Lời chúc Xuân Quý Mão 2023, Của Liên Hội Cựu Quân Nhân VNCH Bắc Cali.
Ban Chấp Hành Liên Hội Cựu Quân Nhân VNCH
Kính chúc:
@ Quý Niên trưởng và Chiến Hữu Hội Đồng Hội Trưởng
@ Quý Niên trưởng Hội Đồng Quản Trị
@ Quý Niên trưởng Hội Đồng Cố Vấn cùng toàn thể thân quyến
Năm mới 2023 được khoẻ mạnh, an vui; cùng tiếp tay hỗ trợ công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.
Cầu chúc cho quê hương Việt Nam được tươi sáng, sớm thoát khỏi Bắc thuộc.
Xin Ơn Trên phù hộ quý vị, phù hộ tất cả con dân Việt.
Tho D Le
Tâm Sự Người Lính Già!
Tôi người lính già xa tổ quốc
Xa chiến trường lưu lạc tới đây
Nơi quê người sương pha tuyết đổ
Mang nỗi đau con ngựa lạc bầy.
Ngày tôi bỏ đi, bạn bè đồng đội
Vẫn hiên ngang đến phút sau cùng
Đã tự hiến thân mình cho tổ quốc
Thắng hay thua thì cũng vẫn can trường.
Không phải chỉ chịu ơn người đã chết
Tôi như còn mang món nợ nước non.
Chết không nghĩa là đã tắt hơi thở
Sống đôi khi cũng có nghĩa chết mòn.
Khi tôi chết ván hòm xin đậy nắp
Có vui chi nhìn người lính chết già
Hổ thẹn đã không tròn ơn nước
Tiễn tôi chi, thêm phí một vòng hoa.
Hãy quên tôi, người lính già lưu lạc
Đừng phủ lá cờ tổ quốc cho tôi
Anh em tôi trong những giờ tuyệt lộ
Nằm lại bờ lúc chiến hạm ra khơi.
Chiến hữu tôi chết đầu sông cuối biển
Ngày tan hàng đành nằm lại quê hương
Không ai trổi cho khúc kèn truy điệu
Không có ai phủ giúp ngọn cờ vàng.
Hãy phủ cờ lên nấm mồ tử sĩ
Xác bị xới đào trong nghĩa trang xưa
Hãy rải hoa trên con đường thấm máu
Phút lui binh phải gãy súng buông cờ.
Anh là ai, mang ngọn cờ tổ quốc
Nhân danh ai, đứng phủ lá quốc kỳ.
Chúng ta là những con người bỏ ngũ
Quên anh em nằm lại, để ra đi.
Ta lành lặn để bao người thương tật
Ta sum vầy đành để bạn chia phôi
Ta đến bến để bao người chết biển
Dù ấm êm cũng thương nhớ một đời.
Danh dự này dành cho người đã chết
Đã hy sinh để giữ vững ngọn cờ
Không phải tôi, người lính hèn bỏ ngũ
Để sống còn trong lúc bạn sa cơ…
(Huy Phương)
Bất Ngờ Quốc Hội Họp Bất Thường Cuối Năm: Miễn Nhiệm Thêm Nhiều Lãnh Đạo Cấp Cao!
- Quốc hội Việt Nam mở kỳ họp bất thường hiếm hoi vào thứ Ba (17/1/2023), theo 3 nguồn tin của thông tấn xã Reuters, sau kỳ họp tương tự hồi đầu tháng mà khi đó hai Phó Thủ tướng bị miễn nhiệm.
Kỳ họp bất thường của Quốc hội sẽ diễn ra vào lúc quốc gia này đang tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng, theo kiểu ‘đốt lò’ giống Trung Quốc, thu tóm quyền lực về một phe thân Trung quốc, vốn đã đã dẫn đến Bộ trưởng Y tế bị truy tố và hàng trăm viên chức cấp cao bị điều tra, mất chức!
Ba nguồn tin nắm rõ chuyện của Chính phủ và Quốc hội từ chối tiết lộ danh tính, do tính nhạy cảm chính trị của vấn đề, cho biết Quốc hội có thể phê chuẩn đơn từ chức của nhiều viên chức cấp cao nhất trong tuần này.
Điều này sẽ báo hiệu cuộc chiến chống tham nhũng tiếp tục leo thang hơn nữa, ngay cả khi ngày càng có nhiều lo ngại rằng nó có thể ảnh hưởng khủng hoảng đến tâm lý kinh tế và đầu tư.
Một viên chức phụ trách truyền thông của Quốc hội từ chối bình luận với thông tấn xã Reuters, về kỳ họp bất thường này. Các cuộc gọi đến hai viên chức Quốc hội khác cũng không được bắt máy.
Những kỳ họp bất thường như vậy rất hiếm hoi, trong cơ quan Lập pháp bù nhìn của Việt Nam và việc hai kỳ họp bất thường được tổ chức liên tục như vậy, hay ngay trước Tết Nguyên đán là điều ít xảy ra.
Quốc hội vào ngày 5/1, đã bỏ phiếu bãi nhiệm hai trong số các Phó Thủ tướng chính phủ, trong một động thái mà các nguồn tin nói là do dính và bê bối tham nhũng.
Việt Nam không có một lãnh đạo tối cao, mà là được lãnh đạo bởi ‘tứ trụ’ bao gồm Tổng Bí thư đầy quyền lực, Chủ tịch nước chủ yếu mang tính nghi lễ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.
Nổ Như Pháo Tết! Chuyện Đang Được Chú Ý Nhất Cuối Năm Con Cọp: Đảng Lẫn Lộn, Tưởng Nguyễn Xuân Phúc Là Ông Táo, Nên Đã…Đưa Về Trời!
Chủ tịch Phúc phải rời chức giữa nhiệm kỳ ‘gây chấn động đảng và người dân’
(VOA Tiếng Việt)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ra đi trong lúc chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán
Vụ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phải ra đi khi chưa tròn nửa nhiệm kỳ là ‘việc vô tiền khoáng hậu’ trong lịch sử Việt Nam, có tác động vô cùng lớn đối với tâm lý đảng viên và người dân và đòi hỏi Đảng Cộng sản phải có cách xử lý và xác định trách nhiệm cho tương xứng, một số nhà quan sát trong nước nói với VOA.
Nhiều cái đầu tiên
Ông Nguyễn Xuân Phúc là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam phải ra đi khi nhiệm kỳ còn dang dở. Với tư cách là chủ tịch nước, ông là người xếp thứ hai trong bốn nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, còn gọi là “tứ trụ”, chỉ sau Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông cũng là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đảm đương hai chức vụ trong tứ trụ là Thủ tướng Chính phủ, từ 2016 đến 2021, sau đó là Chủ tịch nước từ 2021 đến nay.
Ông là một trong hai ‘trường hợp đặc biệt’ được Đại hội Đảng hồi đầu năm 2021 đặc cách cho ở lại trong Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khóa 13 mặc dù đã quá tuổi, cùng với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bên cạnh nhiệm vụ nguyên thủ Quốc gia, ông Phúc còn là người thống lĩnh quân đội trên danh nghĩa với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh, đồng thời cũng là Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương.
Để đi đến quyết định cho ông Phúc ra đi, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có phiên họp bất thường vào chiều ngày 17/1. Thông cáo phát ra ngay sau đó cho biết ông Phúc xin từ chức ‘theo nguyện vọng cá nhân’ và Trung ương Đảng đáp ứng nguyện vọng đó để ông Phúc thôi tất cả các chức vụ và nghỉ hưu.
Thông cáo không nói rõ ngoài các chức vụ Nhà nước, ông Phúc có bị cho ra khỏi Trung ương Đảng và Bộ Chính trị hay không, nhưng nhiều khả năng điều này là không tránh khỏi.
Tuy nhiên, vài ngày trước cuộc họp của Trung ương Đảng, trên mạng xã hội đã lan truyền tin đồn về việc ông Phúc phải ra đi sau một phiên họp bí mật của Bộ Chính trị.
Ông Phúc ra đi trong lúc chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, để trống ghế nguyên thủ vốn mang tính đại diện cho nhà nước trước nhân dân và quốc tế. Ngay ngày tiếp theo, 18/1, tức là chỉ sau khi Trung ương Đảng họp một ngày, Quốc hội sẽ họp phiên bất thường để miễn nhiệm ông Phúc.
Trước khi có thông báo bị cho thôi chức, ông Phúc còn thấy chủ trì chương trình Xuân Quê hương đón Tết với đại diện Việt kiều vào tối ngày 14/1 và đến ngày 16/1, ông còn đến chúc Tết Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng tại chùa Huê Nghiêm ở thành phố Hồ Chí Minh.
Trước vụ ông Phúc, Trung ương Đảng khóa 13 đã có đến 10 ủy viên trung ương, trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị là ông Phạm Bình Minh, bị ngã ngựa giữa chừng – con số chưa từng thấy trong lịch sử của đảng.
Đấu đá gay gắt, thanh toán nội bộ?
Nói với hãng tin Pháp AFP, ông Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về chính trị Việt Nam tại Viện nghiên cứu đông nam Á ISEAS ở Singapore nhận định việc ông Phúc ra đi ‘có thể là do đấu đá nội bộ’.
“Nguyên nhân chủ yếu là do các cuộc điều tra tham nhũng nhưng chúng ta không thể loại trừ khả năng các đối thủ chính trị của ông ấy cũng muốn loại ông ấy vì những lý do chính trị”, ông Hiệp được dẫn lời nói.
Đến Đại hội Đảng lần tới vào năm 2026, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều khả năng sẽ về hưu và ông Phúc được xem là một trong những ứng viên thay thế ông Trọng, theo lời ông Hiệp, các đối thủ của ông Phúc trong đảng ‘muốn loại trừ ông để dọn đường cho người khác lên làm lãnh đạo tối cao’.
Ông Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu khác cũng ở viện ISEAS, nói với hãng tin Anh Reuters rằng việc ông Phúc rớt đài và những bất trắc mà nó gây ra có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài bất an.
“Việc này có thể đưa Việt Nam đến giai đoạn bất ổn vốn có thể khiến cho bạn bè và các nhà đầu tư lo lắng”, ông Hợp nói.
Phần nổi của tảng băng?
Trao đổi với VOA, ông Nguyễn Hữu Vinh, nhà bất đồng chính kiến và quan sát chính trị ở Hà Nội, nói ‘nếu như theo dõi các quan chức Việt Nam lâu nay thì sẽ không ngạc nhiên một tí nào khi quan chức cao đến cỡ nào cũng có thể bị mất chức và nhúng chàm’.
“Người ta đang đợi một vị rất to bị lật đổ”, ông nói. “Từ sau vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu, mọi người hay hỏi trùm cuối là ai. Điều đó cho thấy họ các vụ việc này đến mức độ nào rồi”.
Thông cáo của Ban chấp hành Trung ương cho biết ông Phúc ‘chịu trách nhiệm của người đứng đầu’ cho những vi phạm của thuộc cấp trong nhiệm kỳ ông làm thủ tướng, trong đó có hai phó thủ tướng, ba bộ trưởng ‘có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng’.
Theo ông Vinh, vụ Việt Á là ‘khổng lồ, chưa từng thấy trong lịch sử đất nước’ và ‘cũng không thấy trên thế giới trong suốt thời gian đại dịch’ nên ông dự đoán ‘dưới tảng băng đó là nhiều điều rất ghê gớm, đem đến hậu quả suốt một năm nay’.
“Tại sao vụ Việt Á, vụ chuyến bay giải cứu kéo dài cả năm như thế, quá lộ liễu như thế, quá lớn như thế, dính líu đến bao nhiêu ban ngành, bao nhiêu địa phương, bao nhiêu con người như thế mà không phát hiện ra từ trong trứng”, ông đặt vấn đề
“Đằng sau nó là cái gì, tôi để mọi người tự suy nghĩ,” ông nói.
Theo quan sát của ông Vinh, lâu nay trên mạng xã hội đã lan truyền rất nhiều tin đồn chưa được kiểm chứng về gia đình hay người thân quen của ông Phúc nhưng ‘truyền thông nhà nước không hề đi vào chi tiết để phản bác mà chỉ bác bỏ chung chung là bịa đặt’.
“Những thông tin đó chỉ có thể là gần đúng”, ông lập luận. “Xử lý ông Phúc ở đây chỉ là xử lý trách nhiệm đối với cấp dưới, còn những tin đồn đó có xử lý hay không?”
Nhà bất đồng chính kiến này cũng đặt vấn đề đảng phải mở một đại hội toàn quốc giữa nhiệm kỳ, vốn hiếm khi xảy ra, trước tác động quá lớn của những vụ thanh trừng gần đây.
“Nếu để mà thực sự có dân chủ trong đảng thì phải tổ chức đại hội bất thường, khi mà có hàng loạt hội nghị bất thường vừa rồi”, ông nói.
Tuy nhiên, điều này ông cho rằng các lãnh đạo đảng hiện nay ‘rất không muốn xảy ra’ vì ‘sẽ đụng đến những vấn đề nhạy cảm rất nghiêm trọng’.
Khi được hỏi về niềm tin vào cuộc chiến chống tham nhũng có được củng cố sau vụ việc của ông Phúc hay không, ông Vinh nói ‘nhiều người bạn bè của ông chỉ cười khẩy’.
Trách nhiệm ông Trọng?
Về phần mình, ông Huỳnh Ngọc Chênh, một nhà bất đồng chính kiến, đặt vấn đề về trách nhiệm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác cán bộ khóa 13.
“Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng cũng chịu trách nhiệm vì những nhân sự cấp cao đó là do ông Trọng xây dựng lên, và hàng loạt những người đó lại bị dính vào chuyện này, chuyện khác, bị kỷ luật, bị đi tù”, ông chỉ trích.
Do đó, theo lời ông Chênh, khi xem xét trách nhiệm của ông Phúc đối với cấp dưới thì cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của ông Trọng trong vấn đề nhân sự của Đảng.
“Tất cả các bộ là do Bộ Chính trị quyết định mà đứng đầu Bộ Chính trị là ông Trọng, nên ông Trọng đương nhiên là người chịu trách nhiệm lớn nhất”, ông phân tích.
“Những nhân sự như ông Phúc là nhân sự rất đặc biệt, rất tinh hoa của đảng mới được đặc cách giữ lại mà lại xảy ra những chuyện như vậy đã tác động rất xấu đến lòng tin của người dân”, ông nói thêm.
Ngoài ra, ông Chênh cũng đặt vấn đề trách nhiệm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, người kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc, vì những vụ bê bối Việt Á và chuyến bay giải cứu xảy ra kéo dài đến nhiệm kỳ của ông Chính.
“Qua điều này có thể thấy rằng ông Nguyễn Phú Trọng quyết liệt chống tham nhũng, không có giới hạn, không có vùng cấm. Đó là điều đáng mừng. Nhưng cũng rất đáng buồn là những cán bộ cấp cao đến vậy mà còn dính đến tham ô, tham nhũng”, ông nhận định.
“Người ta có thể thấy rằng chế độ này không thể tránh được việc cán bộ tham nhũng”, ông nói thêm.
Ông cũng bày tỏ ngờ vực việc này là đấu đá chính trị vì vài ngày trước khi có thông tin chính thức, trên mạng xã hội đã có rò rỉ việc ông Phúc bị cho thôi việc. “Chắc do bè phái nào đó muốn thăm dò dư luận”, ông phân tích.
Bản thân ông Chênh là người cùng quê Quảng Nam với ông Phúc và ông đã ‘vài lần ngồi xuống nói chuyện với ông Phúc thưở còn hàn vi’. Theo đánh giá của ông, qua những phát biểu và những việc làm của ông Phúc, vị lãnh đạo này ‘không phải là người giỏi’ nhưng ông không nghĩ ông Phúc ‘dính trực tiếp tham ô hay tham nhũng’.
“Bởi vì ông Phúc đã lên đến chức Chủ tịch nước rồi thì ông ấy cũng muốn ghi danh với lịch sử bằng những việc làm tốt đẹp”.
Lệ Thuộc Hoàn Toàn Vào Trung Quốc và Việt Nam Có Một Tương Lai Chung Thế Nào?
(Phạm Quý Thọ - Phó Giáo sư, Tiến sĩ nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Việt Nam.)
(Ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) vào ngày 5/11/2015.)
Trung Quốc và Việt Nam từng chung “chiến hào” trong chiến tranh nóng và lạnh, nhưng nay trong bối cảnh thế giới thay đổi phức tạp ông Tập Cận Bình thấy hai nước có chung một tương lai. Ông ấy ám chỉ xã hội chủ nghĩa và cam kết thúc đẩy trong Thư chúc mừng trao đổi giữa hai ông Tổng Bí thư của hai Đảng Cộng sản (CS) nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
“CHỦ NGHĨA TƯ BẢN ĐÃ CỨU HAI NƯỚC”
Hai Đảng CS Trung Quốc và Việt Nam đang tập trung quyền lực cao độ để đối phó với chủ nghĩa tư bản thân hữu để tránh sụp đổ chế độ. Đây là hệ quả của chính sách cải cách thể chế không tương thích với kinh tế thị trường. Thực tế cho thấy chủ nghĩa tư bản đã cứu hai nước có chung chế độ chính trị theo chủ nghĩa Cộng sản. Và, không chỉ có vậy nó đã trở thành xu hướng phát triển không thể đảo ngược.
Trung Quốc đã tuyên bố theo chủ nghĩa Xã hội (CNXH) từ năm 1949 nhưng ở bên bờ vực sụp đổ về kinh tế sau những thất bại bởi những chính sách hoang tưởng của Mao Trạch Đông. Nó đã được “cứu” bởi chủ nghĩa tư bản. Sự thật được kể lại rằng vào cuối những năm 1970s có mười tám người nông dân ở làng Xiaogang (tiếng Trung: 小岗村) đã thực hiện “khoán chui”, sau khi hoàn thành định mức của Nhà nước, họ sẽ được phép giữ lại bất kỳ khoản thặng dư nào cho riêng mình và bán những thứ họ không cần. Hành động “mạo hiểm” vì đi ngược chính sách XHCN của Đảng CS, nhưng đã mang lại kết quả thật kỳ diệu. Những nông dân này trong 1 năm đã gặt hái số ngũ cốc nhiều hơn toàn bộ ngôi làng sản xuất trong 10 năm trước đó cộng lại!
“Mô hình Xiaogang” đã là cú huých buộc Đảng CS phải nới lỏng sự kìm kẹp đối với người dân và cải cách kinh tế sâu rộng, chính sách “mở cửa” và “trải thảm đỏ” cho đầu tư tư bản ngoại quốc. Nền kinh tế ngày càng trở nên tự do, người dân càng trở nên giàu có hơn, hàng trăm triệu dân đã thoát khỏi đói nghèo. Hàng triệu công ty tư nhân và ngoại quốc đang hoạt động, “công xưởng thế giới” phát triển, thành phần kinh tế tư nhân đóng góp trên 60% GDP, đô thị hóa nhanh chóng….
(Hình REUTERS, minh họa: Các xe container chở hàng chờ đợi tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn, trên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc hồi tháng 2/2020.)
“Phép màu kinh tế” thực sự thuộc về chủ nghĩa Tư bản thị trường tự do và 18 nông dân dũng cảm đã liều mạng thử sức với nó. Trung Quốc đã trỗi dậy từ một trong những nước đông dân và nghèo nàn thành một quốc gia giàu nhất thế giới trong ba mươi năm. Tuy nhiên, sự giải thích về sự thành công này còn khác biệt. Các nhà cải cách biện minh rằng nhược điểm của chế độ dân chủ là ra quyết định chậm chạp bởi bị chia rẽ và đặc tính của các tập đoàn tư bản là tham lam…, và dựa vào lý thuyết chủ quyền quốc gia và tư tưởng thực dụng để tạo ra mô hình “XHCN đặc sắc Trung Quốc”. Trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây đã thừa nhận rằng quan niệm phát triển kinh tế thị trường sẽ dẫn đến dân chủ là ngộ nhận và sai lầm.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại, dân số già đi do chính sách 1 con cực đoan, chính sách ngoại giao hung hăng, xã hội tư bản thân hữu lan rộng… là do sự lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền. Sự vận hành mô hình chính trị dưới thời Tập Cận Bình khẳng định sự kiểm soát chưa từng có đối với xã hội, đã có dấu hiệu xã hội quay trở lại quá khứ chủ nghĩa Mao. Tương lai XHCN trở nên bất định trong bối cảnh cạnh tranh ý thức hệ căng thẳng.
Sự kiện “khoán chui” ở tỉnh Vĩnh Phú, Việt Nam mở đầu cho đường lối Đổi mới năm 1986 “tương đồng kỳ lạ” với câu chuyện kể trên ở Trung Quốc tạo cú huých cho Chính sách cải cách và mở cửa. Các thế hệ lãnh đạo Đảng CS coi cải cách ở Trung Quốc là tấm gương noi theo để duy trì chế độ. Mặc dù, việc áp dụng mô hình Trung Quốc còn gặp khó khăn do thiếu chủ thuyết phát triển và những yếu tố đặc thù, thậm chí còn trải qua “thập kỷ mất mát” trong những năm 2010s nhưng Việt Nam không thể buông bỏ mô hình này. Đặng Tiểu Bình khi phát động cuộc chiến tranh biên giới 1979 với Việt Nam đã ám chỉ điều này khi “tự phụ” cho rằng ông ta thấu hiểu các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Sau giai đoạn “bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế” Đảng CSVN đã thâu tóm quyền lực để khẳng định tại Đại hội 13 chính sách củng cố Đảng – Nhà nước mạnh để theo đuổi tăng trưởng kinh tế nhờ thị trường. Đây là một phiên bản đặc thù của mô hình Trung Quốc dựa vào tư tưởng “chủ nghĩa tân độc đoán”.
(Ảnh AFP: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.)
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LÀ TƯƠNG LAI CHUNG?
Việc thử nghiệm của học thuyết CNXH trong hơn thế kỷ qua đã gây ra những cuộc cách mạng đẫm máu, chiến tranh ý thức hệ, hàng chục triệu người chết và những kẻ độc tài…. Như đã biết, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ từ cuối những năm 1990s, nhưng mô hình Trung Quốc trỗi dậy, tự coi là xã hội chủ nghĩa đặc thù, đó là lý do khiến nó vẫn nhận được sự quan tâm.
Ý tưởng CNXH đã manh nha từ cổ xưa, nhiều công trình khảo cổ học đã chứng minh điều này. Tuy nhiên, nó bùng lên để trở thành một chủ thuyết phát triển chỉ sau thời kỳ Khai sáng cách đây khoảng 250 năm. Đó là một thời điểm trong lịch sử khi các triết gia bất ngờ lật đổ giáo điều và truyền thống tôn giáo và thay thế bằng lý trí của con người. Họ nghĩ “đột phá” về tương lai loài người và, một trong ý tưởng ban đầu được biết đến là chủ nghĩa xã hội không tưởng. Và, như một lý thuyết nó phê phán sự bất công của chủ nghĩa tư bản, vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp mà xã hội loài người cần hướng đến bằng và với những giải pháp mờ nhạt, mang tính chất thiên về “cải lương”. Dù còn sơ khai và khiếm khuyết nhưng nó cũng được coi là một cơ sở của chủ nghĩa xã hội “khoa học” sau này, chủ thuyết mang tên nhà triết học nổi tiếng người Đức gốc do thái Các Mác. Ông lập luận rằng xã hội loài người tiến hóa theo năm phương thức sản xuất, từ xã hội nguyên thuỷ, chế độ nô lệ, phong kiến, tư bản và cuối cùng là Cộng sản.
Bối cảnh xã hội lúc ông Mác sống là chế độ tư bản và, ông ấy đã viết “tư bản luận”, một nghiên cứu công phu, chứng minh rằng sự sụp đổ của nó là tất yếu, nhưng đã không chỉ ra cụ thể cách thức đến chế độ Cộng sản thế nào. Những người theo ông sau này, từ V. Lênin, J. Stalin ở nước Nga trong nửa đầu thế kỷ 20 đến Mao Trạch Đông và Hugo Chavez - kẻ khiến Venezuela bị hủy hoại bởi chính sách xã hội chủ nghĩa, đều tìm cách này hay cách khác để biến “tài sản tư” thành “tài sản công” hòng thiết kế một chế độ xã hội chủ nghĩa, như họ khăng khăng, đó là giai đoạn đầu của xã hội Cộng sản….
Những người thực hành chủ nghĩa Mác đã cố tình coi CNXH là mục đích thay vì phương tiện để biện minh cho hành vi. Đó là lý do để giải thích vì sao CNXH còn hấp dẫn nhiều người dù khi thực hành lại gây ra nhiều điều ác trên thế giới. Con người vốn tin rằng họ được thúc đẩy bởi mục đích tốt. Họ nghĩ thế này: nếu có Ý tốt, thì sẽ LÀM tốt, do đó sẽ TỐT. Và, giới cai trị đã dựa vào điều này để thực hành: nếu ai chống lại, sẽ là người không có ý tốt, và không thể tốt.
Mặc dù hai nhà lãnh đạo hai ĐCS vẫn khăng khăng về CNXH là tương lai chung, tuy nhiên, trước mắt cả hai ông đang phải đối phó với chủ nghĩa tư bản thân hữu nghiêm trọng - một xã hội được hình thành như hệ quả của tư tưởng thực dụng nhờ chủ nghĩa tư bản hòng xóa nhòa ranh giới ý thức hệ. Thực tế đã chỉ ra “đường đến địa ngục cũng có thể được lát bằng những mục đích tốt”, chủ nghĩa Xã hội được coi là “tươi đẹp” nhưng chúng ta sẽ đến đó thế nào và bằng cái gì?
Ôi Thăm Dũng, Triết Sao Lại Quên Sang?
(blogger Gió Bấc)
(Hình: Ông Nguyễn Xuân Phúc khi là Thủ tướng cùng vợ trong chuyến thăm Nga hôm 23/5/2019.)
Trước thềm năm con mèo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cử chỉ hiếu lễ tuyệt vời, thân hành đi đến từng nhà, thăm hỏi, chúc Tết các nguyên lãnh đạo và cả những người thân của cố Tổng Bí thư, Cố Thủ tướng, cố Chủ tịch nước. Không chỉ ở Thành Hồ, Chủ tịch còn chạy sấp ngửa lên tận Bình Dương thăm nguyên Chủ tịch Triết. Ác thay, ông lại bỏ quên nguyên Chủ tịch Sang cư ngụ ngay tại quận 1 thành Hồ. Vô tình hay cố ý? Chỉ thăm, chúc Tết hay có ẩn ý chi chăng? Coi chừng vì cái sự thăm sót này mà mèo lại hoàn mèo?
Chuyện đi chúc Tết, thăm hỏi các nguyên lãnh đạo cấp cao là sáng kiến riêng của bác Phúc Nghẹo chứ không phải học tập ông Hồ. Ông Hồ đâu có người nào tiền nhiệm để mà thăm. Có chăng ông Hồ vị hành thăm dân nghèo Hà Nội. Chỉ một lần thôi cũng đủ để đám cảnh vệ, công an vắt giò lên cổ chạy đái ra quần. Đủ để báo chí tuyên huấn xào đi nấu lại ngàn lần, vạn lần mỗi lần mỗi thêm thắt những chi tiết mới bốc thơm.
Các nguyên thủ trước đây cũng chẳng thấy đi thăm, chúc Tết có chăng là mời các cựu lãnh đạo cấp cao họp mặt chén anh chén chú và chụp hình đăng báo. Năm 2022, năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chủ tịch nước, ông Phúc cũng làm như thế. Tiết kiệm thời gian, công quỹ, lần ấy Bác Phúc còn kết hợp chương trình công tác tại An Giang, dẫn đầu đoàn công tác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, gặp mặt, chúc Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ.
Gửi lời thăm hỏi, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ, Chủ tịch nước đánh giá cao những cống hiến của các đồng chí, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh An Giang và đất nước thời gian qua; mong muốn bằng kinh nghiệm, trí tuệ của mình, các đồng chí tiếp tục đóng góp cho quê hương, đất nước. (1)
Lễ nghĩa mức độ ấy cũng đủ động viên an ủi các bậc lão thành. Dân tình cũng đỡ phải oán than vì đường xá chật chội, tết nhất công việc gấp gáp phải chạy đôn chạy đáo nhưng đành chịu tắt đường bị bảo vệ an ninh cho lãnh tụ.
Thế nhưng năm nay không rõ trời xui đất khiến thế nào, Chủ tịch Bảy Phúc lại sinh lễ mễ. Chủ tịch Bảy kéo Bí thư Nên, Chủ tịch Mãi của thành Hồ ra bến Nhà Rồng dâng hương cho ông Cụ. Ai cũng biết rằng do lỡ thờ, lỡ công nhận di tích, lịch sử Đảng lỡ viết sai. Bến của chiếc tàu Amiral Latouche Tréville mà ông Cụ đi ké là Bến Bạch Đằng ngày nay. Trong cuộc hội thảo khoa học 300 năm Sài Gòn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu làm giới khoa học sử Đảng chới với, bấn loạn vì bản tham luận ngắn ngủi có hai trang giấy học trò nhưng chứng minh khúc chiết, rành mạch vô phương cãi là ông Hồ đi từ bến Bạch Đằng. Đường đường là Chủ tịch nước nếu có tâm linh thì cũng phải tâm linh chân chính, hàng xịn chứ dại gì đi dâng hương ở khu di tích dỏm! Sau đó là thắp hương cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng!
Theo đúng lời bài hát Từ Thành Phố Này Người Đã Ra Đi, Chủ tịch Phúc lôi Bí thư Thành ủy Tp. HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp. HCM Phan Văn Mãi đi đến từng nhà thăm các cụ già nguyên lãnh đạo cấp cao và gia đình.
Báo chí cũng rầm rộ đi theo đăng hình đầy trên mặt báo. Có điều khác lạ ở đây, chỉ riêng báo Thanh Niên vốn từ lãnh đạo đến nhân viên đều là dân xứ Quảng đồng hương với Chủ tịch đưa tin là “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, chúc tết gia đình các cố lãnh đạo Đảng, Nhà nước”. Trong nội dung cũng lược bỏ không nêu việc đi thăm các nguyên lãnh đạo còn sống! (2) Đa số các báo khác đăng tít và nội dung đầy đủ là “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc Tết nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước”
Đầu tiên ở thành Hồ là nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tiếp đó là gia đình các nguyên lãnh đạo như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cố Thủ tướng Phan Văn Khải, cố Chủ tịch nước Võ Chí Công.
Từ nội thành Sài Gòn ra tận ngoại thành Củ Chi đã ngất ngây chiếc tàu đi. Chủ tịch nước lại làm cuộc hành trình ra tận Bình Dương thăm và chúc tết nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.(3)
Tình cảm, ân đức như vậy thật quá sâu dày, ấy nhưng có điều khó hiểu là Chủ tịch Bảy lại bỏ sót không thăm nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Người dân phát giác ra chuyện này đã suy diễn, phải chăng ông Tư Sang bị sai lầm nào đó nên Đảng cách chức nguyên như ông Vũ Huy Hoàng - Bộ Công thương và một số viên chức từng bị? Nếu có sao không thấy báo đăng?
Chủ tịch Bảy thăm đổng chi X mà không thăm bác Tư Sâu dễ bị đánh giá là mất đoàn kết nội bộ. Dân giã với nhau mất đoàn kết là chuyện đồ bỏ nhưng trong Đảng ông Cụ đã trối trong di chúc là “phải giữ sự đoàn kết như con người của mắt mình”. Viên chức cao cỡ nào cũng vậy, bi quy mất đoàn kết là mất ghế như chơi.
Thiên hạ thấy Chủ tịch Bảy thăm chúc Tết nhiều người lại bỏ sót một người càng đồn đoán lung tung. Bọn xấu rảnh việc cứ ngồi làm toán cộng trừ số tiền 800 tỉ đồng Phạm Quốc Việt (Công ty Việt Á) đã khai dùng để bôi trơn thì thấy rằng số viên chức bộ ngành và các CDC đã nhận chỉ vài trăm tỉ. Số tiền rất lớn còn lại chắc chắn nằm trong tay trùm cuối, chúng nó cứ săm soi tìm xem ai là trùm cuối. Dân đen mù tịt còn biết nghĩ như vậy thì ông Tô Đại Tướng (Bộ trưởng Công an Tô Lâm) hắc ám lẽ nào xuôi tay chịu cảnh “trâu cột ngó trâu ăn”.
Đã bắt tới Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Hà Nội mà Tô Lâm vẫn chưa ngưng, tiếp tục bắt cả Tướng Công An nhà mình và cứ đục khoét vô đất Quảng Nam của Chủ tịch Bảy.
Ngày cuối năm 2022, công an bắt ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam - về tội nhận hối lộ trong vụ chuyến bay giải cứu.(4)
Tin đồn chưa kiểm chứng rằng ông này là cháu của bà Nguyệt Thu, phu nhân của Chủ tịch Bảy, được thăng tiến thần tốc từ nhân viên văn phòng chuyên nấu nước pha trà sau hơn 10 năm đã thành quan đầu tỉnh và có quy hoạch đi xa hơn nữa.
Lạ lùng nhất, ngày 4/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Nguyễn Thị Thanh Thủy (sinh năm 1967, trú tại thành phố Hà Nội, nguyên chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), Nguyễn Bạch Thùy Linh (sinh năm 1978, trú tại thành phố Hà Nội, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên SNB Holdings) để điều tra cùng về hành vi Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Các hành vi vi phạm của hai bị can Thủy và Linh được xác định liên quan đến Công ty Việt Á. (5)
Điều này thật quái lạ! Nhân viên nhà xuất bản, Giám đốc công ty tư nhân thì quyền thế gì mà lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi? Bọn xấu “rỉ tai” nhau trên mạng đó là người thân thiết trong gia đình Chủ tịch Bảy từ Quảng Nam điều ra Hà Nội nhận các chức vụ hờ làm bình phong cho công cuộc làm ăn của gia đình Chủ tịch Bảy. Dân gian có câu “sợ cọp không bằng sợ cứt cọp”. Cháu Chủ tịch nước tiếng nói chắc cũng 999 cây vàng,
Không phải một mà nhiều mồi lửa sân sau nhà Chủ tịch Bảy Phúc đã cháy lan. Chuyến đi chúc tết của Bảy Phúc đích thực là chuyến đi tìm phương giải cứu.
Anh ba X ngày xưa nay làm người tử tế nhưng vẫn đủ sức chăm bón cho hai con trai viên chức, một đứa ngấp nghé vào Bộ Chính trị, nắm chức Phó Thủ tướng, đi đúng hướng nên chỉ đôi ba bước nữa là thuyền vô bến mới, cậu con thứ cũng đang ngấp nghé vào nhà đỏ. Quan hệ với các Bộ Ngành và địa phương của anh Ba vẫn còn mạnh như thần. Chỉ đếm số phiếu bầu cho cậu cả Nghị đắc cử vào Ban Chấp hành Trung ương là đủ rõ. Nếu số phiếu ấy cùng tín nhiệm Chủ tịch Bảy thì dư sức đối phó với Tô sát thủ và Tổng đốt lò (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).
Ba X với Tư Sâu đối kháng nhau như nước với lửa, đã bắt tay với Ba X thì đâu thể hôn hít Tư Sâu. Nhiều năm cận kề cả hai Chủ tịch Bảy quá hiểu luật chơi này.
Ấy nhưng mấy khóa trước, bác Cả Trọng nhóm lò thì bác Tư Sâu từng góp tay bắt sâu dù biết là sâu đông cả đàn. Bác Tư nghỉ hưu nhưng còn vác tù và đi làm hội hè từ thiện cho dân. Nào là cầu Nông Thôn Mới, nào là bò Xóa đói giảm nghèo. Thái Tử Trương Tấn Sơn của bác Tư cũng chỉ mới lệt phệt tới chức Phó Chủ tịch Quận. Thua xa hai quý tử của anh Ba Y Tá. Thế lực của Tư Sâu không lộ hình như Ba X nhưng rận bé đốt đau.
Nếu có thêm Tư Sâu giáp công, Tô Lâm như rồng gặp mây. Tổng Trọng như cờ gặp gió. Loại Bảy Phúc ra khỏi BCT hay đẹp hơn nữa là cho thẳng vào lò, biết đâu Tổng Trọng sẽ yên vị trên chiếc ghế Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ.
Trò mèo chúc Tết con mèo của Chủ tịch Bảy Phúc có nguy cơ mèo vẫn hoàn mèo!
______________
Tham khảo:
Lấy Lý Do Chống Tham Nhũng, Vừa Nện Nhau Bằng Búa Gậy, Giết nhau. Vừa Nói Lời Tử Tế, Hứa Tặng... Cà Rốt!
(Trân Văn)
(Hình: Cách chống tham nhũng hiện nay giống như vừa trưng gậy xong lại cho củ cà rốt.)
Dẫu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đang trong... “mùa”... kỷ luật và truy cứu trách nhiệm hình sự, thông tin dồn dập về các sai phạm cho thấy mục ruỗng là tình trạng phổ biến từ trên xuống dưới....
Cho dù Ban Chấp hành Trung ương đảng vừa nhất trí loại trừ ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam, sau đó Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam nhất trí miễn nhiệm hai ông Phó Thủ tướng này mà toàn đảng, toàn dân chẳng ai biết tại sao, song ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư đảng CSVN – vẫn khăng khăng khẳng định: Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, giải quyết nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (1)....
Tuy rõ ràng ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam phải chịu trách nhiệm về việc để cho thuộc cấp lợi dụng thảm họa để trục lợi khi “giải cứu” người Việt bị kẹt ở ngoại quốc và chống COVID-19 ở trong nước nhưng cả hai không bị đảng kỷ luật. Hạ tuần tháng trước, các thành viên trong Ban Chấp hành Trung ương đảng kéo nhau về Hà Nội chỉ nhằm trưng bày sự nhất trí cho... ông Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng và ông Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng (2). Sau đó một tuần Quốc hội triệu tập các đại biểu cũng chỉ nhằm trưng bày sự thống nhất cao trong việc miễn cho ông Minh và ông Đam khỏi phải gánh vác trách nhiệm Phó Thủ tướng.
Hai cuộc họp bất thường, một của Ban Chấp hành Trung ương đảng vào hạ tuần tháng trước, một của Quốc hội vào thượng tuần tháng này khiến ngân sách phải chi vài tỉ cho các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng và ĐBQH đi lại, ăn ở, sinh hoạt chỉ để trưng bày sự... nhất trí và... thống nhất cao về... nhân sự! Các viên chức có trách nhiệm nhấn mạnh, ông Minh và ông Đam không bị đảng kỷ luật. Ban Chấp hành Trung ương đảng chỉ cho ông Minh “thôi” tham gia Bộ Chính trị và ông Minh, ông Đam “thôi” làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng. Quốc hội cũng không bãi nhiệm hai ông mà chỉ miễn nhiệm theo... “nguyện vọng cá nhân” nhưng lưu ý các “nguyện vọng” đó không phải là... “xin từ chức” và tất cả đã diễn ra... “đúng quy định pháp luật” (3)?!.
Nếu đúng là ông Trọng và đảng của ông... kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, giải quyết nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì tại sao không ai yêu cầu Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Ban Chấp hành Trung ương đảng xem xét và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng khiển trách hay cảnh cáo Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và toàn bộ Ban Chấp hành Trung ương đảng như đã từng yêu cầu khiển trách, cảnh cáo nhiều Bí thư và đảng ủy hàng chục bộ, ngành, đảng bộ hàng chục địa phương vì đã để cho nhiều thành viên vi phạm kỷ luật đảng tới mức phải xử phạt, vi phạm pháp luật tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự?
Khi ông Trọng và các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị tại Việt Nam liên tục khẳng định sẽ truy cứu trách nhiệm, giải quyết thấu đáo “người đứng đầu” và tổ chức đảng có nhiều thành viên bị đảng xử phạt, bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì nên hiểu thế nào khi ông Trọng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đảng vẫn bình yên vô sự dù chỉ trong vòng một năm có tới tám Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm, thậm chí trong số này có cả thành viên Bộ Chính trị? Đó có phải là lý do ông Minh chỉ “thôi tham gia Bộ Chính trị” và ông Minh, ông Đam “thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương đảng”. Tương tự, “miễn nhiệm” hai Phó Thủ tướng là một cách để... “bỏ qua” cho... Thủ tướng?
Phải chăng chỉ cho “thôi” chứ dứt khoát không kỷ luật, không loại bỏ và “miễn nhiệm” chứ không... bãi nhiệm, không... truy cứu trách nhiệm chính là lõi của... “không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện”? Chẳng lẽ những... “động tác kỹ thuật” này lại không phải là... “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” theo nguyên nghĩa của chúng? Nếu muốn biết chống tham nhũng... “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” là thật hay giả thì cứ nhìn vào... “thôi” và “miễn nhiệm theo... nguyện vọng cá nhân” chứ không phải là... “từ chức”, không phải... “bãi nhiệm” thì sẽ nhận ra thật, hư.
***
Dẫu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đang trong... “mùa”... kỷ luật và truy cứu trách nhiệm hình sự, thông tin dồn dập về các sai phạm cho thấy mục ruỗng là tình trạng phổ biến từ trên xuống dưới, nếu thật sự... “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” thì chắc chắn sẽ... chẳng còn ai yên lành, kể cả Tổng Bí thư (“người đứng đầu” phải chịu trách nhiệm liên đới). Trong bối cảnh bất kỳ ai cũng có thể bị cây gậy “chống tham nhũng” vụt cho... “thân bại, danh liệt”, liệu đám đông có chịu ngồi yên? Đó có lẽ là lý do ông Trọng vừa vung cây gậy “chống tham nhũng”, vừa khẳng định sẽ bảo đảm... “nhân văn”, vì phải... “cứu cây” nên mới “cắt cảnh” (4)!
Dường như cảm thấy chừng đó chưa đủ trấn an, duy trì... “đoàn kết” nên tháng 9 năm 2022, Bộ Chính trị công bố “Kết luận về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật” (5). Theo đó, dẫu chống tham nhũng... “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” nhưng Bộ Chính trị chỉ khuyến khích những cán bộ bị “khiển trách, cảnh cáo” từ chức, không chịu từ chức thì “cấp có thẩm quyền mới xem xét, miễn nhiệm theo quy định”! Việc xử phạt các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương bị “khiển trách, cảnh cáo” cũng được quy định hết sức... “nhân văn”!
Chẳng hạn theo “Kết luận về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật” thì bất kể viên chức “tự nguyện từ chức” hay bị “miễn nhiệm”, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn phải... “bố trí công tác phù hợp theo từng trường hợp cụ thể” đúng... “quy định của đảng và pháp luật của nhà nước”. Hai năm sau người từ chức hoặc bị “miễn nhiệm” do bị “khiển trách, cảnh cáo” có quyền yêu cầu... “xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương”!.. Nhìn một cách tổng quát, kết luận vừa đề cập giống như... “củ cà rốt” được đặt bên cạnh cây gậy... “chống tham nhũng”.
Ông Nguyễn Văn Thể - cựu Bộ trưởng Giao thông-Vận tải – là một trong những ví dụ minh họa cho chuyện vừa bị vụt bằng gậy, vừa được tặng... “củ cà rốt”. Tháng 10 năm 2022, Quốc hội Việt Nam nhất trí “miễn” cho ông Thể trách nhiệm gánh vác Bộ Giao thông-Vận tải “theo nguyện vọng cá nhân và phân công của cấp có thẩm quyền” (6)?! Nhiều người thất vọng khi thấy ông Thể có thể rũ sạch toàn bộ trách nhiệm trong năm năm đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Giao thông-Vận tải, gây ra đủ thứ thiệt hại cho kinh tế - xã hội để chuyển qua làm Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương tiếp tục cùng đảng lãnh đạo toàn dân xây dựng CNXH nhưng pháp chế XHCN là thế, làm sao khác được.
Hồi tháng 10 năm 2022, “miễn nhiệm theo nguyện vọng cá nhân và phân công của cấp có thẩm quyền” được ca ngợi là điển hình của “văn hóa từ chức” và “sự tự trọng của người đảng viên” (7) chứ không như... bây giờ - “miễn nhiệm theo nguyện vọng cá nhân” sau khi được Ban Chấp hành Trung ương đảng cho “thôi” làm Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng... “không thể xem là... từ chức”! Còn gì tài tình và... thần bí hơn... “không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, giải quyết nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái”? Lãnh đạo các ngành ở đủ mọi cấp muốn làm Thăng hay được như Thể? Cứ thế mà ngẫm... Chống tham nhũng là... vậy thôi!
Chú thích:
Tin Nóng Quốc Tế Đó Đây
Dân Trung Quốc Đổ Xô, Chen Chúc Nhau Về Quê Ăn Tết, Trong Lúc Dịch COVID Lây Lan Mạnh Mẽ Nhất!
(Hình: Các ga xe hỏa ở Trung Quốc chật kín người về quê ăn Tết.)
Hành khách tay xách nách mang đã đổ xô đến các ga tàu ở các siêu đô thị của Trung Quốc hôm 16/1/2023 để về quê trong kỳ nghỉ Tết – điều mà các chuyên gia y tế lo ngại có thể đẩy nhanh đợt bùng phát COVID-19 vốn đang hoành hành ở những vùng ít có điều kiện đối phó dịch bệnh.
“Tôi đã không về quê trong hơn 3 năm”, một cư dân Bắc Kinh họ Trần 23 tuổi nói với Reuters khi anh chờ lên tàu tại nhà ga chính ở thủ đô.
“Tôi chắc mình sẽ rất xúc động khi về đến cửa nhà”.
Sau khi áp đặt lệnh phong tỏa và kiểm soát đi lại cứng nhắc sau khi virus corona xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019, Trung Quốc đã đột ngột từ bỏ chính sách ‘zero COVID’ hồi đầu tháng 12/2022, để virus này hoành hành trong dân số 1,4 tỉ người của nước này.
Giới chức Trung Quốc hôm 14/1 cho biết gần 60.000 người mắc COVID đã chết trong các bệnh viện từ ngày 8/12 đến ngày 12/1, con số tăng đáng kể so với các số liệu trước đó vốn đã bị Tổ chức Y tế Thế giới chỉ trích vì không phản ánh được quy mô và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Ngay cả con số lớn này đã bỏ qua nhiều người chết tại nhà, nhất là ở các vùng quê nơi hệ thống y tế yếu hơn, một chuyên gia y tế cho biết. Một số chuyên gia dự báo hơn một triệu người Trung Quốc sẽ chết vì COVID-19 trong năm nay.
Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, vốn còn được gọi là Hội Xuân, bắt đầu vào ngày 21/1, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tràn ngập tin tức về các bệnh viện và trung tâm y tế ở thôn quê bổ sung nguồn cung thuốc men và thiết bị.
“Đỉnh điểm lây nhiễm COVID ở làng chúng tôi đã qua, nhưng Tết sắp tới và vẫn còn dân làng bị bỏ lại phía sau, nhất là người già, vốn có nguy cơ nhiễm bệnh thứ cấp”, một Bác sĩ ở tỉnh Thiểm Tây nói trong bài báo đăng trên trang tin địa phương Red Star News.
“Nếu thuốc kháng virus và các loại thuốc khác dồi dào hơn, tôi sẽ tự tin hơn”, vị Bác sĩ này nói thêm.
Cùng với nguồn cung thuốc trị sốt và oxy, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết họ sẽ trang bị cho mọi trạm y tế thôn xã máy đo oxy bằng mạch, thiết bị đầu ngón tay thường được dùng trong thời đại dịch để nhanh chóng kiểm tra nồng độ oxy.
Nhà ga chính của Bắc Kinh trong những ngày gần đây đã chật cứng hành khách rời thủ đô, các nhân chứng nói với Reuters.
Ông Mã, một người lao động 50 tuổi, cho biết ông không lo lắng gì nhiều khi chờ lên tàu.
“Có rất nhiều người đã mắc COVID, nhưng tôi chưa bị dính. Điều đó thật hay, tôi cảm thấy khá may mắn”, ông nói với Reuters.
Tại thành phố đông dân nhất Trung Quốc, Thượng Hải, các chuyến tàu đêm đã được thêm vào tạm thời để đáp ứng nhu cầu đi lại đến tỉnh An Huy ở miền Đông, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã cho biết.
Trong khi đó, lượng khách đến thành phố cờ bạc Macau đã vượt quá 55.000 người hôm 14/1, con số cao nhất hàng ngày kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Tại Hồng Kông, chính quyền cho biết họ sẽ tăng số người có thể đi qua các chốt biên giới đường bộ từ 50.000 lên 65.000 người mỗi ngày trong khoảng thời gian từ ngày 18 đến ngày 21/1.
Dự kiến sẽ có hơn 2 tỉ lượt đi lại khắp Trung Quốc trong những tuần nghỉ Tết, Bộ Giao thông vận tải nước này ước tính.
WHO Khẩn Cấp Kêu Gọi Trung Quốc Công Bố Thêm Thông Tin Về COVID!
(Hình: Cư dân Bắc Kinh chờ xe lửa về quê ăn Tết ngày 6/1/2023.)
- Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi Trung Quốc tiếp tục công bố thông tin về làn sóng lây nhiễm COVID-19 sau khi nước này công bố gần 60.000 ca tử vong kể từ đầu tháng 12/2022 sau nhiều tuần có nhiều phàn nàn rằng chính quyền Bắc Kinh đã không thông báo cho thế giới biết chuyện gì đang xảy ra.
Thông báo hôm thứ Bảy (14/1/2023) là con số người chết chính thức đầu tiên kể từ khi Đảng Cộng sản cầm quyền đột ngột dỡ bỏ các hạn chế chống virus vào tháng 12 năm 2022 bất chấp sự gia tăng các ca nhiễm gây chật kín các bệnh viện. Điều đó khiến WHO và các chính phủ khác kêu gọi cung cấp thông tin, trong khi Hoa Kỳ, Nam Hàn và các nước khác áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với du khách đến từ Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc cho biết rằng 5.503 người chết vì suy hô hấp do COVID-19 và có 54.435 trường hợp chết vì ung thư, bệnh tim và các bệnh khác kết hợp với COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 8 tháng 12 đến ngày 12 tháng 1.
Tuyên bố của WHO nói rằng thông báo trên “cho phép hiểu rõ hơn về tình hình Dịch tễ học”. Tuyên bố này cũng nói rằng Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã điện đàm với Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Ma Xiaowei.
“WHO đề nghị loại thông tin chi tiết này tiếp tục được chia sẻ với chúng tôi và công chúng”, WHO nói.
Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết rằng chỉ những trường hợp chết trong bệnh viện mới được tính, và điều đó có nghĩa là bất kỳ ai chết tại nhà sẽ không được tính. Ủy ban này không cho biết khi nào hoặc liệu nó có công bố các số liệu cập nhật hay không. Một viên chức y tế cho biết “mức đỉnh khẩn cấp quốc gia đã qua” dựa trên sự sụt giảm 83% số người hàng ngày đến các phòng khám điều trị bệnh nhân bị sốt từ mức cao điểm vào ngày 23 tháng 12.
Trung Quốc: Con Số Kỷ Lục! Ước Tính Gần 1 Triệu Người Chết Do Covid Sau 5 Tuần Mở Cửa Đầu Tiên
- Ngày 16/1/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay người Trung Quốc đang ồ ạt về quê ăn Tết. Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ đại dịch gây tổn thất sinh mạng lớn trong dịp Tết Nguyên đán bình thường đầu tiên kể từ đầu đại dịch.
Theo ước tính của chuyên gia Mỹ dựa trên số liệu y tế Trung Quốc, đã có khoảng 1 triệu người chết vì Covid tại nước này trong 5 tuần qua, tức kể từ khi chấm dứt chính sách Zero Covid.
Hãng tin Mỹ Bloomberg hôm 15/1/2022 dẫn nhận định của chuyên gia y tế Mỹ, Giáo sư ngành Dịch tễ học Zuo-Feng Zhang, chủ nhiệm khoa Dịch tễ học Trường Y tế Công cộng Fielding thuộc Đại học California (Los Angeles): “Số ca tử vong do Covid-19 được báo cáo có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”. Theo một báo cáo mới từ Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, khoảng 64% dân số Trung Quốc đã bị nhiễm virus corona tính đến giữa tháng 1/2023, nhà Dịch tễ học Mỹ Zuo-Feng Zhang ước tính đã có đến khoảng 900.000 người chết trong vòng 5 tuần lễ, tỷ lệ tử vong trung bình là 0,1% trong tổng số người nhiễm virus.
Sau nhiều tuần phủ nhận mức độ tử vong cao do đại dịch Covid bùng lên do đột ngột dỡ bỏ chính sách Zero Covid, cuối tuần qua, Bộ Y tế Trung Quốc thừa nhận có 59.938 ca tử vong liên quan đến Covid, tính đến ngày 12/1. Tuy nhiên, số người chết do Covid chỉ bao gồm các ca chết tại bệnh viện.
Theo một phân tích của Bloomberg, con số tử vong chính thức nêu trên của Bộ Y tế Trung Quốc chỉ tương đương với tỉ lệ trung bình 1,17 người chết hàng ngày trên một triệu dân trong vòng 5 tuần. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong trung bình hàng ngày được thấy ở các quốc gia có chính sách Covid tương tự như Trung Quốc. Khi chủng Omicron tấn công Nam Hàn, số ca tử vong hàng ngày là gần 7 người chết/ngày/1 triệu dân. Úc Ðại Lợi và Tân Tây Lan, sau khi dỡ bỏ phong tỏa, có tỷ lệ tử vong khoảng 4 người/ngày trên một triệu dân.
Bộ Giao Thông Trung Quốc ước tính khoảng 2 tỉ lượt di chuyển trong dịp Tết bình thường đầu tiên kể từ đầu đại dịch Covid-19, kéo dài khoảng 40 ngày. Đại dịch Covid có nguy cơ gây thêm nhiều tổn thất.
Các Nhóm Văn Bút Quốc Tế Kêu Gọi Trả Tự Do Cho Nhà Thơ Iran Đang Bị Cầm Tù
(Hình: Bản đồ Iran.)
- Hội Văn bút Mỹ và Sydney đã đưa ra một tuyên bố chung, kêu gọi trả tự do cho ông Ali Asadollahi, một nhà thơ Iran, và các nhà văn khác đang bị cầm tù ở Iran
“Asadollahi là một nhà thơ truyền cảm hứng và hàng đầu trong thế hệ của ông”, tuyên bố nói và cho biết thêm rằng tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Ý Ðại Lợi và tiếng Pháp.
Ông Ali Asadollahi, cũng là một nhà phê bình văn học và là thư ký của Hội Nhà văn Iran, đã bị bắt vào ngày 21 tháng 11 mà không có cáo buộc nào. Ông hiện đang bị giam giữ tại Nhà tù Fashafouyeh và được cho là bị biệt giam cũng như bị từ chối tiếp cận với Luật sư của mình.
Tuyên bố của Pen nói: “Tội ác duy nhất của những nhà văn này là sản phẩm và hoạt động văn học của họ. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Iran ngay lập tức hủy bỏ những cáo buộc vô lý này đối với các nhà văn Iran và ra lệnh trả tự do cho họ”.
“Việc tiếp tục đàn áp và truy tố các nhà văn Iran rõ ràng vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do lương tâm của họ, như được bảo vệ bởi luật pháp của chính Iran và các nghĩa vụ pháp lý của nước này theo luật pháp quốc tế”, tuyên bố nói.
“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc chế độ tội phạm này phải chịu trách nhiệm về những tội ác ghê tởm đối với các nhà văn và nhà thơ”.
Thủ Tướng Iraq Ủng Hộ Sự Hiện Diện Vô Thời Hạn của Lính Mỹ
(Hình: Thủ tướng Iraq, Mohammed al-Sudani.)
- Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Wall Street Journal, đăng hôm 15/1/2023, Thủ tướng Iraq Mohammed al-Sudani đã lên tiếng bảo vệ sự hiện diện của các binh sĩ Hoa Kỳ tại nước mình và không đưa ra khung thời gian cho việc rút quân của họ.
Đề cập đến các lực lượng quân đội Hoa Kỳ và Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) huấn luyện và hỗ trợ các đơn vị Iraq chống lại Nhà nước Hồi giáo (ISIS) nhưng phần lớn không tham chiến, ông Sudani nói rằng các lực lượng ngoại quốc vẫn cần thiết.
Ông nói trong cuộc phỏng vấn: “Việc loại bỏ ISIS cần thêm thời gian”.
Ông Sudani, người lên nhậm chức vào tháng 10 năm 2022, nói với tờ The Wall Street Journal rằng ông dự định cử một phái đoàn cấp cao tới Hoa Thịnh Ðốn để đàm phán với các viên chức Mỹ vào tháng tới, đồng thời nói thêm rằng Iraq muốn có mối quan hệ tương tự với Hoa Thịnh Ðốn giống như mối quan hệ với Ảrập Xêút và các nước sản xuất dầu khí khác ở Vịnh Ba Tư.
“Tôi không coi đây là vấn đề bất khả thi, khi Iraq có mối quan hệ tốt với cả Iran và Mỹ”, ông Sudani nói với tờ báo.
Số Thường Dân Chết Trong Vụ Nga Bắn Phi Đạn Vào Dnipro Tăng Lên 40
(Hình: Tòa chung cư ở Dnipro sau vụ tấn công bằng phi đạn của Nga.)
- Số người thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng phi đạn của Nga ở thành phố Dnipro của Ukraine đã tăng lên 40 người hôm 16/1/2023 với hàng chục người khác mất tích, khiến nó trở thành vụ tấn công dân sự đẫm máu nhất trong chiến dịch tấn công phi đạn suốt 3 tháng qua của Mạc Tư Khoa vào các thành phố nằm cách xa tiền tuyến.
Các viên chức Ukraine thừa nhận họ có rất ít hy vọng tìm thấy thêm người sống sót trong đống đổ nát sau cuộc tấn công hôm 14/1 ở Dnipro, nhưng Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết họ sẽ tiếp tục nỗ lực giải cứu tại thành phố miền Trung này ‘chừng nào vẫn còn cơ hội dù là nhỏ nhất để cứu người’.
“Mấy mươi người đã được giải cứu ra khỏi đống đổ nát, trong đó có sáu trẻ em. Chúng ta đang chiến đấu vì từng người!” Ông Zelenskiy nói trong bài phát biểu vào tối muộn.
Mạc Tư Khoa phủ nhận họ cố tình nhắm vào dân thường trong chiến dịch không kích kể từ tháng 10 vốn đã phá huỷ hệ thống cấp điện nước của các thành phố Ukraine, và nói rằng sự việc ở Dnipro là do lực lượng phòng không Ukraine gây ra.
Kyiv cho biết họ không có cách nào bắn hạ phi đạn chống hạm mà họ nói là đã bắn trúng một tòa nhà chung cư ở Dnipro hôm 14/1 trong loạt tấn công mới nhất của Nga.
Ít nhất 40 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công và 30 người khác vẫn chưa được tìm thấy, viên chức thành phố Gennadiy Korban cho biết. Ông cho biết 75 người bị thương trong đó có 14 trẻ em.
Ukraine đã cảnh báo rằng Mạc Tư Khoa có thể đang trù tính một cuộc tấn công mới trong những tuần tới, bao gồm cả tấn công từ nước đồng minh thân cận Belarus, nước cho phép Nga sử dụng lãnh thổ làm bàn đạp tấn công Ukraine, nhưng cho đến nay vẫn không tham chiến trực tiếp.
Nga và Belarus đã bắt đầu các cuộc tập trận trên không chung hôm 14/1. Minsk cho biết các cuộc tập trận mang tính phòng thủ và họ sẽ không tham chiến.
“Chúng tôi đang tiếp tục giữ kiềm chế và kiên nhẫn để không đụng đến kho đạn pháo của mình”, ông Pavel Muraveyko, phó thư ký thứ nhất của Hội đồng An ninh Belarus, viết trên tài khoản Telegram của Bộ Quốc phòng Belarus hôm 15/1.
Ba Người Chết, 15 Người Bị Thương Trong Vụ Nổ Đạn Dược ở Khu Vực của Nga Gần Ukraine
(Hình: Ảnh vệ tinh lực lượng Nga gần biên giới với Ukraine, ngày 5/12/2021.)
- Một vụ nổ đạn dược do việc giải quyết “bất cẩn” một quả lựu đạn ở vùng Belgorod của Nga, giáp biên giới với Ukraine, đã khiến 3 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương, các hãng thông tấn Nga đưa tin hôm 15/1/2023.
Vụ nổ xảy ra tại một trung tâm văn hóa được tái sử dụng cho các lực lượng vũ trang Nga cất giữ đạn dược, các cơ quan thông tấn nhà nước đưa tin, dẫn các cơ quan dịch vụ cấp cứu địa phương về thiệt hại nhân mạng.
Vùng Belgorod giáp Ukraine và là nơi đặt một số căn cứ quân sự và cơ sở huấn luyện của Nga.
Các kênh 112 và Baza Telegram, vốn có liên hệ với các cơ quan thực thi pháp luật của Nga, đưa tin rằng những người chết và bị thương là lính nghĩa vụ được huy động để chiến đấu ở Ukraine.
Các kênh này đưa tin rằng vụ nổ xảy ra sau khi một binh sĩ cấp cao giải quyết sai một quả lựu đạn trước mặt các cấp dưới, vô tình làm nó phát nổ. Hãng tin TASS nói rằng “việc giải quyết đạn dược bất cẩn” đã gây ra vụ nổ.
Các tin tức không cho biết sự việc xảy ra khi nào.
Belgorod giáp với phía Đông-Bắc Ukraine, ngay đối diện thành phố Kharkiv, nơi đã là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công bằng phi đạn của Nga kể từ cuộc xâm lược của nước này vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Chiến Tranh Ukraine: NATO Đồng Ý Cấp Thêm Vũ Khí Hạng Nặng Cho Ukraine “Trong Một Tương Lai Gần”
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay vào lúc Anh Quốc trở thành nước đầu tiên phá bỏ cấm kỵ về vũ khí nặng, loan báo quyết định cung cấp cho Ukraine 14 chiến xa hạng nặng, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 15/1/2023 cho biết, chính quyền Kyiv có thể hy vọng có các đợt chuyển giao vũ khí hạng nặng mới từ các đồng minh phương Tây “trong một tương lai gần”.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Đức Handelsblatt, Tổng Thư ký NATO xác định: “Những lời hứa gần đây về việc cung cấp vũ khí hạng nặng (cho Ukraine) rất quan trọng - và tôi hy vọng sẽ có nhiều cam kết hơn nữa trong một tương lai gần”.
Tuyên bố của ông Jens Stoltenberg được đưa ra vài hôm trước một cuộc họp mới của Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) nhằm điều phối các khoản viện trợ cho Ukraine, dự trù vào ngày 20/1 tại căn cứ Mỹ ở Ramstein (Đức).
Cho đến gần đây, các quốc gia phương Tây rất dè dặt, không muốn cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine vì sợ bị lôi kéo trực tiếp vào cuộc chiến với Nga. Tuy nhiên, vào đầu tháng 1/2023, Pháp, và sau đó là Đức và Mỹ, đã loan báo quyết định cung cấp cho Kyiv một số loại xe thiết giáp - Marder của Đức, Bradley của Mỹ và AMX-10 RC của Pháp - những phương tiện vẫn thuộc diện xe tăng hạng nhẹ, không đúng với yêu cầu của Ukraine.
Tuy nhiên, đến ngày 14/1, Vương Quốc Anh đã thông báo sẽ giao 14 xe tăng Challenger 2 cho Ukraine “trong những tuần lễ sắp tới”, trở thành nước đầu tiên cung cấp xe tăng hạng nặng do phương Tây chế tạo cho Kyiv.
Mặc dù số lượng 14 chiếc Challenger 2 có vẻ khiêm tốn, nhưng các viên chức Ukraine hy vọng các thủ đô khác sẽ noi gương Luân Đôn, mà trước hết là Warsaw.
Ngay từ hôm 11/1, Ba Lan cho biết họ sẵn sàng giao cho Ukraine 14 xe tăng hạng nặng Leopard 2 do Đức chế tạo mà Warsaw đang có. Tuy nhiên, việc chuyển giao này phải được Bá Linh chấp thuận, điều rất có thể sẽ xảy ra sau quyết định của Luân Đôn.
Cho đến nay, theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, Kyiv đã nhận được xe tăng hạng nặng từ các đồng minh, nhưng tất cả đều là loại do Liên Xô thiết kế - gần 300 chiếc - nhưng vẫn chưa có chiếc nào do phương Tây sản xuất.
Nga, Belarus Tập Trận Không Quân
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay từ hôm 16/1/2023 cho đến ngày 1/2, Nga và Belarus bắt đầu cuộc tập trận Không quân “chiến thuật”. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) dự báo Mạc Tư Khoa và Minsk có thể chuẩn bị một cuộc tấn công Ukraine từ lãnh thổ Belarus vào cuối năm nay.
Theo thông tấn xã AFP, các giới chức quân sự Belarus nhấn mạnh đến tính chất thuần túy “phòng thủ” của đợt tập trận này. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Belarus, “Toàn bộ các phi trường và thao trường của lực lượng Không quân và phòng không” của quân đội Belarus tham gia đợt tập trận. Mục tiêu chủ yếu là “củng cố khả năng phối hợp” giữa quân đội Belarus và Nga.
Các hoạt động quân sự phối hợp Nga - Belarus gây lo ngại tại Ukraine. Chính quyền Kyiv liên tục cảnh báo về các nguy cơ tấn công từ Belarus. Theo Reuters, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tuần trước cho biết, Ukraine phải sẵn đối phó với các đe dọa từ nước láng giềng phía Bắc. Hồi tháng 10/2022, Belarus thông báo lập một lực lượng chiến đấu chung với Nga. Belarus từng được dùng làm căn cứ cho Nga trong cuộc tấn công Ukraine, khởi sự cuối tháng 2/2022, tuy nhiên quân đội Belarus không tham chiến.
Hôm 15/1, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, có trụ sở tại Hoa Thịnh Ðốn, đưa ra dự báo về các xu thế hành động của Nga trong cuộc chiến chống Ukraine trong năm nay. Theo ISW, xác suất tấn công Ukraine từ Belarus vào thời điểm hiện tại là thấp. Tuy nhiên, các hoạt động chuẩn bị đang được xúc tiến. Và tư lệnh Lục quân Nga, Oleg Salyukov, người vừa được bổ nhiệm làm phó chỉ huy chiến dịch quân sự tại Ukraine từ đầu năm 2023, đã đến Belarus ngày 12/1.
Chuyến đi của tư lệnh Lục quân Nga rất có thể nhằm “thiết lập các cấu trúc chỉ huy” cần thiết cho các hoạt động tác chiến của Nga từ Belarus. Tháng 9/2023, Nga và Belarus dự kiến tổ chức đợt tập trận lớn Lá chắn Liên minh (Union Shield 2023).
ISW nhấn mạnh Mạc Tư Khoa đang chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài, và Ðiện Cẩm Linh vẫn duy trì các mục tiêu tối đa là “xâm chiếm toàn bộ Ukraine” bất chấp các thất bại từ đầu cuộc chiến đến nay, và Ukraine cần được sự hỗ trợ “lâu dài”, “mạnh mẽ hơn và kịp thời hơn của phương Tây” để đối phó.
Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos Khai Mạc, Oxfam Tố Cáo Tình Trạng Nghèo Đói Cùng Cực Tăng Vọt
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 16/1/2022, Diễn đàn thường niên của giới tinh hoa kinh tế và chính trị thế giới khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ).
Nhân dịp này, liên minh chống nghèo đói và bất công toàn cầu Oxfam công bố kết quả một cuộc khảo sát lớn, cho thấy nhóm 1% người giàu nhất hành tinh tiếp tục giàu lên trong thời gian đại dịch, với số tiền thu về ước tính 2,7 tỉ Mỹ kim/ngày, trong lúc tình trạng nghèo đói cùng cực lần đầu tiên gia tăng trở lại khắp nơi trên toàn cầu. Từ Davos, đặc phái viên Mounia Daoudi của Đài RFI tường trình:
“Điểm ghi nhận chính của cuộc khảo sát quy mô lớn do tổ chức Oxfam thực hiện là sự tăng nhanh mức độ tập trung tài sản vào tay một thiểu số rất nhỏ, trong bối cảnh lần đầu tiên từ 25 năm qua, tình trạng nghèo đói cùng cực gia tăng trở lại. Ông Quentin Parrinello, đồng tác giả của báo cáo về bất bình đẳng toàn cầu, nhận định:
“Điều gây sốc là nhóm những người rất giàu nay lại càng giầu hơn, đặc biệt nhờ ở các biện pháp can thiệp của chính quyền trong bối cảnh đại dịch Covid, với hàng trăm tỉ Mỹ kim được huy động. Họ giàu lên không phải nhờ các lựa chọn về chiến lược và kinh tế thực sự xuất sắc. Hiện tại, chúng ta đang phải trả giá cho các chi phí đối phó với cuộc khủng hoảng này. Điều hoàn toàn hợp lý là buộc họ phải đóng góp tài chánh cho việc giải quyết khủng hoảng.
Lo-gích này vẫn chưa thực sự được thực hiện. Đại diện của Oxfam tố cáo sự thiếu can đảm chính trị về chính trị: “Chúng ta thấy là có đến 75% chính quyền trên toàn cầu đang chủ trương cắt giảm đầu tư cho y tế, cho giáo dục, cho an sinh xã hội, để dùng tiền trả cho những chi phí trong thời gian khủng hoảng dịch. Rõ ràng có sự thiếu can đảm về chính trị. Cho dù việc có được một hệ thống y tế hiệu quả là cần thiết, với hệ thống an sinh cho phép bảo vệ những người bấp bênh nhất”.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng về giá cả đắt đỏ đã được chỉ ra như rủi ro chủ yếu đè nặng lên nền kinh tế thế giới trong 2 năm tới, Oxfam muốn trở thành tổ chức phát ngôn cho nỗi bất bình lan rộng trong xã hội, hiện không còn chừa bất kỳ khu vực nào trên thế giới”.
Tham Nhũng Hối Lộ Đè Nặng Bầu Không Khí Phiên Họp Toàn Thể Nghị Viện Âu Châu
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay 1 tháng sau phát giác vụ bê bối hối lộ liên quan đến một số Nghị sĩ Âu Châu - Qatargate, phiên họp toàn thể của Nghị Viện Âu Châu mở ra ngày hôm nay tại Strasbourg, Pháp, ngày 16 đến 19/1/2023, trong bối cảnh định chế này phải hành động ‘nhanh chóng’, ‘cứng rắn’ để khôi phục lại niềm tin.
Theo thông tấn xã AFP, Chủ tịch Nghị Viện Âu Châu Roberta Metsola đã hứa hẹn vào giữa tháng 12/2022 về một “gói cải cách lớn” tại định chế này. Đầu tiên đó là việc hạn chế các cựu Nghị sĩ Âu Châu tiếp cận định chế này để “vận động hành lang”. Bà Metsola cũng muốn công khai, ghi lại tất cả những món quà hay những chuyến đi, hay những người mà các Nghị sĩ đã gặp trong nhiệm kỳ của họ, cũng như là các trừng phạt liên quan. Từ Brussels (Bỉ), thông tín viên RFI Jean-Jacques Héry cho biết thêm:
“Bà Roberta đã nghiên cứu một kế hoạch gồm 14 điểm để tạo sự minh bạch hơn và tăng cường các quy định về đạo đức ở trong Nghị Viện Âu Châu. Mong muốn cải cách này được toàn bộ các nhóm Nghị sĩ ủng hộ. Phải nói rằng tình hình dường như là khẩn cấp vì ngày 15/1, đã có thông tin về việc Nghị sĩ Âu Châu Marc Tarabella – người sẽ bị tước quyền miễn trừ Tư pháp – không khai báo một chuyến đi được Qatar tài trợ vào tháng 2/2020. Trước đó vài ngày, Nghị sĩ đảng Xã Hội Bỉ Maria Arena đã đưa ra cùng lý do “quên” khai báo một chuyến đi, cũng tới Qatar vào tháng 5 năm 2022. Bà đã từ nhiệm chức Chủ tịch tiểu ban về quyền con người của định chế này. Cả hai đều cho biết không làm gì đáng bị chê trách cả, nhưng trong bối cảnh hiện nay, sự việc ít nhất có thể thúc đẩy việc tăng cường các quy tắc”.
Tuy nhiên, Giáo sư Luật Âu Châu tại Trường Cao học Thương mại Pháp Alberto Alemanno, được AFP trích dẫn, không tin rằng “việc áp đặt những quy tắc nhỏ này là đủ để tạo ra một nền văn hóa chính trị mới trong Nghị viện Âu Châu”.
Cải Cách Hưu Trí Pháp: Giới Nghiệp Đoàn Kêu Gọi Dân Chúng Tuần Hành Phản Đối Dự Án của Chính Phủ
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay nước Pháp bước vào tuần lễ đối đầu căng thẳng với ngày 19/1/2023 có biểu tình lớn của giới công đoàn phản đối dự án cải cách hưu trí của chính phủ. Hôm 15/1, lãnh đạo nhiều công đoàn cho biết chờ đợi đông đảo người dân xuống đường phản đối dự án của chính phủ.
Theo thông tấn xã AFP, lãnh đạo công đoàn CGT Philippe Martinez dự kiến: Ngày hành động 19/1 sẽ là một dịp huy động “rất, rất mạnh”, tương đương với cuộc phản kháng năm 1995, hoặc năm 2010. Nhiều chính đảng cánh tả cũng tham gia ngày hành động này. Trên Journal du Dimanche (JDD), thư ký toàn quốc của đảng Cộng sản Pháp, Fabien Roussel, kêu gọi một triệu dân Pháp xuống đường vào ngày thứ Năm (19/1).
Về phía chính phủ, Bộ trưởng Lao Động Olivier Dussopt cũng dự báo sẽ có đông đảo dân chúng xuống dường, do sự tham gia của nhiều tổ chức, nhưng hy vọng là ngày hành động này không dẫn đến việc đất nước “bị tê liệt”.
Theo một thăm dò dư luận của Ifop, trên JDD, 68% người Pháp phản đối dự án cải cách hưu trí hiện tại của chính phủ, 51% ủng hộ phong trào phản đối. Hôm qua, chính trị gia François Bayrou, Chủ tịch đảng MoDem, thành viên của liên minh cầm quyền, đề nghị chính phủ “xem xét điều chỉnh” dự án cải cách hưu trí để có thể thuyết phục được người Pháp.
Bà Aurore Bergé, Chủ tịch nhóm Nghị sĩ của đảng cầm quyền Renaissance (Phục Hưng), trong một phát biểu hôm 15/1, tỏ tin tưởng dự án cải cách sẽ được thông qua.
Doanh Nghiệp Từ Các Nước Phát Triển Hỗ Trợ Miến Điện Sản Xuất Vũ Khí
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay theo một báo cáo công bố hôm 16/1/2023, nhiều doanh nghiệp từ ít nhất 13 quốc gia đã hỗ trợ Miến Điến sản xuất vũ khí, trong đó có Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Ấn Độ.
Báo cáo của Hội đồng Tư vấn Đặc biệt về Miến Điện, được BBC trích dẫn, chỉ ra cách mà Miến Điện đã đẩy mạnh sản xuất vũ khí như thế nào kể từ khi quân đội lên nắm quyền vào ngày 1 tháng 2 năm 2021, kéo theo đó là một phong trào phản kháng bị đàn áp đẫm máu.
Bà Yanghee Lee, một trong những tác giả của báo cáo, nhấn mạnh rằng vũ khí do quân đội Miến Điện sản xuất không được sử dụng để bảo vệ biên giới vì nước này chưa từng bị xâm lược. Chúng lại được sử dụng để đối phó với chính người dân Miến Điện. Kể từ khi đảo chính xảy ra cách nay gần 2 năm, tổng số người thiệt mạng lên đến hơn 2600 người. Con số thực tế có thể cao gấp 10 lần.
Theo báo cáo, điều đáng lưu ý đó là một số quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc vẫn tiếp tục hỗ trợ Miến Điện sản xuất vũ khí. Ông Chris Sidoti, đồng tác giả của báo cáo giải thích: “Gần đây nhất, đó là các vụ thảm sát xảy ra ở vùng Sagaing, đặc biệt là vụ đánh bom và pháo kích vào một trường học, khiến một số trẻ em và những người khác bị giết. (…) Vũ khí được tìm thấy như vỏ đạn pháo quân sự có thể giúp xác định nguồn gốc của chúng”.
Theo Hội đồng Tư vấn Đặc biệt về Miến Điện, một số thiết bị dùng để chế tạo vũ khí được cho là đến từ công ty GFM Steyr của Áo cung cấp, được tìm thấy ở nhiều địa điểm. Các loại máy móc trong cơ sở sản xuất vũ khí của Miến Điện, đến từ Đức, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Nhu liệu điện toán lập trình cho máy móc là từ Pháp và Do Thái.
Bất chấp hàng loạt trừng phạt từ quốc tế, quân đội Miến Điện không ngừng lại việc sản xuất vũ khí. Vào năm 1988, chỉ có 6 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này thì đến nay đã lên đến 25 nhà máy.
Hội đồng Tư vấn Đặc biệt về Miến Điện là một tổ chức độc lập, được thành lập hồi tháng 3/2021.
Tòa Bạch Ốc: Không Có Nhật Ký Khách Đến Thăm Nhà Riêng Ông Biden
(Hình: Tổng thống Joe Biden khi còn ở quê nhà ở Wilmington, Delaware.)
- Hôm 16/1/2023, Văn phòng Cố vấn Tòa Bạch Ốc cho biết không có nhật ký về khách đến thăm nhà riêng của Tổng thống Joe Biden ở Wilmington, Delaware, nơi các tài liệu mật từ thời ông còn là Phó Tổng thống được tìm thấy, vì đây là nhà riêng.
“Cũng như mọi Tổng thống trong nhiều thập kỷ lịch sử hiện đại, nhà riêng của ông là chỗ riêng tư. Nhưng sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã khôi phục quy tắc và truyền thống lưu giữ ghi chép danh tính khách đến Tòa Bạch Ốc, bao gồm việc công bố thường xuyên, sau khi chính quyền tiền nhiệm ngưng cách làm này”, văn phòng Cố vấn Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố.
Người tiền nhiệm của ông Biden, ông Donald Trump, đã từ chối công bố nhật ký khách đến thăm Tòa Bạch Ốc trong bốn năm cầm quyền của ông, một động thái phá vỡ quy tắc trước đó.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện thuộc Đảng Cộng hòa hôm 16/1 đã yêu cầu cung cấp nhật ký khách đến thăm nhà riêng của của ông Biden ở Wilmington sau khi các tài liệu mật được tìm thấy trong văn phòng và nhà xe của ông.
Đảng Cộng hòa đã cố gắng liên hệ vụ tài liệu mật của ông Biden với sự việc của ông Trump, người đang bị điều tra hình sự liên bang về cách giải quyết các tài liệu mật sau khi rời Tòa Bạch Ốc vào năm 2021.
Đội ngũ pháp lý lưu ý sự khác biệt giữa hai sự việc. Tòa Bạch Ốc cho biết đội ngũ của ông Biden đã giao nộp các tài liệu mà họ tìm thấy. Ông Trump đã không chịu làm vậy cho đến khi Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) khám xét khu nghỉ dưỡng của ông tại Palm Beach (Florida) hồi tháng 8/2022.
Nhóm pháp lý của ông Biden cho biết họ đã tìm thấy các tài liệu mật trong thời kỳ ông làm Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống khi đó là ông Barack Obama tại nhà riêng của ông ở Delaware và tại một viện nghiên cứu chiến lược ở Hoa Thịnh Ðốn.
Các Luật sư của ông hôm 14/1 cho biết đã tìm thấy thêm năm trang tại liệu nữa tại nhà của ông. Tài liệu tại viện nghiên cứu được tìm thấy hồi tháng 11/2022 và vụ phát giác đã được công bố sau bản tin của CBS News vào tuần trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét