Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2023

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 16/01/2023 - ĐHL


Chiến tranh Ukraina : NATO đồng ý cấp thêm vũ khí hạng nặng cho Ukraina “trong một tương lai gần” Ảnh minh họa : Cờ của NATO và các nước thành viên tại trụ sở NATO ở Bruxelles, Bỉ. AP - Olivier Matthys Trọng Nghĩa
Vào lúc Anh Quốc trở thành nước đầu tiên phá bỏ cấm kỵ về vũ khí nặng, loan báo quyết định cung cấp cho Ukraina 14 chiến xa hạng nặng, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 15/01/2023 cho biết, chính quyền Kiev có thể hy vọng có các đợt chuyển giao vũ khí hạng nặng mới từ các đồng minh phương Tây “trong một tương lai gần”.
<!>
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Đức Handelsblatt, tổng thư ký NATO xác định: “Những lời hứa gần đây về việc cung cấp vũ khí hạng nặng (cho Ukraina) rất quan trọng - và tôi hy vọng sẽ có nhiều cam kết hơn nữa trong một tương lai gần”.

Tuyên bố của ông Jens Stoltenberg được đưa ra vài hôm trước một cuộc họp mới của NATO nhằm điều phối các khoản viện trợ cho Ukraina, dự trù vào ngày 20/01 tại căn cứ Mỹ ở Ramstein (Đức).

Cho đến gần đây, các quốc gia phương Tây rất dè dặt, không muốn cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraina vì sợ bị lôi kéo trực tiếp vào cuộc chiến với Nga. Tuy nhiên, vào đầu tháng 01/2023, Pháp, và sau đó là Đức và Mỹ, đã loan báo quyết định cung cấp cho Kiev một số loại xe thiết giáp - Marder của Đức, Bradley của Mỹ và AMX-10 RC của Pháp - những phương tiện vẫn thuộc diện xe tăng hạng nhẹ, không đúng với yêu cầu của Ukraina.

Tuy nhiên, đến ngày 14/01, Vương Quốc Anh đã thông báo sẽ giao 14 xe tăng Challenger 2 cho Ukraina “trong những tuần lễ sắp tới”, trở thành nước đầu tiên cung cấp xe tăng hạng nặng do phương Tây chế tạo cho Kiev.

Mặc dù số lượng 14 chiếc Challenger 2 có vẻ khiêm tốn, nhưng các quan chức Ukraina hy vọng các thủ đô khác sẽ noi gương Luân Đôn, mà trước hết là Vacxava.

Ngay từ hôm 11/01, Ba Lan cho biết họ sẵn sàng giao cho Ukraina 14 xe tăng hạng nặng Leopard 2 do Đức chế tạo mà Vacxava đang có. Tuy nhiên, việc chuyển giao này phải được Berlin chấp thuận, điều rất có thể sẽ xảy ra sau quyết định của Luân Đôn.

Cho đến nay, theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, Kiev đã nhận được xe tăng hạng nặng từ các đồng minh, nhưng tất cả đều là loại do Liên Xô thiết kế - gần 300 chiếc - nhưng vẫn chưa có chiếc nào do phương Tây sản xuất.

Nga, Belarus tập trận không quân


(Ảnh minh họa) - Xe tăng Nga tham gia tập trận tại Belarus, ngày 19/12/2022. © AP / Russian Defense Ministry Press Service
Trọng Thành
Từ hôm nay, 16/01/2023 cho đến ngày 01/02, Nga và Belarus bắt đầu cuộc tập trận không quân ‘‘chiến thuật’’. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) dự báo Matxcơva và Minsk có thể chuẩn bị một cuộc tấn công Ukraina từ lãnh thổ Belarus vào cuối năm nay.

Theo AFP, các giới chức quân sự Belarus nhấn mạnh đến tính chất thuần túy « phòng thủ » của đợt tập trận này. Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Belarus, « Toàn bộ các sân bay và thao trường của lực lượng không quân và phòng không » của quân đội Belarus tham gia đợt tập trận. Mục tiêu chủ yếu là « củng cố khả năng phối hợp » giữa quân đội Belarus và Nga.

Các hoạt động quân sự phối hợp Nga - Belarus gây lo ngại tại Ukraina. Chính quyền Kiev liên tục cảnh báo về các nguy cơ tấn công từ Belarus. Theo Reuters, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hồi tuần trước cho biết, Ukraina phải sẵn đối phó với các đe dọa từ nước láng giềng phía bắc. Hồi tháng 10/2022, Belarus thông báo lập một lực lượng chiến đấu chung với Nga. Belarus từng được dùng làm căn cứ cho Nga trong cuộc tấn công Ukraina, khởi sự cuối tháng 2/2022, tuy nhiên quân đội Belarus không tham chiến.

Tư lệnh Lục Quân Nga tới Belarus
Hôm qua, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, có trụ sở tại Washington, đưa ra dự báo về các xu thế hành động của Nga trong cuộc chiến chống Ukraina trong năm nay. Theo ISW, xác suất tấn công Ukraina từ Belarus vào thời điểm hiện tại là thấp. Tuy nhiên, các hoạt động chuẩn bị đang được xúc tiến. Và tư lệnh Lục Quân Nga, Oleg Salyukov, người vừa được bổ nhiệm làm phó chỉ huy chiến dịch quân sự tại Ukraina từ đầu năm 2023, đã đến Belarus ngày 12/01.

Chuyến đi của tư lệnh Lục Quân Nga rất có thể nhằm « thiết lập các cấu trúc chỉ huy » cần thiết cho các hoạt động tác chiến của Nga từ Belarus. Tháng 09/2022, Nga và Belarus dự kiến tổ chức đợt tập trận lớn Lá chắn Liên minh (Union Shield 2023).

ISW nhấn mạnh Matxcơva đang chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài, và điện Kremlin vẫn duy trì các mục tiêu tối đa là « xâm chiếm toàn bộ Ukraina » bất chấp các thất bại từ đầu cuộc chiến đến nay, và Ukraine cần được sự hỗ trợ « lâu dài », « mạnh mẽ hơn và kịp thời hơn của phương Tây » để đối phó.

Tham nhũng hối lộ đè nặng bầu không khí phiên họp toàn thể Nghị Viện Châu Âu


Chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, Roberta Metsola, trong cuộc họp báo nhân thượng đỉnh Liên Âu, tại Bruxelles, Bỉ, ngày 15/01/2023. REUTERS - JOHANNA GERON
Chi Phương
Một tháng sau phát giác vụ bê bối hối lộ liên quan đến một số nghị sĩ châu Âu - Qatargate, phiên họp toàn thể của Nghị Viện Châu Âu mở ra ngày hôm nay tại Strasbourg, Pháp, ngày 16 -19/01/2023, trong bối cảnh định chế này phải hành động ‘nhanh chóng’, ‘cứng rắn’ để khôi phục lại niềm tin.

Theo AFP, chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Roberta Metsola đã hứa hẹn vào giữa tháng 12/2022 về một « gói cải cách lớn»tại định chế này. Đầu tiên đó là việc hạn chế các cựu nghị sĩ châu Âu tiếp cận định chế này để « vận động hành lang ». Bà Metsola cũng muốn công khai, ghi lại tất cả những món quà hay những chuyến đi, hay những người mà các nghị sỹ đã gặp trong nhiệm kỳ của họ, cũng như là các trừng phạt liên quan.

Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Jean-Jacques Héry cho biết thêm :

« Bà Roberta đã nghiên cứu một kế hoạch gồm 14 điểm để tạo sự minh bạch hơn và tăng cường các quy định về đạo đức ở trong Nghị Viện Châu Âu. Mong muốn cải cách này được toàn bộ các nhóm nghị sỹủng hộ. Phải nói rằng tình hình dường như là khẩn cấp vì ngày hôm qua, đã có thông tin về việc nghị sỹ châu Âu Marc Tarabella – người sẽ bị tước quyền miễn trừ tư pháp – không khai báo một chuyến đi được Qatar tài trợ vào tháng 02/2020. Trước đó vài ngày, nghị sỹ đảng Xã Hội Bỉ Maria Arena đã đưa ra cùng lý do « quên » khai báo một chuyến đi, cũng tới Qatar vào tháng 5 năm ngoái. Bà đã từ nhiệm chức chủ tịch tiểu ban về quyền con người của định chế này. Cả hai đều cho biết không làm gì đáng bị chê trách cả, nhưng trong bối cảnh hiện nay, vụ việc ít nhất có thể thúc đẩy việc tăng cường các quy tắc ».

Tuy nhiên, giáo sư luật châu Âu tại Trường Cao học Thương mại Pháp Alberto Alemanno, được AFP trích dẫn, không tin rằng « việc áp đặt những quy tắc nhỏ này là đủ để tạo ra một nền văn hóa chính trị mới trong Nghị viện Châu Âu ».

Diễn đàn kinh tế thế giới Davos khai mạc, Oxfam tố cáo tình trạng nghèo đói cùng cực tăng vọt


Trung tâm hội nghị Davos, Thụy Sĩ, ngày 15/01/2023. REUTERS - ARND WIEGMANN
Trọng Thành
Hôm nay, 16/01/2022, Diễn đàn thường niên của giới tinh hoa kinh tế và chính trị thế giới khai mạc tại Davos, Thụy Sĩ. Nhân dịp này, liên minh chống nghèo đói và bất công toàn cầu Oxfam công bố kết quả một cuộc khảo sát lớn, cho thấy nhóm 1% người giàu nhất hành tinh tiếp tục giàu lên trong thời gian đại dịch, với số tiền thu về ước tính 2,7 tỉ đô la/ngày, trong lúc tình trạng nghèo đói cùng cực lần đầu tiên gia tăng trở lại khắp nơi trên toàn cầu.

Từ Davos, đặc phái viên Mounia Daoudi gửi về bài tường trình :

‘‘Điểm ghi nhận chính của cuộc khảo sát quy mô lớn do tổ chức Oxfam thực hiện là sự tăng nhanh mức độ tập trung tài sản vào tay một thiểu số rất nhỏ, trong bối cảnh lần đầu tiên từ 25 năm qua, tình trạng nghèo đói cùng cực gia tăng trở lại. Ông Quentin Parrinello, đồng tác giả của báo cáo về bất bình đẳng toàn cầu, nhận định :

‘‘Điều gây sốc là nhóm những người rất giàu nay lại càng giầu hơn, đặc biệt nhờ ở các biện pháp can thiệp của chính quyền trong bối cảnh đại dịch Covid, với hàng trăm tỉ đô la được huy động. Họ giàu lên không phải nhờ các lựa chọn về chiến lược và kinh tế thực sự xuất sắc. Hiện tại, chúng ta đang phải trả giá cho các chi phí đối phó với cuộc khủng hoảng này. Điều hoàn toàn hợp lý là buộc họ phải đóng góp tài chính cho việc giải quyết khủng hoảng.

Lo-gích này vẫn chưa thực sự được thực hiện. Đại diện của Oxfam tố cáo sự thiếu can đảm chính trị về chính trị : ‘‘Chúng ta thấy là có đến 75% chính quyền trên toàn cầu đang chủ trương cắt giảm đầu tư cho y tế, cho giáo dục, cho an sinh xã hội, để dùng tiền trả cho những chi phí trong thời gian khủng hoảng dịch. Rõ ràng có sự thiếu can đảm về chính trị. Cho dù việc có được một hệ thống y tế hiệu quả là cần thiết, với hệ thống an sinh cho phép bảo vệ những người bấp bênh nhất’’.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng về giá cả đắt đỏ đã được chỉ ra như rủi ro chủ yếu đè nặng lên nền kinh tế thế giới trong hai năm tới, Oxfam muốn trở thành tổ chức phát ngôn cho nỗi bức xúc lan rộng trong xã hội, hiện không còn chừa bất kỳ khu vực nào trên thế giới’’.

Trung Quốc: Ước tính gần 1 triệu người chết do Covid sau 5 tuần mở cửa đầu tiên


Bệnh nhân Covid-19 tại lối vào của một bệnh viện ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 03/01/2023. AP
Trọng Thành
Người Trung Quốc đang ồ ạt về quê ăn Tết. Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ đại dịch gây tổn thất sinh mạng lớn trong dịp Tết Nguyên Đán bình thường đầu tiên kể từ đầu đại dịch. Theo ước tính của chuyên gia Mỹ dựa trên số liệu y tế Trung Quốc, đã có khoảng 1 triệu người chết vì Covid tại nước này trong 5 tuần qua.

Hãng tin Mỹ Bloomberg hôm nay, 15/01/2022, dẫn nhận định của chuyên gia y tế Mỹ, giáo sư ngành dịch tễ học Zuo-Feng Zhang, chủ nhiệm khoa dịch tễ học Trường Y tế Công cộng Fielding thuộc Đại học California (Los Angeles) : « Số ca tử vong do Covid-19 được báo cáo có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm ». Theo một báo cáo mới từ Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, khoảng 64% dân số Trung Quốc đã bị nhiễm virus corona tính đến giữa tháng 01/2023, nhà dịch tễ học Mỹ Zuo-Feng Zhang ước tính đã có đến khoảng 900.000 người tử vong trong vòng 5 tuần lễ, tỷ lệ tử vong trung bình là 0,1% trong tổng số người nhiễm virus.

Sau nhiều tuần phủ nhận mức độ tử vong cao do đại dịch Covid bùng lên do đột ngột dỡ bỏ chính sách Zero Covid, cuối tuần qua, bộ Y Tế Trung Quốc thừa nhận có 59.938 ca tử vong liên quan đến Covid, tính đến ngày 12/01. Tuy nhiên, số người chết do Covid chỉ bao gồm các ca tử vong tại bệnh viện.

Theo một phân tích của Bloomberg, con số tử vong chính thức nêu trên của bộ Y Tế Trung Quốc chỉ tương đương với tỉ lệ trung bình 1,17 người chết hàng ngày trên một triệu dân trong vòng 5 tuần. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong trung bình hàng ngày được thấy ở các quốc gia có chính sách Covid tương tự như Trung Quốc. Khi chủng Omicron tấn công Hàn Quốc, số ca tử vong hàng ngày là gần 7 người chết/ngày/1 triệu dân. Úc và New Zealand, sau khi dỡ bỏ phong tỏa, có tỷ lệ tử vong khoảng 4 người/ngày trên một triệu dân.

Bộ Giao Thông Trung Quốc ước tính khoảng 2 tỉ lượt di chuyển trong dịp Tết bình thường đầu tiên kể từ đầu đại dịch Covid-19, kéo dài khoảng 40 ngày. Đại dịch Covid có nguy cơ

Không có nhận xét nào: