Tôi đi mình ên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này, cách đây 2 năm tôi cũng từng liều mạng mang balô dong ruổi đi Tây mà chữ nghĩa tiếng Tây không rành nửa câu, không cellphone wifi để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp, không có quá 200€ trong túi, chỉ theo lời mời thân tình của một gia đình Tây quen biết sơ giao mà hăm hở đi đại với mục đích duy nhất là thăm thằng con tật nguyền đang sống lưu lạc xứ người.
Cái đất nước Thụy Sĩ giàu có bậc nhất thế giới này đã cưu mang nuôi dưỡng đứa con trai èo uột tội nghiệp của tôi từ hơn 30 năm nay. Thật lòng tôi nợ những con người ở đây một lời cám ơn vô hạn.
Xe chạy băng qua những đồi thông , những cánh đồng, những thành phố nhỏ bình yên với nóc nhà thờ thấp thoáng trong sương mù, tự dưng thấy nhớ Đà Lạt mấy mươi năm trước , nơi mà tôi đã đến rón rén với cái ba lô mang ngược, bởi cái giọng con nhỏ em họ rù rì " chị mà không đi phá thai để bác Năm biết được ổng cạo đầu khô cho coi " . Tại sao phải bỏ đứa nhỏ? có thể ba tôi không chấp nhận " tên lính ngụy" trong gia đình cách mạng của ông nhưng tôi yêu anh ấy biết bao nhiêu. Chúng tôi có quá nhiều chuyện để làm phía trước, có thai lúc này là "ngoài kế hoạch",nhưng tôi cương quyết giữ lại tình yêu và lý tưởng của mình. Vậy là tôi chạy trốn Sài Gòn lên thành phố sương mù, tạm trú trong nhà người quen chờ ngày sinh nở, anh có mặt bên cạnh tôi trong khoảng thời gian khó khăn đó, khi cả nước ăn bo bo thì anh lén lút mang gạo trắng từ miền Tây lên cho tôi, vượt qua không biết bao nhiêu trạm kiểm soát trong cái áo giả dạng bộ đội mà anh phải đổi nhiều quần áo đẹp của anh mới có được nó. Tôi sanh sớm hơn 2 tuần nên thằng bé phải nằm lồng kính, tháng 7 mưa dầm, quần áo không khô kịp, tôi không có đủ sữa cho con , anh tất tả đi bán máu mua về mấy hộp sữa bò, khăn áo cho hai mẹ con, nấu cho tôi một nồi súp đầy rau mà ít thịt, giặt dùm tôi mấy cái quần lót dính đầy máu vì thiếu băng vệ sinh. Tôi đã bật khóc trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Đối với tôi, nếu có phải hy sinh cuộc đời mình cho người đàn ông đáng yêu này thì tôi luôn sẵn sàng. Và tôi đã sẵn sàng như vậy suốt hơn 40 năm qua, mặc dù anh ấy nằm xuống lâu lắm rồi.
VyDan là kỷ niệm đẹp nhất trong chuyện tình của chúng tôi. Đẹp mà buồn đến xót xa.
Yverdon là một thành phố nhỏ của Thụy Sĩ, nói theo bài hát là đi dăm phút trở về chốn cũ, lúc đầu còn bỡ ngỡ lạ lẫm với những con đường quanh co mà từng viên gạch lót trên quảng trường , những lâu đài nóc nhọn phủ mái ngói rêu xanh nằm bên góc chợ đã có tuổi đời hơn trăm năm trước, xen lẫn giữa những tòa nhà cao tầng hiện đại thì xem ra mấy cái Chateau vẫn còn phảng phất vẻ kiêu sa của một thời quý tộc.
Hệ thống xe lửa ở các nước Châu Âu đều có chung một quy tắc tuyệt đối, đó là sự đúng giờ, tôi thực sự thoải mái khi sử dụng phương tiện công cộng này. Bước xuống sân ga lúc nào cũng 4 giờ 15 chiều, tôi chỉ báo cho Luctine và VyDan biết thời gian để yên tâm là tôi có đến và sẽ tự đi bộ về, nhưng lần nào thì 2 người đó cũng đều có mặt để đón tôi, Luctine đẩy xe lăn và VyDan cười vui biểu lộ ra gương mặt muốn hét lên như bất cứ đứa trẻ sung sướng nào được đón Mẹ đi xa về. Tôi hạnh phúc khi cúi xuống ôm VyDan, xoa cái lưng gầy gò nhô xương của nó mà rưng rưng cảm xúc.
Thương quá con dế mèn còi cọc của tôi. Luctine giúp tôi mang cái ba lô nặng trĩu đầy quà của thằng bé để tôi hăm hở đẩy xe cho VyDan, chúng tôi đi bộ về nhà khoảng 2 mile với bao nhiêu câu thăm hỏi dồn dập. ( vốn liếng tiếng Anh của tôi chỉ có thể ở mức xã giao và anh bạn trẻ gốc Pháp này đối thoại sinh ngữ phụ khá hơn tôi, nên khi gặp câu khó tôi cười trừ, hoặc nói bâng quơ vậy mà nó cũng hiểu tuốt ).
Tôi quen biết Luctine cách đây cũng gần 20 năm, khi hắn còn là sinh viên làm thiện nguyện cho tổ chức Terre des Hommes ( The leading Swiss child relief agency), hắn chăm sóc cho VyDan và quen Martin cũng trong công việc này, hai đứa yêu nhau rồi ra trường, hôm đám cưới có cả VyDan tham dự. Năm 2002 hắn đẩy VyDan về Việt Nam thăm Mẹ sau 15 năm xa cách, trong khi ở Thụy Sĩ Martin sắp tới ngày sanh đứa con đầu lòng. Luctine lớn hơn VyDan chắc vài tuổi, điều đáng nói là sự chân tình của hắn dành cho chúng tôi, những con người xa lạ khác màu da, khác ngôn ngữ nhưng có duyên phận gắn bó tình nghĩa với nhau. Lần đầu tiên khi chúng tôi qua Thụy Sĩ ở nhờ nhà đứa cháu họ bên Lausanne, mỗi ngày đi xe lửa đến thăm VyDan, tiền vé đi về của hai vợ chồng hơn 70€, cầm cự mấy tuần chịu không thấu, thì gặp Luctine, hắn nói nhà hắn có dư một phòng, đi bộ đến Chỗ VyDan chừng 5 phút, hắn “welcome , see you next time".
Lại một lần nữa tôi chịu ơn người dưng nước lã đầy hào hiệp này. Hắn hiện ra trong đời sống của mẹ con tôi giống như ông Bụt, cầu được ước thấy. Tôi đã ở nhà hắn đây là lần thứ ba, gia đình Luctine đúng là kiểu mẫu của người Tây phương, nề nếp nghiêm chỉnh, 3 đứa con đều xinh đẹp ngoan ngoãn, học hành giờ giấc đâu ra đó, không ôm iPhone iPad nấu cháo như kiểu nhà mình, cuối tuần cha mẹ dẫn đi học khiêu vũ, học võ hay đánh banh, đứa nào cũng nói được 2-3 thứ tiếng. Nhà khá giả nhưng ăn uống hết sức đạm bạc (!), buổi trưa cả nhà ăn ở ngoài, buổi tối là về đủ mặt cho bữa dinner, có khi chỉ vài đũa spaghetti hay bánh mì chấm chút xíu nước sốt, lâu lâu có miếng cá salmon khiêm tốn cỡ 2 ngón tay.
Lúc đầu tôi không quen ăn quá ít như vậy nên tối ngủ nghe bụng cồn cào. Hỏi ra mới biết họ không thích ăn thịt các loại hay hải sản, và ăn ít như vậy cũng thành quen nên dáng người ai cũng thon thả... Ở bên Mỹ ăn uống thoải mái như hổ, qua đây ăn rón rén như mèo nên ngày nào tôi cũng mua bánh mì phô mai ra công viên ngồi nhai như dân homeless...
Chỗ ở của VyDan cách nhà Luctine chừng 1 miles, đó là khu dân cư nhưng cơ quan thuê hay mua gì đó 2 căn có 4 phòng chung một hành lang riêng biệt để nuôi những đứa trẻ bệnh tật như Vy Dan, có nhân viên chăm sóc 24/7 từ ăn uống thuốc men thay tã tắm rửa, hình như họ chia ca trực, ban ngày có 3-4 người lăng xăng nấu ăn giặt giũ dọn dẹp không ngơi tay nhưng gương mặt họ lúc nào tươi cười vui vẻ, cử chỉ nhẹ nhàng, nói chuyện với tụi nhỏ thân mật như chị em trong gia đình, lạ một điều không đứa nào biết nói nhưng hiểu những lời họ nói và mỗi đứa đều có lối biểu cảm riêng để giao tiếp với họ dễ dàng.
Bốn đứa trẻ đó tôi nghĩ là người của các quốc gia khác chớ không hẳn là dân Thụy Sĩ, nói trẻ vì hình dạng mặt mũi ngây ngô như con nít nhưng đứa nào cũng hơn 35-45 tuổi, chung một khuyết tật như nhau, tay chân khều khào, không đi đứng được, không nói được nhưng nghe hiểu, biết cười và đôi khi la hét vu vơ , ăn phải có người đút và mọi chuyện cá nhân phải có người giúp đỡ tất tần tật như đánh răng tắm rửa thay tã mặc quần áo...
Cuộc sống ở đó thân thiện cho các cháu mang cảm giác thoải mái giống như trong gia đình, phòng khách có sofa tivi trang trí vài chậu hoa, cây xanh trong ánh sáng dịu mát, phòng ăn nhà bếp tươm tất, tới giờ ăn họ trải khăn ăn muỗng nĩa như nhà hàng, thức ăn mang lên thơm lừng, có đủ thịt bò thịt heo rau củ nhưng tất cả đều được bỏ vào máy cắt nhỏ hay xay mịn tùy theo cách ăn của từng đứa, thật tình tôi không biết tụi nó cảm nhận món ăn ngon dở ra sao trong cái món sền sệt trộn chung hầm bà lằng này, mỗi đứa ngồi một góc có nhân viên bên cạnh, Daniel và Jessica thì tay chân quờ quạng nhưng vẫn thích tự cầm muỗng ăn, dù thức ăn đổ vương vãi . Có chứng kiến một buổi ăn trưa với bọn trẻ mới thấy cái tâm và sự chịu đựng của người phục vụ, họ nói huyên thuyên điều gì đó khiến mấy đứa nhỏ cười, họ lấy muỗng gõ xuống bàn chọc ghẹo nhau và ăn ngon lành thức ăn trong dĩa , dù trước mặt họ mấy đứa ăn uống đổ tháo ho khạc đàm nhớt lòng thòng vào chiếc khăn quấn trên ngực.
Thú thật tôi nuốt không nổi khi ngồi đối diện với Daniel lúc nào cũng ho sù sụ khạc đờm rơi rớt trên cái dĩa của nó. Mới biết họ chấp nhận công việc ở đây ngoài chuyện lương bổng là bình thường nhưng cái tâm họ tịnh hơn , tấm lòng của họ bao dung độ lượng hơn nhiều người khác, họ được giáo dục để biết yêu thương và tử tế với những đứa trẻ bất hạnh.
Bà trưởng phòng ở đây đã từng ôm tôi an ủi " mày đừng lo lắng, bọn tao đã sống với tụi nhỏ lâu rồi, tao coi mấy đứa như con của tao, nên mày tin rằng tụi nó rất hạnh phúc ".
Tôi lại khâm phục những con người vác thánh giá này, không có lời cám ơn nào đủ giá trị để dành cho họ. Tôi thấy mình nợ nần một đất nước xa lạ, nợ nần những con người xa lạ nhưng trái tim của họ thật gần gũi ấm áp biết bao nhiêu, nếu không có vòng tay dang rộng của chính phủ Thụy Sĩ và tổ chức nhân đạo này, chắc gì con trai tôi sống sót được đến hôm nay.
Có người hỏi tôi sao không mang nó về bên Mỹ cho tiện chăm sóc mà mẹ con cũng được gần nhau, tôi đã thẳng thắn nói không vì tôi biết nơi nào là quê hương của nó, nơi nào nó sống yên vui mỗi ngày thì đó là thiên đường. Định mệnh đã sắp đặt cho nó sống ở đây và có chết thì cũng ở đây Tôi biết cái cây đã èo uột sẵn mà bứng trồng chỗ khác không chắc gì sống nổi . Trong phòng ăn treo 4 bức ảnh của 4 đứa, năm ngoái tôi qua thì thấy gỡ mất 1 tấm, hỏi thăm mới biết con bé đã về trời, tôi buồn ngẩn ngơ khi nghĩ đến VyDan, nếu lúc nào đó tấm ảnh của nó không còn treo trên tường nữa! Chỉ nghĩ như vậy thôi mà nghe tim mình như nghẹn thở.
Những ngày ngắn ngủi ở bên cạnh con, tôi kể lể cho nó nghe những chuyện này kia về cuộc sống bên Mỹ, về bà con dòng họ ở quê nhà mà hình ảnh và độ thân thiết đã mờ nhạt trong ký ức của thằng bé rời Sài Gòn hơn 30 năm trước .
Thật tình VyDan không có kỷ niệm gắn bó về quê hương Việt Nam với những địa danh xa lạ, thậm chí nó còn không biết là nó cắt rún ở Đà Lạt và chôn nhao ở Sóc Trăng, một điều lạ lùng chưa từng xảy ra với bất cứ đứa trẻ nào, tôi đã làm điều ấy vì ý tưởng nghịch ngợm của một bà mẹ trẻ lúc đó, đem nhao thai ngâm rượu rồi mang bình rượu đó về quê chôn dưới gốc cây trong vườn nhà ngoại, không có mục đích ý đồ gì khác thường, chỉ muốn là làm vậy thôi, sau này có người biết chuyện lại trách “ ngâm rượu hèn gì thằng nhỏ nóng nảy trong người nên còi cọc “
Tôi làm thinh không phân trần, 7-8 năm trong tù đủ để giết chết tuổi thơ của nó rồi, VyDan còn sống sót tới bây giờ là điều kỳ diệu của Thượng Đế. Nó tuổi Tỵ, tôi hay gọi đùa “ con rắn không chân mà đi năm rừng bảy rú” Nghe nói mỗi mùa hè là cơ quan đưa những đứa như nó được đi chơi khắp các nước Châu Âu. Ơn Trời, sự bất hạnh của nó đã được đền bù .
Ở đây VyDan được dạy và nghe tiếng Pháp, lần gặp lại nó ở Sài Gòn sau bao nhiêu năm xa cách, tôi phải nhờ cô bạn làm phiên dịch giữa tôi và nhân viên đi cùng, rồi nhân viên nhìn nó “ nói “ điều gì đó, họ truyền đạt lại cho cô bạn .Trời ơi hai mẹ con lúng túng mất mấy ngày, nhưng sau đó tôi nói tiếng Việt thẳng với nó và hỏi có hiểu không? Nó le cái lưỡi nghĩa là Yes, và ngậm miệng lại là No, từ đó chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau cả ngày như chơi trò trắc nghiệm đố vui.
Trong ngôi nhà này VyDan là thằng bé “ thông thái “ nhất so với 3 đứa còn lại, nó biết đọc sách, xem TV, lên mạng email, Facebook với bạn bè. Người ta gắn cho nó một màn hình nhỏ đặt trên tường hay trên xe lăn, với một bàn phím được thiết kế bằng các ký tự đặc biệt và kỳ diệu hơn khi nó sử dụng 2 ngón chân để click chuột. Chỉ một dòng chữ “ Je t’aime maman“ mà nó cặm cụi cả nửa tiếng mới xong. Tôi đã bật khóc khi nhìn thấy sự cố gắng để diễn đạt ngôn ngữ yêu thương của thằng bé tật nguyền. Thỉnh thoảng tôi thấy nó lên Facebook, cũng viết vài chữ thăm hỏi gởi cho mẹ, nhưng tôi không hình dung được sự khó khăn của nó khi lần mò từng chữ bằng 2 ngón chân run rẩy.
Tôi nói nickname để VyDan add tên em gái nó vào Facebook, nó hào hứng với điều này, trong cuộc sống lặng lẽ buồn hiu của nó thì tình yêu thương gia đình gắn bó và ấm áp biết bao nhiêu. Cám ơn những thành tựu công nghệ của thế giới ảo nhưng rất thật này, nó kết nối những con người xa xôi gần lại với nhau, mỗi lần tôi thấy hình VyDan trên mạng, tôi yên tâm là thằng bé còn mạnh khỏe bình an.
Có những buổi chiều trời nắng ấm, tôi đẩy VyDan đi vòng vòng ngoài phố, ngồi trước quảng trường ngập hoa cúc mùa thu, uống cà phê và nhìn người qua lại. Nó thích thú lộ ra mặt, tôi thầm cám ơn những ánh mắt thân thiện của mọi người ở đây dành cho nó, ít ra nó không bị mặc cảm vì hình dạng khuyết tật của mình, đó là yếu tố cần thiết để nó tồn tại và thấy đời đáng sống hơn.
Có lúc hai mẹ con ngồi bên nhau lặng im nhìn ra khung cửa sổ lất phất mưa, tôi hát cho nó nghe những bản nhạc quê hương xưa cũ và thằng bé dựa vào vai tôi thiu thiu ngủ như hồi còn nhỏ, tôi nắm bàn tay bàn chân lạnh ngắt cong queo của nó cố vuốt cho thẳng mà lòng cứ ao ước phép lạ xảy ra cho VyDan, nếu không thể vươn vai như Phù Đổng thì cũng gọi được tiếng Mẹ cho hạnh phúc ngập tràn, nhưng bà Tiên ban phép lạ thì chỉ có trong cổ tích thôi con trai à.
Khi mang nó ra khỏi nhà tù Cộng Sản thì thằng bé đã kiệt sức, tay chân co quắp, cột sống vẹo vọ và các cơ bắp đã teo lại không đủ sức nâng đỡ thân hình xương xẩu. Thụy Sĩ là đất nước có ngành y tế tốt nhất thế giới mà cũng không thể cứu chữa được cho thằng bé trong tình trạng muộn màng.
Sự thăm viếng VyDan cũng theo quy định của cơ quan, tôi chỉ đến buổi sáng sau 10 giờ và buổi chiều sau 3 giờ, khoảng thời gian còn lại thì tôi lang thang khám phá những ngõ ngách của thành phố yên tĩnh này, tôi thường chọn mùa thu để qua thăm con, không hẳn vì Châu Âu thơ mộng bởi rừng cây đổi sắc đỏ vàng, nước Mỹ cũng có nhiều thành phố lung linh màu thu rạng rỡ vậy, đi chi xa, nhưng thật tình khoảng tháng 9-10 giá rẻ nên đi thôi, sống bằng lương hưu thì chỉ có vậy, nhưng ai không biết hoàn cảnh thì trầm trồ “ đi du lịch sướng he” Ờ thì tiền bạc gởi bên ngân hàng Thụy Sĩ nên lâu lâu qua coi còn được bi nhiêu, ha ha chảnh bắt ớn!
Yverdon không có nhiều người Việt như thủ đô tị nạn Bolsa California hay Houston Texas hoặc nếu có chắc sống rải rác đâu đó không biết, duy nhất có một tiệm phở mà nghe giọng là biết Bắc Kỳ 75, một gian hàng tạp hóa Asian bán đủ thứ từ cọng rau muống, gói mì Hảo Hảo đến cái nón lá và tượng ông Địa China, tất cả đều nhập trực tiếp từ Việt Nam qua bằng đường hàng không mỗi tuần, dĩ nhiên chủ nhân là người Việt nói tiếng Pháp như gió, tôi quen với một chị bạn cũng từ cửa tiệm này, chị mua rau răm về nấu cháo lòng (!) nhưng rủ tôi về nhà để mời món mắm chưng cá mặn.
Biết là bên Mỹ mấy món này không phải hiếm hoi nhưng được ăn bên trời Tây mà nghe tiếng Huế líu ríu thì quả là thú vị. Tôi nhận ra rằng người Việt dù sống tha hương ở chân trời góc biển nào cũng có chung một nỗi nhớ nhà, “ nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương “Quê hương cứ lẩn quẩn trong từng cái chén đôi đũa, từng cọng ngò tép xả, tô mắm chưng dù được đặt trên bàn ăn có nhiều dao nĩa vẫn không thấy huốt cái đặc thù dân dã Việt Nam.
Thụy Sĩ là quốc gia đắt đỏ cũng nhất thế giới nên tô phở 18€ -20€ là chuyện bình thường, tôi thà nhịn thèm để mai mốt về Mỹ ăn “tô xe lửa” ngon lành mà giá có phân nửa .California nơi tôi ở nói về món ăn Việt Nam thì không thiếu thứ gì.
Trời thu, mưa lất phất lạnh, con đường vắng ngập lá vàng cho tôi cảm giác mình đang đếm bước cô đơn dù mỗi ngày vẫn gọi phone ríu rít với chồng đủ thứ chuyện, hình như có điều gì đó buồn buồn trong tôi, mỗi lần gặp thằng bé là gợi lại ký ức đau thương đã qua, tôi vẫn thấy ray rứt như mình có lỗi trong sự bất hạnh của nó.
Tuổi đời càng ngày càng lớn, tôi không biết mình có còn đủ sức để làm một chuyến đi dài qua thăm nó mỗi năm? Thôi thì một ngày được ở bên nhau là hạnh phúc hiện tại của hai mẹ con, câu chuyện buồn đã thuộc về quá khứ xa lắc xa lơ mà tôi cố gắng để quên nhưng sao vẫn thấy chạnh lòng hoài. VyDan là một kỷ niệm khó phai.
Thời gian thăm nó cũng qua, trước buổi chia tay, nó tặng tôi một món quà lưu niệm, nghe nói mua đâu bên Ý trong một chuyến đi chơi nào đó, tôi giả bộ háo hức tháo gói giấy ra cho thằng bé vui, một con bướm bằng sứ sơn men xanh đã bị gãy một góc cánh, có lẽ không được gói kỹ khi vận chuyển, nhìn gương mặt thất vọng của VyDan thấy thương quá, tôi vội trấn an “không sao, Mẹ sẽ lấy keo dán nó lại dễ dàng mà, con bướm thật đẹp Mẹ cám ơn VyDan đã tặng “ tôi hôn lên vầng trán nhăn nhúm của nó nghe lòng dâng lên nỗi xúc động nghẹn ngào
Buổi sáng đầy sương, tôi lên tàu về lại Paris để chuẩn bị bay về Mỹ, quê hương thân thiết của tôi cũng như Thụy Sĩ là chốn quê nhà của VyDan nếu một mai nó nằm xuống nơi này.
Tôi nói với nó là trời mưa lạnh đừng ra sân ga, nhưng thật lòng tôi sợ cảnh tiễn đưa bịn rịn, tôi sợ nhìn ánh mắt đỏ hoe của nó sẽ ám ảnh tôi trên suốt đoạn đường dài. Thương quá con dế mèn còi cọc của tôi.
Thành phố cuối tuần vẫn còn đang ngái ngủ, những hàng cây trút lá ngập lối đi, cái ba lô nhẹ bỗng trên lưng mà sao tôi cứ canh cánh nỗi buồn nặng trĩu. “Au Revoir mon fils,” Tôi tập viết câu này gởi trong tin nhắn trên Facebook của nó lúc nửa đêm. Tạm biệt con yêu.
Trần Ngọc Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét