Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Những người đàn bà trước cổng chùa - Lê Minh Hạ


Với nhiều người, sau Giao thừa hay những ngày đầu năm lên chùa thắp nhang, xin lộc có khi chỉ như một thói quen, không hẳn là tâm linh. Hoặc đơn giản hơn, chỉ để vãn cảnh trong một không gian thanh tịnh. Nhưng ở đó, quanh năm suốt tháng, tôi thường gặp những người đàn bà phúc phận khác nhau và ranh giới giữa họ đôi khi chỉ là một bước chân qua cửa
<!>
Minh họa: pexels-dương-nhân

Thỉnh thoảng khi đến chùa, tôi gặp những chiếc xe hơi đời mới chạy thẳng vào tận trong sân, bước xuống xe là những chủ nhân trung niên, với cách ăn mặc không cần đứng cạnh chiếc xe sang cũng đủ biết đời sống vật chất của họ rất thong thả. Họ thường là những “đại thí chủ” của nhà chùa, nhiệt tình đóng góp khá mạnh tay các khoản ”tịnh tài” ủng hộ nhà chùa trong các hoạt động quan trọng. Từ tu bổ, xây sửa chùa, đúc chuông, tạc tượng đến nhiều chuyện lớn nhỏ khác…

Họ có cuộc sống vật chất đã có thể gọi là tạm đủ, để chỉ còn chuyên chú quan tâm thỏa ý cho đời sống tâm linh. Thường khi đến chùa, họ lưu lại khá lâu, có khi dùng cơm chay ở chùa, trong niềm nở thân tình và việc được gặp những vị thầy trụ trì không phải là cuộc hẹn khó khăn đối với họ.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi cũng thấy những phụ nữ vội vàng đến, một mình có, có khi với con cháu. Chiếc nón họ để vội vàng bên hàng hiên chùa, cầu khấn với vẻ mặt rất thành tâm cùng những bó nhang to cháy khói mù mịt, không quên chỉ bảo mấy đứa nhỏ đi cùng khấn lạy, rồi quày quả đội nón đi.

Và lại có những phụ nữ túc trực trước cổng tam quan nhưng ít khi lên chánh điện. Họ không liên quan đến nhau, nhưng giống nhau đến lạ ở chân dung nhận diện. Họ luôn đội nón lá, mặc áo khoác cũ dù trời mưa hay nắng, luôn bày bán có một thứ gì đó trước cổng chùa. Những lúc vắng khách, họ chắp tay xá vọng vô chánh điện chứ hiếm khi vào trong lễ Phật, dù ở chùa mỗi ngày. Họ ngồi quanh các cổng, lối vào chùa để đón khách thập phương.

Tôi nhớ những người đàn bà bán bánh trái, đồ lưu niệm trước cổng Sùng Hưng cổ tự ở Phú Quốc nhiều năm trước. Ở đó, có một cô gái tật nguyền, không biết do bẩm sinh hay sau một cơn sốt bại liệt. Cô ngồi đó với cây đàn bầu và mẹt hàng trước mặt. Thỉnh thoảng cô cầm đàn và cứ như chơi cho mình, không phải vì muốn gây chú ý để bán được hàng.

Một vẻ điềm đạm an nhiên lạ lùng, khác xa sự khốn khổ thân xác mà cô đang mang, đến mức tôi – thường có tật đi hỏi chuyện người khác – cũng thấy sẽ thiếu tôn trọng cô nếu hỏi vì sao cô đàn. Ngôi cổ tự nằm trên đỉnh núi vốn thanh vắng này có lẽ cũng chẳng mang lại nhiều thu nhập cho những người kiếm sống ở đây.
Minh họa: pexels-hoàng-chương

Tôi thường đi chùa đầu năm và gặp những bà già bán lộc: Những chiếc lá trầu. Những bà cụ già ngồi co ro với đầu gối nhiều khi cao gần ngang mặt, bên cạnh những đọt trầu mới hái, mới rưới nước, xanh tươi mơn mởn mời gọi khách du xuân. Như bà già vẫn hay ngồi trước cổng chùa Sơn Trà, Đà Nẵng.

Tôi không quên được hình ảnh bà cụ ngoài 80 tuổi mom mem ngồi tranh thủ bới cơm trắng ăn ngày Mùng Một trong khi đợi khách, bên cạnh cái mẹt đầy lá trầu xanh. Bà nhai cơm trong ánh mắt đầy hy vọng mỗi khi nghe tiếng xe máy tắt máy dựng chân chống trước cổng chùa. Không biết, năm nay bà có còn đến chùa để bán lộc trầu hay không…?

Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao những người đàn bà ít khi lên chánh điện, túc trực trước cổng tam quan thường là những người nghèo, thậm chí nghèo rớt? Cổng chùa là nơi để người ta tìm đến gửi gắm, cầu nguyện trong hy vọng, với niềm tin tâm linh mãnh liệt, là nơi để trút bỏ muộn phiền lầm lạc, nhưng cũng là nơi mà cái bóng lam lũ nghèo khổ luôn lởn vởn…

Tôi có đến thăm một ngôi chùa nhỏ ở Sài Gòn, nơi nhận nuôi các em nhỏ mồ côi, bị bỏ rơi từ khi còn đỏ hỏn. Những người xuất gia ở chùa này thường mất ngủ ban khuya. Cứ nửa đêm nghe tiếng con nít khóc, tiếng gõ cửa, tiếng chuông cổng reo hay tiếng chó sủa vang là họ lại lật đật bật dậy.

Vì y như rằng, khi ra cổng, sẽ thấy một hài nhi đang khóc nằm chơ vơ bên cổng chùa. Dì phụ trách tiếp nhận vật phẩm của bá tánh gửi phụ giúp chùa nuôi trẻ thường nói một cách hài hước rằng, các bà mẹ bỏ con ấy rất biết “chọn chỗ đặt niềm tin”. Thấy chùa chăm sóc trẻ sạch sẽ, tử tế, nên họ mới “chọn mặt gửi vàng” mà bỏ con! Cả người nói lẫn người nghe đều cười nhẹ, mà nghe đau!

Năm mới rồi, mong những cảnh xót xa không còn xảy ra trước cổng chùa. Chốn thiền môn không phải là điểm cuối cùng của kiếp nhân sinh.

Không có nhận xét nào: