Hôm sau Tết có phone thăm ông bạn cùng khóa lính , nay trụ trì bên Otawa là thầy Huệ Quang , nghe giọng ông bạn khè khè ,chắc là trong những ngày Tết thầy bận làm lễ nhiều , tụng kinh cũng lắm lại còn được hưởng mùi nhang đèn nên giọng cũng đổi » tông ».Thấy cũng tội cho thầy say mê với giảng pháp , cái làm thầy Tân mệt nhọc chưa chắc là những điều vừa nói mà là hít thở quá nhiều mùi khói hương (nhang) trong một gian phòng đóng kín cửa vào những ngày trọng đông này , trao đổi với thầy một lúc , thầy bảo tôi viết một bài về khói nhang. Khói nhang hay khói hương gì cũng giống nhau , vì tôi là « dốn » nên quen dùng chữ khói hương.
<!>
Sắp vào rằm tháng giêng , rằm lớn nhất trong năm, tha hồ thầy lại hít hương hoa chốn của thiền ,Tân than thở nghe cũng xót nhưng biết làm sao vì Khói hương mang cả không khí cửa thiền, vào chùa không có mùi trầm hương thơm lừng đặc trưng này sẽ thấy thiêu thiếu một chút gì vậy , các thiện nam tín nữ bước vào chùa là trong tay tối thiểu cũng có 1 nén hương , bao nhiêu người thăm viếng cùng lúc chắc sư ông cũng chết ngộp ; tôi cũng có lúc thắc mắc thắp nhang như thế nào cho phù hợp với thời thế, với đại chúng vừa trong lĩnh vực văn hóa đối xử vừa bảo vệ sức khỏe của mọi người nhất là đối với những vị sư trong chùa ;các vị sư này nếu đi xét nghiệm sức khỏe định kỳ chắc rất ít vị bị bịnh tật về tiêu hóa nhưng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều về đường hô hấp hít khói hương cũng độc như là hút thuốc lá nhất là ở thời điểm này quá nhiều hương liệu hóa chất được thay thế. Vào chùa không thắp hương có phải là người thiếu văn hóa đại chúng hay không và nếu thắp , thắp mấy nén hương là đủ , 1 nén , 3 nén ,5 nén hay cả bó.
Phần lớn các gia đình Việt Nam đều lập bàn thờ tổ tiên và thường xuyên thắp hương , họ quen với lề thói tập tục này vậy mà khi hỏi đến thắp mấy nén thấy chừng có phần lúng túng khi chọn câu trả lời. Tôi thì cho là tùy ở lòng thành , số lượng không nhất thiết chứ không phải tùy vào việc thắp mấy nén hương .Đa số thì cho rằng phải thắp đủ ba nén , vì dân gian hay dùng con số ba : cơm ba bát , thuốc ba thang, Chúa ba ngôi, Phật tam thế… Số ba tượng trưng cho nhiều sự việc , khi nói về sự vững chắc ví như là kiềng ba chân. Số 3 còn tượng trưng cho sự đoàn kết;
Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao (ca dao), v.v… Những người hiểu biết chút ít về kinh Dịch, thì cho rằng số 3 biểu hiện ở quẻ Càn. Quẻ Càn có ba gạch tượng trưng cho Trời/ khối Dương. Nói chung, nghe riết một hồi, tôi thấy » mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười », nghĩa là thấy ai nói cũng đúng, ai nói cũng … chí lý! cũng phải, đúng là ba phải! Nói tới đây nhớ lại thời thanh niên, ngày tết , sau khi rượu ngà ngà, anh em đòi đi thắp hương ở tận thành Cổ Loa Gò Vấp, nơi đây mệnh danh là xóm buôn hương, vào đây thường có giá là 3 hoặc 5 trăm đồng VNCH, vì vậy có tiếng lóng với nhau lúc ấy là « đi thắp hương thơm 3 nén » hay còn kháo với nhau là đi « nằm đất với chị hàng hương còn hơn nằm giường với chị hàng mắm » .
Ngày đi làm giáo vụ cho trường kế toán 2 tổ chức lớp kế toán trưởng cho 14 tỉnh phía nam tại Rạch Giá, hay tham dự các lễ cúng đình, có lần nơi đền của ông Phó cơ Điều ở xã An Hòa , cầu Quay , Rạch Sỏi, tôi có gập một vị sư trụ trì nơi ngôi chùa gần đình An Hòa có hỏi thầy , được vị sư này giải thích, là tùy vào mục đích mà chúng ta thắp một cây nhang, ba cây nhang, năm cây nhang, bảy cây nhang. Số 1 là số tròn hợp bởi vũ trụ âm và dương, lý và trí được coi là bao trùm tất cả(vũ trụ sinh lưỡng nghi , lưỡng nghi sinh tứ tượng , tứ tượng sinh bát quái biến chuyển của càn khôn). Số 3 mang tính động, bởi số lẻ thì luôn có khuynh hướng phù hợp với sự chuyển đổi để vươn tới cái hoàn mỹ, cái tốt đẹp hơn. Hỏi ý nghĩa số 5, số 7 thầy chỉ cười và cho biết về đại thể thì cần thắp một nén nhang là đủ. Một nén hương gọi là tâm hương .
Sau này tôi vẫn còn cái thắc mắc này đeo đuổi, nên có tìm đọc thêm thì được biết tuy chỉ một nén nhưng nén tâm hương lại bao gồm ý nghĩa năm sắc hương: giới hương, định hương, tuệ hương, tri kiến hương, giải thoát hương.
Giới hương là tự nhắc nhở mình hướng thiện để tâm luôn trong sáng; Định hương là giữ cho lòng yên ổn không bị cái xấu, cái ác chi phối; Tuệ hương làm cho trí não luôn sáng suốt để thu nhận được những điều tốt đẹp, thiện lương; Tri kiến hương giúp ta vững tin phát triển năng lực, trí tuệ tiến đến cảnh giới « ngoài ta »; Giải thoát hương giúp ta buông xả mọi ưu phiền cũng như những ham muốn tội lỗi…
(điều này nói chuyện với thầy Tân khác nào múa búa trước mặt Lỗ Bang , có sai thầy chỉ bảo thêm) .
Lúc có tìm hiểu về môn « văn minh Việt Nam » tôi cũng có ghé vào các cửa đền để tìm hiểu thêm những thần bí ,lần đó tôi vào cửa đền Sòng Sơn ở đường Nguyễn huỳnh Đức(cổng xe lửa số 6) bây giờ là đường gì thì chịu thua ,vào xem lên đồng của « cô đồng Mùi » , cô đồng Chung là anh cung văn (đánh đàn)được gọi là « ông giáo », gọi là cô nhưng lại là hai người đàn ông, đây là bộ đôi đồng tính luyến ái(có dịp tôi bàn chuyện đồng tính với các bạn), anh chàng vai cô đồng Mùi õng ẹo, ẻo lả làm dáng như một thiếu nữ, ăn mặc , giọng nói như phụ nữ, có lần gặp » ả » đi chung trên một chuyến xe Lam, nghe nói chuyện mà « điên » người, ả cười nói kể chuyện vừa thoát một trạm kiểm soát của cảnh sát, thiếu chút nữa thì bị bắt lính, xòe bàn tay khoe như chùi vài chiếc nhẫn kim cương, nói chuyện một lúc có một người trên xe đùa rủ đi xem ciné, « chị » lẳng lơ trả lời « …dạ hôm nay em dơ mình… » .
Thấy những người đi lễ thánh họ thắp 5 nén hương ,tôi đã có xem sách thấy được ghi lại là « Thắp năm nén hương thường thắp ở đền thờ Thánh mẫu Thượng ngàn, hoặc ở những chùa (tiền Phật, hậu Thánh). Năm nén hương này dành cho ngũ dinh của ngũ hổ tướng quân. Hổ là chúa tể sơn lâm, nên thắp năm nén nhang nhằm mục đích cầu mong sự che chở, đại khái bài văn tế(dài lắm) tôi chỉ viết một đoạn của Văn khấn lễ Tam Toà Thánh Mẫu .
« Đức đệ tứ khâm sai Thánh Mẫu, tứ vi chầu bà, năm toà quan lớn, mười dinh các quan, mười hai Tiên cô, mười hai Thánh cậu, ngũ hổ Đại tướng, Thanh Hoàng Bạch xà đại tướng …. »
Tiếng cầu khẩn cộng với hương khói mịt mù , mùi trầm hương xông lên nồng nặc thành một hình ảnh ma quái, mê hoặc lòng người , ngửi những mùi hương này muốn ngất , nhưng cũng cố gắng để xem diễn tiến
Khi đồng nhập , cô đồng cầm nguyên bó hương múa tít rồi rút cây đao trên giá thờ, vừa múa đao vừa hát :
…Bà về , bà về ở tận trên ngàn…
Lúc tôi ngồi xem lên đồng ,thượng quan sống ở trên ngàn làm phép trị bịnh cho những kẻ đến cúng đền , ăn miếng trầu , hút diếu thuốc của thánh ban, bỗng dưng những người bịnh dường như khỏe khoắn , có sức bật , cũng múa may , nhảy nhót , khác hẳn với lúc vừa bước vào « cửa phủ » , tôi cũng được « thánh ban » cho điếu thuốc, lén đem dấu vào túi áo , lấy điếu thuốc của tôi bập bẹ , qua mắt các cô đồng , sở dĩ tôi không hút vì thấy trên diếu thuốc có một vạch đen bôi trên đó , về tìm hiểu khi đốt lên thì đó là mùi thuốc phiện (morphin) chất này dùng để kích thích con người , chả trách các người đã ăn trầu hút thuốc của « thánh ban » có sức bật mạnh như vậy ; tôi có nói với người dắt tôi vào đền là như vậy và bắt chước điệu bộ « đồng nhập » múa chổi quét nhà hát theo
« Bà về , bà đanh bi da
bà binh xập xám , bà ghi số đề »
thì bị mắng là phạm thượng có ngày bị « thánh vật » .
Còn ngày « xá tội vong nhân » vào rằm tháng 7 thắp 7 nén hương nhằm an ủi mọi kiếp người.Những nén hương này được cắm ngoài trời, nơi có những cây xòe tán um tùm hoặc bụi bờ hoang vắng. Theo quan niệm từ xa xưa, những nơi ấy thường hội tụ những linh hồn vất vưởng không nơi nương tựa…
Nước Việt Nam ta cũng như một số các quốc gia Á châu , trong các nghi thức của Phật giáo và Lão giáo hương trầm rất được phổ biến vì vậy cần có sự tổ chức , sắp xếp và giáo dục các tín hữu tham dự lễ để cho dù dông đảo các tín hữu , phật tử vẫn tránh được khói hương(nhang). Tôi có dịp xem trên Youtube nơi những ngôi chùa ở Huế ,tuy phật tử đi tham dự các khóa lễ ở chùa rất đông, nhưng nhờ công trình giáo hóa của chư Tăng nên các phật tử đem nhang đèn đến chùa, nếu thấy trên lư hương vẫn còn cháy thì yên tâm lễ bái và tuyệt không đốt thêm. Nén hương phật tử mang đến cúng Phật sẽ được cất giữ để dâng cúng Phật trong một dịp khác. Nhờ thế mà mọi người ở chùa có thể hoàn toàn yên tâm hít thở không khí trong lành , nhờ vậy các người đến dự lễ đều được hưởng một bầu không khí trong lành , thanh tịnh ,không còn sợ bị khói hương quấy nhiễu , có thể nghe giảng kinh, thân tâm an lạc.
Để giải quyết bớt tình trạng khói hương nơi các cửa chùa , vì là một lễ nghi cần thiết của Phật giáo nên cũng khó nói với các tín hữu nhưng nếu đốt quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc tu học và sức khỏe, một số chùa đã cho người chủ động rút hết nhang đem đi dập tắt, hoặc để bát hương lớn ngoài trời nhằm cắm ra ngoài, nhưng đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời tuy giải quyết được cho những người dự lễ nhưng cũng là vấn đề của ô nhiễm môi trường.Cái quan trọng nhất là nhà chùa là các chư tăng phải nỗ lực giáo dục các khách thập phương không để người đi chùa dâng hương, lễ bái tùy tiện theo thói quen mà cần phải tận tình hướng dẫn họ tuân theo nề nếp thiền môn quy củvà mang tính văn minh. Đốt một nén hương hay xông một lò trầm hương là thấy đủ tạo ra một không gian lý tưởng nhất cho việc lễ bái, cầu nguyện, để lòng thanh tịnh, tuệ giác và tâm linh được thăng hoa .
Cũng còn nhiều ngôi chùa sân thì vương vãi bao bì của các thẻ hương nhiều lúc còn cả hình đức Phật trên bao hương quăng lăn lóc dưới đất , đầy nghẹt người cúng bái thắp hương , đốt vàng mã chen nhau nơi đốt..
Phật tử muốn lên chùa để tịnh dưỡng tâm hồn cho thanh thản, mong mỏi được tiếp thu tuệ giác của giáo pháp thì chắc chắn sẽ không chọn những cảnh chùa mịt mù hương khói này.
Liège, Cập nhật ngày 10/2/2019
AraPhat
Bài này tôi viết vào tết năm 2018,lúc trao đổi với đồng môn 4/71 Ngô Nhựt Tân tức thầy Thích Huệ Quang, lục lại sửa đổi, thêm thắt vài ý và đưa vào blog , sẵn kèm theo mail trả lời của thầy đính kèm thêm bài thầy viết về « dâng sao giải hạn » vào dịp « rằm tháng giêng »
AraPhat 311
….Ara Phát viết về chuyện hương khói trong chùa rành như đang trụ trì một ngôi chùa nào đó bên Belgique.. It’s true to form Ara à (không thể nào đúng hơn nữa được). Tôi có mấy người bạn tu và làm điệu chung lúc còn bé ở Huế. Tất cả đều là Hoà thượng vì 60 nếu được tấn phong là HT rồi. Người thì chết Vì ung thư phổi vì hít khói hương hàng ngày, 1 người thì mất giọng luôn bây giờ cũng không Thuyết pháp nổi. Tôi có 1 cô đệ tử tên Nghiêm tôi đặt cho pháp danh là Huệ Trang nhiều năm trời Tuần nào cũng lo việc thắp nhang để đưa tôi lúc làm lễ nay vừa chết chỉ vì ung thư phổi. Tôi thì tuần nào sau nghi Lễ chủ nhật thì tiêu luôn giọng, vài ngày sau phục hồi đến chủ nhật thì tiêu. Phật tử Việt bảo đừng Thắp nhang là họ ngưng ngay nhưng Phật tử Tàu thì không bao giờ chịu nghe, họ thắp xong Mình lấy đi thì họ giận. Tôi thì thấy chẳng có ý nghĩa quái gì trong việc thắp 1 cây, 3 hay 5 cây cả.
Mấy ông thầy tìm cách giải thích là những ông tự ái sợ người ta bảo mình ngu nên tìm đủ lý do giải thích. Nào ngờ càng giải thích càng ngu. Chờ ngày nào tôi lên thành Tăng Thống tôi bảo quăng hết nhang, cúng bằng Cognac thay vì nhang. Cognac phải từ VSOP trở lên, dưới VSPO không được mang vô chùa. Cả chánh điện lúc ấy thơm phức ngạt ngào mùi cognac thay vì nhang. Bài viết có ý nghĩa tôi sẽ chuyển cho mấy ông thầy bạn ở các chùa tại Canada đọc chơi. Phật tử tại chùa tôi Đang tìm loại nhang Nhật không có khói vì họ đang lo cho sức khoẻ của tôi vì tôi mà mất giọng thì Chẳng còn ai cúng kiếng. Nghe nói bên Cali có loại nhang này, bạn nào biết chỉ nhé. HT Ngô Nhựt Tân 343 « Everything around me is miracle. Stop searching »
Nhà sư Thích Huệ Quang, người bạn cùng khóa 4/71 với tôi, ông tên là Ngô Nhựt Tân, cũng có duyên gặp lại và cùng nhau trao đổi trên diễn đàn của Groups, cũng như các bạn đồng môn vẫn gọi tôi là Ara và tôi vẫn tiếp tục gọi lại tên tục của thầy, gởi các bạn xem bài viết » NĂM MỚI, CÚNG SAO GIẢI HẠN ».
Ara
NĂM MỚI, CÚNG SAO GIẢI HẠN
Huệ Quang
Cứ vào dịp Tết Nguyên Đán hàng năm, phật tử hay gọi cho tôi, hỏi về tuổi tác của họ trong năm mới. Các câu hỏi đều xoay chung quanh chủ đề về sao chiếu mạng. Họ muốn biết dựa vào tuổi của họ, năm nay họ chịu hạn tốt hay hạn xấu. Nếu nghe sao xấu họ muốn biết phải cúng sao giải hạn ra sao. Tóm lại, phật tử mong cầu chùa sẽ đứng ra giúp cho họ cúng sao giải hạn để năm hết Tết đến, họ gặp vận may, cuộc sống hanh thông, gia đình bình an, công ăn việc làm được ổn định, buôn may bán đắt, con cháu tránh được bệnh tật, vợ chồng ít gây gỗ, v.v.
Trên mặt tâm lý, là con người, ai cũng lo sợ bất hạnh sẽ xảy đến cho chính mình. Chính những ẩn số của tương lai khiến cho họ tò mò muốn đi tìm những câu giải đáp. Nếu phòng hờ được thì phòng hờ, còn không được thì tin vào cúng kiếng, xin sự che chở của thánh, thần, trời, Phật. Xa hơn nữa, họ tin vào mỗi con người có một sao chiếu mạng nên nếu sao xấu hạn xấu thì cúng sao giải hạn cho được bình yên. Như tôi đã nói ở trên, về mặt tâm lý, sự sợ hãi của con người về những ẩn số trong tương lai là chuyện bình thường. Khi có bệnh ai lại không muốn đi tìm thầy thuốc để được sự giúp đỡ?
Vậy người thầy thuốc là ai mà mình nên tìm đến? Chắc chắn không thể là một ông thầy hay một ông sư tu tại một ngôi chùa nào đó. Là người phật tử chúng ta phải khôn ngoan nhận xét và hiểu bằng trí tuệ. Là một người xuất gia từ lúc 8 tuổi, được theo học với nhiều vị thầy giỏi, được đào tạo từ các phật học viện như Hải Đức Nha Trang, tôi muốn chia xẻ với quý Phật tử về việc cúng sao giải hạn qua cái nhìn riêng của tôi.
Chúng ta hãy tin vào nhân quả. Gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Sống hiền lành, làm điều thiện từ hành động, lời nói và ý nghĩ thì quả tốt, điều lành chắc chắn sẽ đến. Làm điều ác, hung dữ từ hành động, lời nói và ý nghĩ thì quả xấu trước sau gì cũng đến. Một ông thầy không thể là một người bói toán, giúp cho phật tử thoát khỏi cảnh tai ương nhờ vào cúng sao giải hạn được. Nếu có vị tu sĩ nào hứa hẹn sẽ giúp phật tử làm điều đó, chúng ta phải cẩn thận và nhận xét thật kỹ lưỡng.
Trong kinh Di giáo, trước khi Phật mất (tôi tránh dùng những danh từ khó hiểu như Niết Bàn, Tịnh độ, v.v. khiến làm cho chúng ta và Phật trở thành xa cách nhau), ngài để lại những lời giáo huấn cuối cùng cho các tu sĩ đệ tử đang vây chung quanh đức Phật lúc ấy. Ngài nói “Giữ tịnh giới thì các thầy không được buôn, bán, đổi chác, sắm sửa đất nhà, nuôi người, tôi tớ và súc vật, lo việc gieo trồng, kinh doanh tài bảo. Tất cả việc này, hãy tránh như tránh hố lửa. Kể cả việc chặt phá cỏ cây và đào cuốc đất đai. Những việc chế thuốc thang, coi bói tướng, coi thiên văn, đoán thời tiết, tính lịch số, đều không thích hợp với các thầy. Các thầy hãy tiết chế cơ thể, ăn đúng thì giờ, sống bằng cách sống trong sạch, không được tham dự thế sự, lãnh sứ mạng liên lạc. Chú thuật, thuốc tiên, giao hảo quyền quí, và thân thiết với họ, rồi hèn hạ, ngạo mạn, tất cả đều không được làm. Phải tự đoan tâm, chánh niệm cầu độ. Không được che dấu lầm lỗi, tỏ ra kỳ dị để mê hoặc quần chúng. Đối với bốn sự hiến cúng thì phải biết tự lượng và biết vừa đủ. Hễ được hiến cúng thì không nên tích trữ.” Dựa vào lời giáo huấn trên, thì một vị tu sĩ không nên làm những việc như coi bói tướng, coi thiên văn, đoán thời tiết, tính lịch số. Nếu là một tu sĩ chân chánh thì không có lý do gì lại xem sao giải hạn cho phật tử cả. Ngài còn nói thêm rằng “không được che dấu lầm lỗi, tỏ ra kỳ dị để mê hoặc quần chúng.” (Kinh Lời dạy cuối cùng do Hòa thượng Thích Trí Quang dịch). Một vị thầy khi nhận thấy phật tử lo âu cho tương lai không nên lợi dụng hoàn cảnh để làm cho người phật tử ấy mang thêm lo âu, hoặc làm ra vẻ như tương lai huyền bí của người ấy đang nằm trong tay mình. Là một tu sĩ chân chánh phải hết lòng khuyên và chỉ bày cho phật tử những gì gọi là chánh kiến và những gì được Đức Phật xem là tà kiến. Chúng ta không thể ghét hay thù một người nào đó, rồi xem ngày xem giờ tốt trước khi đến đánh chửi người đó rồi mong cầu thoát khỏi nhân quả được.
Là người Phật tử, chúng ta phải thực hành lời Phật dạy. Chúng ta phải thể nghiệm cho được định luật vô thường, hiểu được nhân quả. Tất cả những gì chúng ta có thể tiếp xúc được, thấy được đều chịu chung một định luật vô thường, hủy diệt, không thể trường tồn hay còn hoài được. Hiện tại là kết quả của nhân quá khứ cũng như tương lai là quả của hiện tại. Trong kinh Dhannmapada, hay được gọi là kinh Pháp cú, phẩm Song Yếu, câu 20 Phật nói “tuy tụng ít kinh mà thường y giáo hành trì, hiểu biết chân chánh, từ bỏ tham sân, si, tâm hiền lành, thanh tịnh, giải thoát, xa bỏ thế dục, thì dù ở cõi này hay cõi khác, người kia vẫn hưởng phần ích lợi.” Có thể mỗi chúng ta có hoàn cảnh khác nhau. Người thích đi chùa, kẻ bộn bề công chuyện. Kẻ tin nhiều người tin ít. Điều đó không quan trọng. Không nhất thiết chúng ta phải tụng kinh trì chú hàng ngày, vì “tụng nhiều kinh mà buông lung không thực hành thì chẳng hưởng được phần ích lợi của Sa môn, khác nào kẻ chăn bò thuê, lo đếm bò cho người,” như Đức Phật đã dạy trong câu số 19 cùng phẩm. Chúng ta cứ sống đúng, hiểu biết một cách đúng đắn, làm điều lành từ lời nói, ý nghĩ, sống biết đủ, không lệ thuộc quá nhiều vào vật chất, tránh tham lam, sân hận ghét người này thù người kia, thì không những ngay thực tế trước mắt mà kinh gọi là đời này, chúng ta sẽ cảm thấy an vui, mà ngay cả đời sau, nếu có, chúng ta cũng sẽ có sự an vui ấy. Tại sao chúng ta không lo ngay đời này, sống thật bình an, sống có ý nghĩa, tha thứ cho những người đã làm phiền lòng mình cho dù họ vô tình hay cố ý, mà lại bỏ cả công sức để lo cho một cuộc sống mà chính chúng ta cũng không biết ở đâu, ra sao, sau khi chúng ta từ giã cõi đời. Đức Phật nói rất rõ, “thì dù ở cõi này hay cõi khác,” có nghĩa là đời này hay đời khác, chúng ta cũng sẽ cảm thấy an lạc. Như trong tâm lý học nhờ vào nhiều khảo cứu, các nhà tâm lý đã nói, khi chúng ta sống vui chúng ta sẽ chết vui; nếu chúng ta sống trong đau khổ, chúng ta cũng sẽ chết trong đau khổ.
Năm hết, Tết đến, thành tâm chúc chiến hữu và gia đình thân tâm an lạc. Không gì bên ngoài có thể giúp mình vui hay buồn. Tất cả đều do chính mình tạo tác. Khi lòng mình mà buồn thì cảnh có vui cũng bằng thừa. Khi lòng mình vui và an lạc, cảnh có bất như ý mấy mình cũng sẽ dễ dàng chấp nhận và tha thứ. Đó chính là chìa khóa then chốt của những người tin và thực hành con đường của Đức Phật.
Huệ Quang
(Ngô Nhật Tân) | Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét