Kể từ khi trận lụt, nghe nói do mấy thằng chả ở trển đột ngột xả nước, cuốn mất cái chòi tranh cùng vợ và đứa con trai 5 tuổi, Tư Rạng biến thành một thằng điên điên khùng khùng. Cái đêm định mệnh đó Tư Rạng không có mặt ở chòi tranh của mình vì buổi chiều, sau khi giao số cá câu được cho mấy mối hàng ở chợ, Tư Rạng ghé ngang quán Năm Chột, định bụng nhâm nhi món ốc gạo chấm nước mắm chanh với tí rượu nếp than pha nước dừa xiêm cho ấm bụng rồi về nhà. Không ngờ, nhân có thêm 2 thằng bạn từ Sài Gòn xuống, Năm Chột nổi hứng chơi đẹp. Ngoài món cá lóc nướng trui còn có mặt lẩu cá linh, bồn bồn xào với tép và canh bông điên điển.
<!>
No bụng, đầu hơi chếnh choáng, sợ quẹo, Tư Rạng đứng lên chào thua xin rút. Năm Chột đang hăng, chụp hai vai Tư Rạng dí ngồi xuống ghế hăm dọa:
- Bác đơn chào rút của mày. Hôm nay có bạn, vui say tới bến. Xin tới chớ không xin lui nghe mày. Xin lui là qua quạu đó nghen.
Tư Rạng xỉn hôm đó và ngủ quay ngoắc cù đơ ở quán Năm Chột. Thức dậy lúc gần trưa, Tư Rạng mới hay đêm rồi ở trển xả lũ gây ra một trận lụt kinh hồn. Chạy về chòi tranh của mình thì cái chòi biến mất kéo theo con vợ và thằng nhỏ. Ngót cả mấy ngày đi dọc hai bờ sông tìm kiếm, vật duy nhất Tư Rạng thấy lại được là chiếc xuồng ba lá tấp dính vào một lùm cây tràm.
Trước đây, đi thả câu về, lúc nào Tư Rạng cũng dành một hai con cá lóc cồ đem lại nhà ông bà kỹ sư Hậu bán. Ông kỹ sư Hậu chuyên về ngành tên gì thì Tư Rạng không biết, chỉ nghe nói ổng lo về cây rừng và sông nước. Nghe đâu ông Hậu nghỉ hưu đã mấy năm rồi. Thỉnh thoảng Tư Rạng cũng thấy có hội họp ở nhà ổng,khi năm khi bảy người. Qua bà Thơ, vợ ổng, Tư Rạng lõm bõm biết họ họp bànchuyện con sông Cửu Long. Bà Thơ còn cho hay có khi có cả người Việt từ nước ngoài về họp nữa. Bà còn cho Tư Rạng biết thêm anh láng giềng to bự ở phía trển xây cả chục cái đập ngăn nước để làm điện thắp sáng nhà người dân của họ, làm nước phía dưới chảy chậm đi nên nước mặn tràn vào làm hư đất và hại mùa màng. Rằng mấy cái đập quỷ sứ ở trển, chận hết tôm cá, chận hết bùn non làm ở phía dưới ít tôm cá, làm đáy sông khô cạn, nứt nẻ vào cái mùa mà bình thường trước kia nước lớn cùng tôm cá đầy ắp. Rằng thỉnh thoảng anh bạn ác tâm ở trển bất thần xả nước, gây ngập lụt làm hư hại hoa màu trồng ven hai bờ sông. Rằng vậy mà mỗi lần bất thần xả nước, mấy thằng chả làm ra vẻ ưu ái cứu khô thằng đàn em ở phía dưới. Chúng hại mình mà còn muốn mình biết ơn.
Qua những kể lại với giọng cay cú của bà Thơ, Tư Rạng đâm ra ghét thằng đàn anh cà chớn. Và cứ mỗi lần thấy có hội họp là Tư Rạng, chờ sau khi khách ra về hết, tìm gặp bà Thơ để biết thêm tin tức, lòng thầm
mong tình hình sông nước sẽ từ từ dễ chịu.Nhưng lần nào cũng như lần nào Tư Rạng chỉ nghe lại câu nói chán chường của bà Thơ:
- Còn khuya mới có chuyện dễ chịu, khó chịu thêm thì có. Nhà nước.. nhà ta thì... lúc nào dũng dè dặt... dè dặt. Thất đức hơn nữa còn đầu tư vào xây đập ngăn nước cùng mấy thằng chả để khổ thêm dân.
Ông bà Hậu thương cảm cảnh nhà tan, vợ con bị nước cuốn trôi mất xác của Tư Rạng.Ông bà liền kêu 3 thằng con trai hợp sức dựng cho Tư Rạng một chòi tranh có phên che, nằm xích ra xa bờ sông, trên một thuổng đất cao cao. Nhờ còn chiếc xuồng ba lá, Tư Rạng vẫn tiếp tục đi thả câu để kiếm sống. Giả lúc rày trở nên lầm lì ít nói. Lũ trẻ con trong xóm rất sợ gặp Tư Rạng. Chúng nó truyền miệng nhau anh Tư Rạng nói chuyện với ma. Chuyện đồn lan ra kể từ khi có người cho biết thấy trên bàn ăn của Tư Rạng lúc nào cũng có 3 cái chén và 3 đôi đũa. Rồi có đêm nghe tiếng Tư Rạng nói chuyện với ai đó. Có khi nghe cả tiếng cười lẫn tiếng khóc.
Thằng Đía,13 tuổi, lớn nhất trong đám trẻ con, chắc nịch nói nó đã có lần một tối tới núp ở ngoài rình nghe Tư Rạng nói chuyện với ma. Nó kể:
- Tao nghe ảnh nói với chị: “Mình chỉ cho tui pha giấm nha. Sao? Giấm pha với nước, đường à? Rồi, chi nữa? Tiêu, muối. Rồi. Tỏi bằm phi vàng. Rồi. Chi nữa? Tỏi sống băm. Rồi. Xong hả mình? Cám ơn mình.
Tui thương mình lắm. Tại cái thằng Năm Chột nó rủ ren ép nhậu tới say xỉn nên không về có mặt để cứu mình và thằng Rỡ.” Nói rồi ảnh khóc. Tao không nghe chị nói nhưng tao tin chỉ mình ảnh nghe tiếng chị. Tao còn nghe ảnh nói với thằng Rỡ con ảnh nữa. “Rỡ, mày ăn khoẻ cho mau lớn. Tao sẽ lo cho mày đi học. Mà mày ráng học giỏi nha. Sao có được bằng kỹ sư như ông Hậu để chăm nom sôngnước nhà mình luôn tốt lành nha. Tao tên Rạng mà không rạng được thì mày tên Rỡ ráng mà rỡ thiệt, để cho tao hưởng ké khi nghe người ta khen cha rạng con rỡ nha”. Nói xong anh lại khóc.
Những chiều giữa mùa khô hạn hán hay sau một trận lụt bất ngờ người ta thường thấy một gã đàn ông đứng ở bờ sông, mặt hướng về phía thượng nguồn, tay chỉ chõ ra vẻ hăm dọa. Đến gần thì nghe được mấy tiếng lập đi lập lại: “Bọn cà chớn tụi bây sẽ biết tay tao.”
Ngày 23 tháng chạp có lễ đưa ông Táo chầu Trời. Tư Rạng không đi thả câu mà lại đi ra chợ mua một con cá chép về cúng ông Táo. Biến cái bàn ăn vuông nhỏ tí thành bàn thờ,sau khi sắp xong nhang đèn, Tư Rạng đem con cá chép ra làm. Giả để nguyên con cá,không đánh vảy,không cắt vây, không rạch bụngcá mà lại thò tay móc ruột từ họng cá.Xong, giả mở gói giấy để sẳn bên cạnh, bày ra chừng mươi viên bi đen, to cỡ đầu ngón tay út. Qua họng cá giả chậm rãi nhét từng viên bi vào bụng cá.
Xong, Tư Rạng để cá lên đĩa đem đặt ở bàn thờ, rồi đi rửa tay, rửa mặt. Xong, giả đến trước bàn thờ thắp nhang, đốt nến, đứng chắp hai tay, miệng lâm râm khấn. Lạy tạ xong Tư Rạng đem cá ra sân đặt trên một giàn củi khô châm lửa đốt. Giả lại đứng chắp tay, nhìn đám lửa bùng cháy, miệng lâm râm khấn, cho đến khi con cá chép cháy thành than.
Chiều mùng 3 Tết,khi thấy nhà ông bà Hậu thưa khách, Tư Rạng rón rén sang chúc Tết 2 ông bà. Thừa lúc ông Hậu lại bận tiếp khách mới, Tư Rạng xuống bếp tìm gặp bà Thơ, nho nhỏ nói chuyện gì một lúc rồi lặng lẽ ra về. Vẻ mặt buồn buồn giả vừa đi vừa lẩm bẩm:
- Có lẽ tại thuốc nổ... bị ẩm.
Ở nhà ông Hậu,sau khi hết khách,bà bà Thơ đem chuyện Tư Rạng kể cho ông Hậu nghe:
- ThằngTư Rạng vừa làm một chuyện tức cười. Nó vo đất sét trộn với tro than làm chất nổ nhét vào bụng cá chép. Nó thiêu con cá rồi cầu xin với Táo quân, sau khi chầu Trời, trên đường về, cởi cá bay ngang mấy cái
đập, thả thuốc nổ xuống phá tan hết, để nguồn nước trở lại như xưa cho dân miệt dưới được nhờ.
Kể xong bà Thơ cười nói:
- Đúng là một thằng điên!
Nghe xong ông Hậu không cười. Ông ngồi im một lúc, rồi nói khẽ như để riêng mình nghe:
- Chẳng lẽ đất nước này chỉ còn những thằng điên tìm cách cứu dân cứu nước thôi sao?
TRANG CHÂU
Xuân Quý Mão (2023)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét