Sau khi buộc lòng phải buông súng, trên đường quy cố hương tôi bị 1 toán du kích chặn đường mời vô trụ sở để ông Chủ Tịch xã làm việc một chút. Một cuộc làm việc kinh qua nhiều trại và kéo dài mịt mùng không thấy ánh sáng cuối đường hầm. Khi tôi được trở về nhà thì Ba tôi đã qua đời từ lâu và tôi không có cơ hội đội trên đầu vành khăn tang để trả hiếu theo phong tục tập quán của người Việt Nam. Bù lại, khi phải di dời cải táng lại phần mộ của tổ tiên tôi 4 đời trở về trước đã an táng trên phần đất khai hoang lập ấp từ thuở chạy loạn trong cuộc phân tranh giữa Gia Long và anh em nhà Tây Sơn mà khi đó hùm beo cá sấu còn ở sát bên cạnh trên rừng, dưới sông.
<!>
Do quan điểm đất đai là sở hữu của toàn dân nên bị quy hoạch lại với giá đền bù rẻ mạt như đất lấn chiếm, tôi đã khắc trên đá dán lên phần mộ của Ba tôi 2 câu thơ như để chuộc cái tội bất hiếu của thằng con trai đối với đấng sinh thành:
“Lãng tử giang hồ ngưng bước mỏi
An nhiên thanh thản cõi thiên thu”.
Vì thời còn tuổi trẻ ông cũng thích chải chuốt những con chữ và đi rất nhiều. Tôi cũng đã hưởng phần nào cái gien di truyền ấy.
Mùa xuân năm 1976.
Trại cho phép chúng tôi mỗi đội được góp vài tiết mục để tổ chức một đêm văn nghệ mừng xuân.
Tuổi đời chúng tôi lúc ấy còn quá trẻ, tuy rất buồn vì thân đang bị trong vòng lao lý nhân dịp xuân về tết đến, nhưng được cho phép tập dượt hát hò chủ yếu là những sáng tác cây nhà lá vườn sau những buổi học chính trị dài lê thê nên ai cũng vui mừng và quên bớt cái niềm hy vọng đang canh cánh trong lòng.
Thú thiệt, cuộc đời tôi có 2 niềm hy vọng mà bây giờ quá tuổi cổ lai hy rồi ngẫm lại sao mà thấy nó dài...quá trời quá đất luôn!
1 là hy vọng trúng số độc đắc và 2 là hy vọng mỗi dịp lễ tết được xướng danh lên nhận giấy ra trại.
Tôi tuy xấu giai và không cao to trắng trẻo như 1 bạch mã hoàng tử trong mơ của các cô thiếu nữ, nhưng hát hò cũng dễ nghe nên đã trở thành ngôi sao ca nhạc cấp trại, được chọn tham gia 3 tiết mục: 1 tốp ca, 1 song ca và 1 đơn ca.
Đội 2 có Lê Hữu Lý dân Bình Dương người nhỏ con sáng tác nhạc khá hay. Sau khi ra trại anh vẫn tiếp tục sáng tác nhạc đóng góp cho đài Sông Bé.
Đội 3 chúng tôi có Nguyễn Khoa Học, nhỏ thua tôi vài tuổi và cùng được “mời vào làm việc” trên đường đi, dân 9 nút là pilot Chinook, đạo Công giáo từng tham gia ca đoàn nên cũng biết sáng tác. Tôi nhớ lời bài hát của hắn lúc đó:
“Gió xuân đang về từ non cao nở nhiều hoa đẹp
Ơi hoa rừng ơi! Nào cùng đón nắng vui ngày xuân...”
Tuy chỉ là lời 1 bài hát phong trào nghe qua rồi bỏ, nhưng hơn 40 năm rồi tôi vẫn còn nhớ.
Sợ trí nhớ của tôi chưa?
Nếu tình cờ bài viết nầy lọt vào mắt Nguyễn Khoa Học thì hắn sẽ phục tôi sát đất vì chưa chắc bản thân hắn còn nhớ những nốt nhạc và ca từ hắn đã từng viết ra.
Đội 2 có Thịnh, dân Tiểu đoàn 5 Truyền tin. Hắn chính là nguyên nhân dẫn tới vụ việc trong bài Mưa Đêm của tôi nếu ai đã từng đọc qua. Thịnh tham gia 1 tiết mục giốngnhư ảothuật gia Z27, chim bồ câu xuất hiện bất kỳ nơi nào trên thân thể mình khi ông chạm đến.
Ở trong trại giữa mấy lớp rào kẽm gai thì đào đâu ra chim bồ câu?
Mùa xuân đến chim én bay đầy trời thì Thịnh dùng chim én thay thế.
Nhưng chim thì bay trên trời, còn người đang đứng trong vòng rào vây hãm thì phải làm sao đây?
Có câu: “Trong cái khó ló cái khôn”.
Nguyên trại chúng tôi có đào 1 cái Oa-tờ Cờ-lô-sịt lộ thiên ở ngoài xa 1 góc trại. Ruồi xanh bay tới kiếm ăn đậu đầy mặt đất. Hình như các “sĩ phu Bắc Hà” gọi chúng là nhặng. Tuy lớn xác hơn loại ruồi thường, nhưng thân pháp cũng nhanh không kém.
Ruồi xanh tụ đến nhiều thì trên trời những con én mùa xuân cũng xuất hiện nhiều để kiếm mồi.
Nhưng đâu phải cứ lao xuống như những Kamikazes Thần phong nào cũng thành công? Mấy con ruồi xanh dưới đất sau khi thoát cái án tử vẫn cười khúc khích tự đắc: “Mầy nhanh thì tao càng nhanh... chớ bộ”.
Muốn tóm gọn hơn chục chú Kamikazes ấy để làm đạocụ biểu diễn thì Thịnh phải bày trò. Hắn cắt 1 đoạn dây kẽm gai hàng rào rồi uốn thành 1 vòng tròn nhỏ có cán cầm tay, hy sinh 1 chéo mùng ngủ cá nhân làmthành 1 cái vợt bắt ruồi mini. 1 tay bịt mũi, 1 tay cầm chiếc vợt ấy hắn lê lết rình rập 2 ngày với thân pháp nhanh hơn Đoàn Dự khi thi triển Lăng ba vi bộ mới chộp được hơn chục chú ruồi xanh.
Xong rồi hắn chặt trộm 1 cây trúc ngoài hàng rào, chẻ rồi cột thành những chữ Y như nạng giàn thun. Giữa 2 đầu chữ Y cột 1 sợi chỉ có thắt 1 nút thòng lọng rộng bằng đầu ngón chân cái. Giữa cái thòng lọng treo 1 chú ruồi xanh đang còn ngo ngoe. Đầu kia thì cắm xuống đất khắp nơi để giăng bẫy.
Có khi vì mấy phát lao xuống vẫn không thành công nên mấy con én điên tiết đâm ra mù quáng nên không để ý đến cái bẫy đang giăng sẵn.
Vù xuống 1 phát nhanh như tia chớp, ngậm được con mồi trong mỏ chưa kịp khoái chí thì Ô hay! Sao cái đầu mình bị kẹt lại không thể vỗ cánh bay lên khoảng trời xanh để nhấm nháp chiến lợi phẩm vậy ta?
Rồi thì 1 bộ mặt gian ác của thằng người xuất hiện tóm gọn, cắt lông cánh ngay và bỏ vào túi. Một thời bay bổng tung hoành bốn phương tám hướng trên khoảng trời xanh bao la đầy nắng gió bây giờ chỉ còn lại là những bước nhảy ngắn củn cởn như những chú gà con. Suy nghĩ một chút tôi đâm ra ghét hắn.
Chỉ để mua vui trong chốc lát cho những bạn tù mà hắn đã hại đời biết bao nhiêu thiếu nữ chim én đang độ tuổi thanh xuân, trong lòng đang hớn hở báo tin xuân đến cho mọi nhà. Có khi thằng bạn trai lại hiểu lầm nàng đã bỏ hắn mà đi cặp với thằng khác thì có phải oan uổng cho con người ta không?
Kết thúc đêm văn nghệ thì hắn cũng thả mấy nàng én ra, nhưng mất đi đôi cánh thì mất đi sự nhanh nhẹn thiên phú trong việc săn mồi.
Hắn ác thiệt!
May mà trại không cho phép có bếp riêng “cải thiện” bữa ăn, không thì mấy em cũng bị toi đời luôn. Rồi không biết bao lâu nữa mấy em mới đủ lông đủ cánh mà bay về trời? Thì cũng giống như số phận chúng tôi lúc đó thôi.
Qua chuyện bắt chim én cũng là 1 bài học kinh nghiệm trong cuộc sống của tôi sau nầy.
Đừng vừa trông thấy 1 em mắt xanh môi đỏ xáp vô khơi khơi như dâng mỡ vô miệng mèo mà tưởng rằng mình đẹp trai hay tài giỏi gì đâu!
Có bẫy cả đấy!
Kakaka...
Hùng Bi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét