(Ảnh qua imgur.com)
Thứ Năm Tuần Này, Có “Thanksgiving Day!” Mừng Lễ Tạ Ơn Của Người Mỹ! Một Trong Những Ngày Lễ Lớn Nhất Trong Năm! Lễ Tạ Ơn là một ngày lễ truyền thống của Mỹ, một ngày quan trọng để các thành viên gia đình sum họp với nhau, cùng thưởng thức một bữa tối đầm ấm và đặc biệt là bữa ăn luôn có một con gà tây.
<!>
1. Lễ Tạ Ơn ở Mỹ diễn ra vào ngày nào?
Lễ Tạ Ơn truyền thống của Mỹ được tổ chức vào ngày thứ Năm của tuần thứ tư trong tháng 11. Lễ Tạ Ơn được Tổng thống Franklin D.Roosevelt thiết lập thành luật vào năm 1939 và được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn vào ngày 26/11/1941.
Trong khi ở Anh, người ta chỉ coi lễ Tạ Ơn như là một dịp để “khởi động” mùa Giáng Sinh thì ở Mỹ người dân coi ngày lễ này cũng quan trọng giống như ngày Giáng Sinh, thậm chí trên thực tế, nhiều người Mỹ tổ chức ăn mừng lễ Tạ Ơn lớn hơn là Giáng Sinh.
2. Lịch sử Lễ Tạ Ơn
Lễ Tạ Ơn được cho là bắt nguồn từ lễ kỷ niệm tại Plymouth, Massachusetts, Mỹ – nơi những người hành hương tị nạn tôn giáo Anh đã mời người da đỏ bản địa đến một bữa tiệc thu hoạch sau một mùa vụ mùa bội thu để tỏ lòng biết ơn.
Vụ thu hoạch của năm trước bị thất bát và vào mùa đông năm 1620, một nửa số người hành hương bị chết đói. Những người sống sót may mắn được các thành viên của bộ lạc Wampanoag địa phương dạy cách trồng ngô, đậu, bí đỏ và đánh bắt cá hải sản.
Bữa tiệc được tổ chức kéo dài trong 3 ngày, gồm các món như ngỗng, tôm hùm, cá tuyết và nai.
3. Vì sao người Mỹ lại ăn gà tây trong lễ Tạ Ơn?
Tại Mỹ, hơn 50 triệu con gà tây được đưa lên bàn ăn mỗi năm và hầu hết để phục vụ cho lễ Tạ Ơn. Cho tới ngày nay, chưa ai xác định được chính xác vì sao gà tây lại được chọn làm món ăn truyền thống trong ngày lễ Tạ Ơn ở Mỹ, các nhà sử học có một vài giả thiết.
Trong những lá thư của các cư dân tới Mỹ thời kỳ đầu, bữa ăn lịch sử giữa những người khai phá và bộ tộc Wampanoag có thịt bò và một loại thịt gà.
Sau này, bữa ăn đó được biết tới như là lễ Tạ Ơn đầu tiên.
Tuy không xác định được loại gà nào được sử dụng trong bữa ăn nhưng trong một lá thư của người hành hương Edward Winslow thời ấy có viết về một bữa ăn nổi tiếng vào năm 1621 đề cập đến một cuộc đi săn gà tây trước bữa ăn tối.
Một giả thuyết khác về món gà tây trong lễ Tạ Ơn là món ăn này được truyền cảm hứng từ Nữ hoàng Anh Elizabeth I. Trong thế kỷ 16, Nữ hoàng Elizabeth nhận được tin một đội tàu chiến của Tây Ban Nha đã chìm trên đường tấn công nước Anh, trong khi đang ăn tối, bà vui mừng đến mức đã yêu cầu phục vụ thêm một con ngỗng quay. Một số người cho rằng, lấy cảm hứng từ sự kiện này, những người định cư đầu tiên ở Mỹ đã quay một con gà tây.
Một số khác cho rằng, sở dĩ gà Tây trở thành món truyền thống trong lễ Tạ Ơn bởi gà tây hoang dã có nguồn gốc từ Bắc Mỹ.
Nhắc Nhở Chiều Hôm Nay! Thứ Sáu! Lúc 6 Giờ Chiều! Lời Mời Tham Dự “Buổi Cơm Thân Ái!” Với Nhóm Mõ Nhân Ái
Lời Mời:
Tham dự “Buổi Cơm Thân Ái”
Kính thưa Quý Quý Vị,
Theo truyền thống, mỗi năm vào dịp Lễ Tạ Ơn! (Happy Thanksgiving!)
Nhóm Mõ Nhân Ái thường có tổ chức một “Bữa Cơm Thân Ái”
Nhằm gởi lời Cảm Tạ đến Quý Thành Viên Thiện Nguyện, Quý Ân Nhân, Quý Mạnh Thường Quân, Gia Đình, Bạn Bè, Thân Hữu, đã giúp đỡ Nhóm từ tinh thần lẫn vật chất, để Nhóm đi qua được đoạn đường 29 năm, trong mục đích xã hội, giúp đỡ những người khốn khổ Không Nhà (Homeless)
Nên, xin Kính mời tất cả Quý Vị cùng tham dự:
Bữa Cơm Thân Ái, Mừng Lễ Tạ Ơn 2022!
Lúc 6 giờ chiều Thứ Sáu tuần này! ngày 18 tháng 11 năm 2022
Tại Nhà hàng Cao Nguyên, 2549 S. King Rd, San José, Ca 95122.
Không cần đóng góp gì, vì chỉ cần sự hiện điện của Quý Quý Vị, đã là niềm vui, vinh dự cho Nhóm chúng tôi.
Trân Trọng Kính Mời.
Tin giờ chót, Bữa Cơm không khí bỗng thêm sôi nổi! khi có sự hiện diện của Tân Nghị Viên Khu Vực 7, Thành Phố San José. Biên Đoàn và Nhóm Vận Động Trên cả 13 Người Tham Dự. Nhà Hàng Vừa báo, Không Còn Sức Chứa!
Xin được nhắc lại, trong kỳ bầu cử vừa qua, cử tri người Việt San Jose, đã thực hiện, một cử chỉ Đoàn Kết quá tốt đẹp, rất tuyệt vời! Tinh thần “Diên Hồng” đã đưa được một Nghị Viên Người Việt, lấy lại ghế khu vực 7, trong Hội đồng Thành phố. Mà 4 năm qua, người Việt đã không có người đại diện, không có tiếng nói, để mang quyền lợi về cho Cộng dồng gười Việt tại đây! Nên chiến Thắng của Biên Đoàn, là chiến thắng của cả Cộng Đồng!
Nên trong tinh thần Bữa Cơm Tạ Ơn, Anh Biên Đoàn và Nhóm Vận Động muốn đến tham gia chung vui, để nhân cơ hội này, để Anh gởi lời cảm tạ, tri ân đến các cử tri, đã bỏ phiếu cho Biên Đoàn. Cảm tạ Cộng Đồng, Đoàn Thể, Cá Nhân, đã ủng hộ, giúp đỡ, cổ động, để Anh đạt được chiến thắng áp đảo, vẻ vang như thế!
Tin Quốc Tế
Mỹ Áp Đặt Trừng Phạt Lên Mạng Lưới Mua Bán Vũ Khí Hỗ Trợ Nga
(Hình: Nhà tài phiệt Nga Suleiman Kerimov. Các thành viên gia đình ông Suleiman Kerimov nằm trong danh sách trừng phạt mới của Hoa Kỳ.)
- Hôm thứ Hai (14/11/2022), Hoa Kỳ nhắm mục tiêu vào chuỗi cung ứng của quân đội Nga, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 14 cá nhân và 28 pháp nhân bị cho là thành phần của mạng lưới xuyên quốc gia về mua sắm kỹ thuật để hỗ trợ Mạc Tư Khoa trong cuộc xâm lược Ukraine.
Bộ Tài chánh Hoa Kỳ cũng áp đặt trừng phạt lên các thành viên trong gia đình của nhà tài phiệt người Nga Suleiman Kerimov, cũng như các cá nhân mà bộ này nói đã làm việc như những người hỗ trợ tài chánh trong mạng lưới của Suleiman.
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phá vỡ chuỗi cung ứng quân sự của Nga và áp đặt trừng phạt mạnh đối với những người hỗ trợ Tổng thống Putin, cũng như tất cả những người ủng hộ sự tàn bạo của Nga giáng xuống nước láng giềng”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong một tuyên bố.
Bộ Tài chánh Hoa Kỳ đã đưa Milandr, một công ty vi điện tử của Nga, vào danh sách đen mà Hoa Thịnh Ðốn cho là một phần của cơ cấu nghiên cứu và phát triển quân sự của Mạc Tư Khoa. Bộ này cũng đã áp đặt trừng phạt lên ba pháp nhân gắn liền với công ty và nhiều Giám đốc điều hành của công ty.
Tòa Ðại sứ Nga tại Hoa Thịnh Ðốn gọi vòng trừng phạt mới là của Mỹ là “hành động tống tiền”.
“Rõ ràng là chính quyền Mỹ không nhận ra rằng các hạn chế không thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của đất nước chúng tôi”, Tòa Ðại sứ Nga nói trong một tuyên bố trên ứng dụng Telegram.
Bộ Tài chánh Hoa Kỳ đã trừng phạt các công ty công nghiệp quân sự lớn ở Nga và Bộ Thương mại đã chặn việc xuất cảng các linh kiện do Mỹ sản xuất và các kỹ thuật của Hoa Kỳ đã được sử dụng trong một số khí tài quân sự của Nga.
Nga đã tìm cách mua các máy bay không người lái từ Iran và chúng đã được sử dụng để tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng điện ở Ukraine. Các pháp nhân và ngành công nghiệp quân sự của Iran đã bị Mỹ trừng phạt nặng nề vì chương trình phát triển nguyên tử của Tehran.
Viên Chức Phương Tây: Hoạt Động của Nga ở Ukraine Giờ Chỉ Là Phòng Thủ
(Hình: Một binh sĩ Ukraine đứng cạnh kho đạn mà Ukraine giành lại được từ lực lượng Nga ở làng Blahodatne trong khu vực Kherson, Ukraine, vào ngày 11/11/2022.)
- Nga hiện nay đang tác chiến phòng thủ ở Ukraine sau khi rút lui khỏi thành phố Kherson, miền Nam Ukraine, một viên chức phương Tây cho biết hôm thứ Ba (15/11/2022), sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskyy tuyên bố sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ bị chiếm đóng.
Ông Zelenskyy đã đến thăm Kherson hôm thứ Hai (14/11)và nói rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải bao gồm việc rút toàn bộ quân Nga khỏi lãnh thổ Ukraine.
“Rõ ràng lúc này, việc Nga chiếm đóng ở Ukraine là một hoạt động phòng thủ”, thông tấn xã Reuters dẫn lời một viên chức giấu tên nói.
Viên chức này cho biết việc Nga rút quân khỏi Kherson tương đối có trật tự và việc Nga tuyên bố đã di tản 30.000 quân có thể là một sự phóng đại, ước tính con số này có thể là gần 20.000 quân.
Viên chức phương Tây nói ông hy vọng tình hình trên chiến trường sẽ ổn định trong năm tới.
“Nếu mọi người đang mong đợi sự sụp đổ lực lượng của một trong hai bên, thì chúng tôi không thấy có bất kỳ điều gì cho thấy điều đó từ nay đến cuối năm”, viên chức này nói.
“Không có bên nào ở trong tình trạng giống như sắp sụp đổ”, ông khẳng định.
Đức Quốc Hữu Hóa Một Chi Nhánh của Gazprom
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 14/11/2022, Bá Linh tuyên bố quốc hữu hóa chi nhánh Gazprom ở Đức.
Chi nhánh này của doanh nghiệp Nga đang đứng trước bờ vực phá sản, chi nhánh này sẽ được đổi tên thành SEFE. Từ thủ đô Bá Linh của nước Đức, thông tín viên Pascal Thibaut của Đài RFI tường trình:
“Đây là một công ty chủ chốt cung cấp năng lượng ở Đức”. Bộ Kinh tế đã đưa ra quyết định sau khi được Brussels bật đèn xanh vào cuối tuần qua. Trong số các khách hàng của công ty con của Gazprom tại Đức có các phòng ban dịch vụ công của các thành phố và chiếm 20% thị phần tại Đức. Trong số các tài sản của chi nhánh này có cả các cơ sở hạ tầng quan trọng để vận chuyển và lưu trữ khí đốt.
Chi nhánh Gazprom Germany, đổi tên thành SEFE, đã được đặt dưới sự giám hộ của Nhà nước Đức. Tình hình tài chánh của công ty xấu đi dẫn đến việc quốc hữu hóa này. Trước đó, các đối tác và các ngân hàng đã đình chỉ quan hệ kinh doanh với công ty này. Các chủ sở hữu Nga sẽ không được bồi thường do thống kê tài sản bị âm. Bá Linh sẽ bơm 225 triệu Euro cho SEFE; tín dụng do Nhà nước cung cấp sẽ tăng từ 12 lên 14 tỉ. Đây là vụ quốc hữu hóa thứ hai trong lĩnh vực năng lượng chỉ trong vài tuần sau khi nhà cung cấp khí đốt Uniper của Đức bị quốc hữu hóa.
Cũng hôm 14/11, chính phủ Ba Lan thông báo sẽ tiếp quản và quản lý cổ phần của công ty EuroPol Gaz, chủ sở hữu đường ống dẫn khí Yamal-Europe tại Ba Lan, một phần quan trọng của hệ thống vận chuyển khí đốt tự nhiên ở Ba Lan.
Tổng Thống Pháp Macron Kêu Gọi Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Tác Động Để Chấm Dứt Chiến Tranh Ukraine
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay chiến tranh Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh G20, tại Bali (Nam Dương), nhưng trên thực tế đây là một chủ đề được nhắc đến nhiều.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15/11/2022, bên lề thượng đỉnh G20, Tổng thống Pháp đã đề nghị ông Tập Cận Bình tác động để Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt chiến tranh, sớm trở lại bàn đàm phán, bởi theo nguyên thủ Pháp, “sự ổn định” của thế giới cũng mang lợi “lợi ích” cho Trung Quốc. Từ Bali, đặc phái viên Mounia Daoudi của Đài RFI cho biết chi tiết:
“Tổng thống Emmanuel Macron từ rất sớm hôm nay đã đến khách sạn Mulia, nơi ông Tập Cận Bình ở, vào lúc 8 giờ 15, để hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc trong vòng 43 phút. Cuộc gặp ngắn hơn so với cuộc trao đổi song phương kéo dài 3 tiếng đồng hồ giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ, nhưng đúng là quan hệ giữa Paris và Bắc Kinh dịu hơn quan hệ Mỹ - Trung.
Cuộc chiến ở Ukraine, và nhất là các biện pháp tránh cuộc một leo thang xung đột, là nội dung chủ yếu trong cuộc thảo luận. Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh với đồng nhiệm Trung Quốc rằng Bắc Kinh nên góp sức thuyết phục Vladimir Putin trở lại bàn đàm phán một cách nghiêm túc.
Về phần mình, ông Tập đã ca ngợi các nỗ lực hòa giải của Liên Hiệp Âu Châu và Pháp. Cũng giống như trong cuộc gặp ngày hôm qua với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tập Cận Bình nhắc lại rằng ông chống lại việc sử dụng vũ khí nguyên tử. Rõ ràng phát biểu của Tập Cận Bình dường như theo hướng làm giảm căng thẳng. Ít nhất thì đó cũng là những gì mà đoàn tháp tùng của Tổng thống Pháp muốn tin như vậy vì họ cho rằng cuộc gặp đã tạo ra một sự năng động tích cực.
Dẫu sao đi chăng nữa, Tổng thống Ukraine, được mời phát biểu qua cầu truyền hình, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo đang họp tại Bali khắc phục sự chia rẽ giữa các nước để chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại, điều mà Matcơva phủ nhận. Nhưng có một thông tin đáng chú ý: Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, người đại diện cho Tổng thống Vladimir Putin tại thượng đỉnh lần này, đã không rời khỏi phòng họp”.
Bên Lề G20, Úc Ðại Lợi và Trung Quốc Họp Thượng Đỉnh Để Cải Thiện Quan Hệ Song Phương
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay lần đầu tiên sau hơn 5 năm, hôm 15/11/2022, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Bali (Nam Dương), Thủ tướng Úc Ðại Lợi đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai nước, mặc dù còn nhiều chủ đề gây tranh cãi.
Từ Sydney, thông tín viên Grégory Plesse của Đài RFI cho biết thêm chi tiết:
Dưới thời cựu Thủ tướng Úc Ðại Lợi Scott Morrison, các thành viên của chính phủ Trung Quốc thậm chí còn không trả lời các cuộc gọi từ những người đồng cấp ở Canberra. Nhưng hai bên đã nối lại tiếp xúc ngay lập tức sau khi Công Đảng lên nắm quyền vào tháng 5 vừa rồi.
Thủ tướng Albanese đã xác nhận khi đến Bali rằng ông sẽ nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông cho biết: Chúng tôi tiến hành cuộc thảo luận này với thiện chí. Không có điều kiện tiên quyết nào cho cuộc trao đổi này và tôi hy vọng có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chủ đề gây căng thẳng. Trung Quốc đặc biệt chỉ trích Úc Ðại Lợi vì sự liên kết với Hoa Kỳ, và điều này vừa lại được Bộ trưởng Quốc phòng Úc Ðại Lợi, trong chuyến thăm Hoa Thịnh Ðốn gần đây, đã khẳng định rằng liên minh với Hoa Kỳ là yếu tố chính trong an ninh quốc gia và tầm nhìn của Úc Ðại Lợi về thế giới.
Và Úc Ðại Lợi không chấp nhận các biện pháp trừng phạt thương mại do Bắc Kinh, đối tác thương mại đầu tiên của họ, ban hành cách đây 2 năm, khiến Canberra mất hơn 12 tỉ Euro doanh thu xuất cảng.
Cuộc gặp thượng đỉnh này có thể cho phép dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nói trên. Trong mọi trường hợp, đây là điều mà một số người tin như vậy, khi vài ngày trước, Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố rằng Bắc Kinh sẵn sàng đi nửa chặng đường để nối lại liên lạc với Canberra.
Bên Lề G20, Nguyên Thủ Mỹ-Trung Gặp Nhau Để Duy Trì Kênh Liên Lạc, Tránh Dẫn Đến Xung Đột
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 14/11/2022, Tổng thống Hoa Kỳvà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, tại Bali, Nam Dương.
Đây là lần đầu tiên hai lãnh đạo gặp nhau trực tiếp kể từ khi Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ. Mục tiêu của cuộc gặp là làm giảm căng thẳng song phương nhưng không phải nhượng bộ quá nhiều. Từ thủ đô Hoa Thịnh Ðốn của Hoa Kỳ, thông tín viên Guillaume Naudin của Đài RFI tường trình:
Hai lãnh đạo nở nụ cười trong lúc bắt tay. Nhưng cuộc thảo luận được Tổng thống Mỹ mô tả là thẳng thắn, bao gồm một loạt các chủ đề khác nhau. Theo ngôn ngữ ngoại giao, điều này có nghĩa là hai lãnh đạo hầu như không có cùng quan điểm trong nhiều chủ đề.
Tòa Bạch Ốc liệt kê các chủ đề đã được đề cập tới. Hành động chống biến đổi khí hậu, các vấn đề về thương mại và kinh tế, nhân quyền, đặc biệt liên quan đến người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và tất nhiên là các vấn đề an ninh chiến lược.
Hoa Kỳ khẳng định sẽ bảo vệ các đồng minh của mình ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Joe Biden giải thích rằng theo quan điểm của ông, Trung Quốc không có lợi khi để một nước như Bắc Hàn có vũ khí nguyên tử chiến lược ngay sát sườn vì điều đó sẽ dẫn đến việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Căng thẳng đang ở mức cao nhất về vấn đề Đài Loan. Joe Biden nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn tôn trọng chính sách một nước Trung Quốc, vì vậy việc các thay đổi và căng thẳng ở Đài Loan bắt nguồn từ thái độ của Trung Quốc.
Một trong những mục tiêu của cuộc trao đổi này, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai lãnh đạo kể từ khi Joe Biden làm Tổng thống, là tránh để cho cạnh tranh dẫn đến tình trạng giống như xung đột và luôn duy trì các kênh liên lạc. Điều này đã được khởi động ở Bali và sẽ được tiếp tục với chuyến thăm Trung Quốc tới đây của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.
Tin Việt Nam
Việt Nam Bỏ Phiếu Trắng Đối Với Nghị Quyết Liên Hiệp Quốc Yêu Cầu Nga Bồi Thường Chiến Tranh Cho Ukraine
(Hình: Kết quả bỏ phiếu cho Nghị quyết yêu cầu Nga bồi thường cho Ukraine tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, hôm 14/11/2022.)
- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay hôm 14/11/2022, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết yêu cầu Nga bồi thường chiến tranh cho Ukraine với 94 phiếu thuận và 14 phiếu chống. Việt Nam cùng với 73 nước khác bỏ phiếu trắng cho Nghị quyết này.
Nghị quyết do gần 50 quốc gia đồng bảo trợ về việc thành lập một cơ chế quốc tế về bồi thường các thiệt hại, mất mát và thương tổn cũng như thu thập chứng cứ và đưa ra các đòi hỏi.
Đây là lần thứ tư đại diện quốc gia độc đảng bỏ phiếu trắng cho các Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc liên quan đến Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, cùng với 1 lần bỏ phiếu chống lại Nghị quyết loại Nga ra khỏi Hội đồng nhân quyền.
Vào ngày 2/3, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua cuộc bỏ phiếu để yêu cầu Nga ngừng bắn ngay lập tức, rút toàn bộ quân và bảo vệ dân thường. Nghị quyết này có 141 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng. Việt Nam bỏ phiếu trắng.
Ngày 24/3, Đại Hội đồng bỏ phiếu chỉ trích Nga với 140 phiếu thuận, năm phiếu chống và 38 phiếu trắng, trong số này có Việt Nam. Cuộc bỏ phiếu ngày 7/4 về việc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc có kết quả chỉ 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và có tới 58 phiếu trắng; lần này Việt Nam bỏ phiếu chống.
Ngày 12/10, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 12/10 bỏ phiếu thông qua Nghị quyết lên án kịch liệt “âm mưu sáp nhập bất hợp pháp” của Nga đối với bốn khu vực bị chiếm đóng một phần ở Ukraine và kêu gọi tất cả các nước không công nhận động thái này. Việt Nam bỏ phiếu trắng.
Hơn 300 Người Tị Nạn Sri Lanka ở Việt Nam Xin Liên Hiệp Quốc Cho Họ Định Cư ở Nước Thứ Ba
(Hình: Những người Sri Lanka tìm kiếm quy chế tị nạn trên một chiếc tàu của Hải quân Nam Dương hồi năm 2009.)
- Ngày 15/11/2022, Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay hơn 300 người tị nạn Sri Lanka bao gồm khoảng 30 trẻ em vừa có đơn gửi Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) xin được định cư ở nước thứ ba thay vì bị trả về nước.
Theo tin từ Chính phủ Sri Lanka, những người này được các tàu Cảnh sát biển Việt Nam hôm 8/11 cứu khi tàu của họ bị hỏng và trôi dạt ngoài khơi giữa Việt Nam và Phi Luật Tân.
Bộ Ngoại giao Sri Lanka cho báo chí biết chiếc tàu chở 303 người tị nạn Sri Lanka đi từ Miến Ðiện và hướng về Gia Nã Ðại.
Trong thư cầu cứu gửi Liên Hiệp Quốc, những người tị nạn Sri Lanka viết rằng họ cầu cứu UNHCR giúp đỡ họ trong tình cảnh khó khăn và yêu cầu được cấp quy chế tị nạn.
Chính phủ Sri Lanka cho biết họ được tin về chiếc tàu chở người tị nạn gặp nạn vào ngày 7/11 vừa qua và đã phối hợp với các quốc gia trong khu vực tìm cách giúp đỡ. Trung tâm Phối hợp Cứu nạn trên biển (MRCC) có trụ sở tại Tân Gia Ba sau đó đã liên hệ với một tàu của Nhật Bản cứu những thuyền nhân này và trao họ cho phía Cảnh sát biển Việt Nam ở cảng Vũng Tàu.
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) phối hợp với giới chức Việt Nam và Tòa Ðại sứ Sri Lanka ở Việt Nam đang tiến hành việc sàng lọc các thuyền nhân. Chính phủ Sri Lanka cho biết họ sẽ tiếp tục phối hợp làm việc với IOM, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba và Việt Nam để có thể sớm hồi hương những người này khi quá trình sàng lọc hoàn tất.
Quốc Hội Chuẩn Thuận Bổ Sung Thông Tin “Nơi Sinh” Vào Sổ Thông Hành Mẫu Mới
(Hình: Sổ thông hành mới của Việt Nam.)
- Bổ sung thông tin “nơi sinh” vào sổ thông hành mẫu mới được hơn 97% đại biểu tham gia kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV của Việt Nam vào chiều ngày 15/11/2022 biểu quyết đồng ý.
Truyền thông nhà nước loan tin 11 về động thái vừa nêu được đưa ra trong Nghị quyết sau 21 ngày làm việc. Theo đó, toàn bộ nội dung, chương trình kỳ họp được hoàn thành.
Vấn đề sổ thông hành mẫu mới màu tím than không có thông tin nơi sinh trở nên chuyện phức tạp đối với Việt Nam sau khi chính thức đưa vào sử dụng từ tháng bảy vừa qua.
Vào ngày 27/7, Cục Quản lý Xuất/Nhập cảnh thuộc Bộ Công an CSVN phải lên tiếng trần tình sau khi phía Đại sứ và Lãnh sự Đức tại Việt Nam chính thức thông báo tạm thời không cấp thị thực cho những công dân Việt mang sổ thông hành mẫu mới. Lý do vì mẫu này thiếu nơi sinh khiến có thể dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng.
Quyết định vừa nêu được thực hiện sau khi Cơ quan Nội vụ Đức cho biết chưa công nhận mẫu sổ thông hành mới của Việt Nam bởi thiếu nơi sinh.
Tiếp đến Séc, Tây Ban Nha, Phần Lan, Hoa Kỳ, Pháp cũng có biện pháp tương tự.
Tuy vậy, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Công an Tô Lâm vẫn khẳng định sổ thông hành mẫu mới hoàn toàn đáp ứng đúng các tiêu chuẩn quốc tế.
Thế nhưng, vào ngày 12/9, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng kiêm phát ngôn viên Bộ Công an - cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Quản lý xuất-nhập cảnh in thông tin “Nơi sinh” vào mục bị chú của sổ thông hành phổ thông cấp cho công dân Việt Nam kể từ ngày 15/9.
Vào ngày 7/11, Bộ trưởng Công an Việt Nam, ông Tô Lâm thừa nhận “việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào trang nhân thân của sổ thông hành (mẫu mới) là cần thiết, tạo thuận lợi cho công dân trong việc nhập cảnh vào các nước”.
Việt Nam Thành Công Trong Việc Đàm Phán Mua Lại Ấn Vàng “Hoàng Đế Chi Bảo”
(Hình: Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.)
- Vào tối 14/11/2022, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thông báo Việt Nam đã thành công trong việc thương lượng “hồi hương” ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ Hãng đấu giá Millon của Pháp, tuy nhiên không cho biết giá mà Việt Nam phải trả để lấy lại ấn vàng triều Nguyễn là bao nhiêu.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được Hãng đấu giá Millon thông báo đem ra bán đấu giá vào ngày 19/10 vừa qua với giá khởi điểm khoảng 3 triệu Mỹ kim. Tuy nhiên, hãng này sau đó đã phải hai lần hoãn đấu giá do có yêu cầu thương lượng từ phía Chính phủ Việt Nam.
Thông tin trên trang web của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: “trên cơ sở kết quả xác định được tính xác thực của ấn vàng, hai bên đã thống nhất việc chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hoà Pháp. Đồng thời, thống nhất thực hiện quy trình, thủ tục pháp lý liên quan để có thể hồi hương ấn vàng về Việt Nam theo quy định pháp luật của hai quốc gia”.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, ngay sau đàm phán, bộ này sẽ cùng các bộ, ngành, tổ chức thực hiện lộ trình thủ tục hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” về Việt Nam trong thời gian sớm nhất, bảo đảm quy định pháp luật của hai nước.
Báo Tiền Phong hôm 15/11 viết rằng “Sau khi đàm phán thành công để “hồi hương” ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, Việt Nam và đại diện bên Pháp còn phải tuân thủ quy trình và các thủ tục pháp lý phức tạp, bảo đảm quy định pháp luật của hai nước”.
Bất Động Sản của Chủ Tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn Bị Kê Biên Bản
(Hình: Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.)
- Cơ quan chức năng Việt Nam vừa kê biên hai căn biệt thự nằm ở vị trí đắc địa tại phố cổ Hà Nội của cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Truyền thông Việt Nam ngày 15/11/2022 cho biết ngoài hai căn biệt thực tại phố cổ Hà Nội, Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công an CSVN còn kê biên 6 căn chung cư, một thửa đất diện tích hơn 4.000 mét vuông do bà này hay người thân đứng tên.
Hôm 29/4, Cơ quan điều tra đã tống đạt lệnh bắt tạm giam đối với bà Nhàn nhưng bà này đã bỏ trốn.
Theo các thông tin trên mạng xã hội Facebook từ những Facebooker thạo tin an ninh chính trị ở Việt Nam, bà Nhàn đã trốn sang Nhật từ một năm trước.
Còn theo báo Haaretz của Do Thái trong bài điều tra về các thương vụ vũ khí giữa Do Thái và Việt Nam, bà Nhàn hiện đang ở Âu Châu.
Theo tác giả Yossi Melman của bài báo trên Haaretz, vụ bắt giữ bà Nhàn có liên quan đến những cuộc cạnh tranh nội bộ trong lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam mà cụ thể là giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Đến ngày 10/5, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an CSVN phát lệnh truy nã đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Theo quyết định truy nã, bà Nhàn bị khởi tố tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3, điều 222 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Đây là vụ án hình sự xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.
Mạng báo IntelligenceOnline vào ngày 30/8 loan tin Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính có thể dính líu trong vụ tham nhũng của Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC.
Tin nhắc lại, vào ngày 18/8, Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công an CSVN thông báo diễn tiến mới của sự việc đó là ra quyết định khởi tố vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh hồi năm 2012. Lúc đó ông Phạm Minh Chính là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh.
Các Hãng Xe Điện Ngoại Quốc Không “Mặn Mà” Với Thị Trường Việt Nam
(Hình: Một công nhân đang kiểm tra xe điện của VinFast ngoài nhà máy của VinFast ở Hải Phòng hôm 26/8/2022.)
- Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm phát triển thị trường xe điện tại Việt Nam, các hãng xe điện ngoại quốc dường như không mấy “mặn mà” với thị trường hơn 90 triệu dân này.
Hãng tin Nikkei Asia của Nhật hôm 15/11/2022 có bài viết cho biết, tại triển lãm xe hơi Việt Nam vào hồi cuối tháng 10 vừa qua ở Sài Gòn, chỉ có 2 hãng xe điện của Đức là Mercedes-Benz và Audi công bố kế hoạch bán xe điện của họ ở Việt Nam.
Nikkei Asia trích lời một viên chức cấp cao của một công ty xe điện đa quốc gia nói rằng điều kiện thị trường ở Việt Nam vẫn chưa thích hợp để hãng chào bán xe điện trong thời gian tới.
Việt Nam mới đây đã đưa ra những biện pháp được cho là nhằm hấp dẫn các hãng xe điện ngoại quốc vào Việt Nam như giảm thuế tiêu dùng khi mua xe điện chín chỗ từ 15% xuống còn 3%, phí đăng ký xe cũng được giảm cho người mua xe điện.
Mặc dù vậy, các nhà sản xuất xe điện quốc tế vẫn còn ngần ngại vào Việt Nam khi mà hãng xe điện VinFast của Việt Nam chỉ mới bán được 2.200 chiếc xe điện trong vòng 8 tháng đầu tiên giới thiệu dòng xe này của mình tại thị trường trong nước.
Một nhà quan sát thị trường xe điện nói với Nikkei rằng “các hãng khác sẽ theo chân chỉ khi doanh thu của VinFast tăng”.
Quốc Hội Thông Qua Nghị Quyết Thí Điểm Đấu Giá Bảng Số Xe Hơi Từ 7/2023
- Việc thí điểm đấu giá bảng số xe hơi sẽ bắt đầu từ 1/7/2023. Đây là một trong những điểm được đưa ra trong Nghị quyết mà Quốc hội Việt Nam thông qua vào chiều ngày 15/11/2022.
Theo đó, bảng số xe hơi đưa ra đấu giá là biển xe nền màu chữ trắng và số màu đen, trừ bảng số cấp cho xe hơi của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế; xe hơi của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với ngoại quốc; xe hơi của tổ chức, doanh nghiệp ngoại quốc, cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện Lãnh sự… hoạt động tại Việt Nam.
Bảng số xe không được lựa chọn để đấu giá hay đấu giá không thành phải chuyển ngay vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để được đăng ký theo quy định.
Theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá bảng số xe hơi, giá khởi điểm của một bảng số đấu giá là 40 triệu đồng. Đây là mức lệ phí trước bạ xe hơi ở Hà Nội và Sài Gòn.
Vấn đề đấu giá bảng số xe tại Việt Nam từng được đưa ra từ các năm 1993 và 2008. Tuy vậy, lý do chưa thể khai triển được cho biết là vì thiếu cơ chế pháp lý.
Cuộc Đấu Giá Xe Rolls-Royce Phantom của Cựu Chủ Tịch Trịnh Văn Quyết Bất Thành
(Hình: Chiếc xe của ông Trịnh Văn Quyết được đưa ra bán đấu giá.)
- Mạng VietnamNet loan tin ngày 14/11/2022 cho hay cuộc đấu giá chiếc xe Rolls-Royce Phantom Lửa Thiêng của ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đang bị giam, không thể diễn ra vào sáng ngày 15/11/2022. Lý do vì không có ai đến mua hồ sơ tham gia đấu giá.
Theo đó, trong suốt thời gian mở bán hồ sơ đấu thầu không có ai nộp cọc khoản tiền 5 tỉ 605 triệu đồng trước 5 giờ chiều ngày 14/11. Số tiền này tương ứng với 20% so với giá khởi điểm của chiếc xe là 28 tỉ 025 triệu đồng mà Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông, chi nhánh Hà Nội (OCB Hà Nội) đưa ra.
Chiếc xe vừa nói hiện đang được lưu giữ tại cửa hàng Sơn Tùng Auto ở Hà Nội. Đây là tài sản bảo đảm cho khoản vay tại OCB Hà Nội của Công ty FLC Land thuộc Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết.
Vào ngày 29/3, ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc có hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra vào ngày 10/1/2022.
Đến ngày 23/8, ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố thêm tội ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ xảy ra tại Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan.
Nhận Định Tình Hình:
COP 27: Bất Chấp Khủng Hoảng Khí Hậu, Âu Châu Thúc Đẩy Khai Thác Khí Đốt của Phi Châu?
(Chi Phương)
Nhiều nước Phi Châu đang thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào các dự án phát triển khí đốt hóa thạch, trong bối cảnh các nước Âu Châu đang tìm các nguồn khí đốt mới nhằm thay thế khí đốt của Nga. Đây là một trong những chủ đề thu hút nhiều quan tâm tại Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP 27) diễn ra tại Charm el-Cheikh, Ai Cập, ngày 6 đến 18/11/2022).
Cuộc khủng hoảng năng lượng do tác động của chiến tranh Ukraine đã khiến nhiều nước Âu Châu phải đi tìm nguồn năng lượng thay thế. Một số thành viên Liên Hiệp Âu Châu đã nhận thấy tiềm năng dự trữ năng lượng hóa thạch ở Phi Châu, đặc biệt là các mỏ dầu và khí đốt mới được phát giác ở Senegal và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Vào tháng 5/2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công du các nước Phi Châu bao gồm Senegal, Nigeria và Nam Phi, để tìm kiếm các đối tác sẵn sàng khai thác khí đốt tự nhiên để xuất cảng. Theo đó, Senegal đang lên kế hoạch để vận chuyển khí hóa lỏng đến Đức. Chính phủ Senegal hy vọng có thể cung cấp cho nền kinh tế lớn nhất Âu Châu 2,5 triệu tấn khí đốt kể từ năm 2023, và lên đến 10 triệu tấn đến năm 2030.
Vào tuần trước, tại Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP 27, diễn ra tại Ai Cập, Tổng thống Senegal, ông Macky Sall, được Deutsche Welle trích dẫn, nhấn mạnh: “Chúng tôi ủng hộ việc giảm phát thải khí nhà kính, nhưng các nước Phi Châu chúng tôi không thể chấp nhận việc lợi ích sống còn của chúng tôi đang bị bỏ qua”.
Đại diện của Green Peace ở Phi Châu, ông Ranece Jovial Ndjeudja, trả lời Ban tiếng Việt của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), cho rằng đây là một nghịch lý, khi một số nước Phi Châu đang kêu gọi các nước phát triển tài trợ các dự án “chuyển đổi xanh”, thích ứng và đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu, nhưng lại tìm cách thúc đẩy các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch.
Cán Cân Giữa Khí Hậu và Kinh Tế
Trên thực tế, từ Nigeria đến Ai Cập, Algerie hay Mozambique, các quốc gia trên khắp Phi Châu đang thúc đẩy khai thác nhiều khí đốt hơn, để đáp ứng nhu cầu của cả Phi Châu và Âu Châu. Bộ trưởng Năng lượng Uganda, ông Ruth Nankabirwa Ssentamu cho biết: “Phi Châu đã thức giấc và chúng tôi sẽ khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình”. 55 nước thành viên Liên Hiệp Phi Châu (AU) đã nhất trí thúc đẩy mở rộng việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng. Giám đốc của Liên Hiệp Phi Châu Rashid Ali Abdallah nhận định với Detsche Welle rằng “đây đúng là thời điểm tuyệt với cho Phi Châu. Cuộc khủng hoảng năng lượng không chỉ xảy ra ở Âu Châu mà trên toàn cầu và Phi Châu có thể giúp đáp ứng nhu cầu của cả thế giới”.
Ủy ban Năng lượng Phi Châu thì coi năng lượng khí đốt và nguyên tử đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển, bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo. Cơ quan chịu trách nhiệm điều phối chính sách năng lượng của châu lục này, trong một báo cáo, nhận định rằng “ nếu các nhà hoạt động môi trường kêu gọi chấm dứt ngay lập tức sử dụng năng lượng hóa thạch, thì những quốc gia đang phát triển ở Phi Châu sẽ phải chịu thiệt hại cả về kinh tế lẫn xã hội”.
Cho đến nay, chỉ 5% lượng khí đốt trên thế giới được sản xuất ở Phi Châu. Một châu lục mà biến đổi khí hậu đang tàn phá mùa màng và nhà cửa và hơn 600 triệu người không có điện.
Tẩy Xanh Nhiên Liệu Hóa Thạch
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nếu muốn giữ nhiệt độ trên toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C từ nay đến 2035, bằng việc cắt giảm khí thải carbon, theo hứa hẹn của các nhà lãnh đạo của thế giới, thì không thể cho phép thăm dò, khai thác thêm các mỏ dầu khí, khí đốt được nữa. Để cắt giảm phát thải carbon nhanh chóng, đủ để đáp ứng với điều kiện trên, đồng nghĩa với việc chỉ cho phép 5% sản lượng điện năng được tạo ra bởi khí đốt hóa thạch.
Theo Deutsche Welle, những bên ủng hộ tiếp tục mở rộng, khai thác các nguồn khí đốt tự nhiên thì gọi đây là loại “nhiên liệu chuyển tiếp”, vì tác động phát thải thấp hơn dầu mỏ và than đá. Liên Hiệp Âu Châu mô tả khí đốt là loại nhiên liệu “bền vững” trong các quy định hướng dẫn đầu tư của khối.
Đại diện của các tổ chức phi lợi nhuận về môi trường như Green Peace cho biết COP 27 là dịp để tẩy xanh cho năng lượng hóa thạch, trong bối cảnh các nước Âu Châu đang gấp rút tìm nguồn cung khí đốt cho mùa Đông sắp tới. Các quốc gia Phi Châu rơi vào bẫy phát triển, tương tự như lộ trình mà các nước đã phát triển đã trải qua.
Nghịch Lý Phi Châu
Theo đại diện Green Peace tại Phi Châu, ông Ranece Jovial Ndjeudja trả lời RFI Tiếng Việt, làm sao để cân bằng giữa lợi ích kinh tế và khí hậu đối với các nước đang phát triển không phải là câu hỏi mới mẻ. Ông Ranece cho biết thêm: “Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu, vì vậy câu hỏi đặt ra đối với các lãnh đạo Phi Châu đó là họ muốn thúc đẩy phát triển kinh tế và việc này có thể chấm dứt bất cứ lúc nào do tác động của khủng hoảng khí hậu, hay là họ muốn tìm ra con đường đúng đắn, bền vững nhất để bảo đảm sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia Phi Châu. Tôi cho rằng chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài phát triển bền vững và chắc chắn không phải là phát khai triển thác khí đốt. Khí đốt chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đối với khí hậu và đối với Phi Châu”.
Giám đốc của tổ chức tư vấn POwer Shift Africa, ông Mohamed Adow cho biết “Âu Châu đang muốn biến Phi Châu thành trạm đổ xăng của mình”, nhưng lại không hỗ trợ tài chánh đủ để phát triển năng lượng tái tạo: “Chúng ta không thể để cho Phi Châu, châu lục đã bỏ qua quá trình công nghiệp hóa dựa trên nhiên liệu hóa thạch,và giờ trở thành nạn nhân cho những lợi ích thực dân thiển cận, ích kỷ, đặc biệt là từ Âu Châu”.
Xuất cảng dầu và khí đốt là nguồn thu nhập chính của nhiều quốc gia Phi Châu, lên đến 50% đến 80% tổng thu nhập. Thế nhưng, các quốc gia Phi Châu lại là những nước tác động nhỏ nhất đến tình trạng hâm nóng trái đất. Theo Deutsche Well, tỷ lệ phát thải khí nhà kính của Phi Châu, ảnh hưởng đến khí hậu chưa đến 4%. Trong khi đó, tỷ lệ này lên đến hơn 50% chỉ tính riêng cho Mỹ, Âu Châu và Trung Quốc cộng lại.
Khoản Đầu Tư Dễ Bay Hơi
Nhà phân tích thuộc tổ chức tư vấn Carbon Tracker, ông Kofi Mbuk cho biết các khoản đầu tư vào các đường ống dẫn khí đốt mới của Phi Châu, trị giá hàng tỉ Mỹ kim, “có thể mất giá trong vài năm”. Các dự án xây dựng hạ tầng khí đốt hóa lỏng đang được xây dựng hoặc lên kế hoạch trên toàn thế giới, nếu được thực hiện, sẽ chiếm 10% lượng phát thải carbon của thế giới. Theo Climate Analytics, đến năm 2030, nguồn cung khí đốt hóa lỏng có thể sẽ dư thừa, vượt xa nhu cầu thay thế khí đốt của Nga, có thể tương đương với 5 lần lượng khí đốt Nga xuất cảng vào Liên Hiệp Âu Châu năm 2021.
Liên Hiệp Phi Châu trù tính rằng xuất cảng khí đốt có thể sẽ giảm vì các nước giàu đang muốn loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Như vậy, khí đốt có thể dùng để cung cấp cho thị trường nội địa, đặc biệt là để thúc đẩy quá trình điện khí hóa cho hơn 600 triệu người Phi Châu, hiện vẫn sống không có điện.
Về phần mình, lãnh đạo của chương trình ngoại giao về khí hậu tại tổ chức tư vấn E3G, ông Pablo Osorio, cho rằng không cần năng lượng hóa thạch để có thể làm được điều này. Bởi vì “điện năng từ nhiên liệu hóa thạch là rẻ nhất thế giới và cũng phù hợp để người dân ở những vùng xa xôi có thể tiếp cận điện nhanh chóng. Về ngắn hạn, nhiên liệu tái tạo có thể đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh thiếu năng lượng”.
Hội nghị khí hậu COP 27 kết thúc vào ngày 18/11. Theo ông Ranece, đại diện của Green Peace ở Phi Châu, cho đến nay, “vẫn chưa thể biết liệu các quốc gia có thể đồng thuận đưa ra quyết định tích cực cho khí hậu hay không”. Một điều quan ngại đó là tại sự kiện lần này, số lượng các nhà vận động hành lang cho nhiên liệu hóa thạch rất đông đảo, dường như cao hơn rất nhiều so với những lần trước đó. Điều này có khả năng thay đổi các quyết định của các nhà lãnh đạo, theo chiều hướng không có lợi cho khí hậu.
Video Cho Thấy Nga Bỏ Lại Nhiều Vị Trí Bên Kia Sông, Đối Diện Kherson
(Hình: Cư dân đứng nói chuyện bên bờ sông Dnipro sau khi Nga rút lui khỏi Kherson, Ukraine, ngày 14/11/2022.)
Những hình ảnh xuất hiện hôm thứ Ba (15/11/2022) cho thấy quân đội Nga dường như đã rút khỏi một thị trấn miền Nam Ukraine ở phía bờ bên kia của sông Dnipro nhìn từ Kherson, thành phố mà họ đã chịu thua hồi tuần trước. Diễn biến mới nhất này cho thấy một trong những cuộc rút lui lớn nhất của cuộc chiến có thể chưa dừng lại ở bờ sông.
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói với các nhà lãnh đạo thế giới rằng Ukraine sẽ không giảm tốc chiến dịch quân sự đánh đuổi quân đội Nga ra khỏi đất nước ông, sau chiến thắng tuần trước ở thủ phủ cấp vùng duy nhất mà Nga chiếm được kể từ khi xâm lược.
“Chúng tôi sẽ không cho phép Nga có thời gian chờ đợi, rồi xây dựng lực lượng và sau đó bắt đầu một loạt khủng bố mới và gây bất ổn toàn cầu”, ông nói trong một bài phát biểu qua video gửi tới hội nghị thượng đỉnh của các nền kinh tế lớn G20 ở Nam Dương.
“Tôi tin rằng bây giờ là thời điểm mà cuộc chiến tranh phá hoại của Nga phải và có thể bị chặn lại”.
Các lực lượng Ukraine được đông đảo cư dân vui vẻ chào đón đã đổ vào Kherson trong những ngày gần đây, đón nhận phần thưởng lớn nhất của cuộc chiến cho đến nay. Kherson là thành phố mà Tổng thống Nga Vladimir Putin sáu tuần trước tuyên bố sẽ mãi là của Nga.
Nga từng nói họ rút lực lượng của họ qua con sông Dnipro rộng lớn đến các vị trí dễ phòng thủ hơn ở bờ đối diện. Nhưng những hình ảnh được đăng trên internet hôm thứ Ba dường như cho thấy cuộc rút lui có thể chưa dừng lại ở bờ sông.
Trong video quay ở thị trấn Oleshky, phía đối diện của sông Dnipro nhìn từ Kherson, qua một cây cầu bị sập, không có dấu hiệu nào cho thấy sự hiện diện của người Nga.
Một người đã lái xe lao xuống con đường chính vắng vẻ kéo dài hàng cây số với tốc độ cao mà không gặp phải một trạm kiểm soát hoặc lá cờ nào của Nga. Một số boongke được thiết lập dọc theo con đường dường như đã bị bỏ hoang. Vị trí của đoạn video được thông tấn xã Reuters xác nhận dựa trên các địa danh có thể nhìn thấy được.
Quân đội Ukraine vào đêm qua cho biết họ đã bắn vào các vị trí của đối phương ở Oleshky, nhưng các viên chức Ukraine chưa bình luận về những hình ảnh xuất hiện cho thấy quân đội Nga đã rút lui.
Tuần trước, Mạc Tư Khoa nói họ rút quân qua sông Dnipro để bảo vệ tốt hơn các vị trí bờ đông ở tỉnh Kherson, nơi kiểm soát đường vào Crimea, bán đảo chiến lược ở Biển Đen mà Nga đã chiếm giữ năm 2014.
Hôm thứ Hai, ông Zelenskyy đã đến thăm Kherson để ăn mừng chiến thắng ở đó, bắt tay các binh sĩ và vẫy tay chào thường dân. Ông cho biết Ukraine đã thu thập bằng chứng về ít nhất 400 tội ác chiến tranh của quân đội Nga trong 8 tháng chiếm đóng, bao gồm cả các vụ giết người và bắt cóc.
Giải Phóng Thành Phố Kherson, Ukraine Bước Vào Thế Trận Mới
(Thụy My)
Ukraine nay kiểm soát toàn bộ 4.500 cây số vuông trước đây bị Nga chiếm đóng ở hữu ngạn. Sử dụng các loại pháo tầm xa chính xác được phương Tây viện trợ, Kyiv đã cắt đứt hậu cần, buộc quân xâm lược phải lùi bước; Crimea không còn đe dọa được miền Nam Ukraine mà phải lo phòng thủ. Chiến thắng Kherson là bước ngoặt lớn trong cuộc chiến Ukraine, và Kyiv đang hướng về các mục tiêu mới. Các nạn nhân ở Kherson bị quân Nga tra tấn cũng chờ đợi công lý được thực thi.
Nga Bị Cô Lập Tại Hội Nghị Được Zelensky Gọi Là “G19”
Chiến tranh Ukraine, hội nghị G20, Trái Đất có 8 tỉ cư dân, vấn đề di dân tại Âu Châu, đó là các chủ đề chiếm trang nhất báo Pháp hôm nay. Les Echos cho biết Nga bị lên án “mạnh mẽ” tại G20, bị cô lập hơn bao giờ hết. Theo Dự thảo thông cáo chung, “đa số các nước thành viên” họp tại Bali tố cáo những hậu quả tai hại của cuộc chiến đối với thế giới. Chữ “chiến tranh” đã được sử dụng, trước thất vọng của phía Mạc Tư Khoa - vẫn tiếp tục nói về “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Trước khi công bố Dự thảo, Tổng thống Ukraine đã cổ vũ G20 vượt qua những bất đồng để chấm dứt cuộc chiến tranh “hủy diệt” này. Trở về từ Kherson, ông Volodymyr Zelensky là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên phát biển qua video trước hội nghị mà ông gọi là “G19”, dù Nga vẫn được đại diện bằng Ngoại trưởng Sergueï Lavrov. Tổng thống Ukraine trình bày kế hoạch nhằm mang lại hòa bình và “cứu hàng ngàn sinh mạng”: không nên tin Nga, không dung thứ “săng-ta nguyên tử” của Mạc Tư Khoa, và trao đổi toàn bộ tù binh.
Tổng thống nước chủ nhà, Joko Widodo trong diễn văn khai mạc cũng kêu gọi “không để thế giới bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới”. Mọi cái nhìn đều hướng về Chủ tịch Trung Quốc, vốn luôn từ chối lên án cuộc xâm lăng và không tham gia trừng phạt Nga. Theo Paris, bắt đầu đã có những chuyển biến: Tập Cận Bình ủng hộ xuống thang, kêu gọi không biến vấn đề thực phẩm và năng lượng thành “công cụ”.
Mỹ-Trung: Một Sự Tan Băng Tạm Thời
Đặc phái viên Le Figaro nhận định “Bóng dáng Ukraine bao trùm lên hội nghị G20”. Nếu sự vắng mặt của Vladimir Putin làm giảm nguy cơ xảy ra những sự việc dưới ánh đèn flash của các phóng viên, thì đấu tranh vẫn dữ dội phía sau hậu trường. Các nước phương Tây muốn cứng rắn hơn trong vấn đề Ukraine, số khác muốn tránh chủ đề nóng bỏng này, theo sự thúc giục của Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa, để tập trung vào vấn đề kinh tế. Nhưng theo Élysée, “không thể hợp tác kinh tế nếu không có chủ quyền về chính trị”.
Tờ báo nhận thấy “Đài Loan, Ukraine, Bắc Hàn...Tập Cận Bình và Joe Biden cùng ấn định những lằn ranh đỏ”, trong ba tiếng rưỡi đồng hồ trực tiếp trao đổi trong một khách sạn năm sao tại Bali. Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ thăm Trung Quốc vào đầu năm 2023 - một bước tiến sau hai năm thiếu vắng đối thoại. Cuộc gặp đầu tiên với Tập Cận Bình kể từ khi ông Biden nhậm chức, cho đến trước hôm khai mạc vẫn chưa xác nhận, nay các nhà quan sát thở phào nhẹ nhõm. Ông Biden đã năm lần điện đàm, đề nghị gặp trực tiếp, nhưng ông Tập đều “lẩn tránh” sau bức tường cách ly, chuẩn bị cho đại hội đảng.
Chiến thắng của Tập Cận Bình, tại vị thêm nhiệm kỳ thứ ba, và thành công tương đối của Joe Biden trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ đã giúp hai nhà lãnh đạo đến Bali trong tư thế kẻ mạnh. Quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, bóng ma xung đột Đài Loan cộng thêm chiến tranh Ukraine lâu nay làm các nước Đông Nam Á lo ngại. Một sự tan băng nhẹ nhàng tuy về lâu về dài vẫn là đối đầu, từ Biển Đông đến nhân quyền, kỹ thuật, nhưng cũng giúp làm giảm căng thẳng tại G20, đang đứng trước mối đe dọa suy thoái.
Cục Diện Mới Giữa Nga-Ukraine Sau Chiến Thắng Kherson
Về tình hình Ukraine, Le Monde nói về “Những mục tiêu mới của Kyiv sau khi tái chiếm Kherson”: Ukraine tiếp tục tấn công nhưng không bác bỏ việc đàm phán trong tương lai. Dòng sông Dniepr nay chia đôi hai phe đối địch, vẫn quan sát lẫn nhau bằng kính viễn vọng phía trên làn nước đang cuộn chảy. Không có những bẫy rập như lo ngại, Kyiv kiểm soát toàn bộ 4.500 cây số vuông trước đây bị Nga chiếm đóng ở hữu ngạn. Ukraine giành được chiến thắng mà không thiệt hại sinh mạng thường dân. Từ tháng Tám, sử dụng giàn phóng rốc-kết Himars nổi tiếng, đại pháo Caesar của Pháp, M777 của Mỹ, PzH 2000 của Đức.... Ukraine đã cắt đứt hậu cần, buộc quân xâm lược phải lùi bước.
Cuộc phản công vốn không dễ dàng tại một khu vực bằng phẳng, ít cây cối nên khó thể xâm nhập, lại thêm trở ngại thiên nhiên là sông Inhoulets. Lực lượng Ukraine không áp đảo về quân số và không đủ xe bọc thép để bảo vệ. Chiến thắng Kherson là kết quả của tin tình báo và vũ khí phương Tây, đã giúp Kyiv tấn công chính xác quân Nga ở khoảng cách xa đến 70 cây số, nhưng nhất là tinh thần quyết chiến bảo vệ lãnh thổ của những chiến sĩ Ukraine.
Phía Nga lần này ít nhất cũng rút quân thành công, nhờ bắt đầu sớm từ giữa tháng Mười - theo hình ảnh vệ tinh của trang Skhemi. Không mang theo được vũ khí hạng nặng, Nga đã phá hủy một ít, số còn lại thành chiến lợi phẩm của Ukraine. Nay mặt trận đối với Nga đã rút bớt đến 300 cây số, và nếu Ukraine vượt sông để tấn công qua tả ngạn sẽ chịu nhiều rủi ro. Mạc Tư Khoa sẽ đưa tân binh đến tăng viện cho Bakhmut ở miền Đông, và củng cố 500 cây số tiền tuyến còn lại, gây khó khăn cho cuộc phản công của Ukraine ở Luhansk và Zaporijia.
Crimea, Nơi Xuất Phát Tấn Công Nay Phải Đào Hào Phòng Thủ
Trong khi đó, Kyiv không hề muốn dừng tay vào mùa Đông để giúp Nga có thời gian hồi sức và tung ra đợt tấn công mới sang năm. Pháo binh Ukraine đã bắt đầu “làm việc” ở tả ngạn: Đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ Nhật, một loạt vụ nổ được nghe thấy ở Tchaplynka cách phía Nam giòng sông 45 cây số. “Vùng đệm” ở hữu ngạn biến mất khiến một loạt cơ sở hạ tầng ở Crimea nay nằm trong tầm bắn của Ukraine. Đoạn đầu của kênh dẫn nước ngọt sang Crimea có thể bị moọc-chê nhắm đến, đường xe lửa Donetsk-Melitopol-Djankoi, tuyến tiếp liệu chính của quân Nga có thể là mồi ngon cho Himars.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy từ một tuần qua nhiều chiến hào đã được đào ở phía Bắc Crimea. Vốn là đầu cầu đe dọa toàn miền Nam Ukraine, bán đảo này giờ đây phải lo phòng thủ. Tình hình trên biển không làm Mạc Tư Khoa an tâm: Kyiv hôm Chủ Nhật loan báo thành lập đội drone hải chiến, loại drone tự sát từng tấn công các chiến hạm Nga hôm 29/10. Các thành phố lớn Mykolaiv, Kryvy Rih tạm thời không còn bị pháo binh Nga đe dọa như tuần trước, tuy cũng như mọi nơi khác, nỗi lo về drone Iran và phi đạn liên lục địa vẫn còn đó. Thống đốc Mykolaiv đã bắt đầu công việc tái thiết, theo ông việc mở lại các cảng không còn xa.
Trước chiến thắng của quân đội, Tổng thống Zelensky bắt đầu đề cập đến điều cấm kỵ lâu nay. Ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng nói chuyện với Nga, nhưng chỉ với một nước Nga thực sự muốn hòa bình”. Kyiv không vội vã. Dân biểu David Arakhamia, từng là trưởng phái đoàn đàm phán với Nga nói rằng việc thương lượng “có thể mở lại vào nửa cuối năm 2023”. Điều kiện tiên quyết: “Tái lập toàn vẹn lãnh thổ, bồi thường tất cả những thiệt hại, đưa ra tòa các tội phạm chiến tranh, và bảo đảm sẽ không tái diễn”. Mùa Đông này vũ khí tiếp tục lên tiếng và máu vẫn sẽ đổ. Theo Le Monde, nếu coi số phận Vladimir Putin gắn liền với chiến tranh Ukraine, sau khi ông ta đã đóng mọi cánh cửa ngoại giao, chiến thắng Kherson có thể là “bước ngoặt” chính trị ở Nga. Quyết định của Evgueni Prigojine, chủ công ty Wagner công bố vụ xử tử tàn bạo một người lính đánh thuê bị cáo buộc đào ngũ, cho thấy mối nguy cuộc chiến sẽ càng trở nên man rợ.
Những Tù Nhân Sống Sót ở Kherson
Tại thành phố Kherson vừa được giải phóng, đã xuất hiện những bằng chứng quân Nga tra tấn người dân trước khi rút chạy. Tại nhà tù số 3 đường Teploenergetikiv, không thể biết được có bao nhiêu tù nhân đã bị sát hại, bị mất tích hoặc lưu đày. Hai tuần trước khi quân Nga rút đi, ba chiếc xe buýt và một xe vận tải đã đến vào ban đêm, chở đi tất cả. Những người sống gần đó cho Le Monde biết những người tù được thả ra đều kiệt lực, tàn tạ, bước đi thất thểu, họ thường phải mang cho một ít thức ăn. Theo một tù nhân, “nếu địa ngục tồn tại trên Trái Đất, thì chính là ở đây”.
Vitaliy Serdyuk, 65 tuổi, là cư dân duy nhất trong khu phố bị nhốt tại đây. Vào cuối tháng Tám, như thường lệ, ông đến căn nhà bỏ trống của người con trai đang chiến đấu trong quân đội Ukraine để cho chó mèo ăn. Khoảng mười mấy lính Nga bỗng ập vào nhà đánh đập, lục soát, tịch thu điện thoại, chụp một chiếc túi lên đầu và còng tay, bắt ông đi, nhốt chung với bảy người khác. Quân Nga có danh sách cụ thể, nhờ họ ông mới biết là người con trai binh nhì nay đã lên trung sĩ!
Mỗi lần lính Nga bước vào xà lim, những người tù phải hô “Vinh quang cho nước Nga! Vinh quang cho Putin! Vinh quang cho Shoigu!”. Quân Nga tra khảo, Vitaliy bị chích điện đến chết đi sống lại. May mà những đối thoại với con trai trong điện thoại đều chỉ là chuyện mèo chó. Ông được thả, bị gãy xương bàn tay phải, nhưng cho biết tất cả bạn tù đều bị đánh gãy xương sườn hoặc ngón tay.
Một người sống sót khác ở Kherson là Ihor Bondarenko, nhà báo 45 tuổi. Ông bị bắt hôm 10/8 trên đường di tản, quân Nga có sẵn danh sách. Những trao đổi qua Telegram cách đó mấy tháng dù đã bị xóa nhưng vẫn được phục hồi. Biết sẽ nguy hiểm đến tính mạng, Ihor phải tỏ ra ủng hộ Nga. Nhờ trước đó có những bài viết phê phán chính quyền địa phương, hai tuần sau ông được thả. “Đối với quân Nga, nếu chỉ trích Ukraine có nghĩa là đứng về phía Nga”. Lặng lẽ chứng kiến đồng bào mình tưng bừng mừng Kherson giải phóng, Ihor vẫn chờ đợi cảnh sát Ukraine tìm kiếm những người mất tích, truy lùng những kẻ chỉ điểm. Kherson vẫn chưa bộc lộ hết những bí mật trong thời kỳ chiếm đóng.
Cuộc Xâm Lăng Ukraine Làm Tái Sinh Khái Niệm Phương Tây
Trên bình diện địa chính trị, Le Figaro nói về sự tỉnh thức của phương Tây trước những thách thức toàn cầu. Cuộc xâm lăng Ukraine đã làm tái sinh khái niệm phương Tây. Trong thời chiến tranh lạnh, Âu Châu và Hoa Kỳ hợp thành khối phương Tây vững chải, đặt dân chủ, tự do và thịnh vượng là trung tâm các giá trị. Khái niệm này sau đó đã phai nhạt tại Tây Âu vì những đảo lộn ý thức hệ trong thập niên 60. Theo nhà Sử học Françoise Thom, đó là do xu hướng mác-xít trong các trường Đại học, sự phát triển của thế giới thứ ba, phong trào phản kháng năm 1968. Chính những trí thức Đông Âu lưu vong đã nhắc nhở phương Tây sức mạnh của mô hình. Năm 1991 sau khi Liên Xô sụp đổ, Tây Âu đã ngủ quên trên chiến thắng.
Được đánh thức bởi Al Qaida rồi Daech - hai tổ chức thánh chiến - khái niệm phương Tây tái sinh nhờ cuộc chiến tranh của Vladimir Putin tại Ukraine. Chỉ trong vài tháng, ba làn sóng ập đến. Đầu tiên từ Mạc Tư Khoa, nơi chế độ Putin coi phương Tây là nguồn gốc của mọi cái xấu. Thứ hai là từ Kyiv, nơi người Ukraine chiến đấu nhân danh Âu Châu với những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền. Tại Kherson vừa tái chiếm, những ngôi sao Âu Châu phấp phới bên cạnh lá cờ Ukraine. Lòng can đảm và quyết tâm của người Ukraine dù bị thảm sát, dù khốn đốn vì chiến tranh, là bài học cho các nước Tây Âu, vẫn ngỡ rằng hòa bình là vĩnh viễn.
Đợt sóng thứ ba là từ Hoa Thịnh Ðốn, đã tái cam kết với Âu Châu, ủng hộ Kyiv ngay từ đầu cuộc xâm lăng. Cũng như thời chiến tranh lạnh, khối Âu-Mỹ lại tái hợp, Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) được thổi luồng sinh khí mới, mở cửa cho Thụy Điển và Phần Lan. Một lần nữa Trung Âu và Đông Âu vốn đã quá hiểu Cộng sản và đế quốc, lại lên tuyến đầu, thêm vào đó mối đe dọa từ Trung Quốc là chất xi-măng gắn kết. Vấn đề là sự đoàn kết này kéo dài đến bao giờ. Các nước phương Tây liệu có hỗ trợ đến cùng một nền Dân chủ mới khai sinh, mong manh nhưng kiên quyết, trước mưu toan tiêu diệt của Putin hay không?
Tranh Luận Về Chiến Tranh Ukraine Là Chủ Đề Bao Trùm ở Hội Nghị Thượng Đỉnh G20
(Hình: Hội nghị thượng định của G20 tại Bali, Nam Dương, vào ngày 15/11/2022.)
Nỗ lực do phương Tây dẫn đầu nhằm lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là chủ đề bao trùm ở hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 vào hôm thứ Ba (15/11/2022) tại đảo Bali của Nam Dương, nơi các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn phải vật lộn với một loạt các vấn đề từ nạn đói cho đến các mối đe dọa nguyên tử.
Cuộc xâm lược ngày 24/2 của Tổng thống Vladimir Putin vào nước láng giềng Ukraine đã gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu và làm hồi sinh tình trạng chia rẽ địa chính trị của thời Chiến tranh Lạnh giữa lúc thế giới đang hồi phục từ đại dịch tồi tệ nhất là COVID-19.
Giống như tại các diễn đàn quốc tế khác gần đây, Hoa Kỳ và các đồng minh đang theo đuổi việc đưa ra một tuyên bố từ hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày của G20 để lên án hành động quân sự của Mạc Tư Khoa.
Nhưng Nga cho rằng việc “chính trị hóa” hội nghị thượng đỉnh là không công bằng.
“Có một cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, một cuộc chiến hỗn hợp mà phương Tây đã gây ra và đã chuẩn bị trong nhiều năm”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói, và nhắc lại câu nói của ông Putin rằng việc mở rộng liên minh quân sự NATO đe dọa đến Nga.
Một Dự thảo tuyên bố dài 16 trang, mà thông tấn xã Reuters đọc được, đã thừa nhận có sự rạn nứt. Các nhà ngoại giao cho biết Dự thảo này vẫn chưa được các nhà lãnh đạo thông qua.
“Hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng nó đang gây ra những đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những yếu kém hiện có trong nền kinh tế toàn cầu”.
“Đã có những quan điểm và đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt”, Dự thảo nói.
Hội nghị thượng đỉnh là cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo G20 kể từ khi Nga đổ quân vào Ukraine. 20 quốc gia chiếm hơn 80% GDP của thế giới, 75% thương mại quốc tế và chiếm 60% dân số của thế giới.
“CỨU THẾ GIỚI”
Nước chủ nhà Nam Dương đã phải lên tiếng yêu cầu sự thống nhất và tập trung vào việc hành động để giải quyết các vấn đề như lạm phát, nạn đói và giá năng lượng cao. Tất cả các vẫn đề này đều trở nên trầm trọng hơn vì chiến tranh Ukraine.
“Chúng ta không có lựa chọn nào khác, cần có sự hợp tác để cứu thế giới”, Tổng thống Nam Dương Joko Widodo nói.
“G20 phải là chất xúc tác cho sự phục hồi kinh tế toàn diện. Chúng ta không nên chia thế giới thành nhiều phần. Chúng ta không được để thế giới rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh nữa”, Tổng thống Nam Dương nói thêm.
Dự thảo tài liệu hội nghị thượng đỉnh cũng cho biết các ngân hàng trung ương G20 sẽ điều chỉnh thắt chặt tiền tệ với vấn đề lạm phát toàn cầu, trong khi việc kích thích tài khóa nên “tạm thời và có mục tiêu” để giúp cho những thành phần dễ bị tổn thương trong khi không làm tăng giá.
Về vấn đề nợ, Dự thảo bày tỏ lo ngại về tình hình “xấu đi” của một số quốc gia thu nhập trung bình và nhấn mạnh tầm quan trọng của tất cả các chủ nợ trong việc chia sẻ gánh nặng một cách công bằng.
Tuy nhiên, Dự thảo không đề cập đến Trung Quốc, quốc gia bị phương Tây chỉ trích vì trì hoãn nỗ lực giảm sức ép về nợ cho một số nền kinh tế mới nổi.
NỐI LẠI QUAN HỆ MỸ-TRUNG?
Có một dấu hiệu đáng khích lệ trước thềm hội nghị thượng đỉnh, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, hai quốc gia ngày càng trở nên lạnh nhạt với nhau, đã gặp nhau và cam kết liên lạc thường xuyên hơn.
Cả hai lãnh đạo đều tuyên bố phản đối việc sử dụng vũ khí nguyên tử, theo các bản tin từ cả hai bên.
Nga nói họ có quyền sử dụng bất kỳ phương tiện nào bao gồm cả khả năng nguyên tử để bảo vệ an ninh của mình.
Trung Quốc và Nga gần gũi nhau, nhưng Bắc Kinh đã cẩn thận không cung cấp bất kỳ hỗ trợ vật chất trực tiếp nào cho cuộc chiến Ukraine có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với cuộc chiến này.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, ông Tập nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một cuộc gặp song phương khác rằng Bắc Kinh chủ trương ngừng bắn ở Ukraine và đàm phán hòa bình.
Các nhóm xã hội dân sự chỉ trích tuyên bố Dự thảo G20 vì đã không hành động về nạn đói, không tăng cường nỗ lực tài trợ cho phát triển và không đề cập đến cam kết trước đó là cung cấp 100 tỉ Mỹ kim tài trợ về khí hậu vào năm 2023.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét