Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

Nóng! Ít Khi Nào Thấy Trong Chế Độ Độc Tài Cộng Sản Toàn Trị, Hàng Ngàn Người Xuống Đường, Đòi Tập Cận Bình Từ Chức! Đảng CS Giải Tán! - Lê Văn Hải


Nóng! Tên là “Cách mạng giấy trắng!”: Biểu tình chống chính quyền CS toàn trị, lan rộng khắp nơi ở Trung Quốc! Hàng ngàn người xuống đường! Tình hình Trung Quốc ngày càng căng thẳng! Hàng ngàn người xuống đường ở Trung Quốc, không còn sợ hãi, công khai biểu tình hô to, đòi ông Tập Cận Bình từ chức! đảng CS giải tán! (Trên cả chục năm, từ khi Tập Cận Bình Cầm quyền, chưa bao giờ thấy cảnh này!) do cách nghiêm ngặt chống Covid!
(BBC tiếng Việt)
<!>


(Hình: Cảnh biểu tình tại Thượng Hải trong ngày phản đối thứ nhì, Chủ Nhật 27/11)

Các cuộc biểu tình chống những lệnh hạn chế vì Covid tại Trung Quốc ngày càng căng thẳng và lan rộng sau một trận hỏa hoạn khiến 10 người thiệt mạng tại một khu căn hộ ở thành phố Urumqi.

Tại thành phố Thượng Hải, video trên mạng xã hội của các nhà báo nước ngoài cho thấy hàng ngàn người đã đổ ra đường để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn và phản đối chống các lệnh hạn chế vì Covid.

Giới sinh viên cũng biểu tình tại các trường đại học ở Bắc Kinh và Nam Kinh.

Nhiều người đã lên án việc phong tỏa tòa nhà chung cư là nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn ở Urumqi.

Tuy giới chức bác bỏ việc các hạn chế phong tỏa nhằm phòng chống Covid là nguyên nhân dẫn tới những cái chết, nhưng các quan chức Urumqi, khá là bất thường, đã ra lời xin lỗi vào cuối ngày hôm thứ Sáu, và cam kết sẽ "vãn hồi trật tự" bằng việc nới dần các lệnh cấm.

'Tập Cận Bình, hãy từ chức ngay đi! Đảng CS hãy giải tán!'

Tại cuộc biểu tình ở Thượng Hải tối hôm thứ Bảy, người ta nghe thấy những tiếng hô vang "Tập Cận Bình, hãy từ chức ngay đi", và "Đảng Cộng sản, hãy giải tán, từ chức đi!". Một số người cầm những tấm biển trắng. Một số người đốt nến, đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân.

Đây là một khung cảnh hiếm khi xảy ra tại Trung Quốc, vì chỉ trích trực tiếp chính phủ và chủ tịch nước sẽ bị trừng phạt nặng nề.

Các nhà phân tích nói chính phủ có vẻ như đã quá coi nhẹ sự bất mãn dâng cao đối với 'Không Covid', chính sách đối phó với đại dịch của ông Tập Cận Bình, người gần đây cương quyết nói không thể đi chệch ra ngoài cách tiếp cận này.

Một số người biểu tình còn la hét nhằm vào cảnh sát, khi đó đang xếp hàng ngoài đường.

Một người biểu tình nói với hãng tin Associated Press (AP) là một trong số những người bạn của mình đã bị cảnh sát đánh tại hiện trường trong khi hai người khác thì bị xịt hơi cay. Video các phần khác của cuộc biểu tình cho thấy cảnh sát đứng nhìn người dân phản đối.

Zero-Covid ở Trung Quốc đặt ra câu hỏi: World Cup ở hành tinh khác à?

Mặc dù tình hình tại khu vực đã được ổn định trước buổi sáng ngày hôm nay Chủ nhật 27/11, thế nhưng BBC thấy cảnh sát vẫn tăng cường sự hiện diện trong các khu vực biểu tình, với hàng chục cảnh sát, cảnh vệ riêng, các cảnh sát mặc thường phục trên đường.

Ở nơi khác, tại một vài trường đại học của Trung Quốc, thì hình ảnh và video đã xuất hiện trên mạng ghi lại cảnh sinh viên biểu tình hôm tối ngày thứ Bảy 26/11. Cuộc tập hợp lớn nhất dường như tại Đại học Bưu chính Viễn thông Nam Kinh (Nanjing Communications University).

Rất khó để xác minh các video biểu tình, thế nhưng nhiều video cho thấy sự chỉ trích công khai và thẳng thắn bất thường về chính phủ và người đứng đầu.

Trận hỏa hoạn tại Urumqi là một kịch bản ác mộng đối với nhiều người Trung Quốc đã phải chịu các lệnh hạn chế ngày càng lan rộng trong những tháng gần đây - bị nhốt trong căn hộ, không đường thoát, theo một số thông tin. Chính quyền đã bác bỏ điều này, tuy nhiên động thái này không giúp chấm dứt sự giận dữ của người dân và ngăn sự bất an lan rộng.


Người dân ở Thượng Hải làm lễ tưởng niệm cho những nạn nhân vụ cháy, tại thành phố Urumqi hôm 26/11, như giọt nước tràn ly, khiến mọi nơi, sự bất mãn dâng cao!

Điều này đã trở thành một điểm tới hạn khiến sự bất mãn dâng cao. Hàng triệu người mệt mỏi sau ba năm chịu các lệnh hạn chế đi lại vì Covid và xét nghiệm Covid hàng ngày. Sự tức giận cũng lan đến mọi ngóc ngách ở Trung Quốc, từ các thành phố lớn đến những vùng xa xôi như Tân Cương và Tây Tạng, tác động tiêu cực đến mọi thành phần của xã hội, từ các sinh viên đại học trẻ tuổi, công nhân nhà máy đến dân thường.

Khi sự giận dữ gia tăng, các cuộc biểu tình chống những biện pháp Covid ngày càng trở thành cảnh tượng thường thấy. Thế nhưng các cuộc biểu tình cuối tuần qua bất thường trong bình thường mới, cả về số liệu, và sự thẳng thắn chỉ trích chính phủ và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Hàng ngàn người đồng loạt đổ ra đường kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình từ chức được cho là điều không thể tưởng tượng nổi chỉ không lâu trước đó. Nhưng sau một vụ biểu tình nghiêm trọng gần đây tại một cây cầu ở Bắc Kinh, khiến nhiều người ngỡ ngàng, thì một rào chắn dường như đã được xác lập trong việc được bày tỏ công khai hơn, và sự bất đồng càng dữ dội hơn.

Một số người khác cũng đã chọn vẫy cờ của Trung Quốc và hát quốc ca - giai điệu ca ngợi lý tưởng cách mạng và kêu gọi người dân "đứng lên, đứng lên". Đây là một biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước, có thể diễn giải là một biểu hiện đoàn kết nhắm đến sự chịu đựng của người dân Trung Quốc từ chính sách 'Zero-Covid' của Tập Cận Bình và lời kêu gọi hành động.


Người dân ở Thượng Hải làm lễ tưởng niệm cho những nạn nhân vụ cháy tại thành phố Urumqi hôm 26/11

Những cuộc biểu tình mới nhất liên quan đến làn sóng biểu tình ngày càng gia tăng chống lại các biện pháp zero-Covid, ngày càng cho thấy sự chỉ trích mạnh mẽ hơn nhằm vào chính phủ và Chủ tịch Tập.

Chiến lược zero-Covid là chính sách mới nhất tại một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, một phần vì tỷ lệ tiêm vaccine tương đối thấp tại Trung Quốc và nỗ lực bảo vệ người lớn tuổi.


Trung Quốc hôm nay vẫn tăng cường an ninh tại các khu vực đã xảy ra biểu tình, với hàng chục cảnh sát, cảnh vệ riêng, các cảnh sát mặc thường phục trên đường

Các đợt phong tỏa bất thình lình đã gây giận dữ trên khắp Trung Quốc - và các lệnh hạn chế vì Covid nhìn chung đã kích hoạt các cuộc biểu tình bạo lực hơn gần đây từ thành phố Trịnh Châu đến Quảng Châu.

Mặc cho các biện pháp nghiêm ngặt, số ca nhiễm Covid tại Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục chưa từng có kể từ khi đại dịch bùng phát.


Thứ Hai, 28/11/2022, Hơn 50 trường đại học và trường cao đẳng tại Trung Quốc biểu tình chống ‘Zero COVID’ và kêu gọi tự do! dân chủ!

(Mộc Vệ)

Hòa nhịp vào làn sóng phẫn nộ trên toàn quốc, hơn 50 trường cao đẳng và đại học tại Trung Quốc đã phát động biểu tình phản đối thể chế toàn trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hưởng ứng “cách mạng giấy trắng”.


(Hình: Những nguồn tin từ Trung Quốc cho thấy có hơn 50 trường cao đẳng và đại học ở nước này đang phát động biểu tình, hưởng ứng “cách mạng giấy trắng”.)

Tất cả đồng lòng với vụ hỏa hoạn ở Tân Cương

Dường như vụ hỏa hoạn vào ngày 24/11 tại một tòa nhà dân cư ở Urumqi – Tân Cương làm hàng chục người thiệt mạng có phần lý do dẫn đến sự kiện này, vì trong vụ hỏa hoạn đó nhiều người không thể chạy thoát do cơ quan chức năng phong tỏa dịch bệnh COVID-19. Vụ việc đã làm dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ người dân địa phương, bất mãn tích tụ đến giới hạn đã khiến mọi người bất chấp xuống đường biểu tình, và hiện tượng dần lan rộng ra nhiều nơi khác tại Trung Quốc.

Hiện nay, ngoài các cuộc biểu tình đường phố tự phát của người dân ở nhiều thành phố, sinh viên từ nhiều trường cao đẳng và đại học ở Trung Quốc cũng đã giơ cao giấy trắng và hô khẩu hiệu trong khuôn viên trường để phản đối chế độ ĐCSTQ, nhằm đáp lại làn sóng cuộc biểu tình “giấy trắng” đang lan rộng nhanh chóng ở Trung Quốc.

Cựu phóng viên Wu Ruoshan của Đài truyền hình Anh (BBC) trú tại Hồng Kông đã chia sẻ danh sách các trường học biểu tình được cư dân mạng Trung Quốc tổng kết đăng trên Twitter vào ngày 27/11, cho thấy chỉ trong 3 ngày từ ngày 25 đến sáng ngày 27/11, khi nhiều người phanh phui lý do thảm kịch hỏa hoạn tòa nhà chung cư ở Urumqi thì đã có các cuộc biểu tình của sinh viên tại hơn 50 trường đại học.

BBC nói cảnh sát Trung Quốc bắt nhà báo đưa tin biểu tình ở Thượng Hải


Danh sách cho thấy nhiều trường trong số đó được xếp hạng hàng đầu như: Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, Đại học Thượng Hải, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Truyền thông Nam Kinh, Đại học Nghệ thuật Nam Kinh, Đại học Chiết Giang, Đại học Cát Lâm, Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc, Đại học Nghiên cứu Quốc tế Tây An, Đại học Công nghệ Tây An, Đại học Hồ Nam, Học viện Sân khấu Thượng Hải, Đại học Nông nghiệp Đông Bắc, Học viện Mỹ thuật Quảng Châu, Đại học Thâm Quyến, Đại học Vũ Hán, Đại học Luật và Khoa học Chính trị Tây Bắc, Đại học Trùng Khánh, Đại học Nghiên cứu Quốc tế Tứ Xuyên, Đại học Thành Đô, Đại học Sư phạm Trung ương Trung Quốc, Đại học Dầu khí Trung Quốc, Học viện Điện ảnh Thanh Đảo, Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn, Học viện Truyền thông Tứ Xuyên, Đại học Khoa học Chính trị và Luật Đông Trung Quốc, Học viện Opera Trung Quốc, Học viện Hý kịch Trung ương, Đại học Công nghệ Vũ Hán, Đại học Vạn Lý Chiết Giang, Đại học Sơn Đông, Đại học Phúc Đán, Tôn Đại học Yat-sen, Đại học Nhân dân Trung Quốc…

Wu Ruoshan nói rằng các sinh viên từ các trường này đã đồng loạt bày tỏ sự tức giận của họ đối với chính sách phong tỏa COVID-19 của chính quyền ĐCSTQ, đồng thời cổ vũ tự do dân chủ đất nước và gửi lời chia buồn tới các nạn nhân.

Mức độ chưa từng thấy ở Trung Quốc đại lục, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền cách đây một thập kỷ. Cảnh sát giải tán đám đông biểu tình phản đối các biện pháp ngăn chặn COVID ở Thượng Hải 27/11/2022

Biểu tình phản đối ở Thượng Hải.

Cảnh sát hôm Chủ nhật đã giải tán đám đông khỏi Đường Urumqi – vốn được đặt tên theo Urumqi của Tân Cương - ở Thượng Hải, nơi những người dân trước đó đã tập hợp vào đêm Thứ Bảy để thắp nến cầu nguyện sau đó đã biến thành một cuộc biểu tình.

Các cuộc biểu tình ở Trung Quốc phản đối các biện pháp ngăn chặn COVID nghiêm ngặt đã lan tới Thượng Hải sau khi một vụ hỏa hoạn chết người ở vùng viễn tây của đất nước gây ra sự phẫn nộ lan rộng.

Làn sóng bất tuân dân sự, bao gồm các cuộc biểu tình ở Urumqi, nơi xảy ra vụ hỏa hoạn, cũng như các nơi khác ở Bắc Kinh và các thành phố khác, đã tới mức độ chưa từng thấy ở Trung Quốc đại lục kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền cách đây một thập kỷ.

Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc thông báo số ca nhiễm COVID mới kỷ lục là 39.791 ca vào ngày 26/11, trong đó 3.709 ca có triệu chứng và 36.082 ca không có triệu chứng, Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết hôm Chủ nhật.

Con số ca một ngày trước đó là 35.183 ca, trong đó 3.474 ca nhiễm có triệu chứng và 31.709 ca không có triệu chứng mà Trung Quốc tính riêng.

Không bao gồm các ca nhiễm từ nước ngoài, Trung Quốc đã ghi nhận 39.506 ca nhiễm mới tại địa phương, trong đó 3.648 ca có triệu chứng và 35.858 ca không có triệu chứng, tăng so với 34.909 ca một ngày trước đó.

Có một trường hợp tử vong mới, so với không có trường hợp nào trước đó một ngày, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 5.233 ca

Tính đến ngày 26 tháng 11, Trung Quốc đại lục đã xác nhận 307.802 ca có triệu chứng.

Tại hải ngoại, Thứ Hai, 27/11/2022, Trước Đại Sứ Quán Trung Quốc ở London hàng ngàn người Hoa hô vang đả đảo Đảng Cộng Sản Trung Quốc!

(Bình Minh)


(Ảnh: Ngày 27/11, hàng ngàn du học sinh Trung Quốc đã đến Đại sứ quán ở London và kêu gọi ĐCSTQ hạ đài.)

Tối ngày 27/11, rất nhiều người Anh gốc Hoa (bao gồm cả du học sinh Trung Quốc) đứng trước Đại sứ quán của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở London phản đối chính sách zero-COVID hà khắc, tưởng niệm các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Urumqi, Tân Cương, và hô vang những khẩu hiệu như “Tập Cận Bình, hãy hạ đài!”, “ĐCSTQ, hãy hạ đài!”

Theo video và hình ảnh tại hiện trường, người gốc Hoa biểu tình đứng chật kín con đường trước Đại sứ quán Trung Quốc. Đám đông kéo dài ít nhất hàng chục mét, các nhân chứng cho biết có ít nhất vài nghìn người đã tham gia.

Họ thắp nến và đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân ở Tân Cương, thậm chí có người giơ tờ giấy trắng, có người giơ “Trung lộ Urumqi”.

Có người hét vào Đại sứ quán ĐCSTQ: “Chúng tôi cũng sẽ đặt những tấm sắt ngoài cổng của các người! Hãy đóng những chiếc đinh sắt vào!” Đám đông đồng thanh hét lên: “Tập Cận Bình, hãy hạ đài!”, “ĐCSTQ, hãy hạ đài!”

Ông Mã Kiến, một nhà văn sống ở Anh, cũng có mặt. Ông nói với Epoch Times của Anh rằng có hàng nghìn người tại hiện trường, hầu hết là sinh viên đến từ Trung Quốc Đại Lục và người Hoa sống gần London đã đến đây.

Ông Mã Kiến từng trải qua sự kiện Thảm sát Thiên An Môn năm 1989, nói rằng ông đã chứng kiến rất nhiều trẻ em từ Trung Quốc Đại Lục đứng lên, và trái tim ông ngập tràn cảm xúc.

“Tôi rất xúc động. Nhóm du học sinh này là những đứa trẻ đã hét lên ‘Tập đại đại, Bành ma ma’ (bố Tập Cận Bình, mẹ Bành Lệ Viện). Sau 3 năm dịch bệnh, người thân, họ hàng và bạn bè của họ ở Trung Quốc đã bị bức hại. Bây giờ họ cảm thấy mình không còn gì, mọi thứ đều là con số 0.”

“Điều bất ngờ nhất là hôm nay họ hô vang “Đả đảo ĐCSTQ, Đả đảo Tập Cận Bình”.


(Ảnh: Ngày 27/11, hàng ngàn du học sinh Trung Quốc đã đến Đại sứ quán ở London và kêu gọi ĐCSTQ hạ đài.)

Những người chết trong một vụ hỏa hoạn tại thành phố Urumqi, Tân Cương vào tuần trước, đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên khắp Trung Quốc. Một số thành phố lớn và nhiều trường cao đẳng, đại học đã tổ chức phản kháng tập thể.


Ảnh chụp màn hình Youtube

Người biểu tình hét lên giận dữ trước cảnh sát: “Cần tự do!”, “Tự do hay là chết” và các khẩu hiệu khác.

Ngày 26/11, những người biểu tình ở Thượng Hải lần đầu tiên hô vang “ĐCSTQ, hãy hạ đài!”, được thế giới bên ngoài coi là khẩu hiệu rất đặc trưng. Người dân Trung Quốc dường như đã bước sang một kỷ nguyên mới thức tỉnh.

Sáng sớm ngày 27/11, một lượng lớn người dân ở Thượng Hải đã xuống đường biểu tình ủng hộ Urumqi (Tân Cương), phản đối phong tỏa chống dịch cực đoan. họ hô vang “Đảng Cộng sản, hãy hạ đài!” Một lượng lớn cảnh sát đã được điều động đến để trấn áp và chặn tín hiệu mạng.


“Cách mạng giấy trắng”: Biểu tình chống chính quyền toàn trị lan rộng ở Trung Quốc

Trên mạng cũng lan truyền thông tin khu cộng đồng Qingtangwan ở quận Hải Điến, thành phố Bắc Kinh, và Aibo Liucun ở đường Thiên Sơn Tây, quận Mẫn Hàng, Thượng Hải, v.v, liên tục biểu tình yêu cầu chính quyền “gỡ phong tỏa”, sinh viên các trường đại học tại Trung Quốc cũng gia nhập hàng ngũ người biểu tình.


Thứ Hai, 28/11/2022, Mỹ phản ứng khi biểu tình chống chính sách Zero-COVID lan rộng tại Trung Quốc

(Hải Đăng)


Trong bối cảnh các cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua đang bùng phát tại Trung Quốc, điều phối viên về COVID-19 của chính phủ Mỹ Ashish Jha nói rằng chiến lược “Zero-COVID” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là không thực tế.

Hàng nghìn người biểu tình đã tràn xuống các đường phố tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Urumqi, Vũ Hán, Thành Đô và nhiều thành phố lớn khác của Trung Quốc để phản đối chính sách phong tỏa, xét nghiệm COVID-19, đeo khẩu trang bắt buộc và nhiều quy định khác của ĐCSTQ. Chính quyền Trung Quốc đã theo đuổi chính sách “Zero-COVID” trong nhiều tháng qua và chưa cho thấy dấu hiệu dừng lại.

Tại một số khu vực, người biểu tình hét lớn: “Tập Cận Bình! Hãy từ chức! ĐCSTQ hãy rút lui!”.

Giới chức tại Thượng Hải, Bắc Kinh và các thành phố lớn khác đã điều động cảnh sát để giải tán các cuộc biểu tình.

Phản ứng với những cuộc biểu tình chưa từng có tiền lệ tại Trung Quốc, ông Ashish Jha nói với ABC News hôm Chủ Nhật (27/11) rằng: “Tôi nghĩ sẽ rất, rất khó cho Trung Quốc để có thể kiềm chế đại dịch thông qua chiến lược Zero-COVID. Chúng tôi không nghĩ đó là thực tế, chắc chắn không thực tế đối với người Mỹ”.

Ông Ashish Jha sau đó tuyên bố rằng tiêm chủng “đặc biệt đối với người cao tuổi” là “con đường thoát khỏi virus này”. Ông nói tiếp: “Phong tỏa và Zero-COVID sẽ rất khó để chống đỡ virus”.

Theo Reuters, từ sáng sớm Chủ Nhật (27/11), biểu tình phản đối chính sách Zero-COVID đã sôi sục ở Thượng Hải. Vụ hỏa hoạn chết người ở tận Urumqi (Tân Cương) xa xôi tối hôm 24/11, đã kích nổ dân chúng Trung Quốc, dẫn tới làn sóng biểu tình các nơi. Bắt đầu là biểu tình rất lớn ở Urumqi, sau đó là một số biểu tình nhỏ hơn ở Bắc Kinh, và nay lan tỏa tới Thượng Hải.

Tại Thượng Hải, thành phố đông dân nhất và cũng là trung tâm tài chính của Trung Quốc, người dân đã tập trung vào tối thứ Bảy (26/11) để cầu nguyện tại đường Wulumuqi của thành phố, đường phố được đặt tên theo “Urumqi”, nhưng sau đã biến thành một cuộc biểu tình vào đầu giờ sáng Chủ Nhật (27/11).

“Dỡ phong tỏa Urumqi! Dỡ phong tỏa Tân Cương! Dỡ phong tỏa Trung Quốc!” đám đông hét to ở Thượng Hải, theo một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội.

Có lúc, một nhóm lớn bắt đầu hô to: “Đả đảo ĐCSTQ! Đả đảo Tập Cận Bình! Trả tự do cho Urumqi!”, theo các nhân chứng và video.

Vào sáng sớm thứ Hai (28/11) tại Bắc Kinh, hai nhóm biểu tình với tổng cộng ít nhất 1000 người đã tập trung tại Đường Vành Đai số 3 của thủ Đô Trung Quốc, từ chối giải tán, theo Reuters.

“Chúng tôi không muốn đeo khẩu trang, chúng tôi muốn tự do. Chúng tôi không muốn xét nghiệm COVID, chúng tôi muốn tự do”, một nhóm biểu tình hét lớn.

Trung Quốc đang vật lộn với các ca nhiễm dịch Vũ Hán COVID gia tăng, dẫn đến việc phong tỏa và các hạn chế khác ở các thành phố trên cả nước. Chính sách Zero-COVID này của Bắc Kinh hiện vẫn được chính quyền ĐCSTQ kiên trì, mặc dù các nơi khác toàn thế giới đã lần lượt gỡ bỏ dần các giới hạn liên quan đến đại dịch này.

Lý do Trung Quốc kiên trì chính sách Zero-COVID biểu trưng của Chủ tịch Tập Cận Bình, vì cho rằng đó là cứu tính mạng và cần thiết để ngăn chặn nạn dịch khi hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện nay đã quá tải từ lâu. Các quan chức đã tuyên bố sẽ tiếp tục với nó, bất chấp phản đối ngày càng tăng của công chúng và tác động ngày càng xấu đến kinh tế.

Vài tuần tới có thể sẽ là tồi tệ nhất ở Trung Quốc kể từ những tuần đầu tiên của đại dịch về cả phương diện kinh tế và sức khỏe. Theo phân tích của Mark Williams của Capital Economics cho biết vào tuần trước, thì những nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát COVID sẽ khiến chính quyền Trung Quốc buộc phải thêm các biện pháp phong tỏa cục bộ ở nhiều nơi.


Hoàng Chi Phong: Tôi không gục ngã sau 2 năm ngồi tù!

(Bình Minh)


Hoàng Chi Phong đã ủy quyền cho một người bạn đăng trên Facebook, bày tỏ cảm xúc của anh về việc bị giam cầm trong 2 năm qua: “Phải công bố với thế giới rằng tôi chưa hề gục ngã!”.

Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), cựu Tổng thư ký của Đảng Demosisto Hồng Kông, bị bỏ tù 2 năm vì liên quan đến nhiều vụ tụ tập “bất hợp pháp” và “vụ bầu cử sơ bộ dân chủ 47 người”.

Ngày 23/11, Hoàng Chi Phong đã đăng một bài viết trên Facebook, trích dẫn một câu trong bài hát nổi tiếng của Hồng Kông “Waltz Of The Damaged” (Điệu Van-xơ trẹo chân): “Phải công bố với thế giới, rằng tôi chưa hề gục ngã”.

Anh cũng gửi lời nhắn: “Thân ở trong bức tường, nhưng tôi vẫn thấy nhiều người đang kiên trì và cố gắng. Tôi hy vọng rằng mọi người đừng chỉ tập trung vào các thoái trào khác nhau của Hồng Kông, mà bỏ qua những người đang chèo thuyền ngược dòng hiện tại.”

Đài Á Châu Tự Do đưa tin, ngày 23/11, Hoàng Chi Phong đã ủy thác cho một người bạn đăng trên trang Facebook cá nhân của mình, bày tỏ cảm xúc về việc anh bị bỏ tù 2 năm qua.

Hoàng Chi Phong đã mô tả tình trạng hiện tại bằng một câu của nhà viết lời nổi tiếng Hồng Kông Hoàng Vĩ Văn (Wyman Wong) trong bài hát “Waltz Of The Damaged” của nhóm nhạc Dear Jane: “Tôi đã nói với vũ trụ, có một điệu nhảy chưa được ra mắt. Phải công bố với thế giới, rằng tôi chưa hề gục ngã.”

Không bị ngắt kết nối với thế giới bên ngoài

Hoàng Chi Phong tiết lộ bên trong song sắt, anh đã nhận thấy những thay đổi kinh thiên động địa của thế giới bên ngoài: “Mặc dù chạm được vào cảm xúc của xã hội, hiểu bầu không khí của mọi người thực sự giống như thầy bói xem voi, nhưng tôi vẫn hy vọng nắm bắt được nhịp đập của xã hội dân sự trong thời đại đầy biến động này.”

Anh không muốn bị tách khỏi thế giới bên ngoài, và cũng mong thu hẹp khoảng cách giữa những gương mặt được công chúng biết đến, và khoảng cách giữa người dân nói chung.

Triết lý nửa ly nước

Hoàng Chi Phong đã đề cập đến triết lý “nửa ly nước” để gợi mở cho mọi người. Nhiều người cho rằng sau khi trải qua những biến động sóng gió, họ cảm thấy “nửa ly nước cũng không còn”, đồng thời khó thích ứng với tác động to lớn của việc “từ có thành không”, hoặc vì thế mà không ngó ngàng đến thế sự, có người giảm bớt sự quan tâm, có người lại tham gia và quan tâm theo cách khác.

Hoàng Chi Phong tin rằng nếu muốn nghĩ về cách duy trì “sự đồng cảm”, thì cần “đặt câu hỏi chúng ta dùng khái niệm nào để hiểu được tình hình hiện tại.”

Anh cho biết dù lượng nước hiện tại chỉ còn 1/10, nhưng “nhiều người vẫn đang kiên trì và cố gắng, mong mọi người có thể tiếp tục tiến lên trong đợt triều rút buồn tẻ.”

Vì vậy anh mong “mọi người đừng chỉ tập trung vào các thoái trào khác nhau của Hồng Kông, mà phớt lờ tất cả những người chèo thuyền ngược dòng, đang cố gắng nhích từng bước.”

Tìm một vai trò phù hợp với bản thân

Cuối cùng Hoàng Chi Phong đã chỉ ra rằng so với trước đây, mọi việc nhỏ trong nghịch cảnh không chỉ đòi hỏi “sự quyết tâm kiên trì đến cùng”, mà còn cần “sự kiên nhẫn để bò lết về phía trước”, và tìm cho mình một vai trò phù hợp.

Thế nào là giai điệu dân ca khác với “Tự sự song song” của giai điệu chính? “Đó là cách người ta giữ kiên nhẫn và bền bỉ để sáng tác, khi rót nước từ 1 đến 2, đáng để khám phá khoảng không gian còn trong tầm sức của mình,” anh nói.

Hoàng Chi Phong và Lâm Lãng Ngạn (Ivan Lam) – cựu Chủ tịch của Đảng Demosisto, và cựu thành viên Chu Đình đã tham gia vào “Vụ án bao vây trụ sở cảnh sát ngày 21/6” trong phong trào chống dẫn độ năm 2019. Họ bị buộc tội kích động, tổ chức và tham gia tụ tập trái phép.

Hoàng Chi Phong đã nhận tội, và bị kết án vào ngày 23/11/2020, đồng thời phải ngồi tù 13,5 tháng.

Ngoài ra, anh ta còn dính líu đến một số vụ án “tụ tập trái phép” khác, gồm “cuộc biểu tình chống đeo khẩu trang ngày 5/10” năm 2019 và “cuộc tụ tập (tưởng niệm) ngày 4/6 (vụ Thảm sát Thiên An Môn)” năm 2020. Hoàng Chi Phong lần lượt bị kết án 4 tháng và 10 tháng tù giam. Bản án được chấp hành đồng thời mà không có lệnh của thẩm phán.

Cùng với 13,5 tháng tù giam trong “vụ án bao vây trụ sở cảnh sát ngày 21/6”, tổng bản án của anh là 27,5 tháng

Tháng Một năm nay, Hoàng Chi Phong đã kháng cáo bản án “tụ tập (tưởng niệm) ngày 4/6” và được chấp thuận, tổng mức án được giảm xuống còn 23,5 tháng.

Hoàng Chi Phong vốn đã thụ án xong vào tháng Ba năm nay, nhưng anh không được tại ngoại, vì tội âm mưu lật đổ quyền lực nhà nước trong “vụ bầu cử sơ bộ 47 người”, hiện vẫn đang bị tạm giam. Trước đó, anh đã bày tỏ ý định nhận tội, vụ án dự kiến sẽ bắt đầu xét xử vào cuối tháng 1/2023.

Sau khi bài viết được đăng tải, cư dân mạng Facebook thi nhau để lại lời nhắn hỏi thăm và khích lệ Hoàng Chi Phong: “Người Hồng Kông làm những gì họ nên làm trong không gian của riêng họ. Điều quan trọng nhất đối với mọi người là chăm sóc bản thân! Giữ gìn sức khỏe! Cố lên!”; “Chi Phong, hãy giữ gìn sức khỏe và nghỉ ngơi thật tốt”; “Niềm tin, tự cường”.

Theo báo cáo của Đài Á Châu Tự do và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), ngày 24/5, “Hội đồng Dân chủ Hồng Kông” (HKDC) đã công bố một báo cáo nghiên cứu với tựa đề “Hồng Kông đã đạt đến một cột mốc nghiêm trọng”.

Trong đó chỉ ra rằng có hơn 1.000 vụ án chính trị đang được tiến hành, hầu hết đều liên quan đến bạo loạn, phạm tội theo Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông và tội kích động phản loạn. HKDC dự đoán con số này sẽ tiếp tục gia tăng, với khoảng 1.500 – 2.000 tù nhân chính trị ở Hồng Kông.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên án Luật An ninh Quốc gia là “hồi chuông báo tử” cho “quyền tự trị cao” của Hồng Kông.

Không có nhận xét nào: