư đoàn 5 Bắc Việt sẽ triển khai Bộ tư lệnh chiến trường đến một khu phức hợp gồm những địa đạo và hang động bí mật ở phía tây nam của thị xã Tuy Hòa. Tình báo Quân sự đã xác định được vị trí khu vực này, vấn đề là làm thế nào để bùm được các hầm hố, hang động kiên cố âm sâu 15 feet dưới đất và có cây cối chèn đệm bên trên kia.
 
Hai mươi bốn giờ sau đó, Minnock và Moon đã âu yếm nựng nịu một kiện hàng đóng gói bự chảng gồm 200 trái nổ công phá thứ dữ, đây là quà tặng bá nạp mà họ gom được từ các khẩu đội Pháo binh của Hàn quốc, Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ.
 
Sau đó, Không quân Mỹ đã thả những thùng đựng chất cháy hỗn hợp tương tự bom napalm, kích hỏa và tiếp theo đó với bom 500 cân. Bộ tư lệnh Chiến trường bí mật của cộng hoàn toàn thúi hẻo. Làm thế nào mà Minnock và Moon hoàn thành được kỳ tích đó? Việc này giờ đây ta chỉ có thể phỏng đoán, và tốt hơn có lẽ nên chừa nó lại cho lịch sử. Đôi bạn chiến binh đã tự trám miệng mình, không thèm hé răng về nó nửa lời.
 
Sáng sớm ngày 5 tháng 4, Trung đoàn 95 Bắc Việt bắt đầu triển khai ba tiểu đoàn của chúng trong một cuộc tấn công chĩa ba sắc nhọn, đúng như tiên đoán của binh nhì Minnock. Vào cuối ngày 6 tháng 4, các đơn vị của Trung đoàn 26 Bộ binh thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn đã ém quân dọc theo hai bên các lối tiến công mà ba Tiểu đoàn Việt cộng sẽ phải đi qua, và quỷ thần ơi, là với tỷ lệ chênh lệch quân số 3:1 nghiêng về phía Đại Hàn. Quân Bắc Việt rất ngán đụng độ lính Đại Hàn. Binh lính Hàn quốc được đào tạo kỹ càng về võ thuật (một hình thức sơ khai của Taekwando), chỉ trang bị gọn nhẹ súng trường, lưỡi lê, dao, và kỹ năng chiến đấu xáp lá cà. Với chủ trương không hưỡn đâu mà chăn tù binh, họ thường hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả và thành công nhất.
 
Trong báo cáo phân tích tình hình chiến trường của Bộ Tư lệnh Sư đoàn [Mãnh Hổ], vào các ngày từ 23 tới 29 tháng Giêng năm 1968 là minh họa rõ ràng nhất cho kỹ thuật chiến đấu của họ. Quân đội Đại Hàn trong trận đụng độ với lực lượng đối phương ở gần Phù Cát đã: “Nhanh chóng phản ứng, triển khai sáu đại đội cơ động bao vây toàn bộ lực lượng đối phương. Quân đội Đại Hàn từ từ xiết chặt vòng vây, liên tục quần thảo với địch suốt cả ban ngày và duy trì luôn áp lực tới ban đêm, bịt kín mọi khả năng rút lui của chúng. Kết quả sau sáu ngày chiến đấu, 278 quân Bắc Việt bị loại khỏi vòng chiến, với tổn thất là 11 lính Đại Hàn hy sinh, tỷ lệ thiệt hại giữa địch và ta là 25,3 đổi 1”.
 
Khi trận phục kích chiến nổ ra tại Tuy Hòa, chỉ có khoảng 50 tên trong tổng số 1.000 quân địch thoát khỏi cuộc tàn sát của Mãnh Hổ Đại Hàn, mấy chục chú bộ đội may mắn này hú hồn vì thoát được chiến trường, bèn trực chỉ cây cầu chính của Tuy Hòa dzọt lẹ, để rồi lọt tõm vào dàn nhạc đệm bằng súng máy, đại liên và M-16 của Đại đội 16 Thiết giáp. Toàn thể các chú bộ đội vậy là hy sinh anh dũng, chỉ duy nhất có một chú sống sót sau trận tấn công nhớ đời này, đó là một du kích 17 tuổi thuộc Tiểu đoàn 85 Bộ đội địa phương. Anh chàng cải trang thường dân lẩn trốn vào thị xã, nhưng sau đó cũng bị túm. Trung đoàn 95 Bộ đội Bắc Việt đã bị xóa sổ sạch trơn, như chùi đít.
 
Sau trận chiến, các tướng lĩnh Mỹ và Việt Nam oai nghi hý hửng đón nhận những lời ca ngợi chiến công gọn ghẽ tuyệt vời của họ. Giữa ồn ào của hàng tràng tán dương, vị Đại tá Đại Hàn len lỏi đi tìm Ed Minnock. Ông muốn được gặp lại anh “Đại úy Quân báo”, người đã bắt trúng tẩy các vị tướng Bắc Việt.
 
Sau những báo cáo tổng kết cuối cùng, Binh nhì Edward Minnock và Biệt đội Tác chiến Điện tử 404 được ghi công, cộng với chiến công tiêu diệt căn cứ đặt bản doanh của Sư đoàn 5 Bắc Việt, riêng Minnock được đề nghị tưởng thưởng Huy chương Đồng. Chỉ huy trưởng Trung đoàn 26 Bộ binh Đại Hàn lấy làm bất mãn với huy chương đó, ông trực tiếp đến gặp Đại tướng Richard J. Allen, Tư lệnh Lữ đoàn Dù 173 để đích thân cám ơn về thông tin quý giá của đội Tác chiến Điện tử 404. Khi Tướng Allen hoàn toàn hiểu hết những gì Binh nhì Minnock đã thực hiện, cũng như cách anh chàng làm điều đó, ông cho thu hồi chiếc Huy chương Đồng để trao tặng Minnock Huy chương Legion of Merit (danh giá hơn Huy chương Đồng hai bậc). Huy chương này được chính Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn 313 ASA trao tặng, với sự chuẩn nhận của Đại tướng Allen, Chuẩn tướng Leo H. Schweiter và các chỉ huy của ASA – Thái Bình Dương và Cơ quan An ninh Quân đội.
 
Edward W. Minnock Jr là Binh nhì đầu tiên của quân đội Mỹ được trao The Legion of Merit. Huy chương The Legion of Merit là một trong hai Huy chương Quân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ, chỉ để trao tặng cho hành động đặc biệt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thông thường nó chỉ dành tưởng thưởng các sĩ quan, các chỉ huy đơn vị hay những chuyên viên cao cấp, đôi khi nó có thể được trao tặng cho cán bộ cấp bậc thấp hơn, nhưng điều này cũng ít khi xảy ra. Chưa từng có ai ngờ được rằng lại có ngày nó được trao tặng cho một Binh nhì Quân báo 19 tuổi, quê ở Massachusetts cù lần lửa.
 
Khi nghe nói mình được nâng level cho Huy chương lên thành Legion of Merit, Minnock bảo: “Thứ gì kỳ cục, nghe tên y như huy chương của Pháp, tôi muốn giữ lại Huy chương Đồng hơn”. Hú vía, may là anh đã không bị ghép tội bất tuân thượng lệnh với phát biểu linh tinh này. Một quân nhân kháng lệnh sẽ phải bị giáng cấp, mà anh lại là lính bét, dẫu có muốn cũng hết đường giáng, bởi quân đội Hoa Kỳ làm gì có… Binh út!
 
Trong ngày Minnock nhận huy chương, vị Đại tướng Tư lệnh quàng vai chàng chiến binh trẻ, thủ thỉ rù rì: “Anh đã thực hiện tốt những công việc mà một đại tá phải gánh vác, nếu anh mà sai thì tôi đã thiến dái anh. Tóm lại là: anh xứng đáng được tưởng thưởng ngang với một vị đại tá”.
 
* * *
 
Ed Minnock được khắc tên vào Bảng vinh danh (Hall of Fame) của Quân báo tại Ft Huachuca, Arizona, vào năm 1990. Sharon Minnock, em gái ông, cho hay: “Tôi biết cha tôi luôn tự hào về Ed, và Ed cũng rất tự hào về cha chúng tôi. Ngay sau khi Ed được khắc tên trên Hall of Fame vào năm 1990, tôi đã chúc mừng ảnh. Và ảnh bảo là chính cha chúng tôi mới thực sự là người xứng được vinh danh, vì ông đã dành trọn ba mươi năm trong cuộc đời mình để cống hiến cho nghành Quân báo, đã nghỉ hưu với cấp bậc E-9, cấp bậc cao nhất mà một quân nhân có thể đạt được. Ông đáng được công nhận và vinh danh hơn là một anh lính tò te chỉ phục vụ được vài năm quân ngũ”.
 
Tiến sĩ Ed Minnock qua đời vào ngày 2 tháng 8 năm 2011, ở tuổi 63.

Không có nhận xét nào: