Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Điểm Tin Thế Giới ngày 31/10/2020 - Hoa Tự Do

Cố vấn Nhà Trắng: Hollywood và NBA là ‘kẻ ngốc hữu dụng’ của ĐCSTQ

Ngày 30/10, nhà kinh tế và Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói rằng các vận động viên Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NBA) và những người nổi tiếng ở Hollywood là “những kẻ ngốc hữu dụng” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).Trong chương trình “American Thought Leaders (Nhà lãnh đạo tư tưởng Mỹ)” của The Epoch Times, Cố vấn Nhà trắng cho biết, các vận động viên bóng rổ đều không dám lên tiếng về chế độ Trung Quốc vì họ đều bị trói buộc vào lợi ích với chế độ độc tài này.

<!>

Cố vấn Navarro nói: “Họ câm lặng và tránh né khi nói về chủ đề Trung Quốc”. Ông cũng nói thêm rằng, “các cơ sở sản xuất bóc lột lao động ở Trung Quốc” thậm chí còn “sản xuất giày thể thao cho các ngôi sao của họ” và “bán [chúng] lại cho trẻ em Mỹ”.

Nhưng “vấn đề lớn hơn”, theo ông Navarro, là “họ liên tục tuyên truyền rằng bằng cách nào đó, chính phủ độc tài và hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa của [ĐCSTQ] vượt trội hơn chúng ta”.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Navarro cho biết, Hollywood cũng đang “khấu đầu” trước ĐCSTQ. Ông cũng nhấn mạnh rằng, đã có sự thúc đẩy các hãng phim loại để bỏ đi những nội dung “nhạy cảm”, khiến bộ phim phù hợp hơn với thị hiếu của khán giả Trung Quốc và những người kiểm duyệt phim của chế độ.

TT Trump chạy đua nước rút ở bang chiến trường Trung Tây

The Epoch Times đưa tin, Tổng thống Trump hôm 30/10 tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri ở miền Trung Tây, khi còn 4 ngày đến cuộc bầu cử.

Ông Trump đã tổ chức sự kiện vận động tranh cử ở Michigan trước các điểm dừng chân tiếp theo được lên kế hoạch ở Wisconsin và Minnesota.

“Một lá phiếu bầu cho tôi đồng nghĩa với việc giữ và tạo việc làm trong ngành ô tô và tất cả các loại công việc ở Michigan”, Tổng thống Trump nói tại thị trấn Waterford. Ông cũng cảnh báo công nhân trong ngành sản xuất ô tô của bang rằng các chính sách của đối thủ Joe Biden sẽ đe dọa việc làm của họ.

Phát biểu trước các cử tri, ông Trump cho rằng đối thủ Joe Biden đã đứng về phía Trung Quốc.

Theo Breitbart, Tổng thống Trump cho rằng rằng ông Biden đã khiến các ngành công nghiệp của Michigan “tài trợ cho sự trỗi dậy của Trung Quốc”, loại bỏ “một nửa tổng số việc làm trong ngành sản xuất ô tô ở Michigan”.

Indonesia trục xuất ba người Duy Ngô Nhĩ đến Trung Quốc trước chuyến thăm của ông Pompeo

Tờ South China Morning Post hôm 30/10 dẫn một nguồn tin an ninh cấp cao của Indonesia, cho biết nước này đã trục xuất ba người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc sau khi họ ra tù vào tuần này.

Nguồn tin giấu tên nói rằng: “Họ đã được đưa về Trung Quốc trên một chuyến bay đặc biệt do chính phủ [Trung Quốc] thuê”.

Nguồn tin cho biết động thái này xảy ra “hai đến ba ngày trước” – trước khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến thăm Indonesia, nơi ông  gặp Tổng thống Joko Widodo. Trong thời gian dừng chân ở Jakarta, ông Pompeo kêu gọi người Hồi giáo Indonesia và các nhà lãnh đạo tôn giáo không “ngoảnh mặt” trước những đau khổ của người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết ba người Duy Ngô Nhĩ gần như chắc chắn sẽ bị ngược đãi khi trở về Trung Quốc.

Brad Adams, giám đốc điều hành khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng: “Thực tiễn trong quá khứ cho thấy những người này có nguy cơ bị kết án nghiêm khắc, bao gồm cả án tử hình. Chính phủ Indonesia biết rằng chính phủ Trung Quốc thường xuyên bắt bớ người Duy Ngô Nhĩ nhưng dường như nó đã đưa ra một quyết định vô tâm khi đối mặt với trách nhiệm pháp lý củaình để bảo vệ người dân khỏi sự đàn áp”.

Armenia và Azerbaijan nhất trí các biện pháp tháo gỡ xung đột

Theo DW, Ngoại trưởng hai nước Armenia và Azerbaijan hôm 30/10 đã nhất trí các biện pháp nhằm tháo gỡ xung đột tại khu vực Nagorny-Karabakh, song không đề cập cam kết ngừng bắn mới.

Theo một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp, Armenia và Azerbaijan nhất trí không nhằm vào dân thường hoặc các mục tiêu phi quân sự ở Nagorny-Karabakh, phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.

Hai bên cũng đồng ý tìm kiếm và trao đổi thi thể những người thiệt mạng trên chiến trường; đồng thời trong vòng một tuần sẽ cung cấp danh sách tù binh cho Tổ chức Chữ thập Đỏ để tiến hành trao đổi.

Anh có thể sắp phong tỏa toàn quốc lần hai

Reuters dẫn tin từ The Times hôm 30/10 cho biết, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang xem xét áp dụng các biện pháp phong tỏa toàn quốc vào tuần tới, trong bối cảnh các ca nhiễm virus Vũ Hán đang tăng mạnh ở quốc gia này.

Tờ báo Anh cho biết thêm, các hạn chế mới có thể được áp dụng từ thứ Tư (4/11) đến ngày 1/12.

Ông Johnson dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào thứ Hai (2/11) để công bố các biện pháp hạn chế mới, theo đó mọi cơ sở đều có thể bị đóng cửa, trừ các cửa hàng thiết yếu và “cơ sở giáo dục”.

Anh hiện ghi nhận gần 990.000 ca nhiễm và hơn 46.000 ca tử vong. Một số quốc gia châu Âu như Pháp, Bỉ, Đức đã công bố lệnh phong tỏa lần hai khi các ca nhiễm tăng nhanh.

Đội quân mạng Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Iran can thiệp nghiêm trọng bầu cử các nước

Viện Chính sách Chiến lược Australia đã tiến hành một nghiên cứu về sự can thiệp của các lực lượng đội quân mạng nước ngoài vào các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý trên khắp thế giới. Vì vậy đã phát hiện Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên, đều đang cố gắng sử dụng các lực lượng đội quân mạng, để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020.

Trong số đó, lực lượng mạng trực tuyến lớn nhất đã được triển khai trong những năm gần đây đều đến từ Nga và Trung Quốc. Ba nạn nhân chính là Hoa Kỳ, Anh và Đài Loan đã bị các cuộc tấn công và gây rối của quân đội mạng internet với quy mô lớn. Tổng thống Đảng Dân Tiến bà Thái Anh Văn là một trong những mục tiêu chính trong các cuộc tấn công bằng đội quân mạng của ĐCSTQ.

Ngày 28/10, Viện Chính sách Chiến lược Australia đã đưa ra cáo buộc về “Các lực lượng nước ngoài sử dụng Internet để can thiệp vào bầu cử và trưng cầu dân ý” nhắm vào 41 cuộc bầu cử và 7 cuộc trưng cầu dân ý trên thế giới (từ tháng 1/2010 đến 10/2020).

Phân tích chỉ ra rằng, Nga là quốc gia tung ra đội quân mạng lớn nhất, để can thiệp vào các cuộc bỏ phiếu của nước ngoài. Và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã liên tục đứng đằng sau chỉ đạo cho các cuộc mở rộng đội quân mạng trong suốt hai năm qua.

Ngoài ra, các lực lượng mạng của Iran và Triều Tiên cũng đã cố gắng can thiệp vào các cuộc bỏ phiếu ở nước ngoài từ năm 2019 đến năm 2020. Bốn quốc gia này, đều đang tận lực sử dụng lực lượng mạng, để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Báo cáo chỉ ra chiến thuật được đội quân mạng sử dụng để can thiệp vào hàng loạt hệ thống đăng ký cử tri trực tuyến, bỏ phiếu trực tuyến, do chính phủ nước ngoài tổ chức. Đồng thời lực lượng này còn phát động các cuộc tấn công, như từ chối dịch vụ, dùng tin tặc hoặc robot để vô hiệu hóa Internet hoặc hệ thống bỏ phiếu và thực hiện các cuộc tấn công lừa đảo có quy mô, tạo trang web giả mạo, email giả và thậm chí cả menu bỏ phiếu giả. Ngoài ra, họ còn tạo nhiều thông tin sai lệch lan truyền trên mạng, nhằm làm gián đoạn sự chú ý của các chính trị gia, nhà báo và cử tri về chiến dịch tranh cử.

Báo cáo cũng nêu rõ, đội quân mạng đã sử dụng các chiến thuật này để phát triển một cuộc tấn công bằng Internet, nhằm can thiệp vào các cuộc bầu cử nước ngoài, từ đó tác động đến cử tri nước ngoài, thao túng thông tin và khiến người dân mất lòng tin vào các quyền dân chủ.

Báo cáo cho thấy Đài Loan, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh là ba nạn nhân hàng đầu của các cuộc tấn công mạng bởi đội quân mạng nước ngoài nhằm phá hoại các cuộc bầu cử lớn nhất thế giới. Trong đó có Đài Loan, đặc biệt là Tổng thống Thái Anh Văn và Đảng Dân Tiến của bà là mục tiêu chính của đội quân mạng ĐCSTQ.

Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) chỉ ra rằng trong 10 năm qua, ĐCSTQ đã tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào 10 cuộc bầu cử được tổ chức ở 7 quốc gia và khu vực. Trong 3 năm qua, quân đội mạng của ĐCSTQ đã mở rộng các cuộc tấn công mạng, nhằm vào khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Viện Chính sách Chiến lược Australia nhắc nhở rằng, các nền dân chủ hiện tại chưa đưa ra các biện pháp đối phó rõ ràng. Mặc dù, các nhà chức trách đã phát hiện ra các động thái của các lực lượng mạng nước ngoài, nhưng họ vẫn chưa thể ngăn chặn được các cuộc tấn công này.

Các nước dân chủ thường được tin là luôn đề cao các nguyên tắc cơ bản của xã hội tự do ngôn luận và trao đổi ý kiến, nhưng lại rất dễ bị các lực lượng mạng can thiệp bầu cử. Cho dù vậy, các nền dân chủ cũng không cần thiết phải áp đặt các đạo luật quá khắc nghiệt. Nó sẽ làm suy yếu các quyền dân chủ của con người. Nếu muốn chống lại các cuộc tấn công mạng của nước ngoài, các quốc gia dân chủ nên bắt đầu với việc xác định rõ những thế lực đang đứng sau thao túng và tìm phương án để chống lại các lực lượng mạng nước ngoài đó, ASPI đưa ra khuyến nghị.

Nhật Bản dự định ngừng mua máy bay không người lái của Trung Quốc để tăng cường an ninh quốc gia

Theo các nguồn tin trong chính phủ Nhật Bản và đảng cầm quyền, vì để bảo vệ thông tin nhạy cảm, chính phủ Nhật Bản có thể ngừng mua máy bay không người lái từ các nhà cung cấp Trung Quốc như một phần trong việc tăng cường chính sách an ninh quốc gia, theo Sound of Hope.

“Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương” của Đài Loan trích báo cáo của Reuters vào ngày 30/10 nói rằng, theo chính phủ Nhật Bản và 6 người thạo tin trong đảng cầm quyền, để bảo vệ thông tin nhạy cảm, chính phủ Nhật Bản có thể ngừng mua máy bay không người lái từ các nhà cung cấp Trung Quốc như một hành động để củng cố an ninh đất nước.

Hiện tại, công nghệ thông tin (IT), chuỗi cung ứng, an ninh mạng và sở hữu trí tuệ là những mối quan tâm chính của chính phủ Nhật Bản.

Theo báo cáo, Nhật Bản cố gắng hết sức để đạt được sự cân bằng trong việc phụ thuộc kinh tế cao vào Trung Quốc và mối lo ngại về an ninh quốc gia. Đặc biệt là vào thời điểm Bắc Kinh ngày càng đẩy mạnh xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm như máy bay không người lái thương mại và camera giám sát.

Ngoài ra, với tư cách là đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng phải đưa ra lựa chọn khi mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn và rất quan trọng đối với Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng rất lo ngại công nghệ thông tin tiên tiến có thể bị rò rỉ cho Trung Quốc, và những điều đó có thể bị phía Trung Quốc chuyển sang sử dụng cho quân đội.

Hiện tại, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có hàng trăm máy bay không người lái, một số do các công ty Trung Quốc sản xuất. Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản có khoảng 30 chiếc, hầu hết đều được sản xuất tại Trung Quốc. Cả hai cơ quan này đều tuyên bố rằng, họ không sử dụng máy bay không người lái của Trung Quốc cho các vấn đề liên quan đến an toàn. 

Theo báo cáo, vẫn chưa rõ có cần phải thay thế tất cả các máy bay không người lái hay không, nhưng theo chính sách sửa đổi, những máy bay không người lái mới được sử dụng cho các nhiệm vụ nhạy cảm như điều tra tội phạm, cơ sở hạ tầng và cứu hộ khẩn cấp cần phải đảm bảo rằng, dữ liệu sẽ không bị rò rỉ và phải trải qua các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt hơn.

Các chính sách này sẽ có hiệu lực vào tháng 4/2021. Mặc dù không có quốc gia nào được nêu tên cụ thể, nhưng các nguồn tin cấp cao từ chính phủ Nhật Bản và đảng cầm quyền nói rằng, những chính sách này được thiết lập là nhằm vào Trung Quốc.

Những chính sách này sẽ bao gồm các quy định đầu tư mới dành cho người nước ngoài được ban hành vào năm ngoái và các thành viên của đảng cầm quyền cũng đang chuẩn bị một đề xuất pháp lý toàn diện sẽ được tiết lộ trong năm nay để thúc đẩy an ninh kinh tế.

Ngoài ra, hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản đã thành lập một bộ phận mới vào tháng 4 để điều tra mức độ ảnh hưởng của công nghệ tiên tiến và các vấn đề kinh tế khác liên quan đến an ninh quốc gia.

Theo các báo cáo, chính sách mới có khả năng thúc đẩy chính phủ Nhật Bản mua máy bay không người lái từ Nhật Bản, điều này có thể mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất máy bay không người lái nội địa Nhật Bản.

Động đất rung chuyển Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ

Reuters đưa tin, một trận động đất 7 độ xảy ra ở khu vực biển Aegean hôm 30/10 khiến cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp rung chuyển, ít nhất 14 người thiệt mạng, nhiều tòa nhà sụp đổ, sóng thủy triều đổ ập vào các khu vực ven biển và hải đảo.

Cơ quan Kiểm soát Thảm họa và Tình trạng khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) cho biết trận động đất mạnh khoảng 6,6 độ, tâm chấn nằm ở độ sâu 16 km, cách bờ biển tỉnh Izmir, phía tây nước này khoảng 17 km. Trong khi đó, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) thông báo cường độ động đất là 7, độ sâu tâm chấn là 10 km, cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ 33,5 km và nằm gần đảo Samos của Hy Lạp.

Chủ tịch AFAD cho biết 12 người chết và 419 người bị thương ở nước này. Trên hòn đảo Samos của Hy Lạp, hai thiếu niên, một nam, một nữ, đã thiệt mạng trong khu vực có một bức tường bị sập.

AFAD thông tin, các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ vẫn tiếp tục tại 17 tòa nhà bị sập hoặc bị hư hại.

Báo cáo: Chính quyền Kim Jung Un tra tấn tàn bạo tín đồ Cơ Đốc

Một báo cáo mới đây của Tổ chức Sáng kiến Tương lai Triều Tiên (KFI) có trụ sở tại London, Anh tiết lộ cách đối xử tàn bạo của chính quyền họ Kim đối với các tín đồ Cơ Đốc giáo. KFI đã phỏng vấn 117 người bị đàn áp còn sống sót sau quá trình điều trị, trải dài từ năm 1990 đến năm 2019.

Một người đàn ông đã kể về việc anh đã bị nhốt trong một chiếc lồng điện vì tín ngưỡng của mình. Thậm chí, sau khi bị nhốt trong lồng hàng giờ đồng hồ rồi lăn ra ngất xỉu, lính canh liên tục đánh người tù.

Báo cáo của KFI cũng tiết lộ rằng nhiều người đã bị giết vì sở hữu kinh thánh, trong đó có trường hợp của một thành viên Đảng Công nhân Triều Tiên. Người này đã bị bắt vì sở hữu một cuốn kinh thánh và sau đó bị bắn trước mặt 3.000 cư dân. Các nữ tín đồ Cơ Đốc bị đối xử đặc biệt tồi tệ, nhiều người buộc phải phá thai khi ở trong trại tù. Cuộc điều tra cho biết 78 người đã bị bức hại vì sở hữu các vật phẩm tôn giáo.

Một người bình luận: “Nếu may mắn, bạn sẽ bị bắn. Nếu bạn không may mắn, bạn sẽ bị đưa vào trại tù chính trị”. Dưới triều đại Kim, tôn giáo, đặc biệt là Cơ đốc giáo đã bị loại bỏ ở Bắc Triều Tiên vì lãnh tụ tối cao được coi là Thượng đế, không có tôn giáo nào khác có thể tồn tại.

Ông Navarro: Nếu đắc cử, ông Trump sẽ tiếp tục cứng rắn với ĐCSTQ

Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết, nếu tái đắc cử, Tổng thống Trump sẽ tiếp tục các hành động cứng rắn để chống lại các mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo Epoch Times.

Ông Navarro cho biết, chưa có tổng thống Mỹ nào đứng lên chống lại chính quyền Trung Quốc như Tổng thống Trump, cố vấn Nhà Trắng dẫn chứng một loạt các hành động mà chính quyền Trump đã thực hiện như chính sách thuế với hàng hóa Trung Quốc, chế tài Huawei, cũng như các biện pháp trừng phạt nhắm vào Bắc Kinh vì làm xói mòn tự do của Hồng Kông và gây hấn quân sự trên Biển Đông.

“Trong nhiệm kỳ thứ hai, bạn chắc chắn có thể trông đợi một loạt hành động cứng rắn sẽ tiếp tục đối với [chính quyền] Trung Quốc”, ông Navarro nói trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times.

“Đây là một tổng thống đã có quan điểm rất kiên quyết với [chính quyền] Trung Quốc và sẽ tiếp tục làm như vậy”, cố vấn của Tòa Bạch Ốc nói thêm.

Navarro nói rằng ông có một điều “hối tiếc” trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump vừa qua, đó là “chúng tôi đã không thể thông qua các phương tiện truyền thông chính thống để nâng cao nhận thức của người dân Mỹ rằng loại virus này [virus Vũ Hán] thực sự đến từ Đảng Cộng sản Trung Quốc và chúng đang giết người Mỹ”.

“Nên bày tỏ quan điểm mạnh mẽ hơn [về vấn đề virus Vũ Hán] so những gì đã làm. Vấn đề này nên gắn kết nhiều hơn với thùng phiếu”, ông nói thêm.

Chính quyền Trump đã nhiều lần chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc vì tổ chức này che đậy sự bùng phát dịch ở thành phố Vũ Hán, khiến Covid lây lan ra toàn cầu.

Kể từ đầu năm nay, chính quyền Trump đã đối đầu với ĐCSTQ ở một loạt vấn đề, bao gồm gián điệp, xâm nhập và can thiệp vào xã hội Hoa Kỳ, các mối đe dọa an ninh, vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Hồng Kông, bắt nạt ở Biển Đông và đe dọa Đài Loan.

Ông Navarro cho biết chính quyền Trump cũng đang làm việc để ngăn chặn dòng vốn đầu tư từ một số thực thể Mỹ giúp ĐCSTQ hưởng lợi, đặc biệt là quân đội của tổ chức này. Vào tháng Năm, Washington đã chặn các khoản đầu tư của Kế hoạch Tiết kiệm (TSP) – quỹ lương hưu chính cho nhân viên chính phủ liên bang, bao gồm cả quân nhân Hoa Kỳ – vào cổ phiếu Trung Quốc.

Khi nhận được yêu cầu bình luận về việc Phố Wall tiếp tục tăng cường đầu tư vào Trung Quốc, ông Navarro nói rằng “Họ không có đạo đức hay lòng yêu nước. Tất cả đều là vì tiền”.

Quan chức Mỹ xác nhận cáo buộc của Bobulinski về Hunter Biden ‘dường như đúng’

Chủ tịch Bộ An ninh Nội địa Thượng viện Ron Johnson, người đã điều tra các email và tài liệu liên quan đến các giao dịch kinh doanh của Hunter Biden ở nước ngoài, khẳng định rằng tuyên bố của cựu cộng sự kinh doanh của Hunter là Tony Bobulinski hồi đầu tuần “dường như là xác thực”.

“Tất cả quá trình xác minh mà chúng tôi đang thực hiện cho thấy chúng tôi không đưa ra bất kỳ sự khác biệt nào (với tuyên bố của Bobulinski). Với những gì chúng tôi đã xem xét cho đến nay, mọi thứ dường như là xác thực”, ông Johnson nói với Fox News vào tối thứ Năm (29/10) khi được hỏi về những tuyên bố của Tony Bobulinski, một cựu cộng sự kinh doanh của Hunter Biden.

Bobulinski, đầu tuần này, đã nói với Fox News và cho biết trong một cuộc họp báo tuần trước rằng Hunter Biden và một số cộng sự hồi 2017 đã đưa ông vào một thỏa thuận với công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Trung Quốc CEFC, thương vụ này có liên quan đến một tỷ phú thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc . Bobulinski cho biết ông đã gặp Joe Biden vào tháng 5 năm đó và dành một giờ để nói về thương vụ này.

Mỹ tăng cường hợp tác với Greenland, đẩy Trung Quốc khỏi Bắc Cực

Hoa Kỳ và Greenland đang đàm phán để tìm kiếm một thỏa thuận nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Bắc Cực, theo một báo cáo mới được công bố hôm thứ Năm (29/10), The BL đưa tin.

Tờ Wall Street Journal tiết lộ rằng, hôm thứ Tư (28/10), một số quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đã gặp và thảo luận với các quan chức ở lãnh thổ tự trị của Đan Mạch và sắp ký kết các thỏa thuận về hợp tác an ninh và ngoại giao, cũng như các sáng kiến thương mại và đầu tư.

Một trong những quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien đã thảo luận trực tuyến với các quan chức của Greenland về việc tăng cường hợp tác và loại trừ các hành động của ĐCSTQ nhằm tìm kiếm chỗ đứng ở Bắc Cực.

Trong số các thỏa thuận, Hoa Kỳ sẽ giúp Greenland tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đây là một động thái thực hiện các quyết định tài chính năm 2020 của chính quyền Trump nhằm giám sát đầu tư nước ngoài cũng như các hoạt động quân sự của ĐCSTQ ở Bắc Cực.

Năm ngoái, Lầu Năm Góc đã báo cáo về việc ĐCSTQ đang gia tăng các hoạt động ở Bắc Cực. Báo cáo cho biết, chính quyền Trung Quốc có thể triển khai tàu ngầm tới khu vực này như một biện pháp răn đe chống lại các cuộc tấn công hạt nhân.

Theo sách trắng do Bắc Kinh công bố vào năm 2018, chính quyền Trung Quốc cũng kêu gọi xây dựng “Con đường Tơ lụa” tại Bắc Cực.

Sự hiện diện của ĐCSTQ ở Bắc Cực sẽ kéo theo sự gia tăng việc khai thác các khoáng chất quý hiếm như praseodymium, yttrium và lanthanum. Đây là những vật liệu được sử dụng trong laser, nam châm, chất bán dẫn, kính đặc biệt, gốm sứ và pin hạt nhân.

New York Post cho hay, ĐCSTQ đã tìm cách tiếp cận với chính quyền lãnh thổ tự trị của Đan Mạch nhằm có được một thỏa thuận cho phép họ xây dựng ba sân bay tại Greenland, tuy nhiên nỗ lực này của lực lượng cầm quyền ở Trung Quốc đã bị Ngũ Giác Đài ngăn cản.

Theo một báo cáo của Wall Street Journal vào ngày 16/8/2019, Tổng thống Trump đã thể hiện sự quan tâm tới việc mua Greenland từ Đan Mạch.

Hiện tại, Hoa Kỳ và Đan Mạch có một hiệp ước quốc phòng có tuổi đời hàng chục năm, và Mỹ cũng có căn cứ không quân quân sự Thule nằm ở đông bắc Greenland, bao gồm các hệ thống cảnh báo sớm tên lửa.

3 máy bay của Bắc Kinh xâm phạm Đài Loan

Taiwan News dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, ba máy bay chiến đấu Y-8 của Bắc Kinh đã tiến vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của hòn đảo hôm thứ Sáu (30/10).

Không quân Đài Loan đã điều khiển máy bay phản lực, phát cảnh báo vô tuyến để ngăn chặn máy bay Trung Quốc. Ngoài ra, các hệ thống tên lửa phòng không đã được triển khai để giám sát hoạt động của ba máy bay Trung Quốc trong khu vực.

Các hành vi khiêu kích của Trung Quốc với Đài Loan có dấu hiệu không suy giảm trong vài tháng qua, mặc dù Không quân Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần điều máy bay tới gần Đài Loan, một động thái được coi là cảnh báo Bắc Kinh nhưng cũng nhằm thu thập thông tin về các cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc trong khu vực. Kể từ ngày 16/9, máy bay Trung Quốc đã xâm phạm Đài Loan 29 lần.

Sinh viên Thái kêu gọi tẩy chay lễ trao bằng của Quốc vương

Reuters đưa tin, hôm thứ Sáu (30/10), một số sinh viên ủng hộ biểu tình Thái Lan tuyên bố không tham dự lễ tốt nghiệp do Vua Vajiralongkorn chủ trì tại Đại học Thammasat, thể hiện sự bất bình đối với chế độ quân chủ trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi cải cách.

“Chúng tôi muốn số người có mặt trong hội trường ít nhất có thể, nhằm gián tiếp truyền đi thông điệp rằng nhiều người trong chúng tôi không hài lòng với chế độ quân chủ, và chúng tôi muốn thay đổi”, sinh viên Suppanat Kingkaew, 23 tuổi, nói với Reuters, đề cập tới lễ tốt nghiệp hoàng gia được tổ chức tại Đại học Thammasat ở thủ đô Bangkok ngày 30-31/10.

Lễ tốt nghiệp với sự trao bằng từ Quốc vương là một sự kiện trọng đại đối với các sinh viên sắp ra trường và gia đình họ. Các bức ảnh chụp tại buổi lễ thường được nhiều gia đình Thái Lan tự hào treo trong nhà. Tuy nhiên, cải cách chế độ quân chủ lại là một trong những yêu sách người biểu tình đưa ra trong làn sóng phản đối chính quyền bùng phát từ hồi tháng 7. Người dân cho rằng quyền lực của Quốc vương Vajiralongkorn nên được giảm bớt, đồng thời đề nghị thay đổi những điều luật giúp ông nắm quyền kiểm soát trực tiếp với một số đơn vị quân đội và khối tài sản hoàng gia khổng lồ.

Bloomberg: Đài Loan khiến thế giới ngưỡng mộ

Trong bối cảnh virus viêm phổi Vũ Hán vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới và số ca mắc mới ở nhiều quốc gia liên tục đạt mức cao mới, kênh truyền thông Bloomberg hôm 29/10 đưa tin rằng, Đài Loan không có ca nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán trong nước nào suốt 200 ngày liên tiếp, lập kỷ lục tốt nhất thế giới, thành tích này khiến cả thế giới đều phải ngưỡng mộ.

Trước sự việc này, phát ngôn viên của Trung tâm Chỉ huy Đài Loan Trang Nhân Tường hôm 29/10 cho biết: “Đài Loan đã có thể duy trì không có ca nhiễm nào trong nước suốt 200 ngày liên tiếp kể từ ngày 13/4. Đây là kết quả của việc tất cả người Đài Loan hợp tác với các biện pháp phòng chống dịch của chính phủ. Tôi hy vọng mọi người sẽ tiếp tục thực hiện hành động phòng chống dịch, tiếp tục rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang”.

Bloomberg chỉ ra rằng, làn sóng dịch thứ hai bùng nổ ở châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng Đài Loan đã duy trì kỷ lục tốt nhất vượt xa phần còn lại của thế giới và đã thiết lập một cột mốc mới với 200 ngày liên tiếp không có ca nhiễm trong nước. Có thể nói Đài Loan đã đạt kỷ lục trong việc phòng chống đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Với dân số 23 triệu người, Đài Loan là một trong số ít các quốc gia phát triển trên thế giới có thể sống một cuộc sống “bình thường”, hạnh phúc và được tham gia nhiều hoạt động xã hội khác nhau.

Trong một báo cáo của Bloomberg, các chuyên gia cho rằng, việc Đài Loan đóng cửa biên giới kịp thời và hạn chế đi lại du lịch một cách nghiêm ngặt đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, Đài Loan đã thực thi nghiêm khắc việc theo dõi tiếp xúc, kiểm dịch bắt buộc bằng các phương tiện khoa học – công nghệ và đeo khẩu trang quốc gia.

Trước đây, Đài Loan đã từng trải qua đợt dịch SARS năm 2003 đầy đau thương. Vì vậy, người dân hoàn toàn hiểu và sẵn sàng phối với với các biện pháp phòng chống dịch của chính phủ.

Peter Collignon, bác sĩ kiêm giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại khoa Y, trường Đại học Quốc gia Úc cho biết: “Đài Loan là quốc gia duy nhất có thể loại bỏ và ngăn chặn sự lây lan của virus viêm phổi Vũ Hán trong cộng đồng”.

Ông Collignon cho rằng, kết quả phòng chống dịch bệnh của Đài Loan là đứng đầu thế giới. Điều khiến ông ngạc nhiên và khâm phục hơn nữa là, dân số Đài Loan và nền kinh tế nước này tương đương với Úc, mật độ dân số trong thành phố cực kỳ cao, rất nhiều người ở chung cư và sống cạnh nhau. Nhưng họ đã làm rất tốt.

Báo cáo cũng đề cập rằng, Đài Loan có thể là một trong số ít các nước có nền kinh tế phát triển trong năm nay.

Vào hồi tháng 8, chính phủ Đài Loan dự đoán rằng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng 1,56% trong năm 2020.

Trong hai tuần qua, Đài Loan đã “nhập khẩu” thêm hơn 20 ca nhiễm mới từ nước ngoài vào nội địa. Về vấn đề này, Bloomberg cũng nhắc nhở rằng, Đài Loan vẫn tiềm ẩn nguy cơ từ những người di cư nước ngoài và vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi nguy hiểm của virus viêm phổi Vũ Hán.

Hôm 29/10, chính phủ Đài Loan đã báo cáo 3 trường hợp nhiễm virus đến từ Philippines, Hoa Kỳ và Indonesia vào Đài Loan.

Về báo cáo của Bloomberg hôm 29/10 nói rằng, “Đài Loan không có trường hợp mới trong nước nào suốt 200 ngày liên tiếp, lập kỷ lục tốt nhất thế giới”, phát ngôn viên của trung tâm chỉ huy Trang Nhân Tường bày tỏ: Người dân Đài Loan rất vui vì đất nước mình. Mọi người phải tiếp tục ra sức làm tốt các công tác phòng chống dịch bệnh.

HOA TỰ DO

Văn diù cánh Phượng yên trăm họ

Võ thét oai Hùm dẹp bốn phương 

Không có nhận xét nào: