sân cộng hòa
Vây là world cup đã tan hàng. Argentina ôm chiếc cúp có đính kèm theo 42 triệu đô. Pháp không ôm cúp nhưng cũng bỏ túi 30 triệu đô. Vớ bở nhất là FIFA, lời sơ sơ 7 tỷ rưỡi đô. Argentina áo gấm về làng bằng chiếc máy bay có sơn hai màu xanh trắng, vẽ huy hiệu AFA và hình các cầu thủ vô địch túc cầu thế giới. Hàng trăm ngàn dân chúng tở mở reo hò khi toàn đội đứng trên chiếc xe buýt không mui diễu hành trên đường phố.
<!>
Đội Pháp về trên chiếc máy bay Air France bình thường nhưng cũng được dân chúng túa ra khu La Concorde phất cờ, đốt pháo bông ầm ỹ. Chúng tôi không ôm cúp về nhưng chúng tôi đã chiến đấu tới trái đá penalty cuối cùng. Tiếng hô “Salut les Bleus” vang dội đường phố như muốn khỏa lấp nỗi buồn không lập được kỷ lục đoạt cúp vàng hai mùa world cup liên tiếp.
Tuy nhiên Mbappe, đôi giầy vàng của world cup, vẫn mang nỗi buồn trên mặt. Nỗi buồn mà tonton Pháp Macron đã đích thân xuống sân giang tay ôm an ủi mà vẫn không phai. Giữa rừng người, rừng cờ tam tài và rừng ánh sáng hoan hô, anh vẫn chưa cất được nỗi thất vọng khi chính anh đã tung lưới Argentina tới 4 lần mà đội vẫn nằm ở kèo dưới. Anh tuýt trên Twitter: “Nous reviendrons”, chúng tôi sẽ trở lại. Ý nói trở lại để ôm lại chiếc cúp Jules Rimet thơm như múi mít.
Anh chàng cầu thủ có cái miệng cá ngão cười toác hoác này đã bỏ túi được số tiền thưởng 420 ngàn euro. Vậy mà nỗi buồn vẫn không vơi đi với số tiền thưởng. Con số đối với chúng ta khá hấp dẫn nhưng trái tim của chàng Mbappe lớn hơn con số nên anh đã cho trọn số tiền này cho hội từ thiện Premiers de Cordée mà anh là người bảo trợ. Được báo chí hỏi về hành động quý hóa này, anh nói: “Số tiền này sẽ không thay đổi cuộc sống của tôi nhưng có thể thay đổi cuộc sống của các trẻ em nghèo”. Nghe mà mát ruột!
sân tao đàn
Ruột tôi dính vào trái banh từ hồi còn rất nhỏ. Hình như tất cả các trẻ em Việt Nam khi sanh ra đều có trái banh trong tay. Vậy nên dân ta là dân mê đá banh thuộc loại nhất nhì thế giới. Trong một bài viết, ông Nguyễn Hưng Quốc đã có lần kể lại: “Năm sau, cũng dịp cuối năm, tôi dẫn một đoàn sinh viên Úc về Việt Nam du khảo. Cũng ở Hà Nội. Nhưng đến phi trường Sài Gòn thì tôi được biết tôi không được phép nhập cảnh. Các sinh viên của tôi vẫn tiếp tục chuyến đi đã định. Sau bốn tuần du khảo không có thầy hướng dẫn, các sinh viên gặp khá nhiều chuyện bực mình, nhưng nói chung, ấn tượng của họ về Việt Nam, đất nước cũng như con người khá đẹp. Hỏi: họ thích điều gì nhất? Không ít sinh viên đáp: sự say mê bóng đá của người Việt Nam! Họ kể: trong những ngày đầu tiên họ đến Hà Nội, một giải bóng đá được tổ chức đâu đó (tôi không chắc có phải ở Việt Nam hay không). Lần ấy, Việt Nam thắng. Các sinh viên Úc ngạc nhiên thấy cả hàng chục ngàn người đổ xô ra đường, kẻ đi bộ, người lái xe gắn máy. Cờ vẫy, còi bóp inh ỏi, tiếng cười giòn giã khắp nơi. Không biết tiếng Việt và không hiểu gì cả, nhưng cũng bị lây cái không khí nồng nhiệt và náo nhiệt ấy, các sinh viên của tôi, nam cũng như nữ, lao xuống đường và nhập vào đám đông, cũng huơ tay múa chân hò hét và cười nói hỉ hả đến tận gần sáng. Nhớ lại, với họ, đó là một trong những kỷ niệm đẹp: họ được nhập vào một cơn say. Hay một cuộc lên đồng. Ngây ngất”.
Cái thứ ngây ngất này hình như chỉ có sau này khi đất nước đỏ lòm lòm. Thời chúng tôi không có cái ngây ngất lên đồng như vậy. Tới bây giờ, ngồi coi world cup, chúng tôi cũng chỉ la hét, nhảy múa như con búp bê bị lên giây cót. Rồi thôi. World cup đã ò e con ma đánh đu, hẹn bốn năm sau lại world cup tại Mỹ, Canada và Mexico. Chúng tôi cũng về thôi dù không có mặt tại Qatar. Về với cuộc sống thường nhật, không còn tất bật vội vã để coi chân coi cẳng các cầu thủ. Mấy ngày đầu trở về từ world cup, người cũng bần thần nhơ nhớ. Hơn một tháng quen với ăn uống vội vã, giờ giấc tất bật, nay cuộc sống trở về với cái lặng lẽ của những ngày trống rỗng sau một kỳ hội, tôi cũng …thôi về đi nhưng tôi trở về hơi kỹ : tuốt tới những ngày thơ dại sống với trái banh lăn.
Không phải trên sân cỏ mà trên hè phố. Cũng không hẳn là trái banh. Cái thứ cuộn được cuộn tròn bằng rẻ rách đâu có phải là trái banh nhưng với tôi ngày đó nó đúng là trái banh.
Nhà tôi nằm trên đường Phùng Khắc Khoan ngắn ngủn, chỉ khoảng vài trăm thước, nối liền hai con đường lớn là Hòa Mã và Trần Xuân Soạn ở Hà Nội. Phố nhỏ, xe cộ lưu thông chẳng bao nhiêu, mặt đường là của lũ chúng tôi. Gôn là hai cục gạch. Mỗi lần trái banh vải bay qua gôn là một lần cãi lộn. Mạnh bên nào bên đó cãi. Chẳng có trọng tài phân định đúng sai vì chẳng đứa nào muốn làm trọng tài nhìn bóng lăn mà không được đụng chân vào. Đó là thời kỳ tôi học tiểu học. Lên trung học chuyện banh biếc có khá hơn chút đỉnh. Banh là trái banh quần vợt nhẵn nhụi mất hết lông bị các ông bố ông chú chơi tennis thải ra. Cái thứ phế thải vậy mà cũng có giá. Cả bọn phải chung tiền thuê trái banh quần vợt của sở hữu chủ. Tiền thuê là một que kem hoặc một đĩa bánh tôm hay thịt bò khô được bày bán ở cổng trường Dũng Lạc, bên hông nhà thờ Lớn.
Giữa khuôn viên trường và bên hông nhà thờ là một con đường nhựa có cây cao bóng cả. Đó cũng là sân banh của chúng tôi mỗi khi tan học. Có giầy dép chi đâu! Tôi đã từng toét chân khi tranh dành quả bóng. Dép được xếp thành hai ụ mỗi bên làm gôn. Trận bóng có trọng tài hẳn hoi. Trọng tài được thuê bằng kem, bánh tôm hoặc bò khô như thuê trái banh. Đám cầu thủ chúng tôi là người chung tiền thuê trọng tài nên khinh nhờn trọng tài ra mặt. Mỗi trái banh lọt vô gôn không lưới là một trận cãi vã. Vì đã lớn hơn thời tiểu học nên cãi vã cũng lớn hơn. Nhiều khi hăng tiết vịt, cầu thủ đá banh trở thành những tay đánh bốc. Máu me đôi khi. Vậy là có đứa chạy vào trường mách mấy ông giám thị. Ông trọng tài này uy tín cùng mình, đứa nào đứa nấy cúp đuôi nhận phạt công-si, tới trường ngồi ngáp vào ngày chủ nhật.
Chủ nhật là ngày tôi thường được ông bố cho đi coi đá banh trên sân Mangin. Bị phạt công-si là một thiệt hại nặng nề. Không được ngồi trên poóc-ba-ga có lót chiếc gối bông đi coi các cầu thủ thứ thiệt đá giầy trên sân cỏ đàng hoàng. Sân Mangin nằm trên khu cột cờ nên thường được gọi nôm na là sân Cột Cờ. Ngày đó người lớn vào cửa được kèm theo một trẻ em. Lâu ngày tôi không nhớ là trẻ em phải dưới bao nhiêu tuổi nhưng lúc đó, chúng tôi đã học Đệ Thất, Đệ Lục, không còn thuộc loại trẻ em đúng nghĩa. Khi đi qua anh soát vé tôi phải khom người xuống, chiếc mũ học trò được kéo xuống che khuôn mặt, làm một cú lừa qua mặt anh soát vé. Giờ nhớ lại, tôi nghĩ chắc anh soát vé chẳng ngây thơ gì mà không biết, nhưng mắt nhắm mắt mở làm phúc cho một tên nhóc mộ điệu qua cửa. Tôi đã say mê với những cú lên banh của tiền đạo hữu biên Đoàn Khê Vinh, thường được khán giả biết đến với biệt danh Thăng Long Xích Thố, những cú nhảy bắt bóng hoa mỹ của Thọ Ve. Lại còn trung phong Hùng Mậu Hối, trung ứng Trần văn Ứng, biệt danh Ứng Kều vì ông có chiều cao hơn người. Khi sân Mangin tiếp các đội bóng Hồng Kông như Nam Hoa, Kiệt Trí, đội Djurgarden của Thụy Điển, đội Kodge Bold Club của Đan Mạch thì khán giả mộ điệu coi như ngày hội. Sân Mangin chật cứng người. Giá vé hạng bình dân cho những trận quốc tế này lên tới 20 đồng. Ít khi cha con tôi mua được vé trong các trận banh quốc tế. Thường khán giả phải mua vé chợ đen được các tay đầu nậu rao bán trên các nẻo đường dẫn tới sân banh.
đá banh trên đường phố
Sân Mangin được thành lập từ năm 1912. Trong bài viết “Bóng Đá Hà Nội Nửa Đầu Thế Kỷ XX”, tác giả Nguyễn Ngọc Tiến kể lại: “Tháng 2-1912, Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội (Stade Hanoien) ra đời, tham gia đội bóng không có lính Pháp và lê dương mà chỉ có người Pháp làm ở các công sở và người Việt Nam yêu thích môn thể thao này. Họ đá tập trên bãi Mangin, những buổi tập của đội thu hút rất đông người đến xem vì nó hoàn toàn mới mẻ với dân Hà Nội. Trong hồi ký, Đốc Lý Hà Nội Logerot (giai đoạn từ tháng 9-1912 đến tháng 2-1915) viết: "Không thể tưởng tượng được dân An Nam đến xem quá đông. Họ không hiểu luật chơi nhưng mỗi lần cầu thủ An Nam có bóng dẫn về phía cầu môn đội 9eRIC, họ reo hò ầm ĩ. Tuy nhiên, sức mạnh của Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội vẫn phải nhờ đến các cầu thủ người Pháp là Menin, Megy, Bernard, Bonardi...".
Trận đấu này đã truyền cảm hứng đá bóng cho thiếu niên Hà Nội, nhất là học sinh. Các trường tiểu học Sinh Từ, Hàng Vôi, Cửa Đông… đã lập các đội bóng chân đất. Các nhà buôn Hoa kiều, Việt Nam và Nhật ở Hà Nội tận dụng cơ hội đã nhập khẩu bóng cao su to như quả bưởi từ Hồng Kông đáp ứng nhu cầu lớp trẻ. Nhiều phố, thiếu niên tập trung lập đội chơi bóng. Các đội đấu giao hữu ở các bãi trống trên khắp thành phố, thậm chí tại các ngã ba, ngã tư vắng người”.
Trường Dũng Lạc hồi đó cũng có đội bóng thi đấu với các trường khác. Tôi không được chọn. Thiệt là một bất công vì tôi vẫn cho rằng tôi đá rất có nét. Cũng trầy chân trầy tay, mất mấy cái móng chân chứ bộ!
Hiệp định Genève ra đời vào năm 1954, tôi cùng gia đình di cư vào Nam trong nỗi vấn vương Hà Nội, nơi tôi có quá nhiều kỷ niệm của tuổi học trò. Vào Nam thấy cả một xã hội khác. Rộn ràng và chân thật hơn Hà Nội. Tôi theo học tại trường Chu văn An ngay niên khóa di cư đầu tiên, tháng 9 năm 1955. Học nhờ trường Petrus Ký. Petrus Ký học buổi sáng, Chu văn An học buổi chiều. Sau đó, trường mới dọn về khu nhà sát phía sau, trong khuôn viên trường Petrus Ký, vốn trước đây dùng làm ký túc xá cho học sinh. Cổng vào trường Petrus Ký ở phía trước trên đường Cộng Hòa, cổng vào trường Chu văn An ở phía sau. Gọi là cổng nhưng chỉ là cái rào sơ sài ra vô thong thả. Vừa vào cổng, phía bên trái là Trung Tâm Học Liệu, phía bên phải là một sân banh đất nhưng cũng có cọc gôn đàng hoàng tuy không có lưới. Những giờ trống giữa buổi học hoặc sau khi tan học, chúng tôi quần với trái banh tại sân này. Banh đá thứ thiệt đàng hoàng. Nhưng trời nóng quá khiến cho các cầu thủ chóng mệt. Ra khỏi cổng là có những hàng giải khát sẵn sàng đón nhận các chân bóng giải nhiệt.
Tôi lại tiếp tục đi coi đá banh tại sân Tao Đàn. Ngoài tên Tao Đàn, sân này còn có tên là sân Vườn Ông Thượng, nằm ngay trong khuôn viên vườn ông Thượng, tức vườn Bờ-Rô, sau đổi thành vườn Tao Đàn. Sân tọa lạc ngay giữa thành phố, gần chợ Bến Thành, nên rất tiện cho các khán giả tới lui. Tôi có ông bác vào Nam đã lâu, có cửa tiệm tại đường Lê Thánh Tôn, ngay gần chợ Bến Thành nên mỗi lần đi coi đá banh tôi gửi xe đạp, đi bộ vài trăm thước là tới. Sân nhỏ nhưng đủ tiêu chuẩn quốc tế và có gắn đèn để đá đêm. Trước đây, khu vườn Ông Thượng nằm trong khuôn viên của dinh Norodom, thời đó gọi là dinh Toàn Quyền. Năm 1869 khu vườn được tách ra khỏi dinh Norodom bằng một con đường cắt đôi dinh mang tên Miss Clavell. Năm 1955 đường này được đổi tên thành đường Huyền Trân Công Chúa. Thời kỳ này, lớn rồi, nên tôi phải mua vé vào cửa coi đá banh. Sân này có một biệt lệ rất dễ thương là mở cửa xả láng cho khán giả vào coi thong thả khi trận banh gần tàn. Cũng như nhiều học sinh nghèo thời đó, số lần tôi canh me vào coi khúc cuối nhiều hơn số lần mua vé. Chỉ cần vài chục phút nhìn rõ mặt các tuyển thủ Việt Nam từng đá cho đội tuyển trong các lần xuất ngoại thi đấu quốc tế là mãn nguyện rồi. Những Nhung, Vinh, Hà Tam, Thách, Tư, Thanh, Hiếu, Myo, Tỷ, Rạng, Cự là thần tượng của tôi thời đó. Nhất là thủ môn Rạng tung người bắt banh đẹp không kém Thọ Ve trên sân Mangin ngoài Hà Nội, nơi chỉ còn là kỷ niệm với đám học sinh di cư chúng tôi.
ký giả huyền vũ
Mỗi khi có một trận banh, tôi thường tới nhà ông bác mở radio nghe ký giả Huyền Vũ tường thuật, canh giờ tới khi sân banh cho xả cảng. Mê túc cầu những năm đó, không ai không biết ký giả Huyền Vũ. Với giọng nói miền Nam trầm ấm, ông đã dẫn khán giả theo dõi từng đường banh mà không cần phải tưởng tượng nhiều. Mỗi khi có pha gay cấn, Huyền Vũ nói dồn dập nhưng vẫn rất rõ ràng tên từng cầu thủ đang dẫn banh, trái banh tới gần khung thành, sút. Tôi nín thở theo dõi. Ông hạ giọng: banh không vô rồi! Nghe vừa thất vọng vừa cảm khái. Khán giả ngồi coi trong sân, mắt dõi theo đường banh trước mặt, vậy mà vẫn cần nghe tiếng nói đầy quyến rũ của ông mới tận tường những gì đang diễn ra trên sân. Hồi đó đã có máy thu thanh chạy bằng transistor, rất tiện mang theo người. Trên các khán đài, tiếng ông vang vọng từ các máy do khán giả mang theo vào sân để mở nghe. Dĩ nhiên tôi rất thèm nhưng không thể có được cái máy quý hóa này. Nhưng không sao, dù ngồi chỗ nào cũng có thể nghe ké được. Có nhiều người ngồi gần ông Huyền Vũ trên sân, mở máy nghe quá lớn, đã được ông nhắc nhở xin đừng mở lớn kẻo ảnh hưởng tới kỹ thuật phát thanh.
Từ năm 1960, các trận banh được dời về đá tại sân Cộng Hòa, nằm giữa đường Tân Phước và đường Đào Duy Từ, Quận 10, Sài Gòn. Nguyên đây là sân Renault được thành lập từ năm 1931. Năm 1959, sân được chỉnh trang và hoàn thành vào tháng 10 năm 1960, có sức chứa tới 16 ngàn khán giả, khán đài bằng xi măng, phần chính có mái che, có dàn đèn hiện đại, đạt tiêu chuẩn sân banh quốc tế. Trận banh đầu tiên tại sân Cộng Hòa giữa hai đội Quan Thuế và AJS, nữ nghệ sĩ Thanh Nga đã được vinh dự đá trái banh đầu tiên của trận đấu. Năm 1967, sân Cộng Hòa được tái thiết nâng cấp một lần nữa. Năm 1966, đội tuyển Việt Nam đoạt cúp Merdeka ở Mã Lai. Chiếc cúp được lưu giữ tại sân Cộng Hòa. Sau 1975, cúp bị thất lạc!
Ngồi coi world cup năm nay, tôi cũng đã thất lạc để hồn bay về tuốt tận nửa thế kỷ trước tại Việt Nam. Khán giả khắp nơi cùng các tuyển thủ của 32 quốc gia thi đấuWorld cup 2022 tại Doha, Qatar, không thất lạc. Họ về nhà. Đường bay về dài ngắn khác nhau. Tôi cũng bay nhưng bay ngược về tuổi thơ trên đất mẹ. Thiệt là lẩm cẩm. Người có tuổi thường nhìn về quá khứ. Tôi đã có nhiều tuổi nên bay tuốt về tận thời thơ ấu là chuyện thường tình. Người ít tuổi thường hướng về tương lai. Đó là chuyện dĩ nhiên. Thời gian còn trải rộng trước mắt, họ nhìn về phía trước. Phía trước là World cup 2026 tại Mỹ, Mexico và Canada chúng tôi. Tương lai world cup rất gần với tôi về mặt địa lý. Tôi sẽ ngất ngư sống tới ngày đó để có dịp nhìn chân cẳng các tuyển thủ quốc tế tranh tài. Như đã từng nhìn tận mắt các Ứng Kều, Khê Thăng Long Xích Thố, Thọ Ve, Phạm văn Rạng trên các sân bóng ngày cũ.
Song Thao
Blog/Tranyenhoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét