Nga chỉ kiểm soát 15% lãnh thổ Ukraina so với 25% đầu chiến tranhThường dân Kherson, Ukraina, bị quân đội Nga sát hại. Ảnh ngày 24/11/2022. AP - Bernat Armangue - Trọng Thành Chiến sự vẫn tiếp diễn dữ dội tại nhiều nơi ở Ukraina, đặc biệt tại vùng Donbass và Kherson. Ít nhất 4 người chết và 10 người bị thương hôm 24/11/2022, sau các trận oanh kích của Nga nhắm vào thành phố miền nam Kherson, vừa được giải phóng. Sau 9 tháng chiến tranh, theo giới quan sát, nhìn chung quân đội Nga đang ở vào thế phòng ngự. Báo Pháp Le Monde dẫn lại nguồn tin từ War Mapper cho biết hiện tại quân đội Nga chỉ còn kiểm soát được 15% lãnh thổ so với 25% hồi tháng 3/2022.
<!>
Giao tranh tiếp tục dữ dội ở miền đông Ukraina, đặc biệt ở tỉnh Donetsk. Thị trấn Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk tiếp tục là tâm điểm của cuộc đụng độ giữa lực lượng Nga và Ukraina. Tuy nhiên, còn nhiều dân trong thị trấn không sơ tán. Nhiều người sẵn sàng bám trụ, chấp nhận mọi rủi ro và khổ ải, vì chiến thắng cuối cùng.
Phóng sự của đặc phái viên Cléa Broadhurst gửi về từ Donbass :
‘‘Ở đây, chúng ta không sống, chúng ta chỉ tồn tại mà thôi...’’. Đây là điều mà một người đàn ông qua đường nói với một số ít cư dân tập trung dưới chân một tòa nhà, gần một cái bếp nhỏ được lập tạm, xây bằng gạch. Bà Galina đã 80 tuổi, hàng ngày bà đến đây để trò chuyện với các hàng xóm.
Bà nói: ‘‘Chúng tôi luôn nói chuyện với nhau, ở đây hoặc ở nhà tôi. Không còn nhiều người ở đây nữa. Mọi người tìm cách gặp nhau, ở bên nhau. Điều đó cho phép chúng tôi dẹp bỏ được những gì đè nặng lên mình. Hoặc là tôi ở nhà một mình, hoặc tôi nói chuyện với mọi người… Tất nhiên điều đó là quan trọng’’.
Bên cạnh Lesia là một chiếc túi đựng táo cô mua trên phố. Rất ít cửa hàng ở đây còn mở. Lesia từng có ba cửa hàng trước chiến tranh, hôm nay cô ấy bán hàng trên đường phố. Lesia nói : ‘‘Chúng tôi sống tằn tiện, mọi người đều cần phải ăn, vì vậy chúng tôi mang về những gì chúng tôi có, chúng tôi bán hàng trên đường phố, chúng tôi làm việc… Chúng tôi giúp đỡ những ai mà chúng tôi có thể giúp, vì chúng tôi đoàn kết với nhau’’.
Lòng quyết tâm thách thức bom đạn. Lesia khẳng định : ‘‘Vì Ukraina, chúng tôi sẵn sàng sống không có khí đốt, không điện, không nước… Sẵn sàng ăn bánh mì loại tồi. Vì Ukraina, chúng tôi sẽ chịu đựng được, bởi chúng tôi là những người kháng chiến’’.
Ukraina tìm cách khôi phục hệ thống điện nước sau các đợt oanh kích của Nga
Thủ đô Kiev, Ukraina, sau một đợt oanh kích của Nga. Ảnh ngày 23/11/2022. © AP/Andrew Kravchenko
Phan Minh
Tính đến ngày 25/11/2022, chính quyền Ukraina đang tìm mọi cách để khôi phục hệ thống điện và nước cho hàng triệu người dân, sau các đợt oanh kích dồn dập của quân đội Nga bằng tên lửa hành trình trong những ngày qua.
Hệ thống năng lượng ở Ukraina đang trên bờ vực sụp đổ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về những hậu quả "đe dọa tính mạng" và cho rằng hàng triệu người dân có thể sẽ phải bỏ nhà để đi sơ tán.
Trả lời RFI, Ivan, một cư dân sống ở Kiev cho biết tình hình tại chỗ :
"Hiện tại, tình hình thực sự rất thảm khốc và tôi tin rằng điều này không chỉ diễn ra ở Kiev mà là ở toàn bộ Ukraina. Đó là do Nga, do những kẻ khủng bố, những kẻ không chỉ chống lại những người lính của chúng tôi mà còn chống lại thường dân, những người dân Kiev bình thường như tôi.
Họ đang tìm cách hủy hoại cuộc sống của chúng tôi gần như mỗi ngày. Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi không có điện, không có nước, không có hệ thống sưởi, và mọi chuyện đã như vậy kể từ hôm qua vì họ đã bắn rất nhiều tên lửa vào đây.
Chúng tôi không thể tắm, không thể rửa tay hay đánh răng.
Và bây giờ nhiệt độ đã xuống khoảng 0 độ, trời rất lạnh. Cảm ơn Chúa vì bây giờ nhiệt độ ngoài trời chưa xuống âm 10 độ, nhưng chúng tôi đang lo không biết mùa đông sẽ ra sao. Còn để chờ xem."
Hạ Viện Pháp ủng hộ đưa quyền nạo phá thai vào Hiến Pháp
Đảng Nước Pháp Bất Khất LFI trên tuyến đầu đòi đưa quyền phá thai vào Hiến Pháp. Ảnh ngày 24/ 11/2022 trước trụ sở Quốc Hội Pháp. AFP - GEOFFROY VAN DER HASSELT
Thu Hằng
Ngày 24/11/2022, một ngày trước Ngày quốc tế loại bỏ bạo lực nhắm vào phụ nữ, Hạ Viện Pháp ủng hộ ghi quyền được nạo phá thai vào Hiến Pháp với 337 phiếu thuận, 32 phiếu chống. Đề xuất được đảng cánh tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) đưa ra và được liên minh cầm quyền ủng hộ. Tuy nhiên, con đường vẫn còn dài để quyền được phá thai được đưa vào hệ thống pháp luật cao nhất.
Theo AFP, văn bản được thông qua hôm 24/11 là kết quả soạn thảo lại của hai đảng, nhấn mạnh trong điều 66 : « Luật pháp bảo đảm tính hiệu lực và tiếp cận bình đẳng với quyền tự nguyện chấm dứt thai kỳ ».
Theo bà Mathilde Panot, người đứng đầu đảng Nước Pháp Bất Khuất tại Hạ Viện, đây là một « thắng lợi lịch sử cho tất cả phụ nữ tại Pháp và trên thế giới » để « ngăn chặn sự thụt lùi » đối với phụ nữ, như trường hợp Tối Cao Pháp Viện Mỹ bỏ quyền phá thai hoặc trường hợp tương tự ở một số nước châu Âu.
Điều đặc biệt hiếm hoi là liên minh cầm quyền ủng hộ văn bản của phe đối lập. Nghị sĩ Erwan Balanant của đảng MoDem, thuộc liên minh cầm quyền, phát biểu : « Đây là một thông điệp tốt đẹp. Điều này cho thấy chúng ta có thể làm việc cùng nhau vì lợi ích của người dân Pháp ».
Tuy nhiên, việc đưa quyền phá nạo thai vào Hiến Pháp- tức là sửa đổi, bổ sung Hiến Pháp - là một con đường còn dài, khó khăn.
Văn bản vừa được Hạ Viện thông qua - một sáng kiến của Nghị Viện - được chuyển lên Thượng Viện xem xét và bỏ phiếu. Thượng Viện, hiện do đảng cánh hữu chiếm đa số, không ủng hộ sáng kiến này. Trong giả thuyết cả hai viện đều chấp nhận văn bản này thì giai đoạn sau cùng là phải đem ra trưng cầu dân ý.
Chính vì vậy, lãnh đạo nhóm dân biểu đảng Nước Pháp Bất Khuất, bà Panot, đã kêu gọi chính phủ đưa ra một dự luật với nội dung này. Theo luật pháp của Pháp, việc sửa đổi Hiến Pháp, trên cơ sở dự luật do chính phủ đệ trình, sẽ được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể hai viện. Để được thông qua, việc sửa đổi này phải được 3 phần 5 số nghị sĩ tán thành.
Theo giới quan sát, khi ủng hộ đưa quyền phá thai vào Hiến Pháp, các đảng phái đều hy vọng thu được lợi ích chính trị trong mắt người Pháp.
Việc đưa quyền được phá thai vào Hiến Pháp của Pháp đã được đưa ra từ năm 2018 và 2019, tuy nhiên đều thất bại.
Trung Quốc : Nhân viên Foxconn đồng loạt từ chức
Công nhân Foxconn tại Trịnh Châu, Trung Quốc, rời khỏi nhà máy. Ảnh ngày 30/10/2022. AP - Hangpai Xingyang
Phan Minh
Theo một nguồn tin trong nhà máy Foxconn, ở Trịnh Châu, Trung Quốc, tiết lộ với hãng Reuters hôm nay, thì trong thời gian qua, đã có tới hơn 20 ngàn nhân viên rời bỏ nhà máy, đa phần là những người vừa mới được tuyển dụng. Sau cuộc biểu tình của công nhân phản đối điều kiện làm việc và sinh hoạt, lãnh đạo Foxconn đã lên tiếng xin lỗi và nói đến một « lỗi kỹ thuật » trong quá trình tuyển dụng.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :
Hai túi lớn được chất đầy đồ rất nhanh, với vẻ mặt nhẹ nhõm của hàng chục nghìn người mới từ bỏ việc làm có mặt tại nhà ga Trịnh Châu. Hôm qua, các chuyến tàu đặc biệt đã được huy động để đưa họ trở về quê sau khi trong mấy ngày qua đã diễn ra các cuộc biểu tình phản đối điều kiện sinh hoạt trong các nhà máy bị cách ly của nhà thầu phụ Apple và những hợp đồng không được tôn trọng.
Một công nhân trong nhà máy giải thích : « Foxconn hứa với nhân viên là sẽ có tiền trong một hoặc hai tháng để có thể về nhà vào kỳ nghỉ xuân, nhưng sau đó, Foxconn đã đơn phương thay đổi hợp đồng, bắt nhân viên ở lại đến tháng 3 mới được nhận tiền thưởng, điều đó khiến các nhân viên tức giận. Một số người đã lên gặp lãnh đạo và đập vỡ máy tính của họ và hôm qua, ban lãnh đạo đã quyết định trả 1300 € cho những người muốn ra đi, 2000 € cho những người bị thương. »
Đền bù cho những người ra đi, đây là vụ ra đi hàng loạt thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng đối với Foxconn. Nhà thầu đề cập đến một lỗi trong phần mềm tuyển dụng. Hầu hết những nhân viên mới vừa được đào tạo trực tuyến. Họ làm việc chưa đầy 10 ngày trong nhà máy. Khi được các tổ chức bảo vệ người lao động hỏi, Apple cho biết các khiếu nại của các công nhân viên sẽ được xem xét.
LHQ dự tính mở điều tra các vụ đàn áp người biểu tình tại Iran
Chân dung các nạn nhân Iran bị đàn áp trong phòng trào đòi công lý cho Mahsa Amini, được đặt tại trụ sở nhân quyền LHQ tại Genève. Ảnh ngày 24/11/2022 © AFP - VALENTIN FLAURAUD
Phan Minh
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm qua 24/11/2022 đã họp phiên đặc biệt về tình hình đàn áp phong trào biểu tình ở Iran sau cái chết của cô Mahsa Amini. Hội đồng dự tính tiến hành một cuộc điều tra.
Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche cho biết thêm :
Trung Quốc đã tìm cách tung một đòn hỏa mù vào phút chót với việc đệ trình một sửa đổi trong văn bản dường như đã bị rút bỏ hết nội dung chính. Thế nhưng, Bắc Kinh đã không thuyết phục được các thành viên khác và Hội đồng đã chấp thuận nguyên tắc mở một cuộc điều tra.
Tuy nhiên, việc cử phái đoàn đi điều tra sẽ phức tạp hơn. Chính quyền Teheran tố cáo đó là một sự can thiệp không thể chấp nhận được vào công việc nội bộ của mình. Nhưng theo ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, người đã đến Genève để ủng hộ văn bản, thì điều này không quan trọng. Bản thân sự tồn tại một cuộc điều tra về hồ sơ này đã là một thành công
Bà Baerbock nói : « Chúng ta không biết liệu cuộc điều tra này có cứu được mạng sống mọi người sau này hay không. Nhưng những gì chúng ta biết là nó sẽ mang lại công lý. Có thể điều đó sẽ diễn ra tại một tòa án Iran hay ở một quốc gia khác, hoặc sẽ được đưa ra trước một tòa án quốc tế. Nhưng nếu chúng ta không thu thập chứng cứ ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ không bao giờ mang lại công lý cho các nạn nhân. »
Tân Cao ủy Nhân quyền Volker Türk đã tố cáo luận điệu âm mưu của Iran khi nước này đổ lỗi cho các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm về các vụ bạo lực. Theo ông, đây là một kiểu hùng biện của những kẻ bạo quyền. Ông nhắc lại rằng sự đàn áp là điều không thể chấp nhận được và chắc chắn sẽ phải có thay đổi.
Thủ tướng Pháp công du Đức nhằm tái thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung của châu Âu
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne chuẩn bị sang Đức sưởi ấm quan hệ với Berlin vì lợi ích của Liên Âu. Ảnh minh họa, chụp ngày 04/07/2022. AFP - LUDOVIC MARIN
Trọng Thành
Trong những ngày qua, Paris và Berlin có hàng loạt nỗ lực nhằm giảm nhẹ các bất đồng, và siết chặt hợp tác trong một số lĩnh vực. Hôm nay, 25/11/2022, thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đến Đức. Mục tiêu căn bản là thúc đẩy các hợp tác song phương, vì lợi ích chung của châu Âu.
Hãng tin Pháp AFP dẫn một số nguồn tin thân cận với thủ tướng Pháp, cho hay : đối mặt với cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, với cuộc khủng hoảng năng lượng và hậu quả, ‘‘Liên Âu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết’’, và ‘‘quan hệ Pháp - Đức mật thiết’’ là điều thiết yếu để Liên Âu có thể vận hành. Một ngày trước chuyến đi của thủ tướng Borne, bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire, trong buổi làm việc với bộ trưởng Tài Chính Christian Lindner tại Paris, lưu ý Liên Âu cần khẳng định như một thế lực toàn cầu, cùng với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hôm thứ Ba 23/11, trước Quốc Hội Đức, thủ tướng Scholz cũng tuyên bố Đức và Pháp chia sẻ mục tiêu tăng cường khả năng hành động chung của Liên Âu, như một thế lực ‘‘địa chính trị’’.
Thủ tướng Elisabethe Borne có các cuộc gặp với thủ tướng Đức Olaf Scholz, phó thủ tướng Robert Habeck, phụ trách kinh tế và khí hậu. Trong lĩnh vực năng lượng, Paris và Berlin có thể thỏa thuận tăng cường cung cấp khí đốt và điện cho nhau. Kể từ giữa tháng 10, Pháp đã bắt đầu cấp khí đốt cho Đức. Berlin có thể đẩy mạnh việc gia tăng lượng điện cho Pháp ngay từ tháng 11 này, thay vì vào tháng Giêng năm tới. Chính sách về năng lượng vốn là nguồn gốc nhiều hiềm khích giữa hai bên.
Cuộc hội đàm giữa hai thủ tướng Pháp và Đức có thể cho phép hai bên đạt thỏa thuận tăng cường một số dự án công nghiệp chung của châu Âu, đối phó với kế hoạch đầu tư lớn của Hoa Kỳ (Inflation Reduction Act). Paris và Berlin dự kiến tăng cường hợp tác trong dự án chế tạo phi cơ chiến đấu châu Âu (SCAF), với sự tham gia của hai tập đoàn Dassault và Airbus, cho dù sẽ không có hợp đồng nào được ký kết hôm nay.
Theo ông Hans Stark, cố vấn của Viện Pháp về Quan hệ Quốc tế (Ifri), chuyến công du của thủ tướng Pháp có mục tiêu chủ yếu là ‘‘xác lập một phương thức làm việc’’ song phương. Trang mạng chuyên về chính trị châu Âu Euroactiv dẫn thông tin từ văn phòng thủ tướng Pháp, cho biết Paris và Berlin cần phối hợp để chuẩn bị ‘‘các mốc lớn trong hợp tác Liên Âu’’.
Pháp và Đức sẽ phải có các thảo luận ‘‘trong một khuôn khổ khác’’, về dự án lá chắn tên lửa mà Đức vừa đơn phương thúc đẩy, cạnh tranh với dự án của Paris và Roma. Hiện tại, hai bên chưa đưa ra thời điểm cho cuộc họp của hai chính phủ, dự kiến hồi cuối tháng 10, nhưng bị hoãn lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét