Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Tiết lộ những thất bại trong phản ứng di tản ngày 06/01 - BaoMai

Một chỉ huy hàng đầu của Cảnh sát Điện Capitol Hoa Kỳ (USCP) — Trợ lý Cảnh sát trưởng Yogananda Pittman vừa mới về hưu — đã không trả lời các cuộc gọi khẩn cấp liên tục qua kênh liên lạc vô tuyến yêu cầu di tản Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021, làm lỡ mất khoảng thời gian quý báu mà lẽ ra có thể ngăn chặn vụ nổ súng sát hại người biểu tình Ashli Babbitt, một cựu chỉ huy USCP cho biết.
<!>

Sự chậm trễ do sự im lặng trên hệ thống liên lạc vô tuyến từ Trung tâm Chỉ huy Cảnh sát Điện Capitol quá cấp bách đến nỗi vị trung úy kỳ cựu 22 năm làm nhiệm vụ gần phòng họp Thượng viện Hoa Kỳ đã tiến hành di tản bằng mọi cách. Ông nói rằng ông sợ các nghị sĩ có thể bị thương hoặc bị thiệt mạng nếu ông không dẫn họ đến nơi an toàn trước khi cửa phòng họp bị những người biểu tình phá vỡ.


Trong một loạt các cuộc phỏng vấn, cựu Trung úy Tarik K. Johnson, 47 tuổi, đã đưa ra cáo buộc chi tiết rằng bà Pittman đã không hồi đáp nhiều cuộc gọi hỗ trợ khẩn cấp.


“Vào ngày 06/01/2021, tôi đã cầu xin sự trợ giúp cả ngày và tôi cảm thấy mình hầu như bị phớt lờ,” ông Johnson nói. “Tôi khẩn cầu một lần nữa vào ngày 06/01/2023 — đúng hai năm sau — để các cơ quan điều tra thích hợp sẽ khám phá ra điều gì đã thực sự xảy ra vào ngày 06/01 đó và tôi cầu nguyện rằng đất nước sẽ nghe thấy tiếng kêu cứu của tôi.”

Ông Johnson cho biết rằng sự chậm trễ quan trọng trong việc di tản này đáng lẽ không bao giờ được xảy ra.

“Không có phản hồi từ bất kỳ ai ở Trung tâm Chỉ huy,” ông Johnson nói. “Tôi nói ngay cả trước khi tôi bắt đầu di tản, tôi đã nói cụ thể, ‘Chúng ta phải bắt đầu nghĩ đến việc đưa mọi người ra ngoài trước khi chúng ta không còn cơ hội nào nữa.’ Tôi không nghe thấy một lời phản hồi nào. Rồi tôi xin phép di tản. Tôi cũng không nghe thấy câu trả lời nào.”


Bà Pittman, 49 tuổi, người sẽ bắt đầu một công việc mới với tư cách là cảnh sát trưởng tại Đại học California-Berkeley vào ngày 01/02, đã không phản hồi các tin nhắn yêu cầu bình luận. Bà đã tuyên bố thôi việc ở USCP vào tháng 11/2022.


Trung tâm Chỉ huy USCP, nằm trên tầng bảy của tòa nhà trụ sở trên Phố D ở Hoa Thịnh Đốn, là một căn phòng rộng 40 x 30 foot, nơi có lực lượng Cảnh sát Điện Capitol và các quan chức từ các cơ quan đối tác, bao gồm Sở Cảnh sát Thủ đô DC (MPD), FBI, Cảnh sát Công viên Hoa Kỳ, và các bên khác.

Trong cuốn sách mới của mình, “Courage Under Fire” (tạm dịch: “Lòng quả cảm trong nguy nan”) phát hành vào ngày 03/01, cựu Giám đốc USCP Steven Sund, 57 tuổi, cho biết một khu vực của Trung tâm Chỉ huy có biệt danh là “the pit” được sử dụng để giám sát “tất cả các hệ thống camera, radio, chuông báo động, và một thiết bị đầu cuối điều phối có sự hỗ trợ của máy điện toán để theo dõi các cuộc gọi trợ giúp tới USCP và MPD.”


Được thành lập theo một đạo luật của Quốc hội vào năm 1828, Cảnh sát Điện Capitol Hoa Kỳ có hơn 1,800 sĩ quan tuyên thệ, hơn 500 nhân viên dân sự, và có ngân sách hàng năm là 602.5 triệu USD.

Theo cuốn sách nói trên, ông Sund đã ở Trung tâm chỉ huy vào chiều ngày 06/01 đó, nhưng đang bận thực hiện hàng chục cuộc gọi tới các viên chức đặc trách duy trì trật tự của Hạ viện và Thượng viện, và cả Ngũ Giác Đài, cố gắng cử lực lượng Vệ binh Quốc gia đến Điện Capitol. Theo như cuốn sách cho biết, ông cũng đã thực hiện và nhận nhiều cuộc gọi để sắp xếp sự hỗ trợ lẫn nhau từ các cơ quan cảnh sát xung quanh.


Không có lời kể nào trong cuốn sách cho thấy ông Sund biết về những cuộc gọi xin trợ giúp mà không được phản hồi. Ông Johnson không đổ lỗi cho ông Sund về những vấn đề này. Ông Sund kể rằng đã nhìn thấy một số cảnh bạo lực diễn ra ở Điện Capitol từ Trung tâm Chỉ huy.

“Khi tôi ngồi tại Trung tâm Chỉ huy của mình để xem các màn hình video,” ông Sund viết, “sự thất vọng của tôi trước sự chậm trễ liên tục của các viên chức đặc trách duy trì trật tự, cùng với mối lo ngại của tôi đối với sự an toàn của các sĩ quan của mình càng dâng lên. Nói chính xác hơn là tôi giận điên lên.”


Ông Johnson được nhiều người Mỹ biết đến với vai trò là trung úy Cảnh sát Điện Capitol, người đội chiếc mũ lưỡi trai màu đỏ Make America Great Again khi ông phối hợp cùng với hai người của nhóm Oath Keepers để giải cứu 16 sĩ quan USCP bị mắc kẹt ở tiền sảnh bên trong Cánh Cửa vòm Columbus to lớn.

Ông Johnson đã bị USCP đình chỉ công việc và sau đó bị buộc tội vi phạm các quy tắc, bao gồm cả hành vi không phù hợp, vì đã đội chiếc mũ Trump và phối hợp với những người trong nhóm Oath Keepers trong cuộc giải cứu các sĩ quan. Ông cho biết ông tin rằng những cáo buộc đó thực sự xuất phát từ nguyên do là các cuộc di tản và các quyết định lãnh đạo trong tích tắc khác mà ông thực hiện đã khiến bà Pittman hổ thẹn.


Sau khoảng 17 tháng bị đình chỉ, ông Johnson đã được quay trở lại công việc của mình, nhưng đã chọn cách từ chức. Ông Johnson cho biết việc đội mũ MAGA khiến đám đông dễ tiếp nhận ông hơn, mang lại mức độ an toàn mà ông ví như mũ bảo hiểm chiến thuật và được dùng như một công cụ giảm căng thẳng đang leo thang.

Ông Johnson đã làm việc cho USCP được 22 năm vào thời điểm xảy ra sự kiện ngày 06/01, với vai trò là một sĩ quan cảnh sát, đặc vụ cao cấp, viên chức đặc trách, và trung úy. Trong hai năm trước khi phụng sự trong USCP, ông đã đảm nhiệm vị trí viên chức đặc trách duy trì trật tự tại Thượng viện.

Một trong những người trong nhóm Oath Keepers, Thượng sĩ cảnh sát New York đã về hưu Michael Nichols, cho biết hành động của ông Johnson trong cuộc giải cứu sĩ quan đó rất quả cảm.


Ông Nichols nói: “Ông ấy thích nghi được với môi trường này, đặt sự an toàn của các sĩ quan và người dân lên hàng đầu, đồng thời thành công trong việc xoa dịu một tình huống căng thẳng có thể dẫn đến một biến cố thương vong hàng loạt.”

Các hành động của ông Johnson trong suốt cả ngày 06/01 khiến ông Nichols nhớ đến một nhân vật trong loạt phim truyền hình ngắn “Band of Brothers.”


“Không phải ông ấy chỉ giúp đỡ những sĩ quan này, ông ấy giống như trung úy trong Band of Brothers, cứ chạy đi chạy lại trên chiến trường để đưa mọi người vào vị trí và nhiệm vụ, không màng đến bản thân — chỉ vì những gì cần thiết sẽ được thực hiện,” ông Nichols nói. “Ông ấy thực sự đã nhìn thấy bức tranh toàn cảnh vào ngày hôm đó.”

Ông Rico La Starza, người đã ghi lại hoạt động giải cứu trên video, đã đồng ý với nhận định đó. “Ông ấy là nhà lãnh đạo mà mọi người cầu nguyện,” ông La Starza nói. “Nhanh chân và sẵn sàng bước qua gian nguy vì các chiến hữu của mình.”

Bản ghi vô tuyến xác nhận các sự kiện


Những khẳng định của ông Johnson về việc di tản Thượng viện và Hạ viện đã được chứng thực bằng các bản ghi âm và bản ghi điện đàm vô tuyến của.

Cuộc gọi xin phép di tản không được hồi đáp nói trên là một trong số ít nhất bốn trường hợp mà ông Johnson hoặc người điều phối của USCP yêu cầu sự giúp đỡ hoặc chỉ dẫn từ Trung tâm Chỉ huy nhưng vô vọng. Trung tâm này là nơi mà bà Pittman ngồi ở bảng điều khiển trung tâm gần Cảnh sát trưởng Sund.



Cô Babbitt đã bị Trung úy Michael Byrd của USCP bắn và tử vong lúc 2 giờ 44 phút chiều khi cô cố gắng trèo qua ô cửa sổ bị vỡ dẫn vào Sảnh của văn phòng Chủ tịch Hạ viện. Trước đó không lâu, cô Babbitt đã hét vào mặt những kẻ bạo loạn đang phá hoại cửa ra vào và cửa sổ, đồng thời mắng ba sĩ quan Cảnh sát Điện Capitol vì đã không làm gì để ngăn chặn bạo lực.


Ông Johnson cho biết nếu việc di tản Quốc hội bắt đầu khi lần đầu tiên ông yêu cầu trợ giúp, thì Trung úy Byrd sẽ không ở gần lối vào Sảnh của văn phòng Chủ tịch Hạ viện, và phòng của Hạ viện sẽ trống rỗng nếu đám đông bạo lực bằng cách nào đó đã phá được cánh cửa đôi có rào chắn.

“Tôi đã ra lệnh di tản vào khoảng 2 giờ 28 phút cho Thượng viện, và sau đó tôi có thể thực hiện lệnh đó khoảng sáu đến tám phút sau đó cho Hạ viện,” ông Johnson cho biết.

“Trung úy [Byrd] lẽ ra không nên bị đặt vào tình huống đó. Nếu việc di tản diễn ra sớm hơn, Trung úy Michael Byrd sẽ không ở đó và cô Ashli Babbitt sẽ thấy một hành lang bỏ trống.”

Di tản Thượng viện


Âm thanh từ kênh phát thanh chính của USCP cung cấp bằng chứng rõ rệt về nỗ lực di tản hàng trăm nhà lập pháp và nhân viên.

Vào khoảng 2 giờ 23 phút chiều, ông Johnson đã yêu cầu được phép mở khóa một trong những cánh cửa của Thượng viện để ông có thể đưa viên chức đặc trách duy trì trật tự tại Thượng viện Michael Stenger vào phòng. Ông Thomas Lloyd, thanh tra USCP, nói lớn trên bộ đàm, “Được chấp thuận.”

Ông Johnson nhanh chóng đưa ra lời xin trợ giúp khẩn cấp và quan trọng nhất trong ngày.

“405J-John gửi một tin nhắn. Tôi muốn đề nghị rằng chúng ta nên di tản khỏi tầng Thượng viện trước khi [chúng ta] không còn cơ hội,” ông Johnson nói qua bộ đàm ngay sau 2 giờ 25 phút chiều. “Chúng tôi có tầm nhìn định hướng rõ ràng để ra khỏi cửa Thượng viện từ tầng hai. Tôi cần sự cho phép để tiếp tục và bắt đầu việc đó, xin lặp lại.”

Người điều phối lặp lại cuộc gọi của ông Johnson. “…Anh ấy có một tầm nhìn rõ ràng để đưa mọi người ra khỏi đó,” người điều phối nói.

Lần thứ hai, người điều phối chuyển tiếp yêu cầu. “405J-John yêu cầu thông qua tầng Thượng viện,” ông nói. “Anh ấy có một con đường rõ ràng. Mở một con đường phía trước để đưa mọi người ra ngoài.”


Không có phản hồi từ các nhân viên chỉ huy tại hiện trường hoặc trong Trung tâm chỉ huy. Ông Johnson cho biết bà Pittman, khi đó là quan chức số 2 tại Cảnh sát Điện Capitol Hoa Kỳ, là người đáng lẽ phải thực hiện cuộc điện đàm đó.

Ông Johnson cho biết nỗi sợ hãi của ông dâng lên khi từng giây từng phút trôi qua.

“405J-John bất chấp,” ông Johnson nói trên hệ thống vô tuyến. “Tôi sẽ tiếp tục và tiến hành việc đó. Tôi sẽ sử dụng quy tắc 550 hoặc 534. Bây giờ chúng tôi đang di tản tại khu vực phía bắc, đưa mọi người ra khỏi cửa Thượng viện, xin lặp lại.”

Ông Johnson cho biết các con số 550 và 534 đề cập đến các quy tắc kỷ luật của sĩ quan.

Người điều phối trả lời: “Tôi hiểu rõ yêu cầu đó. Việc di tản đang được thực hiện vào lúc này, 14 giờ 29 phút [2 giờ 29 phút chiều].”

Trình tự thời gian sự kiện ngày 06/01 chính thức của USCP nêu rõ ra rằng vào lúc 2 giờ 28 phút chiều, “các thành viên còn lại đã được di tản khỏi Thượng viện.”

Công văn xác nhận lệnh di tản lúc 2 giờ 29 phút chiều. Lúc 2 giờ 32 phút chiều, Phó tham mưu trưởng Eric Waldow phát đi thông báo, “Tầng Thượng viện tiếp tục được di tản. Bây giờ tôi di chuyển cùng với các thành viên.”

Thượng viện đã được tuyên bố là trống lúc 2 giờ 33 phút chiều.
Di tản Hạ viện

Hạ viện nghỉ giải lao lúc 2 giờ 29 phút chiều. Vào khoảng thời gian đó, một nhóm gồm 75 đến 100 người biểu tình — trong đó có cô Babbitt — bắt đầu tụ tập kín cả hành lang bên ngoài Sảnh của văn phòng Chủ tịch Hạ viện liền kề với phòng họp Hạ viện. Một số thành viên trong đám đông này trở nên quá khích và bắt đầu náo loạn. Những kẻ kích động đập vỡ kính cửa ra vào bằng mũ bảo hiểm và cột cờ.

Sau khi dẫn các thượng nghị sĩ đi qua đường hầm tàu điện ngầm đến nơi an toàn, ông Johnson chú ý đến việc di tản Hạ viện, phối hợp qua kênh vô tuyến với viên chức đặc trách an ninh Nelson Vargas, 49 tuổi.


“Tôi sẽ cho anh biết. Tôi đang lắng nghe. Chúng tôi đang cố gắng huy động tất cả các đơn vị ở đó từ cửa chính sang phía bên kia,” ông Vargas nói. “Chúng tôi sẽ vào các phòng này và canh giữ ở đó. Đó có phải là những gì anh muốn chúng tôi làm không?”

“Anh cần mở cửa phòng họp Hạ viện đang có ít người biểu tình nhất ở đó và đưa họ [các thành viên Quốc hội] xuống tầng hầm càng xa càng tốt,” ông Johnson nói. “Hãy dẫn mọi người đến tàu điện ngầm, ở phía Hạ viện.”

Ông Vargas trả lời: “Thưa sếp, hiện tại chúng tôi đang ở bên Hạ viện. Chúng tôi đang ở ngay trước cửa chính.”

Ông Johnson nói: “Hãy sử dụng hành lang, sử dụng hành lang để đi xuống các bậc thang phía sau.”

Video từ Sảnh của văn phòng Chủ tịch Hạ viện cho thấy các thành viên của Hạ viện đang được di tản khi những kẻ bạo loạn tăng cường tấn công vào các cửa ra vào và cửa sổ.






Ông Johnson khuyến nghị bất kỳ sĩ quan cảnh sát nào trên tầng ba của khán phòng Hạ viện, “Đã đến lúc cần phải di tản để chúng ta có thể bảo đảm an toàn cho các thành viên ở phía bên kia, xin lặp lại.” Ông được cho biết rằng các sĩ quan đang ở cùng với 12 đến 15 thành viên của Quốc hội và nhân viên tại một trong các khán phòng của Hạ viện.

“Một thông điệp từ 405J-John đây. Tôi cần kết nối liên lạc. Hiện giờ tôi đang điều động một nhóm sĩ quan qua phía Hạ viện. Họ [các thành viên Quốc hội] cần ở cửa nào, khán phòng nào? Tất cả họ đều ở trong một khán phòng phải không, hay ở các khán phòng khác nhau? Họ ở đâu?”

“Được rồi, phần nào của khán phòng mà chúng ta cần nguồn lực ứng phó để trợ giúp các sĩ quan?” ông Johnson hỏi.

Người điều phối trả lời: “405J-John, tôi không nhận được phản hồi nào vào lúc này, thưa sếp.”

Liên lạc vô tuyến hỗn loạn

Cuộc trò chuyện trên sóng vô tuyến mô tả sự hỗn loạn gần như suốt buổi chiều.


Ông Johnson dường như có mặt khắp nơi trên sóng vô tuyến, di chuyển bên trong và bên ngoài Điện Capitol, khi thì yêu cầu dựng một lều trại khử nhiễm cho các nạn nhân bị xịt hơi cay, bảo đảm cho việc tiếp tế nước, lúc thì gọi nhân viên y tế đến giúp đỡ các sĩ quan bị thương, và chỉ thị các sĩ quan mang súng trường rút lui vào Điện Capitol để những kẻ bạo loạn không thể tước lấy vũ khí của họ.

Khi đám đông từ tầng trệt tràn lên đến Lower West Terrace, ông Johnson đã ra lệnh rút lui lực lượng lúc 1 giờ 53 phút chiều, lo ngại những người biểu tình có thể tìm cách tước lấy những khẩu súng trường M4 từ tay các sĩ quan.

“405J-John, hiện giờ có ai ở Lower Terrace không, tôi cần các anh rút lui và tôi cần các anh ứng phó từ bên trong,” ông Johnson nói. “Nếu không sử dụng vũ lực sát thương, chúng ta không thể mạo hiểm để cho họ tước lấy những khẩu M4 của chúng ta, vì vậy nếu các anh có mang một khẩu M4, tôi cần các anh ứng phó ở cửa Lower Terrace bây giờ.”


Ký giả độc lập Steve Baker có mặt trên sảnh này khi các sĩ quan rút lui vào Điện Capitol.

“Những gì tôi chứng kiến vào ngày hôm đó — khoảng 2 giờ chiều — là một cuộc rút lui đột ngột của tất cả lực lượng chấp pháp đang bảo vệ chiến tuyến Lower West Terrace đó,” ông Baker nói. “Ngay cả trong cuộc phỏng vấn với FBI của riêng tôi, tôi đã nói với họ rằng tôi đã chứng kiến điều mà tôi cho là một mệnh lệnh ‘rời vị trí’ hoàn toàn.”

“Tôi đã nói với họ [các đặc vụ FBI] rằng không có chuyện hơn 100 sĩ quan chấm dứt cuộc đối đầu của họ với những kẻ kích động bạo lực đó, sau đó đồng loạt rút lui khi không có một mệnh lệnh của bất kỳ ai trong cấp chỉ huy,” ông Baker nói. “Họ đã phản ứng với sự quan sát đó như kiểu tôi đang nói những thứ vớ vẩn, nhưng kể từ đó tôi đã biết được thông qua các cuộc điều tra của riêng mình rằng trên thực tế, họ [các sĩ quan Điện Capitol] đã nhận được một lệnh rút lui gần như chính xác vào thời điểm đó.”


Ít khi nghe thấy trợ lý cảnh sát trưởng Pittman trên sóng vô tuyến ngày hôm đó. Vào lúc 2 giờ chiều, bà đã phát đi thông báo, “Đơn vị 2, vào thời điểm này, chúng tôi đang ra lệnh phong tỏa tòa nhà Quốc hội. Hãy phong tỏa tòa nhà Quốc hội.”

Ông Lloyd, chỉ huy USCP của Tòa nhà Quốc hội, đã trả lời một cách mỉa mai, “Việc này đã được làm xong từ lâu rồi.”

Ngay trước thông báo của bà Pittman, ông Johnson đang đi xuống bên ngoài cửa Lower West Terrace để tìm cách tổ chức cho lực lượng cảnh sát rút lui vào Tòa nhà Quốc hội do đám đông người biểu tình từ tầng trệt tiến lên ngày càng đông.


“405J-John, báo cho quý vị rằng tình hình của chúng tôi ở đây đang rất nguy cấp,” ông Johnson nói. “Chúng tôi sắp di tản khỏi khu vực Lower West Terrace, và mọi người sắp tiến vào trong.”

Khi bà Pittman ra lệnh phong tỏa, ông Johnson hỏi, “405J-John, chúng tôi có thể đến cửa trước khi bà phong tỏa chỗ này không?”

Video an ninh từ đường hầm Lower West Terrace cho thấy hàng chục Cảnh sát Điện Capitol Hoa Kỳ và các sĩ quan của Sở Cảnh sát Thủ đô rút lui vào Điện Capitol lúc mà đường hầm này vẫn chưa xuất hiện người biểu tình.


Những sĩ quan cuối cùng lùi vào đường hầm đã bắn đạn cao su vào những người biểu tình đầu tiên tiếp cận đường hầm này. Những viên đạn đó đã không ngăn được đám đông.

Vài giờ sau đó vào buổi chiều, đường hầm Lower West Terrace đã trở thành nơi giao tranh ác liệt và bạo lực. Không rõ tại sao các cánh cửa an ninh lại được mở ra, nhưng cuối cùng, hàng chục sĩ quan đã ập xuống đường hầm, chiến đấu với những người biểu tình đang cố gắng tiếp cận các cửa ra vào. Khí gas do cảnh sát xả ra trong đường hầm đã gây ra một vụ giẫm đạp, và rất có thể là nguyên nhân dẫn đến sự qua đời của người biểu tình có tên là Rosanne Boyland, 34 tuổi, ở Kennesaw, Georgia.


Việc truyền đạt qua radio cho thấy ông Johnson đã cố gắng như thế nào trong suốt buổi chiều để nhận phản hồi, ra lệnh, và chỉ thị — nhưng hầu như không có kết quả.

Vào lúc 2 giờ 04 phút chiều, ông Johnson đã yêu cầu “một đơn vị CERT có thể xây dựng một quy trình chiến thuật để chúng tôi có thể giữ chân mọi người ở ngoài và không xâm phạm cho đến khi chúng tôi đưa được người của mình vào.”

Đội Quản thúc và Ứng phó Khẩn cấp (CERT) là phiên bản của đội chiến thuật và vũ khí đặc biệt (SWAT) của Cảnh sát Thủ đô.

“405J-John, tôi đang nói với quý vị những gì chúng tôi cần. Chúng tôi cần một số loại kế hoạch chiến thuật để đánh lạc hướng những kẻ vi phạm này, từ đó chúng tôi có thể đưa mọi người vào cửa Lower West Terrace,” ông Johnson tiếp tục. “Chúng tôi không có bất kỳ trang bị cứng nào ở đây.”

“Chúng tôi cần một kế hoạch để đưa những người này, những sĩ quan này trở lại tòa nhà,” ông Johnson nói. “Họ đang đến, vì vậy chúng tôi không thể ngăn họ xâm phạm.”

Đã không có phản hồi nào.

Một thời gian ngắn sau, lúc 2 giờ 08 phút chiều, bà Pittman thông báo một đợt phong tỏa khác.

“Đơn vị 2, tại thời điểm này, chúng tôi đang ra lệnh phong tỏa toàn khu vực,” bà Pittman nói. “Một đợt phong tỏa toàn khu vực. Xin hãy truyền thông điệp này đi.”


Ông Johnson tiếp tục kêu gọi hỗ trợ ở lối vào Lower West Terrace. “Cửa Lower West Terrace, Lower West Terrace sắp bị đột nhập, vì vậy chỗ này là ưu tiên,” ông nói.

“Chúng tôi cần một đơn vị CERT nào đó giúp chúng tôi đưa các sĩ quan đang bị mắc kẹt ở cửa Lower West Terrace, xin lặp lại, ở cửa Lower West Terrace.”
“Được rồi, tôi đang gọi cho một đơn vị CERT. Tôi cần một đơn vị CERT,” ông nói. “Tôi cần một kế hoạch để đưa những đơn vị ở Lower West Terrace ra khỏi đó.”

Di chuyển về Thượng viện

Một thông điệp lan truyền yêu cầu sự giúp đỡ từ Thượng viện về một cuộc xâm phạm được báo cáo vào Điện Capitol. Ông Johnson đã nhanh chóng phản ứng.

“405J-John, tôi đang đi lên tầng hai để bảo đảm sự an toàn cho phòng họp Hạ viện ở đó,” ông nói. “Chúng tôi cần một trung úy hoặc ai đó để phản hồi về tình hình phòng Thượng viện, phòng Thượng viện. Tôi đang ở bên Hạ viện.”

Đại úy Ben Smith đã ra lệnh phong tỏa các phòng họp của Hạ viện và Thượng viện lúc 2 giờ 15 phút chiều. Ông Johnson rời Hạ viện và tiến về phía Thượng viện.

Ông Johnson một lần nữa yêu cầu phản hồi. “Chúng tôi sẽ cần một số hướng dẫn về những gì chúng tôi sẽ làm. Điện Capitol bị đột nhập. Chúng ta có hàng trăm người đang ở đây. Chúng tôi cần một số chỉ dẫn. Các ông muốn chúng tôi làm gì?”

Đã không có phản hồi nào.
‘Thất bại ở nhiều cấp độ’

Trong một phiên điều trần của tiểu ban Hạ viện Hoa Kỳ vào ngày 25/02/2021, bà Pittman đã được hỏi về việc không liên lạc vô tuyến khiến các sĩ quan không nhận được hướng dẫn trong các điều kiện diễn biến nhanh chóng.

Dân biểu Jaime Herrera Beutler (Cộng Hòa-Washington) yêu cầu bà Pittman giải thích “việc các sĩ quan của bà không nhận được liên lạc trên các máy bộ đàm của họ.”


“Một phần của vấn đề này, tình trạng hỗn loạn này là do từng người trong số các sĩ quan này — dù có là người chỉ huy tại hiện trường hay không — đều đã phải đưa ra quyết định mà không có thông tin nào cả,” bà Herrera Beutler nói. “Giống như không có sự trợ giúp nào theo như họ biết. Họ không biết quý vị đang làm gì.”

Bà Pittman đã quy trách nhiệm cho những người chỉ huy tại hiện trường, nói rằng “các quy định chỉ huy vốn có đã không được tuân theo, như lẽ ra chúng phải được tuân theo.”

“Những sĩ quan tại hiện trường đó, những người phụ trách Đơn vị Gây rối Dân sự của chúng tôi, cũng như những chỉ huy hoạt động phụ trách Điện Capitol chịu trách nhiệm thực hiện hệ thống chỉ huy sự cố đó,” bà Pittman trả lời. “Vì vậy, khi có hành vi xâm phạm, thì quý vị tìm kiếm những người chỉ huy có mặt tại hiện trường để cung cấp chỉ thị đó. Điều đó đã không xảy ra, chủ yếu là do những người chỉ huy tác chiến vào thời điểm đó đã quá choáng ngợp.”

Bà Herrera Beutler trả lời: “Vì vậy, tôi muốn biết tại sao chính bà và các nhà lãnh đạo khác không duy trì hoặc giành lại quyền kiểm soát hệ thống thông tin liên lạc đó, bởi vì bà có lợi thế về tầm nhìn bao quát.”

Bà Pittman lại đẩy trách nhiệm cho các chỉ huy tại hiện trường.

“Vì vậy, tôi không kỳ vọng rằng những sĩ quan đó sẽ chịu trách nhiệm về việc liên lạc,” bà nói. “Những chỉ huy đó sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp về điều mà những sĩ quan đó đã báo cáo, bởi vì họ có lợi thế chiến thuật và lăng kính chiến lược, có thể nói như vậy.”


Bà Herrera Beutler tiếp lời: “Có phải bà đang nói rằng các chỉ huy đó bằng cách nào đó, và câu hỏi trung thực là thế này: Vì vậy những chỉ huy đã không giành lại quyền kiểm soát hệ thống thông tin liên lạc và chỉ thị các sĩ quan ở tuyến đầu phải không?”

Bà Pittman trả lời: “Có thể nói rằng, tôi nghĩ đó là một thất bại ở nhiều cấp độ.”

Bà Herrera Beutler đã lưu ý rằng 10 ngày trước đó, Ủy ban Lao động của Cảnh sát Điện Capitol Hoa Kỳ đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà Pittman với tỷ lệ 92%.


Trong một bức thư ngày 27/01/2021, ông Gus Papathanasiou, Chủ tịch Nghiệp đoàn, cho biết sự kiện ngày 06/01 là một “sự thất bại của ban lãnh đạo.”

Các sĩ quan tức giận và tôi không đổ lỗi cho họ,” ông Papathanasiou nói. “Toàn bộ nhóm quản lý này đã làm chúng tôi thất vọng và họ phải chịu trách nhiệm. Việc họ không hành động đã phải trả giá bằng các sinh mạng.”

Trong một bức thư gay gắt dài 16 trang gửi cho các nhà lãnh đạo Quốc hội hồi cuối tháng 09/2021, một cựu chỉ huy Cảnh sát Điện Capitol Hoa Kỳ và là người tố giác đã chỉ trích bà Pittman và Phó cảnh sát trưởng Sean Gallagher, cáo buộc họ có “chủ tâm và ác ý” trong hành động bị cáo buộc là không thực thi công việc của mình vào ngày 06/01.

“Trong Trung tâm Chỉ huy, họ chỉ quan sát, chủ yếu là khoanh tay đứng nhìn,” bức thư viết. “Họ không cố gắng giúp đỡ hay trợ giúp gì trong khi các sĩ quan và viên chức đã thực sự đang chiến đấu vì nhau, vì mạng sống của họ và vì Quốc hội.


“Thay vào đó, hai người này được bầu lên để ngồi không, nói dối và tranh giành lợi ích một cách chuyên nghiệp, trong khi các sĩ quan đang bị thương,” bức thư viết. “Họ đã chọn đứng nhìn, như một nhân chứng không thuộc USCP đã nói, ‘trơ như hai khúc gỗ,’ thực hiện các cuộc gọi và bắt đầu đổ lỗi cho mọi người về những thất bại của họ.”

Khi các cuộc tranh luận nổi lên về tất cả những gì diễn ra tại Điện Capitol hai năm trước, ông Johnson cho biết ông quyết định lên tiếng về những thất bại mà ông chứng kiến vì một ý thức về công lý.


“Tôi hy vọng công lý sẽ được thực thi cho tất cả những người đã thiệt mạng vào ngày hôm đó và sau đó như là hậu quả của sự kiện ngày 06/01,” ông nói. “Tôi hy vọng công lý được thực thi cho tất cả những người bị thiệt hại ngày hôm đó. Tôi hy vọng công lý được thực thi cho tất cả người dân Mỹ vì họ xứng đáng được biết điều gì đã thực sự xảy ra.”

Joseph M. Hanneman _ Nguyễn Lê


Không có nhận xét nào: