Ông nội tôi là một nhà giàu nổi tiếng ở miền Trung. Gia sản của ông khá đồ sộ, ngoài những đồn điền trà và cà phê ở Buôn Mê Thuột, ông tôi còn sở hữu nhiều bất động sản, và có cổ phần trong hai hãng buôn lớn. Ông tôi chỉ có hai người con, một gái đầu lòng là cô Đoan, và một trai út là cha tôi. Cô Đoan lấy chồng sớm, sanh được bốn người con, nhưng chỉ nuôi được một, đó là anh Kính, anh họ tôi. Mấy người kia đều chết từ lúc mới lọt lòng, hoặc còn rất nhỏ, nghe đâu tử vi của anh Kính có số khắc với huynh đệ. Vì là con hiếm, được cha mẹ hết mực nuông chiều, muốn gì được nấy, nên Kính quen thói xài tiền như nước, và tính tình có hơi độc đoán. Cô dượng tôi, tức là cha mẹ Kính, cũng đã qua đời đã sáu năm rồi, kẻ trước người sau, chỉ cách nhau có vài tháng.
Kính thừa hưởng gia tài của cha mẹ để lại, dùng vốn liếng để đầu tư vào nhà, đất, và mua bán bất động sản, kiếm lời. Cha tôi ba mươi tuổi mới lập gia đình. Hai ông bà chỉ sanh độc nhất có một đứa con là tôi. Cha mất sớm, khi tôi mới lên sáu tuổi, mẹ tôi ở vậy nuôi con. Ông nội vẫn cấp dưỡng tiền bạc cho mẹ, để nuôi tôi, cho tới khi tôi trưởng thành, sau đó thì ngưng, vì ông muốn tôi tự lập. Ông chỉ làm cố vấn, chỉ bảo kinh nghiệm, khuyên bảo, rèn luyện cho cháu phải tự vươn lên bằng chính đôi tay của mình.
Tôi không có số học hành, nên lao vào thương trường, làm đủ nghề để kiếm sống. Tôi kiếm cũng đủ ăn và nuôi mẹ. Nhưng mấy lúc gần đây, vì thời cuộc, và chiến tranh leo thang, công việc làm ăn của tôi bị trở ngại. Đang lúc bối rối, vì không biết xoay ở đâu ra một món tiền lớn để ứng trước cho chủ thầu, thì tôi bỗng nhận được thơ của anh Kính, mời tôi lên Đà Lạt chơi, nói là để khoe căn biệt thự anh mới tậu năm ngoái, và mới hoàn tất việc sửa sang.
Lá thơ của anh làm tôi ngạc nhiên, vì chúng tôi rất ít khi liên lạc, chỉ thỉnh thoảng mới gặp nhau trong những dịp giỗ Tết. Tôi được biết là anh mới lấy vợ, lập nghiệp trên Đà Lạt, và có một cuộc sống khá dư dả. Trong lúc tôi đang cần tiền để làm ăn, lời mời của người anh họ có thể là một cơ hội tốt cho tôi mượn tạm ít tiền, biết đâu? Nghĩ vậy, tôi vui vẻ nhận lời. Anh Kính đích thân đi đón tôi tại phi trường, và đưa về nhà. Vừa dừng xe trước cổng, anh đã gọi lớn vào bên trong:
- Mình ơi, ra chào khách! Chú em tôi đã tới đây rồi. Đi đường xa, chắc chú ấy đang đói bụng... Ở nhà mình đã lo chuẩn bị cơm nước xong chưa?
Sự nhiệt tình và lòng hiếu khách của anh làm tôi cảm động. Cánh cửa bật mở, và một người thiếu phụ từ bên trong thong thả bước ra, nhìn tôi cúi đầu chào. Tôi nhìn người chị dâu lần đầu tiên gặp mặt. Bà ta trông rất trẻ, chắc chưa tới ba mươi tuổi, dáng người mảnh mai, nước da trắng xanh, nét mặt thanh tú khá đẹp, nhưng phảng phất có nét buồn. Đôi mắt trong suốt, nhưng u uẩn như chứa cả một trời tâm sự, và suối tóc đen óng ả buông xõa xuống đôi vai gầy, tạo cho bà một vẻ thanh nhã, quí phái. Bà ta đứng bên ông chồng to béo cục mịch, trông thật là tương phản, chẳng cân xứng tí nào. Trông họ giống như một đôi đũa lệch, và trên nét mặt của cả hai, đều không có vẻ rạng rỡ của một cặp đôi hạnh phúc... Một con sóc vụt chạy ngang, làm tôi giật mình, gián đoạn dòng suy tưởng. Sực nhớ là chưa chào hỏi bà chủ nhà, tôi vội vã bước tới, nghiêng mình đáp lễ, miệng cười thật tươi:
- Chào chị, hân hạnh được biết chị. Hôm nay thời tiết tốt quá, chị khoẻ chứ?
Bà ta chỉ lặng lẽ gật đầu, nhìn tôi bằng ánh mắt khó hiểu, và không nói một lời, không cả một cái mỉm cười xã giao, thái độ lạnh lùng, khác hẳn với sự vồn vã của người chồng. Lợi dụng lúc ông ta đánh xe đi cất, bà mới nói thật nhanh:
- Tốt hơn hết chú nên rời khỏi đây ngay, không nên ở lâu. Chuyến bay Đà Lạt - Sài Gòn sớm nhất sẽ cất cánh vào lúc 9 giờ sáng mai...
Tôi vô cùng sửng sốt, câu đuổi khách trắng trợn của bà ta làm tôi cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Mặt nóng lên vì giận, tôi cau mày nhìn thẳng vào mặt bà ta, nói gằn từng tiếng một, giọng thách thức:
- Anh Kính viết thơ, nhiệt tình mời tôi tới chơi. Sau một chuyến đi xa như vậy, tôi không nghĩ rằng tôi sẽ về ngay ngày mai.
- Tôi làm vậy là chỉ vì chú. Anh Kính...
- Bà nói cái gì thế? Tôi làm sao?
Kính đã trở lại, và nghe được câu sau cùng. Bộ mặt đang tươi cười của hắn bỗng dưng sa sầm, trông rất dữ tợn. Kính kéo vợ vào bên trong. Chẳng biết hai người bàn tính, cãi cọ ra sao, mà chỉ một lúc sau, bà ta trở ra, mặt tái mét, và đôi mắt đỏ hoe vì khóc:
- Ông ấy bảo tôi ra xin lỗi chú.
- Chị khỏi phải xin lỗi. Tôi thật sự không hiểu gì cả.
- Khi chú hiểu thì đã quá muộn. Âu cũng là do số trời... Bà ta thở dài, thôi tôi phải vào, kẻo ông ấy nghi.
Nói xong bà ta quày quả đi ngay vào nhà. Tôi đứng như trời trồng, không biết nên có thái độ nào, thì Kính quay trở ra, nét mặt đã vui vẻ lại. Hắn vỗ vai tôi thân mật:
- Tôi cũng phải xin lỗi chú vì thái độ kém lịch sự của vợ tôi. Bà ấy sức khoẻ không được tốt, nên tánh nết khó chịu. Chẳng riêng gì chú, bà ta không muốn bất cứ ai tới đây, khuấy động sự yên tĩnh của ngôi nhà này.
- Thật sự em không ngờ, nếu biết vậy, em đã không tới... Thôi, để khỏi làm phiền chị ấy, sáng mai em sẽ rời khỏi nơi đây.
Kính hốt hoảng:
- Ấy đừng làm vậy, chú làm vậy là không nể mặt tôi. Để tâm làm gì đến lời nói của một người bệnh tâm thần? Tôi sẽ buồn lắm nếu chú về ngay ngày mai, tôi có bao nhiêu dự tính cần bàn với chú, đừng để cho một mụ đàn bà xen vào, làm hỏng hết.
Nói xong, Kính lảng sang chuyện khác, hắn bông đùa vài câu về đàn bà, và kết luận:
- Cứ sống độc thân như chú mà khoẻ. Có vợ vào là rắc rối, mất hết tự do, đôi khi mất cả anh em, bè bạn.
Kính còn nói nhiều nữa, chung quy cũng chỉ vì mục đích cố giữ tôi lại. Thái độ của Kính rất khẩn khoản, nhiệt tình, gần như năn nỉ, làm tôi khó lòng từ chối. Vả lại, tôi cũng tò mò muốn biết xem lý do tại sao bà ta muốn đuổi khách? Bà ta làm vậy là có ý gì? Bà ta chưa hề biết ý định vay tiền của tôi, chưa ai biết hết, kể cả Kính. Vậy thì tại sao? Tướng mạo của bà ta trông nhu mì hiền lành, không có vẻ gì là nham hiểm, bần tiện cả, cũng không có hành động nào tỏ ra là mắc bệnh tâm thần, như Kính nói. Chắc là phải có nguyên do bí ẩn nào đây, nhất định tôi sẽ tìm hiểu. Nghĩ vậy, tôi gật đầu:
- Thôi được rồi, em sẽ ở đây chơi đúng một tuần như đã dự định.
Kính mừng rỡ xiết chặt tay tôi, cả hai cùng đi vào nhà. Căn phòng Kính dành cho tôi rất đẹp, với đầy đủ mọi tiện nghi. Nhưng sự tiếp đãi ân cần của Kính, những bữa ăn thật ngon do bà bếp giỏi nấu nướng, cũng không bù lại cái cảm giác khó chịu của tôi, mỗi khi phải đối diện với bà chị dâu kỳ quái. Tôi sợ đôi mắt nghiêm khắc của bà ta mỗi khi nhìn tôi, nó nửa như thuơng xót, nửa như muốn cảnh báo một điều gì, mà tôi không thể đoán.
Phải công nhận Kính rất có quyền uy với vợ. Bà ta sợ chồng như sợ cọp, chỉ một cái lừ mắt của Kính, là bà ta vội cúi ngay đầu xuống, mắt lấm la lấm lét, và mặt xanh đi vì sợ. Hai người như ngầm che dấu một điều gì bí mật chỉ có họ biết với nhau, còn tôi hoàn toàn là một người ngoại cuộc. Trước sau, chị ấy vẫn không nói gì thêm với tôi, ngoài những câu chào hỏi thông thường. Trái với sự lãnh đạm của bà vợ, sự thân mật giữa tôi và Kính càng ngày càng trở nên khắng khít. Ban ngày, Kính thường đưa tôi đi dạo quanh vùng, và buổi tối cũng hay vào phòng tôi nói chuyện. Một lần, hắn thân mật hỏi han về mẹ tôi, và công việc làm ăn của tôi. Không dấu giếm, tôi kể hết, Kính nghe xong cười khà khà:
- Vậy là chú rất cần tiền, sao để tới bây giờ mới nói?
- Em rất ngại khi phải mở miệng nói đến chuyện vay mượn.
- Chú chỉ khách sáo, anh em trong nhà phải giúp đỡ nhau chứ. Chuyện nhỏ, có gì mà phải bận tâm, năm trăm ngàn đâu phải là một món tiền lớn, anh dư sức cho chú mượn. Anh sẽ đưa tiền cho chú, trước khi chú rời khỏi nơi đây.
Tôi thở phào sung sướng, không ngờ mọi việc lại xuôi rót, dễ dàng như vậy. Tôi nhìn ông anh họ hào phóng với một vẻ biết ơn:
- Em chỉ mượn tạm một thời gian ngắn. Khi lãnh được tiền của chủ thầu, em sẽ hoàn trả anh ngay.
- Không việc gì phải vội vã cả. Vả lại nửa triệu đồng đâu có là bao, so với cái gia tài đồ sộ, ông sắp chia cho anh em mình. Nhất là chú, chú là cháu đích tôn, người thừa kế chính thức, còn tôi chỉ là cháu ngoại...
- Em không tin là ông phân biệt cháu nội với cháu ngoại. Cháu nào mà chẳng là cháu, là máu huyết của ông?
- Tôi cũng hy vọng thế.
Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện về người ông mà tôi rất yêu kính. Nhưng Kính chỉ cười mỉa mai, giọng miệt thị:
- Lão già keo kiệt, gần xuống lỗ rồi mà chưa chịu chia của cho anh em mình. Giữ làm gì chứ, định đem qua thế giới bên kia chắc?
- Anh đừng nói thế. Tôi cau mày, ông có lý do của ông, ông muốn con cháu tự học lấy kinh nghiệm sống, và tự lực cánh sinh bằng chính đôi tay của mình, không ỷ lại vào gia sản của ông bà để lại..
- Cũng tùy trường hợp chứ. Xem kìa, có ông nội nào, tiền của vứt đi không hết, mà để con cháu sống thiếu thốn, nợ nần tứ tung như vậy? Thật đáng xấu hổ... Nhưng chú đừng lo, năm nay ông đã hơn tám mươi rồi, trước sau gì cũng phải chia của cho anh em mình.
- Thôi đừng đề cập đến việc chia tài sản nữa, chúng ta nói chuyện khác đi.
- Vậy tôi đưa chú đi dạo ở khu rừng phía sau nhà nhé? Nơi đó cảnh đẹp và yên tịnh lắm.
Chúng tôi đi trên một cây cầu bằng gỗ mục, bắc ngang một giải đất ẩm. Dưới cầu, chỉ có giòng nước nhỏ, chảy ri rỉ quanh những cây dại mọc xen kẽ giữa những tảng đá. Kính nói:
- Nơi đây trước kia, có lẽ là một con suối hay nhánh sông nhỏ, nhưng thời gian qua đã bị cạn nước, rồi bị đất bồi lấp bằng, nên người ta cũng chẳng nghĩ đến việc sửa chữa cây cầu làm gì.
Qua khỏi cây cầu, một khu rừng hiện ra, thật hùng vĩ với những cây cổ thụ già trên trăm tuổi. Rừng có vẻ âm u, vì ánh nắng không rọi tới mặt đất.
Suốt cả buổi sáng dành cho việc thăm thú này, Kính đã chỉ cho tôi xem những cụm lan rừng mọc ký sinh trên những cành sồi, và rất nhiều giống chim lạ. Sau cùng, chúng tôi cũng về tới nhà, sau khi leo một cái dốc khá cao, vì căn biệt thự tọa lạc trên đỉnh một ngọn đồi, phía dưới là thung lũng, không có nhà cửa chi cả. Kính đưa tôi đi vòng ra sau nhà, trỏ cho tôi thấy:
- Đứng ở đây có thể nhìn bao quát khắp vùng. Chú nhìn cái đầm nước phía dưới kia, nước trong xanh, in bóng trời mây, trông thật thanh bình. Vào những đêm trăng tỏ, mặt đầm phản chiếu ánh trăng, sáng ngời như gương, đẹp như cảnh thần tiên. Tôi đặt tên cho nó là Nhật Nguyệt đầm, chú thấy đúng nghĩa không?
Tôi ngắm nghía, và gật đầu, xuýt xoa khen đẹp. Kính nói với một vẻ hãnh diện:
- Tôi thích căn nhà này lắm. Ở đây biệt lập với chung quanh, sống giữa thiên nhiên, mình có cảm tưởng như người thoát tục.
Tôi tới gần bìa đất, ngó xuống vực sâu đầy đá tảng ở phía dưới, một cây sồi già mọc lên từ đáy vực, thân cây vươn lên gần sát khu đất cao, chỗ chúng tôi đang đứng. Ngọn cây xoè ra như cái tán, chia cành ra tứ phía, một cành chĩa vào trong, cách bìa đất chỉ vài sải tay.
- Sao anh không cho rào lại? Để trống thế này nguy hiểm quá. Em ước lượng chỗ này sâu dễ tới gần chục thước, phía dưới lại toàn là đá tảng, vô ý té xuống, chết là cái chắc.
- Rào làm chi cho mất đi cái vẻ thiên nhiên hoang dã? Vả lại đây là đất tư của tôi, ngoài tôi ra, có ai héo lánh tới nơi đây làm gì? Kính nói và nhìn đồng hồ, đã tới giờ cho chó ăn, chú có muốn xem con chó cưng của tôi không?
Tôi gật đầu, và đi theo anh. Kính mở cổng sau, đưa tôi vào bên trong. Chúng tôi bước xuống vài bậc xi măng, qua cái sân rộng trải sỏi, tôi thấy một cái nhà chó, rộng như một căn phòng, cao gần hai thước, mái lợp tôn, phía trước có một cái cửa hai cánh, làm bằng những chấn song thưa chạy suốt dọc chiều dài, nên căn phòng trông có vẻ sáng sủa và thoáng khí. Bên trong, thấp thoáng bóng một con vật to lớn như con bê, lông màu đỏ rực.
- Lại đây! Kính nói, tôi sẽ cho chú xem một con chó quí, đó là con chó ngao, giống Tây Tạng. Nó có sức mạnh bằng một con sư tử, và rất hung dữ, nó có thể tấn công và hạ gục một con bò mộng.
- Anh nuôi chi một con vật khủng khiếp như vậy?
- Nó hung dữ, nhưng biết nghe lời chủ. Tôi rất cần nó, cơ ngơi này rộng lớn quá, lại ở vào nơi hoang vu, có nhiều thú dữ, có nó canh chừng lúc đêm hôm, tôi an tâm, chẳng phải lo sợ chi cả. Chú có muốn xem cho rõ thì lại đây!
Tôi làm theo. Con vật thấy người lạ tới gần, hộc lên một tiếng dữ dội, làm tôi giật nẩy người lùi lại. Kính vội trấn an tôi, và nói với con vật:
- Boo Boo ngoan nào! Đừng làm cho chú em của ta sợ đấy chứ?
Lạ thay, con vật đang hung hăng, bỗng trở nên hiền lành, ngoan ngoãn nằm yên cho chủ nó vuốt ve, nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc tôi bằng những tia nhìn cảnh giác. Bây giờ tôi mới có dịp ngắm nó thật kỹ. Đó là một con chó, giống như bao nhiêu con chó khác, nhưng to lớn hơn nhiều. Trông nó thật oai vệ với cái bờm xù ra quanh cổ như bờm con sư tử, chỉ khác là bộ lông nó màu hung đỏ, và cặp mắt cũng đỏ rực. Tôi thò tay qua chấn song, toan sờ vào cái bờm của nó, nhưng Kính hốt hoảng kéo giật lại:
- Ấy chớ, đừng làm vậy nguy hiểm lắm. Con Boo chưa quen với sự hiện diện của chú, phải mất một thời gian lâu lắm, mới được nó chấp nhận là bạn, và cho phép tới gần. Tôi mua nó ở Tây Tạng, trong một chuyến du lịch, khi nó mới sanh được vài tuần, chỉ to bằng con mèo. Tôi quí nó lắm, đi đâu cũng đem theo. Tôi coi nó như con, ngược lại nó cũng coi tôi vừa là cha, vừa là mẹ của nó, con Boo rất biết vâng lời.
Kính vừa nói vừa vuốt ve con vật, và cười với nó:
- Boo Boo đói bụng rồi phải không? Để ta lấy thức ăn cho con nhé?
Như hiểu tiếng người, nó ngoắc đuôi mừng rỡ. Kính đứng lên, mở cửa căn phòng kế bên, nơi có cái tủ lạnh đựng thức ăn cho chó. Kính mở tủ lạnh, lấy ra một tảng thịt bò tươi còn dính cả xương, quăng cho con vật. Nó vồ ngay lấy, đem vào góc phòng, ngồi gậm một cách khoái trá, máu tươi nhỏ giọt hai bên mõm . Tôi kêu lên sửng sốt:
- Ghê quá, anh nuôi nó bằng thịt sống à?
Kính mỉm cười, gật gù:
- Thỉnh thoảng thôi, lâu lâu mới đãi nó món nó thích. Thường thì tôi nuôi nó bằng thức ăn nấu chín. Con Boo ăn rất khỏe, nó ăn tất cả những gì tôi cho nó, nhưng món khoái khẩu nhất của nó vẫn là thịt tươi. Boo thích ăn thịt những con vật nó bắt được như chồn cáo, thỏ, gà rừng, đôi khi cả chim muông nữa...
- Trời! sao anh không cản nó đừng giết hại những con vật vô tội đó?
- Làm sao cản được, thú tính là do trời sinh mà.
Kính nói với vẻ mặt thản nhiên, và hãnh diện khoe thành tích đi săn của con thú cưng của hắn. Tôi rùng mình nghĩ thầm, bản năng hiếu sát của con vật khổng lồ và hung dữ này, nếu không được kềm chế, mà cứ để buông thả, dung dưỡng cho tự do phát triển, thế nào cũng có ngày nó sẽ gây ra đại hoạ. Nghĩ vậy, nhưng tôi không nói ra, sợ Kính phật lòng, việc riêng của hắn, chẳng nên xía vào, bất quá mình chỉ ở chơi vài ngày, có ở đây luôn đâu mà lo lắng? Tự nhủ như vậy xong, tôi nói vài câu vô thưởng vô phạt, hoặc chỉ ừ hữ cho qua chuyện. Bây giờ, Kính đang ngồi trên cái gốc cây lớn đã bị đốn cụt ngọn và cưa phẳng lì như một tấm thớt, ngay trước chuồng chó.
Hắn ngắm nhìn con vật đang ngốn ngấu gặm thịt sống một cách ngon lành, rồi quay sang tôi, mỉm cười:
- Mình cũng nên kiếm cái gì bỏ bụng đi, cuốc bộ từ sáng đến giờ, chắc chú cũng mệt và đói rồi, phải không?
Tôi gật đầu, hắn phủi áo đứng lên, kiểm soát cái then, gài cửa cẩn thận, rồi mới cùng tôi vào nhà. Chúng tôi dùng bữa trưa ngoài vườn, không có mặt bà chị dâu. Mấy hôm nay, bà ta có vẻ bệnh, và rõ ràng là cố ý tránh mặt tôi. Những ngày nghỉ rồi cũng qua nhanh chóng. Đêm cuối cùng, trước khi tôi trở về Sài Gòn lo công việc làm ăn, Kính vào phòng, đưa cho tôi cái ngân phiếu nửa triệu đồng, và rủ:
- Đêm nay là đêm rằm, trăng sáng đẹp lắm, chú có muốn ra ngoài, đi dạo với tôi một lát không?
Tôi nhìn đồng hồ, đã hơn 10 giờ khuya. Giờ này mọi người đã đi ngủ cả, tôi cũng lên giường từ lâu, nhưng cứ trằn trọc mãi, không sao ngủ được. Một cảm giác hồi hộp, lo sợ không đâu cứ dấy lên làm tôi bức rức khó chịu, như người ngộp thở. Tôi đang có ý định ra ngoài một lúc cho thoáng, nghe Kính rủ, thì đứng lên ngay. Tôi xỏ chân vào giầy, vơ vội cái áo lạnh khoác lên người, rồi theo hắn ra cửa. Kính nói nhỏ:
- Khe khẽ thôi, đừng để mọi người thức giấc. Bà ấy thấy tôi đưa chú ra ngoài lúc ban đêm, thế nào cũng cản.
Rồi hắn nhún vai một cách bực bội:
- Đàn bà đầu óc nhỏ như cái đồng xu, mà cứ hay xen vào việc riêng của chồng. Tôi không bao giờ để cho bà ấy cản trở những việc làm của tôi.
Chúng tôi rón rén đi thật nhẹ ra phía sau nhà. Quả thật, một cảnh đẹp tuyệt vời hiện ra ngay trước mắt. Núi rừng đêm trăng trông thật thơ mộng và huyền bí. Xa xa, phía dưới kia, cái đầm nước phản chiếu ánh trăng sáng ngời, trông như bầu trời thứ hai với mặt trăng nơi đáy nước, và ngàn sao lấp lánh... Đêm yên tĩnh, không một tiếng động, ngoại trừ tiếng côn trùng kêu rỉ rả, và thỉnh thoảng một con chim đêm bay ngang, cất tiếng kêu ảo não. Tôi say sưa đứng ngắm, thấy đầu óc doãng ra trong một cảm giác lâng lâng khó tả. Kính ôm vai tôi, mỉm cười:
- Tôi nói có sai đâu, đẹp quá phải không? Những người ở thành phố như chú làm sao thấy được cảnh này.
Bỗng một cơn gió mạnh thổi tới, Kính rùng mình xuýt xoa kêu lạnh, rồi bảo:
- Tôi phải vào nhà lấy cái áo len. Chú cứ ở đây chờ, đừng đi đâu cả, tôi sẽ trở lại ngay.
Tôi gật đầu, châm một điếu thuốc hút cho ấm người, thích thú nhìn mặt trăng đang chui vào một đám mây, rồi lại từ từ ló ra, làm quang cảnh chợt tối, rồi lại chợt sáng, chỉ trong một thoáng. Kính cũng chắc lưỡi hít hà khen đẹp.
Trước khi xây lưng đi vào nhà, hắn còn nói thêm một câu:
- Chú cứ ngắm cho mãn nhãn đi, sẽ chẳng có dịp cho chú được thấy lại cảnh này một lần nữa đâu.
Tôi cũng chẳng nhớ là đã đứng đây bao lâu, cho tới khi tôi nghe có những tiếng động như tiếng chân bước lạo xạo trên sỏi. Tưởng Kính trở ra, tôi quay lại thì... Trời ơi, không phải Kính, mà là con chó ngao, con quái vật khổng lồ. Nó đang đủng đỉnh đi tới, vừa đi vừa chúi mũi sang hai bên, đánh hơi khìn khịt, rồi ngẩng lên, nó đã thấy tôi... Dưới ánh trăng sáng tỏ, đôi mắt của nó rực lên như hai đốm lửa. Trong một thoáng, người tôi như tê đi vì sợ, tôi đứng yên, bất động. Con vật cũng dừng lại, nhìn tôi chăm chú. Thoạt đầu nó có vẻ ngạc nhiên, nhưng rồi bản năng hiếu sát nổi dậy, nó hộc lên một tiếng dữ dội, thu mình lại trong tư thế rình mồi. Tôi hốt hoảng nhìn quanh, chợt thấy bóng dáng của Kính thấp thoáng sau cánh cổng, gần cái chuồng chó, tôi thét lên cầu cứu:
- Anh Kính, ra đây nhanh lên! Con Boo...
Kính quay lại, điềm tĩnh nói vọng lên:
- Con Boo đã ra ngoài đó rồi chứ gì. Tôi thả nó ra đấy mà, tối nào tôi cũng thả chó ra để canh nhà. Thường thường con Boo chẳng có việc gì làm nên buồn lắm. Nhưng đêm nay thì khác, nó sẽ rất khích động được gặp chú, nó sẽ có dịp để khoe cái sức mạnh tuyệt diệu của nó...
- Anh bảo nó về chuồng ngay đi! Tôi giận dữ nói, tôi không thích đùa kiểu đó.
- Tôi có đùa đâu? Còn thích hay không, mặc chú. Ráng giữ mình cẩn thận nghe!
Nói xong, Kính cất tiếng cười một cách đểu cáng, và thản nhiên xây lưng đi vào nhà, để mặc tôi một mình phải đối phó với con vật hung tợn. Trong tay tôi không có một tấc sắt để tự vệ, và tôi biết có kêu cứu cũng vô ích. Nơi đây rất xa nhà trên, và chung quanh không có làng mạc, xóm giềng chi cả. Kính đã để lộ nguyên bộ mặt thật của hắn, bộ mặt của một tên sát nhân ghê tởm. Bây giờ thì tôi hiểu, Kính cố tình muốn giết tôi, để độc chiếm cái gia sản kếch xù do ông tôi để lại. Kính và tôi đều là những người thừa kế hợp pháp. Nếu tôi chết đi, tất cả tài sản sẽ thuộc về hắn. Trong vài giây, trí óc tôi làm việc rất nhanh, tôi nhớ lại tất cả, từ việc hắn dụ tôi đến nhà, tới âm mưu giết người, ngụy tạo dưới một tai nạn. Hắn sẽ khai với nhà chức trách rằng, tại tôi tự ý ra ngoài một mình lúc ban đêm, và bị chó tấn công vì tưởng lầm là kẻ gian. Dĩ nhiên là hắn bị nghi ngờ, nhưng nghi ngờ, chứ không thể buộc tội, vì không có bằng chứng nào cả.
Bây giờ tôi đang đối diện với con chó ngao khổng lồ. Nó đứng chắn ở đường đi vào nhà, lối thoát duy nhất của tôi, vì phía sau là vực thẳm. Nó đứng cách tôi chỉ vài chục thước, người và vật nhìn nhau thủ thế. Bắt chước Kính, tôi cố lấy giọng êm dịu phủ dụ nó:
- Boo Boo ngoan nào. Ta là em của chủ ngươi, không phải kẻ gian. Hãy để yên cho ta nghe? Còn mi, về chuồng, về chuồng đi, chóng ngoan...
Để trả lời, nó nhe nanh gầm gừ, chân cào đất lia lịa, làm sỏi đá văng tung toé. Tôi hốt hoảng né tránh, trong đầu chợt nẩy ra một kế... Tôi cởi phăng cái áo khoác đang mặc trên người, bung ra ném về phía con vật, toan trùm đầu nó, và trong lúc nó đang lúng túng để gỡ ra, thì tôi sẽ chạy thật nhanh qua nó, vòng ra phía trước, lên nhà trên đập cửa kêu cứu ầm ỹ, chắc chắn người trong nhà sẽ chạy ra cứu tôi. Nhưng rủi thay, vì run quá, nên tôi ném trật, cái áo bay tới, rớt đánh xoạch ngay bên cạnh con chó. Nó điên tiết ngoạm ngay lấy xé nát, rồi gầm gừ tiến về phía tôi. Tôi lùi dần từng bước, từng bước... rồi dừng lại, không lùi được nữa, tôi đã tới sát bìa đất. Đây là bãi đất trống, không có chỗ nào có thể ẩn nấp được cả. Sau lưng tôi là vực thẳm, và trước mặt tôi là con thú dữ... Nó đã tới gần lắm, chỉ cách tôi một khoảng chừng năm, sáu thước...
Trong một giây, tôi nhắm mắt lại, cầu nguyện. Thế rồi như một tia chớp, tôi nhớ ngay đến cây sồi... Cây sồi già mọc lên từ đáy vực, chỉ cách bìa đất nơi tôi đang đứng một quãng ngắn, ngọn cây cao hơn mặt đất cả mấy thước. Chỉ cần nhảy qua một khoảng cách cỡ năm, sáu sải tay, là có thể níu được cái cành khá lớn gần nhất. Đó là một hành động liều lĩnh và vô cùng nguy hiểm, bởi vì hụt tay là sẽ rơi xuống vực, chết tan xác. Nhưng chẳng thà chết vì té vực, chắc cũng mau chóng, và ít ghê rợn hơn là phải chết dưới móng vuốt và hai hàm răng nhọn hoắt của con dã thú này. Nó sẽ xé xác tôi thành trăm mảnh, và cái chết chắc chắn sẽ vô cùng khủng khiếp.
Không còn chọn lựa nào hơn, tôi đánh liều nhún người xuống lấy đà, phóng vút qua khoảng không, chỉ trong nháy mắt. Soạt một cái, một vật cứng sượt ngang qua mặt, đó là cái cành cây, tôi vội tóm ngay lấy bằng cả hai tay. Thân hình tôi treo lơ lửng ở trên không, như người đang làm xiếc. May sao, dưới sức nặng chưa tới năm mươi kí của tôi, cành cây oằn xuống, nhưng không gãy. Tôi quặp hai chân ôm thật chắc, rồi mới từ từ tụt xuống tới cái chạc ba, và ngồi xuống. Bấy giờ tôi mới thở được, và cảm thấy đau, rờ thử thấy nửa mặt bên trái sưng vù và có tiếng lạo xạo bên trong, chắc là những mảnh xương vụn, có lẽ tôi bị dập xương gò má, nhưng may không chảy máu. Tôi thở hổn hển muốn đứt hơi, và tim đập mạnh tưởng sắp vỡ lồng ngực, tôi đã thoát chết chỉ trong gang tấc. Thật không uổng công tập luyện những ngày cỏn là học trò ở trung học, tôi đã chiếm giải vô địch môn nhảy xa. Nhưng một phần cũng do trời cứu, và số tôi chưa đến lúc tận. Qua phút định thần, tôi đưa mắt nhìn lên bờ. Con Boo đang lồng lộn đi lại một cách tức tối. Đã mấy lần nó chờn vờn định phóng tới, nhưng rồi lại không dám, nó cũng sợ bị rơi xuống vực. Boo nhìn kẻ thù đang ở trên cây, hếch mõm tru lên từng hồi, nghe rởn cả gai ốc.
Trên cái chạc ba, sau khi lại hồn, tôi lần mò tìm được một cành khác cao hơn, nhưng vững chắc và xa con chó hơn. Tôi cẩn thận cởi dây lưng, cột người tôi vào cành cây, đề phòng đôi lúc sơ ý có thể bị hổng chân rơi xuống. Tôi ngồi im chờ sáng, hy vọng bác làm vườn sẽ tới sớm và cứu tôi. Trên bờ, con chó đã thôi sủa, nhưng nhất định không chịu dời đi chỗ khác. Nó đi qua, đi lại canh chừng, và cũng chờ sáng, để giao kẻ gian cho chủ nó.
Bây giờ đã quá nửa đêm, sương xuống hơi nhiều và trăng cũng đã xế. Còn tới bốn giờ đồng hồ nữa, mới tới sáng. Những phút giây chờ đợi mới dài làm sao. Tôi lạnh run và khát nước kinh khủng. Tay chân tôi bắt đầu tê cóng vì lạnh và ngồi quá lâu một chỗ. Nhưng tôi không dám cử động mạnh, sợ tuột tay té xuống vực sâu ở phía dưới.
Sau cùng, bình minh cũng tới, bầu trời sáng dần và trở thành màu xám nhạt. Khi những tia mặt trời đỏ ối đầu tiên bắt đầu ló dạng nơi chân trời phía đông, và chim chóc bắt đầu ra khỏi tổ, tôi nghe có tiếng mở cổng. Nhưng không phải bác làm vườn, mà là Kính, ông anh họ của tôi, tên sát nhân ghê tởm. Hắn ra coi tình hình, xem tôi đã chết chưa, và chết ra sao? Cảnh tượng trước mặt làm hắn ngạc nhiên, Kính trông thấy cái áo khoác của tôi nằm trên mặt đất. Tưởng tôi té xuống vực, hắn thận trọng bước tới gần bờ, cúi xuống nhòm. Kính không mảy may chú ý đến cây sồi già, và bị những cành lá rậm rạp che khuất, nên hắn không nhìn thấy tôi. Nhưng con Boo thì trái lại, nó biết rất rõ tôi đang ở đâu. Boo ngẩng lên, sủa dữ dội để báo cho chủ biết là kẻ thù đang ở trên đấy. Nhưng Kính không hiểu, nghe tiếng sủa thì giật mình quay lại, thấy điệu bộ hung hăng của con vật, hắn tưởng nó sắp tấn công mình, nên sợ hãi la lên:
- Boo, im ngay! Không nhận ra ta là chủ mi hay sao?
Con Boo rít lên một cách tức tối, mắt vẫn không rời con mồi, và càng sủa hăng, tiếng nó ồm ồm nghe thật kinh khiếp. Bây giờ, Kính đứng xây lưng về phía tôi, đối diện với con thú cưng của hắn, con thú to khủng, thích ăn thịt sống, máu tươi, con thú được hắn huấn luyện để giết người... Nó đang nhìn lom lom về phía cái cây rậm rịt có tôi đang ẩn nấp, vừa sủa vừa nhe nanh gầm gừ. Tôi hiểu rất rõ hành động của con vật, nó chỉ muốn nhắm vào tôi. Nhưng Kính lại lầm tưởng con chó nổi điên, phản chủ, hắn nhớn nhác nhin quanh, tìm lối thoát.
Ngồi ở trên cây mỏi quá, tôi hết sức nhẹ nhàng, thận trọng duỗi một chân xuống, đong đưa nhè nhẹ cho đỡ tê. Cử chỉ đó làm cho con Boo tưởng bị khiêu khích, nó hộc lên một tiếng dữ dội, quật đuôi xuống đất, nhảy dựng lên như sắp sửa vồ mồi. Kính sợ hãi rú lên, ôm đầu chạy giật lùi…
Mọi việc xảy ra chỉ trong chớp mắt, tôi nghe một tiếng thét kinh hoàng của hắn, và tôi ngất đi vì sợ.
Những việc xảy ra sau đó, tôi chỉ nghe kể lại: Kính hụt chân rơi xuống vực thẳm, bể đầu, gãy dập xương sống, chết tức khắc. Thiên bất dung gian, Kính chết vì chính âm mưu của hắn đã sắp đặt định để giết tôi. Con chó ngao khổng lồ bị hạ gục bởi tất cả những người làm trong nhà, họ dùng gậy gộc đập nó chết. Người ta đem tôi xuống, chở đi bệnh viện. Tôi không bị thương tích gì trầm trọng, ngoài những vết trầy trụa ở chân tay, và bầm dập nơi gò má, do cú nhảy va chạm làm vỡ vài mảnh xương nhỏ. Thêm vào đó, tôi còn bị sưng phổi, do thân nhiệt xuống quá thấp, vì suốt đêm chịu lạnh ở ngoài trời, và tâm thần xáo trộn, bất an vì quá sợ hãi. Phải mất cả tháng, tôi mới bình phục. Bà chị dâu đi thăm tôi trong nhà thương. Nhìn tôi bằng cặp mắt rất buồn, chị dịu dàng nói:
- Tôi đã làm hết cách để ngăn cản chú không nên ở đây. Tôi biết âm mưu của Kính, nhưng không dám nói thẳng với chú, vì sợ Kính biết được sẽ giết tôi chết. Bây giờ thì chú đã tai qua, nạn khỏi rồi, tôi mới thực sự yên lòng. Còn chú, nhớ lo bảo trọng, cầu ơn trên ban phước lành cho chú.
Nói xong, chị chào tôi ra về. Sau lần đó, tôi không bao giờ được gặp lại chị dâu tôi nữa. Sau này, nghe nói chị đi tu, quyết tâm xa lánh thế tục. Chị ẩn mình trong một nhà tu kín, âm thầm sống nốt quãng đời còn lại, không tiếp xúc, và không tiếp bất cứ ai tới thăm.
PHƯƠNG LAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét