Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2023

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :23/01/2023 -- Nam Giang


Pháp và Đức không loại trừ khả năng cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine. Xe tăng Leclerc của Quân đội Pháp tại đại lộ Champs-Elysees, Paris. Ảnh chụp ngày July 14, 2017. ALAIN JOCARD / AFP Thanh Hà Trong cuộc họp báo hôm 22/01/2023 kết thúc lễ kỷ niệm 60 năm hiệp định hữu nghị Pháp - Đức, tổng thống Emmanuel Macron cho biết bộ Quốc Phòng Pháp nghiên cứu khả năng và « không loại trừ bất kỳ giả thuyết nào » về việc cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraina. Về phần mình, Đức muốn « phối hợp chặt chẽ với các đồng minh » và sẽ « không chống » việc cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraina. Nga đe dọa dọa trả đũa.
<!>
Vào lúc lãnh đạo Pháp Đức họp tại Paris đúng ngày kỷ niệm 60 năm ký kết hiệp định hữu nghị, được biết dưới tên gọi là Hiệp Ước Elysée, mọi chú ý vẫn tập trung vào câu hỏi liệu rằng Pháp và nhất là Đức có thỏa mãn đòi hỏi của Ukraina muốn được cung cấp xe tăng hạng nặng để đối phó với quân đội Nga hay không.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố: « Liên quan đến xe tăng lớp Leclerc tôi yêu cầu bộ trưởng Quân Lực tìm hiểu vấn đề ». Paris đang cân nhắc « mọi khả năng » và đây sẽ là một quyết định « tập thể ». Ngụ ý Pháp phối hợp hành động cùng với các đối tác trong Liên Âu, mà đứng đầu là Đức.

Đây cũng là quan điểm của thủ tướng Đức Olaf Scholz: Phối hợp hành động cùng các đồng minh. Ba Lan và ba nước trong vùng Baltic duy trì áp lực đòi Berlin cho phép chuyển giao xe tăng hạng nặng Leopard 2 do Đức chế tạo cho Ukraina.

Trả lời đài truyền hình Pháp LCI hôm 22/01/2023, ngoại trưởng Annalena Baerbock cho biết là Berlin « không chống » việc cung cấp xe tăng hạng nặng của Đức cho Ukraina, nhưng Ba Lan chưa có đề nghị chính thức: :

« Có những quy định để kiểm soát (việc trao xe tăng của Đức cho một quốc gia). Trước mắt câu hỏi này chưa chính thức được nêu lên với chúng tôi. Nhưng nếu được hỏi, Đức sẽ không chống. Đương nhiêu đây là một quyết định quan trọng. Tôi đã từng đến biên giới giữa Ukraina và Nga, và đã chứng kiến cảnh tên lửa được phóng đi như thế nào. Khi đó thì người ta chỉ có 45 giây để phản ứng với hy vọng mình không bị trúng tên lửa.

Tôi hoàn toàn ý thức được điều mà ngoại trưởng Ukraina Kuleba yêu cầu. Có xe tăng không phải là để diễu hành trên đường phố mà Ukraina cần phương tiện này để tự vệ. Tôi cũng hiểu rõ tầm mức quan trọng của việc có chiến xa để đối phó với tình huống hiện nay. Chúng tôi hoàn toàn ý thức được điều đó. Do vậy Đức đang trong quá trình tham khảo ý kiến các đối tác. Điều mà chúng tôi mong mỏi là giải phóng Ukraina và cứu lấy sinh mạng của người dân nước này ».

Nga dọa trả đũa
Ukraina chưa biết có được cấp xe tăng hạng nặng để tự vệ hay không, chủ tịch Hạ Viện Nga, Vyacheslav Volodin hôm 22/01/2023 đe dọa : những quốc gia nào trang bị thêm vũ khí lợi hại cho Ukraina sẽ bị « tiêu diệt ». Mỹ và NATO cấp thêm vũ khí cho Ukraina thì Nga sẽ « trả đũa đích đáng » bằng những vũ khí còn « nguy hiểm hơn ».

Liên Âu tránh đưa Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố


Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell phát biểu với giới truyền thông trước khi tham gia cuộc họp các ngoại trưởng Liên Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 23/01/2023. AP - Virginia Mayo
Thanh Hà
Ngày 23/01/2023 ngoại trưởng khối Liên Hiệp Châu Âu thông qua một đợt trừng phạt mới nhắm vào một số quan chức Iran vì trách nhiệm trong cái chết của cô Mahsa Amani hồi tháng 9/2022. Tuy nhiên Bruxelles tránh đưa tổ chức Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran vào danh sách đen các tổ chức khủng bố.

Trong cương vị chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, Thụy Điển thông báo Bruxelles mạnh mẽ lên án chính quyền Iran « thô bạo và sử dụng sức mạnh một cách bất tương xứng nhắm vào người biểu tình » từ mùa thu vừa qua. Phòng trào nổi dậy bùng lên tại Iran. 519 người bị hành quyết, hơn 19.000 người bị bắt giữ theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch. Đây là một trong hai lý do khiến Liên Hiệp Châu Âu ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào một số các quan chức trong chính quyền Teheran.

Hãng tin Mỹ trích dẫn hai nguồn tin ngoại giao của châu Âu đưa ra con số 37 nhân vật trong chính quyền Iran bị đưa vào danh sách đen hôm nay.

Tuy nhiên Liên Âu bác bỏ khả năng đưa Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố. Đây là một nhánh độc lập với bên quân đội. Vai trò của tổ chức này nhằm bảo vệ hệ thống chính trị của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran.

Lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu Josph Borrell sáng nay cho biết Bruxelles không thể đưa tổ chức này vào danh sách trừng phạt như Mỹ đã từng làm từ năm 2019, dưới thời tổng thống Donald Trump. Ông giải thích : để trừng phạt tổ chức Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo thì cần phải có một phán quyết của Tư Pháp trước đã.

AP bình luận, Liên Hiệp Châu Âu lo ngại trừng phạt trực tiếp Vệ Binh Hồi Giáo Cách Mạng Iran sẽ làm tiêu tan những hy vọng vốn rất mong manh, để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran.

Song theo một số nhà quan sát Liên Hiệp Châu Âu cần có hành động cụ thể để trừng phạt Iran cung cấp drone cho Nga trên chiến trường Ukraina.


Úc tăng tốc mua thủy lôi để tăng cường phòng thủ trên biển


Thủ tướng Úc Anthony Albanese phát biểu trước Quốc hội Papua New Guinea, ngày 12/01/2023. AP
Trọng Nghĩa
Chính quyền Úc ngày 23/01/2023 cho biết sẽ đẩy nhanh kế hoạch mua các loại thủy lôi tối tân để bảo vệ các tuyến hàng hải và hải cảng. Quyết định tăng cường phòng thủ trên biển được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc có kế hoạch gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Nam Thái Bình Dương.

Theo một phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Úc được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, Canberra “đang đẩy nhanh việc mua các loại thủy lôi thông minh, sẽ góp phần đảm bảo an ninh cho các tuyến hàng hải và bảo vệ hướng ra biển của Úc… Việc bố trí các bãi thủy lôi hiện đại để phòng thủ sẽ là một sự răn đe đáng kể đối với những kẻ xâm lược tiềm tàng.” Thủy lôi “thông minh” được thiết kế để phân biệt các mục tiêu quân sự với các loại tàu khác.

Mặc dù bộ Quốc Phòng Úc không nêu rõ bất kỳ chi tiết nào khác, nhật báo Úc The Sydney Morning Herald vào hôm nay tiết lộ rằng Canberra sẽ chi tới 1 tỷ đô la Úc (698 triệu đô la Mỹ) để mua loại vũ khí này. Trích dẫn một số nguồn tin công nghiệp quốc phòng, tờ báo cho rằng chính phủ Úc sẽ sớm công bố hợp đồng mua “một số lượng đáng kể” thủy lôi từ một nhà cung cấp vũ khí châu Âu.

Trên kênh truyền hình Úc ABC, thủ tướng Anthony Albanese xác định rằng nước Úc cần phải có được những phương tiện tự vệ thuộc loại tốt nhất, và chính quyền đã quan tâm đến các vấn đề từ phòng thủ tên lửa, an ninh mạng, cho đến tất cả những vấn đề khác.

Theo ghi nhận của Reuters, Trung Quốc hiện có kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở vùng Thái Bình Dương và đã ký kết một hiệp ước an ninh với Quần Đảo Solomon vào năm ngoái. Các động thái đó đã gây lo ngại ở Mỹ và Úc, những nước trong nhiều thập kỷ đã coi khu vực này nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình. Trong những năm gần đây, Úc đã tìm cách tăng gia ngân sách quốc phòng, trong đó có việc ký kết một thỏa thuận vào năm 2021 để mua tàu ngầm hạt nhân từ Hoa Kỳ và Anh Quốc.

Trung Quốc : Vũ Hán bước vào cuộc sống hậu Covid-19


Thả bóng bay đón Tết dương lịch tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 01/01/2023. REUTERS - TINGSHU WANG
Phan Minh
Người dân Vũ Hán tại Trung Quốc hôm nay 23/01/2023 cho biết lạc quan về tương lai và không còn sợ Covid-19 nữa, tròn 3 năm sau khi thành phố bị phong tỏa do đại dịch.

Khi Trung Quốc tổ chức Tết Nguyên Đán vào cuối tuần qua, hình ảnh của Vũ Hán đã thay đổi hoàn toàn so với những cảnh tượng ảm đạm bao trùm thành phố 11 triệu dân này hồi đầu năm 2020.

Người dân địa phương chen chúc vào các khu chợ và nhiều người không đeo khẩu trang đi mua đồ chơi và ném đá xuống sông Dương Tử. Nhiều người đổ xô đến chùa Quy Nguyên, một trong những địa điểm nổi tiếng nhất của Vũ Hán, lần đầu tiên mở cửa đón Tết Nguyên Đán sau 3 năm. Một số cư dân trả lời AFP rằng họ rất phấn khởi vì cuộc sống đã trở lại bình thường.

Cách đây đúng 3 năm, đại dịch Covid-19 bùng lên tại Vũ Hán, tiếp theo đó là nhiều nơi trên khắp thế giới. Trong một cuộc họp báo mới đây, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh « chia sẻ thông tin về nguồn gốc của virus ». Ba năm sau, bí ẩn vẫn bao trùm thực trạng của đại dịch ở Vũ Hán trong giai đoạn đầu tiên.

Nga huy động tên lửa siêu thanh tập trận chung với Trung Quốc và Nam Phi



Tàu chiến Nga Gorshkov phóng tên lửa siêu thanh Zircon,từ biển Trắng, phía bắc Nga, ngày 19/07/2021. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga công bố. AP
Thanh Hà
Tàu chiến của Nga Gortchkov được trang bị tên lửa siêu thanh Zircon có tầm bắn trên 1.000 km lên đường trực chỉ cảng Durban, Nam Phi, chuẩn bị tập trận chung với hải quân Trung Quốc và Nam Phi. Hãng tin Tass ngày 23/01/2023 loan tải tin trên vào lúc ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov hội đàm với đồng cấp Nam Phi, Naledi Pando về chiến tranh Ukraina.

Trích dẫn một nguồn tin từ bộ Quốc Phòng Nga xin được giấu tên, hãng tin TASS tiết lộ, tàu chiến Gortchkov đang hướng tới hải cảng Tartous tại Syria chặng đầu trước khi đi tiếp sang Nam Phi. Tàu được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh thế hệ mới Zircon. Theo Matxcơva, tên lửa này có thể bay với tốc độ « cao hơn gấp 9 lần tốc độ của âm thanh » và tấn công các mục tiêu cách xa hơn 1.000 cây số.

Theo Pretoria, cuộc tập trận chung lần này ra từ ngày 17 đến 27/02/2023 ở ngoài khơi cảng Durban và vịnh Richard Bay, bờ đông Nam Phi. Đây là lần thứ nhì hải quân ba nước thành viên BRICS (khối các nền kinh tế đang trỗi dậy) cùng diễn tập. Lần đầu là vào năm 2019.

Tổng thống Vladimir Putin trong thời gian gần đây đã ra lệnh cho hải quân Nga điều chiếc Gortchkov ra ngoài khơi Na Uy và theo giới phân tích, đây là tín hiệu báo trước Matxcơva không lùi bước trong cuộc chiến ở Ukraina.

Đang có mặt tại Pretoria trong một cuộc họp với đồng cấp Nam Phi, khi được hỏi về cuộc tập trận vào tháng tới giữa hải quân Nga, Trung Quốc và Nam Phi, và Matxcơva huy động cả tên lửa siêu thanh, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov trả lời ngắn gọn : Phía Nga không muốn gây « ồn ào » và Matxcơva cung cấp « tất cả những thông tin cần thiết » về các chương trình diễn tập quân sự.

Về phần ngoại trưởng Nam Phi, Naledi Pando, bà giải thích cuộc tập trận chung với hai đối tác lớn trong khối BRICS nằm trong khuôn khổ các hoạt động « bình thường » hàng năm, trong « quan hệ » giữa Nam Phi với Nga cũng như với Trung Quốc. Tới nay, tại Liên Hiệp Quốc, Nam Phi tránh bỏ phiếu lên án Nga xâm lược Ukraina.

Không có nhận xét nào: