LTG: “Ai Sẽ Viết Sử Cho Chúng Ta” là tựa đề một bài viết chúng tôi viết vào năm 2007, đó là những năm đầu mới thành lập Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt VAHF (Vietnamese American Heritage Foundation), để kêu goi đồng hương quan tâm đến việc bảo vệ và xây dựng lịch sử trung thực mang tính cách chính thống, vì chúng ta có cùng nỗi lo lắng khi nhìn thấy trong nước thì kẻ thắng viết sử đã thay trắng đổi đen. Còn ở hải ngoại thì lịch sử Việt cũng như chiến tranh Việt Nam đã và đang bị thống trị bởi những sử gia phản chiến và sự xâm nhập của bộ máy tuyên truyền CSVN khiến người Việt chúng ta không khỏi buồn phiền, lo lắng khi phải nghe, đọc, và nhất là chứng kiến con em mình phải học những bài học đầy sai sót và nhiều khi mang tính cách nhục mạ chính cha ông mình..
Bài viết này đã được đăng trên Đặc san Gia Đình Trưng Vương Houston năm 2007 và nhiều tờ báo ở hải ngoại lúc bấy giờ.
Hôm nay đây, sau gần 16 năm, chúng tôi muốn phổ biến một lần nữa bài viết này vào những ngày cuối năm Nhâm Dần để gọi là ôn lại mức khởi điểm của một quãng đường gần hai thập kỷ với những thành quả đáng khích lệ và vui mừng trước nỗ lực bảo vệ lịch sử và văn hóa của người Việt và người Việt hải hoại không chỉ của riêng hội VAHF mà còn nhiều các tổ chức, cá nhân khác trong bài viết kế tiếp để chúng ta cùng đón chào Năm Mới Quý Mão. Mời quý độc giả theo dõi:
-0-0-0-
Ông David C. McCullough, một sử gia danh tiếng Hoa Kỳ đã viết về vai trò quan trọng của lịch sử trong đời sống chúng ta như sau:
“ Lịch sử là kim chỉ nam trong cơn hoạn nạn. Lịch sử còn là chính chúng ta và lịch sử giải thích về con người của chúng ta” (History is a guide to navigation in perilous times. History is who we are and why we are the way we are)”.
Những người mất lịch sử
Riêng hoàn cảnh của Người Mỹ Gốc Việt, nhu cầu cần có một lịch sử còn cấp thiết hơn bất kỳ một sắc dân nào khác. Vì sau khi cưỡng chiếm miền Nam Việt nam để nhuộm đỏ toàn bộ đất nước với chủ thuyết Cộng sản, CSVN đã chủ trương xóa bỏ tất cả lịch sử chính thống và nền văn hóa Việt nam, một nền văn hóa được thừa kế từ tiền nhân và đã được phát triển trong môi trường tự do bao đời.
CSVN ngay từ những ngày đầu nắm quyền, họ không những chỉ tịch thu, đốt hết những sách vở, phim ảnh, những công trình văn học, văn hóa của miền Nam Việt nam, họ còn bắt bớ, bỏ tù hầu hết trí thức, học giả, các nhà báo, nhà văn, và bất kỳ những người nào họ nghĩ rằng có những khả năng truyền đạt những tư tưởng không có lợi cho họ.
Họ cũng không dừng lại ở đó, họ đã viết lại sử, bóp méo tất cả sự thật vể miển Nam Việt nam. Xa hơn thế nữa, họ đã sửa cả lịch sử truyền thống của ông cha chúng ta để lại bao đời, o ép lịch sử của cả dân tộc để làm công việc giải thích, ngụy biện cho chủ thuyết sai lầm và đường lối cai trị sắt máu phi nhân, phi dân tộc của họ.
Từ đó, tại quê hương, chúng ta không những mất tất cả lịch sử và văn hóa Việt nam hiện đại mà cả lịch sử và nền văn hóa chính thống cao đẹp của ngàn xưa do tiền nhân để lại cho chúng ta. Lịch sử văn hóa trong nước VN đã bị thay thế bằng một lịch sử gian trá, méo mó, ngụy biện, một nền văn hóa ngoại lai, vô đạo đức.
Chúng ta thử nhìn vào xã hội VN hiện tại để thấy sự tàn phá của lịch sử và văn hóa do CSVN đem đến cho đất nước và dân tộc chúng ta những thảm họa như thế nào? Con giết cha, mẹ bán con gái cho các ổ mãi dâm, quan chức tham ô đục khoét rỗng cả đất nước. Trong xã hội, chỉ có hai điều người ta trọng vọng và chạy theo bằng mọi giá kể cả chuyện bán vợ, đẩy anh em vào vòng lao lý, giết bạn…Đó là: tiền tài và quyền lực.
Một xã hội băng hoại đạo đức đến tột cùng mà những người đã tạo ra nó không muốn con cái họ phải sống trong đó. Vì thế, ngày nay, người ta thấy các quan chức lớn tại VN đua nhau gửi con ra ngoại quốc học và rất nhiều trường hợp, họ tìm đủ mọi cách để con cái của họ không trở lại VN.
Những ai đang viết sử cho chúng ta?
Tại hải ngoại, những quốc gia đang cưu mang chúng ta, cho tới hôm nay, không có quốc gia nào đặt vấn đề viết sử, giữ gìn và phát triển văn hóa cho người Việt hải ngoại là một vấn đề quan trọng. Lẽ giản dị là họ đã có sẵn lịch sử và nền văn hóa riêng mà họ mong muốn chúng ta chấp nhận để hội nhập, càng sớm càng tốt. Một số những công trình lịch sử và văn hóa của người Việt cũng đã được hoàn thành, nhưng chỉ để giải quyết việc giúp họ dễ dàng hơn trong công việc và xử thế với cộng đồng chúng ta.
Hơn thế nữa, CSVN luôn sẵn sàng thâm nhập bằng mọi giá, mọi cách để viết sử cho chúng ta bằng quan điểm của họ. Họ muốn cả thế giới quên tất cả những gì đã xảy ra cho gần 3 triệu người Việt đã phải bỏ nước ra đi và rằng chúng ta là thành phần của họ, và là “khúc ruột ngàn dậm” của họ. Họ đã bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của để viết lại sử trong nước và cả hải ngoại để quyết thực hiện cho được âm mưu này.
Ngoài âm mưu thâm độc của CSVN, người Việt hải ngoại, đặc biệt là người Việt tại Mỹ còn phải đối đầu với hai vấn nạn khác, đó là sự cố chấp của một số không ít những cây bút phản chiến, những cơ quan truyền thông khuynh tả, những thế lực đã đóng góp vào sự xụp đổ của miền Nam Việt nam, và sự nông cạn, thiếu hiểu biết của của hầu hết dân chúng tại Hoa kỳ về Việt Nam, về chiến tranh Việt nam và nhất là về người Mỹ gốc Việt chúng ta.
Nếu có dịp nhìn vào sách giáo khoa của trường học Mỹ từ tiểu học, đến đại học, chúng ta sẽ phải sửng sốt khi thấy những bài học về Việt Nam đều được viết từ hai quan điểm; một là của CSVN, hai là của giới sử gia khuynh tả. Đặc biệt là lịch sử của gần 2 triệu người Mỹ gốc Việt thì hoàn toàn vắng bóng!
Và nếu chúng ta có dịp thăm một thư viện tại Mỹ, những nơi có đông đảo người Việt để thấy một luồng gió lạnh chạy suốt tủy sống của chúng ta trước hàng trăm, hàng ngàn cuốn sách tiếng Việt có xuất sứ từ Việt Nam, rất nhiều sách mang nội dung bóp méo lịch sử, và bôi nhọ chúng ta một cách trắng trợn. Đáng sợ thay, không ai xa lạ, chính con cháu chúng ta, những người Mỹ gốc Việt đang học những bài học và đọc những cuốn sách lệch lạc và gian dối này!
Tương lai của chúng ta sẽ đi về đâu, nếu con cháu của chúng ta tiếp tục những bài học đó? Đã hơn 30 năm qua, chúng ta còn tiếp tục để CSVN, và giới phản chiến Mỹ viết sử và làm văn hóa cho chúng ta cho đến bao giờ?
Những nỗ lực đi tìm lịch sử đã mất
May mắn thay, chúng tôi ghi nhận đã và đang có những nỗ lực của cộng đồng người Mỹ gốc Việt và người Việt hải ngoại trên toàn thế giới để tìm cách thay đổi cuộc diện của mặt trận lịch sử và văn hóa của chúng ta. Xin ghi lại một số những nỗ lực mà chúng tôi được biết:
- Bộ sử khá đồ sộ: “Một Thời Nhiễu Nhương” (1945-1975) gồm 2 tập, mỗi tập dài trên 1,000 trang của tác giả Bạch Hạc Trần Đức Minh xuất bản năm 2006.
- Cuốn sử viết công phu và giá trị của Gs. Lê Xuân Khoa, viết về Việt nam từ năm 1945 đến 1979, xuất bản năm 2004. Gs. Lê Xuân Khoa đang tiếp tục viết tập thứ hai về Lịch sử công đồng tỵ nạn Việt Nam từ năm 1975 tới 1995 và có thể kéo dài tới 2005.
- Nhóm Vietnamese American Heritage Project làm việc với Smithsonian, một tổ chức bán chính phủ được coi là trung tâm giáo dục về lịch sử lớn nhất tại Hoa Kỳ với 19 viện bảo tàng và 9 trung tâm nghiên cứu. Nỗ lực của nhóm Smithonian Project là cộng tác với tổ chức danh tiếng này để phổ biến vào dòng chính lịch sử và sinh hoạt của người Mỹ gốc Việt. Cuộc triển lãm đầu tiên của họ gồm một số hình ảnh, tài liệu, chứng tích của lịch sử và thành quả của người Mỹ gốc Việt vào tháng giêng năm 2007 tại viện bảo tàng Smithsonian tại Washington DC. Cuộc triển lãm này đã gây được sự chú ý đặc biệt của người Mỹ gốc Việt và dòng chính. Nhóm Vietnamese American Heritage Project đang chuẩn bị cho những cuộc cuộc triển lãm kế tiếp sẽ được thực hiện tại nhiều thành phố lớn tại nhiều tiểu bang tại của Hoa Kỳ.
- Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa tại bắc và nam California cũng đã được thành hình và hoạt động nhằm sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật của thuyền nhân cũng như những gì còn sót lại về Cộng Hòa Nam Việt Nam và Quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
- Cộng đồng người Việt tại Ottawa, Canada cũng đang vận động xây tòa nhà rộng 5,000 bộ Anh để làm Viện Bảo Tàng cho Thuyền Nhân.
- Công ty Truyền Thông VABC đã cho ra đời hai cuốn phim tài liệu Ngô Đình Diệm và Đệ Nhất Cộng Hòa và “365 Ngày Biến Động” ghi chép lại sự kiện lịch sử đã làm thay đổi cuộc diện VN trước năm 1975.
- Và còn nhiều công trình, dự án viết sách sử, làm phim tài liệu về lịch sử của cộng đồng tị nạn VN tại Hoa Kỳ và tại nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực này chưa thể cân bằng lực lượng giữa chúng ta và CSVN trên mặt trân văn hóa trong và ngoài nước. Lực lượng chúng ta còn quá ít và chúng ta phản ứng còn quá chậm. Chúng ta lại không có những nguồn tài trợ liên tục và dồi dào và cũng không có một kế hoạch toàn diện để thực hiện một cách quy mô, nhịp nhàng.
Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt ra đời năm 2004, với hoài bão khuyến khích và tạo một môi trường thuận lợi cho những người viết về lịch sử và văn hóa VN, đặc biệt là lịch sử người Mỹ Gốc Việt bằng hai thứ tiếng Anh và Việt. Hội đang lập thư viện điện tử qua hai địa chỉ: www.vietnameseamerican.org và www.nguoimygocviet.org để sưu tấm và cung cấp những tài liệu, văn bản, hình ảnh, những dấu tích và chứng tích về lịch sử của người Mỹ gốc Việt cho các sử gia, các nhà giáo dục nghiên cứu sinh, học sinh, sinh viên, các nhà làm phim ảnh, và bất kỳ ai muốn tìm hiểu về lịc sử của người Mỹ Gốc Việt,
Ngoài ra, Hội đang vận động cho việc xây một thư viện tại Houston, Texas để tàng trữ những tài liệu lịch sử với hy vọng thư viện lịch sử của người Mỹ gốc Việt sẽ là một chứng tích rõ ràng về nguồn gốc của người Mỹ gốc Việt. Thư viện sẽ còn tàng trữ tất cả những sách vở những tác phẩm văn chương, văn học của Nam Việt nam và còn là nơi để các sử gia, nhà nghiên cứu bắt đầu việc biên soạn lại lịch sử truyền thống dân tộc cho người Việt nam chúng ta hôm nay và thế hệ mai sau. Hoài bão này có thực hiện được hay không còn tùy vào sự hưởng ứng và đóng góp của mọi người Việt hải ngoại của chúng ta.
Nhìn vào những công trình xây dựng trong cộng đồng người Việt khắp nơi; từ những trung tâm thương mại to lớn, những thánh đường nguy nga, những ngôi chùa khang trang, thì chúng ta hiểu rằng chúng ta có dư khả năng để hỗ trợ cho một công trình lịch sử và văn hóa này, nếu cộng đồng chúng ta nhận thấy công trình thực sự là cần thiết và sẽ đem lại lợi ích lâu dài.
Chúng ta không thể là nạn nhân hai lần
Chúng ta không thể để cho CSVN và giới khuynh tả Mỹ tiếp tục viết sử và làm văn hóa cho chúng ta. Chúng ta không thể trở thành nạn nhân hai lần của họ. Lần thứ nhất chúng ta đã phải liều mình rời khỏi quê hương để tìm sự sống trong cái chết. Lần này, họ muốn hại chúng ta và con cháu chúng ta bằng cách viết lịch sử và làm văn hóa cho chúng ta. Chúng ta có thể ngồi yên để họ đạt tới thành công hay không? Chắc chắn là không!
(Bài viết này được viết cho Đặc san Trưng Vương Năm 2007, người viết xin được chia sẻ những suy tư này đến các Thầy Cô, các chị và các bạn thân thương, những người luôn nặng lòng với quê hương, dân tộc, những người luôn đóng góp nhiệt tình trong công tác gìn giữ lịch sử và văn hóa dân tộc. Phải chăng chính mỗi người chúng ta sẽ quyết định ai là người viết sử cho chúng ta? Phải không, thưa Thầy Cô, các chị và các bạn?)
Triều Giang
Tháng 4/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét