Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

Kính Chuyển Nhiều Tin Nóng Nhất, Đang Được Chú ý Nhất! Theo Dòng Thời Cuộc! (Chân Thành Cảm Tạ!) - Lê Văn Hải


Happy Thanksgiving 2022, Tin không vui! Nông dân Mỹ Thông Báo: Cúm Gia Cầm Hoành Hành, Có Thể Gây Thiếu Hụt Hình Ảnh Các Chú Gà Tây Béo Ngậy, Trên Bàn Tiệc vào Lễ Tạ Ơn Năm Nay!
<!>
– Giới nông dân tại nhiều địa phương khuyến cáo rằng dịch cúm gia cầm, khởi sự từ mùa Xuân năm nay, có thể gây thiếu hụt gà tây vào dịp Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) sắp tới, theo WSBT 22 đưa tin hôm Chủ Nhật, 13 Tháng Mười Một.

Năm nay, chắc hẳn sẽ có nhiều người gặp khó khăn khi tìm mua gà tây cho dịp lễ Thanksgiving Ngay cả khi tìm được, mức giá mà người tiêu dùng phải trả sẽ cao hơn bình thường.

Theo Cơ Quan Thống Kê Lao Động Mỹ (BLS), chỉ số giá thực phẩm tăng 0.6% trong Tháng Mười.

Ông Thomas Bennett, chủ nông trại Bennett Farms, cho biết các dấu hiệu khuyến cáo thiếu hụt gà tây xuất hiện từ rất sớm.

“Một trong những vấn đề lớn nhất xảy ra vào Tháng Bảy. Tôi quyết định rằng, ‘Tôi sẽ mua thêm gà tây.’ Sau đó tôi gọi cho những nhà cung cấp thân thiết của trang trại để đặt mua gà tây mới nở,” ông Bennett chia sẻ. “Không có nơi nào còn gà tây trên toàn quốc.”

Ông Bennett cho biết phải mất cả tháng ông mới mua được thêm 100 con gà tây, với mức giá cao gấp đôi so với bình thường.

Nhu cầu mua gà tây tăng dần mỗi năm, ông Bennett nhận định, và trong năm nay, vấn đề thiếu hụt đặc biệt trầm trọng do dịch cúm gia cầm vào mùa Xuân làm giảm nguồn cung cấp gà tây.

Sau khi mua được thêm gà tây, ông Bennett cho biết chi phí thức ăn cho chúng cũng đắt hơn một vài đô la.

Do mức giá gà tây của trang trại Bennett Farms được niêm yết vào Tháng Giêng, ông Bennett phải chịu mọi chi phí tăng thêm do lạm phát.

Nhưng may mắn thay, ông không gặp bất kỳ vấn đề khi bán chúng với giá mong muốn. Ông Bennett kể lại rằng trang trại của ông hết sạch gà tây từ trước Tháng Mười Một.

Đây cũng là tình hình chung với nhiều nông dân khác, với nhiều trang trại phải hợp tác với nhau để đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng mỗi năm.


Tin Đáng Chú Ý Nhất:

Hoa Kỳ: Ông Trump chính thức tuyên bố tranh cử Tổng Thống Mỹ năm 2024!


(Ảnh: Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 trong một sự kiện tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Palm Beach, Florida, Hoa Kỳ ngày 15 tháng 11 năm 2022.)

Ông Donald Trump, người đã không ngừng công kích tính liêm chính của bầu cử Hoa Kỳ kể từ khi ông thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020, hôm 15/11 đã tuyên bố tranh cử tổng thống vào năm 2024, nhắm đánh phủ đầu các đối thủ tiềm tàng của Đảng Cộng hòa, theo Reuters.

Tìm kiếm khả năng tái đối đầu với Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden, ông Trump tuyên bố tranh cử tổng thống tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Florida một tuần sau cuộc bầu cử giữa kỳ mà đảng Cộng hòa đã không giành được nhiều ghế Quốc hội như họ kỳ vọng.

Trong bài phát biểu kéo dài hơn một giờ, ông Trump nói chuyện với hàng trăm người ủng hộ trong một hội trường được trang trí bằng đèn chùm và treo cờ Mỹ.

Ông Trump nói trước đám đông đang vẫy điện thoại, bao gồm các thành viên gia đình, các nhà tài trợ và các cựu nhân viên: “Để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, tối nay tôi tuyên bố ứng cử tổng thống Hoa Kỳ”.

“Hai năm trước chúng ta đã là một quốc gia vĩ đại và chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ lại là một quốc gia vĩ đại,” ông Trump nói.

Ông Trump đưa ra những chủ đề quen thuộc theo lập trường xưa nay của ông, tố cáo những người di cư – “Chúng ta đang bị đầu độc” - và miêu tả các thành phố của Mỹ là “bể máu” đầy tội ác.

Ông cho biết sẽ thúc đẩy án tử hình đối với những kẻ buôn bán ma túy và tuyển dụng lại các quân nhân bị sa thải vì từ chối tiêm vaccine COVID-19.

Mặc dù công kích quá trình bầu cử của Hoa Kỳ, nhưng ông Trump đã không sử dụng bài phát biểu của mình để khơi lại những tuyên bố sai sự thật về hành vi gian lận cử tri quy mô lớn vào năm 2020 và không đề cập đến hành động bạo lực của những người ủng hộ ông vào ngày 6/1/2021 nhằm ngăn cản Quốc hội chứng nhận chiến thắng của ông Biden.

Trong chuyến công du Indonesia, ông Biden nói “không thực sự” khi được hỏi liệu ông có phản ứng gì trước thông báo của Trump. Trên Twitter, ông Biden đăng một đoạn video chỉ trích thành tích của ông Trump khi còn đương chức.

Ðiện Cẩm Linh Xuống Nước: Tổng Thống Zelenskyy Nói ‘Không Có Minsk 3’ Chứng Tỏ Kyiv Không Muốn Đàm Phán!


(Hình: Phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh - Dmitry Peskov.)

- Hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin cho hay hôm thứ Ba (15/11/2022), Phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho rằng việc ông Volodymyr Zelenskyy tuyên bố sẽ không có thỏa thuận “Minsk 3” về chấm dứt giao tranh ở Ukraine chứng tỏ là Kyiv không quan tâm đến việc tổ chức các cuộc hòa đàm với Mạc Tư Khoa.

Phát biểu qua video gửi tới hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Nam Dương), Tổng thống Ukraine hôm 15/11 gạt bỏ khả năng có “thỏa thuận Minsk” thứ ba, hàm ý về hai thỏa thuận ngừng bắn thất bại trước đây giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa về tình trạng của khu vực Donbas ở miền Đông Ukraine.

“Chúng tôi sẽ không để Nga chờ đợi, rồi xây dựng lực lượng và sau đó bắt đầu một loạt khủng bố mới và gây bất ổn toàn cầu. Sẽ không có Minsk 3, thứ mà Nga sẽ vi phạm ngay sau thỏa thuận”, ông Zelensky nói.

Khi được hỏi rằng liệu tuyên bố đó có xác nhận là Kyiv không sẵn sàng đàm phán với Nga hay không, ông Peskov nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti: “Hoàn toàn có thể”.

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên diễn ra rất ít ỏi trong những tháng gần đây, sau khi những nỗ lực ban đầu về ngừng bắn diễn ra tại Istanbul qua trung gian Thổ Nhĩ Kỳ bị đổ vỡ trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến.

Đức và Pháp đã làm trung gian cho hai thỏa thuận Minsk đầu tiên - được ký kết vào năm 2014 và 2015 - về việc ngừng bắn ở miền Đông Ukraine trong bối cảnh chiến tranh giữa phe ly khai do Nga hậu thuẫn và Kyiv. Cả hai bên đều cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.

Chiến Tranh Trên Đà Thắng Lợi: Liên Hiệp Quốc Thông Qua Nghị Quyết Làm Cơ Sở Đòi Nga Đền Bù Cho Ukraine!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay Nghị quyết về việc đòi Nga phải bồi thường cho Ukraine đã được thông qua với đa số phiếu thuận tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào hôm 14/11/2022. Đây được xem là hòn đá tảng đầu tiên đặt nền móng cho việc quy trách nhiệm cho Nga trong vụ xâm lược nước láng giềng Ukraine.

94 nước đã bỏ phiếu thuận, 14 nước bỏ phiếu chống, trong đó có Nga, Trung Quốc, Cuba…. Trong số 73 nước không tham gia bỏ phiếu, có Ba Tây, Ấn Độ, Do Thái và các nước Phi Châu. Từ New York (Hoa Kỳ), thông tín viên Carrie Nooten của Đài RFI giải thích:

“Tiêu đề Nghị quyết rất rõ ràng: “Cuộc xâm lược Ukraine: các biện pháp yêu cầu và đền bù”. Mặc dù không mang tính bắt buộc và không đi vào chi tiết, nhưng Nghị quyết, đặt ra vấn đề về việc cần đền bù, bồi thường cho những thiệt hại về người và vật chất mà cuộc xâm lược của Nga gây ra, ngay cả trước khi chiến tranh kết thúc.

Văn bản gợi ý thiết lập một cơ chế quốc tế về bồi thường, đền bù, cũng như ghi nhận và thống kê các thiệt hại, với các tài liệu hỗ trợ, về các yêu cầu đòi bồi thường mà các thể nhân và pháp nhân hoặc đơn giản là Nhà nước Ukraine đưa ra. Việc này sẽ cho phép định lượng các khoản đền bù cho Ukraine.

Đại sứ Ukraine bên cạnh Liên Hiệp Quốc nhắc lại rằng có một cơ chế tương tự đã được áp dụng từ năm 1991 đến năm 2022, cho phép Koweït nhận được 52,4 tỉ Mỹ kim tiền đền bù từ Iraq sau vụ xâm lược hồi năm 1990. Nhưng Ðại sứ Ukraine cũng nói rõ rằng điều đó sẽ không thay thế cho công lý quốc tế. Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky đã hoan nghênh quyết định của Liên Hiệp Quốc và đăng tải trên Twitter: “Kẻ xâm lược sẽ phải trả giá cho những gì họ đã gây ra”.

Thượng Đỉnh Khí Hậu Liên Hiệp Quốc (COP 27): Nhiều Nước Đòi Bỏ Mục Tiêu Đến Cuối Thế Kỷ Nhiệt Độ Chỉ Tăng Tối Đa 1,5°C!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay các cuộc thương lượng của 197 nước tại Thượng đỉnh Khí hậu của Liên Hiệp Quốc, COP27, tuần này vẫn tiếp diễn tại Ai Cập.

Từ nay đến cuối tuần, các nước tham gia COP 27 phải đạt được một thỏa thuận để chống biến đổi khí hậu. Một số nước đề nghị xem xét lại các cam kết đã thông qua, nhất là về mục tiêu đến cuối thế kỷ nhiệt độ chỉ tăng 1,5°C. Tuy nhiên, đối với nhiều nước, đã quá muộn để thực hiện được mục tiêu nói trên. Từ Charm el-Cheikh, đặc phái viên RFI, Jeanne Richard hôm 15/11/2022 tường trình:

“Có một ý kiến được đưa ra trong các phòng đàm phán tại hội nghị khí hậu COP: Dường như đã là quá muộn, giảm mạnh phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính có thể sẽ là quá phức tạp trong thời hạn đã đề ra. Vì vậy, có lẽ nên từ bỏ mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái đất đến cuối thế kỷ này chỉ tăng thêm 1,5°C.

Theo ông Stéphane Crouzat, trưởng đoàn đàm phán của phái đoàn Pháp, thì đó là một ý tưởng nguy hiểm. Ông nói: “Pháp, Liên Hiệp Âu Châu và rất nhiều nước đồng minh, sẽ hết sức cảnh giác. Tại sao? Bởi vì chúng ta có thể thấy ở mức tăng thêm 1,2°C như hiện giờ, khí hậu đã biến đổi ra sao. Và thế giới khi nhiệt độ tăng thêm 1,5°C sẽ rất, rất khác so với khi nhiệt độ tăng thêm 2°C”.

Giờ đây, việc cần làm là thuyết phục các nước ngoan cố, đó là các nước phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính như Trung Quốc hoặc các quốc gia đạt được lợi ích kinh tế khi gây ô nhiễm như vậy, chẳng hạn Ả Rập Xê Út, với sản lượng dầu lửa của họ”.

Thượng Đỉnh G20, (20 Nền Kinh Tế Lớn Nhất Thế Giới), Bàn Về Khủng Hoảng Kinh Tế Toàn Cầu!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 15/11/2022, thượng đỉnh G20, nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chính thức khai mạc tại Bali (Nam Dương).

Trong 2 ngày, các nhà lãnh đạo cố tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Chiến tranh Ukraine, cũng được nêu lên, dù không có trong chương trình nghị sự chính thức. Trước đó, Nga đã phản đối việc đề cập đến chiến tranh Ukraine tại G20.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng thống Nam Dương, nước Chủ tịch luân phiên G20, đã kêu gọi “đoàn kết” và có “những hành động cụ thể” để phục hồi kinh tế thế giới, dù nội bộ G20 bất đồng về cuộc chiến ở Ukraine do Nga phát động.

An ninh lương thực, đặc biệt tại các nước nam bán cầu, trở thành mối bận tâm hàng đầu tại thượng đỉnh G20. Kinh tế thế giới tiếp tục bị đe dọa suy thoái vì đại dịch Covid-19 và giờ là chiến tranh Ukraine. Nga và Ukraine là hai nhà xuất cảng ngũ cốc lớn thế giới nhưng hoạt động này bị đình trệ nghiêm trọng. Mạc Tư Khoa luôn đe dọa chấm dứt thỏa thuận xuất cảng ngũ cốc ký với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc, sẽ hết hạn ngày 19/11.

Phát biểu tại thượng đỉnh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gián tiếp chỉ trích Nga “sử dụng nông phẩm và năng lượng làm vũ khí”. Ông Tập kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 “phản đối mạnh mẽ” hình thức đó, nhưng đồng thời kêu gọi dỡ bỏ cấm vấn đối với Mạc Tư Khoa.

Ngoài an ninh lương thực, thượng đỉnh G20 còn bàn nhiều chủ đề quan trọng khác, như năng lượng, khủng hoảng tài chánh với vấn đề nợ của nhiều nước và khí hâu. Theo thông tấn xã AFP, Chủ tịch Trung Quốc đề nghị các nước giầu hạn chế tác động của việc tăng lãi suất. Ngược lại, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng yêu cầu Trung Quốc giảm nợ cho các nước nghèo.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng “biện pháp hiệu quả nhất” để tái thiết kinh tế thế giới là chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Theo Dự thảo thông cáo chung mà thông tấn xã AFP có được, “phần lớn các nước thành viên” G20 “lên án mạnh mẽ” “chiến tranh” ở Ukraine, cụm từ luôn bị Nga bác bỏ và khẳng định đó là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Các nước G20 chiếm đến 80% GDP thế giới và 75% kim ngạch thương mại quốc tế.

Tin Quốc Tế

Dân Số Thế Giới Đến Mốc Kỷ Lục 8 Tỉ Người! Vào Ngày Hôm Qua, 15/11/2022!


(Hình: Một bé gái ngủ phía sau lưng cha mình đang bán rau ở một chợ tại Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc, hôm 11/7/2001.)

- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay vào ngày 15/11/2022, dân số thế giới cán mốc 8 tỉ người và tuổi thọ của con người ngày càng tăng, trong khi tỷ suất sinh giảm.

Đó là dự báo mà nhóm nghiên cứu thuộc Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc đưa ra. Theo đó, tốc độ tăng dân số thế giới sau khi đạt đỉnh vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nay giảm mạnh. Cụ thể, trong giai đoạn 1962-1965 tốc độ tăng dân số hằng năm ở mức 2,1%; tuy nhiên đến năm 2020 tỷ lệ này giảm xuống dưới 1%. Dự đoán đến năm 2050, tỷ lệ này có thể giảm xuống còn 0,5%.

Vào năm 1950, tỷ suất sinh ở mức 5 con một phụ nữ; đến năm 2021 giảm xuống 2,3 con/phụ nữ. Dự báo đến năm 2050, tỳ suất sinh giảm xuống 2,1 con/phụ nữ.

Trong khi đó tuổi thọ trung bình của con người tiếp tục tăng lên. Năm 2019, tuổi thọ trung bình được ghi nhận là 72,8 năm, cao hơn năm 1990 đến 9 năm. Dự báo đến năm 2050, tuổi thọ trung bình của con người là 77,2 năm.

Tỷ lệ người trên 65 tuổi sẽ tăng lên 16% vào năm 2025 so với mức 10% trong năm nay.

Dự báo còn nêu vào năm 2030, dân số thế giới đạt 8,5 tỉ và đến năm 2080 đạt hơn 10 tỉ người.

Iran Tuyên Án Tử Hình Người Biểu Tình!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 13/11/2022, lần đầu tiên, Tư pháp Iran đã tuyên án tử hình nhắm vào một người biểu tình, vì đã tham gia vào các vụ “bạo động” diễn ra từ hai tháng qua ở Iran.

Theo tòa án Tehran, người biểu tình không rõ danh tính này, bị kết tội đã phóng hỏa một tòa nhà của chính phủ, “gây rối trật tự công cộng” và tụ họp, “âm mưu phạm tội để chống lại an ninh quốc gia”, “là kẻ thù của Thượng Đế”, thông tấn xã AFP trích dẫn từ trang Mizan Online.

Một tòa án khác của thủ đô Iran cũng đã đưa ra bản án từ 5 đến 10 năm tù đối với 5 người biểu tình khác vì tội tụ tập, âm mưu phạm tội, chống lại an ninh quốc gia và gây rối trật tự công cộng. Tại tỉnh Hormozgan, Ispahan và Markiazi, Tư pháp Iran cũng đã quy tội cho 800 người vì đã tham gia vào “các cuộc bạo động”.

Theo thông tấn xã AFP, gần đây, nhiều Dân biểu Iran đã yêu cầu Tư pháp nước này áp dụng luật talion aux moharebs (kẻ thù của Thượng Đế), để xét xử những người chủ mưu của “cuộc bạo động”, gây xáo trộn đất nước.

Từ hai tháng qua, các cuộc biểu tình phản đối chính phủ nổ ra ở khắp nơi tại Iran, sau khi cô Mahsa Amini, 22 tuổi, thiệt mạng vì bị cảnh sát đạo đức bắt do không trùm kín đầu, theo luật của Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Hành động đàn áp người biểu tình của Iran đã khiến nhiều nước phương Tây bất bình. Theo thông tấn xã AFP, hôm 14/11, Liên Hiệp Âu Á Châup đặt các trừng phạt mới, nhắm vào khoảng 30 lãnh đạo Iran, có liên quan đến vụ đàn áp người biểu tình. Từ tháng trước, Liên Hiệp Âu Châu đã phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với các viên chức cảnh sát đạo đức, và một số lãnh đạo Iran, như Bộ trưởng bộ Kỹ thuật Thông tin Iran.

Thổ Nhĩ Kỳ Bắt Được Nghi Phạm Gây Ra Vụ Khủng Bố ở Istanbul

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hiều Chủ Nhật, ngày 13/11/2022, một vụ nổ xảy ra tại một con phố đông đúc ở Istanbul, đã khiến 6 người thiệt mạng và hơn 80 người bị thương.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ gọi đây là vụ tấn công khủng bố do Syria giật dây và cho biết đã bắt giữ các nghi phạm. Từ Istanbul, thông tín viên RFI Anne Andlauer cho biết thêm chi tiết:

“Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đảng Lao Động Kurdistan (PKK) và Liên Minh Dân chủ (PYD), đảng thân PKK tại Syria, đứng đằng sau cuộc tấn công khủng bố đầu tiên vào Istanbul kể từ gần 6 năm qua. Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Süleyman Soylu thông báo đã bắt giữ 22 người ngay trong đêm Chủ Nhật, trong đó có người phụ nữ bị cáo buộc đặt bom ở đại lộ Istiklal vào thời điểm đông người qua lại vào chiều cùng ngày.

Ông Soylu không đưa thông tin chi tiết về danh tính của nghi phạm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdad đã xác nhận trước đó rằng nghi phạm là một người phụ nữ, đã ngồi đợi rất lâu trên một chiếc ghế ở đại lộ Istiklal, sau đó để một túi sách ở đó và rời đi chỉ một hoặc hai phút trước vụ nổ.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cuộc tấn công bằng bom đã được chuẩn bị ở Syria. Theo Bộ trưởng Nội vụ Soylu, mệnh lệnh được đưa ra từ Kobané, thành phố nằm ở biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, hiện do lực lượng Kurdistan kiểm soát.

Chủ mưu của vụ tấn công có thể đã đi qua Afrin, một thành phố khác ở phía Bắc Syria. Tại đây, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã giành quyền kiểm soát kể từ sau cuộc tấn công chống lại lực lượng Kurdistan tháng 1/2018. Về vụ tấn công hôm Chủ Nhật, 6 người đã thiệt mạng, thuộc 3 gia đình khác nhau. Trong số đó, có hai trẻ em”.

Hôm nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Soylu tuyên bố từ chối nhận lời chia buồn từ phía Hoa Kỳ: “Chúng ta không chấp nhận, chúng ta từ chối nhận những lời chia buồn từ Ðại sứ Hoa Kỳ. Cần phải thảo luận về liên minh của chúng ta với một Nhà nước hỗ trợ Kobané và những ổ khủng bố”.

Theo thông tấn xã AFP, Ankara thường xuyên cáo buộc Hoa Kỳ và một số nước phương Tây khác bảo vệ các chiến binh Kurdistan của đảng Lao Động Kurdistan và Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) mà Ankara coi là khủng bố. Thành phố Kobané được biết đến qua trận chiến năm 2015. Lực lượng Kurdistan của thành phố được phương Tây hỗ trợ, đã đẩy lùi nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS).

Tổng Thống Zelenskiy Thăm Kherson và Nói: Quá nhiều! Có Bằng Chứng Hàng Trăm Tội Ác Chiến Tranh của Nga!


(Hình: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskiy phát biểu ở Kherson ngày 14/11/2022.)

KHERSON (VOA) - Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 14/11/2022, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskiy đã đến thăm thành phố Kherson ở miền Nam mà nước ông vừa chiếm lại, nơi ông cáo buộc các lực lượng Nga phạm tội ác chiến tranh trước khi họ rút lui vào tuần trước.

“Chúng ta đang tiến lên”, ông Zelenskiy nói với các binh sĩ đang tập họp trước tòa nhà hành chính ở quảng trường chính của thành phố. Ông nói: “Chúng ta đã sẵn sàng cho hòa bình, hòa bình cho tất cả đất nước của chúng ta”.

Ông Zelenskiy cảm ơn Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và các đồng minh đã không ngừng hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga và cho biết việc Hoa Kỳ chuyển giao phi đạn đã tạo ra sự khác biệt lớn cho Kyiv.

Tổng thống Ukraine nói: “Tôi thực sự hạnh phúc, bạn có thể biết bằng phản ứng của người dân, phản ứng của họ không phải là dàn dựng”.

Vài phút trước khi ông đến, có thể nghe thấy tiếng pháo kích gần đó từ trung tâm Kherson, và sau khi ông phát biểu xong, có nhiều tiếng pháo kích trong thành phố.

Người dân Kherson hân hoan chào đón quân đội Ukraine đến đây kể từ hôm 11/11, khi Nga rút khỏi thủ đô khu vực duy nhất mà họ chiếm được kể từ khi Mạc Tư Khoa bắt đầu cuộc xâm lược.

Trong một bài phát biểu buổi tối trên truyền hình, ông Zelenskiy cho biết các nhà điều tra đã ghi bằng chứng 400 tội ác chiến tranh do Nga gây ra trong 8 tháng chiếm đóng.

“Thi thể của thường dân và quân nhân thiệt mạng đã được tìm thấy”, ông nói. “Quân đội Nga đã để lại sự tàn bạo tương tự như họ đã làm tại các khu vực khác mà họ chiếm của Ukraine”.

Nga phủ nhận quân đội của họ cố tình nhắm mục tiêu vào dân thường hoặc đã có những hành động tàn bạo tại các khu vực bị chiếm đóng. Các bãi chôn tập thể đã được tìm thấy ở một số khu vực khác của Ukraine bị quân đội Nga chiếm đóng trước đó, bao gồm một số nơi có thi thể dân thường có dấu hiệu bị tra tấn, mà Kyiv quy lỗi cho Mạc Tư Khoa.

Nhận Định Thời Cuộc: Xâm Lược Ukraine, Nga Có Nguy Cơ Vuột Mất Trung Á!

(Thụy My)

Le Figaro đặt câu hỏi, “Phải chăng với cuộc chiến Ukraine, Nga sẽ mất đi Trung Á?” - vốn là vùng ảnh hưởng truyền thống. Tuy lệ thuộc nặng nề vào Nga về chính trị và kinh tế, nhưng năm nước Trung Á Kazakhstan, Uzbekistan, Tadjikistan, Kyrgyzstan, Turkmenistan đều không ủng hộ cuộc xâm lăng Ukraine.

Bất Ngờ Trung Á!

Một số nhà lãnh đạo Trung Á đã gây ngạc nhiên khi tỏ thái độ, đôi khi trực tiếp. Chẳng hạn hôm 17/6 tại Diễn đàn Kinh tế Saint-Pétersbourg, Tổng thống Kazakhstan phải trả lời một câu hỏi gây bối rối: có sẵn sàng công nhận các “nước Cộng hòa ly khai” Donetsk và Luhansk? Trước mặt Vladimir Putin, ông Kassym-Jomart Tokaiev đáp: “Nếu quyền tự quyết được áp đặt khắp nơi trên thế giới; sẽ có trên 600 nước thay vì 193 thành viên Liên Hiệp Quốc hiện nay. Chắc chắn sẽ hỗn loạn”.

Tuy nhiên đa số được ngầm biểu lộ. Chẳng hạn ủng hộ “độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” (Uzbekistan), không muốn phản đối việc trừng phạt Nga (Kazakhstan), hay cảnh cáo những công dân nào gia nhập quân đội Nga sẽ bị khởi tố hình sự. Các quan điểm này làm Mạc Tư Khoa không vui. Dù không có trong các tuyên bố của Ðiện Cẩm Linh, nhưng những chiếc loa tuyên truyền tức tối tố cáo là thiếu trung thành.

Bắc Kinh Muốn Hất Cẳng Mạc Tư Khoa Ngay Tại Sân Sau của Nga

Trong số 76 triệu dân Trung Á, có người thông cảm với Nga, người ủng hộ Ukraine, nhưng tất cả đều lo lắng. Trước hết vì có hơn 3 triệu người Tadjikistan, Kyrgyzstan, Uzbekistan đang lao động tại Nga, bên cạnh đó những hành động của quốc gia thực dân cũ thường mang lại cảm giác tiêu cực. Tigran Keosayan, người dẫn chương trình truyền hình thân cận với Ðiện Cẩm Linh đã bị Kazakhstan cấm nhập cảnh vì nói rằng nước này “vô ơn”. Nhà xã hội học Asel Doolotkeldieva nhấn mạnh, người dân Trung Á không ưa thái độ sô-vanh nước lớn của Nga.

Thực ra những nước thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu như Kazakhstan hay Kyrgyzstan có thể giúp Mạc Tư Khoa tránh né cấm vận. Nhưng mùa Hè vừa qua Nga cho ngưng hoạt động Caspian Pipeline Consortium (CPC), đường ống đi qua biển Caspi vận chuyển 80% dầu lửa xuất cảng của Kazakhstan, bị cho là để trừng phạt Tokaiev, dằn mặt các cổ đông Mỹ và làm tăng giá dầu. Mạc Tư Khoa nay cũng không còn đóng được vai trò trung gian hòa giải trong khu vực, như cuộc xung đột biên giới giữa Tadjikistan và Kyrgyzstan hồi tháng Chín làm khoảng 100 người chết.

Trò chơi thăng bằng khá tế nhị cho một số chế độ chuyên quyền, vừa không muốn thuận theo dân chủ phương Tây, lại vừa cảnh giác trước Bắc Kinh. Chuyến thăm Kazakhstan và Uzbekistan giữa tháng Chín của Tập Cận Bình cho thấy ý đồ can dự của Bắc Kinh, có thể dẫn đến một thay đổi lớn trong vùng. “Nhưng phương Tây vẫn là đối tác quan trọng trong thời điểm nhạy cảm này” - Cố vấn Tổng thống Kazakhstan khẳng định. Sự ủng hộ của Mỹ và Âu Châu đối với Kyiv đã gây ấn tượng mạnh mẽ nơi các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Được Giải Phóng, Dân Kherson Ăn Mừng Suốt 3 Ngày Liền

Tại Kherson vừa được giải phóng, “người dân Ukraine quá sức vui mừng”, theo ghi nhận của đặc phái viên Le Figaro. Sau hơn 8 tháng bị quân Nga chiếm đóng, suốt 3 ngày liên tiếp, người dân Kherson và các làng mạc xung quanh đã tưng bừng đón những người chiến sĩ giải phóng. Đó là một cuối tuần đầy xúc động, với những giọt nước mắt mừng vui. Cả ngàn người tập trung ở quảng trường Tự Do, những bài ca yêu nước nối tiếp nhau. Mỗi khi ngưng tiếng hát, người ta lại thóa mạ Vladimir Putin.

Lá cờ của Olena, 18 tuổi, đầy những chữ ký kỷ niệm của những người lính. “Vinh quang cho Ukraine!”, khi nghe những tiếng hô này hôm thứ Sáu cô mới tin rằng ngày giải phóng đã đến. Suốt tám tháng trời trước đó, không thể nghe được câu này. Trên những áp-phích dọc theo đại lộ dẫn đến quảng trường chỉ thấy “Nga ở đây vĩnh viễn”, “Ukraine và Nga là anh em cả thế kỷ”, “Nước Nga là sự ổn định”.

“Niềm vui của tôi là vô biên”, Tania nói với Le Figaro. Trong thời kỳ chiếm đóng, những người dân yêu nước hạn chế ra ngoài, đặc biệt là ngày “trưng cầu dân ý”. Những “cử tri” có trả lương được đưa đến từ Crimea bằng xe buýt, mọi liên lạc internet đều bị cắt. Thành phố miền Nam Ukraine, bị chiếm ngay từ ngày đầu cuộc xâm lăng, được cho là có sự tiếp sức của nội gián, hầu như còn nguyên vẹn. Nhưng trên những con đường dẫn đến Kherson đầy dấu vết những trận đánh dữ dội, những xe tăng, xe quân sự Nga bị bỏ lại hoặc phá hủy, các toán dò mìn của Ukraine tiếp tục làm việc.

Chưa Hẳn Đã Yên, Sau 8 Tháng Dưới Ách Quân Nga

Tại làng Lapkaya, người dân đứng dọc theo đường chào đón đoàn quân giải phóng, mà khi mới nhìn thấy, họ còn chưa dám tin vào mắt mình. Le Monde ghi nhận trên mạng xã hội đầy video cho thấy những tấm áp-phích tung hô Nga bị người dân xé bỏ, xe cộ bóp còi vui mừng, dân chúng xúc động ôm lấy những người chiến binh, tặng hoa cho họ, đám đông hô vang “ZSU (tên tắt của quân đội Ukraine) muôn năm!”. Những hình ảnh hoàn toàn tương phản với con số được đưa ra là 87% cư dân bỏ phiếu ủng hộ “sáp nhập Kherson vào Liên bang Nga”.

Sau khi chiếm Kherson, hàng ngày quân Nga đều bị dân biểu tình phản đối, cho đến khi họ ra tay đàn áp thô bạo. Một người dân Kherson cho rằng đã may mắn tránh được tình trạng của Mariupol, thành phố được giải phóng mà thường dân không phải thiệt mạng - một điều mà vài ngày trước đó khó thể hình dung. Tuy nhiên một sĩ quan Ukraine nói rằng vẫn chưa hết hiểm nguy, hãy còn vài ngàn lính Nga ở lại phía hữu ngạn, trốn đâu đó ở Kherson, hoặc giả dạng thường dân.

Le Monde nhìn thấy bên cạnh niềm vui còn có nỗi sợ bị oanh kích. Để trả thù cho thất bại, Nga cho bắn một loạt phi đạn S-300 vào Mykolaiv cách Kherson 60 cây số vào lúc 3 giờ sáng, giết chết 7 người dân. Kherson có nguy cơ cùng chung số phận của những thành phố Ukraine không may nằm gần chiến tuyến.

“Tôi Muốn Sống”, Tổng Đài Dành Cho Lính Nga Muốn Đầu Hàng

Đối với những người lính Nga muốn buông súng, đã có “Tôi muốn sống”, một số điện thoại của Ukraine dành cho những người Nga bị động viên ra chiến trường nhưng muốn đầu hàng. Le Figaro trích dẫn một số ví dụ. Đường dây đổ chuông từ sáng sớm đến tối mịt. Một giọng nói cho biết bị bắt lính và sắp bị đưa sang Kherson, có người cho số điện thoại này để có thể đầu hàng. Điện thoại viên đề nghị điền vào bản khai qua Telegram, nhưng người này nói rằng chỉ huy đã tịch thu smartphone, chỉ có thể xoay sở tìm điện thoại thông thường. Phía Ukraine nói rằng khi ra đến mặt trận hãy lập tức gọi lại.

Có khoảng 2.500 đề nghị đầu hàng, và nhóm “Tôi muốn sống” trên Telegram được khoảng 40.000 người theo dõi. Những trao đổi được mã hóa nên những người lính Nga có thể an tâm. Một tình nguyện viên của đường dây cho biết những người gọi đến thường ở trên tuyến đầu, một số trong tình thế hết sức khó khăn như đang bị quân Ukraine bao vây, số khác gọi từ Nga vì vừa nhận được lệnh động viên. Cũng có những người liên lạc từ Hoa Kỳ, Bỉ... để tìm cách giúp thân nhân ở Nga. Họ được khuyên nên dùng Telegram thay vì Viber vốn phổ biến ở Nga lẫn Ukraine, và có một điện thoại dự phòng. Dù có nguy cơ bị phục kích, nhưng sau khi điều tra, đặc nhiệm Ukraine có thể được gởi ra mặt trận để bảo đảm việc đầu hàng của lính Nga.

Những Mạng Lưới Hỗ Trợ Người Phản Chiến Đóng Tiền Phạt ở Nga

Ngay trong lòng nước Nga, vẫn có những hệ thống hỗ trợ người phản chiến. Le Monde cho biết có những cuộc quyên góp để giúp những tiếng nói chỉ trích chính quyền có thể đóng tiền phạt vạ. Tờ báo nêu ra trường hợp Mikhail D., một blogger ở thành phố Samara cách Mạc Tư Khoa 1.000 cây số, sở hữu kênh TikTok với 300.000 người theo dõi. Sau khi một video chỉ trích chiến tranh gây được tác động, một tháng sau những người vũ trang súng trường tự động ập vào nhà còng tay anh đưa về đồn cảnh sát. Blogger này bị buộc phải đăng một bài viết được soạn sẵn “xin lỗi toàn bộ cư dân Nga” và được thả, nhưng phải ra tòa nộp phạt 15.000 Rúp (240 Euro).

Món tiền tuy không lớn nhưng Mikhail không đủ khả năng. Nghe nói về kênh Telegram RosStraf, người vợ bèn liên lạc và chỉ 15 phút sau số tiền đã có đủ. Những mạnh thường quân vô danh khi gởi tặng những món tiền nhỏ đều kèm theo những câu như “Hãy vững vàng”, “Mọi chuyện sẽ tốt đẹp”, “Phản đối chiến tranh”… khiến Mikhail vô cùng xúc động. Phía sau RosStraf là một ê-kíp tình nguyện viên, đa số đã chạy khỏi nước Nga. Người đầu tiên được mạng lưới trợ giúp là một người về hưu bị tòa phạt 70.000 rúp vì “nói xấu quân đội”, trong khi lương hưu chỉ có 15.000 Rúp.

Hoạt động của RosStraf hoàn toàn hợp pháp, chỉ nhận đóng góp từ những người trong nước Nga để tránh cho người nhận khỏi bị rắc rối. Theo con số chính thức, đến 31/10 đã có 4.644 bản án dành cho những người phản đối chiến tranh với Ukraine đã được tuyên. Các nhà đấu tranh được RosStraf kêu gọi giúp, khi nhận được quá số tiền cần thiết đều đóng góp trở lại. Đối với các mạnh thường quân, đây là cách duy nhất để phản kháng. Họ không sẵn sàng chấp nhận nguy cơ chịu tù đày hay bị sa thải nếu xuống đường, nhưng có thể giúp đỡ những người đã dám hành động.

“Cải Tạo” Trẻ Em Ukraine Thành Công Dân Nga

Về mặt nhân quyền, Amnesty International tố cáo Mạc Tư Khoa đưa trẻ em Ukraine sang Nga để “cải tạo” thành công dân Nga, với mục đích tiêu diệt bản sắc Ukraine. Không ai có thể đưa ra con số chính xác, nhưng phía Ukraine đã xác định được 10.764 trẻ em bị tách rời khỏi gia đình, hiện đang ở trên đất Nga hoặc tại những vùng bị chiếm đóng. Số liệu này dựa vào các cuộc gọi của người thân đang tìm kiếm, đặc biệt tại vùng Mariupol, Zaporijia, Kherson. Bị cấm hoạt động tại Nga, Amnesty không thể đến tận nơi để hỏi chuyện các em bị cưỡng bức sang Nga, đành phải dựa vào những chứng cớ tự thu lượm được hoặc từ thân nhân.

Nhiều trẻ em Ukraine đã được nhận làm con nuôi trong các gia đình Nga. Trước tình trạng thiếu minh bạch, gia đình và các tổ chức phi chính phủ khó tìm được dấu vết, nhất là tên tuổi, nơi sinh có thể bị thay đổi. Nếu bị bắt đi lúc còn quá nhỏ, các em bé khi lớn lên sẽ chẳng bao giờ biết được tông tích của mình. Chuyên gia độc lập Aksana Filipichyna lo ngại: “Thông qua trẻ em, Mạc Tư Khoa phạm tội diệt chủng vì dùng tuyên truyền để tẩy não, xác định lại tổ quốc và xóa đi tất cả những gì liên quan đến Ukraine trong ký ức”. Điều 2 Công ước 1946 có định nghĩa về tội ác diệt chủng này.

Quá Nhiều Đau Thương, Cuộc Chiến Tranh Ukraine Cần Phải Kết Thúc

Trên Le Monde, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho rằng “Giải pháp cho cuộc xung đột phải công bằng đối với nhân dân Ukraine”. Người đứng đầu ngành ngoại giao Anh quốc cho biết ngay cả trước cuộc xâm lăng, ông vẫn tin tưởng vào quyết tâm bảo vệ tổ quốc bằng mọi giá của người Ukraine, và những gì diễn ra cho thấy đúng như vậy.

Được hỏi phải chăng qua việc Nga rút quân khỏi Kherson có thể bắt đầu nghĩ đến thời hậu chiến, ông Cleverly nhấn mạnh cần rất thận trọng. Những quyết định liên quan đến cuộc xung đột phải do phải do các nhà lãnh đạo Ukraine, do Tổng thống Volodymyr Zelensky quyết định. Phương Tây cần tiếp tục hỗ trợ cho đến khi nào Kyiv thấy được một lối ra thuận lợi.

Với câu hỏi tương tự của Les Echos, Tổng thống Estonia Alar Karis đang tham dự Diễn đàn Hòa bình tại Paris cho rằng không phải người ngoài có thể nói đến việc bắt đầu đàm phán, mà chính người Ukraine. Đối với họ, biên cương lãnh thổ vô cùng quan trọng, và đã có quá nhiều nạn nhân Ukraine…. Cuộc chiến này khiến Estonia thiệt thòi nhiều: Giá năng lượng tăng, người tị nạn, phải mua thêm vũ khí, lạm phát lên đến 24%... nhưng không là gì đối với những mất mát của Kyiv. Ông nhấn mạnh “Cuộc chiến tranh ở Ukraine cần phải kết thúc”.


Một Công Ty Quân Sự Tư Nhân Mới Được Thành Lập, Hành Động Dưới Danh Nghĩa Chính Thống Giáo Nga

- Hôm thứ Bảy (12/11/2022), báo chí Nga loan tin về việc một công ty quân sự tư nhân mới chuẩn bị được thành lập. Điều đáng nói là công ty này hành động với danh nghĩa Chính thống giáo Nga.

Được thành lập vào năm 2017 tại Saint Petersburg, tổ chức “Thánh giá của Thánh André” ban đầu chỉ là một trung tâm đào tạo bán quân sự “đơn thuần”, dưới sự giám sát của các cựu binh thuộc lực lượng đặc nhiệm và có sự ủng hộ của Nhà thờ Chính thống Nga.

Thế nhưng, vào thứ Bảy 12/11, tổ chức này thông báo muốn thành lập “các tiểu đoàn quân tình nguyện” và các đội quân này sẽ được kêu gọi tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine. Điều này có nghĩa là Nga có công ty quân sự tư nhân tôn giáo đầu tiên.

Theo Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), ý tưởng về một “cuộc chiến tranh tôn giáo” chống lại Ukraine, lâu nay vẫn bị gạt ra bên lề các phát biểu chính thức tại Nga. Tuy nhiên, Nhà thờ Chính thống giáo, cũng như các yếu tố tôn giáo trong hoạt động tuyên tuyền về chiến tranh của Nga, đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng.

Ngoài việc xem người Ukraine là phát xít, tư tưởng coi dân Ukraine là quỷ Satan, gắn với sự suy đồi và phản tôn giáo, phá hủy các giá trị truyền thống, từ vài tuần nay ngày càng lan rộng trong các phương tiện truyền thông chính thống, thậm chí còn xuất hiện trong các phát biểu của một số viên chức như Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, cựu Thủ tướng Dmitry Medvedev.

Viên Chức Mỹ: Chấm Dứt Chiến Tranh Ukraine Là Cách Tốt Nhất Để Phục Hồi Kinh Tế Toàn Cầu!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20, diễn ra tại Bali (Nam Dương) vào 2 ngày 15 và 16/11/2022, Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ khẳng định chấm dứt chiến tranh Ukraine là cách tốt nhất để giải quyết những khó khăn của nền kinh tế thế giới.

Bên lề cuộc gặp đồng nhiệm Pháp Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Janet Yellen, được thông tấn xã AFP trích dẫn, phát biểu với báo chí hôm 14/11 rằng “chấm dứt cuộc chiến mà Nga tiến hành là một điều cấp bách về mặt đạo đức và cũng cách tốt nhất cho nền kinh tế toàn cầu”.

Về mặt chính thức, chiến tranh Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh G20. Mặt khác, Nga cũng đã kêu gọi lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn, tập trung vào các vấn đề kinh tế, thay vì chính trị hay quân sự, nhưng Nam Dương, nước đăng cai tổ chức sự kiện, kêu gọi Nga và Ukraine đàm phán hòa bình, đồng thời từ chối lên án trực tiếp Ðiện Cẩm Linh.

Trên thực tế, chiến tranh Ukraine đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế như làm cho giá năng lượng, lương thực tăng vọt. Ngoại trưởng Serguei Lavro, dẫn đầu phái đoàn Nga tham dự thượng đỉnh G20 sẽ phải đối mặt với áp lực của quốc tế về việc gia hạn thỏa thuận cho phép Ukraine xuất cảng ngũ cốc. Thỏa thuận này hết hạn ngày 19/11.

Mặc dù được đích thân Tổng thống Nam Dương, Chủ tịch đương nhiệm G20, đến tận Mạc Tư Khoa để mời, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không tới Bali dự thượng đỉnh. Theo thông tấn xã AFP, có thể quyết định này cho phép Putin tránh bị chỉ trích “sỉ nhục” vì bị cáo buộc gây ra hoặc làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như khí hậu toàn cầu.

Về tình hình tại Ukraine, tối 13/11, Tổng thống Volodymyr Zelensky cáo buộc quân Nga đã thực hiện những hành động “tàn bạo” ở Kheron, vài ngày sau khi Kyiv tiếp quản lại thành phố. Ông Zelensky cho biết đã thu thập chứng cứ về 400 tội ác chiến tranh mà binh lính Nga thực hiện, nhưng không nêu rõ là ở Kherson hay trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Hãng tin Pháp AFP cho biết không thể kiểm chứng những cáo buộc này.

Thượng Đỉnh Đông Á Không Ra Được Thông Cáo Chung Do Mỹ-Nga Bất Đồng

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm Chủ Nhật (13/11/2022), hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Nam Vang (thủ đô của Cam Bốt) đã kết thúc mà không ra được thông cáo chung, chủ yếu do Hoa Kỳ và Nga bất đồng về ngôn từ trong bản tuyên bố.

Thượng đỉnh Đông Á hàng năm quy tụ lãnh đạo của 18 nước, gồm 10 thành viên ASEAN và 8 đối tác đối thoại. Tham gia thượng đỉnh Đông Á năm nay đặc biệt có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol…. Đại diện cho Nga là Ngoại trưởng Sergei Lavrov.

Khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen nhận định sự phát triển xã hội và đời sống của người dân trong khu vực đang gặp nhiều khó khăn do các căng thẳng quốc tế gần đây, nhưng ông tin rằng các cuộc thảo luận hiệu quả là có thể mặc dù có sự khác biệt về quan điểm của những lãnh đạo tham gia.

Đài NHK của Nhật cho biết thông tin chi tiết về cuộc họp kín không được tiết lộ. Các lãnh đạo tham gia cuộc họp được cho là đã thảo luận về các vụ phóng phi đạn-đạn đạo liên tục của Bắc Hàn, cuộc chiến Ukraine và các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Tòa Bạch Ốc cũng nói rằng Tổng thống Biden đã nêu ra những lo ngại về mối đe dọa từ Bắc Hàn, đồng thời dùng những từ ngữ mạnh mẽ nhất để chỉ trích hành động của Nga xâm lược Ukraine.

Dự thảo tuyên bố chung do NHK có được lên án mạnh mẽ Bắc Hàn, kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine.

Còn theo Bloomberg, Nga và Mỹ đã không thống nhất được về từ ngữ cho tuyên bố chung sau hội nghị, làm dấy lên nghi ngại là khối G20 cũng sẽ khó đạt được đồng thuận tại thượng đỉnh G20 tại Bali, Nam Dương trong tuần này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đổ lỗi cho Mỹ và các đồng minh, vì các nước này, xin trích, “nhấn mạnh đến tình hình Ukraine bằng một ngôn ngữ hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Nga luôn từ chối mô tả cuộc xâm lược Ukraine là một cuộc chiến tranh, mà gọi đó là một “hoạt động quân sự đặc biệt”.

Mỹ - Hàn - Nhật Hứa Đáp Trả “Mạnh Mẽ, Cứng Rắn” Nếu Bắc Hàn Thử Nguyên Tử

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay bên lề thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN), chiều 13/11/2022, tại thủ đô Nam Vang của Cam Bốt, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hội đàm với đồng nhiệm Nam Hàn Yoon Suk Yeol cùng Thủ tướng Nhật Fumio Kishida về hồ sơ Bắc Hàn, trong bối cảnh gần đây Bình Nhưỡng tiến hành rất nhiều vụ thử nghiệm phi đạn và đang có nhiều đồn đoán về việc Bắc Hàn chuẩn bị thử nguyên tử lần thứ 7. Nếu xảy ra, đó sẽ là vụ thử nghiệm nguyên tử đầu tiên Bình Nhưỡng thực hiện từ năm 2017.

Theo AFP, ba nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật-Hàn lần đầu tiên ra một thông cáo chung. Tổng thống Mỹ Biden cam kết khai triển mọi khả năng, kể cả nguyên tử để bảo vệ các đồng minh. Ba bên khẳng định “tăng cường răn đe mở rộng” nhắm vào các hành vi khiêu khích của Bắc Hàn. Còn theo Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc, Jake Sullivan, ba nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật-Hàn sẽ có sự phối hợp chặt chẽ để đáp trả Bắc Hàn nếu Bình Nhưỡng thử nguyên tử.

Riêng về quan hệ song phương Nhật-Hàn, căng thẳng gia tăng với Bắc Hàn trong những ngày qua khiến Nam Hàn và Nhật Bản xích lại gần nhau hơn. Từ Hán Thành, thông tín viên Célio Fioretti của Ðài RFI cho biết thêm chi tiết:

“Lần đầu tiên từ 3 năm nay, Tổng thống Nam Hàn và Thủ tướng Nhật Bản đã hội đàm với nhau trong khuôn khổ một cuộc gặp thượng đỉnh song phương. Chương trình nghị sự, đó là mối đe dọa từ Bắc Hàn và điều này đang ngày càng khiến 2 nước Nhật - Hàn lo ngại hơn sau những căng thẳng mới gia tăng trong thời gian gần đây.

Quan hệ giữa Hán Thành và Tokyo luôn rất nhạy cảm do những ký ức về việc Nhật Bản đô hộ Nam Hàn hồi thế kỷ trước. Giờ đây, hai nước đã chấp nhận hợp tác. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol cho biết muốn tiếp tục thảo luận cả về Bắc Hàn và những vấn đề bất đồng về lịch sử. Hai nhà lãnh đạo thậm chí còn tính đến một “giải pháp nhanh chóng” cho các bất đồng về lịch sử. Sự xích lại gần nhau giữa hai cựu thù dường như đang tiến triển tốt.

Hoa Kỳ sau đó đã tham gia hội nghị thượng đỉnh và 3 nước đồng minh đã công bố một kế hoạch hợp tác chung để đối phó với Bình Nhưỡng. Kế hoạch này gồm 3 phần chính: Chia sẻ thông tin về phi đạn Bắc Hàn, củng cố, tăng cường khả năng răn đe của Mỹ trong khu vực và cuối cùng là kế hoạch về phản ứng của Liên Hiệp Quốc trước những đe dọa của Kim Jong Un. Bắc Hàn như vậy có thể đã thành công trong việc hâm nóng các mối quan hệ giữa Hán Thành và Tokyo”.

Trước đó, tại phiên họp cuối của ASEAN, Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol cũng đã có bài phát biểu, nhấn mạnh “một điều kiện tiên quyết cho hòa bình tại Ấn Độ-Thái Bình Dương” là phi nguyên tử hóa Bắc Hàn.

Trung Quốc Nới Lỏng Các Biện Pháp Phòng Dịch Nhưng Vẫn Duy Trì Zero Covid

- Ngày 14/11/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay bất chấp các biện pháp Zero Covid nghiêm ngặt, liên tiếp từ nhiều ngày qua, Trung Quốc vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới thường nhật rất cao.

Ngày 12/11, chính quyền thông báo số ca nhiễm mới thường nhật lên đến gần 15.000 ca, đặc biệt là ở Bắc Kinh, Quảng Châu và Trịnh Châu. Trong bối cảnh đó, hôm thứ Sáu 11/11/2022, chính phủ Trung Quốc đã công bố 20 biện pháp mới, nới lỏng quy định phòng chống dịch.

Đây được xem là một bước tiến tại Trung Quốc, bởi vì chính sách Zero Covid ảnh hưởng không chỉ đến kinh tế mà tác động đến cả tâm lý dân chúng. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde của Đài RFI giải thích:

Đó là phương pháp theo kiểu “làm đồng thời” mà chính phủ Trung Quốc đề xuất trong văn bản được mong đợi từ lâu nay. Quy định mới khẳng định chính phủ Trung Quốc vừa muốn điều chỉnh các biện pháp phòng dịch đang đè nặng lên kinh tế và tinh thần của người dân, nhưng vẫn duy trì chiến lược Zero Covid để ngăn chặn virus corona.

20 biện pháp này đã khiến các cư dân mạng nở nụ cười và trở thành chủ đề trong các cuộc trò chuyện giữa bạn bè vào cuối tuần này. Trước tiên, nhờ các biện pháp này mà việc đến Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn. Khi nhập cảnh vào Trung Quốc, thời gian cách ly từ 10 ngày giảm xuống còn 8 ngày và du khách chỉ cần trình kết quả một xét nghiệm PCR 48 tiếng trước khi lên máy bay.

Các biện pháp mới cũng sẽ giảm bớt áp lực cho cư dân Trung Quốc, nhất là thông qua việc chấm dứt biện pháp cách ly đối với những trường hợp tiếp xúc với người đã tiếp xúc trực tiếp với ca Covid. Một điều thú vị khác là Ủy ban Y tế Quốc gia khai triển kế hoạch tăng cường chích ngừa Covid-19.

Nhìn từ bên ngoài vào, tất cả những thay đổi nói trên có vẻ quá ít, nhưng đối với Trung Quốc thì đó đã là một bước tiến nhỏ, bởi vì các biện pháp này được thông qua khi mùa Đông đang đến gần, thời điểm các bệnh lây nhiễm gia tăng mạnh nhất. Kể cả khi mọi người vẫn mong chờ một kế hoạch hay lịch trình để có thể quay trở lại cuộc sống bình thường, thì đây là điều mà nhà chức trách Trung Quốc vẫn cẩn trọng tránh nói đến vào lúc này.

Ông Tập Với Ông Biden: Đài Loan Là ‘Lằn Ranh Đỏ Đầu Tiên’ Cả Hai Không Được Vượt Qua!


(Hình: Ông Biden và ông Tập gặp nhau ở Bali, Nam Dương, ngày 14/11/2022.)

- Ngày 14/11/2022, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2017 rằng vấn đề Đài Loan là “cốt lõi trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” và là “lằn ranh đỏ đầu tiên” trong quan hệ song phương không được vượt qua.

Tại cuộc gặp được tổ chức trên đảo Bali của Nam Dương - cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống - ông Tập thúc giục nhà lãnh đạo Mỹ chuyển những cam kết của Mỹ với Bắc Kinh liên quan đến Đài Loan thành các hành động cụ thể.

Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập nói: “Vấn đề Đài Loan là cốt lõi của lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, nền tảng của nền tảng chính trị của quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ và là lằn ranh đỏ đầu tiên không được vượt qua trong quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ”.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần bất khả xâm phạm của Trung Quốc. Chính phủ dân chủ của hòn đảo tự trị bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Đài Loan, trong khi Hoa Kỳ trong những năm gần đây thường xuyên bị Trung Quốc cáo buộc khuyến khích Đài Loan độc lập.

Ông Tập Nói Mối Quan Hệ Trung-Mỹ Chưa Đáp Ứng Nguyện Vọng Cả Hai Nước



(Hình: Ông Tập và ông Biden hôm 14/11/2022 tại Bal Nam Dương.)

- Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại đảo Bali của Nam Dương rằng tình hình hiện tại của mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ chưa đáp ứng được nguyện vọng của cả hai nước và mối quan hệ này cần phải “lái đi đúng hướng”, thông tấn xã Reuters dẫn nguồn tin từ theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV hôm 14/11/2022 cho biết.

Trong cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống, ông Tập cũng nói rằng các nhà lãnh đạo nên suy nghĩ và làm rõ hướng phát triển của đất nước mình, cũng như xem xét và làm rõ cách thức để hòa hợp với các nước khác và thế giới.

Đáp lời nhà lãnh đạo Trung Quốc khi bắt đầu cuộc hội đàm, ông Biden nói rằng liên lạc giữa hai nước là quan trọng.

“Với tư cách là những nhà lãnh đạo của hai quốc gia, chúng tôi chia sẻ trách nhiệm, theo quan điểm của tôi, để chứng tỏ rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể quản lý sự khác biệt, ngăn chặn cạnh tranh trở thành bất cứ điều gì gần như xung đột và tìm cách cùng nhau làm việc về các vấn đề khẩn cấp toàn cầu mà cần sự hợp tác với nhau”, ông Biden nói.

Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về Đài Loan, Ukraine và tham vọng nguyên tử của Bắc Hàn, những vấn đề cũng sẽ xuất hiện trong hội nghị G-20 đang được tổ chức mà không có Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự.

Trung Quốc ‘Giúp’ Cam Bốt Nâng Cấp Căn Cứ Hải Quân


(Hình: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh.)

- Hôm 14/11/2022, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết Trung Quốc đang giúp Cam Bốt nâng cấp căn cứ Hải quân, theo thông tấn xã Reuters.

Bà Mao nói tại một cuộc họp báo thường kỳ: “Đó là một cuộc trao đổi bình thường”.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 12/11 nêu quan ngại với Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen về hoạt động của Trung Quốc tại Căn cứ Hải quân Ream, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự minh bạch đầy đủ, Tòa Bạch Ốc cho biết.

Nổ Súng Tại Đại Học Virginia: 3 Người Chết, 2 Người Bị Thương, Nghi Phạm Bỏ Trốn


(Hình: Xả súng ở University of Virginia, ảnh chụp ngày 14/11/2022.)

- Thông tấn xã Reuters đưa tin cho hay một vụ nổ súng trong khuôn viên trường Đại học Virginia (UVA) vào tối Chủ Nhật (13/11) đã khiến 3 người chết và 2 người bị thương, Cảnh sát trường Đại học cho biết trên Twitter, đồng thời cho biết thêm rằng nghi phạm vẫn chưa bị bắt và hắn “có vũ khí và nguy hiểm”.

Cảnh sát trường Đại học xác định Christopher Darnell Jones, một sinh viên, là nghi phạm và cho biết nhiều cơ quan đang tham gia vào cuộc truy lùng.

Nghi phạm Jones được mô tả là mặc “áo khoác đỏ tía, quần jean xanh và giày đỏ” và có thể đã lái một chiếc SUV màu đen, theo nhà chức trách.

Một email do Hiệu phó trường Đại học gửi đến ban sinh viên khuyến cáo tất cả sinh viên tìm kiếm sự an toàn và tuân theo các lệnh của nơi trú ẩn khi tình hình vẫn chưa bảo đảm an toàn.

Vụ xả súng này là vụ mới nhất trong làn sóng bạo lực súng đạn trong các trường Đại học và trung học ở Hoa Kỳ trong những năm gần đây. Các vụ xả súng đã dẫn tới các cuộc tranh luận về các hạn chế chặt chẽ hơn đối với việc tiếp cận súng ở Hoa Kỳ, nơi Tu chính án thứ hai của Hiến pháp bảo đảm quyền mang vũ khí.

Tin Việt Nam

Chủ Tịch AIC và 7 Người Đang Bỏ Trốn Vẫn Có Thể Bị Truy Tố và Xét Xử


(Hình: Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC.)

- Đài Á Châu Tự Do trích thuật tin của truyền thông trong nước cho hay vào ngày 14/11/2022, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội Trương Việt Toàn phát biểu với mạng báo Pháp luật rằng Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhà và 7 người khác đang bỏ trốn và bị truy nã vẫn có thể bị truy tố và xét xử.

Vị cựu viên chức tòa án này cho rằng các bị can bỏ trốn sẽ khiến cơ quan tố tụng không thu thập được lời khai của họ; tuy nhiên vẫn có thể kết luận hành vi sai trái dựa trên lời khai của những người liên can khác.

Vào ngày 12/11 vừa qua, truyền thông nhà nước dẫn kết luận của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C03) về vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ…” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan.

Theo đó, cựu Bí thư, cựu Chủ tịch tỉnh và cựu Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai khai đã nhận đút lót hơn 43 tỉ đồng từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Theo kết luận điều tra, bà Nhàn đã đưa hối lộ cho ông Đinh Quốc Thái - cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai - 14,5 tỉ đồng, ông Trần Đình Thành - cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai - 14,5 tỉ đồng, và ông Phan Huy Anh Vũ – cựu Giám đốc Sở Y tế - 14,8 tỉ đồng.

Báo Nhà nước trích kết luận của công an viết: “Nhàn đã thành lập các ban nội bộ do Nhàn trực tiếp điều hành, giao những người thân tín của mình phụ trách, thực hiện việc điều chuyển dòng tiền thu lợi bất chính, hợp thức hóa để chi ngoài sổ sách cho các lãnh đạo thuộc Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân Tỉnh, chủ đầu tư theo cơ chế do Nhàn đặt ra”.

Theo kết luận, với sự giúp đỡ của các cựu viên chức tỉnh, Công ty AIC của bà Nhàn đã trúng 16 gói thầu trang thiết bị y tế và xây lắp trị giá hơn 665 tỉ đồng. C03 quy kết bà Nhàn hưởng lợi hơn 148 tỉ đồng.

Ngoài ra, sau khi trúng thầu bà Nhàn còn ký các phụ lục điều chỉnh mức phạt hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng để Công ty AIC hưởng lợi trái phép, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước số tiền 3,5 tỉ đồng.

Công an kết luận hành vi của bà Nhàn gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 152 tỉ đồng.

Đại Gia “Phát Dầu” Bị Kê Biên Nhà Riêng Là Tòa Lâu Đài Rộng Lớn Vì Chưa Trả 72 Tỉ Đồng Thi Hành Án


(Hình: Tòa nhà của gia đình đại gia “Phát dầu” ở Hải Phòng.)

- Đại gia Ngô Văn Phát hay còn gọi là “Phát dầu” có nguy cơ mất nhà là căn biệt thự rộng lớn ở Hải Phòng nếu không trả 72 tỉ đồng còn thiếu trong tổng số 161 tỉ đồng thi hành án.

Truyền thông nhà nước hôm 14/11/2022 trích lời ông ông Trần Hồng Quang, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng, xác nhận ông Phát còn nợ 72 tỉ đồng và do đó “cơ quan thi hành án vẫn đang kê biên tòa biệt thự trên đường Lê Hồng Phong để thực hiện bản án của tòa. Tới đây, họ nộp 72 tỉ còn thiếu thì coi như đã thi hành xong bản án. Lúc đó, chúng tôi sẽ tiến hành giải toả, dỡ kê biên tòa nhà. Còn nếu ông Phát không thi hành đủ số tiền theo quy định, cơ quan chức năng sẽ phát mại biệt thự để thực thi theo quy định”.

VietnamNet trích lời ông Ngô Văn Phát cho hay ông đã nộp được 90 tỉ đồng và cần thời gian thu xếp để nộp nốt 72 tỉ đồng còn lại để tòa nhà không bị phát mại.

Ông Ngô Văn Phát (57 tuổi) bị Tòa án Nhân dân thành phố Hải phòng vào ngày 19/6/2021 xét xử và tuyên án 24 tháng tù về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.

Ông Phát – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xăng dầu Phát – bị cáo buộc cầm đầu đường dây lập 22 doanh nghiệp “ma” để bán hơn 25 ngàn hóa đơn giá trị gia tăng với tổng số tiền lên đến hơn 17.000 tỉ đồng, chiếm đoạt hơn 161 tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng.

Phó Chủ Tịch Phường Bị Tố Cáo Nợ Tiền Dân, “Biến Mất” Khỏi Cơ Quan Hơn 1 Tháng


(Hình: Ủy ban Nhân dân phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn.)

- Một Phó Chủ tịch phường ở thành phố Quy Nhơn xin nghỉ phép 15 ngày từ ngày 15/9 nhưng đến nay vẫn chưa quay lại làm việc mà không rõ lý do, trong khi phải đối mặt với đơn tố cáo nợ tiền của người dân.

Truyền thông nhà nước vào ngày 14/11/2022 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Ghềnh Ráng Võ Chí Thiện cho biết, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền (46 tuổi) – Phó Chủ tịch phụ trách mảng văn hóa-xã hội của phường Ghềnh Ráng – đã không quay lại cơ quan làm việc vào ngày 30/9 theo lịch sau nghỉ phép, đồng thời khóa máy khiến cơ quan không thể liên hệ, người thân cũng không biết bà này hiện ở đâu.

Ông Thiện cho báo chí biết, thời gian qua cơ quan chức năng tại địa phương đã nhận được đơn của một số người dân tố bà Huyền nợ nần không trả đúng hẹn.

Người đại diện phường này cho biết sự việc đã được báo cáo lên cơ quan cấp trên và sẽ được tiến hành giải quyết theo Luật Cán bộ.


Bạc Liêu: Chưa Khởi Tố Phó Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Bị Bắt Quả Tang Nhận Hối Lộ


(Hình: Ông Châu Văn Mỹ - Phó chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu.)

- Truyền thông nhà nước trích thông báo của Cơ quan Viện KSND Tối cao cho biết hôm 14/11/2022, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiến hành khám xét nơi làm việc, nơi ở của ông Châu Văn Mỹ, Phó chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, nhưng chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Ông Châu Văn Mỹ (52 tuổi) bị bắt quả tang nhận hối lộ hôm 11/11 từ một người đang chờ xét xử Phúc thẩm về tội trộm cắp tài sản.

Báo Nhân Dân dẫn thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu cho biết, ông Châu Văn Mỹ đã nhận tổng cộng 100 triệu đồng từ bà D.H.T., bao gồm 80 triệu nhận trước đó và 20 triệu nhận vào tối 11/11.

Bà T. bị Tòa án Nhân dân huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu xét xử Sơ thẩm, tuyên phạt sáu tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản.

Sau đó, bà T. kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt. Trong thời gian chờ Tòa án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu xét xử Phúc thẩm, bà T. xin ông Châu Văn Mỹ xem xét giảm nhẹ hình phạt từ sáu tháng tù giam xuống án treo.

Theo thông báo của Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao gửi Tòa án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, ông Châu Văn Mỹ vi phạm Điều 354 Bộ luật Hình sự. Hiện ông Mỹ đang bị tạm giữ tại một trại tạm giam ở Sài Gòn.

Thành Phố Hà Nội Trần Tình Về Khoản Lỗ Gần 160 Tỉ Đồng của Đường Sắt Cát Linh-Hà Đông


(Hình: Người dân trên tuyến Cát Linh-Hà Đông vào ngày khai trương hôm 6/11/2021.)

- Lượng hành khách sử dụng mạng đường sắt đô thị chưa cao trong khi mọi chi phí khác phải duy trì là nguyên nhân khiến đường sắt Cát Linh-Hà Đông lỗ gần 160 tỉ đồng.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vào ngày 14/11/2022 được truyền thông nhà nước dẫn trần tình về nguyên nhân lỗ lã như vừa nêu.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, từ khi Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường Sắt Đô thị Hà Nội (Hanoi Metro) được thành lập vào tháng 11/2014 đến ngày 5/11/2021 khi chính thức đưa tuyến đường sắt số 2A Cát Linh-Hà Đông vào vận hành thương mại, Ha Noi Metro phải thực hiện các khoản chi trả lương, các khoản theo lương cho người lao động để giữ chân họ; trả chi phí thuê trụ sở, chi phí hành chính, mua sắm trang thiết bị, chi phí đào tạo.

Trong hai tháng cuối năm, số lượng khách thấp hơn nhiều so với kế hoạch dự kiến; trong khi chi phí vận hành, nhân công… không thể giảm.

Trong báo cáo tài chánh đã kiểm toán năm 2021, đường sắt Cát Linh Hà Đông cho biết có doanh thu đạt hơn năm tỉ đồng nhưng do chi phí vận hành và quản lý nên vẫn bị lỗ ròng là 64 tỉ đồng. Vào năm 2020, công ty báo lỗ 23 tỉ đồng. Nếu tính luỹ kế, doanh nghiệp lỗ tổng cộng gần 160 tỉ đồng.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng (hơn 868 triệu Mỹ kim), trong đó vốn vay gần 13.000 tỉ đồng và vốn đối ứng từ phía Việt Nam hơn 4.000 tỉ đồng. Đây là dự án gây nhiều tranh cãi và được gọi với cái tên là “biểu tượng trễ hẹn” khi có hơn 10 lần thay đổi lịch vận hành thương mại trong vòng hơn 10 năm khai triển thi công.

Báo Động Tình Trạng Dữ Liệu, Thông Tin Cá Nhân Người Dùng Việt Nam Bị Rao Bán


(Hình: Một sinh viên tại một trường đào tạo Kỹ sư ở Meudon, phía Tây Paris, Pháp, hôm 16/3/2013,)

- Mạng báo An ninh Thủ đô vào ngày 14/11/2022 loan tin cho hay diễn đàn của giới tin tặc trong khoảng 2 tuần nay liên tục đăng rao bán thông tin dữ liệu cá nhân của người dùng Việt Nam.

Cụ thể, có khoảng hơn 16.000 dữ liệu bị rao bán. Đó là dữ liệu gồm tên, email, địa chỉ, số điện thoại… được cho là của người dùng thuộc một doanh nghiệp chuyên xây dựng trên nền tảng kỹ thuật nhằm hỗ trợ hoạt động bán lẻ và thương mại điện tử.

Tin cũng cho biết, trên diễn đàn vừa nêu cũng xuất hiện gần 120.000 dữ liệu được nói là của một công ty bảo hiểm tư nhân tại Việt Nam.

Mạng báo An ninh Thủ đô nêu rõ từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra nhiều vụ rao bán thông tin người dùng Việt Nam với số lượng lớn.

Đơn cử, vào ngày 8/7, dữ liệu của 30 triệu hồ sơ người dùng thu thập từ một website về giáo dục bị rao bán trên một diễn đàn trực tuyến. Giá chào là 3.500 Mỹ kim.

Trước đó, một diễn đàn chuyên mua bán dữ liệu khác của tin tặc cũng rao bán thông tin chứng minh nhân dân/căn cước công dân của gần chục ngàn người Việt Nam. Thông tin gồm tên, ngày sinh, địa chỉ, email, điện thoại, số chứng minh… kèm theo cả ảnh chân dung, ảnh chụp mặt trước, mặt sau của chứng minh nhân dân, căn cước công dân….

Thủ Tướng Đức Giục Việt Nam Phản Đối Nga Xâm Lược Ukraine; Hà Nội Im Tiếng?


(Hình: Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gặp nhau ở Hà Nội, 13/11/2022.)

- Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi chính phủ Việt Nam thể hiện quan điểm phản đối rõ ràng đối với cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine, đài truyền hình Tagesschau và tờ báo Tagesspiegel của Đức đưa tin hôm 13/11/2022, dẫn lại tuyên bố báo chí của ông Scholz.

Hai cơ quan báo chí Đức cho biết rằng sau cuộc gặp diễn ra cùng ngày giữa ông Scholz với Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam ở thủ đô Hà Nội, bên cạnh lời kêu gọi kể trên, ông Scholz nói thêm: “Cuộc chiến xâm lược của Nga là sự vi phạm luật pháp quốc tế với hệ lụy tạo ra tiền lệ nguy hiểm. Các nước nhỏ hơn không còn an toàn trước hành vi của các nước láng giềng lớn hơn, mạnh hơn”.

Vẫn đài Tagesschau và báo Tagesspiegel tường thuật thêm rằng Thủ tướng của Đức đã liên hệ đến Trung Quốc và vấn đề tranh chấp Biển Đông cùng với lời phát biểu rằng: “Ngay cả ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phải áp dụng sức mạnh của luật pháp, chứ không phải là luật của kẻ mạnh nhất”.

Trung Quốc lâu nay tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, trong khi Việt Nam, Phi Luật Tân, Đài Loan, Mã Lai Á, và Brunei cũng đòi chủ quyền về nhiều phần ở biển này.

Phía Việt Nam dường như im tiếng về lời kêu gọi của Thủ tướng Đức, vì theo quan sát của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), hai cơ quan báo chí Đức không có tường thuật gì về việc Thủ tướng Việt Nam có đáp lại hay không, trong khi báo chí Việt Nam không đề cập đến lời kêu gọi của Thủ tướng Scholz trong các bài báo của họ nói rằng Thủ tướng Đức “kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam”.

VOA cố gắng liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu thêm, nhưng chưa nhận được hồi đáp.

Như VOA đã đưa tin, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào hôm 12/10 thông qua một Nghị quyết lên án mưu đồ của Nga sáp nhập bất hợp pháp 4 vùng của Ukraine, tuyên bố rằng hành động trái pháp luật của Nga không có giá trị theo luật pháp quốc tế, và cũng yêu cầu Nga rút quân ngay khỏi Ukraine. Có 143 nước bỏ phiếu thuận, Việt Nam nằm trong số 35 nước bỏ phiếu trắng.

Liên quan đến Nghị quyết này, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Đặng Hoàng Giang nói trong bài phát biểu của ông rằng tất cả các bên “cần giải quyết xung đột phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước”. Ông Giang không nhắc đến Nga trong bài phát biểu của mình.

Trước đó, lần lượt vào tháng Ba và tháng Tư, Việt Nam bỏ phiếu trắng cho một Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu bảo vệ thường dân ở Ukraine và lên án Nga đã gây ra tình huống nhân đạo “thảm khốc” khi xâm lược Ukraine; và bỏ phiếu chống một Nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

 

Không có nhận xét nào: