Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 24/01/2023 - DHL

Trả đũa Matxcơva, Estonia và Latvia trục xuất đại sứ Nga Trước tòa đại sứ Nga ở Tallinn, Estonia. Ảnh chụp ngày 23/01/2023. AP - Pavel Golovkin Minh Anh Quan hệ giữa Nga và Estonia chỉ trong vài giờ qua đã xuống cấp nghiêm trọng. Hôm qua, 23/01/2023, không lâu sau thông báo của Matxcơva trục xuất đại sứ Estonia, chính quyền Tallinn đã có biện pháp trả đũa tương tự. Thông tín viên trong khu vực, Marielle Vitureau giải thích : « Theo Matxcơva, những năm gần đây, Estonia chỉ làm cho các mối quan hệ với nước Nga láng giềng xấu đi. Việc chính quyền Tallinn gần đây trục xuất 13 nhà ngoại giao và 8 nhân viên kỹ thuật là giọt nước tràn ly. Matxcơva đã đáp trả bằng cách trục xuất đại sứ Estonia.
<!>
Quyết định của Nga là một đòn đau cho đại sứ Estonia. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh nhà nước, đại sứ Estonia lấy làm tiếc rằng vị đại biện tại chức ở Matxcơva sẽ không thể có cùng nguồn tiếp cận thông tin. Những nguồn tin thiết yếu trong thời chiến.

Để trả đũa Nga, Estonia đã quyết định làm tương tự. Ngoại trưởng Estonia đã đề nghị các nước châu Âu khác nên áp dụng nguyên tắc tương xứng. Cũng theo lưu ý của lãnh đạo ngoại giao Estonia, số nhân viên được tuyển dụng tại các cơ quan đại diện ngoại giao Nga ở nước ngoài thường quá đông.

Lời kêu gọi này đã được quốc gia láng giềng Latvia hưởng ứng. Nước này vừa thông báo trục xuất đại sứ Nga. Từ đầu cuộc chiến tại Ukraina, ba nước vùng Baltic hình thành một mặt trận chung vì đây là vấn đề an ninh. »

Ba Lan sẵn sàng gửi xe tăng Leopard cho Ukraina mà không cần Đức chấp thuận


Ảnh minh họa: Một chiếc xe tăng Leopard tham gia tập trận ở Phần Lan ngày 04/05/2022. AP - Heikki Saukkomaa
Phan Minh
Ba Lan hôm qua 23/01/2023 cho biết sẵn sàng giao xe tăng Leopard do Đức sản xuất tới Ukraina mà không cần hỏi ý kiến Berlin, trong bối cảnh Kiev liên tục yêu cầu các đồng minh cung cấp vũ khí hạng nặng.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho AFP biết là Vacxava sẵn sàng giao xe tăng cho Ukraina, ngay cả khi không nhận được sự chấp thuận từ phía Đức.

Trong khi nhiều quốc gia đã cam kết cung cấp khí tài quân sự cho Ukraina, thì thứ mà Kiev thực sự muốn nhận được là các loại vũ khí hiện đại và có hỏa lực mạnh hơn, đáng chú ý là xe tăng Leopard – được coi là chìa khóa để chọc thủng tuyến phòng thủ của kẻ thù. Ukraina vẫn đang sử dụng xe tăng thời Liên Xô, cho rằng sự thiếu quyết đoán của các đồng minh sẽ "giết thêm nhiều thường dân".

Mặc dù vẫn còn lưỡng lự trong việc giao xe tăng Leopard cho Ukraina, song hôm nay 24/01, tân bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius khẳng định, Berlin là một trong những đồng minh nỗ lực nhất cùng với Washington trong việc hỗ trợ Ukraina và sẽ giúp Kiev giành chiến thắng trước Matxcơva.

Trong bối cảnh này, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã đồng ý chithêm 500 triệu euro để trang bị vũ khí cho Kiev và 45 triệu euro cho việc huấn luyện binh lính Ukraina trên lãnh thổ Liên Âu.

Quân đội Nga có một số bước tiến nhỏ tại miền nam
Về tình hình chiến sự tại chỗ, hãng tin Pháp AFP dẫn lời một lãnh đạo địa phương do quân chiếm đóng Nga dựng lên tại tỉnh miền nam Zaporijjia cho biết quân đội Nga có một số bước tiến nhỏ tại tại tỉnh này và một số nơi khác ở miền nam Ukraina. Tối hôm qua, bộ tổng tham mưu Quân Đội Ukraina cũng khẳng định nhiều cuộc giao tranh diễn ra gần Mali Chtcherbaky trong hai ngày 20 và 21/01. Còn theo chính quyền tỉnh Kherson của Ukraina, đạn pháo của Nga đã giết hại một thường dân.

Chiến sự cũng tiếp diễn tại khu vực xung quanh thị trấn Soledar, tỉnh Donetsk, mà phía Nga tuyên bố đã chiếm được từ hơn một tuần trước, nhưng Ukraina không thừa nhận thất bại.

Hôm qua, tại Berlin, tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg nhận định ‘‘không có dấu hiệu nào’’ cho thấy Nga đã thay đổi các mục tiêu trong cuộc chiến Ukraina.

Không quân Ấn, Nhật dự kiến tổ chức tập trận chung tại Ấn Độ


Ảnh minh họa: Tàu chở trực thăng JS Izumo của Nhật Bản tham gia cuộc thao dượt quốc tế tại Vịnh Sagami, gần Tokyo, Nhật Bản, ngày 06/11/2022. AP
Trọng Thành
Hôm qua, 23/01/2023, Ấn Độ và Nhật Bản mời báo giới chứng kiến các hoạt động tập trận không quân chung tại một khu vực gần thủ đô Tokyo. Theo đài Nhật NHK, không quân hai nước dự kiến tổ chức một cuộc tập trận tương tự tại Ấn Độ.

Trong cuộc họp báo hôm qua, tư lệnh khu vực miền tây của Không quân Ấn Độ, Pankaj Sinha, thông báo đã nêu đề xuất một cuộc tập trận với phía Nhật Bản. Về phần mình, binh chủng không quân của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản khẳng định muốn siết chặt hợp tác với Không quân Ấn Độ, nhưng các chi tiết cụ thể của đợt tập trận này hiện còn chưa được xác định.

Đợt tập trận không quân Nhật - Ấn tổ chức lần đầu tiên tại Nhật Bản diễn ra tại căn cứ Hyakuri, tỉnh Ibaraki, phía đông bắc thủ đô Tokyo từ ngày 16/01, và sẽ tiếp tục cho đến ngày 26/01. Cuộc tập trận được tổ chức theo thỏa thuận giữa các lãnh đạo Ngoại Giao và Quốc Phòng hai nước vào tháng 11/2019.

Về cuộc tập trận này, báo Nhật Asahi Shimbun cho biết cụ thể là tư lệnh không quân Ấn Độ Pankaj Sinha đã có mặt trên một máy bay tiêm kích F-20 của không quân Nhật Bản. Tư lệnh không quân Ấn Độ cho phóng viên biết ông có ấn tượng rất mạnh trước thao tác thành thạo của các phi công Nhật và hy vọng một cuộc tập trận tương tự sẽ được tổ chức sớm, có thể là vào cuối năm 2023.

Gia nhập NATO : Thụy Điển « không nên trông đợi sự hậu thuẫn » từ Ankara


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trong một cuộc họp của chính phủ, Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 23/01/2023. AP
Minh Anh
Từ tháng 5/2022, Thổ Nhĩ Kỳ đòi hỏi Thụy Điển cho dẫn độ nhiều người mà Ankara cáo buộc là những thành phần khủng bố. Đây là một trong những điều kiện để Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Thụy Điểngia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.

Tuy nhiên, những cuộc biểu tình chống Ankara trong những ngày qua và việc một thành viên cực hữu Thụy Điển đốt kinh Coran trước tòa đại sứ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm hôm thứ Bảy 21/01, đã khiến tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm qua 23/01 nổi dóa và cảnh cáo Thụy Điển « chớ nên trông chờ sự hậu thuẫn » của Ankara.

Thông tín viên đài RFI, Céline Pierre-Magnani tại Istanbul tường thuật :

« Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, trong bài phát biểu trước toàn dân hôm thứ Hai 23/01, đã nói thẳng thừng. Ông dành đến 5 phút trong bài diễn văn của để phản đối thái độ dễ dãi của chính phủ Thụy Điển trong các cuộc biểu tình chống Thổ Nhĩ Kỳ những ngày gần đây.

Ông tố cáo: « Rõ ràng là những ai cho phép một hành động ô nhục như thế trước cửa tòa đại sứ của chúng ta chớ nên trông đợi một cử chỉ nào từ chúng ta liên quan đến việc gia nhập khối NATO. Quý vị khuyến khích các tổ chức khủng bố hoành hành khắp các nẻo đường của chúng tôi, rồi quý vị đòi chúng tôi hậu thuẫn để quý vị gia nhập NATO. Quý vị đang sống trong thế giới nào vậy ? Nếu quý vị rất quý mến, bảo vệ và che chở những thành viên của các tổ chức khủng bố, và là kẻ thù của đạo Hồi đến như thế, vậy thì chúng tôi khuyên quý vị là nên giao cho họ sứ mệnh bảo vệ đất nước quý vị »

Chuyến thăm của bộ trưởng Quốc Phòng Thụy Điển dự kiến cho ngày thứ Năm 27/01 tới đây đã bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hủy. Với phát biểu mới này, việc Thụy Điển gia nhập Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. »

Biến đổi khí hậu:‘‘Nguyên nhân chủ yếu’’ làm gia tăng nạn buôn người


Reshma Begum, 28 tuổi, vừa khóc vừa kể lại lúc cơn bão Amphan tàn phá ngôi nhà của cô ở Mongla, Bangladesh, ngày 04/03/2022. AP - Mahmud Hossain Opu
Trọng Thành
Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc được công bố hôm nay, 24/01/2023, cho biết biến đổi khí hậu ngày càng gây nhiều thiên tai, khiến thêm hàng triệu người phải tha hương. Đây là một trong các nguyên nhân chính làm gia tăng nạn buôn người.

Theo AFP, báo cáo của cơ quan Liên Hiệp Quốc chống ma túy và tội phạm ONUDC, dựa trên các dữ liệu của 141 quốc gia trong giai đoạn 2017- 2020, khẳng đinh ‘‘biến đổi khí hậu’’ khiến nhiều người dân trở thành ‘‘con mồi’’ của các băng nhóm buôn người. Báo cáo của ONUDC dựa trên việc phân tích hồ sơ 800 vụ án do các nước cung cấp.

Thiên tai khiến ‘‘nhiều khu vực trở nên không thể sống nổi’’, tác hại nặng nề đặc biệt đến các khu vực mà nguồn sinh kế của dân cư dựa chủ yếu vào nông nghiệp và ngư nghiệp. Riêng trong năm 2021, các thiên tai đã buộc 23,7 triệu người phải sơ tán đến một nơi ở khác trong nước, bên cạnh đó rất nhiều người phải ra nước ngoài lánh nạn.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc nêu ví dụ các trận bão lớn tàn phá Philippines hay Bangladesh. Tại hai quốc gia này, các hoạt động buôn người gia tăng rõ rệt. Các nhóm tội phạm đã tung ra những ‘‘đợt tuyển mộ lớn’’ để đánh lừa những người khó khăn nhất, khiến họ rơi vào cảnh bị cưỡng bức lao động.

Bên cạnh thiên tai gia tăng do biến đổi khí hậu, cuộc xâm lăng Ukraina của Nga và đại dịch Covid cũng là các nguyên nhân quan trọng khác khiến nạn buôn người gia tăng.

Không có nhận xét nào: