Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2022

Happy Thanksgiving! Kính Chuyển Nhiều Bài Vở Nhận Định Tình Hình Quốc Tế và Việt Nam. - Lê Văn Hải


Tin Vui Cho Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn! Kỷ Lục! Chưa Từng Bao Giờ Có: Lần đầu tiên, 5 người gốc Việt vào hạ viện một tiểu bang Oregon ở Mỹ!
Hình Từ trái qua phải: hàng trên là Khanh Pham, Hai Pham, Thuy Tran; hàng dưới là Daniel Nguyen và Hoa Nguyen!
Lần đầu tiên trong lịch sử có đến 5 người Mỹ gốc Việt giành được ghế trong cơ quan lập pháp của một bang sau bầu cử giữa kỳ hồi tháng 11. Một trong những vị tân dân biểu này nói với VOA bà hy vọng người Việt ở Mỹ bỏ qua những chia rẽ đảng phái để ủng hộ các ứng cử viên gốc Việt đạt những thành tích cao hơn nữa.
<!>
Năm vị tân dân biểu bang Oregon này là các bà Hoa Nguyen ở địa hạt 48, Thuy Tran địa hạt 45, Khanh Pham ở địa hạt 46, và hai ông Daniel Nguyen ở địa hạt 38, Hai Pham ở địa hạt 36. Bà Khanh Pham là dân biểu tiểu bang đương nhiệm tái đắc cử.

Cả năm vị đều là ra tranh cử dưới màu áo đảng Dân chủ tại các hạt Washington, Multnomah và Clackamas của bang Oregon, những nơi có truyền thống bầu cho ứng viên Dân chủ.

Con cái dân tị nạn

“Chúng ta nói rất nhiều về tính đại diện. Chúng ta nói về tính bao gồm, nhưng chỉ khi bạn có những người lãnh đạo giống bạn, có xuất thân tương tự như bạn, nó sẽ khiến bạn cảm thấy mình là một phần của câu chuyện”, dân biểu Daniel Nguyen, người đại diện cho khu vực Hồ Oswego và Tây Nam Portland, nói với trang mạng KOIN của Oregon.

Các vị dân biểu đắc cử này là con cái của dân tị nạn Việt Nam đến Mỹ trong và sau chiến tranh, trong những năm 1970 và 1980.

Dân biểu Khanh Pham là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Hạ viện bang Oregon vào năm 2020. Các dân biểu cho biết việc phải mất nhiều thời gian như vậy người Mỹ gốc Việt mới nắm được các vị trí lãnh đạo chính trị là bằng chứng cho thấy những thách thức và thành kiến mà họ đối mặt.

“Tôi nghĩ đối với thế hệ đi trước, như cha mẹ tôi, tôi nghĩ họ thực sự sốc, thành thật mà nói. Họ chưa bao giờ tưởng tượng rằng con gái họ hay bất kỳ ai trong gia đình sẽ ra đại diện cho cộng đồng trong chính quyền”, Khanh Pham nói với KOIN.

Năm vị dân biểu gốc Việt trong Hạ viện bang Oregon chiếm tỷ lệ 8%, cao hơn so với tỷ lệ người Mỹ gốc Á ở Oregon là 6%, theo Cục điều tra Dân số Mỹ.

Trong một tuyên bố vào đêm bầu cử, bà Thuy Tran cho biết bà tự hào được cùng với con số kỷ lục những người Mỹ gốc Việt ra tranh cử trong kỳ bầu cử giữa kỳ năm 2022.

“Chiến thắng này không có nghĩa là cuộc chiến dừng lại ở đây. Cơ quan lập pháp bang trong năm tới sẽ phải đối mặt với những trách nhiệm lớn, sẽ phải giải quyết tình trạng vô gia cư, giá nhà ở và chi phí y tế tăng cao, biến đổi khí hậu và đem đến sự an toàn cho tất cả mọi người trong cộng đồng. Tôi đã sẵn sàng làm việc”, bà Thuy nói.

‘Tranh đấu cho Oregon’

Trao đổi với VOA, bà Thuy Tran, tức Trần Chu Thủy, Trung tá Không quân thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia, nói y tế, chăm sóc trẻ em, nhà cửa giá phải chăng và giao thông là những ưu tiên của bà khi bà tuyên thệ nhậm chức vào ngày 9/1 năm sau.

Mục tiêu của bà với tư cách dân biểu, bà nói, là giúp cho người dân trong bang Oregon ‘có đời sống tốt đẹp hơn’.

Dân biểu Thủy Trần cho biết bà ủng hộ ‘chăm sóc sức khỏe phổ quát’ (universal healthcare) để tất cả mọi người dù giàu hay nghèo đều được tiếp cận y tế. Bà cũng chỉ ra tình trạng chi phí giữ trẻ quá đắt đỏ nên nhiều phụ huynh không có điều kiện đi làm kiếm tiền lo cho cuộc sống và giá nhà cửa cao ngất khiến nhiều người ở Oregon không mua nổi nhà.

“Phải có biện pháp làm sao có đủ nhà cửa giá cả phải chăng để người dân có thể mua được”, bà nói với VOA.

Bà cũng quan tâm đến việc xây dựng hệ thống đường sá, cầu cống ở Oregon làm sao để giúp người dân thuận tiện đi lại đồng thời không gây ô nhiễm không khí quá nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Bà cho biết những ưu tiên này của bà cũng là những vấn đề ‘ảnh hưởng đến cộng đồng Việt Nam rất nhiều’. Bà giải thích rằng người Việt rất quan tâm đến việc chăm lo cho con nhỏ, và nhiều người trong số họ dù có đi làm nhưng không có khả năng mua bảo hiểm sức khỏe, trong khi trong cộng đồng Việt Nam ‘rất nhiều người bị bệnh tiểu đường’.

“An toàn cho cộng đồng gốc Á cũng rất quan trọng, nhất là trong thời đại dịch ở bang Oregon đã xảy ra nhiều vụ là tội ác thù hận nhằm vào người Á Đông”, bà Thủy nói.

‘Hãy bỏ qua R hay D’

Là ứng viên Dân chủ trong khi cộng đồng Việt Nam có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa, bà Thủy kêu gọi cộng đồng Việt Nam ‘ủng hộ cộng đồng mình thay vì đảng phái’.

“Nếu cộng đồng Việt Nam vì lý do Dân chủ hay Cộng hòa mà không ủng hộ thế hệ trẻ để họ đi những bước đầu ở tiểu bang thì cộng đồng chúng ta không chỉ ở Oregon mà ở trên cả nước Mỹ này sẽ không có tiếng nói ở Washington, D.C.”, bà nói.

Bà lập luận rằng người gốc Việt phải từng bước thắng ở cấp thành phố, hạt, tiểu bang thì mới leo dần lên cấp liên bang. “Khi đó, cộng đồng gốc Việt mới có tiếng nói, mới có tác động lên chính sách đối với Việt Nam”, bà nhận định.

“Thủy xin rằng mọi người hãy bỏ chữ R (Cộng hòa) hay chữ D (Dân chủ) đi. Cộng đồng người Việt phải thương người Việt”.

“Tại sao người Việt mình lại phải chia rẽ? Ủng hộ cộng đồng cao hơn tính đảng phái chứ?”, bà nói thêm.

Bà kêu gọi cộng đồng Việt Nam ‘đừng chụp mũ người này hay người kia là thân Cộng’, ‘đừng nghe những luận điệu trên mạng xã hội’ và ‘đừng ép buộc người trẻ phải theo Cộng hòa’.

Về lý do bản thân bà và những người trẻ gốc Việt khác ra tranh đấu dưới màu áo Dân chủ, bà cho biết: “Y tế, nợ nần nhà cửa, nợ nần sinh viên ai ủng hộ người Việt mình? Có nhiều người Việt vì chiến tranh mà cho rằng đảng này đảng kia ủng hộ cộng sản, trong khi cái mình nên chú ý là đảng nào ủng hộ mình ở hiện tại chứ đừng nhìn về quá khứ nữa”.

‘Người Việt hy sinh cho con cái’

Khi được hỏi về lý do thành công trong kỳ bầu cử lần này của năm người trẻ gốc Việt, bà Thủy nói đó là do người Việt ‘hy sinh tất cả cho con cái có cuộc sống tốt đẹp hơn’.

“Nhờ vào sự hy sinh của ba má, ông bà, cô chú mà mình được lo cho học hành đến nơi đến chốn, được nên người để lúc này mình có thể bước ra khỏi những lo âu trong cuộc sống mỗi ngày để lo cho cộng đồng”, bà lý giải.

Bà chỉ ra sự đa dạng của năm vị dân biểu gốc Việt: bản thân bà là bác sỹ nhãn khoa, Hai Pham là nha sỹ, Daniel Nguyen mở nhà hàng, Hoa Nguyen làm trong ngành giáo dục còn Khanh Pham làm trong một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường.

“Năm người chúng tôi là năm đường đi khác nhau, nhưng giống nhau ở chỗ chúng tôi đều có tình thương của gia đình”, bà nói.

“Nếu cộng đồng Mễ, cộng đồng da đen cũng tận tụy với con cái như vậy thì họ cũng sẽ thành công như cộng đồng Việt Nam”, bà nói thêm.

Bà cho rằng các ứng cử viên gốc Việt muốn vươn lên trong đời sống chính trị Mỹ thì ‘phải vượt ra khỏi cộng đồng Việt Nam’ và ‘tranh thủ được sự ủng hộ của các sắc dân khác’.

Bà chỉ ra rằng cuộc đua vào Hạ viện bang của bà chỉ diễn ra ở phạm vi một địa hạt cho dân biểu tiểu bang với số dân không đông. “Nếu ra tranh cử vào Quốc hội liên bang thì cần phải vận động trong bao nhiêu địa hạt như vậy?” bà đặt vấn đề, và cho rằng các ứng cử viên gốc Việt phải bỏ rất nhiều công sức để xây dựng cơ sở (base building), trước khi vươn đến cấp liên bang.

Khi được hỏi lý do dấn thân vào con đường chính trị, bà Thủy nói bà muốn tiếp tục con đường giúp đỡ mọi người như ba má bà đã dạy cho bà từ nhỏ.

“Mình đã từng tham gia Hội Sư tử ở Oregon để giúp những người không thể mua mắt kính hay thiết bị trợ thính, vào quân ngũ để giúp đất nước, đi tình nguyện ở các cơ sở y tế, nhân đạo để giúp đỡ người dân, bây giờ mình vào Hạ viện bang chỉ là con đường để tiếp tục giúp đỡ người dân thôi”, bà giải thích.


Happy Thanksgiving! Lời Cám Ơn Muộn Màng!

(Việt Phương)


Tôi đặt chân đến phi trường Dallas/ Fort Worth vào cuối thu. Cái lạnh khiến tôi tỉnh táo người hơn, khi buổi sáng phải bị thức dậy sớm ở Los Angeles để kịp chuyến bay về Dallas như trong lịch trình. Thành phố Dallas nhìn từ trên cao khi trời đang ren rén vào đông, thật buồn. Những thảm cỏ ngút ngàn đã đổi thành màu da bò trông lành lạnh.

Ra đón tôi là người anh cả cùng chị dâu tôi. Anh chị trẻ và đẹp hơn những tấm hình đã gửi về. Trong cái dè dặt ôm anh, tôi thấy cả một bầu trời yêu thương. May quá, tôi không đến nỗi bơ vơ trên xứ người.

Tuần lễ đầu tiên, anh tôi tập cho tôi lái xe, đi thi lấy bằng viết, rồi bằng lái. Tôi còn trẻ nên việc "tiếp thu" cũng không đến nỗi chậm chạp. Sau một tuần là tôi đã có được bằng lái xe tạm để đi làm. Anh chị tôi cho tôi mượn chiếc xe Oldsmobile đời 1975 màu hoàng đồng, cũ và thô kệch như một chiếc xe tăng. Anh tôi dẫn tôi xin việc trong một hãng tiện. Tôi được nhận vào làm ngay. Hôm sau, một mình tôi lái xe đi làm. Vì ra lộn exit, bị lạc đến nửa ngày. Rồi lại mò về nhà. Lạc đường muốn khóc. Tôi ngồi trên xe mà như ngồi trên ổ kiến lửa. Tôi chạy vòng quanh. Trời ơi, đường xá gì mà như màng nhện. Xe cộ chạy ào ào như thác lũ. Kinh hãi quá! Tôi lại bị cuốn trong dòng thác ấy, không biết đường nào ra. Về tới nhà. Anh tôi an ủi tôi. Chú chạy được về nhà là giỏi lắm rồi. Ngày hôm sau, đích thân anh dẫn tôi vào nói chuyện với superintendent, xin cho tôi được tiếp tục làm việc.

Bắt đầu mùa học, anh tôi dẫn tôi vào trường làm thủ tục ghi danh. Anh chỉ cho tôi môn học nào cần lấy trước. Những bước đầu tiên chập chững ấy, đều có anh tôi nâng đỡ, lo lắng. Anh như người cha. Bởi anh là anh cả, trong khi tôi thua anh đúng 10 tuổi và ở vào hàng thứ năm. Anh nghiêm trang, ít đùa giỡn; hơn nữa khoảng cách tuổi tác khiến tôi không gần gũi anh như một người bạn. Có thể tâm sự với anh những điều tôi suy nghĩ trong đầu. Tuy nhiên, tình cảm anh dành cho các em và gia đình lúc nào cũng tràn đầy, lai láng. Chúng tôi hiểu điều ấy. Tôn trọng, và yêu thương anh cũng từ điều ấy.

Mùa lễ Thanksgiving đầu tiên, tôi được hãng thưởng cho một con gà tây nặng cỡ 20 lbs. Tôi hớn hở mang con gà tây về nhà. Anh tôi cười:

"Con gà tây nặng sấp sỉ bằng chú rồi đó."
Tôi cười, vì mới từ đảo qua, vẫn còn da bọc xương:
"Không biết mình làm gì với con gà bự khủng khiếp này?"
"Chú đừng lo. Anh sẽ chế biến ra món ngon chú chưa từng được ăn bao giờ."

Thế là tôi giúp anh tôi "xả đá" con gà. Trước tiên, anh bảo tôi bỏ gà vào trong nước lạnh, cứ 30 phút là thay nước một lần cho đến khi gà rả hết đá, da thịt đã mềm. Rồi anh ngâm gà trong nước muối, để cách đêm.

Hôm sau, anh mang gà ra khỏi tủ lạnh, anh bóp gà với ít muối tiêu, sau đó anh lấy cọ phết nước bơ chung quanh con gà, anh nói làm cách này da gà sẽ trở thành màu vàng nâu rất đẹp sau khi nướng. Anh lấy chanh cắt thành tám cho vào bụng gà, và sau đó cho thêm gia vị ground spices chà sát vào da gà. Anh gọi đó là massage cho thịt gà được mềm. Anh đổ 2 cups nước cốt gà vào khay, xong đặt gà vào, anh để con gà nằm ngửa. Tênh hênh. Trần truồng. Đút gà vào oven, anh vặn lửa lên 350 độ F, mỗi 45 phút, anh mang gà ra khỏi lò nướng, lấy nước juices từ gà tiết ra dội lại khắp hết con gà cho đều, rồi bỏ vào nướng tiếp. 45 phút sau cùng anh mang gà ra lần cuối, bôi thêm bơ đã được làm tan chảy vào thân gà một lần nữa. Lần này anh nói để da gà giòn hơn, và sẽ đổi thành màu golden brown rất đẹp và hấp dẫn. Anh nướng gà tới 4 tiếng đồng hồ, thật công phu. Anh lấy cây nhiệt độ kế đâm vào ức gà để đo nhiệt độ. Khi thấy nhiệt độ thân gà cỡ 165 độ F, anh bảo gà đã chín rồi. Anh mang gà ra khỏi lò nướng, Cầm gà chúc xuống, cho nước trong con gà chảy ra hết xuống khay, anh dùng nước gà này để làm nước sốt (gravy) ăn với khoai tây nghiền. Sau đó, anh đặt con gà vào một khay khác, lấy aluminum foil bọc lại.

Đêm Thanksgiving năm ấy. Trên bàn đã được chị dâu bày biện mỹ thuật: nào là khoai tây nghiền trắng với nước gravy nâu lóng lánh chút bơ và mỡ gà tây, nào là mứt cranberry đỏ tươi trên đĩa men sứ trắng, rồi bánh bí đỏ, bánh mì Pháp, chính giữa là con gà tây màu da vàng rượm nằm khiêu khích tuyến nước miếng của tôi. Tất cả những món ăn trước đó tôi chưa bao giờ được dùng tới. Chị dâu tôi còn cẩn thận làm thêm mấy món Việt Nam cho tôi nhỡ tôi ăn không được thức ăn Mỹ. Tôi nghĩ tới đồng bào ở Việt Nam lúc bấy giờ đang sống trong giai đoạn "quá độ", vẫn còn ăn cơm độn khoai mỗi ngày. Tôi nói với anh tôi:

"Lãng phí quá. Chỉ một con gà và bàn tiệc như thế này ở Việt Nam làm đám giỗ, chắc ăn tới cả làng."

Ba chúng tôi cùng cười vui vẻ. Vâng, chỉ ba người chúng tôi cũng có được một đêm thật ấm cúng gia đình bên con gà tây vàng rượm, nhớ đời.

Để tiện cho công việc học hành, tôi dọn vào ở chung với các bạn cùng trường. Tôi không còn ở với anh chị tôi nữa. Nhưng cứ đến mỗi Thanksgiving, tôi lại nhớ đến anh tôi, đến con gà tây anh làm cho tôi dạo nào.

Ngày tháng cứ vun vút trôi. Anh em chúng tôi không gặp nhau thường xuyên lắm, nhưng trong tâm tôi, anh lúc nào cũng chiếm một vị trí quan trọng. Tôi chưa bao giờ nói với anh tiếng cảm ơn mà nước Mỹ đã dạy cho tôi trên đầu môi. Tại sao hai chữ Thank you tôi nói quá dễ dàng trong mỗi xã giao hàng ngày. Nhưng đối với anh tôi, hai chữ cảm ơn lại khó thoát ra khỏi cổ họng đến dường ấy. Với tôi, hai chữ cảm ơn như một sáo ngữ khi nói với anh tôi. Tôi thương anh tôi, nó nằm ở trong tim tôi, chứ không phải ở đầu môi. Tôi nghĩ thế. Nhưng liệu anh tôi có biết là tôi thương anh tôi đến chừng nào?

Những cuốn Tuổi Hoa, Thằng Bờm anh đã mua cho tôi từ dạo bé, tôi không bao giờ quên. Những cuốn sách đã dẫn tôi tập tễnh bước vào thế giới văn chương, trong đó công anh hai tôi không phải là nhỏ. Thế nhưng tôi chưa bao giờ nói với anh hai tiếng cảm ơn. Tôi coi như đó là bổn phận của anh tôi.

Ngày anh hai báo cho tôi biết anh bị ung thư lá lách, tôi không thể nào tin được. Nhìn anh vẫn còn mạnh khỏe, da dẻ vẫn hồng hào. Tôi hy vọng đó chỉ là giả thuyết của bác sĩ mà thôi. Rồi anh đi mổ. Tôi đến bệnh viện thăm anh, anh nói với tôi giọng rất lạc quan:

"May quá, bác sĩ phát hiện sớm, nên cục u đã được cắt bỏ."

Và, tôi tin anh. Tôi tin bác sĩ. Cục u đã được cắt bỏ. Không thấy phát triển thêm. Anh xuất viện, an tâm đi làm lại. Nhưng sự thật không dễ dàng như thế. Vài tháng sau lại nghe tin anh phải chấp nhận làm Chemotherapy. Tóc anh đã bắt đầu rụng, da anh không còn hồng hào như xưa. Nhưng anh vẫn lạc quan. Không sao cả. Tình hình không trở nên tồi tệ đâu chú ạ. Đó là lời anh an ủi tôi, thay vì tôi phải nói với anh.

*
Tôi nghe anh ngày mai phải đi bệnh viện để mổ, liền gọi cho anh. Anh nói chú đừng lo. Chỉ đến để cắt cục u nhỏ như trước thôi, đây là tiểu phẫu, không thành vấn đề đâu. Tôi nghe xong thở phào nhẹ nhõm. Anh làm em lo quá. Không sao đâu chú, ngày mai chú không cần đến bệnh viện đâu. Cứ đi làm như thường lệ nhé. Bác sĩ bảo bệnh tình anh đã được ổn định, có thể sống thêm nhiều năm nữa. Anh cười. Tiếng cười anh vẫn rõ đầu dây, không có dấu hiệu mệt mỏi. Tôi yên tâm gác máy.

Hôm sau, chị dâu tôi hốt hoảng gọi tôi. Tôi vội vàng phóng xe vào bệnh viện. Anh tôi đang nằm trong phòng cấp cứu. Tôi nói chuyện với bác sĩ. Anh tôi trong lúc giải phẫu, đã bị vỡ mạch máu. Máu chảy ngược lên não làm não bị hư hại trầm trọng. Tôi nói đây không phải là cuộc giải phẫu lớn, chỉ cắt bỏ cục u như đã làm lần trước, thế thôi. Sao lại để sự việc xảy ra như thế này? Bác sĩ bảo "chúng tôi" đã theo đúng "procedure". Rồi làm ra vẻ bận rộn, ông quay lưng, vội vã bước đi.

Tôi đứng bên giường bệnh. Anh tôi nằm mang ống dưỡng khí. Tôi nghĩ anh tôi đang chiến đấu với cơn đau dữ dội. Bác sĩ bảo luật Texas, không được tháo ống dưỡng khí nếu bệnh nhân còn một chút hơi thở. Tôi nhìn anh, đau đớn. Không nói nên lời. Chết lặng.

Rồi anh trút hơi thở cuối cùng. Trước khi anh đi, tôi không hiểu sao, một người nằm bất động đã mấy ngày, bỗng nhiên giơ tay cao, nắm lấy bàn tay tôi rất chặt. Anh có rất nhiều điều muốn nói với tôi. Cái nắm tay của anh. Như luồng điện chạy qua tay tôi, dẫn vào tim, làm tim tôi co thắt. Tê liệt. Cái nắm tay truyền ngàn lời muốn nói. Tôi hiểu. Tôi cam đoan tôi hiểu anh muốn nói điều gì. Tôi khóc như mưa. Bàn tay anh xiết chặt. Bàn tay làm nhói đau tim tôi. Rồi tay anh nới lỏng ra. Rơi xuống giường. Tuyệt vọng. Tôi khóc. Tôi vẫn chưa có cơ hội nói hai tiếng cảm ơn với anh.

Tối hôm đó, tôi và hai người chị ruột của tôi (một người từ Hòa Lan sang, và một người theo chồng sang Mỹ diện H.O.) được một bác sĩ trực mời vào phòng riêng. Ông bảo nhỏ, đây là sơ suất của bác sĩ trong lúc giải phẫu. Tôi bàn với hai chị tôi, nên làm sáng tỏ vấn đề. Nhưng hai chị tôi cản. Hãy để cho anh ấy ra đi bình an. Mấy người đồng nghiệp Mỹ trong sở tôi (có người đã từng tham chiến ở Việt Nam) cũng khuyên tôi nên "kiện" bệnh viện. Hơn nữa, chính phủ Hoa Kỳ đã nói họ chịu trách nhiệm về những di hại của chất độc da cam mà họ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Chị tôi bảo người chết thì hết. Đừng làm anh tôi phải chết thêm lần nữa, về những cuộc khảo nghiệm không cần thiết. Hãy để cho anh thanh thản ra đi.

Ngày đưa tiễn anh đi, tôi đọc điếu văn. Không hiểu sao, trong bài điếu văn ấy cũng không có hai tiếng cảm ơn anh.
*
Mùa Lễ Tạ Ơn, đối với tôi có những ý nghĩa thật sâu sắc. Từ món gà tây đút lò anh tôi đã dạy cho tôi. Và bữa tiệc Tạ Ơn đầu tiên trên đất Hoa Kỳ, bên người anh vì cuộc chiến đã không được chung sống cùng nhau 14 năm, từ năm 1968. Khi anh ở lại Huế một mình. Rồi lại qua Mỹ một mình sau biến cố 1975.

Lễ Tạ Ơn đối với người Việt tị nạn cũng là lễ Tạ Ơn Chúa Trời đã cho chúng ta được sống sót trên những chiếc thuyền mỏng manh để đến xứ sở này. Như ngày xưa, ở những năm đầu thế kỷ 17 (tháng 11, 1620). Người dân Pilgrims vì bảo vệ tôn giáo đã vượt thoát từ Anh Quốc trên đường đi tìm Tân Thế Giới. Họ đến bãi Cape Cod nay thuộc tiểu bang Massachusetts bằng chiếc thuyền Mayflower. Mùa đông năm ấy, vì không chịu đựng được cái giá lạnh trên xứ lạ, một nửa số người trên chiếc thuyền Mayflower đã chết. Họ được Thổ dân da đỏ dạy cho cách săn bắn, trồng trọt. Và đúng một năm sau, gặt hái được mùa, họ mời Thổ dân da đỏ đến và tổ chức lễ Tạ Ơn đầu tiên năm 1621. Chúng ta được thừa hưởng một ngày lễ thật ý nghĩa của dân tộc Pilgrims.

Cảm ơn dân tộc Pilgrims. Cảm ơn Thổ dân da đỏ. Cảm ơn bố mẹ đã sinh ra, nuôi lớn và dạy dỗ yêu thương tôi. Cảm ơn bạn bè, thầy cô. Cảm ơn Việt Nam, đất nước tôi đã được sinh ra. Cảm ơn anh chị em đã cùng tôi lớn lên trong một gia đình đông đúc. Cảm ơn anh tôi đã bảo trợ cho tôi qua Mỹ từ trại tị nạn Hongkong, dắt tôi đến trường khi tôi ngu ngơ như cậu bé của Thanh Tịnh trong sách giáo khoa ngày xưa. Cảm ơn chị dâu tôi đã cho tôi sống trong gia đình chị những tháng ngày mới đến Mỹ định cư. Cảm ơn chị đã san sẻ tình thương của anh cho tôi. Cảm ơn anh hai, chị ba tôi đã cùng tôi vượt qua đau khổ bên này đại dương, khi nghe tin bố tôi mất ở quê nhà. Cảm ơn hai người chị của tôi đã có mặt cùng tôi, chia sẻ đau buồn trong những ngày anh hai tôi hấp hối ở bệnh viện. Cảm ơn vợ con đã ở cạnh kề mỗi ngày, cho tôi mái ấm gia đình và những nụ cười hạnh phúc. Cảm ơn những người bạn cùng sở dù đôi lúc có những đấu tranh ngấm ngầm vì miếng cơm. Cảm ơn đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang, đã cho tôi tiền học phí để tiếp tục học hành. Cảm ơn đồng bào Việt Nam đã cùng chung tiếng nói. Cảm ơn những người bản xứ chung quanh đã sống tử tế với tôi.

Đây không phải là ngày lễ Tạ ơn của bất cứ tôn giáo hay tín ngưỡng nào. Nó đã trở thành ngày lễ Tạ Ơn chung cho tất cả mọi người ở Mỹ và Canada (dù khác ngày). Tôi hy vọng đây sẽ là một ngày Lễ Tạ Ơn cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Cùng đến với nhau một ngày. Môt ngày gần nhau như con chuột và bàn phím cùng thế giới cận kề yêu thương, hòa bình trên mỗi monitor. Chúng ta có quá nhiều bài học yêu thương. Hãy học để biết yêu thương người khác. Sống tử tế với người khác. Chỉ có trái tim hòa ái, mới có thể sống tử tế với mình và với người.

Tôi là người Phật giáo, mùa lễ Tạ Ơn, tôi lại nhớ đến câu chuyện:

Một người nghèo hỏi Đức Phật:
"Tại sao con nghèo như thế?"
Phật nói:
"Vì con chưa học được cách bố thí cho người khác."
Người ấy nói:
"Con không có thứ gì cả, thì lấy gì con bố thí."

Đức Phật dạy:

"Cho dù con hoàn toàn không có cái gì, con vẫn có thể thực hiện bố thí 7 điều này":
1. Nhan thí - Bố thí nụ cười.
2. Ngôn thí - Bố thí ái ngữ, nói lời hay.
3. Tâm thí - Bố thí tâm hòa ái, lòng biết ơn.
4. Nhãn thí - Bố thí ánh mắt nhìn thẳng hiền từ.
5. Thân thí - Bố thí hành động nhân ái.
6. Tọa thí - Bố thí nhường chỗ cho người cần.
7. Phòng thí - Bố thí lòng bao dung.

Tôi, lòng trần, mắt thịt. Học và thực hành được 7 điều trên không phải là chuyện dễ. Nhưng trước mắt. Tôi nhủ lòng. Hãy đối xử tốt với người bên cạnh mình. Hãy nói cảm ơn trước khi mọi việc đã quá muộn màng.

Mùa Lễ Tạ Ơn năm nay, tôi viết bài này như một lời cảm ơn mà tôi đã "nợ" của anh tôi. Lời cảm ơn chưa nói như thứ mặc cảm tội lỗi đã theo tôi một chặng đường dài gần 20 năm, từ khi anh mất. Cảm ơn anh. Anh hai của em. Tôi biết anh tôi không cần tôi cảm ơn. Nhưng lần này tôi vẫn nói. Xin lỗi anh vì lời cảm ơn đã quá muộn màng.

Thói Quen Trong Đời Sống Sau Mùa Dịch Đã Thay Đổi: Black Friday, Sau Lễ Tạ Ơn, Lượng khách thưa thớt, nhưng mua sắm trực tuyến Thì lại tăng vọt kỷ lục!

(Tom Ozimek/ Nguyễn Lê dịch)
Các đám đông nhỏ những người mua sắm mệt mỏi với lạm phát đã tìm kiếm các món hời vào ngày Black Friday, với lưu lượng người qua lại thưa thớt tại nhiều trung tâm thương mại trên khắp đất nước khi người Mỹ đổ xô mua hàng trực tuyến, nơi họ đã chi số tiền kỷ lục 9.12 tỷ USD.


(Hình: Một người phụ nữ đi ngang qua các biển quảng cáo giảm giá vào ngày Black Friday ở quận Manhattan của New York, vào ngày 26/11/2021.)

Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, khoảng 166 triệu người đã lên kế hoạch mua sắm từ ngày Lễ Tạ Ơn hôm thứ Năm (24/11) cho đến ngày “Cyber Monday” sắp tới, nhiều hơn gần 8 triệu người so với năm ngoái.

Nhưng nhiều cửa hàng thực ít bận rộn hơn thường lệ vào Black Friday, với mưa rải rác ở các vùng của đất nước khiến mọi người không muốn ra ngoài, trong khi một số người mua sắm cho biết họ chú ý nhiều hơn đến chi tiêu của mình, mua hàng có mục tiêu hơn là mua hàng bốc đồng.

“Chúng tôi đã chờ đợi” để được giảm giá, anh Tulio Rose, 28 tuổi, người đã chọn một chiếc TV màn hình lớn tại một cửa hàng Best Buy ở Los Angeles, tiết kiệm khoảng 500 USD khi mua hàng.

Một người phụ nữ đi ngang qua các biển quảng cáo giảm giá vào ngày Black Friday ở quận Manhattan của New York, vào ngày 26/11/2021. (Ảnh: Jeenah Moon/File Photo/Reuters)

Không giống như một số năm trước, không có hàng người xếp hàng chờ đợi vào ngày Black Friday bên ngoài trung tâm thương mại American Dream ở East Rutherford, New Jersey.

“Thông thường vào thời điểm này trong năm, quý vị hay gặp khó khăn trong việc tìm chỗ đậu xe. Năm nay tôi không gặp vấn đề gì trong việc tìm chỗ đậu xe,” ông Marshal Cohen, trưởng cố vấn ngành của NPD Group Inc., nói với Reuters.

“Có rất nhiều hoạt động mua sắm xã hội, mọi người chỉ tìm kiếm thứ họ cần. Không có cảm giác cấp bách,” ông Cohen nói thêm, dựa trên việc kiểm tra cửa hàng của ông ở New York, New Jersey, Maryland và Virginia.

Tuy nhiên, tại một số trung tâm mua sắm, lưu lượng người đến năm nay cao hơn năm ngoái, một số giám đốc điều hành cho biết.

Giám đốc điều hành của Macy, ông Jeff Gennette, cho biết lưu lượng người vào ngày Black Friday “cao hơn đáng kể” so với hai năm trước vì người mua sắm cảm thấy thoải mái hơn khi ở trong đám đông.

Theo bà Jill Renslow, phó chủ tịch điều hành phát triển kinh doanh của trung tâm mua sắm, lưu lượng khách hàng cũng cao hơn so với năm ngoái tại Mall of America ở Bloomington, Minnesota.

Nhưng trong khi lượng người qua lại thưa thớt ở nhiều nơi trên cả nước, thì doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng lên mức cao kỷ lục.

Chi tiêu trực tuyến tăng vọt

Chi tiêu trực tuyến đã tăng 2.3% vào ngày Black Friday, bộ phận chuyên về dữ liệu và thông tin chi tiết của Adobe Inc., Adobe Analytics cho biết, với việc người mua sắm chi tiêu mức kỷ lục 9.12 tỷ USD tại các cửa hàng trực tuyến.

Xu hướng mua sắm năm nay trái ngược với một năm trước khi người tiêu dùng mua sớm vì sợ không mua được thứ họ cần do chuỗi cung ứng bị gián đoạn dẫn đến tình trạng thiếu hụt. Năm nay, dư thừa hàng tồn kho dẫn đến giảm giá sâu hơn.

Vào ngày Lễ Tạ Ơn, tỷ lệ chiết khấu trung bình ở Hoa Kỳ trên tất cả các danh mục trực tuyến là 31%, tăng từ 27% của năm trước, theo dữ liệu của Salesforce.

Cuối tuần dịp Black Friday kéo dài năm ngày, bao gồm cả Cyber Monday, được các nhà phân tích xem như một phong vũ biểu quan trọng về sức mua của người tiêu dùng.

Khoảng thời gian giữa Lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh thường chiếm khoảng 20% doanh số bán lẻ.

Chi tiêu của người tiêu dùng là động lực chính của nền kinh tế Hoa Kỳ, chiếm khoảng 2/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Thu Trên 5 Tỉ! Doanh số mua hàng online đạt kỷ lục ngày lễ Tạ Ơn!

– Kỷ lục mua sắm ngày lễ Tạ Ơn ở Mỹ thiết lập cột mốc mới, với doanh số $5.29 tỷ mua sắm trực tuyến hôm Thứ Năm, 24 Tháng Mười Một, theo UPI.

Doanh số này cao hơn 2.9% so với năm ngoái. Theo dữ liệu từ Adobe, người mua ở Mỹ thường chi ra khoảng $2 tỷ đến $3 tỷ mỗi ngày để mua sắm trực tuyến.


(Hình: Khách hàng mua sắm thời gian lễ Tạ Ơn.)

Mua sắm bằng điện thoại thông minh chiếm 55% doanh số bán hàng trực tuyến, là con số cao nhất kể từ lễ Tạ Ơn năm 2012.

Ông Vivek Pandya, một nhà phân tích hàng đầu ở Adobe, cho biết doanh số gia tăng do nhu cầu của người tiêu dùng gia tăng, bất chấp mức lạm phát cao kỷ lục.

Ông phân tích rằng doanh số bán hàng trực tuyến không bị lạm phát đẩy lên cao như doanh số tại các cửa tiệm, vì mua sắm trên mạng phần lớn là đồ điện tử, quần áo và các mặt hàng lâu bền khác. Chúng có giá ổn định hơn các món hàng tạp hóa.

Ông chia sẻ: “Trong tình hình khó khăn về kinh tế vĩ mô và bối cảnh mùa lễ hội sắp tới, câu hỏi lớn được đặt ra là ‘Liệu giảm giá có đủ sức lôi kéo người tiêu dùng như những gì diễn ra trong năm ngoái hay không?’”

Theo Adobe, những ngày mua sắm nhộn nhịp vẫn còn đang ở phía trước. Dự kiến doanh số của Black Friday là $9 tỷ, còn của Cyber Monday là $11.2 tỷ.

Những món đồ chơi được bán nhiều nhất hiện nay là Squishmallows, Roblox, Paw Patrol, Hot Wheels, Cocomelon và L.O.L. Surprise Dolls. Còn đứng đầu lãnh vực máy chơi game là Nintendo Switch, the Xbox Series X, và PlayStation 5.


Gương Ban Ơn Số Một! Tỷ phú Warren Buffett tặng cho 4 cơ quan từ thiện $750 triệu dịp lễ Tạ Ơn!

– Tỷ phú Warren Buffett cho hơn $750 triệu dưới dạng cổ phiếu công ty Berkshire Hathaway cho bốn tổ chức từ thiện có liên quan đến gia đình ông vào dịp lễ Tạ Ơn, cho rằng hành động này là lời cảm ơn của ông gửi đến các con của mình vì đã làm việc nghĩa, theo CNBC đưa tin hôm Thứ Sáu, 25 Tháng Mười Một.

“Tôi rất tự hào về các con của mình,” ông Buffett chia sẻ với CNBC. “Tôi cảm thấy vui vì các con hiểu rằng tôi tự hào về họ. Đây là sự ủng hộ lớn nhất mà tôi dành cho các con, và cũng là lời tuyên bố rằng các con tôi không muốn chỉ giàu có nhờ thừa kế.”


(Hình: Tỷ phú Warren Buffett (trái), tổng giám đốc công ty đầu tư Berkshire Hathaway.)

Nhà đầu tư 92 tuổi, được mệnh danh là “Tiên tri xứ Omaha” (“Oracle of Omaha”) quyên góp 1.5 triệu cổ phiếu loại B của công ty mình cho tổ chức Susan Thompson Buffett Foundation, được đặt tên theo người vợ đầu tiên của ông.

Ba tổ chức khác được các con của ông điều hành, bao gồm Sherwood Foundation, Howard G. Buffett Foundation và NoVo Foundation, đều nhận được 300,000 cổ phiếu loại B.
Riêng lần này, ông không quyên góp cho tổ chức Bill & Melinda Gates Foundation.

Ông Buffett hứa sẽ dần trao đi toàn bộ tài sản của mình, và kể từ năm 2006, ông thường xuyên quyên góp cho năm tổ chức từ thiện trên.

Vào Tháng Sáu, ông góp 11 triệu cổ phiếu loại B cho tổ chức Bill & Melinda Gates Foundation, 1.1 triệu cổ phiếu loại B cho Susan Thompson Buffett Foundation, và 770,218 cổ phiếu cho mỗi tổ chức được ba người con của ông quản trị.


Bài Vở Nhận Định Tình Hình:

“Tình Báo Nhân Dân” Giúp Ukraine Làm Nên Chiến Thắng Vang Đội Kherson!

(Thụy My)

Đóng góp của người dân trong trận chiến giành lại Kherson, Ukraine. Đó là một trong những chủ đề được báo chí Pháp ngày hôm nay 24/11/2022, đề cập tới. Trong thời gian bị Nga chiếm đóng, bất kể hiểm nguy, những người dân thường đã cung cấp thông tin về các vị trí của địch. Nhờ đó, rất nhiều trại lính, kho đạn, xe tăng, pháo...của quân Nga đã bị phá hủy. Ngày Kherson giải phóng, một vị tướng Ukraine đã đến tận nhà cảm ơn những “điệp viên” tình nguyện.

Tựa chính của Libération hôm 24/11 tập trung cho cuộc điều tra về các trường dạy nghề lợi dụng chính sách của Nhà nước, Le Figaro đề cập đến tranh cãi về dự luật cấm đấu bò do phe cực tả đề nghị. Le Monde lưu ý “Trung Quốc bị cầm tù bởi chính sách zero Covid của mình”, Les Echos chạy tựa trang nhất “iPhone, nạn nhân của zero Covid Trung Quốc”. Ở các trang trong, chiến tranh Ukraine và World Cup chiếm lượng bài vở nhiều nhất.

Thông Tin Quý Giá Giúp Pháo Binh Tiêu Diệt Quân Nga

Về Ukraine, đặc phái viên Le Monde nhấn mạnh đến “Vai trò chính yếu của những người ủng hộ ở Kherson”: Trong thời gian bị quân Nga chiếm đóng, những người dân thường đã cung cấp thông tin về các vị trí của quân địch.

Đó là một trong những phương diện còn chìm khuất của cuộc chiến tranh ở Ukraine. Nhưng theo các sĩ quan mà báo Pháp tiếp xúc trong những tháng gần đây, các hoạt động âm thầm trong vùng tạm chiếm là một phần đáng kể của cuộc kháng chiến. Tướng Dmytro Marchenko cho biết giữa “các chiến sĩ đặc nhiệm xâm nhập, hành động theo mệnh lệnh” và “những người dân bình thường trở thành cảm tình viên, chuyển thông tin” cho quân đội Ukraine, hoạt động bí mật đã “tác động rất nhiều đến trận đánh” và là “trung tâm của chiến thắng” Kherson. Từ sở chỉ huy ở Mykolaiv, ông điều phối các hoạt động du kích tại miền nam Ukraine.

Ban tham mưu, trại lính, kho đạn, xe tăng... của quân Nga thường xuyên bị trúng pháo, thiệt hại nặng nề khiến nhiều lần phải kéo nhau rút chạy. Tướng Marchenko khẳng định vai trò của những người ủng hộ và tình báo nhân dân “rất quan trọng”. Theo ông, “3 sở chỉ huy có sự hiện diện của các tướng Nga” đã bị tiêu diệt nhờ thông tin từ người dân. “Và điều này cho người Nga thấy họ có thể xâm lăng một lãnh thổ nhưng không thể kiểm soát được, vì dân chúng đứng về phía Ukraine”.

Một nông dân 23 tuổi ở Kherson, Oleksei Chechine, là một trong những người tích cực nhất trong tám tháng rưỡi bị chiếm đóng. Khi Nga khởi đầu cuộc xâm lược hôm 24/2, như hàng trăm ngàn thanh niên khác, Oleksei xin nhập ngũ nhưng bị từ chối trong đợt đầu vì chưa hề cầm súng. Trở về ngôi làng Chyroka Balka với hơn một chục người bạn, họ lập ra một đội dân quân tự vệ. Hai tuần sau, khi Nga bắt đầu chế độ quân quản, một số di tản cùng với gia đình, Oleksei và người em Roman cùng vài “đồng chí” ở lại. Họ tận dụng một drone của trường làng và bắt đầu quan sát các chuyển động của quân Nga.

Tướng Ukraine Đến Tận Nhà Cảm Ơn Từng “Tình Báo Viên” Dũng Cảm

Là những nông dân thực thụ, họ biết rõ từng cánh đồng, từng con đường mòn. Khi thấy một đoàn xe tăng Nga, dễ dàng đoán được chúng sẽ đi theo đường nào, bao giờ sẽ đến ngã tư nọ.... Ban đầu nhóm bạn gởi thông tin cho bạn bè, người thân trong quân ngũ, nhưng việc truyền tin thường mất thời gian. Sở chỉ huy của tướng Marchenko và đặc nhiệm hướng dẫn họ dùng Telegram, các vị trí quân Nga được trung tâm nhận trực tiếp và tin nhắn tự hủy ngay.

Một trong những thành tích của nhóm là việc phát hiện khoảng 50 xe tăng, xe quân sự và các khẩu pháo tập trung gần làng Pravdyne, nhiều khí tài sau đó bị tiêu diệt. Oleksei giải thích, hoặc họ vờ sử dụng máy gặt ở gần đó, hoặc bí mật cho drone ghi hình rồi nhanh chóng trở về nhà. Quân Nga tưởng rằng bị vệ tinh nước ngoài hay drone quân sự của Ukraine phát hiện, chứ không nghĩ do nông dân bình thường. Khi mùa gặt kết thúc, nhóm của anh trinh sát ban đêm với kính hồng ngoại.

Tuy nhiên vài tháng sau quân Nga bắt đầu nghi ngờ, lập hệ thống phá sóng. Các “thám tử” phải tiến sát tiền tuyến để bắt sóng của Ukraine. Số doanh trại, kho đạn, xe bọc thép bị phá hủy nhiều đến nỗi quân đội Nga bắt đầu lùng sục, bắt bớ nhiều người trong làng. Một số không chịu được tra tấn đã khai và mất tích, riêng nhóm của Oleksei vẫn kiên cường, Nga không tìm được bằng chứng, vả lại các thanh niên này chưa bao giờ đi lính nên được thả.

Oleksei bị bắt 8 lần, bị tra tấn 4 lần. Đến cuối tháng Chín, sợ rằng sẽ không thoát nếu bị bắt lần thứ 9, cả nhóm quyết định trốn khỏi vùng chiếm đóng bằng cách đi xuyên qua tiền tuyến ban đêm. Oleksei bị thương vì lính Nga bắn trúng chân. Ngày 11/11 Kherson được giải phóng. Trong số các sĩ quan mừng chiến thắng ở quảng trường Tự Do có tướng Dmytro Marchenko, sau đó ông đến từng nhà cảm tình viên để cám ơn. Oleksei kể lại, vẫn còn ấn tượng về một vị tướng đã bỏ công đến tận làng mình.

Quân Nga Quăng Xác Đồng Đội Vào Bãi Rác Để Thiêu Hủy

Ngược lại về phía Nga, vốn có tiếng là coi thường sinh mạng binh sĩ, Libération dẫn lời nhiều nhân chứng đã thuật lại với The Guardian, phía Nga đã quăng xác lính mình vào một bãi rác ở Kherson và đốt cháy trước khi rút khỏi thành phố. Rải rác trên mặt đất bùn lầy là những lá cờ, quân phục, nón sắt Nga. Từ tháng Tám, khi Ukraine bắt đầu phản công, bãi rác lộ thiên nằm ở một nơi hẻo lánh thuộc ngoại ô Kherson bị cấm vào. Khoảng mấy chục người dân, xuất hiện trước ống kính với tên thật, cách đây 2 tuần nhiều xe tải của Nga chở đến những bao màu đen đựng xác lính tử trận và thiêu tại đây, tạo ra những cột khói lớn và mùi thịt cháy khủng khiếp.
Bà Svitlana Viktorivna kể lại, một hôm hai vợ chồng xui xẻo đi qua nên đã bị đánh. Iryna cho biết sau mỗi lần bị Ukraine oanh tạc, quân Nga lại mang xác lính đến thiêu. Cư dân một tòa nhà đối diện bãi rác nói rằng nhiều khi thật khó thở. Olesia Kokorina sống ở tầng 8 cho biết mỗi lần khói bốc lên lại có cảm giác nôn mửa, rất đáng sợ khi ngửi thấy mùi tóc cháy, khói dày đặc đến nỗi không thấy được tòa nhà bên cạnh.

Trong một cuộc gọi bị nghe được hồi tháng Năm gần Donetsk, một lính Nga kể lại với mẹ là các tử thi chất đầy những hố tập thể sâu hai mét. “Đó không phải là nhà xác mà là bãi rác, và sau này dễ dàng nói rằng họ bị mất tích không để lại dấu vết”. The Guardian cho biết tuy không thể kiểm chứng nhưng các phóng viên Anh đã đến bãi rác này, năm ngày sau khi Kherson được giải phóng; đã hỏi chuyện từ nhân viên cho đến cư dân gần đó, tất cả đều nói như nhau. Hiện rất khó ước lượng chính xác số lính Nga đã chết kể từ đầu cuộc xâm lăng 24/02. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Shoigu khẳng định gần 6.000 lính tử trận tại Ukraine, nhưng cuối mùa hè Hoa Kỳ ước tính khoảng 80.000 quân Nga đã bị thiệt mạng hoặc bị thương.

Nhà Nước Côn Đồ Tấn Công Thường Dân Thay Vì Đọ Sức ở Chiến Trường

Cũng về Ukraine, đặc phái viên Libération cho biết “Bucha tái sinh nhẹ nhàng trong lạnh giá và những chỗ trú tạm bợ”. Tại thành phố ngoại ô Kyiv nơi quân Nga từng thảm sát 458 thường dân, người dân chuẩn bị đối phó với mùa đông. Sau khi lính Nga rút đi, hơn 1.000 căn nhà đã bị hư hại, nhiều người phải sống trong một góc vườn nhà cũ hay một căn phòng còn sót lại. Sáu mươi người dân mất nhà được tạm ngụ trong những căn nhà tiền chế nhưng không có điện. Công việc tái thiết là khổng lồ đối với chính quyền Bucha.

Trong bài xã luận “Chiến tranh mùa đông”, La Croix tố cáo Nga tấn công vào thường dân Ukraine trong mùa lạnh giá. Kyiv không còn nước sinh hoạt, Lviv không có điện. Hôm qua, quân đội Nga lại oanh kích ồ ạt vào cơ sở hạ tầng dân sự. Matxcơva không chỉ tìm cách làm yếu đi địch thủ, mà cả nhân dân Ukraine đã kháng cự lại suốt đúng 9 tháng qua. Không phải là ngẫu nhiên nếu các vụ tấn công này trùng hợp với lúc những bông tuyết đầu mùa rơi xuống. Thất bại trên chiến trường, Vladimir Putin muốn biến cái lạnh và tuyết trắng thành đồng minh để lung lạc tinh thần quân dân Ukraine.
Nhắm vào các cơ sở thiết yếu, kể cả một nhà bảo sanh và nhà dân tại các thành phố cách xa mặt trận hàng trăm cây số, Nga xử sự như một Nhà nước côn đồ. Đánh vào hậu phương, Matxcơva buộc thường dân phải trả giá cho những thất bại quân sự của mình, sự chọn lựa này không khác gì tội phạm chiến tranh. Vào lúc những quả bom rơi xuống Ukraine, Nghị Viện Âu Châu đã thông qua với đa số áp đảo một văn bản coi Nga là “Nhà nước ủng hộ khủng bố và sử dụng các biện pháp khủng bố”. Tuy nghị quyết này không làm thay đổi thế trận cuộc chiến, nhưng ít nhất đã điểm mặt chỉ tên, nói thẳng thực chất vấn đề.

Tái Chiếm Kherson, Ukraine Chuẩn Bị Trận Đánh Dniepr

Le Figaro cho biết “Sau Kherson, quân đội Ukraine chuẩn bị cho trận chiến Dniepr”. Phấn chấn với chiến thắng mới đây, Ukraine muốn vượt qua con sông rộng mênh mông này. Về mặt quân sự, không có mấy tiền lệ trong lịch sử. Tháng 8/1941, quân Đức quốc xã vượt sông dễ dàng. Hai năm sau, Hồng quân tái chiếm nhưng phải trả giá nặng nề. Bên hữu ngạn hiện do Ukraine kiểm soát cao hơn phía tả ngạn, một lợi thế tự nhiên, nhưng không đủ so với bề rộng dòng sông có nơi đến 1 kilomet, chưa kể đường sá bị hư hại nhiều.

Pháo binh Nga cộng với hệ thống hầm hào kiên cố bên kia sông, lại không còn cây cầu nào, khiến tấn công rất phức tạp. Dù ban đêm những nhóm biệt kích Ukraine vẫn gan dạ thám sát, tuy nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy sắp đổ bộ sang. Cần có pháo binh yểm trợ mạnh mẽ, nhưng ngay cả vượt đoạn sông hẹp nhất cũng không dễ. Có ý kiến cho rằng tốt nhất là tấn công trên bộ, hoặc từ Zaporijia phía trên, hoặc chiếm bán đảo Kinbourn ở phía dưới, chỗ cửa sông đổ ra Hắc Hải, để đánh ngược lên. Dù chọn phương án nào, tinh thần binh sĩ đã tăng gấp mười lần sau khi tái chiếm Kherson. Có điều những người dân vừa được giải phóng đã phải lo di tản theo yêu cầu của chính quyền để sẵn sàng cho trận đánh mới.

Đông Về! Người Dân Ukraine Khổ Sở Giữa Giá Rét, Đêm Tối, Trong Khi Nga Vẫn Dội Phi Đạn Trút Xuống Như Mưa!


(Hình: Bức ảnh cho thấy một nơi ở trung tâm thành phố Kyiv bị mất điện sau một vụ tấn công bằng phi đạn của Nga ở Kyiv, Ukraine, ngày 23/11/2022.)

Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy yêu cầu Liên Hiệp Quốc trừng phạt Nga vì các cuộc không kích nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự, sau khi hàng loạt vụ tấn công phi đạn khiến các thành phố chìm trong đêm tối giá rét trong tình trạng mất điện toàn quốc trầm trọng nhất từ trước tới nay.

Với nhiệt độ giảm xuống dưới 0 độ, nhà chức trách ngày thứ Năm ra sức khôi phục điện năng và hơi sưởi ấm. Vụ tấn công phi đạn mới nhất của Nga giết chết 10 người và khiến tất cả các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine phải ngừng hoạt động lần đầu tiên sau 40 năm.

Chính quyền khu vực ở Kyiv cho biết điện đã được khôi phục tới ba phần tư thủ đô vào sáng ngày thứ Năm và nước đã chảy trở lại ở một số khu vực. Giao thông vận tải đã tái tục trong thành phố, với xe buýt thay thế xe điện.
Nhà chức trách hi vọng sẽ khởi động lại 3 nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ do Ukraine kiểm soát vào cuối ngày.

Kể từ đầu tháng 10, Nga đã tiến hành các đợt không kích lớn khoảng một tuần một lần nhắm vào các mục tiêu năng lượng trên khắp Ukraine, mỗi lần bắn phi đạn trị giá hàng trăm triệu đô la để đánh sập lưới điện của Ukraine.

Moscow thừa nhận tấn công cơ sở hạ tầng cơ bản, nói rằng mục đích của họ là làm giảm khả năng chiến đấu của Ukraine và thúc đẩy nước này đàm phán. Kyiv nói rằng các cuộc tấn công như vậy rõ ràng là nhằm gây hại cho thường dân, và rằng đó là là tội ác chiến tranh.

“Hôm nay chỉ là một ngày, nhưng chúng tôi đã nhận được 70 phi đạn. Đó là công thức khủng bố của Nga. Tất cả đều nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của chúng tôi”, ông Zelenskyy nói qua đường truyền video tới phòng họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. “Bệnh viện, trường học, phương tiện giao thông, khu dân cư đều bị ảnh hưởng”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói việc người Ukraine chịu đau khổ là lỗi của Kyiv vì không chịu nhượng bộ theo những đòi hỏi của Moscow. Ukraine nói họ sẽ chỉ ngừng chiến đấu khi tất cả các lực lượng Nga rời đi.

Lần đầu tiên, các cuộc tấn công của Nga buộc Kyiv phải tắt ba nhà máy điện hạt nhân mà nước này vẫn kiểm soát. Nhà máy thứ tư, trên lãnh thổ do Nga chiếm giữ, cũng phải kích hoạt nguồn điện diesel dự phòng. Các quan chức đặc trách năng lượng hạt nhân nói việc mất điện có thể làm gián đoạn hệ thống làm mát và gây ra thảm họa nguyên tử.

“Có nguy cơ thực sự xảy ra một thảm họa hạt nhân và phóng xạ do việc bắn phi đạn hành trình và phi đạn-đạn đạo của Nga trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine”, Petro Kotin, người đứng đầu cơ quan năng lượng hạt nhân Energoatom của Ukraine nói.

“Nga phải chịu trách nhiệm về tội ác đáng hổ thẹn này”.

Chính quyền Ukraine cho biết ba khu chung cư đã bị tấn công hôm thứ Tư, khiến 10 người thiệt mạng.

Moscow đã chuyển sang chiến thuật tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine ngay cả khi Kyiv đánh bại lực lượng Nga trên chiến trường kể từ tháng 9. Nga cũng đã tuyên bố sáp nhập các vùng đất của Ukraine mà nước này chiếm đóng và triệu tập hàng trăm ngàn quân dự bị.

Mùa đông đầu tiên của cuộc chiến bây giờ sẽ thử thách xem liệu Ukraine có thể tiếp tục chiến dịch tái chiếm lãnh thổ hay không, hoặc liệu các chỉ huy của Nga có thể tiếp tế cho các lực lượng xâm lược của họ và tìm cách ngăn chặn đà tiến của Kyiv hay không.

Sau khi rút lui, Nga hiện có một phòng tuyến ngắn hơn nhiều để phòng thủ nhằm giữ vững các vùng đất mà họ chiếm giữ, với hơn một phần ba mặt trận hiện bị chặn bởi sông Dnipro.


9 Tháng Phát Động Chiến Tranh, Nga Dồn Dập Oanh Kích Ukraine

(Thanh Hà)

Chiến tranh Ukraine bước sang tháng thứ 10. Nga tuyên bố “tin tưởng vào thắng lợi”. Hôm 23/11/2022, Kyiv tố cáo Matxcơva phóng gần 70 phi đạn vào lãnh thổ Ukraine, làm ít nhất 6 người chết, hơn 30 người bị thương. Tư lệnh Ukraine tướng Varery Zaluzhniy cho biết bắn chặn được 51 trong số 67 phi đạn của quân đội Nga trong 24 giờ qua, phần lớn trong số đó nhắm vào thủ đô Kyiv.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba lên án Matxcơva phá hoại các cơ sở hạ tầng dân sự. Theo ông, đó là một hành động “hèn nhát nhắm vào thường dân” và thể hiện quân Nga đang “bất lực trước sức mạnh của quân đội Ukraine”.

Theo hãng tin Anh Reuters sáng 24/11 hơn một phần ba dân cư tại Kyiv vẫn bị mất điện.

Thông tín viên Stéphan Siohan của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm tình hình tại thủ đô Ukraine sáng sớm ngày 24/11 tình hình vẫn rất khó khăn:

“Tình hình sáng 24/11 còn nhiều khó khăn. Rất nhiều khu vực tại thủ đô Ukraine vẫn bị mất điện và mất nước sau một loạt 4 vụ nổ lớn ngày hôm qua ở Kyiv. Những vụ nổ đó xảy ra khoảng 1 giờ đồng hồ sau khi Nghị Viện Âu Châu biểu quyết lên án Nga là một Nhà nước yểm trợ khủng bố.

Tổng cộng Nga đã bắn 67 phi đạn hành trình về phía Ukraine. Những phi đạn đó được phóng đi máy bay hay từ tàu chiến ở Biển Đen vào chiều qua. Hệ thống phòng thủ của Ukraine đã bắn chận được khoảng 50 trong số này. Nhưng tại thủ đô Kyiv nhiều mục tiêu đã bị nhắm tới. Chẳng hạn hai nhà máy điện tại các khu Darnitsa et Dvitchy. Đây cũng là hai khu ở ngoại ô có đông dân cư.

Một tòa nhà dân cư ở Vychgorod, ngoại ô phía bắc Kyiv cũng bị trúng phi đạn của Nga và theo thẩm định sơ khởi, ít nhất 6 thường dân thiệt mạng. Các cơ sở hạ tầng gần nhà máy điện bên sông Dniepr đã bị trúng phi đạn. Ngay lập tức nhiều nợi bị mất điện. Thị trưởng Kyiv cho biết là việc cung cấp nước bị gián đoạn ở thủ đô Kyiv và kêu gọi mọi người dự trữ nước.

Một hệ quả khác từ các đợt oanh kích hôm qua làm cho việc cung ứng điện bị giảm, đó là ba nhà máy điện nguyên tử trên toàn quốc đã tạm thời bị ngắt khỏi hệ thống điện.

Cần nói thêm đợt tấn công dồn dập hôm qua diễn ra vào lúc mùa đông đã đến nhiệt độ ngoài trời chiều qua là âm 3°C, tuyết rơi trên thủ đô Ukraine”.

Nghị viện Âu Châu kêu gọi các nước thành viên quyên góp các máy phát điện hỗ trợ Ukraine qua được mùa đông này. Chủ tịch Nghị Viện Âu Châu Roberta Metsola nói đến một sáng kiến mang tên “Những máy phát điện đem lại Hy Vọng” cho Ukraine. Từ nhiều ngày qua, Tây Ban Nha, Pháp và Đức đã gửi một số máy phát điện sang hỗ trợ Ukraine.


Điểm Qua Kế Hoạch Hòa Bình Gồm 10 Điểm của Tổng Thống Ukraine

(Minh Anh)

Thứ Ba, ngày 15/11/2022, phát biểu tại thượng đỉnh G20 tổ chức ở Bali, Nam Dương, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các lãnh đạo khối 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng cường vai trò lãnh đạo và ngăn chặn cuộc chiến do Nga phát động nhắm vào Ukraine, theo một kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm do ông đề xuất.

Trang mạng Straits Times tóm lược nội dung 10 điểm của bản kế hoạch này. RFI Tiếng Việt xin lược dịch giới thiệu.

1 – An Toàn Bức Xạ và Hạt Nhân

Nga phải ngay lập tức rút hết toàn bộ binh sĩ khỏi lãnh thổ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Nhà máy này ngay lập tức phải được chuyển giao dưới sự kiểm soát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) và nhân sự Ukraine. Kết nối bình thường từ nhà máy với mạng lưới điện phải được phục hồi ngay tức thì để không gì đe dọa đến sự ổn định của các lò phản ứng. Điều này cũng sẽ áp dụng tương tự cho những đe dọa điên cuồng về vũ khí hạt nhân từ các quan chức Nga. Ukraine không và không thể chấp nhận cho một hành động bắt chẹt hạt nhân.

2 – An Ninh Lương Thực

Chúng tôi đã thực hiện sáng kiến “Grain From Ukraine” (tạm dịch là Ngũ cố từ Ukraine). Ukraine có thể xuất khẩu 45 triệu tấn lương thực năm nay. Và một quan trọng trong số này phải được cung cấp cho những người thống khổ nhất. Mỗi quốc gia có thể tham gia cùng chúng tôi với một sự đóng góp cụ thể và trở thành bên đồng sáng tạo chiến thắng chống nạn đói và khủng hoảng lương thực.

3 – An Ninh Năng Lượng

Khoảng 40% các cơ sở năng lượng của Ukraine đã bị phá hủy bởi các cuộc oanh kích bằng phi đạn của Nga và drone Iran do quân chiếm đóng sử dụng. Mục tiêu kết hợp của hành động khủng bố này là nhằm ngăn chặn ngành xuất khẩu điện của Ukraine sang các nước láng giềng, điều có thể giúp họ ổn định đáng kể tình hình năng lượng và giảm giá cho người tiêu dùng.

Những hạn chế về giá đối với các nguồn năng lượng Nga nên được đưa ra. Nếu Nga tìm cách tước đi khả năng dự đoán và ổn định giá cả của Ukraine, Âu Châu và toàn thể người tiêu dùng năng lượng trên thế giới, hành động đáp trả cho điều này là nên áp trần giá xuất khẩu năng lượng đối với Nga.

4 – Tù Nhân và Những Người Bị Đưa Đi

Tổng thống Ukraine yêu cầu phía Nga trao trả hàng ngàn công dân Ukraine – quân nhân và thường dân – đang bị Nga giam cầm và tra tấn, cũng như hàng trăm ngàn công dân khác đã bị cưỡng ép đưa đi, các tù nhân chính trị bị giam giữ ở Nga hay tại những vùng lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng, nhất là tại bán đảo Crimée. Volodymyr Zelensky đặc biệt kêu gọi Nga trao trả 11 ngàn trẻ em, mà Ukraine có danh sách, đã bị quân Nga tách rời cha mẹ và bắt đem về Nga.

5 – Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Sự Toàn Vẹn Lãnh Thổ Ukraine

Chúng ta phải khôi phục hiệu lực của luật pháp quốc tế - và điều đó là không thể thỏa hiệp với kẻ xâm lược. Bởi vì Hiến chương Liên Hiệp Quốc là không thể áp dụng từng phần, có chọn lọc hoặc tùy ý.

Nga phải tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong khuôn khổ các nghị quyết xác đáng của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và các tài liệu quốc tế ràng buộc hiện hành. Tất cả những điều này là không phụ thuộc vào đàm phán.

6 – Quân Đội Nga và Chiến Sự

Nga phải rút hết toàn bộ quân đội và các lực lượng vũ trang khỏi lãnh thổ Ukraine. Quyền kiểm soát của Ukraine đối với toàn bộ đường biên giới với Nga phải được khôi phục. Điều này cho phép chấm dứt thật sự và hoàn toàn các hành động thù địch.

7 – Công Lý

Thế giới nên tán thành việc lập một Tòa án Đặc biệt về tội ác xâm lược của Nga chống Ukraine và thiết lập một cơ chế quốc tế để bồi thường cho tất cả những thiệt hại do cuộc chiến này gây ra. Bồi thường thiệt hại bằng chính tài sản của Nga, bởi vì chính kẻ xâm lược phải làm mọi cách để hồi phục nền công lý do chính họ xâm phạm.

Ukraine đã đề xuất một nghị quyết tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc liên quan đến cơ chế bồi thường quốc tế cho những tổn thất do cuộc chiến của Nga gây ra. Văn bản này đã được thông qua. Ukraine đề nghị các nước thực hiện văn bản này.

Ukraine cũng đang chuẩn bị một nghị quyết thứ hai – về Tòa án Đặc biệt. Xin các vị hãy tham gia và ủng hộ văn bản này.

8 – Bảo Vệ Môi Trường Tức Thì

Hàng triệu hecta rừng đã bị các cuộc oanh kích thiêu rụi. Gần 200 ngàn hecta đất đai của Ukraine đã ô nhiễm bom mìn chưa nổ. Ukraine cảm ơn tất cả các nước đã giúp đỡ đất nước rà phá bom mìn. Nhưng nhu cầu cấp thiết về số lượng các trang thiết bị và chuyên gia cho các hoạt động này ngày càng tăng. Kinh phí và công nghệ cũng cần thiết cho việc khôi phục các cơ sở xử lý nước.

9 – Ngăn Ngừa Leo Thang

Ukraine không là thành viên của bất kỳ liên minh nào. Và Nga đã có thể phát động cuộc chiến này chính xác là vì Ukraine vẫn nằm trong vùng xám – giữa phe Âu Châu-Đại Tây Dương và chủ nghĩa đế quốc Nga.

Chúng ta nên tổ chức một hội nghị quốc tế để củng cố những yếu tố chính yếu cho cấu trúc an ninh hậu chiến tranh tại không gian Âu Châu-Đại Tây Dương, bao gồm cả những bảo đảm cho Ukraine. Kết luận chính của hội nghị là ký kết một Hiệp ước An ninh Kyiv. (Bản Hiệp ước An ninh Kyiv dài 9 trang đã được công bố hồi tháng 9/2022, kêu gọi các nước phương Tây cung cấp “các nguồn lực chính trị, tài chính, quân sự và ngoại giao” nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraine.)

10 – Công Nhận Chiến Tranh Kết Thúc

Khi tất cả các biện pháp chống chiến tranh đã được thực hiện, khi công lý và an ninh bắt đầu được khôi phục, một văn bản xác nhận chiến tranh kết thúc nên được các bên ký kết. Các quốc gia sẵn sàng đưa ra sáng kiến về quyết định này hay quyết định khác đều có thể trở thành bên tham gia thỏa thuận.


Đàm Phán Nga-Ukraine: Kế Hoạch Hòa Bình 10 Điểm, hay 10 Mục Tiêu Chiến Tranh?

(Minh Anh)
“Đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine sẽ nảy sinh một khi mối tương quan lực lượng được nhận thấy là ổn định trên bình diện quân sự”, nghĩa là đôi bên phải đạt được các mục tiêu của cuộc chiến. Nhưng sự kiên định lập trường này ở cả hai phía khiến Mỹ và các nước đồng minh tại Âu Châu lo lắng nguy cơ chiến tranh kéo dài đè nặng nền kinh tế đất nước.

10 Yêu Cầu và 100 Chiếc Phi Đạn

Trang mạng tờ Politico ngày 18/11/2022 đặt câu hỏi: “Phải chăng đã đến lúc Ukraine nói chuyện với Nga?”, rồi tự trả lời là “Chưa”. Tờ báo dẫn lời phát ngôn viên điện Kremlin ông Dmitri Peskov hôm 17/11, khẳng định: “Ukraine chưa muốn đàm phán”. Bằng chứng là trước đó, ngày 15/11, trong bài phát biểu dài hơn 20 phút qua video tại thượng đỉnh G20, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra một bản kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm, trong đó có đòi hỏi toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và nhất là mở một Tòa án Đặc biệt xét xử các tội ác chiến tranh của Nga….

Không những bản kế hoạch này đã bị bác bỏ, mà quân đội Nga ngay trong cùng ngày, giữa lúc diễn ra thượng đỉnh G20, đã cho bắn vào lãnh thổ Ukraine đúng 100 phi đạn. Tổng thống Zelensky không ngần ngại ví rằng “Nga đáp trả cho mỗi một điều khoản bằng 10 quả phi đạn tương ứng”.

Theo giới quan sát, sự việc cho thấy khả năng đàm phán lúc này dường như là “bất khả”. Một mặt, phía Nga không cho thấy có biểu hiện nào muốn đàm phán với Ukraine, theo như giải thích từ cựu đại sứ Pháp Jean-Maurice Ripert, trên kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24 ngày 15/11:

“Thứ nhất là Vladimir Putin đã không đến dự thượng đỉnh G20 nhằm tìm kiếm cơ hội đàm phán cho tương lai của Ukraine. Nếu ông ấy cho rằng đây là chuyện nội bộ nước Nga thì lẽ ra ông ấy phải có mặt. Đúng lúc đích thân Tổng thống Zelensky phải đưa ra các điều kiện để đàm phán, thảo luận thì Nga lại quyết định oanh kích các vùng Lviv, Kharkiv, và Kyiv, giết chết thường dân và phá hủy các hạ tầng cơ sở. Điểm thứ ba là ông Peskov, phát ngôn viên nổi tiếng của điện Kremlin, trước đó khi đáp lời ông Zelensky, đã tuyên bố rằng Kherson vẫn thuộc về Nga bất chấp việc rút quân khỏi thành phố này. Rõ ràng là người ta không thấy có một chút tín hiệu nào là Nga sẵn sàng cho một cuộc đàm phán”.

Kế Hoạch Hòa Bình hay Mục Tiêu Chiến Tranh?

Mặt khác, bản kế hoạch hòa bình 10 điểm mà ông Zelensky trình bày, bị giới quan sát đánh giá là một kế hoạch hậu chiến, dành để đàm phán với phương Tây. Đối với Tổng thống Ukraine, sẽ không có một thỏa thuận Minks 3 khi bán đảo Crimée giờ trở thành một trong số các điều kiện để đàm phán, trái với những gì diễn ra trong các thỏa thuận Minks 1 và 2.

Chuyên gia về Nga, Jean de Gliniasty, từng là đại sứ Pháp ở Nga, hiện là cộng tác viên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IRIS) lưu ý, thế giới mới chỉ ở điểm khởi đầu của một tiến trình hòa bình phức tạp. Nga từng thông báo sẵn sàng đàm phán vô điều kiện – nhưng Nga chưa sẵn sàng đưa lại vào đàm phán các vùng mà Nga đã chiếm, kể cả bán đảo Crimée, vốn dĩ đối với ông Putin mang một ý nghĩa biểu tượng chính trị cao, một lằn ranh đỏ không nên vượt qua.

Vẫn theo ông Jean de Gliniasty, kế hoạch 10 điểm của ông Zelensky mang dáng dấp của những mục tiêu chiến tranh hơn là cho hòa bình trong trước mắt. Những đòi hỏi mà Nga đánh giá chưa thể khởi động một cuộc đàm phán với Ukraine. Trên kênh truyền hình LCI, cựu đại sứ Pháp Jean de Gliniasty, giải thích tiếp như sau:

“Trên thực tế, Ukraine đang đà thắng quân sự vì vậy họ không có lý do gì mà đàm phán trong khi chiến thắng trong tầm tay – điều này có thể là đúng mà cũng có thể sai. Bản kế hoạch này là một phần trong các cuộc vận động ngoại giao trong hậu trường vẫn còn rất sơ khởi, nhằm gây áp lực một chút đối với người dân Ukraine để họ chấp nhận đàm phán. Phát biểu của ông Zelensky tại G20, đã bị rất nhiều nước tham dự G20, chứ không riêng gì các nước phát triển đánh giá là khá cứng rắn. Bản kế hoạch 10 điểm của ông không phải là kế hoạch hòa bình. Đó là 10 mục tiêu chiến tranh. Ông ấy cũng không nói là kế hoạch hòa bình, mà chính là điều kiện chấm dứt chiến tranh”.

Mặc Cả Ngầm Thất Bại, Thời Điểm Chưa Chín Muồi?

Một điểm đáng chú ý, là trong cuộc tranh luận này, kênh truyền hình LCI ngày 23/11, thuật lại một thông tin từ các phóng viên báo Pravda tại Ukraine cho biết một ngày trước thượng đỉnh G20, một cuộc “mặc cả” hòa bình đã được ngầm đề nghị với Tổng thống Nga Vladimir Putin từ một trong số các nước trung gian hòa giải nhưng không được nêu tên.

Thỏa thuận này đề nghị Nga trao trả toàn bộ các vùng lãnh thổ đã bị sáp nhập cho Ukraine, đổi lại, tạm thời “đóng băng” trong vòng 7 năm mọi đàm phán về bán đảo Crimée, tạm ngưng 7 năm về việc Ukraine xin gia nhập NATO. Đề nghị này còn dự trù Nga ngưng hoàn toàn mọi cuộc tấn công bằng phi đạn nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Nhưng ngay sau đó, Nga ồ ạt pháo kích Ukraine, đề nghị này xem như không còn nữa.

Trên kênh truyền hình LCI, tướng Nicolas Richoux, cựu chỉ huy lữ đoàn 7 thiết giáp, nhận định sự việc một lần nữa phản ảnh thời điểm cho một cuộc đàm phán hòa bình là chưa chín muồi.

“Trong những điều kiện hiện nay, tính đến những gì ông Vladimir Putin đã mất trên bình diện quân sự, mất một nửa số lính 100 ngàn quân, 1.500 chiến xa, một thiệt hại hết sức to lớn, người ta có thể nói là ông ấy mất đến 40% số xe tăng mà cả nước Nga đã có, thì rõ ràng người ta khó có thể hình dung ông ấy chấp nhận rút quân khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng có được từ năm 2014, những tỉnh ly khai, những chiến lợi phẩm 2014. Tôi nghĩ rằng ông Putin khó thể chấp nhận việc những thiểu số thân Nga đó thoát khỏi chiếc bóng của Nga. Lẽ đương nhiên việc đặt những nền tảng cơ bản cho đàm phán là cần thiết, nhưng thời điểm lúc này chưa thuận lợi cho các cuộc thương lượng bởi vì cả hai bên đều chưa đạt được các mục tiêu chiến tranh của mình”.

Một quan điểm cũng được cựu đại sứ Pháp Jean de Gliniasty đồng chia sẻ, khi nhận định “cuộc đàm phán chỉ sẽ nảy sinh khi nào mối tương quan lực lượng sẽ được cảm nhận như là ổn định giữa bên này và bên kia trên bình diện quân sự”.

Nguy Cơ Chiến Tranh Kéo Dài
Chỉ có điều việc cả Nga và Ukraine khăng khăng lập trường của mình khiến Hoa Kỳ và các đồng minh tại Âu Châu lo lắng. Thời gian gần đây, trong hậu trường, nhiều quan chức Mỹ và Âu Châu hối thúc Ukraine nên để ngỏ cánh cửa cho đàm phán dù vẫn tuyên bố rằng không tìm cách gây áp lực với Kyiv.

Đáng chú ý là phát biểu của tướng Mark Milley, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Hoa Kỳ. Một ngày sau khi Nga thông báo rút quân khỏi thành phố Kherson, tướng Mark Milley, trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình ngày 10/11, có tuyên bố rằng “Khi có một cơ hội đàm phán, khi hòa bình có thể với được, thì hãy nắm lấy. Hãy nắm bắt lấy thời điểm đó”.

Theo tướng Milley một chiến thắng của Kyiv trên chiến trường nhằm đánh bật Nga ra khỏi Ukraine dường như là khó thể. Tất cả những gì có thể được làm trên chiến trường trước khi mùa đông đến thì đã được thực hiện và giờ thì nên tập trung vào những gì giành được để tạo thế mạnh trên bàn đàm phán trước một nước Nga đã bị suy yếu.

Đương nhiên, luận điểm này của ông không làm phía Ukraine và phe “diều hâu” tại Mỹ hài lòng. Trước những phát biểu gây bối rối này, chính quyền Biden phải lên tiếng, xoa dịu mối lo Hoa Kỳ chuyển hướng. Cũng trong ngày 10/11 đó, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ khẳng định “Hoa Kỳ không gây áp lực với Ukraine”. Lầu Năm Góc thì thông báo cấp thêm 400 triệu đô la hỗ trợ quân sự.

Thế nhưng, ngày 7/11, tờ Wall Street Journal nói đến các cuộc trao đổi kín giữa Jake Sullivan và các nhân vật thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin từ nhiều tháng qua. Về mặt chính thức, là nhằm cảnh báo lẫn nhau rủi ro leo thang xung đột, chứ không phải thảo luận về việc giải quyết cuộc chiến tại Ukraine.

Trước đó ít ngày, báo Mỹ Washington Post còn tiết lộ, chính quyền Biden dường như đã đề nghị riêng với Ukraine, nên cho thấy nước này sẵn sàng đàm phán với Nga. Xin nhắc lại là trong tháng 9/2022, Tổng thống Zelensky ký sắc lệnh không chấp nhận đàm phán với Matxcơva chừng nào Vladimir Putin vẫn tại quyền.

Nếu như theo đánh giá của ông Jean de Gliniasty, những thông tin này được ra là một phần trong chiến lược “đánh động”, chứng tỏ có một sự “thay đổi trong lập trường của Mỹ, khi nghĩ rằng nên tập cho Ukraine bắt đầu quen dần với việc đàm phán”, thì đây có lẽ cũng là một cách Washington “dò dẫm tìm kiếm một khả năng cho ngoại giao” chí ít là có được một thỏa thuận ngưng bắn, theo như phân tích từ ông Charles A. Kupchan, cựu cố vấn cho Barack Obama về các hồ sơ Âu Châu.

Hy Sinh Khát Vọng Làm Thành Viên NATO?

Mỹ và Âu Châu bắt đầu cảm thấy “khó có thể” hậu thuẫn lâu dài do gánh nặng chiến tranh bắt đầu tác động đến nền kinh tế các nước phương Tây. Xung đột càng kéo dài thì mặt trận hậu thuẫn Kyiv càng có nhiều nguy cơ bị sụp đổ cả trên bình diện quốc tế lẫn trong nội bộ các nước, đặc biệt Mỹ, vốn dĩ đi đầu trong việc hỗ trợ Ukraine, cả về tài chính lẫn quân sự.

Điều nghịch lý là phương Tây lo lắng cho một chiến thắng vang dội của Ukraine, vì điều cũng đồng nghĩa là một sự “sỉ nhục” cho ông Putin. Tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để tái chiếm Crimée, vùng lãnh thổ có tính biểu tượng chính trị cao đối với ông Putin có nguy cơ dẫn đến những hành động trả đũa dữ dội như tấn công hạt nhân chẳng hạn. Tướng Mark Milley cảnh báo: Nga vẫn luôn có một sức mạnh chiến đấu phi thường bất chấp việc nếm mùi những thất bại. Và cuộc chiến Chechnya hẳn vẫn là một bài học kinh nghiệm quý giá còn đó!

Dẫu sao vẫn còn có chút tia hy vọng, trang mạng Responsible Statecraft của Mỹ, nhà nghiên cứu Ted Snider, lưu ý đến một chi tiết trong bản kế hoạch 10 điểm của ông Zelensky: Trong số này, không một điểm nào nhắc đến việc xúc tiến nhanh hơn ứng viên gia nhập NATO. Một tín hiệu cho biết Ukraine rất có thể sẵn sàng từ bỏ khát vọng là thành viên của NATO? Đây sẽ là một bước ngoặt ngoại giao trong dòng cuộc chiến Ukraine!


Chiến Tranh Ukraine Hủy Hoại Hết Uy Tín của Nga Tại Trung Á!

(Thanh Hà)

Trung Á giữ khoảng cách với Nga, lo sợ chung số phận với Ukraine, chín tháng sau khi Matxcơva đưa quân sang xâm chiếm một quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ. Tại thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CTSO) tại Erevan hôm 23/11/2022 Tổng thống Vladimir Putin ghi nhận thêm một số tín hiệu về sự thận trọng của các đối tác khu vực đối với Nga: 3 trong số 5 nước Trung Á là Kazakhstan, Kirghizistan, Tadjikistan cùng nhau tìm cách thoát khỏi cái bóng của nước Nga.

Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CTSO) là một sáng kiến của Nga được thành lập từ 2002 bao gồm 6 quốc gia: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kirghizistan, Tadjikistan.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không chắc hài lòng khi rời khỏi thượng đỉnh Erevan chiều qua. Trước hết, trên cương vị chủ nhà, Armenia, một quốc gia trong vùng Kavkaz từng là chư hầu của Liên Xô cũ đã không ngần ngại chỉ trích liên minh quân sự với thành viên quan trọng nhất là Nga. Thủ tướng Nikol Pachinian trực tiếp đả kích CTSO, “bất lực trong việc bảo vệ một thành viên” trong xung đột vũ trang tại Thượng Karabak với Azerbaijan. Nhìn từ Erevan thái độ thụ động và thiếu đoàn kết này làm “sứt mẻ uy tín” của tập thể.

Hãng tin Reuters giải thích trong cuộc xung đột với một quốc gia sát cạnh là Azerbaijan, tháng 09/2022, Armenia đã yêu cầu CTSO giúp đỡ về mặt quân sự, thế nhưng thành viên quan trọng nhất trong tổ chức này là Nga chỉ cử một quan sát viên đến “giám sát hiện trường”. Đáp lời Thủ tướng Pachinian, ông Putin nhìn nhận sự thiếu sót đó do liên minh quân sự CTSO đã phải đối mặt với một số “vấn đề” ngoài ý muốn. Chủ nhân điện Kremlin cũng khẳng định rằng các bên cần phải “nỗ lực nhiều hơn nữa” để vãn hồi hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan.

Không chỉ có những trách móc của Erevan khiến Tổng thống Nga bực mình. Chủ nhân điện Kremlin có thể còn khó chịu hơn nữa về thái độ của Kazakhstan, Kirghizistan, Tadjikistan, ba nước Trung Á thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể.

Sau chín tháng Nga bị phương Tây trừng phạt kinh tế vì đưa quân xâm chiếm Ukraine, vậy mà ba quốc gia Trung Á này không mặn mà giúp đỡ Matxcơva giảm nhẹ các hậu quả từ các đòn trừng phạt đó. Thậm chí ba nước này còn duy trì liên lạc với Ukraine. Kazakhstan, quốc gia lớn nhất trong khu vực, không công nhận kết quả các cuộc trưng cầu dân ý, một thủ thuật để Nga thôn tính bốn vùng lãnh thổ của Ukraine hồi đầu mùa thu vừa qua. Chính quyền của Tổng thống Kassym Jomart Tokaeiv tuy chịu ơn Matxcơva dẹp loạn hồi tháng Giêng vừa qua, nhưng tuyệt đối không sử dụng lại các khẩu hiệu tuyên truyền của Kremlin, theo đó cuộc xâm lăng Ukraine là nhằm “giải phóng quốc gia này khỏi chế độ phát xít”. Astana thậm chí cho phép người dân biểu tình phản đối chiến tranh Ukraine. Thêm vào đó nhiều công dân Nga trốn lệnh động viên bán phần đã tìm đường sang các nước Trung Á “tị nạn”.

Các Nước Trung Á Không Còn Khiếp Sợ Nga?

Theo giới phân tích, chỉ nội chừng đó cũng đủ khiến ông Vladimir Putin nổi đóa. Bởi vì cho tới nay, nguyên thủ Nga vẫn coi sự kiện Liên Xô cũ bị tan rã là “một trong những thảm họa kinh khủng nhất của thế kỷ XX” và Trung Á “phải là một vùng vẫn chịu ảnh hưởng của Matxcơva”. Cánh tay nối dài của ông Putin là cựu tổng tống Dmitri Medvedev từng đe dọa Kazakhstan rồi cũng sẽ “chung số phận như Ukraine”. Phe diều hâu ở Matxcơva nêu lên khả năng cũng phải “phi phát xít hóa chế độ ở Astana”.

Những lập trường cứng rắn đó dường như không quan tâm đến một số thực tế được ghi nhận trong thời gian gần đây. Một là kinh nghiệm của Ukraine cho thấy quân đội Nga không hùng mạnh như mọi người lầm tưởng, cho nên Trung Á có vẻ như cũng không còn khiếp sợ Matxcơva như xưa. Điểm thứ nhì là tại các quốc gia từng là chư hầu của Liên Xô cũ vẫn còn đọng lại nhiều hiềm khích từ thời bị Matxcơva đô hộ. Điểm thứ ba nữa, Trung Á là một vùng đất giàu tài nguyên từ Iran đến Thổ Nhĩ Kỳ, đang được Liên Hiệp Âu Châu, Mỹ và nhất là Trung Quốc ve vãn.

Tìm Cách Thoát Khỏi Phụ Thuộc

Kazakhstan từ lâu nay đã bị Con Đường Tơ Lụa thế kỷ XXI của Bắc Kinh làm mê hoặc. Astana vừa ký với Thổ Nhĩ Kỳ một thỏa thuận hợp tác quân sự. Về phần Liên Hiệp Âu Châu, lãnh đạo ngoại giao khối này vừa kết thúc một vòng công du Trung Á. Tổng thống Kazakhstan, Kassym Jomart Tokaiev chuẩn bị viếng thăm nước Pháp vào tuần tới.

Theo nhà nghiên cứu Michael Levystone, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), những động thái nói trên cho thấy Trung Á “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Trung Quốc, hay Mỹ, Liên Hiệp Âu Châu là những đối tác cho phép khối này bớt lệ thuộc vào một mình Liên bang Nga. Song có một thực tế không thể chối cãi: Matxcơva vẫn là điểm tựa quan trọng của các nước trong vùng về thương mại. Nga là nơi có đông đảo cộng đồng người Khazakhstan hay Kirghizistan đang sinh sống, họ kiếm tiền gửi về quê nhà, giúp đỡ thân nhân.

Vì vậy, kịch bản Trung Á quay lưng lại với Matxcơva là điều không tưởng, nhưng chiến tranh Ukraine là cơ hội để từ Astana đến Bichkek hay Duchanbe tìm kiếm những điểm tựa mới dù đó là Âu Mỹ hay Trung Quốc, mà không nhất thiết phải quá lệ thuộc vào một nước.


Không Thể Tin Tưởng! Anh Hạn Chế Dùng Camera của Trung Quốc Trong Các Tòa Nhà Chính Phủ!


(Hình minh hoa.)

Ngày thứ Năm (24/11/2022), chính phủ Anh yêu cầu các cơ quan của họ ngừng lắp đặt camera giám sát có liên hệ với Trung Quốc tại các tòa nhà nhạy cảm, dẫn ra những rủi ro an ninh.

Quyết định được đưa ra sau một cuộc duyệt xét “các rủi ro an ninh khả dĩ hiện thời và tương lai liên quan đến việc lắp đặt các hệ thống giám sát trực quan trên nhà đất của chính phủ”, Bộ trưởng văn phòng nội các Oliver Dowden nói trong một phát biểu bằng văn bản trước nghị viện.

“Cuộc duyệt xét kết luận rằng, nhận thấy mối đe dọa đối với Vương quốc Anh và năng lực và khả năng kết nối ngày càng tăng của các hệ thống này, cần phải có các biện pháp kiểm soát bổ sung”, ông Dowden nói.

Chỉ thị của Anh áp dụng cho các camera do các công ty sản xuất tuân theo luật an ninh của Trung Quốc và bao gồm chỉ dẫn cho các bộ ngắt kết nối các thiết bị đó khỏi mạng máy tính cốt lõi và xem xét loại bỏ chúng hoàn toàn.

Bước đi này diễn ra vài tháng sau khi hàng chục nhà lập pháp kêu gọi cấm bán và sử dụng camera an ninh của Hikvision và Dahua, hai công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, vì e sợ xâm phạm quyền riêng tư và lo ngại các sản phẩm của các công ty này có liên quan đến những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.

Các văn phòng tại Anh của cả Hikvision và Dahua đã không trả lời ngay lập tức các email từ Reuters yêu cầu bình luận.

Mỹ đã áp đặt các hạn chế thương mại và sử dụng đối với camera do Hikvision, Dahua và các công ty Trung Quốc khác sản xuất.

Phần lớn các cơ quan công cộng của Anh sử dụng camera giám sát do Hikvision hoặc Dahua sản xuất, tổ chức vận động cho quyền riêng tư Big Brother Watch cho biết vào tháng 7.

Tổ chức này nói một số cơ quan chính phủ bao gồm bộ nội vụ và bộ kinh doanh sử dụng camera của Hikvision ở phía trước tòa nhà của họ.

Phát biểu của ông Dowden cho biết sau khi chính phủ duyệt xét: “Các cơ quan do đó được chỉ thị ngừng triển khai các thiết bị như vậy tại các địa điểm nhạy cảm, nơi thiết bị được sản xuất bởi các công ty tuân theo Luật Tình báo Quốc gia của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
“Vì những cân nhắc về an ninh luôn là điều tối quan trọng xung quanh các địa điểm này, chúng tôi hiện đang hành động để ngăn chặn bất cứ rủi ro an ninh nào trở thành hiện thực”.


Cường Quốc Thứ Hai Về Kinh Tế, Nhưng Trung Quốc Vẫn Dùng Quân Bài “Nước Đang Phát Triển” Để Trốn Nghĩa Vụ Khí Hậu!

(Chi Phương)

Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc COP 27 kết thúc với đồng thuận thiết lập một quỹ bồi thườngcho các nước nghèo hứng chịu thiệt hại do biến đổi khí hậu. Liệu một cường quốc như Trung Quốc, nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới có đóng góp vào quỹ này cùng với các nước giàu hay vẫn ở trong nhóm các quốc gia thụ hưởng vì vẫn mang danh “nước đang phát triển”. RFI xin giới thiệu bài phân tích về chủ đề này, đăng trên Washington Post ngày 23/11/2022.

Từ năm 1992, Liên Hiệp Quốc xếp Trung Quốc vào nhóm các nước đang phát triển vì hàng trăm triệu công dân của nước này vẫn sống trong cảnh nghèo đói. Tình hình đã thay đổi. Giờ đây Trung Quốc là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước có lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng năm lớn nhất thế giới. So với 30 năm trước, Trung Quốc nay đã giàu gấp 3 lần và gây ô nhiễm gấp 4 lần. Tuy nhiên, vị trí của Trung Quốc không thay đổi từ 3 thập kỷ qua, khiến nhiều nhà ngoại giao thuộc các nước phát triển cho rằng điều này giúp Trung Quốc tránh phải đóng góp một cách công bằng vào quỹ để giúp các nước nghèo ứng phó với thiệt hại từ biến đổi khí hậu.

Gầy đây, tại Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc COP 27, diễn ra tại Ai Cập, các cuộc tranh cãi nổ ra liên quan đến trách nhiệm của Trung Quốc đối với những nước bị thiệt hại nhiều nhất bởi hiện tượng trái đất nóng lên, nhưng lại gây tác động ít nhất đối với môi trường. Vào tuần cuối cùng của hội nghị, các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia đã đồng ý thiết lập một quỹ nhằm bồi thường các nước dễ bị “tổn thương”,vì nước biển dâng, bão lũ và các tác động khác do trái đất bị hâm nóng.

“Trách Nhiệm” của Trung Quốc?

Giới phân tích cho rằng có vẻ như Trung Quốc sẽ không đóng góp tài chính vào quỹ này trong khi tỷ lệ “đóng góp”vào phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tăng nhanh chóng.

Nhà tư vấn chính sách của tổ chức Greenpeace ở Đông Á Lo Shuo cho rằng “thực tế rất rõ ràng: Trung Quốc là nước phát thải lớn nhất thế giới. Vì vậy, đây là một vấn đề đáng để bàn về trách nhiệm ngày càng lớn của Trung Quốc trên trường quốc tế”.

Đây là một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị. Các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh khó chịu với đề xuất rằng Trung Quốc nên coi mình là một nước phát triển, đồng thời chỉ ra rằng có những người nghèo cùng cực vẫn ở khắp nơi trên đất nước. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của Hoa Kỳ, phải chịu trách nhiệm cho việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào bầu khí quyền, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trong lịch sử, ngay cả khi Trung Quốc đã “vượt mặt” Hoa Kỳ về lượng khí thải carbon hàng năm.

Những “Hứa Hão” Tài Trợ

Phát ngôn viên của sứ quán Trung Quốc tại Washington, Lưu Bành Vũ (Liu Pengyu) trả lời trong thư điện tử rằng”các quốc gia phát triển, bao gồm cả Hoa Kỳ phải gánh chịu nhiều trách nhiệm hơn. Điều này không phải thuộc về đạo đức mà có lý do cả. Từ giữa thế kỷ 18 đến năm 1950, 95% lượng khí thải carbon là từ các nước phát triển”.

Ông Lưu nhấn mạnh rằng các nước phát triển vẫn chưa tuân thủ cam kết vào năm 2009: hỗ trợ 100 tỷ đô la cho các nước đang phát triển, liên quan đến quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh và thích ứng với việc các thảm họa khí hậu ngày càng tăng. Năm 2020, các nước giàu chỉ hỗ trợ gần 20 tỷ đô la, so với những gì mà họ đã hứa.

Theo nhà phân tích chính sách của tổ chức tư vấn E3G, ông Byford Tsang cho rằng:”Các nước phát triển, giàu hơn đã tạo điều kiện dễ dàng cho Trung Quốc để đưa ra lập trường này vì họ vẫn chưa hoàn toàn tuân thủ cam kết liên quan đến hỗ trợ tài chính cho khí hậu, mà đáng lý ra phải được hoàn thành từ hơn 1 thập kỷ trước”.

Ông Tsang không nghĩ rằng Trung Quốc cố gắng có được tài trợ từ quỹ, dành cho các nước chịu thiệt hại từ biến đổi khí hậu. Bởi vì quỹ này là dành cho các nước dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là các đảo phải đối mặt với đe dọa “sống còn” do mực nước biển dâng.

Khi được hỏi về vấn đề này, đại diện của Trung Quốc tại COP 27, ông Tạ Chấn Hoa (Xie Zhenhua) cho biết: “Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ yêu cầu của các nước đang phát triển. Năm nay, Trung Quốc cũng bị mất mát rất nhiều từ các thảm họa khí hậu. Chúng tôi thông cảm với nỗi khổ của các nước đang phát triển và hoàn toàn ủng hộ yêu cầu của họ”.Ông Tạ cũng khẳng định rằng”mặc dù đây không phải là trách nhiệm của chúng tôi nhưng Trung Quốc cũng đã cung cấp 2 tỷ Nhân dân tệ (280 triệu đô la) để giúp các nước đang phát triển cắt giảm phát thải (carbon) và thích ứng với hiện tượng trái đất nóng lên qua một quỹ riêng biệt South-South Climate Cooperation Fund“.

Lằn Ranh Đỏ Giữa “Phát Triển” và “Đang Phát Triển”

Giới chuyên gia cho rằng có vẻ như Bắc Kinh không cấp viện trợ khí hậu qua Liên Hiệp Quốc hoặc thực hiện các cam kết qua các kênh khác, trong khi cũng đang phải chịu áp lực ở trong nước: làm sao để phục hồi kinh tế, một phần là do chính sách hà khắc Zero Covid và do thị trường bất động sản suy thoái. Để đối phó với tình trạng thiếu năng lượng, Trung Quốc đã thông qua một kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất than khổng lồ.

Theo nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch, bà Lauri Myllyvirta, đóng góp tài chính vào quỹ khí hậu “tương đương” với việc chấp nhận trách nhiệm của một quốc gia phát triển và đó luôn là”lằn ranh đỏ đối với Trung Quốc”.

Trong các cuộc đàm phán COP 27, Liên Hiệp Âu Châu đã cố gắng tách Trung Quốc khỏi nhóm các nước đang phát triển, bằng các đề nghị đóng góp vào quỹ khí hậu. Một nước phát thải lớn như Bắc Kinh nên được xem là nhà tài trợ tiềm năng thay vì nằm trong danh sách nhận viện trợ tiềm năng.

Trong những giờ phút đàm phán cuối cùng ở COP 27, các nước đã thỏa hiệp, cho phép Trung Quốc có thể đóng góp nếu muốn. Tại các COP trước đó, Trung Quốc đã liên minh với một nhóm gồm hơn 100 quốc gia, đang phát triển, thúc ép các nước giàu hỗ trợ nhiều hơn. Năm nay, tại COP 27, nước dẫn đầu trong nhóm này là Pakistan, một trong những đối tác ngoại giao thân cận của Trung Quốc, đồng thời cũng phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư của Trung Quốc để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng. (Pakistan phải chịu trách nhiệm với 1% lượng khí phát thải nhà kính toàn cầu. Vào mùa hè vừa qua, nước này đã bị tàn phá bởi trận lũ lụt thảm khốc, khiến 1500 người thiệt mạng và thiệt hại hơn 40 tỷ đô la.) (…)

Khó Thay Đổi Phân Loại Quốc Gia

Liên Hiệp Quốc định nghĩa các nước đang phát triển là những nước có mức sống thấp, các cơ sở công nghiệp nhỏ và các chỉ số khác thấp như là tuổi thọ, phổ cập giáo dục và thu nhập bình quân đầu người. Ả Rập Xê Út vẫn được coi là một nước đang phát triển mặc dù giàu có nhờ trữ lượng giàu mỏ. Quốc gia này muốn áp đặt từ ngữ trong các cuộc đàm phán tại COP, đó là “kêu gọi giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch”. Tuy nhiên đảo quốc Vanuatu, một nước đang đối mặt với mực nước biển dâng, đã đấu tranh để giữ cụm từ “kêu gọi giảm thiểu phát thải khí carbon”.(…)

Một cựu quan chức ngoại giao về khí hậu của một nước duyên hải đang phát triển, xin ẩn danh, vì lo ngại Bắc Kinh trả đũa, cho biết Trung Quốc luôn tìm kiếm cách sử dụng ngôn từ để được bảo vệ và phải chịu trách nhiệm ít hơn, không có nghĩa vụ với các nước đang phát triển”.Bức tường lửa giữa phát triển và đang phát triển đã bảo vệ Trung Quốc”.

Trong tương lai, bất kỳ động thái nào của Liên Hiệp Quốc nhằm xem xét phân loại lại Trung Quốc như nước phát triển, thì cần phải có sự tán thành của gần 200 quốc gia. Chỉ cần một nước phản đối thì điều này không thể thực hiện được. Theo GreenPeace, đây là một bế tắc chính trị vì chúng ta không bao giờ có thể phân loại lại được.


Trung Quốc Thảo Luận Về An Ninh, Với Giới Chức Các Quốc Đảo Thái Bình Dương


(Hình: Đại sứ quán Trung Quốc ở Suva, Fiji.)

Trung Quốc cho biết họ đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến để thảo luận về hợp tác cảnh sát với một số quốc đảo Thái Bình Dương hôm 22/11/2022, với ít nhất hai quốc gia nói với thông tấn xã Reuters rằng các Bộ trưởng và ủy viên cảnh sát của họ không tham dự.

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm đạt được một thỏa thuận an ninh và thương mại với 10 quốc đảo ở Thái Bình Dương vào tháng 5 đã khiến Washington và Canberra lo ngại về tham vọng quân sự của Bắc Kinh trong khu vực, đồng thời khiến phương Tây tăng cường viện trợ.
Những lo ngại đó lần đầu tiên xuất hiện khi Quần đảo Solomon ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc vào tháng 4.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hôm 23/11 rằng Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, Vương Tiểu Hồng, đã tổ chức cuộc đối thoại cấp Bộ trưởng đầu tiên về hợp tác cảnh sát với một số quốc gia Nam Thái Bình Dương.
Cuộc họp trực tuyến do Bộ trưởng Cảnh sát Quần đảo Solomon Anthony Veke đồng chủ trì diễn ra sau hai trận động đất mạnh tại Quần đảo Solomon hôm 22/11.

Một bức ảnh được đăng lên tài khoản Twitter của đại sứ quán Trung Quốc ở Fiji cho thấy ông Veke là Bộ trưởng các đảo Thái Bình Dương duy nhất tại cuộc họp này.
Tân Hoa xã đưa tin rằng người đứng đầu các cơ quan cảnh sát của Fiji, Vanuatu, Kiribati, Tonga và Papua New Guinea đã tham dự.

Một phát ngôn viên của cảnh sát Tonga nói với Reuters rằng Bộ trưởng Bộ Cảnh sát Tonga và Ủy viên Cảnh sát của họ không có mặt.
“Có một đại diện khác từ Tonga”, bà nói thêm.

Ủy viên Cảnh sát của Papua New Guinea cũng không tham dự; thay vào đó là một Giám đốc cảnh sát, một phát ngôn viên cảnh sát PNG nói với Reuters.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết hôm 23/11 rằng các quan chức từ năm quốc đảo Thái Bình Dương với cấp bậc Tổng Giám đốc, Phó tổng Giám đốc và quyền ủy viên cảnh sát đã tham dự.

“Đại diện của các quốc đảo tham gia bày tỏ hy vọng tăng cường hợp tác cảnh sát và thực thi pháp luật với Trung Quốc để thúc đẩy an ninh, phát triển và thịnh vượng trong khu vực”, ông Triệu nói trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh.
Các quan chức cảnh sát Quần đảo Solomon nói tại một phiên điều trần của quốc hội ở Honiara hôm 23/11 rằng cảnh sát từ Úc, New Zealand, Fiji, Papua New Guinea cũng như Trung Quốc đang hỗ trợ duy trì luật pháp và trật tự cũng như đào tạo cảnh sát.

Papua New Guinea đang đàm phán một hiệp ước quốc phòng với Úc, trong khi Fiji đã ký một thỏa thuận với Úc vào tháng trước để cho phép hoạt động của quân đội mỗi quốc gia ở quốc gia kia.
Tại một hội nghị thượng đỉnh ở Nhà Trắng vào tháng 9, Hoa Kỳ cam kết tăng cường viện trợ và tăng cường đào tạo FBI cho các đảo Thái Bình Dương bao gồm cả Quần đảo Solomon.


Việt Nam ‘Giáng Cú Mạnh’ Vào G7, Khi Thúc Đẩy Kế Hoạch Sử Dụng Than Đến Năm 2030


(Hình: Mạng lưới điện sản xuất từ than ở tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.)

Hãng thông tấn của Anh hôm 23/11/2022 nói rằng Việt Nam vừa đánh “một cú giáng mạnh” vào các sáng kiến tài trợ cho năng lượng sạch hơn của các quốc gia giàu có khi đưa ra kế hoạch thúc đẩy gia tăng mục tiêu điện than đến năm 2030 trong lúc thu hẹp các mục tiêu về năng lượng tái tạo, theo một dự thảo kế hoạch năng lượng sửa đổi của chính phủ Việt Nam mà Reuters đọc được.

Bản dự thảo cập nhật vào ngày 11/11, được Bộ Công thương Việt Nam lưu hành giữa bối cảnh các nhà đàm phán về khí hậu từ Nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7) không đạt được thỏa thuận tài chính với Việt Nam về “Quan hệ Đối tác Chuyển tiếp Năng lượng” (JETP) tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu COP27, kết thúc ở Ai Cập hôm Chủ nhật.

Bộ Công thương Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về thông tin này.
Kế hoạch mới nhất đã kéo lùi mục tiêu trong bản dự thảo vừa được công bố vào tháng trước vốn có thể làm chậm tốc độ gia tăng sử dụng than vào cuối thập niên này. Theo Reuters, chuyện sụt giảm đáng kể công suất than sẽ chỉ có thể đến vào năm 2045.

Hãng tin dẫn lời các nhà đầu tư có trụ sở tại Việt Nam cho biết Việt Nam, một trong 20 nước sử dụng than hàng đầu thế giới, đã chứng kiến tình trạng tranh cãi kéo dài giữa các lợi ích cạnh tranh của chính phủ về các kế hoạch phát triển điện trong thập niên này và có thể sẽ có những thay đổi tiếp theo trong những tuần và tháng tới.
Điều này làm phức tạp nhiệm vụ của các nhà đàm phán về khí hậu, dẫn đầu bởi các nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu, những người đang nuôi hy vọng đạt được thỏa thuận với Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào tháng tới.

NỀN KINH TẾ ‘KHÁT’ THAN

Theo kịch bản sơ khởi mới nhất của chính phủ Việt Nam mà Reuters đọc được, than sẽ vẫn là nguồn năng lượng quan trọng nhất của Việt Nam cho đến năm 2030 với hơn 36 gigawatt (GW) công suất lắp đặt và có tới 11 nhà máy nhiệt điện than mới sẽ được xây dựng trong những năm tới, tăng lên vào khoảng 21GW vào năm 2020 và 30GW vào năm 2025.

Tuy nhiên, tỷ trọng năng lực sản xuất điện của than sẽ giảm xuống dưới 28% vào cuối thập niên từ mức 34% vào năm 2020.

Trong bản dự thảo hồi tháng 10, chính phủ đặt mục tiêu giới hạn công suất than xuống khoảng 30GW vào cuối thập niên này, theo các tài liệu mà Reuters có được.
Vietnamnet hôm 22/11 dẫn một báo cáo của Bộ Công thương Việt Nam nói rằng hiện nay nhu cầu cung cấp than cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là “rất lớn và cấp bách”.

Vì vậy, từ đầu năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép tăng công suất năm 2022 thêm vượt dưới 15% công suất, được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản, và Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã chấp thuận yêu cầu này.
Hiện giờ, TKV tiếp tục đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép tăng lượng khai thác năm 2022 vượt dưới 15% với các mỏ Vàng Danh (lên 225.000 tấn/năm), Bắc Cọc Sáu (lên 800.000 tấn/năm) và khai thác tối đa theo công suất với mỏ Cao Sơn (3,5 triệu tấn/năm).

Việc sử dụng than đã gia tăng trên toàn cầu kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng Hai khiến giá các loại nhiên liệu hóa thạch khác tăng vọt.
Bộ Công Thương Việt Nam hồi tháng 9 nói rằng giá than thế giới tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường than Việt Nam cũng như việc cung ứng than cho điện.

Trong khi đó, hãng tin Reuters cho biết trong dự thảo kế hoạch mới nhất, sản xuất năng lượng tái tạo của Việt Nam chỉ tăng lên 21GW vào năm 2030, so với 26GW đến 39GW dự kiến trong dự thảo tháng 10, mặc dù dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân vào giữa thế kỷ với công suất lắp đặt hơn 200GW của các nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời và hydro. Các con số này không bao gồm thủy điện, vốn là nguồn điện truyền thống của Việt Nam.

Tài liệu nói rằng “Năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã phát triển quá nhanh ở Việt Nam, và điều này đã gây ra nhiều vấn đề do lưới điện của đất nước còn hạn chế”.
Đến năm 2050, than sẽ không còn là một phần trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam, trong khi khí đốt và khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẽ tăng từ lượng không đáng kể hiện nay lên khoảng 44 GW.

ĐỀ XUẤT ƯU ĐÃI VỀ KHÍ HẬU

Lượng khí thải carbon của Việt Nam dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân khi quốc gia 100 triệu dân phát triển nhanh chóng, trừ khi Việt Nam gấp rút chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng ít ô nhiễm khác.

Các quan chức EU và các nhà đàm phán phương Tây khác đã hy vọng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thứ hai đồng ý về kế hoạch tài trợ để đẩy nhanh việc giảm sử dụng than, sau khi một thỏa thuận tương tự đã đạt được vào năm ngoái với Nam Phi.
Theo các tài liệu nội bộ được Reuters đọc được cho thấy EU, nơi đang dẫn đầu các cuộc đàm phán thay mặt cho các quốc gia G7 cùng với Anh, đã xem xét một thỏa thuận có thể đạt được tại hội nghị thượng đỉnh COP27.

Nhưng một loạt đề nghị nâng cấp trị giá hàng tỷ đô la của nhóm G7, chủ yếu là các khoản vay, đã không thuyết phục được các nhà đàm phán Việt Nam, những người mà các theo nguồn tin ngoại giao và công nghiệp nói với Reuters rằng họ muốn có thêm tài trợ và kiểm soát nhiều hơn cách thức giải ngân vốn.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa nhúc nhích gì trong khi Nam Dương đang tiến tới công bố thỏa thuận với các quốc gia giàu có về việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi khỏi than tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tuần trước.

Một số quan chức EU đã đặt mục tiêu mới cho một thỏa thuận với Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào giữa tháng 12 tại Brussels.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư và nhà ngoại giao tại Việt Nam nghi ngờ việc có thể đạt được một thỏa thuận nào đó, trừ khi nó trở nên hấp dẫn đáng kể, trong khi những bất đồng trong chính phủ Việt Nam về phát triển điện sẽ vẫn là một trở ngại lớn, vẫn theo Reuters.


Cựu Tù Nhân Lương Tâm Lê Thị Bình Tố Cáo: Trại Giam An Phước Đánh Đập, Buộc Tù Nhân Nữ Lao Động Nặng Nhọc!


(Hình: Bà Lê Thị Bình.)

Nhà hoạt động Lê Thị Bình, người vừa mãn hạn tù ngày 22/11/2022, nói tù nhân nữ trong Trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương) bị buộc lao động nặng nhọc trong môi trường độc hại trong khi chế độ dinh dưỡng và khám chữa bệnh tồi tệ, đôi khi còn bị đánh đập dã man bởi quản giáo.

Bà Bình, 46 tuổi, là thành viên của nhóm Hiến Pháp, bị bắt vào tháng 12 năm 2020 với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Sau đó, bà bị kết án 2 năm tù giam.

Ngay trong ngày được trở về nhà, bà đã chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về cuộc sống trong Trại giam An Phước trong hơn một năm qua.

“Ở ngoài đời tôi thấy cộng sản ác nhưng ít thôi. Vô trong đó rồi, cái ác của nó tôi thấy nhiều hơn nữa. Nó kinh doanh tù. Nó bắt tù nhân làm 10 tiếng (mỗi ngày-PV). Ăn thì cá thúi”.

Theo bà Bình, trong Trại giam An Phước có khoảng 500 tù nhân nữ. Gần 20 người là tù nhân chính trị và lương tâm bị giam chung một khu có tên “An ninh” nơi họ được giao tiếp với nhau hàng ngày, trong số này có nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Hoàng Thị Thu Vang, Đinh Thị Thu Thuỷ, Huỳnh Thị Tố Nga, Ngô Thị Tường Vi….

Nhà tù cô lập nhóm tù An ninh và không cho tù hình sự giao tiếp với tù chính trị. Khi một người tù hình sự nói chuyện với tù thuộc nhóm An ninh, quản giáo sẽ gọi họ lên để tra khảo và đe nẹt.
Quản giáo trong Trại giam An Phước thường xuyên đánh đập tù nhân nữ, bà Bình cho biết.
“Án chính trị an ninh thì nó (quản giáo- PV) không dám đánh, nhưng các án khác thì (quản giáo) đánh phạm nhân một cách dã man luôn”.

Chế Độ Dinh Dưỡng Kham Khổ

Bà Bình nói theo quy định của trại giam thì một tuần tù nhân có ba bữa thịt, hai bữa cá và hai bữa trứng. Tuy nhiên, thịt thì được hai miếng nhỏ, còn cá thì là cá khô và hôi thối, được hấp qua loa rồi cho tù nhân ăn.

Bà nói loại cá này kém phẩm chất đến nỗi vứt cho chuột thì chuột cũng chê, và đa số tù nhân không ăn mà chỉ có khoảng 100 tù nhân vẫn phải ăn vì họ không nhận được tiếp tế từ gia đình.
Cơm thì đủ nhưng rau thì không, cả tuần phải ăn rau muống cả gốc, bà Bình thuật lại.

Lao Động Nặng Nhọc

Theo Điều 32 của Luật Thi hành án hình sự, thời gian lao động của tù nhân “không quá tám giờ trong một ngày và năm ngày trong một tuần, được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, Tết theo quy định của pháp luật” và có thể bị yêu cầu làm thêm giờ nhưng không được vượt quá tổng số giờ làm thêm trong ngày theo quy định của pháp luật về lao động.
Điều luật này yêu cầu trại giam áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho phạm nhân.

Thực tế, bà Bình nói tất cả phụ nữ ở Trại giam An Phước bị buộc phải lao động 10 giờ mỗi ngày và thường phạm phải làm cả tuần trong khi tù nhân lương tâm thì chỉ phải làm năm ngày.
“Một tuần làm đến thứ sáu. Thứ Bảy và Chủ Nhật nó (trại giam) nói tự nguyện nhưng các đội khác án khác (hình sự) thì vẫn bị bắt làm. Đội làm (cạo mủ) cao-su thì suốt tuần luôn. Nhiều đội làm cả tuần luôn”.

Những người nào chống đối lao động thì bị trừng phạt bằng hình thức giam giữ trong phòng và không được ra ngoài. Tù hình sự thì có thể bị đánh đập dã man khi lên tiếng phản đối.
Công việc là cạo mủ cao-su hoặc làm đồ vàng mã để xuất khẩu đi Trung Quốc. Nguyên liệu làm hàng mã được sản xuất từ phế liệu tái chế và phẩm màu công nghiệp nên rất độc hại trong khi người lao động không được trang bị bảo hộ lao động
“Nó bắt đi làm vàng mã mà bụi lắm. Hàng mã để xuất sang Trung Quốc. Không có trang thiết bị (bảo hộ lao động- PV) gì”.

Nhà tù giao định mức sản phẩm cho ngày công rất cao, và định mức này cho thường phạm cao nhiều lần so với tù chính trị, bà Bình cho hay.
Nếu không hoàn thành định mức, người tù phải nộp tiền hoặc chịu kỷ luật bằng nhiều hình thức như không được giảm án, bị đánh, bắt phạt mang cơm cho cả đội và cọ rửa nồi cơm sau khi đi lao động về.

Bà Bình cho biết bà cũng như các tù nhân tham gia lao động không được trại giam trả tiền cho công sức của họ.
Người tù hình sự bị buộc lao động nặng nhọc và đánh đập nhiều nên mỗi khi có tù nhân chính trị mãn hạn tù thì thường phạm mong họ đưa thông tin ra bên ngoài, mong xã hội can thiệp để cuộc sống của họ được cải thiện, bà Bình nói.

Trong một lần trả lời phỏng vấn của RFA trước đây, cựu tù nhân lương tâm Trần Thanh Phương, người vừa mãn hạn tù đầu tháng ba năm nay cho biết, cán bộ trại giam An Phước bóc lột sức lao động của tù nhân và chỉ trả tiền công bằng 1/10 so với giá trị thực tế lao động.

Ông Phương cho biết, một người có sức khoẻ như ông mà lao động chăm chỉ cũng chỉ có thể được trả công 300.000-350.000 đồng/tháng còn một người tù thường phạm khoẻ mạnh chỉ được trả công 60.000 đồng/ngày khi đi làm việc ở ngoài trại giam.

Chăm Sóc Y Tế Tồi Tệ

Bà Bình nói chế độ chăm sóc y tế trong Trại giam An Phước vô cùng tồi tệ. Trạm xá của trại chỉ cung cấp một vài loại thuốc cho tất cả các bệnh trong khi nhà tù chỉ cho phép gia đình gửi vào cho thân nhân một số loại thuốc nhất định.
“Đau răng đau đầu hay đau ngực thì cũng có một viên thuốc Paradol thôi”.

Bà kể tuần trước có một đoàn y tế vào trại để khám bệnh cho tù nhân, tuy nhiên, họ chỉ làm một cách chiếu lệ, không thực hiện việc khám bệnh mà chỉ hỏi người tù vài câu rồi ghi “bình thường” vào sổ y bạ.

Điều kiện giam giữ và cách đối xử với tù chính trị trong Trại giam An Phước đã từng được nêu lên trước đây. Gần đây nhất là vào đầu năm 2022 khi người thân của tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc cho RFA biết ông Lộc bị cán bộ trại giam đánh đập. Lý do là ông đòi hỏi quyền được ra ngoài chơi thể thao vào thứ Bảy cho những người tù chính trị. Ông Lộc sau đó đã tuyệt thực trong tám ngày để phản đối việc mình bị hành hung.

Đài Á Châu Tự Do đã gọi điện thoại liên hệ với Trại giam An Phước nhiều lần để lấy phản hồi về các cáo buộc này nhưng không ai trả lời máy.
Điều kiện giam giữ và đối xử với tù chính trị tại các trại tù ở Việt Nam đã từng bị các tổ chức về nhân quyền quốc tế lên tiếng phản đối.


CS Việt Nam Vi Phạm Nhân Quyền: Gia Đình Cáo Buộc Trại Giam Số 6 Gây Áp Lực Nhằm Buộc Tù Nhân Lương Tâm Trịnh Bá Tư Lao Động!


(Hình: Ông Trịnh Bá Tư.)

Cựu tù nhân lương tâm Trịnh Bá Khiêm nói Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) gây áp lực nhằm buộc con trai ông Trịnh Bá Tư đi lao động ngay sau khi tù nhân lương tâm này bị kỷ luật cùm chân và tuyệt thực.
Ông Trịnh Bá Khiêm cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết thông tin trên vào ngày 23/11, hai ngày sau khi ông đi thăm con trai út, người đang thi hành án tù tám năm với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước.
“Trại giam gây áp lực để bắt Tư đi lao động. Tư bảo là ‘tôi không có tội. Lao động thì chỉ là tự nguyện, thích thì làm không thích thì thôi. Tôi không có tội nên tôi không đi lao động. Họ gây áp lực trong tháng mười và sang tháng 11 thì bớt đi”.

Phóng viên đã gọi điện cho Trại giam số 6 để kiểm chứng thông tin nhưng không ai nghe máy.
Ông Khiêm cho biết con trai ông đã dừng tuyệt thực gần hai tháng trước và hiện giờ sức khoẻ đã hồi phục nhiều.

Trong buổi gặp vào thứ Hai vừa qua, Trịnh Bá Tư cho bố mình biết là ông đã tuyệt thực trong 22 ngày, từ ngày 6/9 và kết thúc vào ngày 28/9. Sau lần bị đánh, bị cùm chân và tuyệt thực thì tù nhân lương tâm 37 tuổi này bị giảm 10 kg.

Ngày 23/11, bà Đỗ Thị Thu, vợ tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương, đã vào Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An để làm việc theo đơn tố cáo của bà về việc Trại giam số 6 đã đánh đập, kỷ luật, cùm chân ông Trịnh Bá Tư trong 10 ngày vào tháng chín vừa qua.
Bà cho RFA biết bà đã làm việc với ông Lê Quốc Bảo - Phó trưởng phòng 8 của Viện Kiểm Sát nhân dân tỉnh Nghệ An, người đã vào Trại giam số 6 để điều tra về cáo buộc đàn áp ông Trịnh Bá Tư trong tháng 9.

Ông Bảo cho biết theo tố cáo của ông Tư thì vào ngày 4/9, ông Tư đã làm đơn tố cáo Trại giam số 6 độc ác vì không dừng thi hành án cho tù nhân lương tâm Đỗ Công Đương để ông có thể được về nhà khám chữa bệnh. Nhà báo công dân Đỗ Công Đương mất tại trại giam này vào đầu tháng tám vừa qua vì không được chữa trị y tế kịp thời.

Vẫn theo lời khai của Trịnh Bá Tư, vào ngày 6/9, đại tá Trần Anh Quế và trung tá Trương Công Hiển của Trại giam số 6 đã làm việc với ông về đơn tố cáo. Ngoài ra, trong buổi làm việc còn có thêm hai tù nhân bị kết tội buôn ma tuý khác.

Trong lúc làm việc, Trung tá Hiển đã ném bật lửa vào ông Trịnh Bá Tư nhưng không trúng. Thấy buổi làm việc có thể gây ảnh hưởng nguy hiểm đến mình nên ông Tư đã đứng dậy và từ chối không làm việc.

Khi đó, một trong hai phạm nhân đã ghì cổ ông Tư xuống, còn viên công an tên Hiển đã đứng dậy đánh vào gần đỉnh đầu bên trái ông. Viên công an này còn hô “mang cái dùi cùi vào đây, chết tao chịu trách nhiệm!”
Ông Bảo cho bà Thu biết ông đã vào Trại giam số 6 ngày 26/9 để điều tra về cáo buộc trại giam đánh ông Tư nhưng những người bị ông Tư tố cáo đều khẳng định không hành hung ông Tư.

Đại diện Viện Kiểm sát nói vì không có bằng chứng về việc đánh đập nên không thể khẳng định ông Tư bị đánh.
Về việc kỷ luật cùm chân và không cho quyền gặp thân nhân trong tháng mười, phía trại giam nói với ông Bảo là do ông Tư vu cáo họ trong vụ tù nhân lương tâm Đỗ Công Đương nên ông Tư bị kỷ luật như vậy.

Bà Thu cho rằng Viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An bao che cho Trại giam số 6. Bà nói với RFA qua tin nhắn:
“Tôi nghĩ phía Viện Kiểm sát Nghệ An bao che cho Trại giam số 6. Tôi tin rằng nếu có một cơ quan nhân quyền hay tờ báo độc lập vào điều tra thì sẽ biết em Tư bị đánh. Nếu em Tư ở trong đó được dùng điện thoại để ghi âm, ghi hình thì sự thật sẽ được phơi bày cho công luận biết”.

Tin tức về việc tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư bị đánh đập và cùm chân cũng khiến tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch hồi tháng 9 vừa qua ra thông cáo kêu gọi nhà chức trách điều tra. Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW nói trong thông cáo: “Cách đối xử đó là quá đáng và không thể chấp nhận được, và thủ phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi ngược đãi tù nhân”.

Human Rights Watch cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các nhà ngoại giao nước ngoài yêu cầu nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cho phép họ được tiếp cận ông Tư trong trại giam.

‘Nhân Đạo, Nhân Ái, Nhân Tình’? (Dành riêng cho những cá nhân trong đảng đang đục khoét quốc gia, chỉ vì họ là đồng chí của ông!)

(Trân Văn)


(Hình: Ngày 19/11/2022, trong vai Đại biểu Quốc hội đi gặp cử tri để báo cáo về kết quả kỳ họp thứ tư (vừa kết thúc hôm 15/11/2022) của Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa này, ông Trọng nhấn mạnh rằng, cá nhân ông “không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình”.)

Ông Trọng tự đánh giá chủ trương và phương thức ấy của cá nhân ông và đảng của ông là... “rất công tâm, khách quan, bài bản, đúng kỷ luật của đảng, pháp luật của nhà nước”.

Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư đảng CSVN – tiếp tục xiển dương “nhân đạo, nhân ái, nhân tình” dành riêng cho những cá nhân trong đảng đang đục khoét quốc gia, chỉ vì họ là đồng chí của ông.

Ngày 19/11/2022, trong vai Đại biểu Quốc hội đi gặp cử tri để báo cáo về kết quả kỳ họp thứ tư (vừa kết thúc hôm 15/11/2022) của Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa này, ông Trọng nhấn mạnh rằng, cá nhân ông và đảng của ông “không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình”. Chuyện xử lý hành chính, xử lý hình sự như đã thấy, đã biết chỉ là vì... “sự tiến bộ chung, giáo dục người khác đừng đi vào vết xe đổ” nên... “buộc phải làm” (1). Đó cũng là lý do ông Trọng hào hứng giới thiệu những điểm... “rất mới, rất nhân văn”: “Khuyến khích cán bộ có sai phạm thì tự giác xin thôi việc, tự giác nộp lại tiền của đã tham ô, tham nhũng” để ông và đảng của ông có điều kiện... “miễn giảm, xử nhẹ hơn” (2).

Ông Trọng tự đánh giá chủ trương và phương thức ấy của cá nhân ông và đảng của ông là... “rất công tâm, khách quan, bài bản, đúng kỷ luật của đảng, pháp luật của nhà nước”. Kẻ viết bài này không muốn bàn đến “kỷ luật của đảng”. Khi một tổ chức chính trị, đặc biệt là tổ chức chính trị đang cầm quyền, bất chấp điều lệ của chính nó (3), thậm chí không chỉ “nhất trí” vi phạm điều lệ (Khoản 1, Điều 17: Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp) mà còn đồng thanh tung hô việc ông Trọng cương quyết “phục vụ” ở vị trí Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa (nhiệm kỳ thứ ba) là... “đúng đắn” thì không cần phải bàn luận về thứ “kỷ luật” tùy nghi co giãn như thế nữa!

Còn muốn biết chủ trương và phương thức mà cá nhân ông Trọng và đảng của ông đã cũng như đang quảng cáo có đúng “pháp luật của nhà nước” hay không thì cứ đối chiếu luật pháp thực định đang có hiệu lực thi hành trên toàn bộ lãnh thổ Cộng hòa XHCN Việt Nam, đặc biệt là luật hình sự, chắc chắn sẽ không tìm ra bất cứ điều nào, khoản nào cho phép “miễn giảm” trách nhiệm vì... “tự giác xin thôi việc, tự giác nộp lại tiền của đã tham ô, tham nhũng”. Tham ô, tham nhũng không chỉ gây thiệt hại về... “tiền của” mà còn gieo đủ loại tai họa cả hữu hình lẫn vô hình cho quốc gia, dân tộc. Chủ trương và phương thức xử lý hành chính, xử lý hình sự tùy tiện đến mức trắng trợn như vậy chỉ do ông Trọng và đảng của ông... “không thích thú” thì lấy gì bảo đảm “công tâm, khách quan, bài bản”?

Có vô số ví dụ cho thấy “nhân đạo, nhân ái, nhân tình” mà ông Trọng và đảng của ông dành cho sâu mọt là hết sức bất nhân đối với đồng bào. Ai cũng biết, cũng thấy trong thời gian vừa qua, việc quản trị-điều hành lĩnh vực giao thông-vận tải kìm hãm sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam đến mức nào và tai họa của sự phi lý trong quản trị-điều hành lĩnh vực ấy nghiêm trọng ra sao, công chúng không chỉ bất bình về năng lực quản trị-điều hành lĩnh vực giao thông-vận tải mà còn thắc mắc tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không làm gì cả dù có rất nhiều dấu hiệu cho thấy các viên chức lãnh đạo lĩnh vực giao thông-vận tải câu kết với gian thương để trục lợi, bất chấp hậu quả đối với quốc gia, dân tộc.

Tới giờ, chỉ có những người phản đối việc nhân danh lợi ích công cộng, cho phép khai thác hệ thống cầu đường theo hình thức BOT tràn lan trên toàn quốc vào tù, còn ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Giao thông-Vận tải - không chỉ vô sự vì đã... “tự nguyện từ chức” mà còn tiếp tục được tín nhiệm, điều động làm “Bí thư khối các cơ quan trung ương” bởi đã thể hiện “văn hóa, sự tự trọng của người đảng viên” (4). Làm và dán nhãn “rất mới, rất nhân văn” cho lối hành xử này rõ ràng là một kiểu dùng thuốc liều quá mức có thể chỉ định. Nếu ông Trọng và đảng của ông thật sự “công tâm”, thật sự “khách quan”, thật sự tôn trọng “pháp luật của nhà nước” không nhai đi, nhai lại “nhân đạo, nhân ái, nhân tình”, chắc chắn sẽ không có những đại án như “Việt Á”, “bay giải cứu”,....

Trong năm bảy năm vừa qua, ông Trọng và đảng của ông vừa cam kết với đồng bào sẽ “chỉnh đốn đảng”, kiên quyết chống tham nhũng “không có vùng cấm, không chấp nhận ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, vừa trấn an đồng chí về việc xem xét, xử lý sẽ “nhân văn”. Thực tế cho thấy, chính lối hành xử đẫm chất... “nhân văn” ấy đã trở thành bà đỡ, khuyến khích sâu mọt ở tất cả các ngành thuộc đủ mọi cấp thản nhiên câu kết với nhau để trục lợi, kể cả khi quốc gia, dân tộc ngả nghiêng trong thảm họa. Năm ngoái, hơn hai mươi ngàn người Việt uổng mạng.... Năm nay, kinh tế suy thoái chưa có điểm dừng, chẳng riêng người nghèo, nhiều giới khác cũng khốn khổ, tuyệt vọng, ông Trọng mở rộng phạm trù “nhân văn” thành... “nhân đạo, nhân ái, nhân tình” và tiếp tục giữ lại, dành riêng những chữ... “nhân” ấy cho đồng đảng!


Nguyên Nhân Khủng Hoảng Thị Trường Trái Phiếu, Từ Góc Nhìn Thể Chế và Chính Sách

(TS. Phạm Quý Thọ)


(Hình: Người mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh tập trung yêu cầu Bộ Tài chính giúp đỡ ở Hà Nội hôm 14/11/2022.)

Khủng hoảng thị trường trái phiếu là nghiêm trọng, và đang ảnh hưởng đô-mi-nô tiêu cực đến thị trường bất động sản, ngân hàng và niềm tin của nhà đầu tư. Các nhà điều hành “bế tắc” về giải pháp “giải cứu”. Mới đây, ngày 18/11, ông Thủ tướng yêu cầu “Nghiên cứu việc nới room tín dụng hợp lý…” nhưng Hiệp hội Ngân hàng (NH) cho rằng dù Ngân hàng Nhà nước có nới trần tín dụng thì các NHTM cũng không đủ vốn để cho vay ra…. Ngày 23/11, Bộ Tài Chính lại tiếp tục tổ chức họp bàn về thị trường chứng khoán và trái phiếu với sự chủ trì của ông Bộ trưởng....

Từ góc nhìn thể chế và chính sách, việc thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân khủng hoảng gợi mở với các nhà điều hành rằng cần ưu tiên ổn định thị trường tài chính, kinh tế vĩ mô trên thành tích tăng trưởng. Dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu:

Trước hết, nguyên nhân bao trùm là áp lực phục hồi kinh tế và tăng trưởng nhanh đã thúc đẩy giải ngân và huy động mọi nguồn lực xã hội mà không dựa trên khả năng hấp thụ và đánh giá rủi ro.

Sau đại dịch COVID-19 nhu cầu về khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được coi là mệnh lệnh cho sự điều hành đối với Chính phủ sau khi Đại hội 13 Đảng Cộng sản kết thúc và bộ máy nhà nước được kiện toàn. Hàng loạt các chính sách được công bố và thực thi, hàng trăm ngàn tỷ đồng ngân sách được phân bổ cứu trợ người lao động và các doanh nghiệp gặp khó khăn từ đại dịch. Bài học từ “thập kỷ bất ổn kinh tế vĩ mô” cho thấy việc giải ngân, kiểm soát dòng tiền đúng địa chỉ là phức tạp, tăng trưởng nóng đã để lại hậu quả nặng nề.

Trái ngược với tuyên truyền về tiềm năng tăng trưởng cao, các con số 7 -8% năm được dự đoán lạc quan và xuất hiện với tần suất cao trên các phương tiện đại chúng và không khí phấn khích từ nghị trường thì có một dòng chảy “ngầm” nhưng mạnh mẽ. Đó là sự vận hành của các doanh nghiệp tìm kiếm “cơ hội” vươn lên, trong đó phát hành trái phiếu được coi là một kênh huy động vốn quan trọng. Bức tranh phác thảo thực trạng này như sau. Trái phiếu doanh nghiệp đã “bùng nổ” trong hai năm 2020 -2021. Tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2021 đạt gần 640.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2020, với gần 95% là phát hành riêng lẻ. Ở phía cung, hai nhóm chính là ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản thúc đẩy “sự bùng nổ”, tương ứng với hơn 36% và 33,2% tổng khối lượng toàn thị trường. Ở phía cầu, lãi suất cao là lý do chính thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư. Trong năm 2021, hơn 60% lượng phát hành thành công có lãi suất trên 8 - 9% trong khi mức trung bình lãi ngân hàng của năm 2020 chỉ là 5-6% một năm….

Hai là, năng lực tham mưu lúng túng và bị động của các cơ quan chức năng có liên quan đến thị trường trái phiếu, đặc biệt là Bộ Tài chính trong việc ban hành chính sách điều hành thích hợp.

Sự bùng nổ phát hành trái phiếu được thúc đẩy bởi các chính sách có liên quan, trong đó có Nghị định số 153/2020/NĐ-CP năm 2020 về quy định chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Điều kiện phát hành dễ dãi, thiếu hiểu biết chuyên môn và tư vấn chuyên nghiệp về rủi ro nhưng lại được coi là “thuận tiện” cho các nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu trong tình hình tài chính thua lỗ, không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản như cổ phiếu hay hình thành trong tương lai vẫn chưa đủ để đảm bảo mức độ an toàn.... Chẳng hạn, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, năm 2021 trong 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm ngoái, có 57 công ty kinh doanh thua lỗ trước khi phát hành, 45 đơn vị có tỷ lệ đòn bẩy nợ hơn 10 lần, 10 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu gấp hơn năm lần vốn chủ sở hữu… Trong khi đó các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân, vẫn “tham lam” khi được “chào mời” với nhiều chiêu “lách” quy định để mua bán trái phiếu riêng lẻ….

Mặc dù, từ đầu năm 2021 rủi ro được cảnh báo là nghiêm trọng, rằng ‘bom nợ’ có nguy cơ sắp nổ. Tuy nhiên, cho đến cuối tháng 9/2022 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP mới được ban hành để sửa đổi, bổ sung theo hướng “siết chặt” một số quy định liên quan đến nhà đầu tư trái phiếu của Nghị định số 153 nêu ở trên. Các cơ quan tham mưu có thể đã chịu áp lực trước quan điểm rằng trái phiếu là nguồn lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, có nguyên nhân về năng lực quản lý, công tác cán bộ lãnh đạo, trong đó tính liên tục kỹ trị bị gián đoạn và “khoảng trống” trách nhiệm trong giai đoạn chuyển giao quyền lực căng thẳng, từ cuối 2020 đến đầu năm 2021, giữa hai nhiệm kỳ Đại hội 12 và 13 của Đảng Cộng sản, trong đó sự thay đổi vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Bộ trưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ 12 “luân chuyển” sang giữ chức Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhiệm kỳ 13….

Ba là, thực hiện các giải pháp cực đoan, “phi thị trường” gây ra hiệu ứng và hậu quả tiêu cực, khó lường.

Trong bối cảnh xây dựng Đảng – Nhà nước mạnh, trước áp lực tăng trưởng các nhà điều hành đã chịu ảnh hưởng bởi căn bệnh mãn tính “duy ý chí” bị kích hoạt bởi việc dựa trên đánh giá có phần chủ quan về rủi ro, và việc nhà điều hành áp dụng các biện pháp phi tài chính mang tính “cực đoan” là hậu quả. Nửa đầu năm 2022 Tập đoàn Tân Hoàng Minh được coi là điển hình xử lý để răn đe bởi những vi phạm trong chào bán trái phiếu riêng lẻ “lòng vòng”.

Tuy nhiên, việc chính quyền bắt giữ các “đại gia” không chỉ liên quan đến vi phạm về phát hành trái phiếu mà có thể nhằm đến các mục đích khác, trong đó có cảnh báo sự bành trướng vô chính phủ của tư bản. Cuối tháng 9/2022 bốn lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị truy tố hình sự cũng với tội danh “lừa đảo và chiếm đoạt tiền” của các nhà đầu tư. Liên kết sở hữu chéo của tập đoàn với ngân hàng SCB khiến khách hàng, các nhà đầu tư hoang mang, và ngân hàng này bị “kiểm soát đặc biệt” bởi chính quyền. Đang lan truyền các thuyết âm mưu quanh sau vụ án này, những cái chết bí ẩn, vụ cháy tại tòa nhà của tập đoàn, đồn đoán về thế lực chống lưng, và dường như nó “quá lớn” để sụp đổ. Mới đây, ngày 16/11 khi chủ trì Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định rằng vụ án này mang tính chất “đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, chưa từng có”, những quyết tâm “làm”.

Thay vì “răn đe” hiệu ứng từ các giải pháp “phi thị trường” đang tác động tiêu cực. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư sụp giảm niềm tin, “biểu tình” yêu cầu giải trình, bán lại trước hạn trái phiếu trước hạn, áp lực đáo hạn hàng trăm ngàn tỷ đồng, các công ty bất động sản đứng trước thách thức thiếu vốn, lãi suất và nợ xấu ngân hàng tăng cao đột biến….

Nhà chức trách đã không ít lần triệu họp khẩn để có giải pháp cấp bách đối với tình hình khó khăn của các ngân hàng, thị trường chứng khoán, bất động sản và trấn an các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc điều hành đang ở tình thế lưỡng nan: tăng trưởng nhanh và giảm nguy cơ rủi ro từ khủng hoảng, và ngoài ra, trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi nên chăng Chính phủ cần ưu tiên ổn định thị trường tài chính, kinh tế vĩ mô lên trên thành tích tăng trưởng.


Vụ AIC: Tiếp Tục Điều Tra Cựu Phó Chủ Tịch Đồng Nai


(Hình từ trái qua: Cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái.)

Cựu Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai, bà Phan Thị Mỹ Thanh cùng nhiều lãnh đạo sở, ngành của tỉnh này bị viện kiểm sát cho rằng cần tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm.

Ngày 24-11, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái về tội nhận hối lộ. Cựu chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn bị truy tố về tội đưa hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. 33 bị can còn lại bị truy tố về nhiều tội danh khác nhau.

Cùng với đó, viện kiểm sát cho rằng cần điều tra, làm rõ trách nhiệm của một số cựu lãnh đạo sở ngành và cả trách nhiệm của cựu lãnh đạo tỉnh, trong đó có bà Phan Thị Mỹ Thanh - cựu phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai.
Cáo trạng thể hiện, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án, trong đó quyết định danh mục thiết bị y tế chuyên môn trị giá hơn 754 tỉ theo đề xuất điều chỉnh của ông Cao Tiến Dũng, khi đó là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

“Như vậy việc ông Dũng đề xuất và bà Thanh phê duyệt điều chỉnh giá trị thiết bị y tế chuyên môn là không có căn cứ”, viện kiểm sát ghi rõ trong cáo trạng.
Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng kết quả điều tra chưa có căn cứ kết luận hành vi của bà Thanh, ông Dũng dẫn đến hậu quả thiệt hại vụ án, nên cần thiết phải tách ra để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý sau.

Cũng trong ngày 24/11, Viện kiểm sát cáo buộc ba cựu lãnh đạo là Bí thư, chủ tịch UBND, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã nhận hối lộ tổng cộng 43 tỉ đồng từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và thuộc cấp. Cả ba bị truy tố khung cao nhất tội nhận hối lộ.

Theo cáo trạng, muốn Công ty AIC được trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn thiết lập quan hệ với cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành. Bà Nhàn sau đó đã trực tiếp sáu lần đưa tiền cho ông Thành, tổng cộng 14,5 tỉ đồng. Lần nhận hối lộ nhiều nhất lên đến 5 tỉ đồng, ông Thành xếp vào va li cá nhân mang từ Hà Nội vào Đồng Nai.

Tại cơ quan điều tra, ông Thành khai sau đó cho vợ gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản. Một phần ông Thành giữ để sử dụng, chi tiêu cá nhân.
Cũng nhận số tiền 14,5 tỉ đồng, cựu chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái được bà Nhàn và nhân viên hối lộ 14 lần kéo dài hơn 10 năm.

Cựu chủ tịch tỉnh khai đã đưa một phần số tiền nhận hối lộ cho vợ để đóng tiền cho hai con ruột du học tại Mỹ từ năm 2016 đến nay. Số tiền còn lại, ông Thái sử dụng cá nhân và chi phí một số việc trong gia đình.
Viện kiểm sát cũng truy tố ông Phan Huy Anh Vũ - cựu Giám đốc Sở Y tế - về tội nhận hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Bà Bồ Ngọc Thu - cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Riêng cựu chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn bị truy tố về tội đưa hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Bảy người khác đang trốn truy nã giống bà Nhàn cũng bị truy tố.

Những bị can còn lại gồm nhiều lãnh đạo, nhân viên của AIC, cán bộ của tỉnh Đồng Nai và lãnh đạo một số công ty thẩm định giá bị truy tố về ba tội danh.


Bộ Công An: Người Dân Nên Đọc Thông Tin Trên Các Trang Mạng Xã Hội Được Cấp “Tích Xanh”, Để Tránh Bị Lừa Đảo


(Hình: Nhiều trang mạng mạo danh cơ quan, đơn vị Công an.)

Gần 400 trang mạng, tài khoản mạng xã hội (trên nền tảng Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok, Instagram…) bị cho giả mạo, sử dụng tên, hình ảnh, ký hiệu, biểu tượng của lực lượng Công an nhân dân đã bị phát hiện và đề nghị xoá bỏ.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an cho truyền thông hay tin trên trong ngày 24/11.
Ông Xô, qua đó, cho biết, hiện lực lượng công an nhân dân sử dụng một số trang, tài khoản mạng xã hội phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Tuy nhiên thời gian qua lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện gần 400 trang mạng, tài khoản mạng xã hội giả mạo, sử dụng tên, hình ảnh, ký hiệu, biểu tượng của lực lượng Công an nhân dân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Cụ thể, ông Xô dẫn chứng, mới đây, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an phát hiện nhóm “Học viện An ninh nhân dân - T01” với hơn 11.000 thành viên, mạo danh Học viện An ninh nhân dân để phát tán nhiều hình ảnh phản cảm, vi phạm điều lệnh Công an nhân dân, không kiểm duyệt chặt chẽ nội dung dẫn đến việc để đối tượng xấu lợi dụng.

Sau khi phát hiện giả mạo, A05 đã mời Đ.H.T.A (32 tuổi, trú tại P.Giảng Võ, Q.Ba Đình, Hà Nội) lên làm việc để làm rõ động cơ, mục đích lập, sử dụng nhóm. Cũng theo ông Xô, qua làm việc người này thừa nhận hành vi vi phạm quy định pháp luật và cam kết không tái phạm.
Người phát ngôn của Bộ Công an cho biết A05 đang củng cố hồ sơ để xử lý Đ.H.T.A theo quy định của pháp luật.

Trong số hàng trăm trường hợp bị phát hiện vi phạm pháp luật trong việc giả mạo lực lượng công an nhân dân, ông Xô cho biết có một trường hợp “nổi trội” đã bị công an xử lý là T.T.N (28 tuổi, trú tại tỉnh Vĩnh Phúc). T.T.N đã thiết lập các trang mạng xã hội Facebook mạo danh lực lượng Công an nhân dân, như “Cảnh sát hình sự”, “Cảnh sát cơ động”, “Cảnh sát giao thông”, “Chúng tôi là chiến sĩ Công an nhân dân”, “Yêu Cảnh sát giao thông”… với hàng triệu lượt người theo dõi để đăng tải những thông tin, hình ảnh phản cảm.

Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô, thủ đoạn chủ yếu của các nhóm đối tượng trên là giả mạo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Báo điện công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; thu thập thông tin cá nhân người dân trái phép, như thông tin căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.

Nguy hiểm hơn, theo ông Xô, đó là các đối tượng mạo danh nhằm phát tán thông tin sai lệch, “giật tít, câu like”; sử dụng ngôn từ, hình ảnh phản cảm, lan truyền thông tin xấu độc, sai sự thật trên không gian mạng, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân….

Qua đó, Bộ Công an đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn nêu trên; theo dõi, tìm đọc thông tin trên các trang mạng xã hội được cấp “tích xanh”; đồng thời tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân công khai trên mạng xã hội, để các đối tượng có thể lợi dụng vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Việt Nam: ‘Sự Nghiệp... Số’ Thường Vắng Số và Vắn Số!

(Trân Văn)

(Hình: Việt Nam hiện lưu hành hai mẫu sổ thông hành, mới (xanh tím than, trái) và cũ (xanh lá cây) cùng lúc.)

Để đeo đuổi “xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0”, Bộ Công an xây dựng kho dữ liệu về thông tin cá nhân của công dân, áp cho mỗi công dân một mã số định danh.
Các Đại biểu Quốc hội khóa 15 vừa nhất trí bổ sung “nơi sinh” vào trang chính của sổ thông hành cấp cho công dân Cộng hòa XHCN Việt Nam (1). Mẫu mới của sổ thông hành vừa được phát hành hồi tháng 7 năm nay (tạm gọi là sổ thông hành... “mới xài”) giờ đã được thay bằng mẫu... “mới hơn”.

Bởi mẫu sổ thông hành... “mới hơn” vừa được các Đại biểu Quốc hội khóa 15 lựa chọn có “nơi sinh”, không giống với Khoản 3 - Điều 6 của Luật Xuất cảnh và Nhập cảnh từng được các Đại biểu Quốc hội khóa 14 thông qua hồi tháng 11/2019 (quy định về “thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh” trong Luật Xuất cảnh và Nhập cảnh không đề cập đến “nơi sinh”) và thời gian phải xác lập, ban hành mẫu sổ thông hành... “mới hơn” mẫu sổ thông hành... “mới xài” quá ngắn (phải trước ngày 1/1/2023, nếu không, công dân Cộng hòa XHCN Việt Nam sẽ không thể sử dụng sổ thông hành theo mẫu... “mới xài” ra vào nhiều quốc gia khác) nên việc sửa một phần Luật Xuất cảnh và Nhập cảnh được Quốc hội khóa 15 thực hiện theo phương thức chưa từng có trong lịch sử lập pháp: Dùng Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4 để... thể hiện ý chí của nhân dân rồi giao cho Bộ Công an tùy nghi sửa chữa các văn bản pháp quy có liên quan đến mẫu sổ thông hành!

Việc chỉnh sửa một bộ luật theo kiểu như vừa đề cập có nhiều điểm đáng bàn nhưng xin phép tạm gác sang một bên. Qua chuyện thay “nơi sinh” trong mẫu sổ thông hành cũ bằng mã số định danh ở mẫu sổ thông hành... “mới xài” nhưng ba tháng sau phải bỏ để... tái bổ sung “nơi sinh”, kẻ viết bài này chỉ mạo muội lạm bàn về “sự nghiệp... số” ở Việt Nam.

***
Theo đề nghị của Bộ Công an, chính phủ đã sắp xếp cho ông Tô Lâm giới thiệu với các Đại biểu Quốc hội khóa 14 (2016 – 2021) Dự luật Xuất cảnh và Nhập cảnh do Bộ Công an soạn thảo. Vào thời điểm đó (hạ tuần tháng 5/2019), ông Tô Lâm bảo với các Đại biểu Quốc hội rằng phải có Luật Xuất cảnh và Nhập cảnh và đổi mẫu sổ thông hành vì đó là... “xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0” (2).

Mẫu sổ thông hành mới theo “xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0” có hai yếu tố liên quan đến “sự nghiệp... số” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam: Thứ nhất, có chip ghi chép và lưu trữ các thông tin cá nhân của người sử dụng sổ thông hành. Thứ hai, có mã số định danh của người sử dụng sổ thông hành.

Dự luật Xuất cảnh và Nhập cảnh trở thành luật thực định cho lĩnh vực xuất cảnh và nhập cảnh từ tháng 11/2019 nhưng đến tháng 7/2022 – thời điểm cấp phát sổ thông hành mẫu mới – Bộ Công an vẫn chưa làm được sổ thông hành có chip điện tử, “sự nghiệp... số” của Bộ Công an gặp trắc trở đầu tiên nhưng chưa phải là cuối cùng.

Để đeo đuổi “xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0”, Bộ Công an xây dựng kho dữ liệu về thông tin cá nhân của công dân, áp cho mỗi công dân một mã số định danh. mã số định danh là chuỗi 12 số in cả trên căn cước lẫn sổ thông hành mẫu mới. Vì “nơi sinh” đã được... “số hóa” thành ba số đầu trong chuỗi mã số định danh nên sổ thông hành mẫu mới không có “nơi sinh”.

Tuy nhiên nỗ lực... “số hóa” theo kiểu đó không giống ai nên trở thành bất khả thi bên ngoài biên giới Việt Nam. Chẳng viên chức hữu trách nào trong lĩnh vực di trú và hành chánh của những quốc gia khác thèm đối chiếu quy định về “số hóa” dữ liệu cá nhân do Bộ Công an ban hành để xác định đương sự sinh ở đâu.

“Cuộc cách mạng công nghệ 4.0” của Bộ Công an Việt Nam nói chung và ông Tô Lâm nói riêng rõ ràng là hết sức... “khó khăn, gian khổ” vì phần còn lại của nhân loại không... đồng điệu. Tại sao... “số hóa” là... “xu hướng tất yếu” mà Việt Nam vẫn phải bỏ mẫu sổ thông hành... “mới xài” đã được... “số hóa” để thay bằng mẫu sổ thông hành... “mới hơn” có “nơi sinh” viết bằng... chữ như mẫu sổ thông hành... cũ? Có thể vì dưới sự lãnh đạo của đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ, “sự nghiệp... số” của Việt Nam phải… vắn số!

***
Đầu thập niên 2000, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bắt đầu huyên thuyên về việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động, hỗ trợ “sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Theo thời gian, ứng dụng công nghệ thông tin được dán nhiều nhãn khác nhau: Kinh tế tri thức, Cách mạng công nghệ 4.0, Chuyển đổi số,… Tuy đã đổ rất nhiều tiền vào việc ứng dụng công nghệ thông tin nhưng đến 2020, Việt Nam vẫn không đạt được mục tiêu đã đề ra: Trở thành một quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại!

Đến giờ, những dấu ấn sâu đậm nhất trong quá trình thúc đẩy các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin nếu không là các... đại án (Chẳng hạn vụ Trung tướng Phan Văn Vĩnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cục Cảnh sát Chống tội phạm công nghệ cao, tận dụng yêu cầu giám sát các hoạt động... “số hóa” để khoác cho Công ty Đầu tư và Phát triển an ninh công nghệ cao tấm áo “bình phong” để “tổ chức đánh bạc, đánh bạc, sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản, mua bán trái phép hóa đơn, rửa tiền, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Hay vụ Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch thành phố Hà Nội, tận dụng... “số hóa” để giao cho Công ty Nhật Cường làm nhà thầu cho đủ loại dự án liên quan đến “số hóa”) thì cũng là những scandal như... sổ thông hành mẫu mới vì dùng mã số định danh thay “nơi sinh” mà phải hủy.

“Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã được… gia hạn đến 2030 và cho phép… co giãn đến 2045 (4), đảng lại ban hành thêm nghị quyết (Nghị quyết 52-NQ/TW), chính phủ lại công bố chương trình mới (Quyết định 749/QĐ-TTg) nhằm “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số”... Nghị quyết 52-NQ/TW được BCH TƯ đảng ban hành hồi tháng 9/2019, Quyết định 749/QĐ-TTg được phê duyệt hồi tháng 6/2020 nhưng trong đợt dịch COVID-19 thứ tư hồi năm ngoái (2021), Việt Nam không tạo ra được ứng dụng công nghệ thông tin nào cho ra hồn để theo dõi - phòng ngừa dịch bệnh trên toàn quốc (5). Không phải tự nhiên mà những người am tường hoạt động của lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam khẳng định, nếu lật lại hồ sơ chi tiêu cho các ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi - phòng ngừa COVID 19 tại Việt Nam, chắc chắn sẽ có thêm một scandal nữa mà tính chất chẳng thua gì scandal Việt Á.

Đến giờ, “sự nghiệp... số” tại Việt Nam vẫn thế - vẫn tiến những bước mạnh mẽ nhưng... rất ngắn như thay đổi mẫu sổ thông hành... “mới xài” rồi hối thúc nhau sớm đổi sang mẫu sổ thông hành... “mới hơn”. Chẳng riêng hệ thống công công quyền, hệ thống chính trị như Quốc hội cũng... thích như thế cho nên trong kỳ họp vừa qua, dù chi phí cho một ngày hội họp được tính bằng tỉ đồng nhưng Quốc hội vẫn dành nhiều ngày để bàn về chuyện bán... “số” kiểm soát xe hơi, để băn khoăn xem có nên cấp biển có hai số cuối là 49 và 53 hay không! “Số” nào cũng là số và chỉ cần quan tâm đến số là có thể “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số” không theo nghĩa này thì theo... nghĩa kia. Vậy thôi!


Hoa Kỳ và Việt Nam, Kỷ Niệm 2 Thập Kỷ, Chung Tay Bảo Vệ Di Sản Văn Hóa Việt Nam


(Hình: Tham tán Thông tin Văn hóa Đại sứ quán Hoa Kỳ Molly Stephenson trao tài trợ cho dự án tu sửa Di sản Thành Nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa, năm 2018.)

Đại sứ quán Hoa Kỳ cùng các đối tác Việt Nam mới đây đã kỷ niệm hai thập kỷ chung tay bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam và 20 năm ngày thành lập Quỹ Bảo tồn Di sản văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ (AFCP).

Theo tin từ Đại sứ quán Hoa Kỳ, cơ quan ngoại giao này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) đã phối hợp tổ chức các hội thảo và triển lãm tại Hà Nội.

Tin cho hay, triển lãm ảnh có tên “Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ – Hai thập kỷ hợp tác với Việt Nam”, diễn ra từ ngày 23/11 đến hết ngày 26/11/2022 tại phòng trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giới thiệu hình ảnh về toàn bộ 16 dự án bảo tồn di sản văn hóa do AFCP tài trợ tại Việt Nam từ năm 2001 đến nay.

Ngoài ra, một hội thảo có tên gọi “Việt Nam và Hoa Kỳ: Nỗ lực chung bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam”, do các chuyên gia có uy tín về bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam và nước ngoài điều phối và có 6 đại biểu đại diện ở ba miền trình bày tham luận, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các dự án AFCP đã và đang thực hiện tại Việt Nam.
Theo Đại sứ quán Mỹ, hội thảo có mục tiêu ghi nhận các thành tựu từ Sáng kiến Kết nối Di sản Văn hóa (CHEI) của Quỹ Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam kể từ năm 2001, và thông qua các tham luận đại diện, hội thảo sẽ cung cấp thông tin về công tác bảo tồn trong thực tiễn ở 16 chương trình được AFCP hỗ trợ tại Việt Nam.

Tin cho hay, các tham luận tại hội thảo “nêu bật các thực hành tốt, nhận diện các thách thức và khó khăn mà các cơ quan đơn vị và cá nhân gặp phải trong quá trình thực hiện dự án bảo tồn” và “các thảo luận sẽ góp thêm ý kiến về công tác bảo tồn di sản văn hóa trong đời sống”.
“Bên cạnh đó, hội thảo sẽ mở rộng thảo luận về mối quan hệ hợp tác trên nhiều phương diện trong nhiều năm giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong bảo tồn di sản văn hóa, và thúc đẩy các cơ hội hợp tác và đối tác trong tương lai”, đại sứ quán Mỹ cho biết.
“Thông qua việc chia sẻ thông tin về AFCP và các nguồn tài trợ văn hóa khác, chương trình nhấn mạnh mục tiêu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc huy động, xã hội hóa các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ bổ sung trong bảo tồn và quản lý di sản văn hóa tại Việt Nam, đặc biệt đối với các trường hợp di sản trong tình trạng nguy cấp và cần hành động khẩn cấp”.

Theo cơ quan ngoại giao Mỹ, Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ (AFCP) hỗ trợ các dự án bảo tồn trên nhiều loại hình di sản văn hóa tại các quốc gia đang phát triển, bao gồm kiến trúc lịch sử, địa điểm khảo cổ, hiện vật dân tộc học, tranh vẽ, bản thảo, ngôn ngữ bản địa và các hình thức biểu đạt văn hóa truyền thống khác.

Tin cho hay, kể từ năm 2001, AFCP đã hỗ trợ hơn 1.000 dự án bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa trên toàn cầu, tại hơn 650 cộng đồng và 133 quốc gia. Tại Việt Nam, trong 20 năm qua, AFCP đã tài trợ cho 16 dự án bảo tồn di sản văn hóa trên toàn quốc, với tổng trị giá 1.246.775 đô la.

Không có nhận xét nào: