Đây là bài số sáu trăm bốn mươi sáu (646) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon. Trong năm cũ 2022 nhiều thi văn nghệ sĩ nổi tiếng đã ra đi vĩnh viễn như khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh, thư pháp gia Vũ Hối, nhạc sĩ Cung Tiến, Cung Trầm Tưởng, Huy Phương v..v Từ đó chúng ta ngộ ra được cuộc sống này rất mong manh, tạm bợ. Vậy thì khi còn sống trong hiện tại, chúng ta cần bớt đi những sân hận chỉ làm khổ cho nhau mà thôi. Chúng ta cần nên yêu thương nhiều hơn nữa để đời còn một chút gì dễ thương.
Thiên đường địa ngục không phải đợi đến lúc chết đi mới thấy được mà ở ngay trong phút hiện tại mà ta đang sống. Vợ chồng, con cháu, anh chị em, bạn bè bằng hữu nếu thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau thì ta đang sống trong cảnh thiên đường. Còn như thù ghét, sân hận, cãi vã, chửi bới nhau, chính là ta đang tạo cảnh địa ngục nơi trần thế rồi đấy. Xin mời qúy bạn đọc mẫu chuyện thiền ngắn ngắn nhưng đầy ý nghĩa dưới đây để xem thiên đường địa ngục ở nơi đâu nhé.
Địa Ngục Thiên Đường
Tướng quân đến Thiền sư Bạch Ẩn hỏi:
- Thực sự có thiên đường địa ngục không?
Bạch Ẩn hỏi:
- Ông làm gì?
Tướng quân đáp:
- Tôi là một danh tướng.
Bạch Ẩn cười to:
- Ha ha ha! Một kẻ ngu si như ông mà làm tướng à! Ta trông ông giống tên đồ tể sát nhân.
Tướng quân tức giận rút kiếm hét lớn:
- Cái gì? Hãy xem ta lấy mạng của ngươi.
Bạch Ẩn thản nhiên nói:
- Đó, cửa địa ngục mở rồi, ông thấy không?
Tướng quân thu gươm về xin sám hối:
- Bậy quá! Xin Thầy tha cho sự lỗ mãng của con.
- Tốt lắm! Cửa thiên đàng do đây mà rộng mở.
Lời bình: Thiên đường hay địa ngục không phải cảnh giới sau khi chết mới có, mà chính nơi hiện tại. Niệm ác vừa dấy, cửa địa ngục rộng mở. Niệm thiện vừa khởi, cảnh thiên đường hiện tiền. Phải biết tất cả do Tâm tạo.
(Nguồn: Thiền là gì? Biên soạn Giác Nguyên)
Kính mời quý thân hữu thưởng thức Youtube Thư Pháp Chữ Ngộ do Sương Lam sưu tầm và thực hiện youtube :
Đối với những bậc thức giả và những ai đã hiểu cuộc đời chỉ là tạm bợ, phù du, họ vẫn được giữ sự an vui tĩnh lặng trong tâm hồn dù cuộc đời có thay đổi, đổi thay. Họ tìm thú vui tao nhã để hưởng nhàn. Xin mời các bạn hãy theo chân Nguyễn Bỉnh Khiềm để hưởng cảnh Nhàn qua bài thơ Cảnh Nhàn dưới đây:
Cảnh Nhàn
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao
Nguyễn Bỉnh Khiêm
(Nguồn: trích trong Thi Văn Hợp Tuyển)
Ý chà! Muốn có được một tinh thần “cư trần lạc đạo” như thế không phải là chuyện dễ đâu nhé vì sống trong cõi trần lao xao này, có những chuyện ta cứ tưởng là dễ nhưng thật ra cũng khó thực hiện những “chuyện nhỏ” đó lắm đấy. Xin mời Bạn đọc lại mẫu chuyện Thiền ngắn ngắn Dễ và KHó dưới đây xem sao nhé.
Dễ và Khó
Bạch cư sĩ đi hỏi Thiền với Thiền Sư Ô Sào:
Trong một ngày phải tu hành như thế nào để khế hợp với Đạo?
Ô Sào đáp:
“Không làm tất cả điều ác
Hãy làm hết thảy điều lành
Giữ tâm trí thanh tịnh
Ấy lời Chư Phật dạy”
Bạch cư sĩ nói:
Tưởng gì chứ điều này đứa trẻ lên ba cũng biết.
Ô Sào thiền sư đáp
Tuy đứa trẻ lên ba có thể biết. Song ông già tám mươi tuổi chưa chắc gì đã làm được.
Lời bình: Đạo quý ở chỗ thể nghiệm và thể hiện. Giữa tri và hành là một khoảng cách rất xa đòi hỏi hành giả phải nỗ lực vượt qua để tri hành hợp nhất.
(Nguồn: Thiền là Gì – Giác Nguyên biên soạn)
Mà thật vậy, bạn ạ! Có bao giờ bạn dám tự hào rằng bạn không làm một chuyện gì ác cả trong đời không?
Khi bạn nóng giận chửi mắng người khác là đã làm một điều ác rồi vì lời nói độc ác của bạn đã làm cho người bị chửi mắng đau buồn lắm đấy. Chắc ai cũng đã trải qua kinh nghiệm đau thương này rồi, bạn nhỉ?
Trong gia đình hay ngoài xã hội, nếu chồng vợ, anh chị em, con cái, bạn bè dùng những lời cay độc để chửi mắng nhau là đã làm một điều ác trong ngày rồi. Khi soi gương chắc chắn gương mặt của những người dữ dằn đó sẽ xấu xí, khó coi lắm nhỉ? Và cửa địa ngục bắt đầu mở ra như trong câu chuyện Thiên Đàng và Địa Ngục mà người viết đã kể hầu quý bạn trước đây.
Hình như khi còn trẻ, chúng ta thường háo thắng, tự cao tự đại, xem mình là “cái rốn của vũ trụ” nên thường dễ nóng giận mỗi khi có ai chạm đến cái “ngã” của mình cho nên đã chúng ta đã vô tình phạm nhiều việc ác do ba nghiệp tham, sân, si mà ra.
Đến lúc lớn tuổi rồi, trải qua bao nhiêu thay đổi của cuộc đời, đã từng nếm đủ mùi cay đắng khổ đau, vinh nhục trong đời sống, chúng ta mới nhận thấy đời sống tâm linh rất là cần thiết cho cuộc sống hiện tại nên chúng ta bắt đầu tu tâm dưỡng tánh, thích làm việc thiện lành hơn.
Xin hãy lắng nghe lời tâm tình dưới đây của người viết:
… Có những lúc tâm hồn ta lắng đọng
Thấy cuộc đời là không sắc, sắc không
Tử sinh rồi tan hợp lại nối vòng
Để chỉ tạo thêm oan khiên, chướng nghiệp
Rồi mê mải trong luân hồi kiếp kiếp
Tham, Sân, Si, bào ảnh với phù vân
Mà quên đi, đời trần thế chỉ cần:
Tâm Thanh Tịnh trước nghiệt oan cám dỗ
Thập thiện đạo ta vun bồi tu bổ
Nghiệp duyên lành, tinh tấn tạo nhiều thêm
Lấy Từ Bi, Trí Tuệ dựng gốc nền,
Làm sao để an dân và ích nước
Ta sẽ xóa những nghiệp oan chướng trước
Tạo lại bằng Hỷ Xả với Từ Bi,
Đem nụ cười, thân ái rải đường đi
Ừ có thế! Đời mới còn nghĩa sống
(Trích trong Bài thơ Sắc Không Trần Thế- Thơ Sương Lam)
Người viết thường tâm tình với « người tình già trên đầu non » của tôi rằng:
«Nếu mình không làm được chuyện gì đại sự giúp dân giúp nước, thôi thì hãy làm những chuyện thiện lành nho nhỏ đem niềm vui nụ cười đến cho người khác, cho mình, như vậy cũng là tốt lắm rồi!»
Từ ý nghĩ ấy, chúng tôi cố gắng sống thuận hòa với mọi người, cố gắng bớt cãi vã, tranh luận hơn thua với nhau và cố gắng bớt đi một chút giận hờn, phiền muộn. Tôi thấy thấm thía hơn khi đọc những câu nói trong slideshow «Đến một lúc» do sư cô Huệ Hương chuyển đến, xin đưọc chia sẻ cùng bạn:
«Đến một lúc, chúng ta cảm thấy mọi lý luận, ngôn từ đều thừa thãi. Thay vào đó, chỉ cần một nụ cười, một ánh mắt hoặc một tình thương nồng ấm, dẫu chỉ là của khách qua đường, cũng đủ làm cho ta ấm lòng và hạnh phúc hơn trong cuộc sống »
Hoặc như :
« Đến một lúc, chúng ta hiểu ra rằng, duy chỉ có tình thương chứ không phải thứ gì khác, mới giúp được con người thiết lập lại trật tự và hoà bình cho nhân loại »
Và hay hơn nữa:
« Khi chúng ta cảm nhận được rằng những khoảnh khắc tĩnh lặng nhỏ bé trong tâm hồn còn quý giá hơn cả những tài sản được cất giữ chung quanh là lúc chúng ta định được giá trị đích thực của một kiếp người. »
(Nguồn: trích trong slideshow Đến Một Lúc)
Từ từ, chút chút rồi chúng ta cũng sẽ có thể làm được những việc thiện lành và đạt đạo như Thiền Sư Ô Sào vừa nói ở trên, phải không Bạn?
Mời xem Youtube "Thư Pháp Chữ Ngộ" do người viết thực hiện thay cho lời kết bài tâm tình hôm nay, Bạn nhé.
Thư Pháp Chữ Ngộ
Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi – MCTN 646-ORTB 1074-1112023)
Sương Lam
Website: www.suonglamportland.wordpress.com
1 nhận xét:
Cảm ơn anh Mạc Phương Đình đã đồng cảm với tâm tình của Sương Lam và đã post trên Blogspot Nhìn Ra Bốn Phương của anh.
Sương Lam đã save vào trong website Pinterest của SL qua link dưới đây:
-Chỉ Một chữ Ngộ - Sương Lam NRBP MPD
https://nhinrabonphuong.blogspot.com/2023/01/chi-mot-chu-ngo-suong-lam.html
https://www.pinterest.com/pin/801640802441489303/
Thơ Văn Sương Lam trên web Bạn
nhinrabonphuong.blogspot.com
Kính chúc sức khỏe và an lạc.
Thân tình,
Sương Lam
Đăng nhận xét