Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

Kính Chuyển Tin Nóng Theo Dòng Thời Sự, Trung Quốc, Thế Giới và Việt Nam. - Lê Văn Hải


(Hình: Người dân hô khẩu hiệu phản đối chính sách Không COVID tại Thượng Hải hôm 27/11/2022.) Hàng Ngàn Người Dân Trung Quốc Ồ Ạt Xuống Đường Biểu Tình, Phản Đối Chính Sách Không COVID, Đòi Tập Cận Bình Từ Chức! Dẹp Bỏ Đảng CS! Các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc trong những ngày qua để phản đối chính sách Không COVID khắt khe, thậm chí đã xảy ra đập phá, người dân yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình từ chức. Theo thông tấn xã Reuters, hàng trăm người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát ở Thượng Hải vào ngày 27/11 để phản đối những hạn chế của chính sách Không COVID mà chính phủ đã duy trì suốt từ khi dịch bệnh bùng phát vào cuối năm 2019 đến nay. Những cuộc biểu tình ở đây đã kéo dài 3 ngày liền và lan sang cả những thành phố khác.
<!>
Người biểu tình cũng xuống đường tại các thành phố như Vũ Hán, Thành Đô vào ngày 27/11. Theo thông tấn xã Reuters, tại Bắc Kinh, những cuộc tập trung nhỏ cũng xảy ra, trong khi sinh viên tại một số trường Đại học đã tập trung lại để biểu tình.  

Những người biểu tình ở Thượng Hải vào ngày Chủ Nhật giơ cao những tấm giấy trắng để thể hiện sự phản đối. Thông tấn xã Reuters đưa tin cảnh sát đã tống hàng chục người lên xe buýt và đưa họ đi.

Vào ngày 26/11, một buổi tưởng niệm những nạn nhân đã chết trong một vụ hoả hoạn tại một chung cư đã biến thành một cuộc biểu tình phản đối chính sách Không COVID hà khắc và đám đông hô hào việc dỡ bỏ cấm vận.

Một nhóm người thậm chí đã hô to khẩu hiệu “Đảo đảo Đảng Cộng sản, đả đảo Tập Cận Bình”.

Tại Vũ Hán, các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm người đã xuống đường biểu tình, phá hàng rào, các trạm xét nghiệm COVID lưu động, đòi dỡ bỏ lệnh phong toả do COVID.

Trung Quốc duy trì một chính sách Không COVID rất nghiêm ngặt và đã được Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh lại một lần nữa trong kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 vừa qua. Với chính sách này, nhiều thành phố của Trung Quốc liên tục bị phong toả hàng tuần thậm chí hàng tháng trời, người dân bị cấm đi ra khỏi nhà, phải thường xuyên chịu xét nghiệm.

Mặc dù vậy, số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng trong những ngày gần đây với con số kỷ lục mới là gần 40.000 ca nhiễm mới vào ngày 26/11 vừa qua.

Cảnh Sát Giải Tán Đám Đông Biểu Tình Phản Đối, Các Biện Pháp Ngăn Chặn COVID ở Thành Phố Thượng Hải

(Hình: Biểu tình phản đối ở Thượng Hải.)


- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm Chủ Nhật (27/11/2022), Cảnh sát đã giải tán đám đông khỏi Đường Urumqi – vốn được đặt tên theo Urumqi của Tân Cương - ở Thượng Hải, nơi những người dân trước đó đã tập hợp vào đêm Thứ Bảy để thắp nến cầu nguyện sau đó đã biến thành một cuộc biểu tình.

Các cuộc biểu tình ở Trung Quốc phản đối các biện pháp ngăn chặn COVID nghiêm ngặt đã lan tới Thượng Hải sau khi một vụ hỏa hoạn chết người ở vùng viễn tây của đất nước gây ra sự phẫn nộ lan rộng.
Làn sóng bất tuân dân sự, bao gồm các cuộc biểu tình ở Urumqi, nơi xảy ra vụ hỏa hoạn, cũng như các nơi khác ở Bắc Kinh và các thành phố khác, đã tới mức độ chưa từng thấy ở Trung Quốc đại lục kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền cách đây một thập kỷ.

Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc thông báo số ca nhiễm COVID mới kỷ lục là 39.791 ca vào ngày 26/11, trong đó 3.709 ca có triệu chứng và 36.082 ca không có triệu chứng, Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết hôm Chủ Nhật.

Con số ca một ngày trước đó là 35.183 ca, trong đó 3.474 ca nhiễm có triệu chứng và 31.709 ca không có triệu chứng mà Trung Quốc tính riêng.

Không bao gồm các ca nhiễm từ ngoại quốc, Trung Quốc đã ghi nhận 39.506 ca nhiễm mới tại địa phương, trong đó 3.648 ca có triệu chứng và 35.858 ca không có triệu chứng, tăng so với 34.909 ca một ngày trước đó.

Có một trường hợp tử vong mới, so với không có trường hợp nào trước đó một ngày, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 5.233 ca.

Tính đến ngày 26 tháng 11, Trung Quốc đại lục đã xác nhận 307.802 ca có triệu chứng.


Trung Quốc Vẫn Khẳng Định Tiếp Tục, Chính Sách Zero Covid, Bất Chấp Các Cuộc Biểu Tình Phản Đối Khắp Nơi!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay sau 2 ngày phong trào phản kháng chống chính sách zero Covid diễn ra tại nhiều nơi như Quảng Đông, Thành Đô, Hồng Kông, hay Vũ Hán, chiếc nôi của dịch Covid-19, rồi Bắc Kinh và nhất là Thượng Hải, hôm 28/11/2022 chính quyền đã bắt giữ ít nhất 2 người biểu tình tại Thượng Hải. Cơ quan kiểm duyệt xóa vết tích các cuộc xuống đường với những khẩu hiệu đòi tự do và chấm dứt các đợt phong tỏa nghiêm ngặt.

Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định quyết tâm áp dụng chính sách chống dịch triệt để đến cùng cho đến khi “thành công”. Phát ngôn viên phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, hôm 28/11, nhấn mạnh: “Dưới sự dẫn dắt của Đảng và sự đồng lòng của nhân dân Trung Quốc, cuộc chiến chống Covid-19 sẽ là một thắng lợi”. Viên chức này đồng thời lên án một một số người đã cố tình “gắn liền vụ hỏa hoạn” tại một chung cử ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương cuối tuần qua với “chính sách chống dịch” của Trung Quốc.

Vụ hỏa hoạn nói trên hôm 26/11/2022 làm 10 người chết là điểm khởi đầu làm rộ lên làn sóng phản đối chính sách y tế nghiêm ngặt Trung Quốc liên tục áp dụng từ 3 năm nay. Tại Thượng Hải, các cuộc xuống đường diễn ra suốt đêm qua. Thông tín viên RFI, Léo Cirah có mặt tại chỗ tường thuật:

“Cuộc biểu tình đã bắt đầu khi một vài người tập hợp trên đường Urumqi, ngay ở trung tâm Thượng Hải. Họ đặt hoa và nến tưởng nhớ nạn nhân trong vụ cháy chung cư ở thủ phủ Tân Cương. Nhưng thông tin đã lan rộng trên các mạng xã hội. Đông đảo thanh niên đã tập hợp về đây ngay trong đêm qua. Và càng đông người thì lại càng có nhiều các khẩu hiệu mang màu sắc chính trị. Mới đầu chỉ là những khẩu hiệu chống chính sách zero Covid-19, rồi mọi người hát quốc ca, một bài ca cách mạng, kêu gọi vùng lên những ai không muốn làm nô lệ.

Nhưng rồi khi một số người hô to đòi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ chức, thì đám đông đã hô vang khẩu hiệu này.Một số người tại đây tỏ ra xúc động. Một cuộc biểu tình với quy mô như vậy thật là hãn hữu tại Trung Quốc. Lần đầu tiên từ 9 năm công tác tại đây, tôi mới chứng kiến cảnh tượng này. Điều đó cho thấy dân tình đang bức xúc đến mức độ nào, đặc biệt là đối với giới trẻ trước những biện pháp chống dịch zeo Covid nghiêm ngặt mà Trung Quốc áp dụng triền miên”.

Cảnh sát Thượng Hải từ chối xác nhận với hãng tin Pháp AFP về số người bị câu lưu hôm nay. Một phóng viên của kênh truyền thông Anh BBC bị công an bắt giữ và đánh đập.

Còn tại thủ đô Bắc Kinh hơn 400 thanh niên Trung Quốc đã tập hợp gần con sông Lạng Mã (Liangma) với khẩu hiệu: “Chúng ta tất cả là người Tân Cương”. Trên các mạng xã hội Trung Quốc sáng nay, các từ khóa như “Sông Lạng Mã”, hay “Đường Urumqi” đều đã bị xóa.

Nhân Dân Nhật Báo sáng nay không kêu gọi chấm dứt chính sách zero Covid nhưng đã đăng một bài viết cảnh cáo trước nguy cơ “tê liệt” và một sự “mệt mỏi” do các đợt phong tỏa nghiêm ngặt để chống dịch gây nên.


Trung Quốc Câu Lưu Nhà Báo BBC, Đưa Tin Về Các Cuộc Biểu Tình COVID-19


(Hình: Công an chặn đường nơi có biểu tình ở Thượng Hải, ngày 27/11/2022.)

Hãng tin BBC của Anh cho biết một trong những nhà báo của họ ở Trung Quốc đã bị công an bắt giữ và đánh đập khi đang đưa tin về các cuộc biểu tình vào hôm 27/11/2022 phản đối chính sách Zero COVID của nước này, theo thông tấn xã AFP.

Hàng trăm người đã xuống đường ở các thành phố lớn của Trung Quốc hôm 27/11 trong một làn sóng phẫn nộ hiếm hoi của công chúng đối với nhà nước.

“BBC vô cùng lo ngại về cách đối xử với nhà báo Ed Lawrence của chúng tôi, người đã bị bắt và còng tay khi đưa tin về các cuộc biểu tình ở Thượng Hải”, đài BBC cho biết trong một tuyên bố.

Ông Lawrence, làm việc ở nước này với tư cách là một nhà báo được cấp thẻ, đã bị giam giữ trong vài giờ, trong thời gian đó ông bị công an đánh và đá, theo BBC. Sau đó ông đã được thả.

Hôm 28/11, ông Lawrence viết trên Twitter cảm ơn những người theo dõi ông, nói thêm rằng ông tin rằng “ít nhất một công dân địa phương đã bị bắt sau khi cố gắng ngăn công an đánh tôi”.

“Thật đáng lo ngại khi một trong những nhà báo của chúng tôi bị tấn công theo cách này khi đang thực hiện nhiệm vụ của mình”, BBC cho biết.

“Chúng tôi không nhận được lời giải thích hay lời xin lỗi chính thức nào từ chính quyền Trung Quốc, ngoài tuyên bố của các viên chức sau đó đã thả ông ấy rằng họ đã bắt giữ ông vì phòng ngừa cho ông không bị nhiễm COVID từ đám đông”, tuyên bố cho biết thêm.

Một Bộ trưởng của chính phủ Anh hôm 28/11 đã tố cáo hành động của công an Trung Quốc là “không thể chấp nhận được” và “đáng lo ngại” sau khi BBC cho biết ông Lawrence bị bắt và bị đánh khi đang đưa tin về các cuộc biểu tình COVID-19 ở Thượng Hải.

Bộ trưởng Kinh doanh Grant Shapps nói với đài phát thanh LBC: “Bất kể điều gì khác xảy ra, quyền tự do báo chí phải là bất khả xâm phạm”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 28/11 rằng ông Lawrence không khai báo ông là một nhà báo.

“Dựa trên những gì chúng tôi biết được từ các cơ quan chức năng có liên quan ở Thượng Hải, ông không khai báo ông là nhà báo và không tự nguyện xuất trình thẻ báo chí của mình”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói, đồng thời yêu cầu truyền thông quốc tế “tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc khi ở Trung Quốc”.


Biểu Tình Khắp Nơi! Cơn Nhức Đầu của Tập Cận Bình!

(Ngô Nhân Dụng)


(Hình: Sau 2 năm theo chính sách “Zero Covid” khắc nghiêt của ông Tập Cận Bình, dân Trung Quốc đã thấy không thể chịu nổi, họ bắt đầu phản kháng vì cảm thấy vô vọng, bất mãn.)

Tình trạng này càng nghiêm trọng với những chính sách của Tập Cận Bình, muốn kiểm soát tất cả cuộc sống của 1.4 tỉ con người.

Không gì khích động lòng người bằng những trẻ em chết oan. Ở Lan Châu, tỉnh Cam Túc, một em trai 3 tuổi qua đời vì không được đưa đi chữa trị, lý do là không ai muốn vi phạm lệnh chính phủ cấm di chuyển, để không cho Covid 19 lan tràn. Một bé gái 4 tuổi bị bịnh, người bố gọi nhưng bệnh viện không muốn đáp ứng cũng vì phải theo lệnh ngăn ngừa Covid. Phải năn nỉ mãi họ mới gửi xe cứu thương đến nhưng nhân viên cấp cứu từ chối vào nhà, cũng vì sợ vi phạm lệnh cấm Covid. Sau giằng co chờ lệnh12 tiếng đồng hồ, cháu bé mới được đưa tới nhà thương, và tắt thở. Ông bố đã kể đầu đuôi câu truyện trên mạng xã hội Weibo (Vi Bác) khiến cả nước Trung Quốc xúc động. Hai em bé chết oan vì những lệnh cấm của nhà nước.

Sau hai năm theo chính sách “Zero Covid” khắc nghiêt của ông Tập Cận Bình, dân Trung Quốc đã thấy không thể chịu nổi, họ bắt đầu phản kháng vì cảm thấy vô vọng, bất mãn. Số người nhiễm bệnh vẫn tăng lên nhanh trong một tháng qua. Theo tin AP ngày 25 tháng 11, 2022, số dân nhiễm bệnh lên tới 32,695 người trong cả nước; tại Bắc Kinh có 1,860 trường hợp. Con số còn rất nhỏ so với nước Mỹ; Bắc Kinh có 21 triệu dân, nhưng đảng Cộng sản vẫn quyết liệt giữ các biện pháp ngăn cấm.

Dân nhiều khu vực trong các thành phố bị cấm không được ra ngoài, phải thử test thường xuyên, người thấy nhiễm bệnh bị cách ly. Những trung tâm cách ly được thiết lập tại các phòng tập thể dục, các hội trường và phòng triển lãm, hoặc bất cứ khoảng trống nào có thể dùng; phần lớn đều chật chội, thiếu các phương tiện hoặc điều kiện vệ sinh, đèn sáng suốt ngày đêm bất kể những người khó ngủ.

Tiếp tế thực phẩm khó khăn hơn trong khi dân nghe ngóng tin đồn. Ai cũng biết vùng thủ đô được chú ý tiếp tế đầy đủ nhất, vì đó là nơi các viên chức lớn cư ngụ và rất đông người ngoại quốc. Nhưng khi nghe tin đồn nơi mình sống có thể bị cấm cung, các bà nội trợ ở khu Đông Bắc Bắc Kinh chạy đua tới siêu thị mua thức ăn, tới các tiệm bách hóa mua đồ dùng cho tới khi các quầy, kệ trống rỗng. Có người sử dụng mạng vi tính để mua hàng, nhưng hệ thống bán hàng qua mạng xã hội đã được dùng tới mức tối đa; bắt đầu thiếu nhân viên; trong khi số người mua tăng gấp bội. Nhiều nhân viên giao hàng tới địa chỉ người nhận thì cổng khóa, hàng rào sắt quá cao, gọi không được.

Dân Trung Quốc phải tập sống dưới các lệnh cấm khắc nghiệt như vậy nhưng họ thấy kết quả cuối cùng là Covid vẫn tung hoành, có lúc lên cao hơn, không biết bao giờ mới ngưng. Chịu sống trong vòng kiểm soát của một đảng độc tài chuyên chế đã quen từ hơn 70 năm, nhưng chưa bao giờ người dân bị ảnh hưởng nặng nề như trong thời bệnh dịch này.

Chế độ cộng sản kiểm soát mọi nguồn dư luận, tất cả những lời than thở, các ý kiến bất bình dù chỉ nói bóng gió đều bị kiểm duyệt ngay sau khi đưa lên mạng. Khi nỗi uất ức căng lên quá độ không thể chịu đựng nổi người ta phải ra đường biểu tình phản kháng.

Hàng ngàn công nhân ở Hải Châu thuộc thành phố Quảng Châu đã xuống đường phản đối giá thực phẩm lên quá cao, mặc dù cả khu vực được lệnh đóng cửa, cấm lưu hành vì Covid. Đối đầu với công an mặc áo giáp và các nhân viên y tế mặc toàn đồ trắng, các công nhân đã phá những rào cản được dựng lên để cấm lưu thông do lệnh ngăn ngừa Covid, theo một video của Reuters. Theo báo New York Times ngày 24 tháng 11, vì nhiều bệnh viện quá chật chội, các trung tâm cách ly cũng hết chỗ, nhân viên y tế có người phải ngủ ngoài đường, hoặc ngủ trong các đường hầm, tại Hải Châu.

Hải Châu là một trong 11 khu đô thị, nằm ở phía Nam Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương (nơi đặt ngôi mộ Phạm Hồng Thái), với 1.8 triệu dân và mật đô 20.000 người trên một cây số vuông có thể châm ngòi cho những cuộc biểu tình khác. Dân Trung Hoa bắt đầu đặt câu hỏi về những lệnh cấm của đảng Cộng sản, nhân danh bệnh Covid. Có cần cấm đoán gắt gao như vậy hay không? Các lệnh cấm vì Covid cứu được bao nhiêu người và có thể làm bao nhiêu người thiệt mạng vì không được chữa trị?

Khi dân trong lục địa coi truyền hình những trận đấu Giải Túc cầu Thế giới 2022 ở Qatar, họ sẽ có dịp so sánh. Trên màn ảnh sẽ thấy hàng ngàn người tụ tập, trong bao nhiêu quốc gia, khắp thế giới, hò hét, nhảy múa và cổ võ khi đội banh của nước họ ra sân. Đội túc cầu Trung Quốc yếu hơn cả Việt Nam, nhưng nếu họ được đi dự “World Cup” thì chắc người Trung Hoa cũng không được phép tụ tập cổ động cho đội nhà! Trên các mạng xã hội đã xuất hiện những lời lẽ chế nhạo các lệnh cấm vì Covid, tỏ ý ganh tị với dân chúng các nước được tự do tụ họp vui chơi!

Chưa bao giờ thấy nhiều cuộc biểu tình đông đảo như hiện nay. Tại thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam ở giữa Trung Quốc, từ tháng Mười, số người nhiễm Covid đã tăng vọt. Theo tin AFP, hàng ngàn công nhân lo sợ, tự ý nghỉ việc để về làng quê gốc của họ để tránh bệnh. Nhưng trước khi đi, họ biểu tình đòi lương bổng.

Trịnh Châu là trung tâm sản xuất iPhone của hãng Apple; khoảng 200.000 người lắp ráp điện thoại cho công ty Foxconn, do người Đài Loan làm chủ, đại đa số sống trong những cư xá chật chội nên càng lo nhiễm bệnh. Khi sốngười bỏ việc tiếp tục tăng lên, Foxconn đã phải tuyển người vào thay. Công nhân đã tố cáo Foxconn để cho các người thợ mới tuyển phải làm việc bên cạnh những người đã nhiễm bệnh, và phản đối công ty không trả lương đúng hẹn. Họ cũng lên án công ty đánh lừa họ, hứa hẹn trả lương phụ trội ¥3000 (đồng nguyên), dưới $500 Mỹ kim, nếu họ chịu làm việc ít nhất 30 ngày trong cơ xưởng, nhưng cuối cùng chỉ trả ¥30 nguyên.

Ngày Thứ Ba vừa qua hàng ngàn công nhân Foxconn đã đánh nhau với công an và các nhân viên y tế. Theo báo New York Times, họ phá các rào cản, bẻ gẫy, dùng làm gậy ném vào đội ngũ chống biểu tình. Một người kêu gào: Chúng nó đánh! Chúng nó đánh người ta! Lương tâm của chúng nó để đâu?” AFP đã thấy hình ảnh một công nhân mặt đầy máu chạy được ra ngoài. Một video chiếu cảnh hàng chục công nhân hô lớn: “Phải bảo vệ quyền lợi chúng ta!” trước mặt đám công an gầm gừ.

Cuối cùng, Foxconn đã chịu trả khoảng $1,400 Mỹ kim cho mỗi công nhân tự ý nghỉ việc. Nhưng hình ảnh cuộc đàn áp biểu tình ở Trịnh Châu khiến các công ty quốc tế phải xét lại việc tập trung công tác sản xuất vào một số khu đô thị ở Trung Quốc, như mô hình của Apple. Nhiều công ty đã tìm nước khác để di chuyển.

Kinh tế Trung Quốc thoái trào vì các lệnh cấm Covid khắc nghiệt, nhưng thực sự đã bắt đầu đi xuống trong mấy năm nay. Từ đầu năm 2021, theo The Wall Street Journal, chỉ số thị trường MSCI do công ty Morgan Stanley lập ra, đã giảm mất một nửa; tất cả những gì đạt được trong mười năm qua đã biến mất. Khả năng sinh lợi của các công ty ở Trung Quốc, tiêu biểu bằng “Lợi nhuận cho mỗi Cổ phần” (Earnings Per Share) đã đứng yên không tăng lên được từ năm 2010 đến nay. Trong cùng thời gian đó “Earnings Per Share”của các công ty ở Mỹ tăng 9% mỗi năm.

Các công ty tin học ở Trung Quốc, đặc biệt trong ngành chế tạo chip, đang bị chính phủ Mỹ cấm vận sẽ khó tiến nhanh. Các ngành sản xuất pin điện và xe hơi chạy điện ở Trung Quốc còn đang mạnh. Nhưng trong kinh tế cả thế giới đó là những công nghiệp rất “trẻ;” sẽ còn nhiều phát minh, sáng kiến bất ngờ có thể đảo lộn cả thị trường trong tương lai. Chế độ độc tài Cộng sản không thuận lợi cho các sáng kiến được nẩy nở, các công ty Trung Quốc sẽ đi chậm hàng chục năm so với các nước khác. Tình trạng này càng nghiêm trọng với những chính sách của Tập Cận Bình, muốn kiểm soát tất cả cuộc sống của 1.4 tỉ con người.


Biểu Tình Chống Chính Sách Zero Covid: Bắc Kinh Không Thể Che Dấu Thất Bại Nặng, Trong Chính Sách Tuyên Truyền!

(Thanh Hà)

Giọt nước làm tràn ly. Urumqi phá vỡ tường thành kiên cố chống Covid-19 của Bắc Kinh? Hơn một tháng sau Đại Hội, đảng Cộng Sản Trung Quốc bất ngờ đối mặt với một làn sóng phẫn nộ bùng lên từ 3 ngày qua. Tại hàng chục thành phố lớn từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, Vũ Hán, Quảng Châu, Trùng Khánh… người biểu tình đòi tự do đi lại, đòi chấm dứt các đợt phong tỏa không hồi kết.

Công luận Trung Quốc thức tỉnh khi thấy cả thế giới đã hoạt động lại bình thường, chỉ riêng có nước đông dân nhất địa cầu từ gần 3 năm qua vẫn bị một con siêu vi khống chế.

Tại một quốc gia với một bộ máy kiểm duyệt và theo dõi công dân càng lúc càng chặt chẽ như tại Trung Quốc, động cơ nào thúc đẩy người dân xuống đường, thanh niên tập hợp nơi các cư xá đại học? Người biểu tình giương cao một tờ giấy trắng, họa hoằn lắm mới vang lên những khẩu hiệu đòi “tự do”, khẩu hiệu “không cần xét nghiệm mà cần đồ ăn”. Cũng có những biểu ngữ thể hiện tình đoàn kết với người dân ở Tân Cương sau vụ một chung cư bị hỏa hoạn, 10 người chết: nhân viên cứu hỏa chậm đến hiện trường do các biện pháp “phong tỏa” chống dịch. Chỉ có một vài nơi vang lên tiếng hô hào đòi lãnh đạo Trung Quốc “từ chức”.

Cộng đồng quốc tế ngạc nhiên trước làn sóng phẫn nộ này từ một phần công luận Trung Quốc và kèm theo là câu hỏi khát vọng “tự do” đó có là một mối đe dọa đối với đảng Cộng Sản nước này hay không? Theo chuyên gia về Trung Quốc Philippe Le Corre, thuộc trường Cao đẳng Thương mại Pháp ESSEC và Harvard Kennedy School, trước hết đây là tình trạng “bất mãn đã âm ỉ trong xã hội” từ cuối 2019 tới nay. Chủ trương chống dịch triệt để của Bắc Kinh với người chịu trách nhiệm đầu tiên là ông Tập Cận Bình, đã đẩy “hàng chục triệu” dân Trung Quốc vào tình cảnh như những “tù nhân bị giam lỏng” và biến nhiều tỉnh thành thành những “nhà tù” lớn nhất trên thế giới.

Bất mãn của công luận Trung Quốc vì chính sách chống dịch triệt để được áp dụng liên tục đã được ghi nhận từ các đợt phong tỏa ở Vũ Hán vào những ngày cuối năm 2019, rồi tình trạng bực bội của dân chúng chúng lại càng rõ hơn trong đợt phong tỏa nhiều tuần lễ hồi mùa xuân vừa qua ở Thượng Hải, ở khu công nghiệp lớn nhất Trung Quốc là Quảng Đông….

Gần đây hơn, hình ảnh công nhân nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu nổi loạn lại càng đổ thêm dầu vào lửa. Cùng lúc với các trận đấu nhân mùa Cúp túc cầu thế giới 2022 tại Qatar, người dân Trung Quốc khám phá ra rằng, trên sân cỏ khán giả không đeo khẩu trang, các hoạt động du lịch, thể thao… ở mọi nơi đã trở lại bình thường, nhưng Trung Quốc vẫn là một ngoại lệ. Ở mọi nơi trên thế giới, những hàng rào chống dịch đều đã được dỡ bỏ, mọi người được tự do đi lại. Chỉ có người dân Trung Quốc vẫn bị cấm ra ngoại quốc, vẫn phải khai báo ngay cả khi chỉ di chuyển trên đất nước họ và nhịp sống hàng ngày của hàng chục triệu con người vẫn tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm y tế.

Vậy làn sóng phẫn nộ này liệu có thể trở thành một hiểm họa tiềm tàng, đe dọa đến uy tín hay thậm chí sự tồn tại của đảng Cộng Sản Trung Quốc hay không? Tất cả các nhà quan sát đều trả lời là không, bởi vì đơn giản như Valérie Niquet, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp ghi nhận: Nếu cần chế độ Trung Quốc sẽ không ngần ngại đàn áp người biểu tình, bịt miệng những tiếng nói chống đối. Nhưng có lẽ ông Tập Cận Bình đang trông thấy “nguy hiểm” nằm ở những điểm khác.

Đầu tiên hết, đây là một thất bại ê chề của chính sách tuyên truyền mà từ lâu nay Bắc Kinh vẫn khai thác. Qua việc áp dụng triệt để chính sách chống Covid-19, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã muốn khẳng định có một giải pháp “hay hơn” so với của các nước phương Tây về y tế. Kiểm soát và phong tỏa là những công cụ hiệu quả nhất, kể cả trong mục tiêu y tế. Qua đó thông Bắc Kinh muốn chứng minh thế thượng phong của một chế độ toàn trị đối với một mô hình “dân chủ và tự do”. Vậy một khi mà công luận Trung Quốc không còn bị ru ngủ, làm thế nào để giữ được uy tín cho Đảng và uy tín của chính ông Tập Cận Bình?
Từ trước tới nay cỗ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã hô hào nhiều về những thành tích vượt bậc của các chiến dịch chích ngừa, xét nghiệm về hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc…. Vậy làm thế nào để đảo ngược thế cờ?

Một thế khó nữa của Trung Quốc đó là đích thân ông Tập Cận Bình đã mang hết uy tín của mình ra để áp đặt chính sách zero covid vậy làm thế nào để tìm được một ngõ thoát mà tránh để “lãnh tụ” tối cao này phải nhìn nhận sai lầm.

Trong những điều kiện đó giới phân tích cho rằng chế độ Trung Quốc không sợ những người biểu tình Trung Quốc vì Đảng và Nhà nước có nhiều công cụ đàn áp trong tay. Điều mà ông Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản nước này lo sơ hơn cả có lẽ là sự hoài nghi, chán ngán ngấm ngầm lan rộng trong số gần 1,5 tỉ dân tại quốc gia này.


Làn Sóng Biểu Tình ở Trung Quốc: Tập Cận Bình và Đảng Cộng Sản Bị Gọi Tên, Lên Án Công Khai Thách Đố!

(Thụy My)

Bất bình xã hội và các cuộc biểu tình chống phong tỏa nổ ra trên khắp Trung Quốc vào cuối tuần qua là một trong những chủ đề được các báo Pháp hôm 28/11/2022 quan tâm. “Tập Cận Bình, từ chức!”, “Đả đảo đảng Cộng Sản!” - những tiếng hô mạnh mẽ chưa từng thấy từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, khiến có người còn không dám tin vào tai mình.

Làn sóng biểu tình chống zero Covid ở Trung Quốc và chiến tranh Ukraine là hai chủ đề chia nhau trang nhất các nhật báo Pháp hôm 28/11. Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa “Covid: Phẫn nộ dâng cao ở Trung Quốc”, tương tự với Libération “Trung Quốc, một sự phẫn nộ dễ lây lan”. Le Monde cho biết “Tại Donbass, quân Nga ngã rạp dưới sự quan sát của drone Ukraine”, còn Le Figaro nhận thấy “Cuộc chiến tranh ở Ukraine gây căng thẳng tại Nga”.
“Tại Trung Quốc, Zero Covid Giết Nhiều Người Hơn Cả Con Virus”

La Croix nhận định “Những cuộc biểu tình tại Trung Quốc là sự bùng nổ của cơn giận đã lên đến cực điểm”. Nhiều cuộc xuống đường đã nổ ra hôm Chủ Nhật 27/11 tại nhiều thành phố ở Hoa Lục để phản đối các vụ phong tỏa tùy tiện và thô bạo mà Bắc Kinh áp đặt từ 3 năm qua. Tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán, Thành Đô, những đám đông hàng mấy trăm người hè nhau xô đổ những hàng rào phong tỏa. Chiếc nồi áp suất đã sôi sục từ nhiều tháng, tạo ra phong trào lịch sử: biểu tình nổ ra trên toàn quốc.

Cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra từ sáng sớm Chủ Nhật ở Thượng Hải, trên đường Wulumuqi (tên tiếng Hoa của Urumqi), nơi 10 người đã bị chết cháy hôm thứ Năm do cứu hỏa không đến được vì các biện pháp phong tỏa. Một giáo sư trường đại học Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) nhận xét, bi kịch này là cú hích, vì người dân từng thấy nhiều video trong đó những người tuyệt vọng đã nhảy lầu ở Trùng Khánh tuần trước. Thông tín viên Les Echos tại Thượng Hải có mặt tại khu vực đường Wulumuqi, khi công an vừa giải tán những người biểu tình cuối cùng, sau đêm xuống đường hiếm hoi ở thủ đô kinh tế Trung Quốc.

Bài viết dẫn lời Lanxue, 35 tuổi, vẫn còn xúc động khi phải rời đi lúc trời bắt đầu rạng sáng: “Tôi sẽ nhớ về đêm nay suốt cả đời. Tuy sợ nhưng tôi phải có mặt”. Một người biểu tình khác nói: “Tại Trung Quốc, zero Covid còn giết người nhiều hơn con virus”. Hàng mấy trăm thanh niên chạy đến tham gia khi nghe tin biểu tình trên mạng xã hội. Wenchu, 28 tuổi chân vẫn còn mang đôi dép đi trong nhà, nói: “Ngay khi thấy các video trên WeChat, tôi nhảy lên taxi để đến đây”. Chính quyền nhanh chóng xóa các hình ảnh biểu tình và chữ “đường Urumqi” lập tức bị kiểm duyệt trên mạng Vi Bác.

Lần Đầu Sau Thiên An Môn, Tổng Bí thư và Đảng Cộng Sản Bị “Đả Đảo”

Cũng theo Les Echos, phấn khởi trước sự hiện diện của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người trong một cuộc biểu tình mà chính họ chỉ vài giờ trước không thể tưởng tượng được, đám đông đã hô khẩu hiệu phản đối chính sách zero Covid khắc nghiệt từ 3 năm qua. “Chúng tôi không muốn bị phong tỏa. Dẹp bỏ các xét nghiệm PCR và mã QR, chúng tôi muốn tự do!”, “Dỡ bỏ phong tỏa ở Urumqi, ở Tân Cương, trên toàn quốc!”.

Câu đầu của quốc ca Trung Quốc được xướng lên: “Hãy đứng lên, chúng tôi không muốn làm nô lệ!”. Những người gan dạ nhất còn hô “Tập Cận Bình, từ chức!”, “Đả đảo đảng Cộng sản!” - điều hiếm thấy kể từ khi ông Tập lên ngôi, và có thể nói kể từ cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989. Trong số những người biểu tình có người còn không dám tin vào tai mình. Vào khoảng 4 giờ sáng, lực lượng an ninh được hàng trăm công an tăng viện đến giải tán.

Tại Thành Đô, hàng mấy chục xe công an đã tràn ngập khu trung tâm. Công an và quân đội có thể trấn giữ ở đây nhiều ngày. Ở Vũ Hán, một người phương Tây hiếm hoi nói rằng người dân dự kiến xuống đường, một sự đối đầu chưa từng thấy vì Vũ Hán đang bị phong tỏa, nhưng công an đã được khai triển khắp các giao lộ chính. Les Echos nhận thấy hàng trăm thanh niên giơ cao những tờ giấy trắng, một số hô vang “Thà chết còn hơn không có tự do”.

Libération và Le Figaro cũng ghi nhận, những tờ giấy trắng màu tang được hàng trăm sinh viên trường đại học Thanh Hoa, được cho là giới tinh hoa của chế độ, giơ cao. Buổi tưởng niệm các nạn nhân hỏa hoạn tập hợp 100 đến 200 sinh viên cũng diễn ra ở đại học Bắc Kinh nằm gần đại học Thanh Hoa.

“Trung Quốc Có ở Cùng Hành Tinh Với Qatar?”

Xã luận của Libération cũng dùng hình ảnh tương tự như La Croix, với tựa đề “Nồi áp suất dịch tễ tạo ra phản kháng chính trị”. Các chế độ dân tộc chủ nghĩa và độc tài có lẽ đang chạm đến giới hạn. Trong khi người dân Iran tiếp tục biểu tình chống chế độ của các giáo sĩ Hồi giáo, tại nhiều nơi ở Trung Quốc cuối tuần qua, nhiều người trẻ ngao ngán đến tận cổ chính sách zero Covid vô nghĩa, đã xuống đường đòi tự do dân chủ.

Chế độ Tập Cận Bình ngỡ rằng đã đề phòng bị tất cả qua việc cô lập cư dân các thành phố, và kể cả nông thôn, và chặn mọi lối vào các mạng xã hội. Họ không hình dung ra được tác động của thanh niên Hoa Lục khi xem World Cup được trực tiếp truyền hình từ Qatar, cho thấy đám đông vui tươi không ai đeo khẩu trang. La Croix nhắc lại một câu hỏi được chia sẻ rộng rãi trên mạng: “Trung Quốc có ở trên cùng một hành tinh với Qatar?”. Kênh CCTV5 bèn nhanh tay xóa tất cả những hình ảnh trên khán đài, chỉ truyền hình các cầu thủ trên sân cỏ.

Tập Cận Bình Tệ Hơn Đặng Tiểu Bình, và Đàn Áp Bằng Kỹ thuật

Những cuộc biểu tình đầu tiên loại này kể từ Mùa xuân Bắc Kinh 1989 liệu có thể biến thành cuộc cách mạng? Một cựu sinh viên nay là chủ một công ty thời trang không ngần ngại nhắc đến Thiên An Mônvới La Croix, cho rằng sẽ còn có những cuộc nổi dậy khác. Cách đây 33 năm, cuộc nổi dậy sinh viên bị dìm trong biển máu, nhưng hồi đó chưa có internet.

Tuy nhiên vị giáo sư Hàng Châu thận trọng: “Tập Cận Bình tệ hại hơn cả Đặng Tiểu Bình, và Trung Quốc ngày nay bị chính quyền kiểm soát toàn bộ nhờ kỹ thuật. Có thể một số thành phố sẽ bị thiết quân luật, lực lượng chống nổi dậy sẵn sàng can thiệp để nhanh chóng đàn áp”. Và dời “chiếc nồi áp suất” ra xa ngọn lửa.

Theo Libération, để bóp nghẹt biểu tình, chế độ cũng chẳng cần đến công an, mà đơn giản là dùng một ứng dụng y tế. Nếu là màu xanh, có thể di chuyển, màu vàng phải ở nhà, màu đỏ thì bị đưa đi cách ly. Tuần trước, khi người dân Chiết Giang bắt đầu nổi dậy, chính quyền đã “hóa phép” cho ứng dụng của họ thành màu đỏ, và yên tĩnh đã trở lại. La Croix cho rằng dù phong trào phản kháng hãy còn là thiểu số, nhưng đây là thách thức chưa từng thấy cho hoàng đế đỏ, vốn đã thẳng tay đàn áp mọi tiếng nói khác biệt ngay từ khi lên ngôi.


Tin Quốc Tế Đó Đây

UNICEF Lên Án Bạo Lực, Lạm Dụng Trẻ Em, Vi Phạm Nhân Quyền Trầm Trọng, Trong Các Cuộc Biểu Tình ở Iran


(Hình: UNICEF lên án bạo lực, lạm dụng trẻ em trong các cuộc biểu tình ở Iran.)

- Cơ quan về trẻ em của Liên Hiệp Quốc ra một tuyên bố hôm 27/11/2022 lên án “bạo lực và lạm dụng đã cướp đi sinh mạng của hơn 50 trẻ em và làm bị thương nhiều trẻ em khác trong tình trạng bất ổn công cộng ở Iran”.

Cơ quan này cho biết họ “quan ngại sâu sắc về các cuộc đột kích và khám xét liên tục được tiến hành ở một số trường học” và nói rằng “trường học phải luôn là nơi an toàn cho trẻ em”.

UNICEF cho biết họ đã “truyền đạt trực tiếp mối quan ngại của chúng tôi tới chính quyền ở Iran kể từ khi những trường hợp trẻ em thương vong đầu tiên xảy ra do các cuộc biểu tình”. Một số tổ chức nhân quyền báo cáo rằng có tới 63 trẻ em đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình này.

Iran là thành viên của Công ước về Quyền trẻ em và nhóm vận động toàn cầu cho trẻ em cho biết trong một tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo trong nước có “nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các quyền của trẻ em đối với cuộc sống, quyền riêng tư, quyền tự do tư tưởng và hội họp ôn hòa”.

UNICEF, một tổ chức đoạt giải Nobel Hòa bình, kêu gọi Iran “tôn trọng quyền được hội họp ôn hòa của tất cả trẻ em như một sự bảo đảm cơ bản - bất kể các em là ai và ở đâu.... Trẻ em và thanh thiếu niên phải được bảo vệ khỏi mọi hình thức tổn hại không chỉ mạo hiểm tính mạng và sự tự do mà còn cả sức khỏe tinh thần và thể chất”.


Cháu Gái Lãnh Tụ Tối Cao Iran, Kêu Gọi Thế Giới Cắt Đứt Quan Hệ Với Tehran


(Hình: Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.)

- Ngày 27/11/2022, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay cháu gái của lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng, đã kêu gọi các chính phủ ngoại quốc cắt đứt mọi quan hệ với Tehran vì cuộc đàn áp bạo lực đối với các cuộc biểu tình phản đối cái chết của một phụ nữ trẻ trong khi bị cảnh sát giam giữ.

Một đoạn video tuyên bố của cô Farideh Moradkhani, một kỹ sư có người cha quá cố là một nhân vật đối lập nổi tiếng kết hôn với em gái của ông Khamenei, đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng sau khi hãng tin về các nhà hoạt động HRANA cho biết cô bị bắt vào ngày 23 tháng 11.

“Hỡi những người tự do, hãy ở bên chúng tôi và nói với chính phủ của các bạn ngừng hỗ trợ chế độ sát nhân và giết hại trẻ em này”, cô Moradkhani nói trong video.
“Chế độ này không trung thành với bất kỳ nguyên tắc tôn giáo nào và không biết bất kỳ quy tắc nào ngoại trừ vũ lực và duy trì quyền lực”.

Văn phòng của ông Khamenei đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

HRANA cho biết rằng 450 người biểu tình đã thiệt mạng trong hơn hai tháng bất ổn trên toàn quốc tính đến ngày 26/11, trong đó có 63 trẻ nhỏ. Hãng tin này cho biết rằng 60 thành viên của lực lượng an ninh đã bị giết và 18.173 người biểu tình bị giam giữ.

Các cuộc biểu tình, nổ ra sau cái chết của cô Mahsa Amini, một phụ nữ người Iran gốc Kurd, sau khi cô bị bắt vì mặc “trang phục không phù hợp”, đặt ra một trong những thách thức lớn nhất đối với chính quyền của đất nước kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Thách thức tính hợp pháp của nước Cộng hòa Hồi giáo, những người biểu tình từ mọi tầng lớp xã hội đã đốt những bức ảnh của ông Khamenei và kêu gọi sự sụp đổ của chế độ thần quyền Hồi giáo Shi’ite của Iran.


Ðiện Cẩm Linh, Bị Lộ Dàn Dựng Vở Kịch, Putin Gặp “Mẹ và Vợ Quân Nhân” Nga!

- Cộng đồng mạng không mất quá lâu để lật tẩy cuộc gặp được dàn dựng Tổng thống Nga Vladimir Putin “lắng nghe” tâm tư, phản ánh thẳng thắn của những người mẹ, người vợ quân nhân đang chiến đấu ở Ukraine. Tuy nhiên, sự kiện này cho thấy Ðiện Cẩm Linh lo ngại làn sóng phẫn nộ của hậu phương, rất năng động trong các cuộc chiến A Phú Hãn và Chechnya.

Buổi gặp diễn ra ngày 25/11/2022 tại dinh thự Tổng thống ở Novo-Ogaryovo, ngoại ô Mạc Tư Khoa. Trong số các “vợ và mẹ quân nhân”, có thể thấy một công chức Mạc Tư Khoa và là dân biểu của đảng Nước Nga thống nhất của ông Putin, một nhà lãnh đạo của phong trào ủng hộ Ðiện Cẩm Linh “Mặt trận Nhân dân toàn Nga” hoặc một nữ đạo diễn nhiều bộ phim “chính thống giáo và yêu nước”.

Theo báo L’Express ngày 27/11, thêm một sự kiện cho thấy công chúng được lựa chọn để gặp nhà lãnh đạo Nga và “tất cả các cuộc gặp với người dân” đều được dàn dựng chi tiết.

Tổng thống Putin đang phải đối mặt với những lời kêu gọi “Vladimir, trả lời chúng tôi!” của những người vợ, người mẹ quân nhân bị huy động ra chiến trường Ukraine. Trong những đoạn video lan truyền từ nhiều tuần qua, họ đòi có tin tức của người thân ở tiền tuyến, phản ánh điều kiện chiến đấu, vũ khí cổ lỗ, sĩ quan vắng mặt hoặc thiếu năng lực.

Ngày 22/11, Olga Tsukanova, Chủ tịch “Ủy ban vợ và mẹ” quân nhân, chỉ trích thẳng thừng chủ nhân Ðiện Cẩm Linh trong một đoạn video: “Vladimir Vladimitrovitch, ông có là người hay không?” và yêu cầu gặp Tổng thống. Olga Tsukanova, cũng là mẹ một thanh niên đang đi nghĩa vụ quân sự, từng chỉ trích Tổng thống sẽ chỉ gặp “những bà mẹ trong số những người ủng hộ ông, những người chỉ đặt những câu hỏi thích hợp và như mọi lần, lại cảm ơn ông”. Bà đến từ thành phố Samara cách Mạc Tư Khoa 900 cây số về phía đông, với hy vọng được Ðiện Cẩm Linh gặp nhưng vô vọng. Theo bà, “họ sợ chúng tôi đặt những câu hỏi phiền phức. Nhưng phải giải quyết vấn đề”.

Theo trang L’Express, lời kêu gọi này gây sốc vì nghe gia đình quân nhân Nga lên án chính quyền địa phương là chuyện vẫn thấy, nhưng chỉ trích trực tiếp con người ông Putin là sự kiện nặng lời hiếm có.

Sau khi ban hành lệnh động viên bán phần, Ðiện Cẩm Linh trấn an rằng tân binh được huấn luyện vững vàng, được trang bị tốt và sẽ không bị đưa ra tiền tuyến. Tuy nhiên, theo thông tấn xã AFP, rất nhiều vi phạm đã được thống kê: lính động viên chết ngoài mặt trận, động viên cả những người không có khả năng chiến đấu, những người cha gia đình đông con hoặc quá tuổi, thiếu trang bị thích hợp, rất nhiều người bị huy động không được huấn luyện.

Chính quyền Ðiện Cẩm Linh đã phải thừa nhận những “sai lầm” trong chiến dịch điều động vô tổ chức. Lo lắng của những người mẹ và vợ quân nhân đang đặt Ðiện Cẩm Linh vào thế tế nhị: nếu như chính quyền không ngừng trấn áp mọi thắc mắc về cuộc tấn công ở Ukraine, thì tiếng nói của những người vợ quân nhân là điều quan trọng và bỏ tù họ có thể sẽ gây sốc tại Nga.

Ukraine và Nga Trao Đổi Tù Binh Chiến Tranh


(Hình: Ông Andriy Yermak.)

- 12 tù binh chiến tranh Ukraine đã được trả tự do trong khuôn khổ cuộc trao đổi tù binh hôm thứ Bảy (26/11/2022), theo người đứng đầu văn phòng của Tổng thống Ukraine.)
Ông Andriy Yermak đã công bố một video đoạn vào thứ Bảy, cho thấy các tù binh được trả tự do.
“Thêm một cuộc trao đổi tù binh chiến tranh. Chúng tôi nỗ lực để 12 người của chúng tôi được thả”, ông Yermak cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội.

“Trong số đó có bốn quân nhân Hải quân, hai Vệ binh Quốc gia, lính biên phòng, một người từ Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ, cũng như ba dân thường”, ông Yermak cho biết thêm.

Ông nói thêm rằng các chiến binh bảo vệ Mariupol, nhà máy điện nguyên tử Chornobyl và Đảo Rắn sắp trở về nhà.

Chín tù binh chiến tranh Nga đã được trả tự do trong cuộc trao đổi tù nhân với Ukraine hôm thứ Bảy, các hãng thông tấn Nga đưa tin, trích dẫn Bộ Quốc phòng Nga.


Nga: Lính Người Thiểu Số Thiệt Mạng Nhiều Nhất!

- Về cuộc chiến tranh do ông Vladimir Putin khởi động, báo Le Figaro ra ngày 28/11/2022 nhận thấy những vùng đất nơi người thiểu số sinh sống có tỉ lệ lính tử trận tại Ukraine nhiều nhất nước Nga.

Tờ báo nêu ra hai bức ảnh đã nói lên nhiều điều về hậu quả cuộc chiến đối với các nước cộng hòa thuộc Liên bang Nga. Bức đầu tiên ngày 28/7, trong đó 105 thanh niên vùng Yakutia (Sakha) ở Xibêri được thống đốc Aisen Nicolaiv đích thân đến phi trường tiễn họ ra mặt trận. Bức thứ hai chụp ba tháng sau ở cùng địa điểm, chỉ còn 13 người sống sót trở về sau các trận đánh ở Ukraine. Về mặt chính thức, chỉ có 8 người tử trận trong số họ, nhưng số thiệt mạng thực tế rất lớn.

Số liệu tổng hợp giữa BBC và trang web độc lập Mediazone vào ngày 21/10 chứng tỏ số tử vong của thanh niên người Buryatia (22 đến 37 tuổi) cao nhất nước (28,4 thiệt mạng/10.000 thanh niên), tiếp đến là Tyva, Pskov, Bắc Ossetia, Altai, Daghestan, Chechnya, Ingushetiya. Ngược lại ở khu vực Mạc Tư Khoa thấp nhất (1,7), và ở ngay thủ đô thậm chí chỉ có 0,3. Tại những vùng đất nghèo khổ, tỉ lệ thất nghiệp cao, đi lính là cách để nuôi sống gia đình.

Tháng 3/2022, người thiểu số Buryatia vốn ít được biết đến bỗng nổi tiếng một cách đáng buồn sau vụ thảm sát Bucha. Alexandra Garmajapova, nhà báo gốc Buryatia đang sống ở ngoại quốc quyết định công bố nhiều video cho thấy những đồng bào mình sống ở Ukraine hay các nước phản đối cuộc xâm lăng, và lập ra Free Buratya Foundation, tố cáo đất đai của dân tộc mình bị Sa hoàng rồi Liên Xô chiếm đoạt, ngôn ngữ và văn hóa bị hạn chế. Họ kêu gọi “phi thực dân hóa” nước Nga, và nay 3 dân tộc gốc Mông Cổ và người Tatar cũng có phong trào tương tự.


Đặt Trọn Vào Canh Bạc Ukraine, Putin Sẽ Mất Tất Cả! Cả Chì, Lẫn Chài!

- Trong bài xã luận “Ukraine, ván cá cược thất bại của Putin”, báo Le Figaro ra ngày 28/11/2022 nhận định hàng loạt thất bại chiến lược của Vladimir Putin khiến người ta phải chóng mặt.

Tất nhiên trước hết là sức kháng cự mãnh liệt của người Ukraine, nay đang đe dọa sẽ buộc Nga phải lãnh những cái tát nhục nhã, tái chiếm các lãnh thổ đã bị cướp đoạt kể từ 2014. Tiếp đó là phương Tây nhu nhược lại tỏ ra quyết tâm và đoàn kết một cách đáng kinh ngạc, để ủng hộ đất nước bị tấn công và trừng phạt kẻ xâm lăng. Và Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tưởng chừng “chết não”, lại tìm thấy sức sống tươi trẻ, củng cố sườn phía đông, mở cửa cho các ứng cử viên mới mà Putin đã làm cho các nước này không còn có thể giữ thái độ trung lập.

Cũng không nên quên hàng trăm ngàn người Nga đã bỏ phiếu bằng đôi chân, chạy trốn lệnh động viên và đàn áp chính trị, khiến Nga bị chảy máu chất xám, lãng phí tài năng. Những đồng minh chiến lược như Trung Quốc hay những nước phương nam bắt đầu mất kiên nhẫn trước một cuộc chiến gây bất ổn và suy thoái. Và nay những nước từ Kavkaz đến Trung Á cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng độc hại của người láng giềng lớn xác nhưng bệnh hoạn.

Dù đã cố tìm kiếm, nhưng Le Figaro không thể thấy Putin đạt được gì trong cuộc phiêu lưu Ukraine. Ngay cả nếu ông ta xoay chuyển được thế trận, thậm chí khuất phục được một Ukraine đã thành bình địa - một viễn cảnh xa vời hơn bao giờ hết - đất nước của ông cũng sẽ tả tơi. Tay chơi bài tẩy ở Ðiện Cẩm Linh đã làm một cú lớn, nghĩ rằng sẽ làm người khác run tay. Vì đặt cược tất cả vào ván bài, Putin sẽ mất tất cả. Trong những cuộc dàn cảnh mới đây, những người lính bên cạnh Putin không phải là những người bị ông đẩy ra mặt trận với trang bị thảm hại, những bà mẹ mà Putin tiếp không phải là những người đòi ông phải trả lời về số phận con cái họ. Dưới chiếc mặt nạ sắt, Vladimir Putin liệu có thấy được những rạn nứt đang đe dọa đất nước và sự trị vì của ông?

Nga Bác Thông Tin, Chuẩn Bị Rút Quân Khỏi Nhà Máy Điện Nguyên Tử Zaporijjia

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 28/11/2022, Ðiện Cẩm Linh khẳng định nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia vẫn luôn dưới sự kiểm soát của Nga. Tuyên bố của Mạc Tư Khoa được đưa ra sau khi lãnh đạo tập đoàn năng lượng Ukraine trước đó nói rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy các lực lượng Nga dường như chuẩn bị rời khỏi nơi đây.

Trả lời các nhà báo trong buổi điểm tin hôm nay, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh, Dmitri Peskov, khẳng định “không nhất thiết phải tìm kiếm các dấu hiệu vì chúng chẳng có và cũng không thể nào có”.

Trước đó một hôm, Petro Kotin, Chủ tịch tập đoàn năng lượng Energoatom của Ukraine, trên kênh truyền hình Nhà nước, nói rằng Kyiv nhận được nhiều thông tin, trước hết từ các kênh truyền thông Nga, cho thấy có nhiều dấu hiệu quân Nga “có thể đang chuẩn bị rời nhà máy”. Theo viên chức này, trong hoàn cảnh hiện nay, nên để cho Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (AIEA) kiểm soát nhà máy.

Theo nhận định hãng tin Anh Reuters, một cuộc rút quân như thế rất có thể là một sự thay đổi quan trọng trong vùng Zaporijjia, đông nam đất nước, bị chiếm đóng một phần. Tại đây, đường chiến tuyến hầu như không dịch chuyển từ nhiều tháng qua. Nga và Ukraine liên tục đổ lỗi cho nhau trong các cuộc oanh kích xung quanh nhà máy, làm dấy lên nỗi lo một thảm họa nguyên tử khác.


Mỹ Cân Nhắc Gửi Vũ Khí Tấn Công Xa 150 Cây Số Tới Ukraine


(Ảnh minh họa bom đường kính nhỏ GBU-39.)

- Ngũ Giác Đài đang xem xét đề xuất của Boeing về việc cung cấp cho Ukraine những quả bom chính xác nhỏ, giá rẻ được gắn vào các phi đạn, cho phép Kyiv tấn công phía sau các phòng tuyến của Nga khi phương Tây đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu mua thêm vũ khí, Reuters loan tin hôm 28/11/2022.

Kho vũ khí quân sự của Mỹ và đồng minh đang giảm dần, và Ukraine phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng về vũ khí tinh vi hơn khi chiến tranh kéo dài. Hệ thống đề xuất của Boeing, được gọi là Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB), là một trong các kế hoạch đưa vũ khí mới vào sản xuất cho Ukraine và các đồng minh Đông Âu của Mỹ, các nguồn tin trong ngành cho Reuters biết.

Bom GLSDB có thể được chuyển giao sớm nhất là vào mùa xuân năm 2023, theo một tài liệu được Reuters xem và ba người nắm tin tức với kế hoạch này. Kế hoạch này gồm sự kết hợp bom đường kính nhỏ GBU-39 (SDB) với động cơ phi đạn M26, cả hai đều phổ biến trong kho vũ khí của Hoa Kỳ.

Ông Doug Bush, trưởng bộ phận mua sắm vũ khí của Quân đội Hoa Kỳ, nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc vào tuần trước rằng Quân đội Mỹ cũng đang xem xét đẩy nhanh việc sản xuất đạn pháo 155 mm - hiện chỉ được sản xuất tại các cơ sở của chính phủ - bằng cách cho phép các nhà thầu quốc phòng chế tạo chúng.

Ông Bush nói thêm rằng cuộc xâm lược Ukraine đã thúc đẩy nhu cầu về vũ khí và đạn dược do Mỹ sản xuất, trong khi các đồng minh của Mỹ ở Đông Âu đang “đặt hàng rất nhiều” đối với nhiều loại vũ khí khi họ cung cấp cho Ukraine.

Ông Tom Karako, chuyên gia về vũ khí và an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: “Đó là về việc có được số lượng với chi phí rẻ”. Ông cho biết lượng hàng tồn kho của Mỹ giảm giúp giải thích cho việc vội vã mua thêm vũ khí hiện nay, nói rằng các kho dự trữ đang “thấp hơn so với mức mà chúng tôi muốn duy trì và chắc chắn là ở mức mà chúng tôi sẽ cần để ngăn chặn một cuộc xung đột ở Trung Quốc”.

Một phát ngôn viên của Boeing từ chối bình luận. Thiếu tá Tim Gorman, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, từ chối bình luận về việc cung cấp bất kỳ “khả năng cụ thể” nào cho Ukraine, nhưng cho biết Mỹ và các đồng minh “xác định và xem xét các hệ thống phù hợp nhất” có thể giúp đỡ Kyiv.

Mặc dù Hoa Kỳ từ chối yêu cầu cung cấp phi đạn ATACMS có tầm bắn 297 cây số, nhưng tầm bắn 150 cây số của GLSDB sẽ cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự có giá trị nằm ngoài tầm với và giúp nước này tiếp tục đẩy mạnh các cuộc phản công bằng cách phá vỡ các khu vực hậu phương của Nga.

GLSDB do SAAB AB và Boeing Co cùng thực hiện và đã được phát triển từ năm 2019, trước cuộc xâm lược mà Nga gọi là “hoạt động đặc biệt”.


Các Nhà Lập Pháp Chủ Chốt của Mỹ, Quyết Sẽ Tiếp Tục Hỗ Trợ Ukraine


(Hình: Người dân Ukraine ở Chasiv Yar, ngày 27/11/2022.)

- Các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ vừa được trao quyền chuẩn bị đảm nhận vai trò lãnh đạo Hạ viện vào tháng 1/2023 hứa hôm 27/11/2022 rằng Quốc hội sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc chiến kéo dài 9 tháng chống lại Nga nhưng cho biết sẽ có sự giám sát kỹ lưỡng hơn đối với viện trợ trước khi gửi viện trợ đến lực lượng của Kyiv.

Dân biểu Michael McCaul của bang Texas và Mike Turner của bang Ohio, có khả năng là các viên chức chủ chốt giám sát các gói viện trợ mới cho Ukraine, nói với chương trình “This Week” của đài ABC rằng sẽ tiếp tục có sự ủng hộ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đối với Ukraine khi đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Hạ viện, mặc dù có một số phe đối lập từ cả hai bên đã xuất hiện.

Ông Turner, có khả năng là Chủ tịch mới của Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho biết: “Chúng tôi sẽ bảo đảm rằng họ có được thứ họ cần. Chúng tôi sẽ có sự hỗ trợ của lưỡng đảng”.
Ông McCaul, người có khả năng đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết: “Nếu chúng tôi cung cấp cho họ những gì họ cần, họ sẽ thắng”.

Nhưng ông McCaul cho biết sẽ có sự khác biệt trong việc xem xét viện trợ cho Ukraine khi đảng Cộng hòa tiếp quản Hạ viện từ tay đảng Dân chủ sắp mãn nhiệm.
Ông nói: “Thực tế là chúng tôi sẽ cung cấp thêm sự giám sát, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình”. Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ không viết một tấm séc trắng”.


Mỹ và Nga Thảo Luận Về Việc, Phóng Thích Bà Griner và Ông Whelan


(Hình: Bà Brittney Griner ngày 4/8/2022 ở Nga.)

- Hoa Kỳ và Nga đang thảo luận về việc trả tự do cho ngôi sao bóng rổ Brittney Griner và cựu lính thủy đánh bộ Paul Whelan thông qua các kênh đặc biệt, thông tấn xã Reuters dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa tin hôm 28/11/2022, dẫn lời một nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ.

Bà Elizabeth Rood, đại biện lâm thời của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Nga, được dẫn lời nói rằng Hoa Kỳ đã đệ trình một đề xuất nghiêm túc để xem xét nhưng họ chưa nhận được “phản hồi nghiêm túc” từ phía Nga.

Từ trước đến nay, Nga và Hoa Kỳ thảo luận về một thỏa thuận có thể đưa bà Griner, người đang phải đối mặt với án tù 9 năm ở Nga về tội buôn ma túy, được quay về Mỹ và đổi lại, phía Mỹ sẽ phóng thích ông Viktor Bout, một người Nga bị kết án vì buôn bán vũ khí.

Hiện chưa có thỏa thuận nào được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước.


Tổng Thống Macron Tiếp Tổng Thống Kazakhstan, Nhằm Gia Tăng ảnh Hưởng của Pháp và Liên Hiệp Âu Châu Tại Trung Á

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay Tổng thống Kazakhstan, ôngKassym-Jomart Tokaiev, công du Paris trong 2 ngày 29 và 30/11/2022 nhằm tăng cường mối quan hệ song phương. Paris nhân cuộc gặp này muốn thúc đẩy chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Pháp và Liên Hiệp Âu Châu tại vùng Trung Á, nhằm cạnh tranh với Mỹ, Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Vừa tái đắc cử, ông Tokaiev đã chọn Paris là điểm công du ngoại quốc thứ hai, một ngày sau cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mạc Tư Khoa ngày hôm nay, 28/11/2022.

Theo phủ Tổng thống Pháp, cuộc gặp này giữa hai nguyên thủ Pháp và Kazakhstan sẽ “mang một mục tiêu chính trị và chiến lược”. Đôi bên mong muốn “củng cố mối quan hệ, mở rộng đối thoại giữa hai nước trong bối cảnh khó khăn cho các nước Trung Á”.
Theo điện Elysée, Paris muốn khẳng định với các đối tác Trung Á “sự quan tâm mà Pháp dành cho khu vực này, hiện đang “bị kẹp giữa Nga và Trung Quốc và đang có nhu cầu mở rộng thêm nhiều quan hệ đối tác mới”.

Pháp và Kazakhstan đã có một mối quan hệ đối tác từ năm 2008.

Trong cuộc gặp ngày mai, hồ sơ Ukraine đặc biệt chiếm một vị trí quan trọng. Bên cạnh đó, nhiều thỏa thuận kinh tế dự trù cũng sẽ được ký kết trong các lĩnh vực năng lượng, vận tải và đầu tư cơ sở hạ tầng do việc Kazakhstan nắm giữ một vai trò ngày càng lớn trong lưu thông hàng hóa giữa Âu Châu và Trung Quốc.

Hãng tin Pháp AFP lưu ý, chuyến đi Paris này của ông Tokaive, diễn ra chưa đầy một tuần sau chuyến công du Pháp của Tổng thống Ouzbekistan Chavkat Mirzioiev.

Tin Việt Nam

Youtuber “Thánh Khờ Miền Tây” Bị Khởi Tố Về Hành Vi “Vu Khống”


(Hình: Ông Bùi Quang Thức tại cơ quan công an.)

- YouTuber “Thánh khờ Miền Tây” vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, ra quyết định khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú để điều tra hành vi “vu khống”. Truyền thông Nhà nước dẫn thông tin từ Công an thị xã Bình Minh cho biết như vậy hôm 28/11.

YouTuber có tên Bùi Quang Thức (31 tuổi) với kênh YouTube có hơn 13 ngàn người theo dõi được lập từ năm 2021, bị một người khác tố cáo lên công an là đã đăng tải nội dung không đúng sự thật, vu khống lên kênh của mình.

Theo hồ sơ điều tra của công an được báo trong nước trích dẫn, một người có tên là T. vay 1,3 tỉ đồng từ bà Q., người tố giác ông Thức, vào khoảng tháng 4/2021. Tuy nhiên, ông T. sau đó không trả tiền bà Q.

Bà Q nghi ngờ ông Thức có liên quan đến việc ông T. chiếm đoạt tiền của mình nên có nhắn tin cho ông Thức qua điện thoại.

Bà Q. tố cáo ông Thức vào tháng 6/2022 đã sử dụng tin nhắn của bà để phát livestream trên kênh YouTube của mình với các lời lẽ thô tục, bịa đặt nhằm xúc phạm nghiêm trọng, danh dự, nhân phẩm của bà.


TikToker Nờ Ô Nô Bị Khóa Tài Khoản, Bị Thanh Tra và Công An Truy Tìm


(Ảnh chụp màn hình clip TikToker nói chuyện với người nghèo trong series gây tranh cãi.)

- TikToker Nờ Ô Nô vừa bị khóa tài khoản với hơn 600.000 lượt người theo dõi của mình trên TikTok và bị Thanh tra Sở Thông tin-Truyền thông Tp. HCM truy tìm sau khi phát một video nói xấu người nghèo gây “bão mạng”.

Theo truyền thông Nhà nước, vào chiều ngày 28/11/2022, lãnh đạo Thanh tra Sở TT-TT đang tìm kiếm TikToker Nờ Ô Nô để làm việc về một số clip đăng tải trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận.
Thanh tra Sở TT-TT xác định TikToker này có tên thật là Phạm Đức Tuấn (ngụ tại tỉnh Kiên Giang).

Khoảng hai ngày trước, báo chí trong nước và dư luận mạng xã hội ở Việt Nam có phản ứng mạnh sau khi TikToker này đăng một video phỏng vấn người nghèo bị cho là dùng những từ “khó nghe” khi đi làm từ thiện.

Trong Series có tên “Người nghèo ăn gì mình cho ăn đó”, TikToker đã nói những câu như “nghèo mà còn chê đồ ăn”, “Bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu”….

Lãnh đạo Sở TT-TT cho báo chí biết họ dã gọi điện thoại, nhắn tin cho TikToker tên Tuấn từ chiều ngày 28/11 nhưng không có phản hồi. Vì vậy, Thanh tra Sở tiếp tục phối hợp với công an và chính quyền địa phương mời người này lên làm việc nhằm làm rõ một số thông tin xúc phạm người khác.

Nói về mức phạt đối với TiToker này, Thanh tra Sở TT-TT Tp. HCM cho biết biện pháp xử lý sẽ được đưa ra trên cơ sở nội dung làm việc, giải trình của đương sự.

Trong khi đó, vào sáng 28/11, tài khoảng Nờ Ô Nô có địa chỉ ở @tuanbrice đã bị khóa. Nhưng một kênh mới có địa chỉ @tuanbririce99 đã được lập và được cho là kênh phụ của Nờ Ô Nô.

Trên kênh mới, TikToker đăng clip xin lỗi với nội dung:
“Đời người ai cũng có lúc sai lầm. Mong mọi người hãy tha lỗi cho mình lần này. Mình hứa sẽ thay đổi bản thân nhiều hơn và làm nhiều việc có ích hơn cho xã hội”.


Vụ Án Alibaba: Nguyễn Thái Luyện Cùng 21 Đồng Phạm Sắp Hầu Tòa


(Hình: Ông Nguyễn Thái Luyện Chủ tịch công ty bất động sản Alibaba.)

- Tòa án Nhân dân Tp Sài Gòn quyết định mở phiên xử công khai vụ Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Công ty Alibaba, cùng 21 đồng phạm vào ngày 8/12/2022 đến ngày 6/1/2023.

Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 28/11 đồng thời nêu rõ có gần 40 luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Cũng theo tin, Viện kiểm sát truy tố Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh (em Luyện, Giám đốc Công ty CP địa ốc Alibaba), Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (Phó tổng giám đốc phụ trách truyền thông Công ty Alibaba), Huỳnh Thị Ngọc Như (Phó tổng giám đốc phụ trách đào tạo của Công ty Alibaba) cùng các đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những người khác gồm em trai ông Luyện, kế toán trưởng Công ty Alibaba... bị tuy tố về tội rửa tiền.

Viện kiểm sát xác nhận số người bị hại tính đến ngày 18/11 là 3.986 người và hiện có năm luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho họ. Ngoài ra, cũng theo VKS, khoảng 100 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng được hội đồng xét xử triệu tập và hiện chỉ có một luật sư của người liên quan tham gia phiên xử.

Tập đoàn Alibaba được nói đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nhiều người dân trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín làm người đại diện theo pháp luật, sau đó tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp.

Để có tiền mua đất, Công ty Alibaba và các công ty cùng hệ thống tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật. Nhằm tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Nguyễn Thái Luyện sử dụng đưa ra cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng. Theo kết luận điều tra, với phương thức này, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã lừa hơn 2.264 tỉ đồng của 4.316 khách hàng. Thực tế, hầu hết các dự án đều do Công ty Alibaba tự vẽ trái phép trên một diện tích đặc biệt lớn đất nông nghiệp, chưa được phép phân lô tách thửa, không phải đất thổ cư như Công ty Alibaba quảng cáo.


Đảng Đưa Mục Tiêu GDP, Bình Quân Đầu Người Đạt 7.500 Mỹ Kim Vào Năm 2030


(Hình minh họa: Banner cổ động cho Đảng Cộng sản Việt Nam trên phố Hà Nội hôm 25/1/2021.)

- Đảng Cộng sản Việt Nam mới đây ban hành Nghị quyết đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam thành nước đạt được các tiêu chí là công nghiệp, nước đang phát triển và GDP bình quân đầu người đạt 7.500 Mỹ kim vào năm 2030.

Truyền thông Nhà nước cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết mới ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa 13. Nghị quyết có nội dung về về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Nghị quyết, chậm nhất đến năm 2030, Việt Nam xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ kỹ thuật lõi, kỹ thuật nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.
Đảng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 bao gồm: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 Mỹ kim; GNI bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 7.000 Mỹ kim. Ðóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới.

Nghị quyết mới cũng xác định phải đưa Việt Nam vào trong nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp kỹ thuật cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính đến năm 2021 là khoảng 3.600 Mỹ kim.

Nền kinh tế Việt Nam hiện chủ yếu dựa vào xuất cảng trong đó xuất cảng của doanh nghiệp có vốn ngoại quốc đầu tư chiếm đa số. Theo số liệu của Chính phủ, xuất cảng từ khu vực có vốn ngoại quốc đầu tư chiếm hơn 20% GDP và chiếm khoảng 72% tổng giá trị xuất cảng, 50% sản lượng công nghiệp.

Các mặt hàng xuất cảng chủ lực của Việt Nam như may mặc, giầy dép, hàng điện tử chủ yếu là gia công cho các hãng lớn và nhập nguyên vật liệu từ ngoại quốc về, tận dụng giá nhân công rẻ.


Viện Kiểm Sát Trả Hồ Sơ Vụ Saigon Co.Op, Yêu Cầu Điều Tra Bổ Sung


(Hình Kinh tế Sài Gon.)

- Truyền thông Nhà nước loan tin ttrong ngày 27/11/2022 cho hay vụ án liên quan đến ông Diệp Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị liên hiệp hợp tác xã thương mại Tp. HCM (Saigon Co.op) và tám đồng phạm vừa bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tp. HCM trả hồ sơ để điều tra bổ sung..

Theo tin, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tp. HCM ngày 27/11 đã trả hồ sơ để Cơ quan An ninh điều tra điều tra bổ sung 8 vấn đề trong vụ án Diệp Dũng và tám đồng phạm về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo hồ sơ, vào tháng 8/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an Tp. HCM đã kết luận điều tra, trong quá trình hoạt động từ năm 1999 đến tháng 1/2020, Saigon Co.op có chín lần tăng vốn điều lệ. Trong đó, việc tăng vốn điều lệ lần thứ chín từ 3.200 tỉ đồng lên 6.797 tỉ đồng, với sự chỉ đạo trực tiếp của bị can Diệp Dũng. Việc này có sai phạm và đã gây thiệt hại cho Saigon Co.op gần 115,7 tỉ đồng.

Qua đó, Cơ quan CSĐT Công an Tp. HCM đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp, đề nghị truy tố ông Diệp Dũng và các bị cáo khác cùng tội danh trên. Trong đó, 3 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, gồm: Diệp Dũng, Tôn Thất Hào (nguyên Giám đốc Công ty Đại Á), Võ Thành Trung (nguyên Tổng giám đốc Công ty Đô Thị Mới). Sáu bị can bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

VKS đề nghị cơ quan an ninh điều tra xác định rõ bản chất hai hợp đồng mà ông Diệp Dũng ký với Công ty Đại Á và Công ty Đô thị Mới là hợp đồng cho vay ngắn hạn hay hợp đồng hợp tác đầu tư với lợi nhuận cố định là 7%/năm trên số tiền góp vốn. Ngoài ra, cần làm rõ việc Saigon Co.op dùng 1.000 tỉ đồng từ tiền huy động vốn để ký hợp đồng hợp tác với hai Công ty Đại Á và Công ty Đô thị Mới có thông qua các nhà đầu tư hay không.


EVN Dự Báo, Lỗ 31.360 Tỉ Đồng Năm 2022


(Hình: Các công nhân điện lực đang lắp đồng hô đo điện ở Hà Nội năm 2011.)

- Trong ngày 28/11/2022, Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho truyền thông nhà nước hay EVN dự tính có thể lỗ tới 31.360 tỉ đồng trong năm 2022 do biến động giá nhiên liệu khiến chi phí sản xuất điện và mua điện tăng cao.
Những khó khăn khiến ông lớn điện lực Việt Nam dự tính lỗ nặng trong năm nay là do không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung cấp điện.

Thêm nữa là do chi phí sửa chữa lớn khiến EVN đã phải cắt giảm 10-30% và việc sửa chữa tài sản tiếp tục bị cắt giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện các năm tới.

Nguyên nhân cuối cùng đại diện EVN mới đây nêu ra là do việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện để bảo đảm cung ứng điện đang gặp nhiều khó khăn.

Đại diện EVN nhận định trên tờ Lao động rằng: “Mặc dù đã cố gắng để chi phí vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn, kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm 2022 của công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỉ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỉ đồng”.

Với tình hình hiện tại, theo đại diện EVN, ngành điện lực sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023. Theo lý giải của EVN, do năm 2023, dự kiến giá nhiên liệu (than, dầu, khí) trên thế giới vẫn sẽ ở mức cao theo các nguồn dự báo, tỷ giá ngoại tệ Mỹ kim liên tục tăng trong thời gian qua. Đồng thời tỷ trọng các nguồn điện có giá thành rẻ (như thủy điện) có xu hướng giảm và tăng tỷ trọng các nguồn điện có giá bán cao.

Tuy vậy, EVN cho biết sẽ nổ lực bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội.

Hồi tháng 10/2022 nhiều doanh nghiệp phản ứng với đề xuất của Bộ Công thương cho EVN được tự quyết tăng giá điện khi tập đoàn này liên tiếp báo lỗ trong sáu tháng đầu năm. Một doanh nghiệp ở Sài Gòn nói trên tờ VTCNews rằng điện đã và đang là một ngành độc quyền trên thị trường, giờ lại được tự quyết tăng giá thì khác nào được tăng tính độc quyền, dễ đưa toàn bộ khách hàng là người dân, doanh nghiệp vào thế bị động, trở tay không kịp.

Cũng trả lời trên tờ VTCNews về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng ngành điện vốn đã độc quyền rồi, nay nếu lại được tự quyết tăng giá điện bình quân thì sự độc quyền e rằng càng tăng thêm. Theo ông Hòa, vấn đề này cần phải được cân đong, đo đếm, tính toán chi tiết, dựa trên tổng thể phát triển kinh tế xã hội chứ không chỉ cho riêng ngành điện, bởi ngành điện không đóng góp toàn bộ vào phát triển của nền kinh tế.

Không có nhận xét nào: