Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2022

Kính Chuyển Những Tin Nóng Nhất, Theo Dòng Thời Cuộc, Khắp Nơi Trên thế Giới (Chân Thành Cảm Tạ, Mến Chúc Mùa Lễ An Vui!) - Lê Văn Hải


Mừng Lễ Tạ Ơn 2022: Dự Đoán 80% Người Mỹ, Sẽ Lái Xe Di Chuyển, Đi Chơi Khắp Nơi Vào Dịp Lễ Thanksgiving!
– Dù để gặp hay né tránh gia đình, hoặc chỉ để đi tìm một thời gian yên tĩnh, có vô số lý do để mọi người chọn đi du lịch vào dịp lễ Thanksgiving.
Để nghiên cứu hành vi của du khách trong những dịp nghỉ lễ, trang Cars.com khảo sát kế hoạch dịp Thanksgiving của người tiêu dùng trên toàn quốc.
<!>


(Hình: Cảnh dòng xe chạy, nối đuôi nhau, tại thủ đô Washington DC nhân lễ Tạ Ơn năm 2021).

Trong số 1,800 người tham gia, có 61% dự định đi du lịch, và 80% trong số đó sẽ lái xe, và nhiều người chọn địa điểm chỉ cách nhà 50 dặm (khoảng 80.5 km).

Sau đây là những lý do phía sau quyết định của người tiêu dùng, và một số yếu tố khác cần tính đến trước khi khởi hành.

Du lịch gần nhà

Chỉ 15% người tham gia khảo sát chọn du lịch bằng máy bay, còn 80% chọn xe hơi.

Tuy đáng ngạc nhiên, xe hơi trở nên phổ biến hơn là một điều hợp lý vì đa số du khách không có dự định du lịch xa Trong số người có kế hoạch đi du lịch, 40% chọn địa điểm cách nhà chỉ 20 dặm (khoảng 32.1 km) và 25% chọn địa điểm cách nhà từ 21 đến 50 dặm.

Đối với những người không đi du lịch, truyền thống và vật giá leo thang là hai lý do chủ yếu. Có 58% người không có thói quen du lịch vào dịp Thanksgiving, và 24% người chọn ở nhà vì giá xăng hoặc chi phí sinh hoạt hàng ngày đắt đỏ.

Ngay cả khi giá xăng trung bình đã giảm gần 25% so với mức cao nhất trong mùa Hè, chi phí du lịch và lạm phát vẫn gây ra nhiều khó khăn cho người tiêu dùng.

Vừa tiết kiệm tiền, vừa tránh rắc rối

Gần một nửa số người cho biết do giá vé máy bay đắt đỏ, họ chọn lái xe dù thích đi bay hơn. Giá vé máy bay không chỉ là lý do duy nhất: 20% người chọn lái xe cho biết họ lo ngại chuyến bay sẽ bị gián đoạn.

Khi được hỏi về những vấn đề thường gặp nhất khi du lịch bằng máy bay, 48% người trả lời là trì hoãn do thời tiết, và 35% người trả lời là chuyến bay bị hủy. Việc lái xe không chỉ rẻ hơn, mà còn giúp du khách dễ kiểm soát chuyến đi hơn.

Tuy tình hình giao thông là một yếu tố khó lường, ít nhất tài xế có thể chọn giờ khởi hành và các điểm dừng. Để tiết kiệm tiền vào dịp lễ, mọi người nên chọn những dòng xe tiết kiệm nhiên liệu nhất trên thị trường, hoặc chọn các dòng xe du lịch giá phải chăng

.Đối với những người đã có sẵn xe, hãy tham khảo một số cách cơ bản để tiết kiệm xăng.

Du lịch bằng xe điện

Trong số những người du lịch bằng xe hơi, 18% chọn xe điện – tăng đáng kể so với mức 10% theo khảo sát dịp Labor Day của Cars.com. Nhưng dù xe điện ngày càng có phạm di chuyển xa hơn, 66% chủ xe điện cảm thấy lo lắng về yếu tố này khi đi du lịch.

Hiểu rõ các yếu tố có thể ảnh hưởng đến phạm vi di chuyển (như nhiệt độ cực hạn) và tham khảo các lưu ý để tiết kiệm pin có thể giúp các tài xế bớt lo lắng khi dùng xe điện.

Đối với những người đang sử dụng xe điện, lập kế hoạch chi tiết có thể giúp giảm lo lắng về phạm vi di chuyển. 86% số tài xế xe điện cho biết họ chọn tuyến đường dựa vào vị trí các trạm sạc, và gần 50% người cho biết các trạm sạc được bố trí rất tiện lợi trên đường.

Tuy nhiên, trạm sạc bất ngờ không hoạt động là một tình huống khó lường trước khi lên kế hoạch. Theo một nghiên cứu của J.D. Power, nhiều chủ xe điện cho biết trạm sạc ngưng hoạt động là mối lo ngại lớn nhất của họ, dù ngày càng có nhiều trạm sạc hơn trên khắp quốc gia.

Chở theo trẻ em, thú cưng

Những người bạn đồng hành nhỏ bé (trẻ em và thú cưng) là một yếu tố lớn khiến nhiều người chọn du lịch bằng xe hơi. Có 42% người cho biết họ sẽ du lịch cùng con cái, và 8% cho biết họ sẽ mang theo thú cưng.

Trong số 56% người cần dùng ghế an toàn cho trẻ em, có 34% người cảm thấy phụ kiện này giúp việc du lịch với bằng xe hơi dễ dàng hơn nhiều so với bằng máy bay. Về thú cưng, 28% người tham gia khảo sát cho biết họ thường du lịch bằng máy bay, nhưng chọn lái xe để mang theo thú cưng.

Các tài xế nên nghiên cứu cẩn thận để chọn loại ghế an toàn tốt nhất, đồng thời tìm hiểu cách để gắn ghế trên xe.

Ngoài ra, để chuyến đi với thú cưng được an toàn và thoải mái, tài xế sẽ phải cân nhắc đến nhiều yếu tố khác.

Chuẩn bị xe cho chuyến đi

Tuy không gặp nhiều tình huống gián đoạn như khi đi máy bay, các tài xế vẫn nên bảo đảm rằng xe đã sẵn sàng cho chuyến đi. Hiệp Hội Xe Hơi Mỹ (AAA) khuyên mọi người nên kiểm tra và bơm lốp xe, bổ sung các loại nhớt và dung dịch cho xe, và bảo đảm rằng bộ tản nhiệt và hệ thống làm mát còn hoạt động tốt.

Mọi người cũng nên chuẩn bị trước cho các trường hợp khẩn cấp bằng cách kiểm tra và bơm lốp xe dự phòng, mang theo dụng cụ sơ cứu, cáp khởi động, nhớt động cơ, và coolant.

Hoa Kỳ: Phe Cộng hòa vui mừng, vì chính thức giành đa số tại Hạ viện Mỹ, Quốc hội chia quyền!


Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy nói chuyện với các phóng viên sau khi ông McCarthy được các nghị sĩ Cộng hòa đề cử làm lãnh đạo của họ, sau cuộc bầu cử lãnh đạo Cộng hòa tại Hạ viện tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington, ngày 15 tháng 11 năm 2022.

Phe Cộng hòa giành thế đa số tại Hạ viện Hoa Kỳ vào ngày thứ Tư, mở ra hai năm tới Quốc hội chia sẻ quyền lực với phe Dân chủ của Tổng thống Joe Biden nắm quyền kiểm soát Thượng viện.

Chiến thắng mang lại cho phe Cộng hòa quyền kiềm chế chủ trương chính sách của ông Biden, cũng như khởi động các cuộc điều tra có khả năng gây tổn hại về mặt chính trị nhắm vào chính quyền và gia đình ông, mặc dù "làn sóng đỏ" mà đảng này hi vọng đã không xuất hiện.

Quyền kiểm soát Hạ viện của phe Cộng hòa được ấn định sau hơn một tuần kiểm đếm phiếu, với chiến thắng của ứng cử viên Cộng hòa tại địa hạt Quốc hội thứ 27 của bang California giúp đảng này đạt đủ 218 ghế để giành thế đa số.

Việc phe Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện khiến ông Biden bị hạn chế quyền lực, nhưng vào ngày thứ Tư ông chúc mừng lãnh đạo phe Cộng hòa Hạ viện Kevin McCarthy và nói rằng ông sẽ làm việc với phe Cộng hòa để mang lại kết quả.

“Người dân Mỹ muốn chúng ta hoàn thành công việc cho họ,” ông Biden nói trong một phát biểu.

Mặc dù "làn sóng đỏ" được dự báo của phe Cộng hòa tại Hạ viện không trở thành hiện thực, họ vẫn quyết theo đuổi những điều họ muốn thực hiện.

Để trả đũa hai nỗ lực luận tội của phe Dân chủ nhắm vào cựu Tổng thống Cộng hòa Donald Trump, các nhà lập pháp Cộng hòa đang chuẩn bị điều tra các quan chức chính quyền Biden và các giao dịch kinh doanh trong quá khứ của con trai tổng thống, Hunter Biden với Trung Quốc và các nước khác - và thậm chí cả chính ông Biden.

Trên bình diện quốc tế, phe Cộng hòa có thể tìm cách giảm bớt viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ cho Ukraine trong khi nước này chiến đấu chống lại quân Nga xâm lược.

Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện tái bầu chọn ông McConnell làm lãnh đạo, từ chối ứng cử viên Scott.

(Zachary Stieber/ Nguyễn Lê dịch)


(Hình: Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) nói với các phóng viên ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 15/11/2022.)

Hôm qua, thứ Tư (16/11), các thành viên Đảng Cộng Hòa (GOP) tại Thượng viện đã tái bầu chọn Lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) làm thượng nghị sĩ hàng đầu của GOP, từ chối sự thách thức từ Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida).

Ông McConnell dễ dàng vượt qua thách thức từ ông Scott trong nỗ lực đầu tiên nhằm loại ông McConnell khỏi lãnh đạo GOP sau 15 năm.

Các thượng nghị sĩ cho biết, cuộc bỏ phiếu có kết quả là 37–10, với một thượng nghị sĩ bỏ phiếu trắng. Thượng nghị sĩ Ben Sasse (Cộng Hòa-Nebraska) đã bỏ lỡ cuộc bỏ phiếu này.

“Tôi sẽ không đi đâu cả,” ông McConnell, 80 tuổi, nói sau cuộc bỏ phiếu.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) là một trong số 10 người đã bỏ phiếu cho ông Scott và bỏ phiếu chống ông McConnell.

“Tại sao tôi biết ông ấy đã thắng? Bởi vì hội nghị này không muốn thay đổi hướng đi,” ông Hawley nói.

Cuộc biểu quyết đã diễn ra sau khi đa số đảng này bỏ phiếu phản đối đề nghị của Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) về việc trì hoãn cuộc bầu chọn. Ông Cruz, trong số những người khác, đã nói rằng cuộc bầu cử vòng bổ sung sắp diễn ra tại Thượng viện Georgia là một lý do để trì hoãn cuộc bỏ phiếu này.

Ông Scott, 69 tuổi, là người đứng đầu Ủy ban Bầu cử giữa nhiệm kỳ của Thượng viện Quốc gia Đảng Cộng Hòa và là cựu thống đốc tiểu bang Florida.

Ông Scott đã nói rằng ông thách thức ông McConnell để đáp ứng tốt hơn mong muốn của cử tri về một kế hoạch cụ thể nếu Đảng Cộng Hòa trở lại chiếm đa số trong thượng viện, khẳng định rằng ông McConnell đã thất bại để đưa ra được một kế hoạch như vậy và “kích động các cuộc tấn công” vào những người làm điều đó.

Ông Scott đã nhấn mạnh rằng các thượng nghị sĩ bằng lòng với “hiện trạng” không ủng hộ ông. Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện tái bầu chọn ông McConnell làm lãnh đạo, từ chối ứng cử viên Scott


(Ảnh: Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) tại Hoa Thịnh Đốn hôm 16/11/2022.)

Những bất đồng

Đầu năm nay, ông Scott và ông McConnell đã xung đột về một kế hoạch mà ông Scott tiết lộ bao gồm tăng khoản thuế khiêm tốn cho nhiều người Mỹ được trả lương thấp nhất, đồng thời mở ra cơ hội cắt giảm An sinh xã hội và Bảo hiểm y tế. Ông McConnell nhanh chóng từ chối kế hoạch này thậm chí ông từ chối đưa ra nghị trình của riêng mình.

Ông Scott và ông McConnell đã trao đổi những gì mà các đồng sự nói là những tranh luận “thẳng thắn” và “sôi nổi” trong bữa trưa riêng kéo dài của các thượng nghị sĩ GOP một ngày trước cuộc bỏ phiếu diễn ra trong vài giờ. Họ tranh luận về bầu cử giữa nhiệm kỳ, chất lượng của các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa tranh cử và sự khác biệt của họ về việc gây quỹ.

Ông McConnell cho biết trong tuần này rằng do chất lượng của các ứng cử viên ở một số tiểu bang, bao gồm Arizona và New Hampshire, đã khiến các cử tri độc lập không ủng hộ Đảng Cộng Hòa.

Ông Scott đã chỉ trích các thành viên Đảng Cộng Hòa ở Thượng viện như ông McConnell, người đã nói xấu các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa trước kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Tư, khoảng 20 thượng nghị sĩ đã đưa ra các lập luận cá nhân của họ cho hai ứng cử viên này. Một số thành viên đã trực tiếp thách thức ông Scott để bảo vệ ông McConnell, bao gồm Thượng nghị sĩ Susan Collins (Cộng Hòa-Maine), người đã đặt câu hỏi về việc quản lý nhóm vận động tranh cử của vị thượng nghị sĩ Florida, theo một người tham dự cuộc họp này và đề nghị ẩn danh để thảo luận về vấn đề đó.

Ông Scott và ông McConnell nằm trong số những người bị quy trách nhiệm cho thành tích kém cỏi của Đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, khiến Đảng Cộng Hòa mất một ghế ở Pennsylvania và không giành được quyền kiểm soát Thượng viện.

Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện tái bầu chọn ông McConnell làm lãnh đạo, từ chối ứng cử viên Scott

Các vị trí khác

Thượng nghị sĩ John Thune (Cộng Hòa-South Dakota), 61 tuổi, được tái bầu chọn phó lãnh đạo GOP.

Thượng nghị sĩ John Barrasso (Cộng Hòa-Wyoming), 70 tuổi, được tái bầu chọn làm Chủ tịch hội nghị Thượng viện GOP.

Thượng nghị sĩ Joni Ernst (Cộng Hòa-Iowa), 52 tuổi, đang chuyển từ phó chủ tịch hội nghị sang chủ tịch Ủy ban Chính sách của Đảng Cộng Hòa, thay thế dân biểu Roy Blunt (Cộng Hòa-Missouri) đã về hưu.

Thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito (Cộng Hòa-West Virginia), 68 tuổi, sẽ thay thế ông Ernst.

Thượng nghị sĩ Steve Daines (Cộng Hòa-Montana), 60 tuổi, sẽ thay thế ông Scott, và sẽ đứng đầu ban vận động tranh cử của Thượng viện cho cuộc bầu cử năm 2024.

“Nhóm này tại đây sẽ làm việc dựa trên những ưu tiên mà tôi tin là quan trọng đối với người dân Mỹ, đó là an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia,” ông Thune nói.

Ông Daines cho biết mục tiêu hàng đầu của ông là “đạt được đa số lớn, bền vững, lâu dài cho Đảng Cộng Hòa vào năm 2024.”


(Ảnh: Thượng nghị sĩ John Thune (Cộng Hòa-South Dakota) tại Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 07/10/2021).

Trong cuộc bỏ phiếu của GOP tại Hạ viện được tổ chức vào đầu tuần này, Lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã được lựa chọn làm ứng cử viên Chủ tịch Hạ viện của GOP, trong khi Phó Lãnh đạo thiểu số Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana) được bầu làm Lãnh đạo Đa số và Dân biểu Tom Emmer (Cộng Hòa-Minnesota), Chủ tịch Ủy ban Quốc hội Quốc gia Đảng Cộng Hòa, đã giành chiến thắng trong cuộc đua cho vị trí Phó Lãnh đạo Đa số.

Tin Quốc Tế

Mỹ Áp Đặt Trừng Phạt Lên Mạng Lưới Mua Bán Vũ Khí Hỗ Trợ Nga


(Hình: Nhà tài phiệt Nga Suleiman Kerimov. Các thành viên gia đình ông Suleiman Kerimov nằm trong danh sách trừng phạt mới của Hoa Kỳ.)

- Hôm thứ Hai (14/11/2022), Hoa Kỳ nhắm mục tiêu vào chuỗi cung ứng của quân đội Nga, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 14 cá nhân và 28 pháp nhân bị cho là thành phần của mạng lưới xuyên quốc gia về mua sắm kỹ thuật để hỗ trợ Mạc Tư Khoa trong cuộc xâm lược Ukraine.

Bộ Tài chánh Hoa Kỳ cũng áp đặt trừng phạt lên các thành viên trong gia đình của nhà tài phiệt người Nga Suleiman Kerimov, cũng như các cá nhân mà bộ này nói đã làm việc như những người hỗ trợ tài chánh trong mạng lưới của Suleiman.

“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phá vỡ chuỗi cung ứng quân sự của Nga và áp đặt trừng phạt mạnh đối với những người hỗ trợ Tổng thống Putin, cũng như tất cả những người ủng hộ sự tàn bạo của Nga giáng xuống nước láng giềng”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong một tuyên bố.

Bộ Tài chánh Hoa Kỳ đã đưa Milandr, một công ty vi điện tử của Nga, vào danh sách đen mà Hoa Thịnh Ðốn cho là một phần của cơ cấu nghiên cứu và phát triển quân sự của Mạc Tư Khoa. Bộ này cũng đã áp đặt trừng phạt lên ba pháp nhân gắn liền với công ty và nhiều Giám đốc điều hành của công ty.

Tòa Ðại sứ Nga tại Hoa Thịnh Ðốn gọi vòng trừng phạt mới là của Mỹ là “hành động tống tiền”.

“Rõ ràng là chính quyền Mỹ không nhận ra rằng các hạn chế không thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của đất nước chúng tôi”, Tòa Ðại sứ Nga nói trong một tuyên bố trên ứng dụng Telegram.

Bộ Tài chánh Hoa Kỳ đã trừng phạt các công ty công nghiệp quân sự lớn ở Nga và Bộ Thương mại đã chặn việc xuất cảng các linh kiện do Mỹ sản xuất và các kỹ thuật của Hoa Kỳ đã được sử dụng trong một số khí tài quân sự của Nga.

Nga đã tìm cách mua các máy bay không người lái từ Iran và chúng đã được sử dụng để tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng điện ở Ukraine. Các pháp nhân và ngành công nghiệp quân sự của Iran đã bị Mỹ trừng phạt nặng nề vì chương trình phát triển nguyên tử của Tehran.

Viên Chức Phương Tây: Hoạt Động của Nga ở Ukraine, Giờ Chỉ Là Phòng Thủ! Chờ Rút Lui!


(Hình: Một binh sĩ Ukraine đứng cạnh kho đạn mà Ukraine giành lại được từ lực lượng Nga ở làng Blahodatne trong khu vực Kherson, Ukraine, vào ngày 11/11/2022.)

- Nga hiện nay đang tác chiến phòng thủ ở Ukraine sau khi rút lui khỏi thành phố Kherson, miền Nam Ukraine, một viên chức phương Tây cho biết hôm thứ Ba (15/11/2022), sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskyy tuyên bố sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ bị chiếm đóng.

Ông Zelenskyy đã đến thăm Kherson hôm thứ Hai (14/11)và nói rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải bao gồm việc rút toàn bộ quân Nga khỏi lãnh thổ Ukraine.
“Rõ ràng lúc này, việc Nga chiếm đóng ở Ukraine là một hoạt động phòng thủ”, thông tấn xã Reuters dẫn lời một viên chức giấu tên nói.

Viên chức này cho biết việc Nga rút quân khỏi Kherson tương đối có trật tự và việc Nga tuyên bố đã di tản 30.000 quân có thể là một sự phóng đại, ước tính con số này có thể là gần 20.000 quân. Viên chức phương Tây nói ông hy vọng tình hình trên chiến trường sẽ ổn định trong năm tới.

“Nếu mọi người đang mong đợi sự sụp đổ lực lượng của một trong hai bên, thì chúng tôi không thấy có bất kỳ điều gì cho thấy điều đó từ nay đến cuối năm”, viên chức này nói.

“Không có bên nào ở trong tình trạng giống như sắp sụp đổ”, ông khẳng định.

Đức Quốc Hữu Hóa Một Chi Nhánh của Gazprom của Nga!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 14/11/2022, Bá Linh tuyên bố quốc hữu hóa chi nhánh Gazprom ở Đức.

Chi nhánh này của doanh nghiệp Nga đang đứng trước bờ vực phá sản, chi nhánh này sẽ được đổi tên thành SEFE. Từ thủ đô Bá Linh của nước Đức, thông tín viên Pascal Thibaut của Đài RFI tường trình:

“Đây là một công ty chủ chốt cung cấp năng lượng ở Đức”. Bộ Kinh tế đã đưa ra quyết định sau khi được Brussels bật đèn xanh vào cuối tuần qua. Trong số các khách hàng của công ty con của Gazprom tại Đức có các phòng ban dịch vụ công của các thành phố và chiếm 20% thị phần tại Đức. Trong số các tài sản của chi nhánh này có cả các cơ sở hạ tầng quan trọng để vận chuyển và lưu trữ khí đốt.

Chi nhánh Gazprom Germany, đổi tên thành SEFE, đã được đặt dưới sự giám hộ của Nhà nước Đức. Tình hình tài chánh của công ty xấu đi dẫn đến việc quốc hữu hóa này. Trước đó, các đối tác và các ngân hàng đã đình chỉ quan hệ kinh doanh với công ty này. Các chủ sở hữu Nga sẽ không được bồi thường do thống kê tài sản bị âm. Bá Linh sẽ bơm 225 triệu Euro cho SEFE; tín dụng do Nhà nước cung cấp sẽ tăng từ 12 lên 14 tỉ. Đây là vụ quốc hữu hóa thứ hai trong lĩnh vực năng lượng chỉ trong vài tuần sau khi nhà cung cấp khí đốt Uniper của Đức bị quốc hữu hóa.

Cũng hôm 14/11, chính phủ Ba Lan thông báo sẽ tiếp quản và quản lý cổ phần của công ty EuroPol Gaz, chủ sở hữu đường ống dẫn khí Yamal-Europe tại Ba Lan, một phần quan trọng của hệ thống vận chuyển khí đốt tự nhiên ở Ba Lan.

Tổng Thống Pháp Macron Kêu Gọi Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Tác Động Mạnh Mẽ Hơn, Để Chấm Dứt Chiến Tranh Ukraine!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay chiến tranh Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh G20, tại Bali (Nam Dương), nhưng trên thực tế đây là một chủ đề được nhắc đến nhiều.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15/11/2022, bên lề thượng đỉnh G20, Tổng thống Pháp đã đề nghị ông Tập Cận Bình tác động để Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt chiến tranh, sớm trở lại bàn đàm phán, bởi theo nguyên thủ Pháp, “sự ổn định” của thế giới cũng mang lợi “lợi ích” cho Trung Quốc. Từ Bali, đặc phái viên Mounia Daoudi của Đài RFI cho biết chi tiết:

“Tổng thống Emmanuel Macron từ rất sớm hôm nay đã đến khách sạn Mulia, nơi ông Tập Cận Bình ở, vào lúc 8 giờ 15, để hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc trong vòng 43 phút. Cuộc gặp ngắn hơn so với cuộc trao đổi song phương kéo dài 3 tiếng đồng hồ giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ, nhưng đúng là quan hệ giữa Paris và Bắc Kinh dịu hơn quan hệ Mỹ - Trung.

Cuộc chiến ở Ukraine, và nhất là các biện pháp tránh cuộc một leo thang xung đột, là nội dung chủ yếu trong cuộc thảo luận. Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh với đồng nhiệm Trung Quốc rằng Bắc Kinh nên góp sức thuyết phục Vladimir Putin trở lại bàn đàm phán một cách nghiêm túc.

Về phần mình, ông Tập đã ca ngợi các nỗ lực hòa giải của Liên Hiệp Âu Châu và Pháp. Cũng giống như trong cuộc gặp ngày hôm qua với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tập Cận Bình nhắc lại rằng ông chống lại việc sử dụng vũ khí nguyên tử. Rõ ràng phát biểu của Tập Cận Bình dường như theo hướng làm giảm căng thẳng. Ít nhất thì đó cũng là những gì mà đoàn tháp tùng của Tổng thống Pháp muốn tin như vậy vì họ cho rằng cuộc gặp đã tạo ra một sự năng động tích cực.

Dẫu sao đi chăng nữa, Tổng thống Ukraine, được mời phát biểu qua cầu truyền hình, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo đang họp tại Bali khắc phục sự chia rẽ giữa các nước để chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại, điều mà Matcơva phủ nhận. Nhưng có một thông tin đáng chú ý: Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, người đại diện cho Tổng thống Vladimir Putin tại thượng đỉnh lần này, đã không rời khỏi phòng họp”.

Bên Lề G20, Úc Ðại Lợi và Trung Quốc Họp Thượng Đỉnh, Để Cải Thiện Quan Hệ Song Phương

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay lần đầu tiên sau hơn 5 năm, hôm 15/11/2022, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Bali (Nam Dương), Thủ tướng Úc Ðại Lợi đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai nước, mặc dù còn nhiều chủ đề gây tranh cãi.

Từ Sydney, thông tín viên Grégory Plesse của Đài RFI cho biết thêm chi tiết:

Dưới thời cựu Thủ tướng Úc Ðại Lợi Scott Morrison, các thành viên của chính phủ Trung Quốc thậm chí còn không trả lời các cuộc gọi từ những người đồng cấp ở Canberra. Nhưng hai bên đã nối lại tiếp xúc ngay lập tức sau khi Công Đảng lên nắm quyền vào tháng 5 vừa rồi.

Thủ tướng Albanese đã xác nhận khi đến Bali rằng ông sẽ nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông cho biết: Chúng tôi tiến hành cuộc thảo luận này với thiện chí. Không có điều kiện tiên quyết nào cho cuộc trao đổi này và tôi hy vọng có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chủ đề gây căng thẳng. Trung Quốc đặc biệt chỉ trích Úc Ðại Lợi vì sự liên kết với Hoa Kỳ, và điều này vừa lại được Bộ trưởng Quốc phòng Úc Ðại Lợi, trong chuyến thăm Hoa Thịnh Ðốn gần đây, đã khẳng định rằng liên minh với Hoa Kỳ là yếu tố chính trong an ninh quốc gia và tầm nhìn của Úc Ðại Lợi về thế giới.

Và Úc Ðại Lợi không chấp nhận các biện pháp trừng phạt thương mại do Bắc Kinh, đối tác thương mại đầu tiên của họ, ban hành cách đây 2 năm, khiến Canberra mất hơn 12 tỉ Euro doanh thu xuất cảng.

Cuộc gặp thượng đỉnh này có thể cho phép dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nói trên. Trong mọi trường hợp, đây là điều mà một số người tin như vậy, khi vài ngày trước, Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố rằng Bắc Kinh sẵn sàng đi nửa chặng đường để nối lại liên lạc với Canberra.

Bên Lề G20, Nguyên Thủ Mỹ-Trung Gặp Nhau, Để Duy Trì Sự Liên Lạc Chặt Chẽ, Tránh Dẫn Đến Xung Đột!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 14/11/2022, Tổng thống Hoa Kỳvà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, tại Bali, Nam Dương.

Đây là lần đầu tiên hai lãnh đạo gặp nhau trực tiếp kể từ khi Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ. Mục tiêu của cuộc gặp là làm giảm căng thẳng song phương nhưng không phải nhượng bộ quá nhiều. Từ thủ đô Hoa Thịnh Ðốn của Hoa Kỳ, thông tín viên Guillaume Naudin của Đài RFI tường trình:

Hai lãnh đạo nở nụ cười trong lúc bắt tay. Nhưng cuộc thảo luận được Tổng thống Mỹ mô tả là thẳng thắn, bao gồm một loạt các chủ đề khác nhau. Theo ngôn ngữ ngoại giao, điều này có nghĩa là hai lãnh đạo hầu như không có cùng quan điểm trong nhiều chủ đề.

Tòa Bạch Ốc liệt kê các chủ đề đã được đề cập tới. Hành động chống biến đổi khí hậu, các vấn đề về thương mại và kinh tế, nhân quyền, đặc biệt liên quan đến người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và tất nhiên là các vấn đề an ninh chiến lược.

Hoa Kỳ khẳng định sẽ bảo vệ các đồng minh của mình ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Joe Biden giải thích rằng theo quan điểm của ông, Trung Quốc không có lợi khi để một nước như Bắc Hàn có vũ khí nguyên tử chiến lược ngay sát sườn vì điều đó sẽ dẫn đến việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Căng thẳng đang ở mức cao nhất về vấn đề Đài Loan. Joe Biden nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn tôn trọng chính sách một nước Trung Quốc, vì vậy việc các thay đổi và căng thẳng ở Đài Loan bắt nguồn từ thái độ của Trung Quốc.

Một trong những mục tiêu của cuộc trao đổi này, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai lãnh đạo kể từ khi Joe Biden làm Tổng thống, là tránh để cho cạnh tranh dẫn đến tình trạng giống như xung đột và luôn duy trì các kênh liên lạc. Điều này đã được khởi động ở Bali và sẽ được tiếp tục với chuyến thăm Trung Quốc tới đây của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.


Thể Thao: Tưng Bừng Chào Đón Giải Túc Cầu Thế Giới! Từ Ngày 20 Tháng 11 Đến Ngày 18 Tháng 12/ 2022 Tại Vương Quốc Ả Rập!

Từ Làng Chài Đến Giải Vô Địch Túc Cầu Thế Giới 2022: Tham Vọng Lớn của Một Nước Qatar Nhỏ Bé!

(Anh Vũ)
Qatar, một bán đảo nằm ở phía Nam Vịnh Ba Tư, là một đất nước nhỏ bé, diện tích hơn 11 ngàn cây số vuông nhưng lại muốn chứng tỏ là một quốc gia lớn. Minh chứng rõ rệt cho tham vọng đó là Giải Vô địch Túc cầu Thế giới (World Cup) lần đầu tiên được tổ chức tại Vương Quốc Ả Rập từ ngày 20/11 đến 18/12 tới đây.

Dưới sự lãnh đạo của gia đình Al-Thani từ giữa thế kỷ 19. Được độc lập năm 1971 sau gần 55 nằm dưới sự bảo hộ của người Anh, Qatar từ chối hòa nhập vào Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Vương quốc Qatar có gần 3 triệu dân nhưng chỉ có khoảng 300 ngàn người bản xứ, còn lại đều là những người ngoại quốc nhập cư. Dân Qatar có xuất xứ từ 3 nhóm: Dân du mục trên bán đảo Ả Rập (người Bedouins), dân gốc Iran, Pakistan hay A Phú Hãn, chủ yếu sống trong các thành phố ven biển và những hậu duệ của dân nô lệ đến từ đông Phi.

Giờ đây, Qatar là một trong những nước sản xuất khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới, đồng thời là một trong số các quốc gia có thu nhập quốc dân tính theo đầu người cao nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới 2021, con số này là 61,276 Mỹ kim.

Trong hơn 3 năm từ 2017 đến 2021, kinh tế Qatar bị ảnh hưởng nặng nề vì cấm vận của Ả Rập Saudi, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập. Các nước trên tố cáo Doha ủng hộ các nhóm cực đoan và có quan hệ mật thiết với Iran, một đối thủ chính của Riyadh trong khu vực. Những rắc rối ngoại giao sau đó đã được tháo gỡ dần.

Đất nước nhỏ bé Qatar bây giờ nổi lên trên trường quốc tế qua những hoạt động đầu tư trên khắp các mặt trận, chủ yếu từ nguồn vốn Nhà nước, Qatar Investment Authority, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới.

Chuyên gia Danyel Reiche thuộc Đại học Georgetown tại Qatar phân tích: “Các quốc gia nhỏ đặt mục tiêu không để hình ảnh của mình bị khuất”. Với Vương Quốc Qatar, để không bị lấp trong cái bóng lớn của người láng giềng Ả Rập Saudi, họ đã chứng tỏ vai trò bảo đảm an ninh năng lượng cho phần còn lại thế giới nhờ vào nguồn khí đốt tự nhiên. Gần đây là vai trò chính trị quốc tế trong các nỗ lực trung gian hòa giải giữa Mỹ với Taliban. Trong thể thao, Qatar đón sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh: Giải Vô địch Túc cầu Thế giới 2022.

Từ Ngọc Trai Đến Khí Đốt

Giờ đây ít ai để ý đến xuất phát điểm nghèo khó của đất nước Qatar. Cho đến tận những năm 1930, nền kinh tế Qatar dựa chủ yếu vào buôn bán ngọc trai đánh bắt trong vùng biển của mình. Đất nước Qatar khi đó giống như một làng chài trong vùng Vịnh Ba Tư

Cuộc Đại suy thoái và sau đó là Ðệ nhị Thế chiến đã đẩy đất nước Qatar vào một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Việc phát giác ra các mỏ dầu vào cuối những năm 1930 là sự cứu rỗi cho đất nước này. Mặc dù chỉ là một nước sản xuất dầu nhỏ, Qatar có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn. Chính nhờ vào nguồn khí đốt thiên nhiên này mà đất nước Qatar không chỉ thoát nghèo mà còn nhanh chóng trở nên giàu có. Các tham vọng của người Qatar cũng lớn dần lên khi họ thừa tiền bạc nhưng lại ít được biết đến.

Chính quyền Qatar đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế của họ vào năm 2030. Giải Vô địch Túc cầu Thế giới 2022 là cơ hội cho phép họ phát triển cơ sở hạ tầng với tốc độ cao và phải định hình đất nước như một “điểm đến tham quan du lịch, bên cạnh nghệ thuật và văn hóa”, Kamilla Swart-Arries, một chuyên gia du lịch thể thao và là Giáo sư tại Đại học Hamad bin Khalifa ở Doha nhận định.

Từ Luyện Diều Hâu Đến Túc cầu

Các cuộc đua ngựa, lạc đà và huấn luyện diều hâu mới là truyền thống thể thao của xứ Qatar. Túc cầu đến với đất nước này khá muộn, du nhập cùng với những người lao động ngoại quốc trong ngành dầu lửa.

Sau đất nước khi độc lập, “quốc vương Qatar mong muốn xây dựng hình ảnh của mình qua một đội túc cầu mạnh”, theo ông Raphael le Magoariec, chuyên gia địa chính trị thể thao của các quốc gia vùng Vịnh tại Đại học Tours (Pháp). Trong những năm 1980 cho đến giữa thập niên 1990, Qatar đã xây dựng được một đội tuyển túc cầu với thành phần cầu thủ là người Qatar thực sự. Chuyên gia Le Magoariec giải thích, ban đầu “khi xã hội trở nên giàu có, thanh niên Qatar không muốn heo đuổi sự nghiệp thể thao và đất nước này bắt đầu chủ trương nhập quốc tịch cho các vận động viên có gốc từ cộng đồng các sắc dân Ả Rập (Sudan, Ai Cập, Iraq) đang sống tại Doha. Họ được đào tạo trong một học viện thể thao nổi tiếng Aspire”.

Bên cạnh đó, Qatar cũng đẩy mạnh theo đuổi chính sách ngoại giao thể thao. Trước khi đón Giải Vô địch Túc cầu Thế giới 2022, Qatar đã nỗ lực xây dựng được một hình ảnh của một quốc gia thể thao tầm thế giới với việc tổ chức hàng loạt các cuộc thi đấu thể thao quốc tế: Năm 2006 họ tổ chức Đại hội thể thao Á Châu. 2011, Qatar là chủ nhà hai sự kiện lớn: Đại hội Thể thao khu vực Ả Rập và Cúp Túc cầu Á Châu. Năm 2015 giải Vô địch Bóng ném Thế giới, rồi đến giải Vô địch Điền kinh Thế giới 2019. Cuối cùng là Giải Vô địch Túc cầu Thế giới 2022.

Kỳ Giải Vô địch Túc cầu Thế giới Gây Nhiều Tranh Cãi

Từ khi Qatar được Liên đoàn Túc cầu Thế giới (FIFA) trao quyền đăng cai World Cup 2022 hồi cuối năm 2010, những chỉ trích bùng lên không ngừng từ dư luận báo chí đến các tổ chức bảo vệ nhân quyền.

Các chỉ trích đầu tiên nhằm vào việc đất nước này quá nhỏ bé, không đủ sở hạ tầng thể thao, khách sạn để đón một sự kiện thể thao quy mô thế giới. Khi được trao quyền đăng cai, Qatar chỉ có một sân vận động duy nhất ở Doha. Với nguồn tiền đổ vào như nước, 7 sân vận động hiện đại đã được xây mới trong vòng 10 năm để kịp đón Cúp thế giới. Một tranh cãi khác là thời tiết khí hậu mùa Hè quá khắc nghiệt ở Qatar, cuối cùng nước chủ nhà cũng thỏa hiệp được với FIFA chuyển giải đấu qua mùa Thu.

Rồi đến những nghi ngờ tham nhũng xung quanh quyết định trao quyền tổ chức Cúp thế giới đã khiến cơ quan Tư pháp của Thụy Sĩ, Mỹ và Pháp phải vào cuộc. Nhưng các điều tra đến giờ chưa đưa ra được kết luận cụ thể nào.

Một tranh cãi khác rộ lên gần ngày khai mạc sự kiện là tác động đến môi trường của các công trình sân vận động phục vụ cho Cúp thế giới có hệ thống điều hòa không khí khổng lồ. Cuối cùng là chỉ trích về nhân quyền. Nước chủ nhà Qatar liên tục bị các tổ chức phi chính phủ như, Lao Động Quốc Tế, Amnesty Internationa, Human Rights Watch tố cáo ngược đãi người lao động nhập cư, kỳ thị những người đồng giới hay phân biệt đối xử với phụ nữ….

Những chỉ trích như vậy đã làm dấy lên ở nhiều nơi làn sóng kêu gọi tẩy chay Cúp thế giới. Người hâm mộ túc cầu trên khắp hành tinh đang háo hức đón chờ ngày hội túc cầu thế giới 2022 giờ bị cuốn vào không khí hoài nghi. Gần đây tuyền thông quốc tế lan truyền tin đồn về việc Ủy ban tổ chức Giải Vô địch Túc cầu Thế giới 2022 đã chi tiền để lôi kéo các cổ động viên trên khắp thế giới đến Qatar vì lo ngại World Cup sẽ vắng vẻ. Dù gì thì vương quốc vùng Vịnh nhỏ bé này cũng đã sẵn sàng đón một kỳ Giải Vô địch Túc cầu Thế giới đặc biệt nhất trong lịch sử của đất nước họ cũng như của túc cầu thế giới.

Thomas Jolly, Đạo Diễn của Starmania và Thế Vận Hội 2024

(Tuấn Thảo)

Tuy chưa phải là một gương mặt quen thuộc với công chúng, nhưng đạo diễn Thomas Jolly lại rất nổi tiếng trong giới chuyên ngành sân khấu ở Pháp. Được đào tạo tại thành phố Rouen, Thomas Jolly vào năm 40 tuổi, vừa được bổ nhiệm trong tuần qua làm Giám đốc nghệ thuật cho các buổi lễ khai mạc cũng như bế mạc Olympic Paris 2024.

Thông báo này đã gây ra tiếng vang lớn trong giới hoạt động văn hóa tại Pháp, phần lớn cũng vì cách đây 7 năm, tên tuổi của anh hầu như không được ai biết đến. Đạo diễn Thomas Jolly thật sự thành danh nhân kỳ liên hoan sân khấu kịch nghệ Avignon vào năm 2014. Trên sân khấu, anh đã dựng lại tác phẩm “Henry VI” (gồm 3 tập) của Shakespeare. Cùng với tác phẩm “Richard III”, vở kịch trường thiên này tạo thành Bộ tứ đầu tiên của đại văn hào Shakespeare, kể lại thời kỳ nội chiến tại Vương quốc Anh trong hậu bán thế kỷ XV (từ năm 1442 đến năm 1485).

Giai đoạn xung đột này còn được gọi là Chiến tranh Hoa hồng, khi cuộc tranh giành ngôi vua giữa hai dòng họ Lancaster (Henry VI) và York (Richard III) đạt tới đỉnh điểm. Tại liên hoan Avignon của Pháp, vở kịch do đạo diễn Thomas Jolly thực hiện đã kéo dài trên sàn diễn tới 18 tiếng đồng hồ mà vẫn thu hút khán giả. Nhờ thành tích này, Thomas Jolly đoạt giải Molière năm 2015 dành cho nhà chỉ đạo sân khấu xuất sắc nhất. Trong mắt các chuyên gia, cái biệt danh “thần đồng kịch nghệ” cũng đến với Thomas Joky kể từ đó.

Đam Mê Với Sân Khấu Kịch Nghệ Từ Năm 11 Tuổi

Sinh năm 1982 tại vùng ngoại ô thành phố Rouen (vùng Normandy), Thomas Jolly đã trải qua một tuổi thơ khá êm ấm trong một gia đình hạnh phúc. Mặc dù bố mẹ anh không xuất thân từ giới hoạt động nghệ thuật, nhưng gia đình luôn khuyến khích Thomas trao dồi tính sáng tạo. Anh bắt đầu học diễn xuất, đóng kịch từ năm 11 tuổi. Thời còn ở lớp phổ thông cấp 2 (trường trung học Jeanne D’Arc), anh vẫn tiếp tục học thêm các khóa diễn xuất, khi đến tuổi trưởng thành, anh gia nhập đoàn kịch của nhà hát Théâtre des Deux Rives, nay là trụ sở của Trung tâm đào tạo Kịch nghệ vùng Normandy, tương đương với nhạc viện quốc gia.

Đối với Thomas Jolly, đây là một chặng đường quan trọng trong hành trình nghệ thuật của bản thân. Nhờ vào các lớp đào tạo bài bản chính quy (ngân sách hoạt động là do nhà nước tài trợ), cậu thanh niên có cơ hội tiếp cận với các tác phẩm thuộc hàng “sử thi” kinh điển của các nhà hát chuyên nghiệp, kể cả bộ thiên anh hùng ca của thi hào La Mã Ovid, các vở bi kịch của đại văn hào người Anh Shakespeare hay các tác phẩm thuộc dòng kịch phi lý của giải Nobel văn học người Ái Nhĩ Lan Samuel Beckett…. Xuất thân từ một trường đào tạo quốc gia, Thomas sau thời kỳ này, nuôi dưỡng một đam mê lớn: rũ bỏ lớp bụi thời gian trên các tác phẩm hàn lâm kinh điển, kể chuyện làm sao cho thật dễ hiểu nhất với đại đa số khán giả. Tất cả những gì được học hỏi tại Rouen sẽ được đạo diễn trẻ tuổi người Pháp tận dụng phát huy sau này.

Sau khi tốt nghiệp bằng Cử nhân về ngành Sân khấu tại Đại học thành phố Caen, Thomas Jolly thành lập đoàn kịch “La Piccola Familia”, thu hút sự chú ý của giới chuyên môn khi đoạt giải thưởng của công chúng tại liên hoan kịch Impatience tổ chức tại nhà hát Odéon. Uy tín của Thomas Jolly ngày càng lớn dần, tất cả các tác phẩm “khô khan nhất” một khi vào tay đạo diễn trẻ tuổi này đều trở nên dễ hiểu hơn, như thể anh có cái biệt tài nắm bắt cốt lõi của tác phẩm, gói ghém thông điệp để rồi truyền đạt tới công chúng. Trước khi trở thành một đạo diễn tài ba, Thomas Jolly đã có nhiều năng khiếu và trình độ sư phạm.

Sau khi đoạt giải Molière, giải thưởng sân khấu cao quý nhất của Pháp, nhân dịp liên hoan mùa Hè năm 2022, anh đã cho dựng lại cùng lúc hai vở kịch kinh điển của Shakespeare trên sân khấu nhà hát thành phố Angers. Tác phẩm “Henry VI” một khi được gộp lại với “Richard III” trở thành một vở kịch trường thiên dài 24 tiếng. Sau thành công này, anh buộc phải rời nhà hát Angers để dành thêm thời gian cho các dự án quan trọng trong hai năm tới.

Gần 10 Triệu Euro Đầu Tư Cho Starmania, Phiên Bản Mới

Song song với việc hợp tác với các nhà hát lớn (tại các thành phố Rouen, Rennes, Strasbourg, Angers), Thomas Jolly còn đã hoàn chỉnh phiên bản mới của vở nhạc kịch “Starmania” của hai tác giả Michel Berger và Luc Plamondon. Ra đời cách đây hơn 4 thập niên, vở kịch Starmania được diễn trở lại tại nhà hát La Seine Musicale từ ngày 08/11/2022 cho tới 29/01/2023. Sau nước Pháp, đoàn kịch sẽ thực hiện vòng lưu diễn tại Âu Châu và Gia Nã Ðại.

Vở nhạc kịch Starmania 2022 đã nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình ở Pháp. Giờ đây, giới sản xuất hy vọng tác phẩm này sẽ được công chúng nhiệt tình hưởng ứng. Đây là điều khá quan trọng, vì đại dịch Covid-19 đã khiến cho ngày ra mắt tác phẩm đã nhiều lần bị dời lại, các chi phí sản xuất vì thế cũng tăng vọt, từ 6 triệu nay lên thành gần 10 triệu Euro. Đối với Thomas Jolly, vở nhạc kịch Starmania đã được ấp ủ trong vòng ba năm trời, kể từ khi Raphaël Hamburger con trai của cặp vợ chồng France Gall và Michel Berger đã bật đèn xanh cho dự án này. Dù có nhiều rủi ro, nhưng kế hoạch vẫn được hỗ trợ bởi công ty sản xuất Fimalac Entertainment, ngoài đạo diễn Thomas Jolly, còn có nhà biên đạo múa người Bỉ gốc Maroc Sidi Larbi Cherkaoui (từng hợp tác với Beyoncé), trong khi khâu trang phục do nhà tạo mốt Nicolas Ghesquière đảm nhiệm. Nhà thiết kế này từng nổi tiếng nhờ thực hiện các bộ sưu tập thời trang của Louis Vuitton.

Olympic 2024: Thomas Jolly Muốn Biến Sông Seine Thành Thác Lửa

Dường như các dự án đòi hỏi nhiều công sức đầu tư, cũng như với quy mô rất hoành tráng không làm cho đạo diễn Pháp lo lắng, chùn bước. Ủy ban Thế Vận hội Paris 2024 cho biết đã chọn Thomas Jolly làm Giám đốc nghệ thuật, vì anh là gương mặt tiên phong trong thế hệ đạo diễn Pháp thời nay, đầy tham vọng và ý tưởng sáng tạo.

Xuất thân từ ngành kịch, Thomas Jolly nay phải nghĩ xa hơn nữa, phá vỡ các khuôn thước của nghệ thuật kịch nói để tạo dựng một tác phẩm biểu diễn ở ngoài trời, trên quy mô rộng lớn. Khi nhận lời thực hiện Thế Vận hội 2024, anh sẽ phải dàn dựng 4 chương trình biểu diễn kể cả lễ khai mạc và bế mạc Olympic tại trung tâm thủ đô Paris cũng như trên sông Seine, và trên quảng trường Place de la Concorde cho hai buổi lễ Paralympic.

Trả lời phỏng vấn báo Le Parisien, Thomas Jolly phác họa vài nét chính của chương trình Olympic 2024. Anh cho biết là niềm vui khôn xiết ban đầu đã nhường chỗ lại cho sựu tập trung cao độ trước một nhiệm vụ “to tát” đến như vậy. Đạo diễn Thomas Jolly đã bắt đầy suy nghĩ, hình dung một chương trình kết nối nhiều vế với nhau: lịch sử cùng với sáng tạo, di sản là chiếc nôi cho sự đổi mới. Từ đây cho đến cuối năm 2022, Thomas Jolly có nhiệm vụ tập hợp xung quanh mình nhiều ê-kíp đa năng, quy tụ nhiều tác giả đến từ nhiều lãnh vực khác nhau kể cả kịch nghệ, điện ảnh, truyền hình, cồng nghệ video, truyện tranh để soạn ra các “kịch bản minh họa” cho đợt biểu diễn trong khuôn khổ Thế Vận hội Paris 2024.

Đầu năm 2023, toàn bộ nhóm sáng tác sẽ chuyển sang giai đoạn phát triển và nghiên cứu tính khả thi của dự án. Trong mùa Hè năm 2023, chương trình được đưa vào khâu diễn tập trên một dòng sông ở Pháp với nhiều đoàn nghệ sĩ bao gồm các đạo diễn, biên đạo múa, nhà quay phim, vận động viên cũng như giới nghệ sĩ xiếc….

Ý tưởng chỉ đạo của Thomas Jolly là đưa Thế Vận hội Olympic vào trung tâm thủ đô Paris, cùng lúc trên đại lộ Champs-Élysées, quảng trường Concorde, sân vận động quốc gia Stade de France và trên sông Seine. Giấc mơ của đạo diễn Pháp là dùng muôn ngọn đuốc để thắp sáng sông Seine, hòa quyện nước và lửa, dùng lửa đuốc vì theo anh, đây là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất của Thế Vận hội.

Điều quan trọng theo nhà đạo diễn là dung hòa được cả hai vế, thực hiện một chương trình ngoạn mục nhưng vẫn không quá tốn kém, tiết kiệm năng lượng để bảo vệ môi trường, gìn giữ sinh thái. Tuy không phải là một dự án dễ dàng, nhưng Thế Vận hội Paris 2024 đối với Thomas Jolly giống như một món quà sinh nhật năm 40 tuổi. Cậu bé từng ôm ấp giấc mơ nhìn thấy muôn ánh đèn sân khấu tỏa ánh lung linh. Sắp tới đây, khán giả của Thomas Jolly sẽ là cả tỉ người trên hành tinh.

Nhận Định Thời Cuộc:

Ngày Mai Bạn Có Thể Làm Gì Về Biến Đổi Khí Hậu?

(Nguyễn Hùng)


(Hình: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu tại thượng đỉnh COP27, Sharm el-Sheikh, Ai Cập.)

Danh sách năm quốc gia và nhóm quốc gia thải CO2 lớn nhất trên thế giới hiện nay theo thứ tự từ cao tới thấp là Trung Quốc với 12 triệu tấn mỗi năm, theo sau là Hoa Kỳ - 4,7 triệu tấn, EU – 2,7 triệu tấn, Ấn Độ - 2,6 triệu tấn và Nga – 1,9 triệu tấn, theo tổng hợp của BBC.

Hội nghị thượng đỉnh thế giới về biến đổi khí hậu từ 6-18/11 tại điểm du lịch có tiếng Sharm el-Sheikh, Ai Cập, chỉ còn vài ngày nữa sẽ kết thúc nhưng có nhiều điều quý vị có thể làm trong vài ngày tới.

Tác hại của biến đổi khí hậu lớn tới mức mà người ta sợ rằng Tp. HCM, vốn đã lún nửa mét trong vòng 25 năm qua, có nguy cơ chìm dưới nước vào năm 2100. Những thành phố khác được cho là có thể chịu chung số phận bao gồm Miami ở Florida, Hoa Kỳ, Venice ở Ý Ðại Lợi và Vọng Các ở Thái Lan.

Có nhiều điều con người có thể làm để thôi “ném đá vào ngôi nhà kính của chính mình”. Đó là tiết kiệm điện, xăng dầu, thay đổi thói quen đi lại, chẳng hạn ít lái xe và dùng máy bay, và thay đổi chế độ ăn uống trong đó có giảm tiêu thụ thịt đỏ và tăng tiêu thụ hàng địa phương để tránh chi phí CO2 do vận chuyển, bên cạnh những giải pháp khác.

Một nhóm bạn tôi ở Anh và nhiều nước đang có sáng kiến vừa đi bộ vừa trồng cây để tăng số lượng cây xanh có khả năng hấp thụ CO2 mà mỗi người Việt Nam tính trung bình thải ra hơn ba tấn mỗi năm, dù ít hơn so với mức gần 16 tấn của người Úc Ðại Lợi, gần 15 tấn của người Hoa Kỳ, hơn 12 tấn của người Nga và hơn tám tấn của người Trung Quốc. Cứ 2 cây số đi bộ được đăng ký qua ứng dụng AtlasGO, các nhà tài trợ sẽ trồng thêm một cây. Cho tới nay sáng kiến mang tên Walk2COP27, tức đi bộ tới Thượng đỉnh biến đổi khí hậu lần thứ 27, đã có được gần 100.000 cây số từ hàng ngàn người ủng hộ.

Để tham gia sáng kiến này trong một hai ngày tới, quý vị có thể tới đường dẫn tại đây và đăng ký. Sau đó quý vị tải app mang tên AtlasGO và bấm ‘GO’ trên app mỗi lần đi bộ hay chạy để ghi lại số cây số đóng góp cho Walk2COP27. Như quý vị có thể thấy trên ảnh chính trong bài, hai ảnh hoa có tên ‘hunginternet’ chính là hai lần đi bộ mới nhất tôi đóng góp, cả thảy 5 cây số, hôm 14/11.

Năm 2021 nhân Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26 ở Glasgow, tôi đã tham gia đi bộ từ Luân Đôn tới Glasgow, chặng đường dài 800 cây số và nhóm đi bộ mất gần 25 ngày mới tới nơi. Thông điệp của chúng tôi là mọi người có thể đi bộ những chặng từ 5-8 cây số mà không cần dùng xe hơi, để ý hơn nữa tới dấu vết CO2 của chính mình. Tôi cũng đã chia sẻ 10 bài học rút ra được từ việc đi bộ 1000 cây số, cả đi tập và đi chính thức, trong năm 2021.

Tại Thượng đỉnh COP27, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố “chính sự sống của hành tinh” đang bị đe dọa và Hoa Kỳ sẽ góp phần của mình để tránh “địa ngục khí hậu” mà Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nhắc tới tại COP27.

Danh sách năm quốc gia và nhóm quốc gia thải CO2 lớn nhất trên thế giới hiện nay theo thứ tự từ cao tới thấp là Trung Quốc với 12 triệu tấn mỗi năm, theo sau là Hoa Kỳ - 4,7 triệu tấn, EU – 2,7 triệu tấn, Ấn Độ - 2,6 triệu tấn và Nga – 1,9 triệu tấn, theo tổng hợp của BBC.

Thủ Tướng Nhật Bản Kishida Sẽ Gặp Ông Tập Cận Bình Vào Ngày 17/11


(Hình: Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.)

Phát ngôn viên chính phủ hàng đầu Nhật Bản cho biết Thủ tướng Fumio Kishida sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Năm (17/11/2022) để hội đàm trong bối cảnh căng thẳng ở Á Châu gia tăng liên quan đến Đài Loan và Bắc Hàn, theo thông tấn xã Reuters.

Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 14/11: “Cần phải xây dựng mối quan hệ Nhật-Trung mang tính xây dựng và ổn định thông qua nỗ lực của cả Nhật Bản và Trung Quốc”.
“Chúng tôi muốn tổ chức một cuộc họp để tiến tới” trong quan hệ song phương.

Phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản cho biết cả hai nhà lãnh đạo sẽ đến Nam Dương để tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 vào ngày 15/11 và sau đó cả hai sẽ đến Thái Lan để dự hội nghị thượng đỉnh APEC vào cuối tuần, nơi họ sẽ gặp nhau.

Mối quan hệ Trung-Nhật từ lâu đã bị cản trở bởi tranh chấp về một nhóm các đảo nhỏ không có người ở trên Biển Hoa Đông, di sản của sự hung hăng trong Ðệ nhị Thế chiến của Nhật Bản và sự cạnh tranh trong khu vực.

Năm nay, quan hệ Nhật-Trung căng thẳng hơn nữa sau khi Trung Quốc bắn phi đạn-đạn đạo vào vùng biển gần Nhật Bản sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng Tám. Nhật Bản và đồng minh chính là Hoa Kỳ đã lên án các hành động này của Trung Quốc.

Nhật Bản xác định Trung Quốc là đối thủ chính trong sách trắng quốc phòng năm 2019, lo ngại rằng việc Bắc Kinh tuân theo các chuẩn mực quốc tế, gây áp lực lên Đài Loan và hiện đại hóa quân sự nhanh chóng gây ra mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Theo các chuyên gia an ninh, lo lắng đó càng gia tăng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.

Lần gặp gần nhất giữa hai lãnh đạo của hai nước láng giềng Á Châu là vào tháng 12/2019, khi ông Tập gặp Thủ tướng Shinzo Abe khi đó ở Bắc Kinh.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Ông Biden và Ông Tập Gặp Nhau Trước Thềm Hội Nghị Thượng Đỉnh G-20


(Hình: Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau hôm 14/11/2022 tại Bali, Nam Dương.)

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau hôm 14/11/2022. Cuộc hội đàm được chờ đợi từ lâu diễn ra khi quan hệ giữa hai nước đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ do hai bên có những bất đồng về một loạt các vấn đề từ Đài Loan cho đến thương mại, theo thông tấn xã Reuters.

Cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống diễn ra trên đảo Bali của Nam Dương trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20 vào 15/11, vốn được cho là sẽ rất căng thẳng về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Ông Biden và ông Tập bắt tay nhau trước hàng loạt lá cờ Trung Quốc và Hoa Kỳ tại khách sạn sang trọng Mulia trên vịnh Nusa Dua ở Bali.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung dự kiến sẽ thảo luận về Đài Loan, Ukraine và tham vọng nguyên tử của Bắc Hàn, những vấn đề cũng sẽ xuất hiện trong hội nghị G-20 khai mạc vào 15/11 mà không có Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự.


(Hình: Ông Tập và ông Biden hôm 14/11/2022 tại Bali, Nam Dương.)

Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ đại diện cho Tổng thống Nga tại hội nghị thượng đỉnh G-20 - lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai - sau khi Ðiện Cẩm Linh nói rằng ông Putin quá bận nên không tham dự.

Trước cuộc gặp hôm 14/11 với ông Tập, ông Biden nói với các nhà lãnh đạo Á Châu ở Cam Bốt rằng các kênh liên lạc của Hoa Kỳ với Trung Quốc luôn rộng mở để ngăn chặn xung đột, với các cuộc đàm phán hầu hết đều rất khó khăn trong những ngày tới. Ông Biden đến Bali vào cuối ngày Chủ Nhật (13/11).

Mối quan hệ giữa hai siêu cường đã chìm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ do căng thẳng gia tăng trong những năm gần đây về một loạt các vấn đề từ Hồng Kông và Đài Loan đến Biển Đông, các hoạt động thương mại và các hạn chế của Hoa Kỳ đối với kỹ thuật Trung Quốc.

Nhưng các viên chức Mỹ cho biết đã có những nỗ lực âm thầm của cả Bắc Kinh và Hoa Thịnh Ðốn trong 2 tháng qua để củng cố mối quan hệ này.

Một viên chức chính quyền Biden cho biết: “Những cuộc họp này không diễn ra riêng biệt, chúng là một phần của một quá trình rất bền vững”. Viên chức này nói thêm: “Chúng tôi đã tham gia vào một hoạt động ngoại giao nghiêm túc, bền vững - hàng chục và hàng chục tiếng đồng hồ - sau hậu trường”.

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi hài lòng với sự nghiêm túc mà cả hai bên đã mang lại cho quá trình đó”.

Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Janet Yellen nói với các phóng viên rằng cuộc họp này “nhằm ổn định mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và tạo ra một bầu không khí chắc chắn hơn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ”.

Bà nói rằng ông Biden nói rõ với Trung Quốc về những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến các hạn chế đối với các kỹ thuật nhạy cảm của Hoa Kỳ và đã nêu quan ngại về độ tin cậy của chuỗi cung ứng Trung Quốc đối với các mặt hàng như khoáng sản.


(Hình: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Bali, Nam Dương, hôm 13/11/2022.)

Cuộc gặp trực tiếp giữa ông Biden và ông Tập vào ngày 14/11 diễn ra tại The Mulia, một khách sạn sang trọng bên vịnh Nusa Dua ở Bali. Tòa Bạch Ốc cho biết khó có khả năng hai bên đưa ra một tuyên bố chung.

An ninh thắt chặt tại khách sạn này hôm 14/11, vẫn theo thông tấn xã Reuters. Các phương tiện đi vào khách sạn Mulia được kiểm tra và nhiều viên chức an ninh theo dõi các khu vực khác nhau của khu du lịch nghỉ dưỡng rộng lớn này, trong lúc một tàu quân sự đi trên biển gần đó.

Cả hai nhà lãnh đạo sẽ tham dự khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 15/11.

Tổng thống Nam Dương Joko Widodo, người chủ trì hội nghị, cho biết ông hy vọng hội nghị này có thể “mang lại những quan hệ đối tác cụ thể có thể giúp thế giới phục hồi kinh tế”.

Ông Biden Cảnh Báo Trung Quốc Về Bắc Hàn, Đụng Độ Với Ông Tập Về Đài Loan!


(Hình: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 14/11 gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali, Nam Dương.)

Ngày 14/11/2022, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Mỹ sẽ tăng cường vị thế an ninh của mình ở Á Châu nếu Bắc Kinh không thể kiềm chế các chương trình vũ khí của Bắc Hàn. Trong cuộc họp kéo dài ba tiếng đồng hồ, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung cũng có những lời lẽ mạnh mẽ về Đài Loan.

Tổng thống Biden, trong cuộc họp báo sau cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên với ông Tập kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ vào đầu năm 2021, cho biết hai bên đã nói chuyện thẳng thắn về nhiều vấn đề đang khiến mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.

Ông Biden nói không cần một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, và nói thêm rằng ông không nghĩ Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh nóng.

Trong một tuyên bố sau cuộc gặp, ông Tập nói Đài Loan là “lằn ranh đỏ đầu tiên” không được vượt qua trong quan hệ Mỹ-Trung, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết.

Ông Biden nói ông muốn bảo đảm với ông Tập rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan không thay đổi, tìm cách giảm căng thẳng đối với hòn đảo tự trị này. Ông nói với các phóng viên: “Tôi không nghĩ có bất kỳ âm mưu nào sắp xảy ra từ phía Trung Quốc nhằm xâm lược Đài Loan”.

Về Bắc Hàn, ông Biden nói nếu Trung Quốc không thể kiềm chế các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng thì Hoa Kỳ sẽ làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực.

Bắc Kinh đã tạm dừng một loạt các kênh đối thoại chính thức với Hoa Thịnh Ðốn, bao gồm cả về biến đổi khí hậu và các cuộc đàm phán giữa quân đội với quân đội, sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng Tám vừa qua.

“Vấn đề Đài Loan là cốt lõi của các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, là nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Mỹ, và là ranh giới đỏ đầu tiên không được phép vượt qua trong quan hệ Trung-Mỹ”, Tân Hoa xã trích lời ông Tập Cận Bình.

Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Chính phủ dân cử của Đài Loan bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với hòn đảo này. Bắc Kinh thường xuyên cáo buộc Hoa Kỳ trong những năm gần đây khuyến khích Đài Loan độc lập.

Ông Biden cho biết hai bên đã thiết lập một cơ chế liên lạc thường xuyên hơn và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ tới Trung Quốc để tiếp tục các cuộc thảo luận. “Tôi nghĩ chúng ta hiểu nhau”, ông nói.

Cười và Bắt Tay

Trước cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã mỉm cười và bắt tay nồng nhiệt trước quốc kỳ của họ tại một khách sạn trên đảo Bali của Nam Dương, một ngày trước hội nghị thượng đỉnh Khối 20 (G20) vốn dự kiến sẽ đầy căng thẳng về cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.

“Thật tuyệt khi được gặp ông”, ông Biden nói với ông Tập khi choàng tay ôm ông Tập trước cuộc gặp.

Theo Tòa Bạch Ốc, ông Biden đã đưa ra một số chủ đề gai góc với ông Tập, trong đó có nêu lên sự phản đối của Hoa Kỳ đối với “các hành động ngày càng hung hăng và cưỡng ép” của Trung Quốc đối với Đài Loan, “các hoạt động kinh tế phi thị trường” của Bắc Kinh và các hoạt động ở “Tân Cương, Tây Tạng, và Hồng Kông, và vấn đề nhân quyền nói chung”.

Cả hai nhà lãnh đạo đều không đeo khẩu trang để tránh COVID-19, mặc dù các thành viên trong phái đoàn của họ có đeo.

Ông Tập nói trước cuộc gặp rằng mối quan hệ giữa hai nước không đáp ứng kỳ vọng toàn cầu và các tuyên bố sau đó phản ánh sự rạn nứt đang tiếp diễn.

“Giải quyết vấn đề Đài Loan là vấn đề của Trung Quốc và nội bộ của Trung Quốc”, ông Tập nói, theo truyền thông nhà nước.

“Bất kỳ ai tìm cách tách Đài Loan khỏi Trung Quốc sẽ vi phạm lợi ích cơ bản của đất nước Trung Quốc”.

Bắc Kinh từ lâu đã tuyên bố sẽ kiểm soát Đài Loan và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để làm như vậy.

Văn phòng Tổng thống Đài Loan cho biết họ hoan nghênh việc ông Biden tái khẳng định chính sách của Hoa Kỳ. “Điều này một lần nữa chứng minh đầy đủ rằng hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan là kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế”, văn phòng nói.

Quan Hệ Căng Thẳng

Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc nóng lên trong những năm gần đây do căng thẳng gia tăng về các vấn đề từ Hồng Kông, Đài Loan, Biển Đông, các tập tục thương mại của Trung Quốc và các hạn chế của Hoa Kỳ đối với kỹ thuật Trung Quốc.

Nhưng các viên chức Mỹ cho biết đã có những nỗ lực âm thầm của cả Bắc Kinh và Hoa Thịnh Ðốn trong 2 tháng qua để sửa chữa quan hệ.

Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen trước đó đã nói với các phóng viên ở Bali rằng cuộc gặp nhằm mục đích ổn định mối quan hệ và tạo ra một “bầu không khí chắc chắn hơn” cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Bà cho biết ông Biden đã nói rõ với Trung Quốc về những lo ngại an ninh quốc gia liên quan đến các quy định đối với các kỹ thuật nhạy cảm của Hoa Kỳ và đã nêu quan ngại về độ tin cậy của chuỗi cung ứng hàng hóa của Trung Quốc.

Ông Biden và ông Tập từng điện đàm qua 5 cuộc điện thoại hoặc video kể từ tháng Một năm 2021. Lần gặp mặt trực tiếp gần đây nhất là dưới thời chính quyền Obama khi ông Biden là Phó Tổng thống.

Chủ nhà hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Joko Widodo của Nam Dương cho biết ông hy vọng cuộc họp vào ngày 15/11 có thể “mang lại những mối quan hệ đối tác cụ thể có thể giúp thế giới phục hồi kinh tế”. Tuy nhiên, một trong những chủ đề chính tại G20 sẽ là cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Ông Tập và ông Putin đã trở nên gần gũi hơn trong những năm gần đây, cùng bị phương Tây không tin tưởng. Nga-Trung tái khẳng định quan hệ đối tác chỉ vài ngày trước khi Nga xâm chiếm Ukraine. Nhưng Trung Quốc đã cẩn thận không cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ vật chất trực tiếp nào có thể kích hoạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nước này.

Tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Cam Bốt hôm Chủ Nhật, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh “sự vô trách nhiệm” của các mối đe dọa nguyên tử, cho thấy Trung Quốc không thoải mái với lời lẽ nguyên tử của Nga, một viên chức cấp cao của Mỹ cho biết.

Phương Tây đã cáo buộc Nga đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm về khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử sau khi xâm lược nước láng giềng Ukraine vào tháng Hai năm nay. Ngược lại, Nga cáo buộc phương Tây có những lời lẽ “khiêu khích” về nguyên tử.

Thượng Đỉnh Biden-Tập Cận Bình: Bế Tắc! Mỹ Khó Thể Lay Chuyển Chính Sách Chiếm Đài Loan của Trung Quốc!

(Minh Anh)
Hôm 14/11/2022, tại Bali, Nam Dương, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cái bắt tay đầu tiên từ khi Tổng thống Joe Biden bước vào Tòa Bạch Ốc cách nay gần hai năm. Trong cuộc gặp trực diện đầu tiên này, hồ sơ Đài Loan là chủ đề quan trọng nhất. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, Hoa Thịnh Ðốn khó thể làm lung lay lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề này.

Theo giải thích của nhà nghiên cứu về Đông Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược trên Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), trong cuộc gặp tại Bali, Joe Biden một lần nữa nhấn mạnh rằng “chính sách Đài Loan của Mỹ là không thay đổi, rằng Hoa Thịnh Ðốn không hậu thuẫn các tuyên bố độc lập chính thức từ phía Đài Bắc”. Mặt khác, chủ nhân Tòa Bạch Ốc cũng muốn tìm cách thăm dò các ý định của Tập Cận Bình đối với hòn đảo trong những năm sắp tới.

Tuy nhiên, Quinn Marschik, chuyên gia về Chiến lược Cộng đồng nói tiếng Hoa, Phụ tá Giám đốc tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia, trên trang mạng Responsible Statecraft, đưa ra bốn lý do để giải thích vì sao Tập Cận Bình sẽ không thay đổi chính sách đối với Đài Loan, và Bắc Kinh chưa hẳn dùng đến vũ lực như là một phương tiện để hợp nhất hai bờ eo biển Đài Loan.

Thứ nhất, tại Đại Hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc, các phát biểu của ông Tập không có gì thay đổi đáng kể. Lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn nhắc lại lập trường tìm kiếm một sự thống nhất hòa bình, nhưng không loại trừ khả năng dùng vũ lực. Những tuyên bố này cũng phù hợp với Luật chống ly khai và Sách Trắng về chính sách Đài Loan. Nếu như hợp nhất hòa bình theo một hình “Một quốc gia, hai thể chế” xem như là không thể, thì việc hợp nhất hòa bình vẫn có thể xảy ra, cho dù là cưỡng chế.

Thứ hai, khi Trung Quốc đưa điều khoản “phản đối độc lập của Đài Loan” vào trong Hiến pháp thì điều đó có nghĩa là nhằm chống lại ảnh hưởng của mọi đảng phái hay nhóm chính trị nào ở Đài Loan và những ai tích cực hậu thuẫn hay chính thức cho Đài Loan. Điều này bao gồm cả Đảng Dân Tiến (DPP) đang cầm quyền của bà Thái Anh Văn. Nếu DPP vẫn tiếp tục cầm quyền vào năm 2024, Bắc Kinh vẫn sẽ duy trì chiến lược cô lập Đài Loan. Ngược lại, nếu DPP thất cử, Bắc Kinh rất có thể mở cửa để nêu ra những mối lợi của một chế độ không do DPP lãnh đạo và không đòi ly khai.

Thứ ba là việc ông Vương Hổ Ninh được cất nhắc lên vị trí thứ tư của ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhân vật này sẽ tiếp tục đường lối của Uông Dương, và sẽ là người chỉ đạo chính sách Đài Loan sau Tập Cận Bình. Ông Uông Dương từng cho rằng, một sự hợp nhất sẽ bảo đảm tốt hơn cho sự tồn vong của đảng Cộng sản Trung Quốc. Định chế chính trị này chỉ vững mạnh và một Nhà nước hùng mạnh là cần thiết để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và phát triển các lợi ích của Trung Quốc.

Uông Dương dường như từng cố vấn cho Tập Cận Bình rằng nên chờ đợi tái thống nhất một khi Trung Quốc đã xác định được vị thế của mình nhằm giảm thiểu các rủi ro quân sự, kinh tế và khai thác tối đa thắng lợi quân sự. Được ví như là một chiến lược gia, người vạch ra “giấc mơ Trung Hoa” và hợp nhất Đài Loan, Vương Hổ Ninh có thể chủ trương gia tăng các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đài Loan.

Cuối cùng, các bổ nhiệm của Tập trong hàng ngũ lãnh đạo chung cho đảng Cộng sản Trung Quốc mang dáng dấp của việc tiếp nối chính trị hơn là chuẩn bị một cuộc chiến xâm chiếm. Việc Vương Nghị thay thế Dương Khiết Trì để phụ trách đối ngoại cho đảng Cộng sản, và Ðại sứ Trung Quốc tại Mỹ Qin Gang rất có thể sẽ thay ông Vương Nghị nắm chức vụ Ngoại trưởng, cho thấy Bắc Kinh sẽ tiếp tục các đường lối ngoại giao cứng rắn và quyết đoán hơn. Hai nhân vật này có thể sẽ phải làm việc với các nước phi phương Tây để củng cố nguồn hậu thuẫn và tính chính đáng quốc tế, hoặc ít nhất là sự đồng tình cho việc hợp nhất Đài Loan hòa bình hay cưỡng ép.

Tóm lại, theo tác giả bài viết, Bắc Kinh chưa sẵn sàng cho việc ép buộc thống nhất vào lúc này, Trung Quốc sẽ chờ đợi cho đến khi chắc chắn giành được chiến thắng.

Trung Quốc Hung Hăng Nói Thẳng, Đang Giúp Cam Bốt Nâng Cấp Căn Cứ Hải Quân Ream!


(Hình: Căn cứ Hải quân Ream ở tỉnh Preah Sihanouk, Cam Bốt, hôm 26/7/2019.)

Việc Trung Quốc đang giúp Cam Bốt nâng cấp Căn cứ Hải quân Ream là một hoạt động giao lưu bình thường. Đó là lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 14/11/2022.

Phát biểu được đưa ra sau khi có tin cho biết vào ngày 12/11 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong cuộc gặp với Thủ tướng Cam Bốt tại Nam Vang nêu ra quan ngại về hoạt động của Trung Quốc tại Căn cứ Hải quân Ream.

Tin từ Tòa Bạch Ốc nói, ông Joe Biden nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phải minh bạch hoàn tòan về vấn đề đó.

Chỉ vài tháng trước đây, phía Mỹ cùng một số nước khác cũng bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về hoạt động của Trung Quốc tại Căn cứ Hải quân Ream của Cam Bốt.

Lý do được nêu ra vì hoạt động đó đe dọa an ninh khu vực, ảnh hưởng đến chủ quyền của Cam Bốt, tác động tiêu cực đến mối quan hệ Hoa Kỳ- Cam Bốt.

Quan ngại về căn cứ Ream có từ năm 2019 khi Tờ Wall Street Journal loan tin về một thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc cắt đặt nhân sự, tàng trữ vũ khí và cho chiến hạm trấn đóng ở đó.

Cam Bốt và Trung Quốc luôn bác bỏ thông tin đó, nói rằng “việc cải tạo căn cứ chỉ nhằm tăng cường khả năng Hải quân của Xứ Chùa Tháp trong công tác bảo vệ toàn vẹn vùng biển và chống tội ác trên biển”.

Hoa Thịnh Ðốn từng than phiền “về sự thiếu minh bạch trong mục đích, bản chất và phạm vi của dự án này, cũng như vai trò mà quân đội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đóng trong công tác xây dựng và việc sử dụng hậu xây dựng cơ sở này”.

Căn cứ Hải quân Ream ở tỉnh Preah Sihanouk thuộc mạn Tây-Nam Cam Bốt, bên Vịnh Thái Lan, chỉ cách Phú Quốc không đến 30 cây số. Đảo này theo tiếng Khmer là Koh Tral.

Chính Hải quân Việt Nam hồi tháng 1/1979 đã chiếm căn cứ Ream từ quân Pol Pol rồi chuyển từ Khmer Đỏ cho tân chính phủ Cam Bốt.

Tuy vậy Hải quân Việt Nam sau đó chỉ được mời đến thăm Căn cứ Ream một đôi lần và gần đây tòa nhà ‘Hữu nghị Việt Nam’ được xây bởi phía Hà Nội đã bị dời khỏi căn cứ này mà theo báo cáo là nhằm tránh xung đột với các nhân sự Trung Quốc.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Bị Nêu Tên Trong Phiên Xử Nghi Can Bắt Cóc Trịnh Xuân Thanh


(Hình: Phiên tòa xét xử ông Lê Anh Tú hôm 2/11/2022.)

Phiên tòa thứ ba xét xử ông Lê Anh Tú, một nghi can hoạt động mật vụ, hỗ trợ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, diễn ra hôm 11/11/2022. Lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam - ông Nguyễn Phú Trọng, cũng như Bộ trưởng Công an Tô Lâm bị nêu tên trong cáo trạng.

Tô Lâm, Nguyễn Phú Trọng Bị Nêu Tên Trước Toà

Nhà báo Lê Trung Khoa cho biết, trong phiên tòa diễn ra hôm 11/11, khi đọc cáo trạng, tòa có nhắc đến hai lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Tuy nhiên, cáo trạng không được phép công khai. Người tham dự cũng không được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào tòa. Ông Khoa nói với Ðài Á Châu Tự Do (RFA):

“Trong phiên tòa đó có nhắc đến ông Nguyễn Phú Trọng rằng ông ta có chủ trương bắt Trịnh Xuân Thanh. Còn cụ thể và chi tiết về quá trình thì ông Tô Lâm - Bộ trưởng Công an Việt Nam - được cho là tổ chức bắt cóc.

Ông ta đã lợi dụng sự quen biết và mối quan hệ với phía Nhà nước Slovakia, mượn máy bay của chính phủ Slovakia để đi công tác, nhưng thực tế là dùng để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Đó là nội dung trong cáo trạng, họ có nói đến tên ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tô Lâm”.
Một người khác cũng tham dự phiên tòa, tên Hiếu (không muốn nêu đầy đủ họ tên) xác nhận với RFA rằng theo cáo trạng, ông Nguyễn Phú Trọng muốn bắt ông Trịnh Xuân Thanh đưa về Việt Nam bằng mọi giá:

“Tô Lâm thì bị nêu tên nhiều hơn. (Cáo trạng - PV) nêu vấn đề là ông Nguyễn Phú Trọng muốn bắt ông Trịnh Xuân Thanh về bằng mọi giá để đưa ra tòa xử”.

Vợ Trịnh Xuân Thanh Khai Gì Trước Toà?

Phiên tòa xoay quanh lời khai của các nhân chứng, được cho là rất quan trọng trong vụ án, bao gồm vợ của Trịnh Xuân Thanh - bà Trần Dương Nga.

Ông Lê Trung Khoa, chủ bút mạng báo thoibao.de, người có mặt tại tòa cho RFA biết, bà Nga khai đã sốc và gặp nhiều khó khăn khi chồng đột nhiên xuất hiện ở Việt Nam.

“Bà ấy nói rằng rất là sốc và khó khăn trong thời gian khi mà ông Trịnh Xuân Thanh đang là người chủ của gia đình, nhưng đột nhiên lại bị bắt cóc và đưa về Việt Nam. Con của bà ấy đang ở bên Đức này luôn hỏi là bao giờ bố sẽ được về”.

Mạng báo Berliner-Zeitung của Đức mô tả bà Nga xuất hiện tại tòa trong trang phục màu đen. Với tư cách nhân chứng, vợ của Trịnh Xuân Thanh, cho biết kể từ khi xảy ra vụ bắt cóc, bà chưa lần nào liên lạc được với chồng mình.

Những nguồn tin rò rỉ từ một số người thân ở Việt Nam cho bà Nga biết tinh thần của chồng mình đã tốt hơn một tí kể từ khi bị đưa về Việt Nam.

Từ năm 2021, ông Thanh được chuyển đến một trại giam khác và ở cùng phòng với 24 tù nhân. Hiện ông đã được đi lao động và thăm gặp một số người thân.

Cũng theo lời bà Nga, ông Trịnh Xuân Thanh không có ý định kháng cáo các bản án tại Việt Nam. Tuy nhiên, bà nói “Trong thâm tâm, anh ấy tin chắc rằng một ngày nào đó sẽ có thể đước đến Đức gặp lại gia đình”.

Bà Nga cùng với 3 người con sang Đức hồi tháng 7/2016. Sau đó, ông Thanh cũng sang Đức và xin tị nạn trước khi bị Chính quyền Việt Nam truy nã về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau khi ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, bà Nga cùng các con được nước Đức cấp quy chế tị nạn chính trị, từ đó chưa lần nào trở lại quê nhà. Bà nói trước tòa rằng không thể thăm nuôi chồng trong tù vì “rất sợ quay trở về Việt Nam”.

Cũng theo ông Khoa, Bà Nga còn khai trước tòa rằng chồng bà bị cưỡng ép đưa về Việt Nam bằng cách cải trang thành người bệnh, nằm trên cáng, đưa lên chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam Airline từ Moskva về Hà Nội:

“Theo nguồn tin mà bà Nga được biết từ trong nước đưa ra thì chính hãng hàng không Việt Nam Airlines đã dùng máy bay của họ chở ông Trịnh Xuân Thanh, được cho là nằm trên cáng, để đưa từ Moskva trở về Hà Nội.

Còn bạn gái của Trịnh Xuân Thanh, sau vụ bắt cóc xảy ra thì cô ấy có về Việt Nam, phải vào bệnh viện Việt Đức tại Hà Nội để chữa trị gãy tay. Sau đó thì cô ta đã mất tích từ đó đến nay, không biết ở đâu”.

Đây là phiên tòa xử nghi can thứ hai liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Đức. Bị cáo là ông Lê Anh Tú, một công dân Việt Nam bị cáo buộc hoạt động như một gián điệp, tiếp tay bắt Trịnh Xuân Thanh và người tình ngay giữa thủ đô Bá Linh hồi tháng 7/2017, rồi chạy thẳng vào Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Bá Linh.

Trong vụ án này, ông Lê Anh Tú bị cáo buộc có mặt trên chiếc xe 7 chỗ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ngoài ra, ông này còn đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ông Thanh ra khỏi khối Schengen. Theo phía Công tố, ông Tú cùng với tám người khác đã lái xe chở Trịnh Xuân Thanh từ Brno, Cộng hòa Séc đến Bratislava, Slovakia.

Từ đây, ông Thanh được đưa lên chiếc máy bay được nói ông Tô Lâm đã mượn của Chính phủ Slovakia để bay đến thủ đô Moskva của Nga. Đến ngày 31/7, ông Thanh xuất hiện đầu thú trên Đài truyền hình Quốc gia Việt Nam.

Đại Biểu Quốc Hội Nên Cân Nhắc “Biểu Quyết Thông Qua” Dự Thảo Nghị Định Được Cảnh Báo Sẽ Thất Bại

(Phân tích của Tiến sĩ Phạm Quý Thọ)


(Hình: Toàn cảnh họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 20/10/2022.)

Dự thảo Nghị định về “thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe hơi thông qua đấu giá” được trình lên Quốc hội khóa 15 tại Kỳ họp thứ tư đang diễn ra tại Hà Nội. Từ đầu tháng 11/2022 đã có nhiều ý kiến khác nhau của các Đại biểu Quốc hội, nhưng đến ngày 7/11/2022, dưới sự điều hành của ông Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại biểu Quốc hội vẫn tiếp tục tranh luận tại hội trường: “Giá khởi điểm thế nào là hợp lý?” Ngày 11/11 ông Tổng Thư ký Quốc hội đã báo cáo tổng hợp ý kiến, theo đó có 121 đại biểu nhất trí ban hành Nghị quyết, nhưng một số ý kiến cho rằng cần làm rõ “biển số đẹp là gì”, cần có danh mục “biển số độc, lạ”…. Dự kiến chiều 15/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết này.

Thất Bại

Quốc hội thảo luận về một loại chính sách mà các chuyên gia đang cảnh báo về sự thất bại của nó. Lý do đề xuất Dự thảo Nghị định này là việc đấu giá ‘biển số xe đẹp’ được Cục Cảnh sát Giao thông đề xuất từ năm 1993 nhưng bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá. Một vài địa phương cấp tỉnh “vượt rào” tổ chức đấu giá đã thu về hàng tỉ đồng để “hỗ trợ người nghèo” nhưng đã bị “tuýt còi” bởi “không có căn cứ pháp lý khai triển”. Tháng 12/2019, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Công an và thống nhất đẩy nhanh tiến độ, đưa việc đấu giá lên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn)….

Sự thất bại của Nghị quyết được cảnh báo bởi các căn cứ chủ yếu dưới đây:

Một là, biển số “đẹp” là một cảm quan, cách hiểu lệch lạc chịu ảnh hưởng bởi tàn dư văn hóa lạc hậu.

Giáo sư Trần Ngọc Vương viết trên Facebook của mình là “một loại sản phẩm do mê tín, dị đoan mà có”. Từ một tấm biển bằng kim loại với các ký tự và con số để phân biệt các phương tiện cơ giới khác nhau nhằm mục đích quản lý nhà nước, nhưng một số biển số với sự sắp xếp của các con số theo ‘quy luật’ nào đó như dãy số “tiến” hay các con số 6, 8 hay 9 được cho là “đẹp”. Chúng đã được các cơ quan chức năng “cấp” cho những chiếc xe hơi của các lãnh đạo cao cấp hay của các “đại gia” và con cháu họ, “giới có quyền và có tiền”. Như vậy, chính quyền đã cố tình tiếp tay “tâm linh hoá” cho các biển số “đẹp” này. Lưu ý rằng hiện tượng này đã diễn ra phổ biến và “cộng hưởng” trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin trong xã hội và về thể chế, đặc biệt trong thập kỷ bất ổn từ những năm 2010. Như đã biết, trong giai đoạn này hàng năm cả nước thường có trung bình khoảng chín ngàn lễ hội, trong nhiều số đó người ta cầu tránh “tai ương”, xin “tài lộc” và “thăng quan”. Lễ khai ấn đền Trần ở Nam Định là một điển hình bị “lên án!”

Hai là, những lý do mà cơ quan Dự thảo Nghị định trình Quốc hội mang tính biện minh thay vì “vấn đề chính sách”, chẳng hạn theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2016.

Trong bối cảnh chuyển đổi sang thị trường, sự việc dường như “tồi tệ hơn” khi những chiếc biển số xe hơi “đẹp” ngày càng trở nên có giá và vẫn được gắn cho đối tượng trên, mà dư luận từng đúc kết, theo ưu tiên “nhất quan hệ, nhì tiền tệ”. Các nhà chức trách gọi đó là biểu hiện “tinh vi” của các hiện tượng tiêu cực, nhưng đã “không thể” phát giác và trừng phạt. Và, giải pháp ngăn ngừa “nửa vời” đã được thí điểm là bốc thăm “ngẫu nhiên” trên máy điện toán nhưng đã thất bại. Hơn thế, một số địa phương tỉnh “vượt rào” lại được coi là có “thành tích” thu hàng tỉ cho ngân sách để “xóa đói giảm nghèo!” Hơn thế, khái niệm “thị trường” đang bị diễn giải sai lệch. Đấu thầu nói chung và “đấu giá” biển số xe cơ giới, về hình thức, là một công cụ thị trường, nhưng liệu có thể xác định được “thị trường” của những người tham gia đấu giá. Hơn thế, việc tổ chức đấu giá có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa bởi những viên chức thực thi trong môi trường chính trị thiếu vắng cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả khiến quyền lực của họ bị tha hóa, biến chất. Thực tế đã được kiểm chứng và phản ánh thẳng thắn trên truyền thông. Chẳng hạn, “Những vở kịch “quân xanh quân đỏ” chính là những “mỏ” tiêu cực trong đấu thầu (Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 8/11/2022) hay “Năm chiêu trò phổ biến lách luật trong đấu thầu” (Báo Tiền Phong ngày 8/11/2022)….


(Hình: Người đi xe gắn máy đi qua một tấm biển quảng cáo xe hơi đắt tiền trên đường phố Hà Nội hôm 4/7/2012.)


“Quyền Lựa Chọn”

Vẫn còn nhiều câu hỏi quan trọng dành cho các Đại biểu Quốc hội: Biển số đẹp là gì? Tài nguyên này quản lý thế nào? Bài học về thu ngân sách qua đấu giá biển số đẹp để xóa đói giảm nghèo thế nào? Như thế nào là giá khởi điểm “hợp lý”? Dự kiến tiền thu thêm và phân bổ sử dụng ngân sách từ nguồn này? Sự biện minh cho cách làm này liệu đang che đậy một cơ chế kiểm soát quyền lực, trong đó yêu cầu công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình là bắt buộc với công chức trong thực thi công vụ?... Nếu không thể có được câu trả lời thoả đáng thì sự thất bại của Nghị quyết được cảnh báo!

Thực tế chỉ ra rằng việc cấp các biển số đẹp cho “giới có quyền và có tiền” dần dần đã phơi bày sự bất bình đẳng giữa các đối tượng tham gia đấu giá. Mục đích của chính sách công loại này nói chung và Nghị định này nói riêng phải là quyền lựa chọn biển số của các chủ sở hữu phải được tôn trọng bình đẳng. Suy cho cùng, họ phải được tự do lựa chọn các con số trong khuôn khổ mà chính quyền quy định nhằm mục đích quản lý nhà nước.

Các Đại biểu Quốc hội không nên biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết này vì sự thất bại của nó là rõ ràng. Trong trường hợp này các vị Đại biểu Quốc hội cần đặt việc thực hiện nghĩa vụ là người đại diện thực sự cho dân lên trên “thói quen” chấp hành nhiệm vụ hay chủ trương của Đảng, chính quyền. Trong kỳ họp nào người dân cũng kỳ vọng về năng lực đại diện của từng Nghị sĩ và của Quốc hội nói chung cần được nâng lên. Ý kiến gây “shock” của Đại biểu Lê Thanh Vân tại kỳ họp này rằng: “Cầm giấy ê a đọc, mỗi người đi một hướng” sao gọi là thảo luận Quốc hội? (Báo Dân Trí, ngày 2/11/2022) cũng là mong muốn chất lượng Quốc hội nói chung và năng lực của từng Đại biểu Quốc hội cần phải cải thiện.

Biết rằng sự thay đổi của các Đại biểu Quốc hội cần có thời gian, nhưng vấn đề là cấp thiết. Thay cho lời kết xin chia sẻ ý kiến của Giáo sư Vương trên Facebook của ông ngày 8/11 mới đây rằng ông đã gửi thư cho ông Chủ tịch Quốc hội đề nghị thôi bàn chuyện đấu giá biển số xe, nhưng không hiểu sao “mấy hôm lại tiếp tục bàn chủ đề này? Phải chăng sự vô lý ở tầm vĩ mô, tầm nhận thức lý luận cơ bản, nền tảng ý thức hệ, thể hiện như đã từng, còn chưa đủ? Tìm kiếm cách tăng thu cho ngân sách bằng việc kinh doanh, đấu giá một loại sản phẩm do mê tín, dị đoan mà có, là điều mà một Quốc hội của một nhà nước vô thần, thế tục quyết không được làm!”

Thêm Thanh Tra Chuyên Ngành: Vấn Đề Tinh Giảm và Hiệu Quả!


(Ảnh: Cơ quan Thanh tra trong một cuộc họp năm 2022.)

Dự án Luật Thanh tra sửa đổi vừa được Quốc hội Việt Nam biểu quyết thông qua hôm 14/11/2022.

Cụ thể, sau khi sửa đổi, Điều 18 Luật Thanh tra quy định, Thanh tra tổng cục, cục là cơ quan của tổng cục, cục thuộc bộ thực hiện nhiệm vụ Thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà tổng cục, cục được giao phụ trách….

Luật cũng quy định Thanh tra tổng cục, cục được thành lập trong ba trường hợp: theo quy định của luật; theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; và được thành lập tại tổng cục, cục thuộc bộ có phạm vi đối tượng quản lý Nhà nước chuyên ngành….

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời Ðài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 14/11, nhận định:

“Câu chuyện thanh tra nên để ở cấp nào cũng đã được thảo luận nhiều lần, tôi không đồng thuận với nhiều ý kiến cho rằng đều phải giảm cả. Tất nhiên trong quá trình thanh tra, tôi vẫn thường hay nói là phải cải cách, tức là cái gì cần giảm thì cương quyết giảm, cái gì cần tăng cũng vẫn phải tăng, miễn là việc tăng đó thực sự cần thiết. Thành ra ở cấp này, cấp kia nếu thấy công cuộc chống tham nhũng cần đến thanh tra, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đó, thì không nhất thiết cứ phải dẹp đi hết”.

Theo ông Võ, lĩnh vực thanh tra ở Việt Nam đã ở quá nhiều cấp, cấp dưới cơ sở cũng có. Tuy nhiên luật pháp đã có quy định không được cùng một lúc nhiều cấp thanh tra đến yêu cầu thanh tra doanh nghiệp. Ông nói tiếp:

“Tôi cho rằng việc thanh tra một doanh nghiệp cần có các quy định rất cụ thể, khi nào thì thanh tra, thanh tra phải làm gì và kết luận thanh tra như thế nào? Cái đó thuộc phạm vi được gọi là quy chế hoạt động của thanh tra. Nói cách khác, quy chế đó không cho phép thanh tra quá nhiều đối với các doanh nghiệp, phải có nghĩa chứ không phải theo cách làm tùy tiện, làm cho doanh nghiệp khó làm việc”.

Vào tháng Sáu năm 2022, có nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội được truyền thông nhà nước đăng tải đề nghị bỏ thanh tra cấp cơ sở như cấp huyện, vì cho rằng nhu cầu thanh tra ở cấp này ít, trình độ nghiệp vụ hạn chế, nếu bỏ thì giảm được hơn 1.400 công chức, tiết kiệm ngân sách…. Thì nay lại cho phép thêm Tổng cục và Cục thuộc Bộ lập cơ quan thanh tra.

Chủ một doanh nghiệp (giấu tên) kinh doanh ở Sài Gòn khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, cho biết:

“Thật sự mà nói thanh tra cấp cơ sở theo như tôi biết gần như là đến cho có lệ, chủ yếu xem ‘thái độ’ của doanh nghiệp, ‘thái độ’ của đối tượng bị thanh tra như thế nào? Ngoại trừ những trường hợp nghiêm trọng bị bung bét ra quá nhiều, có tầm ảnh hưởng xấu đến xã hội, thì đúng là doanh nghiệp chịu chết bó tay, phải chấp nhận sai phạm của mình. Còn bình thường nếu mà có thanh tra thì cũng chỉ là chiếu lệ, họ sẽ xem ‘thái độ’ của doanh nghiệp thế nào để làm việc”.


(Ảnh AFP, minh họa: Các viên chức xếp hàng tham dự đại hội đảng năm 2016.)

Trong khi mới đây vào tháng Tám năm 2022, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã yêu cầu phải tiếp tục tinh giản biên chế cán bộ, công chức và viên chức. Cụ thể, theo yêu cầu này, toàn hệ thống chính trị của Việt Nam sẽ phải tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Vậy cho phép lập thêm cơ quan thanh tra có đi ngược với yêu cầu tinh giảm biên chế này? Liên quan vấn đề này Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định:

“Chính phủ Việt Nam cũng khá cương quyết về chuyện tinh giản biên chế, thế nhưng tôi vẫn chưa nhìn thấy tính khả thi của việc tinh giản lần này. Bởi vì dù lần này xem lại tổ chức, đưa nhiều Tổng cục xuống thành một hai Cục, các cơ quan Nhà nước phải giảm khoảng 10% biên chế… nhưng tôi vẫn cho rằng Việt Nam giải quyết vấn đề này chỉ dựa trên những con số hình thức, chứ chưa đụng được vào nội dung. Tức là thứ nhất phải có quy hoạch cụ thể, hệ thống tổ chức ở Việt Nam có những bộ phận nào rất cần thiết, không có không được. Thứ hai, đưa người và các tổ chức đó cần phải có tiêu chí, chứ không phải chỉ giao cho từng tổ chức tỷ lệ giảm”.

Chính vì thế Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, Việt Nam phải nhìn vào bản chất, nhìn vào nội dung, chứ đừng đưa ra các tiêu chí hình thức, không giải quyết được vấn đề.

Tinh giản biên chế là cụm từ được nói đến nhiều từ hơn mười năm qua, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước đến năm 2020 và hàng năm thường được các lãnh đạo Đảng và Nhà nước lập đi lập lại, yêu cầu thực hiện như một cách tuyên truyền cho uy tín của nhà cầm quyền. Nhiều người cho rằng, các yêu cầu tinh giản biên chế thường chỉ là ‘màn trình diễn’ hàng năm?

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, khi trả lời RFA liên quan vấn đề tinh giản biên chế, cho biết ý kiến:

“Theo tôi nghĩ thì không có tiến triển gì hơn, vì không có một cách thức gì đặc biệt để thực hiện. Không thấy ai nói đến cách thức thực hiện đặc biệt và có tính khả thi. Cứ nói năm này giảm bao nhiêu%, năm sau giảm bao nhiêu% thì cũng như trước thôi. Bao giờ họ cũng nói như vậy, nhưng phải có quyết tâm, phải nói cách thức làm như thế nào để cho người ta thấy tính khả thi, thì mới thực hiện được. Chứ còn nói thì năm nào cũng như năm nào thôi, cũng có thể là giảm một ít nhưng không đạt chỉ tiêu. Nhiều năm trước cũng nói giảm bao nhiêu% mà cuối cùng có được đâu. Cho nên gọi là trình diễn thì cũng đúng, vì nó không có một cái gì khác biệt với những chỉ tiêu trước đây”.

Ông Bình cho rằng, nếu bộ máy hành chính tinh giản như các nước dân chủ thì người dân có không gian để phát biểu, để đấu tranh dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng vì Đảng Cộng sản vẫn để nguyên ban bệ, hệ thống như thế, chỉ lược bớt nên nó vẫn còn nặng nề. Theo ông Bình, dù tốn kém nhưng Đảng vẫn phải duy trì để bảo vệ chế độ.

Theo Bộ Nội vụ, tổng biên chế công chức năm 2021 của các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước, không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã, hiệp hội… là 249.650 biên chế.


Đại Biểu Quốc Hội Bàn Chuyện Số Xe Gây Cười!


(Hình: Áp-phích cổ động bầu cử Quốc hội trên đường phố Hà Nội hôm 19/5/2021.)

Một số đại biểu Quốc hội Việt Nam trong các kỳ họp đều đem đến những tràng cười cho dân chúng, bởi những đề xuất hay những câu hỏi bị cho ngớ ngẩn, thậm chí lăng nhăng. Nguyên nhân vì đâu?

Mới đây nhất là đề xuất của một số đại biểu Quốc hội rằng, không cho phát hành bảng số xe có số cuối là 49 hoặc 53 với lý do, đây là những số xấu theo quan niệm dân gian.

Trước đây từng có những đề xuất bị cho là ngớ ngẩn như ‘kiểm tra lại với người đã có bằng nhưng không lái xe thường xuyên’ nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông của đại biểu Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; ‘phải đóng phí chia tay 3-5 Mỹ kim/người mỗi khi xuất cảnh’ của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (thành phố Hà Nội); đề nghị ra luật ‘để nam giới cũng phải mặc áo dài truyền thống thay vì mặc comple’ của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội); hay ‘giải quyết người tiêu dùng cố tình mua hàng giả’ của đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) nhằm bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững.

Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nhận định nguyên nhân một số đại biểu Quốc hội phát ngôn bị cho là ngớ ngẩn:

“Ở Quốc hội ở các nước xã hội chủ nghĩa mà chúng ta vẫn thường gọi tắt là các nước Cộng sản, nó chỉ là một thứ cây cảnh. Họ bày đặt ra như thế để quốc tế trông vào như là một nhà nước hoàn chỉnh, chứ thật ra bộ máy Quốc hội ở Việt Nam không có vận hành đúng như các nhà nước pháp quyền thực sự. Quốc hội là cơ quan dân cử đồng thời là cơ quan Lập pháp nhưng ở Việt Nam, Quốc hội nó không như vậy. Nó là một cơ quan Đảng cử nên gần như 100% đại biểu là đảng viên Cộng sản.

Họ không hề đại diện cho nhân dân nên họ có những phát biểu gây ra đàm tiếu, phê phán, chỉ trích trong Nhân dân. Điều đó thể hiện trình độ của họ rất thấp rất kém mặc dù họ khoác trên mình những danh hiệu như Giáo sư, Tiến sĩ. Kỳ họp nào cũng có những chuyện nực cười như vậy”.

Ông Nguyễn Khắc Toàn cho hay, ông đã đề nghị nhiều lần là nếu Đảng chưa thể tiến hành mở rộng dân chủ, xây dựng hệ thống đa đảng có tam quyền phân lập, có đảng đối lập thì ít nhất phải trả lại cho người dân quyền được bầu chọn nhân sự cho Quốc hội như mô hình của các nước dân chủ văn minh. Có như vậy thì Quốc hội mới thực sự là tiếng nói của nhân dân.

“Quốc hội phải được nhân dân bầu lên bằng lá phiếu. Không phải là xây dựng một xã hội Cộng sản thu nhỏ đủ các mọi thành phần mọi giai cấp ở Việt Nam hay như ở Trung Quốc và Liên Xô trước đâ. Một cái xã hội Cộng sản thu nhỏ như thế trong một phòng họp khoảng 500 đại biểu vừa tốn tiền ngân sách của Nhà nước mà không bảo vệ được gì cho sự phát triển của xã hội, cho sự hoàn thiện dân chủ của xã hội”.

Nhà báo Võ Văn Tạo thì cho rằng, các đề xuất ngớ ngẩn của một số đại biểu Quốc hội cho thấy trình độ tư duy cũng như năng lực của họ quá kém, cho dù họ là những đại biểu không tên tuổi hay những người có chức sắc như Bộ trưởng, Phó Thủ tướng… thì cũng có những phát biểu bị coi là lăng nhăng như nhau.

Tuy vậy, ông Võ Văn Tạo nói thêm:

“Trong khoảng 500 đại biểu Quốc hội mà tôi theo dõi mấy chục năm nay, tôi thấy cũng có một số vị có tư duy và có những người có những câu hỏi tốt, đúng trọng tâm và được người dân ủng hộ. Tôi nghĩ, đa số người dân Việt Nam đều muốn thay đổi ở mức độ này, mức độ khác. Nhưng khổ nỗi, về đường lối, khi Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tuyên bố độc quyền lãnh đạo thì có rất nhiều hệ lụy đi theo. Thứ nhất là nhân tài. Có nhiều người rất giỏi nhưng họ không được trọng dụng bởi họ không là đảng viên; không nịnh bợ; không lo lót; không con ông cháu cha… những người đó bị vứt vào ‘sọt rác lịch sử’ của cơ quan”.

(Hình AFP: Một kỳ họp Quốc hội trước đây.)

Quốc hội Việt Nam có quyền Lập hiến, quyền Lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, theo Hiến pháp 2013. Tuy có quyền Lập pháp nhưng suốt mấy chục năm qua, Việt Nam chưa có đạo luật nào mang tên các đại biểu Quốc hội. Thay vào đó, vào mỗi kỳ họp Quốc hội thì người dân lại có dịp cười nghiêng ngả với những đề xuất từ chính các đại biểu trong nghị trường. Luật pháp do Bộ Chính trị hay Chính phủ soạn thảo.

Có thể thấy điều đó tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sáng 16 tháng Tư năm 2018 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, Dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật”.

Một nhà báo từng nói với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) rằng: “Cái đặc biệt của các nước Cộng sản là Thường vụ Quốc hội có thể thay mặt Quốc hội. Khi cần thì một nhóm người có thể quyết định thay cho cả Quốc hội”.

Theo Hiến pháp Việt Nam, đại biểu Quốc hội là những người được nhân dân tín nhiệm bầu ra thông qua tổng tuyển cử tự do, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước, là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Việt Nam có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cơ quan và cá nhân bị chất vấn có nghĩa vụ trả lời chất vấn.

Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

Tuy vậy, một số đề xuất của đại biểu Quốc hội lại khiến dân “cười”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà ngôn ngữ học đang giảng dạy tại Đại học Sư phạm Tp. HCM, nêu nhận định của ông với RFA:

“Những đề nghị quái đản của họ tôi không lấy làm lạ vì nó không liên quan gì đến chuyện họ có trúng cử hay không. Tất cả họ do một người nào đó, không phải người dân quyết định số phận của họ. Cho nên họ chỉ cần được lòng người kia, chứ không cần biết họ giỏi hay dốt. Vì vậy họ phát ngôn điên rồ cũng không ai lạ”.

Chùa Thiên Quang, Tiếp Tục Bị Nhà Cầm Quyền Gây Sức Ép, Cưỡng Chế Tháo Dỡ Công Trình Đang Xây Dựng!


(Hình: Thượng tọa Thích Thiên Thuận (giữa) và Phật tử chùa Thiên Quang.)

Chùa Thiên Quang thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (UBCVN) vừa bị nhà cầm quyền huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đưa người và xe cẩu đến cưỡng chế tháo dỡ công trình nhà khách đang xây dựng dở dang.

Liên tiếp trong 2 ngày 10 và 11/11/2022, nhân lúc Thượng tọa Thích Thiên Thuận - trụ trì chùa Thiên Quang (tọa lạc tại xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) - đi vắng, nhà cầm quyền huyện Xuyên Mộc đã đưa người và xe cẩu, xe vận tải vào tháo dỡ công trình bằng gỗ cọc tiêu tận dụng, có diện tích khoảng 60 mét vuông.

Đây không phải lần đầu chùa Thiên Quang bị chính quyền gây sức ép dẹp bỏ bằng cách tháo dỡ các công trình đã và đang xây dựng, mà từ cuối năm 2021, cơ sở tôn giáo độc lập này đã từng nhận được quyết định của Uỷ ban nhân dân huyện Xuyên Mộc yêu cầu tháo dỡ các công trình mà chùa đã xây dựng từ năm 2000.

Thượng tọa Thích Thiên Thuận cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết trong ngày 13/11 rằng nhóm người của chính quyền đến thực thi việc cưỡng chế tháo dỡ công trình đang xây dựng của chùa chỉ mặc thường phục và không đưa ra bất cứ văn bản chính thức nào của nhà chức trách huyện Xuyên Mộc. Họ chỉ nói lý do tháo dỡ vì công trình xây dựng không có giấy phép.

Cũng theo Thượng tọa Thích Thiên Thuận, hành động trên của chính quyền huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không ngoài mục đích là nhằm dằn mặt nhà chùa vì không chịu gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ông nói:

“Họ tìm mọi cách để đàn áp lên công trình xây dựng hoặc phương tiện truyền giáo của chùa Thiên Quang để gây sức ép buộc mình theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam quốc doanh”.

Vị trụ trì cơ sở tôn giáo độc lập này cho rằng sở dĩ chùa không xin phép xây dựng nhà khách vì công trình này được lắp ráp bằng gỗ cọc tiêu tận dụng chứ không phải công trình kiên cố. Thêm nữa, ông nói, từ khi lập chùa cách đây hơn 20 năm đến giờ, chính quyền địa phương chưa bao giờ đồng ý cho chùa xây dựng bất cứ thứ gì cho dù chùa nộp đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu.

Luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng (không có liên quan tới chùa Thiên Quang) từ Sài Gòn, qua tin nhắn cho RFA biết:

“Về nguyên tắc, nếu (chính quyền-pv) muốn cưỡng chế gì thì phải thông báo trước. Tức là xác định hành vi xây dựng trái phép thì phải lập biên bản giải quyết vi phạm, sau đó mới cưỡng chế tháo dỡ được”.

Phóng viên gọi điện cho Phó Chủ tịch kiêm phát ngôn viên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trần Văn Tuấn để kiểm chứng thông tin nhưng ông này không nghe máy. Chúng tôi cũng gọi cho bà Lê Thị Trang Đài - Chủ tịch huyện Xuyên Mộc, tuy nhiên bà này nói rằng “không có nghĩa vụ trả lời phóng viên qua điện thoại”, rồi dập máy.

Chùa Thiên Quang được xây dựng từ năm 2000 trên mảnh đất 1,6 héc-ta gần thác Hòa Bình. Thượng tọa Thích Thiên Thuận cho biết việc xây dựng chùa chưa bao giờ được thuận lợi, trái lại, luôn bị sách nhiễu từ chính quyền địa phương chỉ vì chùa không chịu quy thuận Giáo hội Phật giáo Việt Nam - một tổ chức tôn giáo chịu sự quản lý của Nhà nước.

Tuy đứng tên sở hữu một mảnh đất thổ cư của chùa nhưng Thượng tọa Thích Thiên Thuận không được chính quyền địa phương cấp giấy tạm trú. Họ còn tịch thu sổ đỏ của một trong những phần đất của chùa mà đến giờ vẫn chưa trả lại.

Từ năm 2018, chính quyền huyện Xuyên Mộc vẽ ra một dự án xây dựng mương dẫn nước với mục đích giúp việc tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp ở khu vực gần chùa Thiên Quang, cho dù việc trồng tiêu ở đây đình đốn do giá tiêu giảm mạnh và người dân địa phương bán đất vườn gần hết.

Theo bản vẽ, con mương này có chiều rộng khoảng 20 mét, chạy cắt chéo mảnh đất hình chữ nhật của chùa, lấy hơn 3.000 mét vuông đất của cơ sở tôn giáo này và biến phần đất còn lại thành hai tam giác, rất khó cho việc quy hoạch lại chùa.

Nếu con mương này được xây như thiết kế thì nó sẽ lấy hết phần đất của chùa Thiên Quang gồm nhà khách, công trình công cộng, vệ sinh công cộng và phần nhà bếp của chùa, Thượng tọa Thích Thiên Thuận nói.

Vị thượng tọa phản đối kế hoạch chia cắt đất chùa bằng việc ba lần gửi đơn khiếu nại đến Ủy ban Nhân dân huyện và tỉnh. Trong đó, ông có đề nghị hiến một phần đất của nhà chùa để làm mương chạy theo một cạnh của hình chữ nhật thay vì đường chéo. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không đồng ý.

Đó cũng là lý do vào tháng 11 năm 2021, chính quyền huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có quyết định giải toả chùa Thiên Quang, buộc chùa phải tháo dỡ các công trình xây dựng trên đất chùa trong thời gian 2000-2018.

Thượng tọa Thích Thiên Thuận cho biết, năm 2021, đại diện của Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ và Tổng Lãnh sự Đức ở Sài Gòn đã đến thăm chùa và tìm hiểu tình hình. Sau chuyến thăm, hai cơ quan ngoại giao trên có gửi công hàm tới Sở Ngoại vụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với quan ngại về kế hoạch xây dựng của địa phương ảnh hưởng đến chùa Thiên Quang.

Về việc này, Thượng tọa Thích Thiện Thuận, cho biết qua tin nhắn như sau:

“Nhờ sự can thiệp của hai Tòa tổng Lãnh sự Đức và Hoa Kỳ nên nhà cầm quyền Cộng sản quan ngại. Họ cố thuyết phục theo GHPGVN nên (chùa-PV) còn tồn tại”.

Chúng tôi đã gửi email đến Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ và Đức ở Sài Gòn để đề nghị bình luận nhưng chưa nhận được phản hồi.

Việc chính quyền địa phương cố thuyết phục chùa Thiên Quang gia nhập tổ chức tôn giáo của Nhà nước cũng là nguyên nhân quan trọng khác, vị thượng tọa bổ sung.

“Có nhiều lần họ đến nói nếu thầy tham gia giáo hội (Giáo hội Phật giáo Việt Nam - PV) thì họ không làm kênh mương nước đó nữa”, vị tu hành này nhấn mạnh.

Theo vị sư trụ trì, hiện dự án xây dựng mương nước dường như đã dừng lại.

Thượng tọa cho biết dù chính quyền địa phương sách nhiễu nhà chùa và đe dọa Phật tử bằng cách lắp đặt camera theo dõi ở gần cổng chùa nhưng Phật tử địa phương và khắp nơi vẫn đổ về chùa ngày càng nhiều vì “Phật tử có khát vọng về Phật giáo truyền thống”, theo lời Thượng tọa Thích Thiên Thuận.

Đại Biểu Quốc Hội Quan Ngại và Đề Nghị Sửa Đổi Quy Định Thu Hồi Đất


(Hình: Đoạn đường vào làng Đồng Tâm bị chặn khi các cuộc biểu tình xảy ra giữa bối cảnh tranh chấp đất đai của người dân làng và chính quyền hồi đầu năm 2020.)

Hôm 14/11/2022, các đại biểu Quốc hội nêu quan ngại về quy định thu hồi đất mà họ cho là không rõ ràng và đề nghị Chính phủ đưa vào Dự luật Đất đai sửa đổi nguyên tắc thu hồi đất trong đó bảo đảm người dân có điều kiện sống tốt hơn, theo truyền thông trong nước.

Dự luật Đất đai sửa đổi được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trình lên Quốc hội Việt Nam hôm 1/11 và đang được các đại biểu Quốc hội bàn thảo cũng như góp ý.

Việc thu hồi đất đã gây ra nhiều tranh chấp giữa chính quyền và người dân trong nhiều năm qua, trong đó đặc biệt là vụ đụng độ giữa người dân làng Đồng Tâm và cảnh sát Hà Nội khiến một số người thiệt mạng hồi đầu năm 2020. Việc đền bù đất đai không thỏa đáng của chính quyền cũng khiến nhiều người dân bất bình và khiếu kiện.

Quy định thu hồi đất nói chung và cơ chế đất đai cho dự án đô thị, nhà ở thương mại tại Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tiếp tục là vấn đề khiến các đại biểu quan ngại, theo Báo Đầu Tư.

Hiến pháp Việt Nam quy định Nhà nước được quyền thu hồi đất, nhưng phải đủ các điều kiện, gồm “thật cần thiết”, theo luật định và vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Mai Thị Phương Hoa của Nam Định được Báo Đầu Tư trích lời nói rằng Dự thảo không có quy định thế nào là trường hợp “thật cần thiết”. Đại biểu này cho rằng, trên thực tế trong thời gian qua, khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập dự án thu hồi đất đã tự quy định và thuyết minh về sự cần thiết cho từng dự án. Theo bà Hoa, điều này tạo ra sự không thống nhất, dễ thực hiện theo ý muốn chủ quan của họ và có trường hợp tạo ra sự lạm dụng.

Vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm xảy ra khi Chính phủ ra quyết định cấp đất xây dựng phi trường quân sự Miếu Môn bao trùm lên đất nông nghiệp của người dân tại đây. Tuy nhiên, người dân xã Đồng Tâm không đồng tình việc chính quyền địa phương thu hồi đất canh tác của họ rồi giao cho Công ty Viettel do quân đội quản lý. Gần 30 người dân làng này đã bị đưa ra xét xử sau vụ đụng độ với chính quyền hồi đầu năm 2020.

Một đại biểu của Kon Tum có tên Tô Văn Tám cho rằng người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt thòi nếu việc thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế-xã hội cho lợi ích của cộng đồng, nhà nước, nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc một nhóm người. Ông Tám, được Báo Đầu Tư trích lời, còn cho rằng việc chính quyền nhà nước thu hồi đất đai của chủ thể này trao cho một chủ thể khác bằng một mệnh lệnh hành chính tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, nhiều nguy cơ lạm quyền gây bất bình trong nhân dân.

Việc cưỡng chế đất của chính quyền đối với hàng trăm gia đình dân sinh sống lâu đời tại khu Vườn rau Lộc Hưng ở quận Tân Bình của thành phố Sài Gòn hồi năm 2019 đã gây ra bất bình trong công luận. Người dân tại đây đã làm đơn tố cáo việc giải tỏa đất để tiến hành xây dựng các dự án của một công ty cũng như liên tục khiếu nại và kiến nghị tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng không được giải quyết.

Vấn đề cưỡng chế đất tại Lộc Hưng đã được đưa ra tại một buổi họp tại Quốc hội Mỹ do Dân biểu Alan Lowenthal chủ trì hồi tháng 1/2019. Dân biểu Mỹ cho rằng chính quyền Việt Nam đang gạt sang một bên những người sở hữu đất ‘thấp cổ bé họng’ cho các dự án bất động sản sinh lời trong khi trả rất ít tiền đền bù cho những người bị mất đất.

Nguyên nhân dẫn đến các sự việc nghiêm trọng như vụ Vườn rau Lộc Hưng và nhiều sự việc trước đó cũng như sau này, được xem là xuất phát từ sự bất cập của quy định, được cho là không phù hợp thực tiễn trong nước và quốc tế của luật đất đai hiện hành ở Việt Nam, trong đó quy định “quyền sở hữu đất đai thuộc về toàn dân” do nhà nước quản lý.

Cho ý kiến Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ngày 14/11, hàng chục đại biểu Quốc hội còn đề nghị ban soạn thảo quy định chi tiết nội dung “Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người dân có chỗ ở, thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ”, theo VnExpress.

Theo kế hoạch, Dự luật đất đai được các đại biểu cho ý kiến và thảo luận trong 3 kỳ họp Quốc hội trước khi được thông qua vào cuối năm sau.

Từng ‘Bảo Đảm Quyền Lợi’ Người Mua Trái Phiếu, Nay Bộ Tài Chánh Phủi Tay Vô Trách Nhiệm, Nói Hãy ‘Tự Chịu Trách Nhiệm!’


(Ảnh: Một số người tụ tập, kêu cứu trước Ủy ban chứng khoán nhà nước Việt Nam về trái phiếu doanh nghiệp.)

Bộ Tài chánh Việt Nam vừa ra thông báo nói rằng nhà đầu tư cần phải tự đánh giá mức độ rủi ro và tự chịu trách nhiệm về quyết định của họ trong việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, theo tường thuật của báo chí Việt Nam hôm 14/11/2022.

Tin cho hay Bộ Tài chánh giải thích rằng trái phiếu doanh nghiệp là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất và được doanh nghiệp trả lãi, gốc khi trái phiếu đến hạn.

Bộ khẳng định trái phiếu doanh nghiệp không phải là loại hình tiền gửi tiết kiệm ngân hàng và có độ rủi ro cao hơn sản phẩm này. Phần chênh lệch lãi suất cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp, bộ nói.

Vì bản chất như vậy, nhà đầu tư cần phải tự đánh giá về mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, về hạn chế trong giao dịch trái phiếu, và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình, bộ lưu ý.

Nhà đầu tư cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định nêu trong tài liệu liên quan đến trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp, bộ khuyến cáo, và nói thêm rằng nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan.

Thông báo mới nhất của Bộ Tài chánh được đưa ra trong bối cảnh những ngày gần đây có nhiều người biểu tình trước trụ sở Ủy ban chứng khoán nhà nước Việt Nam và một số chi nhánh ngân hàng vì họ lo sợ bị mất các khoản tiền đầu tư vào trái phiếu của một số doanh nghiệp.

Theo số liệu nêu trong một bài báo hôm 14/11 của tạp chí Kinh Tế Sài Gòn online, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam tính đến thời điểm cuối tháng 9/2022 là hơn 1,3 triệu tỉ đồng, tương đương với hơn 13% GDP năm 2021.

Trong đó, nếu loại bỏ các trái phiếu ngân hàng, số dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là gần 909 ngàn tỉ đồng, các nhà phát hành bất động sản đóng góp 455 ngàn tỉ đồng.

Thông báo vừa được Bộ Tài chánh đưa ra thừa nhận rằng đi cùng với sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã xuất hiện “một số tồn tại”.
Đó là có doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn, lãi suất cao trong khi tình hình tài chánh hạn chế; một số tổ chức cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng dịch vụ; một số nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất, không đánh giá đầy đủ đặc điểm, bản chất của trái phiếu doanh nghiệp; một bộ phận nhà đầu tư cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Bộ Tài chánh cho biết phía nhà nước “sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát” cùng với “các giải pháp giải quyết nghiêm” để giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp điều chỉnh, hướng tới thị trường hoạt động hiệu quả hơn.

Thông báo mới nhất của bộ thể hiển một tinh thần khác so với cách đây hơn một tháng. Theo tìm hiểu của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), nói với báo chí hôm 10/10, Bộ trưởng Tài chánh Hồ Đức Phớc cho biết “sẽ bảo đảm quyền lợi” cho những người đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Phớc được trích lời nói rằng: “Vừa qua, một số doanh nghiệp chứng khoán đã vi phạm pháp luật khi đưa ra thông tin lừa dối khách hàng và bị xử phạt hình sự, song việc bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc. Theo đó, các công ty phát hành đều cam kết sẽ trả đúng hạn những trái phiếu đến hạn trả nợ. Bộ Tài chánh sẽ tích cực giám sát để bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư”.

Phát biểu của Bộ trưởng Phớc được đưa ra sau khi vỡ lở ra các vụ gồm tập đoàn Tân Hoàng Minh lừa dối khách hàng khi phát hành trái phiếu, công ty An Đông và một số pháp nhân liên quan lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt với cáo buộc gian dối trong phát hành và mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng.

Nạn Nhân Trái Phiếu An Đông: ‘Chúng Tôi Bị Dụ, Nói Trắng Ra Là Bị Ép Buộc Mua!’


(Ảnh: Người dân biểu tình trước chi nhánh ngân hàng SCB ở Hà Nội hôm 12/11/2022.)

Một nạn nhân vụ lừa đảo trái phiếu của tập đoàn Vạn Thịnh Phát nói với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) rằng ông đã bị ngân hàng SCB dẫn dắt vào con đường mua trái phiếu và ông mua là do ông ‘tin tưởng vào ngân hàng’ chứ bản thân ông ‘không biết gì về trái phiếu’.

Sự việc trái phiếu của tập đoàn Vạn Thịnh Phát đổ bể có nguy cơ gây hỗn loạn cho xã hội Việt Nam với hơn 40.000 nạn nhân từ khắp mọi nơi trên cả nước với số tiền thiệt hại lên đến 25.000 tỉ đồng, tức hơn 1 tỉ Mỹ kim. Nhiều gia đình đã lâm vào thảm cảnh với số tiền họ làm lụng, tích cóp cả đời có nguy cơ mất trắng.

Hôm thứ Bảy (12/11/2022), hàng trăm nạn nhân đến trước các chi nhánh ngân hàng SCB ở Hà Nội, Tp. HCM và các thành phố lớn khác trên cả nước để biểu tình. Hình ảnh lan truyền cho mạng xã hội cho thấy người biểu tình mang theo biểu ngữ và hô vang các khẩu hiệu lên án SCB lừa đảo, đòi ngân hàng trả tiền và kêu gọi chính phủ vào cuộc để ‘cứu dân’.

Công ty cổ phần đầu tư An Đông, một thành viên của tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan, đã phát hành lượng trái phiếu lớn có kỳ hạn 5 năm. Công ty chứng khoán Tân Việt là nhà phát hành, lưu ký trái phiếu trong khi ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn, tức SCB, là bên môi giới bán trái phiếu cho người dân.

Bà Lan và một số thành viên cao cấp của Vạn Thịnh Phát đã bị bắt hôm 8/10 để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà cụ thể là gian dối trong việc phát hành trái phiếu để lừa tiền của người dân.

Không Hề Muốn Mua Trái Phiếu’

Từ thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, nơi có 300 nạn nhân với số tiền bị lừa đảo là 500 tỉ đồng, ông Nguyễn Đình Thịnh, 50 tuổi, nói ông cùng với các nạn nhân khác đều đã làm đơn gửi lên công an tỉnh tố cáo ngân hàng SCB lừa đảo.

Ông Thịnh đã mua 2 gói trái phiếu của An Đông với tổng trị giá 400 triệu đồng, một gói cố định và một gói linh hoạt, ông cho biết.

Khi được hỏi về lý do mua trái phiếu, ông Thịnh giãi bày: “Thực ra tôi cũng như tất cả mọi người dân khác đến SCB với mục đích ban đầu chỉ là để gửi tiết kiệm chứ đâu có biết mua trái phiếu gì đâu”.

“Nhưng tôi bị nhân viên ngân hàng lèo lái sang mua trái phiếu. Họ nói anh nên mua cái này với lãi suất cao hơn từ 1 đến 1,5%, thay vì gửi tiết kiệm”, ông kể và cho biết lãi suất gửi tiết kiệm ở SCB là 7,5%, trong khi lãi suất trái phiếu là từ 8,5 đến 9% tùy gói.

Có hai gói trái phiếu là gói linh hoạt và gói cố định. Gói cố định có kỳ hạn một năm còn gói linh hoạt có thể được bán, hay chuyển nhượng bất cứ lúc nào, ông Thịnh thuật lại những gì ông được ngân hàng tư vấn.

“Tôi hỏi có rủi ro gì không, cô nhân viên tên Thủy ở chi nhánh SCB ở số 2 đường Sương Nguyệt Ánh, thành phố Vinh, nói trái phiếu này qua ngân hàng bán ra nên không có rủi ro gì đâu”, ông kể.

Thậm chí ngân hàng còn không nói trái phiếu đó là của ai. “Họ chỉ đưa một tập hồ sơ cho mình ký và nói 10 ngày sau đến lấy trái phiếu”, ông nói thêm và cho biết đến khi nhận trái phiếu ông mới biết đó là trái phiếu của công ty An Đông.

Theo lời ông giãi bày thì ông đặt bút ký vì ông ‘yên tâm ngân hàng sẽ không lừa ông’ vì ông là ‘khách hàng thân thiết của ngân hàng’.

“Thực ra tất cả những người bị SCB lừa đều có niềm tin vào ngân hàng”, ông khẳng định.

Ông cho biết ông mua hai gói trái phiếu vào các năm 2021 và 2022. Số trái phiếu này được phát hành vào ngày 10/9 năm 2018 và sẽ đáo hạn vào ngày 11/9 năm 2023.
Trái chủ này khẳng định nếu biết mức độ rủi ro cao như vậy thì ‘dù lãi suất 30% cũng không mua chứ đừng nói chỉ cao hơn lãi suất tiết kiệm có 1%’.

“Họ nói anh phải đầu tư cái này dù lúc đầu tôi từ chối. Họ tìm cách dụ mình mua cho bằng được”, ông nói và cho biết sau này ông mới biết các nhân viên ngân hàng tư vấn cho ông đã được cấp trên giao chỉ tiêu và đối với mỗi giao dịch trái phiếu thành công, họ được hưởng 0,25% tiền hoa hồng.

“Nếu họ bán được gói trái phiếu 200 triệu họ kiếm được 500 ngàn đồng, nếu bán được 1 tỉ họ được 2,5 triệu. Một ngày nếu kiếm được 3, 4 khách thì họ có được vài triệu bỏ túi”, ông giải thích.

Ông nói bản thân ông không biết gì về trái phiếu, cổ phiếu hay tiền ảo. Bản thân ông sợ ‘phập phồng lo sợ’ nếu giá lên xuống thất thường nên ‘muốn tìm nơi đầu tư an tâm là gửi tiết kiệm để kiếm lời vài phần trăm mỗi tháng’.

“Ngân hàng hoàn toàn giấu diếm những rủi ro của trái phiếu. Họ lợi dụng niềm tin vào ngân hàng để lừa đảo khách hàng. Khi tư vấn họ toàn nói những điều tốt đẹp”, ông Thịnh bất bình.

‘Hiện Rất Khổ Sở’

Khi được hỏi về lập luận của phía ngân hàng là ‘họ chỉ là bên môi giới nên không chịu trách nhiệm về trái phiếu của An Đông, ông Thịnh phản bác: “Họ là bên bán sản phẩm họ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm đó chứ. Chẳng hạn như tiệm thuốc bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, họ không thể chỉ nói thuốc đó là của doanh nghiệp sản xuất, họ không biết”.

Khi được hỏi về hậu quả đối với ông và gia đình, ông Thịnh òa khóc nức nở và nói đó là số tiền ông ‘tích cóp trong 20 năm định dàm dụm đủ thì xây nhà’. Ông cho biết ông sợ gia đình ông đau lòng nên đến giờ vẫn giấu kín.

Ông còn kể trường hợp một bà cụ bán nhà được 2 tỉ, đem ra ngân hàng định gửi tiết kiệm tạm thời trong vài tháng để chờ mua một mảnh đất khác làm nhà nhưng lại bị nhân viên ngân hàng dụ mua gói trái phiếu linh hoạt.

“Bà cụ khóc hết nước mắt. Bà nói nếu không lấy được tiền chắc bà chết. Nhiều người hiện rất khổ sở”, ông thuật lại.

Ông cho biết sau khi sự việc đổ bể, ban đầu ngân hàng cũng trấn an nhưng bây giờ ông thấy khả năng ông lấy lại được tiền ‘chỉ là 50-50’.

“Họ có cuộc họp với trái chủ và nói là ngân hàng sẽ đồng hành với người dân để bảo đảm quyền lợi của họ nhưng đến giờ họ cũng không có hành động gì”, ông nói. “Những câu hỏi khó như ‘ngân hàng có bao nhiêu phần trăm trách nhiệm trong việc này’ thì họ không trả lời”.

“Họ chỉ nói là bây giờ tình hình chung cả nước là như thế, phải chờ cơ quan điều tra làm việc xong thì mới giải quyết”, ông nói thêm.

Về cô nhân viên tên Thủy đã dụ ông mua trái phiếu, ông nói hầu hết những nhân viên ngân hàng dụ người dân mua trái phiếu ‘đều đã nghỉ việc cách nay 2-3 tháng rồi’.

Trong tình hình này, ông nói ông hy vọng chính phủ sẽ có biện pháp cứu người dân, ‘chẳng hạn như thanh lý tài sản Vạn Thịnh Phát để đồng tiền xương máu của người dân trở về với họ’.

Doanh Nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Bị Đề Nghị Truy Tố Dù Đang Bị Truy Nã!


(Ảnh: Truy nã quốc tế về hai tội danh “quy định về vi phạm đấu thầu” và “đưa hối lộ”.)

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa đề nghị truy tố nữ doanh nhân từng có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Nhàn, hiện đang bị truy nã quốc tế, sau khi đưa ra kết luận trong một vụ án điều tra rằng cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) đã đưa hối lộ hàng chục tỉ đồng.

Bà Nhàn, người bị xem là đã “thực hiện nhiều dự án tai tiếng” ở Việt Nam, bị Bộ Công an khởi tố và đưa ra lệnh bắt tạm giam hồi cuối tháng Tư cùng với 7 người khác với cáo buộc rằng họ có “những sai phạm” liên quan đến việc mua sắm thiết bị y tế trong quá trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại tài sản nhà nước trị giá 152 tỉ đồng.

Bộ Công an sau đó vào đầu tháng Năm phát lệnh truy nã với bà Nhàn vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và cho biết nữ doanh nhân này đã bỏ trốn từ ngày 19/6/2021.

Trong kết luận điều tra mà Bộ Công an vừa đưa ra liên quan đến vụ án ở Đồng Nai được Tuổi Trẻ trích dẫn, cơ quan cảnh sát điều tra cho rằng bà Nhàn, ngoài vi phạm về quy định đấu thầu, còn mắc tội nhận hối lộ. Cơ quan này kết luận rằng bà Nhàn, còn được cho là một “nhân vật sân sau của nhiều viên chức” ở Việt Nam, đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh này tổng số tiền lên đến gần 44 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra nói rằng, căn cứ kết quả thu thập tài liệu và lời khai của các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cùng các bị can, họ có đủ cơ sở xác định bà Nhàn là “chủ mưu, cầm đầu và chịu trách nhiệm chính trong vụ án” dù đang bỏ trốn.

Bà Nhàn bị Bộ Công an đề nghị với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố với hai tội danh về vi phạm quy định đấu thầu và đưa hối lộ, theo Người Lao Động. Ngoài bà Nhàn, còn có 35 bị can khác, gồm có nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và AIC, cùng bị cơ quan điều tra của Bộ Công an đề nghị truy tố trong vụ án ở Đồng Nai.

Theo Bộ Công an, ngoài bà Nhàn, còn có 7 bị can bị đề nghị truy tố trong đợt này, đã bỏ trốn và đều bị truy nã. Trong thông báo mà cơ quan điều tra của bộ này phát đi hôm 11/11, Bộ Công an kêu gọi bà Nhàn cùng các bị can đang bỏ trốn ra đầu thú “để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước”.

Bà Nhàn, được biết là một “nhân vật quan trọng” trong việc thúc đẩy cũng như môi giới các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Do Thái và Việt Nam trong thập niên qua, còn bị công an Việt Nam khởi tố và điều tra trong vụ án khác liên quan đến công ty AIC mà bà lãnh đạo, xảy ra ở Quảng Ninh, cũng về vi phạm đấu thầu.

Trong vụ án này, bà Nhàn và các bị can bị cáo buộc có hành vi “thông đồng” và “móc ngoặc” để “nâng giá thiết bị y tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hàng chục tỉ đồng” trong dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản nhi của tỉnh, với tổng mức đầu tư hơn 238 tỉ đồng.

Theo Dân Trí, việc bà Nhàn bị đề nghị truy tố khi đang bị truy nã là trường hợp “hi hữu trong lịch sử tố tụng hình sự” ở Việt Nam. Tiến sĩ-Luật sư Đặng Văn Cường nói với tờ báo này rằng theo quy định của pháp luật thì việc truy tố bị can chỉ có thể diễn ra khi bị can bị bắt truy nã hoặc đầu thú trước khi viện kiểm sát ban hành cáo trạng. Nhưng theo vị Luật sư này, đây là trường hợp đặc biệt và về mặt lý thuyết thì tòa án vẫn có thể xét xử đối với bị cáo đang bị truy nã.

Thông báo của cơ quan điều tra của Bộ Công an đưa ra hôm 11/11 nói rằng nếu bà Nhàn và các bị can bị đề nghị truy tố tiếp tục bỏ trốn thì cơ quan này “coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa”.

Hiện không rõ bà Nhàn đang ở đâu nhưng Việt Nam trong tháng này yêu cầu Mỹ phối hợp truy bắt tội phạm kinh tế, những người được cho là “lợi dụng Hoa Kỳ làm địa bàn lẩn trốn”.

Theo truyền thông Do Thái đưa tin hồi tháng Năm, bà Nhàn, từng được tạp chí Forbes bình chọn vào danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam, bị ra lệnh bắt giam vì tham gia vào các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và Do Thái. Báo chí Pháp vào năm 2021 cũng đưa rin rằng bà Nhàn, người từng nhận nhiều giải thưởng được xem là “cao quý” trong đó có giải thưởng của chính phủ Nhật Bản, có liên quan đến việc buôn bán vũ khí giữa Việt Nam và Do Thái.

Việc khởi tố bà Nhàn cùng nhiều viên chức trong các vụ án ở Đồng Nai và Quảng Ninh là một phần của chiến dịch chống tham nhũng, đã mở rộng từ các bộ ngành sang các doanh nghiệp, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động trong 6 năm qua.

Đẳng Cấp Quan Bà: Trai Ngoan Đồng Nai, Mang Tiền Về Cho Vợ!

(Bình luận của Bằng Phương)


(Hình: Cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành và biệt phủ ở thành phố Biên Hòa.)

Theo kết luận điều tra của Cơ quan điều tra (C03) Bộ Công an, cựu Bí thư Tỉnh ủy và cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, mỗi người đã nhận hối lộ 14,5 tỉ đồng từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Công ty AIC để công ty này trúng thầu cung cấp thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai (xây mới).

Fans Bự của Đen: Mang Tiền Về Cho Vợ

Không biết có phải fans của Đen vâu không nhưng hai vị cựu viên chức trên đã rất nghiêm túc thực hiện lời khuyên Mang tiền về cho vợ.

Sau khi nhận tiền từ tay cô em gái nương tựa, hai trai ngoan Đồng Nai đã yêu cầu Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai “tạo mọi điều kiện” để AIC trúng thầu.

Ông Vũ cũng ăn được một khoản tiền tương đương với hai đại ca của mình, có phần nhỉnh hơn vì ông là người trực tiếp sắp xếp, điều chỉnh danh mục thiết bị đầu tư cho bệnh viện, làm việc với cơ quan thẩm định giá, chuẩn bị hồ sơ đưa những công ty ma vào đấu thầu giả, để bảo đảm AIC trúng thầu trong một quy trình thoạt nhìn thì hoàn toàn hợp pháp, hợp lệ.

Ông Trần Đình Thành không nổi tiếng lắm trong quá trình làm viên chức ở tỉnh Đồng Nai, mặc dù quan trường của ông rất đáng nể: Liên tiếp hai nhiệm kỳ liền, suốt 10 năm ngồi chắc ở ghế Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh rất “dữ”.

Dữ vì nó giàu. Doanh nghiệp đổ đống ở các khu công nghiệp, khu chế xuất của Đồng Nai, tiền cống nạp nứt bụng quan tham. Thế nhưng do nằm sát bên thành phố Sài Gòn quá hoành tráng nên mọi sự soi mói của công quyền, báo chí và dư luận đều trút hết vào đô thị lớn nhất nước này. Còn Đồng Nai, trong hình dung chung của xã hội vẫn là một tỉnh lẻ đang phát triển, còn nửa tỉnh nửa quê, ngổn ngang và thô tháp. Nó được hưởng lợi từ sự quên lãng của thông tin nên nếu các quan anh kheo khéo ngậm miệng thì cứ mặc sức ăn tiền. Miễn đừng tạo ra các cú nổ thu hút quá nhiều dư luận thì ăn đến mấy đời sau chưa hết.

Miếng bánh vừa béo vừa ngọt như vậy mà không bị giành giật quyết liệt mới là chuyện lạ. Các đời lãnh đạo trước có lẽ giành ăn lộ liễu quá nên bị tố cáo rất nhiều và xộ khám cũng mau lẹ. Cho nên việc ông Trần Đình Thành giữ chắc được cái ghế Ủy viên Trung ương và Bí thư Tỉnh ủy suốt hai nhiệm kỳ trong khi vẫn “ăn” thun thút, thì có lẽ một phần nguyên nhân là do ông này chịu chia phần đều đặn chứ không cố nuốt một mình.

Ông Thành, ông Thái, ông Vũ… những người liên quan có chức vụ cao nhất trong vụ đồng tình rỉa của ngân sách Nhà nước ít nhất hơn 150 tỉ chỉ qua vụ này (theo số liệu của Thanh tra Nhà nước). 150 tỉ ăn chặn vào chất lượng của các thiết bị y tế, các phương tiện khám chữa bệnh. Nếu nó trót lọt thì chỉ vài năm thôi, máy chạy thận của bệnh viện sẽ hỏng, dao mổ cùn đến mức cứa mấy lần mới đứt da, bệnh nhân nằm chật chội thiếu vệ sinh nhưng vẫn phải trả đủ tiền giường, phải trả bảo hiểm cao hơn mặc dù được miễn phí, thiết bị không được khử khuẩn đúng quy định, hay thời gian được khám, thăm, hỏi bệnh của mỗi người bệnh đều bị rút ngắn….

Nhấn mạnh - đó mới chỉ là một dự án trong hàng trăm dự án xây dựng lớn được đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong một giai đoạn ngắn.

Thế nhưng, nhìn vào sự bình tĩnh và thái độ thoải mái khoe của cải của những người này sau khi an toàn hạ cánh về hưu (ông Thành nổi tiếng dưới cái tên Mười Thành chủ vườn kiểng Dona gồm hàng trăm cây kiểng đắt tiền ở Đồng Nai), có thể đoán họ rất tin tưởng vào đường dây ăn hối lộ mà họ tham gia và từng là những chủ hụi ở Đồng Nai. Một đường dây kín kẽ đến nỗi suốt nhiều năm không nổi lên một thông tin nào nghi vấn về nguồn gốc số tài sản đồ sộ mà họ nắm giữ chỉ bằng cái tài làm lãnh đạo. Lương của quan đầu tỉnh chỉ mười mấy triệu đồng/tháng, thế mà hai trai ngoan cứ đều đều vài tháng lại mang vài tỉ về cho vợ.


(Hình: Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.)

Đẳng Cấp Quan Bà

Đến đây phải mở rộng bình luận sang hai bà vợ quan nói trên. Cả hai bà đều khai nhận đã dùng tiền chồng đưa để gửi tiết kiệm, mua bất động sản; vợ ông Thái còn gửi tiền cho hai con gái đang du học tại Mỹ. Vẫn theo cơ quan điều tra thì hai bà đều không hỏi chồng nguồn gốc tiền này từ đâu ra.

Vỗ tay! Thật xứng đôi vừa lứa. Trai ngoan lại gặp gái hiền, tổ tiên nhà hai ông Thành và Thái mả táng hàm rồng. Hai bà vợ quả thật đã thấu đạt ý nghĩa tinh tuyền của đạo lý làm vợ quan. Đấy là không bao giờ tìm hiểu về nguồn gốc đồng tiền ông chồng đưa về từ sàn đấu quan trường. Mặc nhiên tiền vào nhà quan là của quan, cứ ngoan ngoãn nhắm mắt mà nuốt thôi.

Chắc nhiều người đã biết hậu trường nhà quan vốn cũng ly kỳ và đầy ái ố không kém gì các truyện ngôn tình quan đấu Trung Hoa. Các ông chồng có liên minh, có phản phúc, có nịnh nọt luồn lách và đường dây để lên quyền lên chức thì các bà vợ cũng vậy. Các bà vợ quan nhỏ luôn tìm cách kết thân với vợ các quan lớn hơn. Khen đẹp, khen có phúc phần, tặng những thứ quà cáp mà phụ nữ say mê còn hơn cả ông chồng say mê quyền và tiền. Phụ nữ thường dễ bắt thân với nhau hơn đàn ông. Rủ nhau đi mua sắm, chọn trường cho con, tặng nhau các gói spa dưỡng da, thẩm mỹ làm đẹp từ sợi tóc đến gót chân. Các set mỹ phẩm đắt tiền. Quần áo túi xách đồ trang sức hàng hiệu đắt đỏ. Các thực phẩm chức năng quái lạ nhất giúp trẻ hóa, đẹp hóa. Các thứ thuốc của các hãng dược đắt nhất thế giới cho đến lá bùa của ông lang bà mế giúp ông chồng quan to mê vợ như sam, đặc biệt là không đem tiền cho con khác. Thậm chí để thắt chặt quan hệ và đặt lòng tin, các bà không ngại đến tận nhà các quan trên đưa rước con cái cháu chắt, rửa chén, quét nhà, giặt giũ phơi phóng, ủi đồ, nấu ăn, đi chợ, làm chân sai việc vặt… như những nô gia tận tụy nhất. Và cũng trung thành nhất-cho đến khi họ tìm được chủ mới.

Đến lượt mình, việc nhà của các bà lại có các quan bà cấp thấp hơn làm giúp. Và trong khi lê lết hai đầu gối đi cầu thân, cầu lợi cho chồng, thì đến ngày các ông chồng liên minh với nhau, các chị cũng củng cố địa vị vững chắc, bắt đầu buông rèm nhiếp chính. Cứ thế, chuỗi xích kết phe phái bất ngờ thay lại bình đẳng giới hơn nhiều lĩnh vực khác: công ông 50 thì công bà cũng ít nhất 50.

Mới cách đây 4 tháng, Tòa án quân sự Quân khu 7 xét xử Sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu xăng dầu, nhận hối lộ… diễn ra tại vùng 3 và vùng 4 (Vùng cảnh sát biển). Khá hy hữu là cả chồng lẫn vợ cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, ông Lê Xuân Thanh đều sóng vai nhau đứng sau vành móng ngựa. Vợ của cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cũng liên quan nhưng không bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Hai quan bà nói trên đã đứng ra thay chồng giao dịch, nhận tiền hối lộ từ một trùm buôn lậu xăng dầu trên biển.

Báo Lao Động mô tả sự việc rất thú vị:

“Tháng 1/2020, Hữu (trùm buôn lậu nói trên) cùng con trai đến nhà ông Thanh ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đặt vấn đề và được ông Thanh đồng ý. Hôm đó, Hữu xin số điện thoại của ông Thanh nhưng vị tư lệnh đọc cho Hữu số của vợ mình là bà Phan Thị Xuân.

Từ tháng 3/2020, Hữu đã chỉ đạo con trai hàng tháng hối lộ cho ông Thanh thông qua hình thức mang tiền đến Bà Rịa-Vũng Tàu để đưa cho bà Xuân. Mục đích để ông Thanh giúp đỡ, bảo kê các tàu buôn lậu xăng trên biển.

Theo cáo buộc, từ tháng 3/2020 đến tháng 1/2021, bị can Hữu đã giao 1,8 tỉ đồng cho con mình để đưa cho bà Xuân. Ban đầu, bà Xuân đều thông báo cho chồng việc nhận tiền từ con trai của Hữu. Ông Thanh nghe vợ kể lại nhưng không nói gì.

Tuy nhiên, từ khi nhờ và chi tiền cho ông Thanh, các tàu chở hàng lậu của nhóm bị can Hữu không bị Cảnh sát biển Vùng 3 kiểm tra, bắt giữ”.

Mới năm trước, một quan bà khác là vợ của ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng bị phanh phui trước tòa. Quan bà này đã góp vốn năm tỉ đồng để lập một công ty kinh doanh, đứng tên hai đứa con (mà ông chồng khai trước tòa là không hề biết!) Tuy nhiên, toàn bộ hồ sơ đều do bà thành lập, giả chữ ký của con trai để ký. Bà cũng nhiều lần làm giả hồ sơ chuyển nhượng để cuối cùng tên của thành viên gia đình mình không còn trong công ty.

Loanh quanh một hồi, công ty này, được giới thiệu của chính ông Chung, đã bán nhiều mặt hàng trong lĩnh vực vệ sinh môi trường cho các đơn vị thuộc Ủy ban Nhân dân Hà Nội, thu hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận.

Phúc Đức Tại Mẫu
Truyền thống gia đình Việt Nam phân công người vợ là tay hòm chìa khóa, lo giữ tiền, quản gia và nuôi dạy con cái. Nếu vợ của các ông Thành, ông Thái, hai ông cựu thiếu tướng Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, ông Chung… có lần nào bị con lương tâm nhe răng cắn, khiến họ áy náy hay lo sợ về những đồng tiền bẩn thỉu nhận được thì có lẽ chồng họ cũng chẳng chìm sâu vào vũng bùn ăn hối lộ. Ông bà ta còn nhắc “Phúc đức tại mẫu”, mà đã có đức thì “mặc sức mà ăn”. Các vị mẫu kể trên có lẽ đã đọc nhầm tục ngữ nói trên thành phúc đức còn có một mẩu. Cho nên, để giữ gìn tinh thần nhân đạo của chúng ta thì không nên hình dung đoạn cuối của cuộc đời họ làm gì.

Đến đây kính mong các bác quan tòa Việt Nam đọc kỹ vụ này để khi kết án thì giữ vững quan điểm “điều gì kẻ đưa hối lộ đã kết hợp thì quan tòa không được phép phân ly”, hết sức giúp đỡ những đôi vợ chồng hòa thuận nói trên được bên nhau trong mọi nơi mọi lúc.

Duy có điều, tôi lưu ý bà vợ ông Thái. Chồng bà khai tiền hối lộ ông nhận để nuôi hai con du học Mỹ. Sai, đừng tin. Ở cỡ Chủ tịch một tỉnh công nghiệp, có đến hàng ngàn doanh nghiệp muốn xin đất, xin dự án, xin cơ chế, xin vốn… thì hai con chứ hai chục con của ông du học thì ông cũng chả phải bỏ ra một đồng nào. Du học Mỹ chứ du học mặt trăng thì doanh nghiệp cũng sẽ chạy chọt cho bằng được. Trai ngoan này khai mang tiền về cho vợ có đúng sự thực không, cũng xin quan tòa soi xét kẻo lại lọt người lọt tội.

Nhạc Trước 75, Tiếp Tục Là Lý Do Để Phạt Đơn Vị Tổ Chức Biểu Diễn!


(Hình: Cuộc thi Hoa khôi Nam Bộ 2022 ở thành phố Cần Thơ.)

Bài hát “Chiều Tây Đô” của cố nhạc sĩ Lam Phương là nguyên cớ để vào ngày 7/11/2022, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ ra quyết định xử phạt hành chính 25 triệu đồng đối với đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa khôi Nam Bộ 2022.

Truyền thông nhà nước cho biết Ban tổ chức cuộc thi là Công ty Cổ phần Giải trí Tiếp thị Tân Thành Công (Sài Gòn). Lý do phạt được nêu ra là “không thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng không bán vé xem biểu diễn nghệ thuật”.

Cụ thể, vào ngày 5/11 người dẫn chương trình (MC) đêm chung kết cuộc thi Hoa khôi Nam Bộ 2022 giới thiệu có bài hát Chiều Tây Đô trong các tiết mục biểu diễn đêm đó. Tổ Kiểm tra của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Cần Thơ cho rằng Ban tổ chức cuộc thi không thông báo nội dung này với cơ quan chức năng trước đó. Ngay lập tức, Tổ kiểm tra đã yêu cầu Ban tổ chức cuộc thi loại bỏ bài hát khỏi chương trình.

Đại diện Công ty Cổ phần Giải trí Tiếp thị Tân Thành Công trả lời sự việc với phóng viên Ðài Á Châu Tự Do (RFA) rằng đã ký vào văn bản xử phạt. Văn bản xử phạt đã ghi đầy đủ thông tin, ngoài ra không có ý kiến gì về sự việc này.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng khó hiểu trong việc một số bài hát vẫn bị cấm; dù đã có một danh sách các bài hát mà cơ quan chức năng Việt Nam không cho phép biểu diễn, ông nói:

“Hiện nay Cục (Cục Nghệ thuật Biểu diễn) có một danh sách bài nào không hát sẽ được đưa tin, bài nào không có trong danh sách thì vẫn được hát. Vấn đề là phải dựa vào cái đó. Mình không hiểu là những ca khúc nào không được cấp phép tại vì không rành danh sách đó nhưng nói tóm lại ca khúc bình thường, tình yêu sẽ được cấp phép, không vấn đề gì đâu”.

Phóng viên cũng liên lạc với Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch thành phố Cần Thơ nhưng không nhận được phản hồi.

Anh N.T.P, từng học tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tp. HCM, qua tin nhắn có ý kiến về tình trạng liên quan như việc cơ quan chức năng Cần Thơ buộc bỏ bài hát Chiều Tây Đô trong chương trình chung kết cuộc thi Hoa khôi Nam Bộ 2022:

“Những bài hát nhạy cảm quá bị cấm thì cũng hợp lý với chế độ. Nhưng tuy nhiên, nếu cấm những bài hát dòng nhạc xưa thì cũng nên có biện pháp hạn chế hoặc cấm những bài hát cổ xúy bạo lực, buông thả, không lành mạnh như một số bài hát dòng nhạc rap, nhạc chế, nhạc trẻ hiện nay.

Như vậy sẽ khách quan hơn, vừa không ảnh hưởng chế độ, vừa không ảnh hưởng xấu tới thế hệ trẻ. Việc cấm một số bài nhạc xưa nhưng lại buông lỏng quản lý nhạc trẻ tiêu cực như hiện nay còn tác hại hơn”.

Một số sự việc tương tự cũng xảy ra với một số sản phẩm âm nhạc xưa từ trước đến nay. Ngày 1/7, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo Công ty trách nhiệm hữu hạn Mây Lang Thang do để ca sĩ Khánh Ly hát ca khúc ‘Gia tài của Mẹ’ không nằm trong danh sách được cấp phép.

Đơn vị tổ chức buổi biểu diễn “Nhớ mùa Thu Hà Nội” là Công ty Cổ phần Quảng cáo Truyền thông S của ca sĩ này cũng bất ngờ nhận được công văn từ Nhà hát lớn Hà Nội thông báo hủy bỏ buổi biểu diễn trước khi nó dự kiến sẽ diễn ra tối 24/9 với lý do “cắt điện”.

Năm 2018, live show “Yêu Đời, Yêu Người” do nghệ sĩ Ngọc Huyền phối hợp với trung tâm băng nhạc Rạng Đông tổ chức đã bị sân khấu Lan Anh thông báo hủy trước giờ mở màn chỉ một tuần do phải nhường sân khấu cho hoạt động mừng ngày lễ của Bộ Quốc phòng. Thời điểm trước đó, báo Công an Tp. HCM có bài viết chỉ trích những bài hát có nội dụng “xuyên tạc đất nước”, “không đúng sự thật về Việt Nam” cụ thể là hai bài ‘Thương về vùng hỏa tuyến’ và ‘Quê hương bỏ lại’.

Năm 2017, năm ca khúc ra đời trước 1975, bao gồm: Cánh thiệp đầu Xuân (Lê Dinh-Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày Xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ-Hồ Đình Phương) bị cấm vĩnh viễn không được lưu hành do bị Hội đồng nghệ thuật của Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho là có ca từ sai với bản gốc.

Bài hát “Chiều Tây Đô” được sáng tác bởi nhạc sĩ Lam Phương, một trong những nhạc sĩ thế hệ trước 1975. Bài hát được ra đời vào khoảng thập niên 1980, cũng là thời điểm cao trào của sự kiện thuyền nhân vượt biển rời Việt Nam.

Trong thực tế, những tác phẩm âm nhạc được ra đời hoặc được sáng tác bởi những nhạc sĩ thế hệ trước 1975 đã và vẫn đang được công chúng nghe và hát với nhau trong suốt nhiều thập niên qua.

Xe Hơi Điện: VinFast Muốn Chen Chân Vào Thị Trường Âu Châu

(Thanh Phương)

Với giá từ 43.000 Euro, liệu chiếc xe hơi điện đầu tiên “made in Vietnam” có thể chinh phục được thị trường Âu Châu? Đó là nước cờ đầy mạo hiểm của VinFast, hãng sản xuất xe hơi của Vingroup, một tập đoàn vốn đã đầu tư vào nhiều ngành khác nhau, từ địa ốc, y tế, viễn thông cho đến giáo dục, giải trí, nay cũng muốn chen chân vào thị trường xe hơi thế giới.

Nhân Triển lãm xe hơi quốc tế Paris 2022 (17 đến 23/10/2022), VinFast đã giới thiệu bốn kiểu xe hơi chạy điện 100%, đó là các chiếc SUV (xe thể thao đa dụng) VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9. VinFast đã từng tham gia Triển lãm xe hơi Paris lần đầu tiên vào năm 2018, nhưng lần đó chỉ giới thiệu các kiểu xe chạy xăng.

Để chinh phục thị trường Âu Châu, VinFast đã tuyển dụng một nhân vật “thâm niên công vụ” trong ngành xe hơi ở Âu Châu, đó là ông Jean-Christophe Mercier, nguyên là Phó Chủ tịch Nissan Europe. Ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch đặc trách hậu mãi khu vực Âu Châu cho VinFast.

Trả lời Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ngày 22/10 tại Triển lãm Xe hơi Quốc tế Paris, ông Jean Christophe Mercier nêu lên tham vọng của VinFast trên thị trường xe hơi thế giới:

“ Chúng tôi không chỉ thâm nhập thị trường Pháp, mà còn sẽ có mặt ở Âu Châu nói chung, cũng như ở Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại. Riêng ở Âu Châu, chúng tôi nhắm vào ba thị trường, đó là Pháp, Đức và Hòa Lan.

Đối với chúng tôi, điều quan trọng là tham gia thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sang xe hơi điện ở ba thị trường nói trên, những thị trường mà chúng tôi dự kiến sẽ hiện diện lâu dài”.

Ngay sau khi ra đời, VinFast đã liên kết với một trong những trụ cột của ngành chế tạo xe hơi thế giới là BMW để xây nhà máy lắp ráp xe. Sau khi đã cho ra đời các kiểu xe đầu tiên Vinfast LUX A2.0 và SA2.0 dựa trên kiểu xe BMW Serie 5 et X5, nay VinFast chuyển hoàn toàn sang sản xuất xe hơi chạy điện và trước mắt tung vào thị trường Âu Châu hai kiểu xe SUV VF 8 (5 chỗ) và VF 9 (7 chỗ).

VinFast khẳng định là xe VF 8 khi được sạc đầy pin có thể chạy được từ 420 đến 470 cây số. Do công ty nổi tiếng của Ý Ðại Lợi Pininfarina vẽ kiểu, VF 8 có giá từ 46.050 Euro, nhưng còn phải thêm tiền thuê pin 120 Euro/tháng. Còn nếu mua luôn cả pin thì giá xe sẽ lên tới 62.200 Euro, và muốn một chiếc VF 8 loại “cao cấp” nhất, khách hàng phải bỏ ra thêm 7.000 Euro, tổng cộng là gần 70.000 Euro.

Còn loại VF 9 thì có giá từ 62.750 Euro, cộng thêm tiền thuê pin 150 Euro/tháng, còn nếu mua luôn pin thì giá xe lên tới 82.950 Euro. Còn muốn được một chiếc VF9 cao cấp nhất thì phải bỏ ra thêm 6.000 Euro.

Để gây ấn tượng mạnh cho khách hàng Âu Châu về hai kiểu xe hơi chạy điện này, VinFast không ngần ngại bảo hành đến 10 năm hoặc 200.000 cây số, điều chưa từng có trong ngành sản xuất xe hơi thế giới. Cũng chính tại Pháp mà VinFast sẽ mở showroom ở Âu Châu, tại đường Malesherbes, Paris.

Ông Jean-Christophe Mercier, Phó Chủ tịch đặc trách hậu mãi Âu Châu, tỏ vẻ tin tưởng là xe hơi điện của VinFast sẽ dàng thu hút khách hàng Âu Châu với ba “trụ cột”:

“Trụ cột thứ nhất là chất lượng xe của chúng tôi. Trụ cột thứ hai là giá xe phải chăng và trụ cột thứ ba là một dịch vụ hậu mãi (après-vente) chất lượng rất cao.

Thứ nhất, về chất lượng thì chúng tôi bảo hành xe đến 10 năm, vì chúng tôi tin tưởng vào chất lượng xe của VinFast. Chúng tôi có những đối tác hàng đầu. Bốn chiếc xe được trưng bày ở đây là do một hãng của Ý Ðại Lợi vẽ kiểu. Chẳng hạn như hai chiếc VF 8 và VF 9 là do Pininfarina vẽ kiểu.

Thứ hai là giá xe mà chúng tôi cho là “phải chăng”. Có ba cách: khách hàng có thể mua toàn bộ chiếc xe, thuê toàn bộ chiếc xe, hoặc chỉ mua xe và thuê pin. Nếu chỉ mua xe và thuê pin thì giá xe tính ra chỉ bằng xe chạy xăng dầu với với đẳng cấp tương tự. Về giá thuê pin thì chúng tôi rất minh bạch với khách hàng: Chẳng hạn như đối với xe VF 8, giá thuê là 120 Euro mỗi tháng và trong suốt 10 năm bảo hành giá thuê sẽ vẫn như thế. Hiếm có mặt hàng nào như vậy mà 10 năm sau giá thuê vẫn không thay đổi.

Thứ ba là một dịch vụ hậu mãi chất lượng cao, bởi vì chúng tôi bảo hành xe trong 10 năm. Chúng tôi sẽ mở tổng cộng 56 cơ sở ở Âu Châu trong vòng 12 tháng tới. Cơ sở đầu tiên sẽ được khai trương trong tháng 11 tại Koln, Đức, cơ sở thứ hai sẽ là ở Paris. Nói chung chúng tôi sẽ khai triển rất nhanh và đó là điều rất quan trọng”.

Nhưng liệu việc bảo hành một cách hào phóng như thế sẽ đủ để thuyết phục khách hàng Pháp nói riêng và Âu Châu nói chung? Rõ ràng là nếu đang có trong tay khoảng 50.000 Euro, chúng ta sẽ khó mà quyết định mua ngay một chiếc xe hơi chạy điện “made in Vietnam” của VinFast, trong khi có rất nhiều kiểu xe khác để lựa chọn, nhất là hiện nay trong lĩnh vực thuần túy xe điện, rất khó mà đối đầu với hãng Tesla của Mỹ.

Khách đến triển lãm Xe hơi quốc tế Paris 2022 đa số rất ngạc nhiên, thích thú khi lần đầu tiên nhìn thấy những chiếc xe hơi điện “made in Vietnam”. Nhưng ngay cả những người không lấy gì làm bất ngờ thì họ cũng còn tỏ ra dè dặt với những chiếc xe của một thương hiệu xa lạ như VinFast, như anh bạn trẻ này:

“Vì đây là Triển lãm xe hơi quốc tế, nên tôi không lấy làm ngạc nhiên khi thấy có nhiều thương hiệu xe đến từ nhiều nước khác nhau được trưng bày ở đây. Mới nhìn qua xe của VinFast thì cảm tưởng đầu tiên của tôi là tốt, gây ấn tượng cho tôi nhất là đầu xe, về giá thì lúc đầu tôi đoán chắc là trong khoảng 40 đến 50 ngàn Euro, nhưng bây giờ mới biết là giá đắt hơn, tức là hơn 60.000 Euro.

Tôi cũng muốn được chạy thử xe này xem sao, nhưng có quyết định sẽ mua hay không thì còn phải tính đến những yếu tố, như phạm vi hoạt động (autonomie) của xe. Về căn bản thì tôi sẵn sàng mua xe hơi chạy điện để bảo vệ môi trường. Xe điện cho dù giá có đắt hơn, nhưng về lâu dài ta cũng tiết kiệm được nhiều so với xe chạy bằng xăng, dầu. Vâng tôi nghĩ đó là một kế hoạch tốt”.

Hôm thứ Bảy 22/10, ngày mà khách đến Triển lãm đông nhất và cũng là ngày mà VinFast tổ chức nhiều hoạt động văn hóa Việt Nam: múa lân, ca múa nhạc dân tộc, để làm nổi bật hình ảnh Việt Nam qua những chiếc xe điện VinFast. Trong số khách đến khám phá xe VinFast hôm đó cũng có nhiều người Việt, nhưng anh bạn trẻ mà chúng tôi gặp vẫn còn thận trọng với những chiếc xe điện nói chung và những chiếc xe điện “made in Vietnam” nói riêng.

“ Em thấy xe có vẻ chất lượng và finition có vẻ tốt. Còn cụ thể bên trong chế tạo như thế nào, động cơ, hệ thống chuyển động thì mở ra mới biết được.

Hiện nay thì em chưa sẵn sàng (mua xe điện) bởi vì nhu cầu của em là thỉnh thoảng đi xa, mà xe điện thì chưa đáp ứng được nhu cầu đó. Đầu tiên xe điện thì phụ thuộc vào hệ thống hạ tầng có đáp ứng được cho mình không, ví dụ như bao nhiêu cây số thì phải sạc pin và mỗi lần sạc thì mất bao nhiêu thời gian, rồi các trạm sạc có phổ biến không. Thứ hai, sau khi quyết định mua xe điện của VinFast hay của các hãng khác thì còn phụ thuộc vào các hệ thống đại lý, hệ thống bảo hành và hệ thống hậu mãi. Khi mua một chiếc xe điện với giá khá cao thì mình phải quan tâm đến dòng đời của xe, 5,10 năm sau”.

Thị trường xe hơi chạy điện ở Pháp nói riêng và ở Âu Châu nói chung hiện vẫn còn chiếm thiểu số. Chẳng hạn như tại Pháp, trong năm 2021, dân Pháp đã mua tổng cộng khoảng 300.000 xe chạy 100% điện và xe hybrid có thể sạc điện, tức là cứ 5 chiếc xe bán ra thì có gần 1 chiếc là xe điện. Như vậy, xe hơi điện hiện chiếm 18,3% thị trường xe hơi ở Pháp, nhưng giá cao và những khó khăn về sạc pin khiến cho mức tăng không được nhanh như mong muốn của các nhà sản xuất.

Trong một thị trường còn “chật chội “ như vậy, VinFast sẽ còn phải đương đầu với nhiều đối thủ đến Trung Quốc, có mặt rất đông đảo tại Triển lãm xe hơi quốc tế Paris vừa rồi, như hãng BYD (Build Your Dreams). Hãng này đã trưng bày toàn bộ những kiểu xe điện sẽ được bán ra ở Âu Châu trong những tháng tới. Nằm đối diện với gian trưng bày của VinFast là gian của một hãng Trung Quốc khác là GWM (Great Wall Motor) với hai thương hiệu là Ora và Wey, cũng giới thiệu với công chúng Paris một số kiểu xe điện.

Cho dù thấy xe hơi điện VinFast rất “bắt mắt”, hầu hết khách đến gian trưng bày của VinFast đều chờ được lái thử để có thể đánh giá về chất lượng xe hơi điện của hãng này, nhưng họ có sẽ mua hay không thì lại là chuyện khác, vì lúc đó họ còn sẽ phải tính toán, so sánh với xe hơi điện của những hãng khác.

 

Không có nhận xét nào: