Lời giới thiệu:
Tháng 5 năm 1975 chiến tranh đã hoàn toàn chấm dứt. Trên toàn cõi Việt-Nam không còn nghe bom nổ, không còn thấy đạn bay. Nhưng giữa tháng 5 năm 1975 cũng có những cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa đã bị đem đi mất biệt, mãi mãi không về…Bảo Huân
Kỳ 1: - Ðời tôi đã có một tháng 5 tràn đầy hạnh phúc, đó là tháng 5 năm 1969. Vào một ngày đẹp trời giữa tháng 5 này, ở Ban Mê Thuột, tôi đã gặp được người trong mộng ước của mình. Người con gái tôi gặp ngày đó đã thành người tôi yêu suốt đời. Người đó đã trở thành mẹ của 4 đứa con tôi, đã thành bà của 5 đứa cháu tôi. Hơn thế nữa, người đó, với tôi còn là một người vợ chung thủy, đồng thời là một người bạn tri kỷ không ai thay thế được.
<!>
Tóm lại, từ lâu lắm rồi, tháng 5, với tôi đã trở thành 1 tháng thần tiên, trừ ra 1 tháng 5 thật là đáng ghét, nhưng tôi cũng không thể nào quên nó được, đó là tháng 5 năm 1975.
Tôi đã sống qua những ngày đau thương của cái tháng 5 năm ấy, đã bị giằng co bởi những quyết định sống còn của cuộc đời mình, đã xuôi tay chấp nhận cái chết, và đã chứng kiến những cảnh chia ly não lòng.
Tháng 5 năm 1975 trên toàn cõi Việt Nam không còn tiếng súng giao tranh, nhưng có những người đi không thấy về.
Sáng 1 tháng 5 năm 1975 tôi lang thang trong vùng Ngã Bảy Chợ Lớn, trên đường tìm về nhà mẹ tôi.
Ngày hôm trước đơn vị của tôi đã bị đánh tan. Ðêm qua, sau khi trốn thoát một cuộc truy sát của kẻ thù, tôi vào tá túc trong nhà một người quen nằm trên đường An Bình, Chợ Lớn.
Tới trưa 1 tháng 5 tôi mới về tới nhà. Vậy mà chỉ vài giờ sau đã có lệnh kêu tôi sáng mai phải có mặt ở văn phòng liên gia trưởng khu phố để khai báo lý lịch.
Sáng 2 tháng 5 năm 1975, tôi rời nhà ra chợ tìm tới văn phòng liên gia trưởng. Văn phòng liên gia là 1 căn nhà nhỏ vách phên, lợp tranh, nằm sát bên 1 hiệu tạp hóa lớn của người Hoa.
Lúc tôi tới văn phòng thì đã có vài vị cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hiện diện ở đây rồi. Những vị này là người cư trú trong liên gia này. Họ và ông liên gia trưởng có vẻ không lạ lẫm gì nhau.
Hình như chỉ có mình tôi là người xứ khác, không phải là dân Sài Gòn. Vì đơn vị tôi bị tan hàng, nên tôi mới phải chạy về tá túc ở đây.
Nghe các ông sĩ quan nói chuyện, tôi được biết ông đứng ghi danh trước tôi là một trung úy An Ninh Quân Ðội, nhà ông này ở ngay đầu hẻm và cách nhà mẹ tôi chừng 5, 6 căn. Bên cạnh tôi là ông đại úy Không Quân ở cách nhà tôi 3 căn. Sau lưng tôi là ông chủ tiệm gạo bên kia đường, ông này là đại úy sĩ quan Công Binh.
Ông liên gia trưởng khu phố TK9 phường Nguyễn Cảnh Chân mà mẹ tôi cư trú là bác Thọ. Nhà của bác Thọ cách nhà mẹ tôi 1 con hẻm nhỏ.
Vì là hàng xóm, hôm qua bác Thọ đã chứng kiến cảnh mẹ tôi khóc sướt mướt khi tôi bước vào nhà, nên vừa nhìn thấy mặt tôi, bác đã niềm nở:
– Bác có nghe má cháu nói cháu đi lính ngoài Miền Trung. Chắc cháu mới chạy về phải không? Cháu mau xưng tên họ để bác ghi vào sổ. Cháu là lính Ðịa Phương Quân phải không? Cháu là trung sĩ chứ gì? Cháu chỉ cần khai vắn tắt thôi! Quan trọng nhất là cái địa chỉ tạm trú phải khai cho đúng! Nếu Cách Mạng có lệnh gì thì bác cứ theo địa chỉ mà thông báo cho cháu.
– Thưa bác, bác ghi tên cháu là Vương Mộng Long, nhưng cháu không phải là trung sĩ…
Tôi nói chưa hết câu, “cháu không phải là trung sĩ mà là thiếu tá…” thì bác Thọ đã lớn tiếng phán một cách chắc chắn như đinh đóng cột:
– Cháu và thằng con bà hàng xóm nhà cháu ngang tuổi, ngang lớp với nhau, nó khai là trung sĩ thì cháu cũng là trung sĩ thôi, không thể khai là binh nhất hay binh nhì được đâu! Tội khai gian là nặng lắm đó!
2 ông sĩ quan đứng bên tôi cũng gục đầu khuyên:
– Trung sĩ thì cứ khai là trung sĩ, có gì đâu mà phải sợ? Khai man hay giấu giếm cách gì thì người ta cũng phát giác ra thôi!
Bác Thọ hất hàm ra lệnh cho anh thư ký:
– Số thứ tự 25 là Vương Mộng Long, cấp bậc trung sĩ Ðịa Phương Quân, địa chỉ TK9…
Tôi chưa kịp phản đối thì bác Thọ gọi người tiếp theo, đó là ông chủ tiệm gạo. Ông sĩ quan Công Binh này là một người cao to như một vị hộ pháp. Ông ta vừa bước lên là tôi bị văng sang bên ngay.
Trong lúc ông đại úy khai tên và đơn vị thì tôi thấy nơi cuối hàng có một bàn tay ai đó giơ lên vẫy gọi mình,
– Long! Long ơi!
Tôi giơ tay vẫy lại:
– Chờ chút! Chờ chút!
Rồi tôi sấn tới trước bàn giấy, cầm tay bác Thọ:
– Cháu có việc phải đi ngay! Yêu cầu bác đính chính lại số thứ tự 25 Vương Mộng Long là thiếu tá Biệt Ðộng Quân, không phải trung sĩ Ðịa Phương Quân!
Ông liên gia trưởng ngớ người ra:
– Cháu không nói đùa đấy chứ! Xóm mình từ xưa tới giờ làm gì có ai là sĩ quan cấp tá!
Tôi nghiêm mặt:
– Cháu nói thật đấy!
Ông đại úy chủ tiệm gạo nheo mắt nhìn tôi rồi buột miệng:
– Ðù mạ! Giờ này mà còn hám danh! Khoa trương! Làm oai!
Chắc ông đại úy nghĩ tôi chỉ là 1 anh trung sĩ hám danh, khai man thành thiếu tá để lấy le nên ông ta lớn tiếng chửi thề cho bõ ghét.
Mấy vị sĩ quan đứng gần đó cũng cau mày, nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu và khinh bỉ.
Có lẽ vì thấy tôi có vẻ trẻ trung, khỏe mạnh, lại ăn mặc không được chững chạc lắm, nên bà con cho rằng tôi chỉ là 1 hạ sĩ quan nhưng thích làm oai.
Chờ cho anh thư ký điều chỉnh xong lời khai báo của tôi, tôi chui ra khỏi đám đông để gặp người vừa vẫy tay gọi tên mình.
Thì ra đó là ông Thiếu tá Lương Ðình Chi, cựu Trưởng ty Cảnh Sát Bà Rịa, 1 người bạn vong niên của tôi. Nhà ông ta ở bên kia đường, ngay góc Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Biểu. Ông Chi vô tình ghé đây. Nhìn thấy tôi trong đám đông, nên ông ta giơ tay vẫy gọi. Ông ta cũng vừa tới văn phòng liên gia trưởng của ông để khai báo.
Ðâu ngờ, cái chuyện khai báo lý lịch xem ra thật đơn giản và không có gì đáng lo ngại, vậy mà nó che đậy một cái bẫy sập ghê gớm.
Chỉ với cái tên, cấp bậc và đơn vị mà chúng tôi khai với ông liên gia trưởng, đã đủ để những người Cộng Sản có thể phát hiện ra những kẻ thù mà chúng cần truy cứu. Chỉ ít bữa sau, một Thượng tá Trung đoàn trưởng của Sư Ðoàn 320A Cộng Sản đã tới gõ cửa nhà tôi để thăm tôi.
Tôi và ông ta đã từng có vài lần đối đầu qua những trận đánh đẫm máu năm 1974 ở Tây Nguyên.
Cũng từ cái chuyện khai báo lý lịch mà chưa tới 10 ngày kế đó, sáng 11 tháng 5 năm 1975, tôi đã trở thành một tù binh.
13 năm sau, trên cái giấy ra trại của tôi đã ghi rõ ràng rằng: Ðương sự bị bắt ngày 11 tháng 5 năm 1975.
Hôm đó, tôi bị gọi lên văn phòng liên gia trưởng. Bác Thọ nhìn tôi ái ngại:
– Phường Nguyễn Cảnh Chân vừa nhận được lệnh nội nhật ngày 11 tháng 5 năm 1975 phải áp giải tên Vương Mộng Long lên giao nộp cho Ủy Ban Quân Quản Thành Phố Sài Gòn Gia Ðịnh.
Văn phòng phường không có xe, nên bác Thọ ra lệnh cho anh thư ký của liên gia chở tôi đi bằng xe gắn máy.
Tới Trại Lê Văn Duyệt của Biệt Khu Thủ Ðô, nay là trụ sở Ủy Ban Quân Quản Thành Phố Sài Gòn Gia Ðịnh của Việt Cộng, tôi xuống xe rồi tự động đứng lẫn vào đám người đang tụ tập trước sân cờ.
Hôm đó, có khoảng vài trăm quân nhân viên chức Việt Nam Cộng Hòa bị tập trung về từ nhiều nơi quanh Sài Gòn. Họ được chở trên những quân xa đủ loại. Người xuống hết, xe chạy đi, nối đuôi nhau. Chỉ có mình tôi tới đây bằng xe hai bánh do người khác cho quá giang.
Trong số những người hiện diện trong sân, tôi thấy Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo, Chuẩn tướng Lê Trung Tường và mấy vị tướng khác, cùng vài người quen của tôi như Trung tá Nguyễn Hiệp, Trung tá Nguyễn Ðỗ Tước, Thiếu tá Hồ Văn Hòa, Thiếu tá Lương Ðình Chi và Trung sĩ Thông Dịch Viên người Hoa là Huỳnh Cẩm Lường.
Chúng tôi đứng trước sân chờ nghe cái loa treo trên cột cờ kêu tên mình để vào trình diện một trong số những căn phòng đánh số thứ tự A, B, C, D.. X, Y, Z... nằm ở tầng trệt của dãy nhà lầu phía sau.
Tôi được gọi tên để vào làm việc trong căn phòng nơi cửa có cái bảng carton cỡ 40X40 cm ghi chữ «Z» thật to bằng sơn đen, nằm ở đầu hồi. Phòng có cái bảng chữ «Z» là nơi tiếp quản của Quân Khu 5 Cộng Sản. Quân Khu 5 Cộng Sản bao gồm lãnh thổ các tỉnh từ Quảng Trị tới Phú Yên. (Chữ Z= phát âm là Zét)
Văn phòng này do 4 cán binh Việt Cộng phụ trách. 4 tên cán binh này mặc quân phục xanh, không đeo phù hiệu hay quân hàm, và cũng không vũ trang.
Có khoảng trên dưới 20 người được gọi vào phòng Z. Mỗi người được phát một tờ giấy in roneo gọi là bản tự khai, chỉ có mấy dòng:
1) Họ tên
2) Cấp bậc, chức vụ
3) Ðơn vị và nơi đồn trú.
4) Thời gian phục vụ ở địa bàn Quân Khu 5 từ năm nào tới năm nào?
5) Ðịa chỉ cư trú và liên lạc hiện nay
Dưới đó là ngày tháng và ký tên.
Công việc ghi chép những câu trả lời 5 mục nêu trên và ký tên diễn ra không tới 1 giờ.
Tiếp theo là giai đoạn khẩu vấn, công việc này cũng chỉ nhằm mục đích xác nhận xem chúng tôi có đúng là người mà Quân Khu 5 cần tiếp quản hay không.
Từng người trong chúng tôi phải lần lượt đối diện với 4 thẩm vấn viên để trả lời những câu hỏi liên quan tới từng đề tài khác nhau như quê quán, tôn giáo và gia cảnh.
Kết thúc buổi thẩm vấn, tên cán bộ trưởng toán xoa tay cười khẩy, rồi đẩy mấy tờ giấy ghi lời khai của tôi ra trước mặt tôi:
– Ðược rồi! Anh đọc lại đi! Có gì cần sửa thì trình cho tôi. Tôi có cho phép anh thì anh mới được sửa. Nghe rõ chưa?
Tôi liếc qua những dòng chữ đã ghi trên bản tự khai rồi lắc đầu:
– Tôi không muốn sửa chữa điều gì cả.
Nghe vậy, tên Việt Cộng vội xếp tờ giấy tự khai của tôi vào cái bìa cứng rồi đưa tay ra cho tôi bắt:
– Anh có thể đi về, nhớ đúng 8 giờ sáng mai lại vào đây trình diện!
Ra khỏi phòng, tôi đi một vòng quanh trại để tìm người quen, thì được tin Trung tá Nguyễn Hiệp, Thiếu tá Hồ Văn Hòa, Thiếu tá Lương Ðình Chi, đã bị còng tay chở đi rồi.
Trung tá Nguyễn Ðỗ Tước và ông Thông Dịch Viên người Hoa là Huỳnh Cẩm Lường còn ở trong phòng nào đó chưa ra.
Sáng 12 tháng 5 tôi leo lên Honda chạy một lèo tới Ủy Ban Quân Quản Thành Phố Sài Gòn Gia Ðịnh.
Gửi xe xong, tôi bước vào trại để tới phòng Z; đã có nhiều quân nhân khác nhanh chân hơn tôi; họ có mặt trong sân doanh trại từ sáng sớm.
Vào phòng, tôi mới hay, sau buổi thanh lọc ngày hôm qua đã có nhiều người được trả tự do vì lời khai của họ không phù hợp những chi tiết mà Quân Khu 5 đã nêu ra.
Hôm nay, trong phòng Z chỉ còn lại đúng 7 người.
Chúng tôi không phải khai báo gì hơn, chỉ ngồi tán gẫu với nhau thôi.
Những cán binh phụ trách công việc tiếp quản chúng tôi cũng vui vẻ nói chuyện với chúng tôi không chút ngại ngùng. Qua vài câu trao đổi, chuyện trò, tôi được biết, 2 trong số 4 cán bộ Cộng Sản này là người Thanh Hóa, 1 là dân Hà Nam Ninh, 1 là dân Hải Hưng (tỉnh Hải Hưng là tên do 2 tỉnh sáp nhập Hải Dương và Hưng Yên). Biết tôi là dân Hải Dương nên người bộ đội Cộng Sản quê Hải Hưng hay nhìn tôi với vẻ mặt nửa lưu luyến, nửa ái ngại và khó hiểu.
Buổi trưa chúng tôi được phép túa ra đường kiếm cơm cháo, mì, phở, 1 giờ sau sẽ quay trở lại.
Bên kia đường là một dãy quán hàng bán đồ ăn.Thấy 1 ông từ phòng Z dẫn theo vài ông khác chui vào một cái lều bên đường, tôi cũng chui vào theo.
Trong lều là 1 gánh cháo lòng do 1 bà tuổi trung niên làm chủ.Chúng tôi theo nhau, 7 người, ngồi trên 2 cái ghế dài của học trò.
Chỉ qua mấy phút tâm sự, tôi đã biết lý lịch của 6 ông bạn mới. 6 ông này gồm có 1 Thiếu úy Trung đội trưởng Thám Báo Tỉnh, 1 thẩm vấn viên của Trung Tâm Thẩm Vấn Quân Ðoàn II, 2 ông sĩquan Ban 2 Chi Khu,1 Trưởng Lưới Mật Báo Viên và 1 nhân viên phản gián của Ủy Ban Phượng Hoàng.
Ông chồng bà bán quán là Trung sĩ Trưởng Lưới Mật Báo Viên của Tiểu Khu Bình Ðịnh tên là Huỳnh Thanh Bền. Ông Trung sĩ Bền là 1 hạ sĩ quan Ðồng Hóa.
Từ ngày thứ 3, tôi không còn phải tốn tiền gửi xe Honda, tôi khóa xe, rồi để xe ngay vách quán của bà vợ ông Bền.
Trung sĩ Bền lớn hơn tôi 10 tuổi, vợ ông cũng lớn hơn tôi 7 tuổi. Anh chị Bền có 3 đứa con, cháu lớn là con gái 19 tuổi, đang học Sư Phạm, 2 đứa kế tuổi 15 và 13 đang học trung học.
Nhà anh chị Bền ở gần Quân Lao Gò Vấp.
Anh chị Bền là người Nam chính gốc, còn tôi lại là dân Bắc (Di Cư) chính gốc; vậy mà chỉ qua vài ngày sơ giao chúng tôi đã thấy thân thiết nhau.
Vợ chồng Trung sĩ Bền coi tôi như em, 3 đứa con của anh chị Bền thì gọi tôi là “Chú Long”.
Ngoài tên ông Bền ra, tới nay tôi chỉ còn nhớ, ông Thiếu úy Thám Báo tên là Bổn, 1 ông sĩ quan Ban 2 chi khu tên Nghĩa, ông phản gián tên Phụng; tên của 2 người còn lại thì tôi quên mất rồi.
Những ngày sau đó cũng có vài người tới trình diện phòng Z, nhưng chỉ qua vài chục phút tiếp xúc thẩm vấn là họ được cho về. Quân số phòng Z hầu như cố định 7 người. Chúng tôi cứ 8 giờ sáng có mặt, cùng nhau tán gẫu, 6 giờ chiều lại chia tay, sau khi nghe một 1 hồi kẻng báo giờ phát đi từ giữa sân cờ.
Hàng ngày, nhân dịp đi loanh quanh trong sân, tôi được biết những phòng đánh số khác cũng là chỗ quy tụ những quân nhân đặc biệt được gọi về chờ các cơ quan quân sự địa phương tới tiếp nhận.
Sau vài bữa, đã có nhiều bảng 40X40 cm được tháo gỡ, chỉ còn lác đác vài phòng là còn người đi vào, đi ra. Chắc những người bị gọi tập trung thanh lọc trong những phòng bỏ trống đó đã được các cơ quan quân sự địa phương đem đi hết rồi.
Một hôm tôi đang trên đường từ nhà vệ sinh công cộng trở về phòng Z thì thấy tên cán binh người Hải Hưng đang đứng chờ tôi dưới một gốc phượng đầy xác hoa.
Y ngoắc tay ra dấu cho tôi đi ra đằng sau dãy nhà ngang. Mắt y đảo quanh một cái thật nhanh rồi nhỏ giọng, vừa đủ cho tôi nghe:
– Anh Long à! Nếu anh mà bị đưa về Quân Khu 5 thì khó toàn mạng đó! Có trốn được thì trốn đi! Cố gắng kín miệng, đừng cho ai biết tôi đã nói với anh điều này!
Tôi chưa mở miệng nói được tiếng nào thì y đã hấp tấp phẩy tay đuổi tôi đi.
Suốt ngày hôm đó tôi cứ băn khoăn suy nghĩ. Cứ theo lời tên cán binh này thì chắc chắn tôi nằm trong số những nhân vật đặc biệt mà Quân Khu 5 Cộng Sản nhắm vào.
Chắc chắn tình trạng của tôi và những anh bạn cùng phòng sẽ lành ít dữ nhiều trong những ngày sắp tới.
Tối đó, về tới nhà, nhìn thấy 3 đứa con nheo nhóc, đứa lớn nhất mới 3 tuổi rưỡi, đứa thứ nhì 2 tuổi rưỡi, đứa thứ 3 vừa chập chững biết đi, vợ tôi lại đang mang bầu sắp tới ngày sinh, tôi không dám nghĩ tới chuyện bỏ vợ con mà đi trốn.
Ngày Ban MêThuột thất thủ tôi những tưởng vợ chồng tôi sẽ chẳng còn gặp lại nhau. Trong những ngày khói lửa ở Ban MêThuột, một quả bom từ máy bay thả xuống giữa phố, đứa con gái lớn của tôi đã bị một mảnh bom ghim vào cánh tay. Hơn 2 tháng nay vết thương trên tay con tôi còn đau,mảnh bom còn nằm trong cánh tay nó. Nay mẹ tôi vừa đón được vợ tôi và 3 đứa bé về Sài Gòn chưa được mấy ngày, tôi đã bị cấm túc.
Suy đi, tính lại, dù gì thì hiện giờ đêm đêm tôi vẫn nhìn thấy vợ thấy con, còn hạnh phúc.
Thôi đành kệ! Ai sao mình vậy! Ngày mai muốn ra sao thì ra!
Tuy thế, trong thâm tâm, tôi vẫn lo lắng không yên.
Tôi cũng không dám chia xẻ những gì mà tên cán bộ Việt Cộng đã tiết lộ cho tôi, vì thời buổi này tôi không tin ai, lỡ mình phơi bày tâm tư cho người ta biết, người ta quay sang phản mình, đi tố cáo mình để lập công thì mình chết chắc.
Tuy vậy, tôi thấy trong hoàn cảnh này, chính tôi và những người đồng cảnh của tôi cũng rất cần những sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
Trưa hôm sau, vào giờ ăn trưa, trong quán cháo của bà Bền, tôi đứng lên hỏi ý mấy ông bạn cùng phòng:
– Các bác ơi! Nếu bất ngờ tụi mình bị đưa đi chỗ khác thì các bác có cách gì báo tin cho gia đình biết?
Vừa nghe tôi hỏi, ông Huỳnh Thanh Bền đã nói ngay:
– Các ông cứ chuẩn bị sẵn 1 lá thư có địa chỉ gia đình rồi giao cho bà xã tôi cất. Ngày nào mình bị bốc đi thì nhà tôi sẽ chuyển thư của quý vị tới tận nhà để thân nhân quý vị biết mình đã đi khỏi đây rồi.
Anh Thiếu úy Thám Báo Tỉnh bổ sung thêm:
– Tôi có ý kiến là các ông nên viết sẵn một lá thư mở đầu với câu: Nhờ ai nhặt được thư này thì ghi giùm địa danh nơi thư này rơi, rồi gửi nó về địa chỉ của gia đình tôi ở địa chỉ sau đây.. Ða tạ!
Sau đó các ông cuốn lá thư trong một tờ giấy bạc 500. Tới địa điểm mới thì mình đánh rơi thư này. Thấy tiền, người ta sẽ lượm, rồi có thể, người ta sẽ giúp gửi thư đi cho mình, gia đình mình sẽ biết mình bị đưa đến đâu.
Tôi nghĩ thầm:
– Công nhận ông Bổn Răng Vàng này đa mưu thật!
Anh chàng Thiếu úy Bổn là người ăn nói rất lưu loát, miệng anh ta lại có cái răng nanh bịt vàng, quen nhau rồi, tôi cứ gọi anh ấy là “Bổn Răng Vàng”.
Thế là sáng hôm sau trước giờ chúng tôi trình diện ở phòng Z thì trong túi bà vợ ông Huỳnh Thanh Bền đã có 6 lá thư nhắn tin, và trong túi của 7 anh em trong phòng Z đều có sẵn một cuộn giấy tròn như cái pháo tép, bên ngoài lá thư được bao bởi tờ giấy bạc 500 đồng do Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam phát hành.
Một buổi chiều giữa tháng 5, tôi vừa mở khóa chiếc Honda chuẩn bị đi về thì 1 người khách qua đường dừng chân bên quán cháo lòng:
– Ðại ca! Ðại ca!
Tôi quay mặt lại, nhận ra ngay người vừa gọi mình là ông Trung úy Ðại đội trưởng, 1 Ðại Ðội Ðịa Phương Quân của tỉnh Bình Long. Suốt trận Xuân Lộc tháng 4 năm 1975, đơn vị Ðịa Phương Quân của ông này đã nằm dưới quyền chỉ huy của tôi. Tôi và ông trung úy này chia tay nhau chiều 23 tháng 4 tại căn cứ Long Bình.
Ông trung úy người Cái Sắn nắm tay tôi thật chặt:
– Em đi kiếm đại ca cả tuần nay. May quá giờ gặp rồi! Gặp rồi!
Tôi cũng cảm động:
– Chú bình an chứ? Ði đâu đây? Kiếm anh làm gì vậy?
Người đàn em ghé tai tôi thì thầm:
– Ðại ca ơi! Về Cái Sắn với em! Ba ngày nữa tụi mình sẽ vượt qua Cao Miên rồi trốn sang Thái Lan. Em có đường dây đưa đi an toàn trăm phần trăm. Ðại ca đi với em nhé! Gia đình em sẽ trang trải hết mọi phí tổn cho anh em mình!
Thật bất ngờ, nhưng tôi vẫn còn tỉnh trí. Tôi buồn rầu nói:
– Anh không đi được! Tình cảnh gia đình của anh không cho phép! Chú đi một mình đi! Chúc chú thượng lộ bình an!
Từ ấy tôi không rõ người anh em này phiêu dạt nơi đâu. Tôi luôn cầu mong cho chú ấy luôn luôn gặp những điều may mắn.
Vậy là, trong khoảng thời gian không đầy nửa tháng sau chiến tranh tôi đã có những cơ duyên được bạn bè và cả người phía bên kia giúp đỡ. Nhưng tôi đã không dám hành động để tự cứu mình. Thời gian này, hầu như tôi đã xuôi tay, nhìn cái thòng lọng cứ từ từ siết chặt dần quanh cổ mình.
Thế rồi…
Sáng 20 tháng 5 tôi vòng xe sang đường Lê Thánh Tôn để mua một ổ bánh mì thịt, rồi chạy thẳng lên Tòa Ðô Chánh để cho anh Thiếu úy Thám Báo Tỉnh quá giang. Nhà anh này ở trong con hẻm cách Tòa Ðô Chánh chừng 100 thước. Anh này không có xe, cả tuần lễ nay anh ta phải tới Trại Lê Văn Duyệt bằng 2 chặng xe Lamb chuyển tiếp.
3 tuần lễ sau ngày Miền Nam sụp đổ, Tòa Ðô Chánh Thủ Ðô Sài Gòn đã có bộ mặt mới, với lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam to tổ bố cùng toán bộ đội nón cối, dép râu ôm súng AK47 gác trước cổng.
Tới cổng Tòa Ðô Chánh, tôi giảm ga cho xe chạy từ từ theo bảng chỉ đường giới hạn 5 Km/ Giờ.
Ðoàng! Ðoàng! Ðoàng!”
Bất thình lình, 1 tên bộ đội Việt Cộng từ hiên Tòa Ðô Chánh nhảy ra giữa phố.
Tên Việt Cộng này có lẽ là sĩ quan, vì bên hông y có đeo một cái cặp da tòn ten.
Y giơ 1 tay chận xe tôi lại, tay kia giương cao khẩu K54 bắn 3 phát chỉ thiên, miệng la:
– Ðứng lại! Ðứng lại!
Chẳng hiểu chuyện gì, tôi vội răm rắp tuân lệnh của người cầm súng, tấp xe vào lề đường, thắng lại.
Thằng Việt Cộng chĩa súng ngay đầu tôi, rồi nhảy lên, ngồi trên yên sau, miệng y hét lớn:
– Anh khẩn trương chở tôi lên Bộ Tổng Tham Mưu Ngụy! Nhanh lên! Nhanh lên!
Tôi im lìm nhấn chân sang số, xe đi tới.
Chạy được vài chục thước, tôi thấy trước mặt, bên đường, là anh bạn Bổn Răng Vàng, Thám Báo Tỉnh. Tôi đạp thắng cho xe chạy chậm lại, thì thằng Việt Cộng hét to:
– Ði! Ði! Cấm dừng!
Thấy 1 thằng Việt Cộng vừa kê súng vào đầu tôi, vừa la hét oang oang, ông Thiếu úy Thám Báo Tỉnh cũng hoảng hồn, vội vàng bước thối lui vào lề đường.
Thế là tôi phải vặn tay tăng ga cho chiếc Honda vọt lên. Bạn tôi đứng ngẩn người nhìn theo.
Tôi đâu có biết đường nào lên Tổng Tham Mưu? Tôi cứ chạy vòng vo trong khu Yên Ðổ, Hai Bà Trưng hoài.
Thấy thế, thằng Việt Cộng lớn tiếng ra lệnh:
– Anh chạy theo lệnh tôi! Chạy thẳng! Rẽ phải! Rẽ trái! Chạy thẳng! Rẽ phải!
Xe qua cầu Trương Minh Giảng một lúc lâu mới tới Bộ Tổng Tham Mưu…
“Kia rồi! Dừng lại!”
Hóa ra 1 thằng Việt Cộng vừa ra khỏi rừng mấy ngày mà đã thông thuộc đường sá Sài Gòn hơn 1 thiếu tá tiểu đoàn trưởng Biệt Ðộng Quân Vùng 2 của Việt Nam Cộng Hòa!
Tới cổng sau của Bộ Tổng Tham Mưu, tôi tưởng mình thoát nạn, nào ngờ:
– Anh đỗ xe ở đây! Không được thoái bộ! Chờ tôi họp xong, tôi sẽ quay ra! Nghe rõ chưa?
Y chỉ chỗ cho tôi tắt máy và đậu xe sát vọng gác bên hông của Bộ Tổng Tham Mưu rồi ra lệnh cho mấy tên bộ đội trong điếm canh:
– Tôi giao cho các đồng chí nhiệm vụ quản chế anh này! Giữ anh ta tại đây cho tới khi hội họp xong tôi sẽ trở ra. Nếu anh ta thoái bộ thì các đồng chí cứ việc bắn! Ðừng bắn chết là được! Cứ bắn gãy chân thôi! Nghe rõ chưa?
Tôi ngồi xuống bờ cỏ bên vọng gác, móc túi lấy điếu thuốc Ruby ra hút đốt thời giờ. Tôi hút tới điếu thuốc thứ 3 mà tên cán binh Việt Cộng vẫn chưa ra. Ðã tới 8 giờ, giờ điểm danh của ban tiếp quản Quân Khu 5, mà tên Việt Cộng vẫn chưa ra.
Tôi mon men tới bên vọng gác:
– Anh bộ đội ơi! Ðã tới giờ tôi phải có mặt ở Ủy Ban Quân Quản Thành Phố, tôi có thể đi được không?
“Crách! Crách!” cùng với tiếng lên cò súng là khẩu lệnh:
– Ngồi xuống đó! Cấm di chuyển! Anh mà bước khỏi đây 1 bước là tôi bắn!
Thế là tôi đành ngồi xuống.
Tôi dự trù nếu thằng cán binh ác ôn mà trở ra, tôi sẽ đòi nó ký cho tôi tờ giấy chứng nhận lý do vì sao tôi tới phòng Z trình diện trễ.
Thoáng chốc mặt trời đã tới đỉnh đầu. Sài Gòn tháng 5 trời vừa nắng cháy da, vừa ẩm ướt hầm hầm như đang trông chờ những cơn mưa bóng mây.
Gặm xong ổ bánh mì thịt, tôi thấy cổ khô ran, khát nước. Tôi lại mon men tới bên vọng gác:
– Anh bộ đội ơi! Tôi xin phép đi sang bên kia đường để mua nước uống có được không?
– Ngồi xuống đó! Ði là tôi bắn! Không có nước nôi gì hết! Nghe rõ chưa?
Tới 2 giờ chiều thì bụng tôi căng như cái trống, tôi lại mon men tới bên vọng gác:
– Anh bộ đội ơi! Tôi xin phép vào nhà xí của trại để đi tiểu tiện có được không?
– Cần gì phải vào nhà xí! Anh cứ ngồi xuống vạch cu ra mà đái! Không ai thèm nhìn anh đái đâu!
Cố nín thêm chừng 1 giờ sau nữa, tôi cũng đành phải mở nút quần. Tôi nhắm mắt, đái đại ngay trên lề cỏ bên đường.
Ðồng hồ tay của tôi chỉ đúng 4 giờ chiều thì tên cán bộ mới xuất hiện. Vừa phóng lên yên sau, y đã hối:
– Khẩn trương lên! Họp hành gì mà lâu quá! Tôi đói lắm rồi! Anh mau mau chở tôi về lại Tòa Ðô Chánh! Mau lên! Mau lên!
Trên đường về, thằng Việt Cộng không còn kê súng lên đầu tôi nữa.
Vì đã biết đường đi, nên lúc về tôi không bị lạc. Tới cổng Tòa Ðô Chánh tên cán bộ xuống xe, rồi mở cái cặp da:
– Anh tính tiền xe ôm thuê bao cả ngày hôm nay là bao nhiêu? Tôi sẽ trả cho anh! Anh làm việc có lương tâm lắm! Tôi tuyên dương anh đấy!
Thì ra thằng Việt Cộng này tưởng lầm tôi là 1 anh chạy xe ôm! Tôi nói:
– Anh nhầm rồi! Tôi không phải xe ôm! Nhưng thôi! Anh không cần trả tiền tôi, mà hãy ký cho tôi cái giấy chứng nhận rằng anh đã trưng dụng tôi chạy xe đưa anh đi công tác suốt ngày nay để tôi xuất trình cho Ủy Ban Quân Quản Thành Phố.
Nghe tôi nói, tên cán bộ hơi ngẩn người ra 1 giây, rồi nhẹ giọng:
– Vậy thì xin lỗi anh nhé! Ðược rồi! Tôi sẽ ký giấy làm chứng cho anh.
Nói xong, y mở cái cặp da, rút ra một quyển sổ công lệnh của Quân Khu 7, tờ nào cũng có con dấu đỏ chót.
Y xé một tờ rồi ghi trên đó mấy chữ:
“Chứng nhận đã sử dụng nhân công này từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều ngày 20 tháng 5 năm 1975”.
Y ký tên rồi đưa tờ công lệnh cho tôi,
– Ði đi! Yên chí sẽ không có ai làm khó dễ anh đâu!
Quá 5 giờ chiều tôi mới tới cái lều bán cháo lòng của chị Bền. Thấy tôi, chị Bền lo lắng hỏi:
– Ủa! Sao giờ này chú mới tới? Trưa nay anh Bền và mấy ông phòng “ZÉT” không ra ăn cơm. Chú vào trong đó xem có gì lạ thì ra báo cho chị hay.
Tôi khóa xe rồi đi vào trại. Khu doanh trại của bộ đội vẫn sinh hoạt bình thường. Dãy nhà ngang là khu tiếp quản chỉ còn một phòng Y là có người. Phòng Z cửa cũng mở toang, cái bảng carton 40X40 cm có chữ “Z” đã bị gỡ bỏ, trong phòng không thấy bóng dáng ai.
Tôi ghé phòng Y hỏi thăm 1 người đàn bà đang ngồi trước cửa:
– Chị ơi! Chị làm gì ở đây? Sao hôm nay phòng nào cũng trống không vậy chị? Bà con đi đâu hết rồi?
Người nữ quân nhân (hay công chức) trả lời:
– Tôi là nhân viên của Ty Cảnh Sát tỉnh Bình Thuận bị tập trung ở phòng Y. Hôm nay xe đã tới chở các ông, các bà ở mấy phòng khác đi sạch trơn. Cán bộ canh gác cũng lên xe đi hết, chỉ 4 người của Quân Khu 6 chúng tôi còn ở đây thôi anh ơi!
– Mấy người ở phòng “Zét” đi lúc nào vậy chị?
– Mấy ông phòng “Zét” tập trung từ sáng sớm, mãi tới hơn 3 giờ chiều họ mới bị còng tay đưa lên xe, chẳng biết đi đâu.
Phòng Y và phòng Z ở sát vách nhau, vậy mà cả tuần lễ sau tôi mới biết phòng Y chứa những người bị gọi tập trung theo lệnh của Quân Khu 6.
(Quân Khu 6 gồm các tỉnh Quảng Đức, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy).
Tôi cám ơn chị nữ công chức Việt Nam Cộng Hòa rồi lên văn phòng chính của trại để hỏi cho rõ sự tình. Ngay cửa vào, tôi chạm mặt 1 cán bộ người Nam.
Vừa nghe tôi xưng danh, hắn đã hét lên:
– Anh là Vương Mộng Long hả? Anh đi đâu mà giờ này mới vác mặt tới đây? Xe của Quân Khu 5 chờ anh cả nửa ngày mà không thấy anh, họ đã khởi hành rồi! Anh đúng là thằng phá hoại!
La hét xong, y quay vào trong ra lệnh:
– Ðồng chí trực trại đem thằng này đi nhốt cho tôi!
Thế là tôi bị còng hai tay dẫn tới góc rào, tống vào cái điếm canh bỏ trống nằm đằng sau một cái lô cốt lớn bên phải cổng trại.
Tới 6 giờ chiều thì kẻng tan sở gióng lên. Mấy người bị quản thúc trong phòng Y lần lượt theo nhau đi ra cổng.
Trong khi đó tôi ngồi bên song sắt ngó ra ngoài. Tôi không biết những bạn bè cùng phòng Z của tôi đã bị đem đi đâu. Nhưng cứ nghĩ tới câu nói mà tên cán bộ người Hải Hưng đã nói với tôi: “Nếu anh mà bị đưa về Quân Khu 5 thì khó toàn mạng đó! Có trốn được thì trốn đi! Cố gắng kín miệng, đừng cho ai biết tôi đã nói với anh điều này!”
Tôi thấy số mình còn hên. Có khi phải bất đắc dĩ chạy xe ôm không công 1 ngày mà tôi đã được toàn mạng cũng nên.
Ðúng 6 giờ 5 phút, tên cán bộ đã ra lệnh nhốt tôi chợt đi xăm xăm tới cửa điếm canh:
– Anh đã cơm nước gì chưa? Nếu đói thì chờ đó! Chút nữa sẽ có người đem cơm cho anh ăn.
Chợt nhớ tới cái giấy chứng nhận của tên Việt Cộng ở Tòa Ðô Chánh, tôi nói với tên cán bộ,
– Hôm nay tôi tới trễ là có lý do! Cán bộ hãy mở còng tay để tôi lấy bằng cớ cho cán bộ coi.
Ðọc xong những chữ viết và săm soi kỹ cái dấu mộc đỏ, y gật gù:
– Tôi sẽ giữ cái giấy chứng nhận này. Bây giờ tôi cho phép anh về. Sáng mai đúng 8 giờ anh phải tới trình diện tôi trong phòng trực.
5 phút sau tôi ra tới cổng, chị Bền đang chờ tôi, mặt chị không giấu nổi nỗi âu lo:
– Chuyện gì vậy chú?
Tôi vắn tắt kể cho chị biết lý do vì sao tôi tới trễ và lặp lại những lời người nữ Cảnh Sát tỉnh Phan Thiết đã nói với tôi cho chị nghe.
Ngày 21 tháng 5 tôi gửi xe sau quán của chị Bền rồi vào văn phòng chính của trại. Ở đây đã có 4 người, 3 nam, 1 nữ của phòng Y ngồi chờ sẵn.
5 chúng tôi là những người còn sót lại sau cùng của đợt tập trung ngày 11 tháng 5 năm 1975 của Ủy Ban Quân Quản Thành Phố Sài Gòn, Gia Ðịnh.
Sau này tôi mới hay, hôm qua, 20 tháng 5 là thời hạn chót để các đơn vị địa phương tới tiếp nhận người.
9 giờ sáng chúng tôi được lệnh lên xe. Tôi lựa 1 chỗ ngồi bên trái, đằng sau xe để khi ra tới đường Lê Văn Duyệt tôi có thể vẫy tay báo hiệu cho chị Bền.
Xe vừa ra tới cổng, tôi đã thấy chị Bền và đứa con gái lớn của chị đứng bên lề vẫy tay. Tôi chắc mẩm rằng, thế nào chiều nay gia đình tôi cũng sẽ nhận được tin tôi bị đưa đi xa rồi.
Chúng tôi được chở đi quanh co một hồi rồi đậu trước khám đường Chí Hòa.
Tên cán bộ trưởng toán ra lệnh cho chúng tôi xuống xe rồi dẫn chúng tôi đi vòng vòng 1 lúc sau thì chui vào 1 cái sân cỏ nhỏ. Y bảo chúng tôi đứng chờ nơi sát cổng, còn y thì ôm một tập hồ sơ đi vào phòng trực.
Tôi thấy dưới hiên 1 dãy nhà có vài người đứng chen chúc nhau. Trong số những người đang đứng lố nhố đó,tôi nhìn mặt được 3 ông Biệt Ðộng Quân là Hồ Văn Hòa, Lương Ðình Chi và Nguyễn Hiệp. Tôi giơ tay vẫy họ, họ vẫn tỉnh bơ, có lẽ họ không nhận ra tôi.
Sau 10 phút đợi chờ, tên cán bộ trưởng đoàn hối hả đi ra, y ngoắc tay cho chúng tôi đi theo.
Tới xe, y lớn tiếng nói với tên Việt Cộng tài xế:
– Hết chỗ rồi! Chúng nó không nhận! Mình đi Quang Trung!
Xe nổ máy chạy ra ngoại ô Sài Gòn, hướng về Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.
Tới cổng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung tên cán bộ trưởng đoàn lại lếch thếch ôm cái cặp đi vào.
Lần này chúng tôi không được xuống đất, mà phải ngồi yên tại chỗ.
10 phút sau thằng Việt Cộng lại đi ra, lại ban lệnh cho thằng tài xế:
– Hết chỗ rồi! Chúng nó không nhận! Mình về Hoa Lư!
Trưa hôm đó chiếc GMC chở chúng tôi ngừng bánh trước 1 tòa nhà khá lớn nằm đối diện với sân vận động Hoa Lư trên đường Ðinh Tiên Hoàng. Vị trí này là cơ ngơi của một bộ gì đó tôi không nhớ, nay là chỗ đóng quân tạm thời của một đơn vị trực thuộc Quân Khu 7 Cộng Sản. Trước sân có vài chiếc xe quân sự đang đậu.
Tên cán bộ dẫn giải ôm cặp hồ sơ đi vào cổng, 10 phút sau lại đi ra.
Lần này y cho chúng tôi xuống xe. Chỉ tay về hướng căn phòng cuối dãy nhà, y ra lệnh:
– Các anh chị vào nghỉ trong đó, chờ phương tiện đi Quân Khu Ngoài!
Tôi nghĩ: “Quân Khu Ngoài chắc là Quân Khu 5 và Quân Khu 6”.
Ngay khi đó, 2 cán bộ Việt Cộng khác từ sau khu dinh thự tiến ra vẫy tay gọi tên trưởng toán dẫn giải; rồi cả 3 chụm đầu vào nhau bàn tán.
Mấy phút sau, 3 tên này vừa nhìn về phía chúng tôi vừa viết viết, ký ký cái gì đó trên 1 mảnh giấy.
Cuối cùng, 1 thằng già Nghệ Tĩnh bước tới trước mặt chúng tôi. Y hắng giọng “khạc! khạc!” vài ba cái rồi nói:
– Tôi đã ký nhận danh sách của các anh chị. Các anh các chị cứ ở tạm đây. Hôm nào có người ở Quân Khu Ngoài vào nhận, tôi sẽ cho các anh các chị đi. Bây giờ các anh các chị có thể về nhà, sáng mai đúng 8 giờ phải có mặt ngay chỗ này!
Nghe được câu này, tôi khoan khoái thở ra: “Thế là chưa sao! Chưa sao!”
Xế chiều, tôi mò về tới quán của chị Bền. Tôi kể cho chị hay diễn biến chuyện đã xảy ra trong ngày. Chị gật gật đầu:
– Như vậy chú còn hên hơn anh Bền! Không rõ giờ này anh Bền ở đâu? Chắc không lâu nữa chú sẽ bị chở đi gặp anh Bền. Gặp anh Bền, chú nhớ nói với anh ấy rằng, vợ con anh ấy suốt ngày cầu Trời Phật phù hộ, độ trì cho anh ấy. Vợ con anh ấy vẫn mong đợi từng ngày để gặp lại anh ấy!
Chị Bền đưa hai bàn tay lên vuốt mặt, nước mắt đã rơi, chị tôi không nói thêm được lời nào nữa…
Hôm đó tôi về tới nhà sớm hơn mọi ngày. Vợ chồng con cái chở nhau trên chiếc Honda đi quanh phố một vòng mà thấy trong lòng thật là vui, quên hết muộn phiền, lo âu.
Từ ngày 22 tháng 5 tôi không còn dùng Honda để làm phương tiện di chuyển nữa; tôi tới sân vận động Hoa Lư theo 2 tuyến đường xe Lamb. Vì nếu tôi tiếp tục dùng Honda mà bất chợt người ta bắt tôi đi, thì gia đình tôi làm sao hay biết mà đi tìm xe? Vả lại cái sổ chủ quyền của chiếc xe lúc nào cũng phải nằm trong túi người lái nó. Lái xe mà không có sổ chủ quyền, gặp các trạm kiểm soát giao thông thì xe sẽ bị tịch thu ngay. Người nhà có tìm ra xe mà không có sổ chủ quyền thì cũng bó tay. Trong thời gian gửi xe ở quán cháo lòng của vợ anh Bền, tôi cũng gửi chị Bền cái sổ chủ quyền chiếc Honda của tôi.
Ðược cái là vấn đề kiểm soát giờ giấc của bọn Việt Cộng này cũng rất dễ dãi, không chút khắt khe. Chúng tôi có tới trễ, tới muộn nửa giờ, một giờ, cũng không ai làm khó dễ gì.
Hàng ngày chúng tôi chỉ cần có mặt ký tên trên sổ điểm danh một lần, rồi muốn đi đâu thì đi, lâu lâu lại tạt về phòng cho có mặt.
Gần tới cuối tháng chúng tôi có thêm 2 ông bạn mới. 2 ông này là 2 ông thiếu tá khóa 10 Ðà Lạt; 1 ông làm Trưởng ty Cảnh Sát, 1 ông làm Trưởng ty Chiêu Hồi. Chẳng rõ các ông này do cơ quan nào mang tới gửi ở đây. Chắc 2 vị này cũng là những người đang chờ bị bốc đi như chúng tôi.
Mãi 2 ngày sau tôi mới biết ông Trưởng ty Cảnh Sát tên là Nguyễn Hồ Ðịch, còn ông Trưởng ty Chiêu Hồi tên là Trần Hướng Trung.
Một buổi trưa tôi rủ 2 ông đàn anh Võ Bị tản bộ ra ngã tư ăn bún bò. Khi chúng tôi quay về thì thấy 4 người Quân Khu 6 đang tụ họp trong văn phòng để làm việc gì đó. Lúc trở ra mặt người nào người nấy đều có vẻ tươi vui. Chúng tôi đang chuẩn bị đi về, nên không kịp hỏi han xem có chuyện gì đã xảy ra. Sáng hôm sau thì 4 người bạn này không xuất hiện nữa.
Thấm thoát đã qua đầu tháng 6, qua tin truyền đi trên Truyền Thanh và Truyền Hình thì Ủy Ban Quân Quản Thành Phố đã ra thông cáo rằng sĩ quan cấp thiếu tá trở lên sẽ phải trình diện đi học tập cải tạo tại vài địa điểm trong Sài Gòn.
Tên Việt Cộng thường ngồi nhận chữ ký hằng ngày của chúng tôi cho chúng tôi biết rằng từ nay Quân Khu 7 sẽ không cho phép các Quân Khu khác tới nhận người nữa. Như thế là chúng tôi không còn phải lo lắng chuyện sẽ bị chuyển giao cho các Quân Khu Ngoài.
Y nói, chúng tôi chỉ cần có mặt ở đây vào ngày các lớp học tập khai giảng thì đơn vị này sẽ cung cấp phương tiện để đưa chúng tôi tới trường, tới lớp. Y nhắc nhở chúng tôi nhớ chuẩn bị đem theo áo quần cùng những vật dụng cần thiết như kem đánh răng, bàn chải để tiện dùng trong thời gian 1 tháng học tập xa nhà.
Cũng từ ấy, chúng tôi có thể chia phiên nhau, 1 người có mặt, 2 người kia ở nhà. 3 chúng tôi đều biết địa chỉ của nhau. Do đó, người trực có thể đi kêu 2 người kia nếu có chuyện gì cần gấp.
Tên cán bộ quản chế cho chúng tôi biết rằng các trung tâm sẽ nhận người đăng ký từ ngày 13 tới 15 tháng 6 năm 1975. Chúng tôi sẽ được chở tới trung tâm vào ngày cuối, tức là 15 tháng 6 để khỏi phải chờ lâu tại trung tâm trước khi tới địa điểm học tập.
Ðúng 12 giờ trưa ngày 15 tháng 6 năm 1975 tôi và 2 ông đàn anh được đưa lên xe để di chuyển tới các trung tâm tiếp nhận.
Xe chạy thẳng một lèo tới Trường Trung Học Lasan Taberd thì ngừng, tôi bị gọi xuống. Tên cán bộ hướng dẫn đem tôi vào văn phòng của trường, giao nạp tôi cho 1 sĩ quan Cộng Sản.
Cầm cái biên nhận tù binh, tên cán bộ dẫn giải bắt tay tôi rồi nói:
– Mừng anh! Chúc anh học tập tốt, lao động tốt để sớm về sum họp với gia đình.
Sau đó tôi được 1 tên bộ đội dẫn lên lầu để nhập bọn cùng vài sĩ quan cấp thiếu tá đã trình diện sáng nay; vì vậy tôi không rõ 2 ông thiếu tá khóa đàn anh của tôi bị đưa tới trung tâm nào. Mãi tới 6 năm sau, 1981, tôi mới gặp lại 2 vị này ở Trại Z30C Hàm Tân, Thuận Hải.
Từ 15 tháng 6 năm 1975 tôi bắt đầu 1 chuyến đi xa dài ngày…
Nửa năm đầu, từ tháng 6 năm 1975 tới giữa tháng 10 năm 1975 tôi bị giam tại trại Long Giao. Qua 1 tháng sống đời tù đày, tôi bắt đầu có ý định vượt ngục. Tôi đã bàn chuyện trốn trại cùng 2 ông thiếu tá cựu quận trưởng, nhưng giờ chót 2 ông này thối chí, nên tôi đành phải hủy bỏ mưu đồ.
Nửa năm kế đó tôi bị chuyển về trại giam Suối Máu, Tam Hiệp, Biên Hòa, chờ ngày bị đưa ra Bắc. 2 tuần lễ sau ngày bị đưa ra đất Bắc, nửa đêm 8 tháng 8 năm 1976, tôi vượt ngục lần đầu. Trải qua 10 ngày lặn lội trong rừng dưới cơn bão số 6, tôi và người bạn đồng hành bị bắt lại, bị cùm, bị đánh đập, khảo tra, rồi được cho về Ðội 11, Trại 4, Liên Trại 4 để tiếp tục lao động.
Một hôm trời giăng giăng mưa phùn, tôi và bạn tù đi cấy lúa vần công cho Thôn Nam Xã Cẩm Nhân, Yên Bình, Yên Bái thì thấy 2 ông tù cải tạo khiêng một cái võng có người nằm bên trong.
Cái võng được phủ bằng chiếc mền Trung Cộng màu đỏ. Theo sau cái võng là 1 ông tù đeo cái balô, có lẽ trong balô là tài sản của người nằm trên võng.
Có một vệ binh Việt Cộng đeo AK đi canh chừng đằng sau ông tù đeo balô. Chắc mấy người này đang đưa 1 ông tù bệnh nặng lên bệnh xá của liên trại để chữa trị.
Tôi ngừng tay cấy, lớn tiếng hỏi:
– Ê! Ai đó? Các cha?
Ông tù mang ba lô liền lớn tiếng đáp lời:
– Tước! Tước rằn ri!
– Phải Nguyễn Ðỗ Tước Biệt Ðộng Quân không?
– Ðúng rồi!
– Bệnh gì vậy?
– Kiết lỵ!
Chiều hôm đó cái võng lại quay về, vẫn có chiếc mền đỏ Trung Cộng phủ bên trên.
Tôi lại hỏi:
– Hết bệnh chưa?
Ông tù mang ba lô lại đáp lời:
– Chết rồi!
Tôi chỉ còn biết ngậm ngùi đứng nhìn theo bóng chiếc mền đỏ đi xa dần về hướng Trại 8 nơi Ðèo Lũng Ngàn.
Ngày xưa, trước tôi, Trung tá Nguyễn Ðỗ Tước đã là Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân ở Pleime.
Tết Dương Lịch 1978 vừa đi qua thì tôi vượt ngục lần thứ 2. Sau 2 tháng lặn lội trong rừng, chưa vượt khỏi biên giới Việt Lào, tôi lại bị bắt.
Thất bại lần này, qua những trận khảo đả dã man của kẻ thù mà tôi không thành người tàn phế cũng là nhờ phúc đức ông bà đã che chở cho tôi.
Năm 1981 tôi bị chuyển trại về Nam, trại tù mới có tên Z30C Hàm Tân, Thuận Hải.
Rồi một sớm tinh mơ cuối năm 1984 tôi vượt ngục lần thứ 3.
Vừa nhảy khỏi rào trại, tôi đã bị 1 vệ binh túm được.Lạ lùng 1 điều là thằng Việt Cộng này đã không bắn tôi, không bắt tôi, mà chỉ xua tay ra dấu cho tôi chui vào sân trại trở lại.
Ghìm súng trước ngực tôi, y ra lệnh:
– Anh Long không được đi! Trong giờ tôi gác mà anh trốn thoát thì tôi sẽ vào tù thay anh! Vào đi! Vào đi! Anh không chịu chui vào thì tôi phải bắn!
Nghe thế, tôi bèn nhanh nhẹn chui vào trong rào trở lại. Ai ngờ, 1 tuần lễ sau ngày đó thì tên Công An vệ binh Việt Cộng này đã cùng 1 ông tù cải tạo rủ nhau vượt biên. Họ trốn trong khi tên Công An dẫn ông cải tạo viên đi kiếm củi! Có lẽ 2 người này đã an vui sinh sống trên đất Hoa Kỳ.
Cuối năm 1985 tù cải tạo trại Z30C được tha gần hết. Gần chục người sau cùng, trong đó có tôi, bị chuyển sang trại Z30D cũng ở Hàm Tân, Thuận Hải; trại này còn có tên là Trại Thủ Ðức. Tôi gặp lại ông Lương Ðình Chi và anh Huỳnh Cẩm Lường ở trại này.
Tại đây, chúng tôi tiếp tục bị cưỡng bức lao động cật lực cả ngày lẫn đêm.
Khoảng trung tuần tháng 12 năm 1987,sau 1 ngày làm công tác đào ao thông tầm, ông Lương Ðình Chi tìm gặp tôi trong sân. Ông Chi ôm ngực, nhăn nhó:
– Long ơi! Nhờ chú cạo gió cho anh. Ngực anh đau quá, thở không được.
Tôi dẫn ông về phòng, nhờ bác Mậu già trực buồng xoa dầu, cạo gió, nắn xương cho ông.
Hôm sau ông Chi được cho vào nằm trong bệnh xá, không phải đi lao động. Bệnh tình của ông Chi ngày một tăng, ông không ăn được, không thở được. Trước lễ Giáng Sinh năm 1987 thì Việt Cộng cho ông Chi về điều trị tại gia; sang năm 1988 tôi cũng được thả.
Tôi được về, nhưng anh bạn Trung sĩ Thông Dịch Viên Huỳnh Cẩm Lường của tôi vẫn còn bị giữ trong trại.
Về tới nhà hôm trước, hôm sau tôi tới góc đường Nguyễn Biểu, Trần Hưng Ðạo để thăm ông bạn già Lương Ðình Chi, ông Chi đang nằm liệt giường, liệt chiếu. Tháng sau thì ông Chi qua đời.
Cũng trong thời gian này tôi tái ngộ cựu Thiếu tá Biệt Ðộng Quân Hồ Văn Hòa, anh Hòa đang làm chủ một xe bán nước sinh tố trên đường Lê Thánh Tôn.
Anh Hòa cho tôi hay rằng ngay tối 11 tháng 5 năm 1975 anh và vài chục người khác bị đưa xuống tàu thủy chở ra Côn Ðảo. Không biết vì lý do gì nửa đường, tàu có lệnh quay trở lại.
Về lại Sài Gòn, anh Hòa bị đưa vào Lao Xá Chí Hòa chờ ngày đưa đi cải tạo. Vì lý do đó mà sáng 21 tháng 5 năm 1975 tôi đã nhìn thấy anh ta đứng trong hiên Chí Hòa.
Tới năm 1988, bạn bè mà tôi gặp trong sân Biệt Khu Thủ Ðô ngày 11 tháng 5 năm 1975 chỉ còn rất ít.
Trong suốt 13 năm, từ 1975 tới 1988, trải qua bao nhiêu trại giam; ở đâu tôi cũng cố tìm tin tức những người bạn đã cùng tôi có mặt trong phòng “Zét” ngày xưa. Nhưng tới ngày tôi rời trại tù, 6 ông bạn của tôi vẫn bặt vô âm tín.
Ít lâu sau ngày về tôi đạp xe qua khu doanh trại cũ của Biệt Khu Thủ Ðô để xem quán cháo lòng của bà vợ ông Huỳnh Thanh Bền có còn ở đó hay không.
Thời 1988 khu vực này vẫn chưa có nhiều thay đổi, lều quán bên đường vẫn y nguyên, phố xá có vẻ còn tiêu điều hơn là trước ngày tôi bị dẫn lên xe đưa đi khỏi nơi đây.
Quán cháo lòng ngày xưa được che bằng 2 cái poncho ghép lại, nay được thay bằng một tấm vải nhựa dày. Nồi cháo bốc hơi ngày xưa nay được đổi thành nồi xôi đậu xanh, cũng bốc hơi.
Tôi thấy người ngồi sau cái bàn vuông có 2 cái ghế con là 1 bà già gầy guộc tóc bạc phơ. Nhưng tôi đoan chắc rằng người đó là vợ ông Trung sĩ Huỳnh Thanh Bền.
Thấy tôi dừng xe chị Bền ngước mắt hỏi:
– Ông khách cần mấy gói xôi? Muốn gói muối đậu chung với xôi hay là gói riêng?
Tôi ân cần:
– Chị Bền! Chị không nhận ra em sao? Long đây chị!
Nghe vậy, chị Bền giật mình trợn mắt:
– Cái gì? Ông khách là chú Long hả?
Tới lúc nhận ra tôi rồi, chị Bền bật khóc:
– Em về rồi hả? Em về lúc nào vậy? Em có gặp anh Bền không?
– Em mới về mấy ngày thôi! 13 năm nay, đi tới trại nào em cũng dò hỏi, nhưng không có tin tức gì của anh Bền cả. Còn chị, từ ấy tới giờ chị có đi tìm anh không? Có nghe ngóng được gì không?
Chị Bền kéo cái ghế con cho tôi ngồi, rồi lấy tấm vải nhựa phủ lên trên gánh xôi, làm như đã dẹp cửa hàng, không tiếp khách nữa:
– Chuyện dài lắm chú ơi! Ðể chị từ từ kể cho chú nghe.
Chị Bền bắt đầu kể chuyện bằng những âm thanh nghẹn ngào chan bằng những giọt nước mắt.
Trong gần 1 giờ đồng hồ tôi đã được nghe toàn bộ câu chuyện đi tìm chồng của Chị Bền.
Thì ra từ khi bị chuyển đi, tôi đã lấy lại cái thư mà tôi đã gửi chị Bền, nên chị không còn địa chỉ nhà tôi, do đó chị không biết tìm cách nào mà liên lạc được với vợ con tôi.
5 cái thư của những bạn phòng “Zét” đã được con gái anh Bền gửi đi ngay sau ngày các anh ấy lên xe. 4 gia đình nhận thư đã không hồi âm, riêng người vợ của Thiếu úy Bổn mãi 3 tháng sau mới liên lạc với con gái anh Bền.
Trong thư, chị Hà, vợ anh Bổn đã hẹn ngày để vào thăm chị Bền. Hôm đó chị Bền không ra quán, ở nhà đón chị Hà.
Chị Hà không đội khăn tang, nhưng ghim trên ngực áo một miếng vải đen, đó là dấu hiệu chị có thân nhân vừa quá vãng.
Bước vào nhà, chưa kịp ngồi xuống ghế, chị Hà đã vừa mếu máo vừa nói:
– Các anh ấy chết hết rồi! Các anh ấy bị xử tử, trôi sông hết rồi!
Nghe được câu này thì vợ Trung sĩ Huỳnh Thanh Bền ngã ra ngất xỉu. Cạo dầu, đánh gió cả giờ sau mà chị Bền vẫn phải nằm trên giường không dậy nổi.
Chị Hà đành kể tiếp phần sau câu chuyện cho cháu Thoa nghe.
Thì ra cơ mưu thả thư rơi của ông Thiếu úy Thám Báo đã không thành công. Những cái pháo tép có vỏ ngoài quấn bằng những tờ giấy bạc 500 đồng của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam phát hành đã bị tịch thu ngay khi các ông bạn tôi vừa đứng vào hàng tập họp trong sân để kiểm tra an ninh trước khi lên xe.
Chiếc Molotova chở 6 ông phòng “Zét” đã chạy thâu đêm và suốt ngày hôm sau thì tới Qui Nhơn. Họ được giao cho Ủy Ban Thanh Lọc của Quân Khu 5.
Ngày kế đó, họ bị đưa vào 1 khu vườn cây cối um tùm, nằm sát bờ sông Lại Giang gần chân cầu xe lửa Bồng Sơn. Nơi này có mấy dãy nhà tôn vách ván kín mít. 6 người bị trói tay và bị nhốt trong 1 căn phòng tối như bưng. Phòng giam này do 3 cán binh Việt Cộng luân phiên canh giữ suốt đêm ngày.
Liên tiếp 1 tuần lễ, ngày nào họ cũng bị áp giải lên 1 phòng chứa đầy dụng cụ tra tấn để các chuyên viên khai thác thẩm vấn và chấp cung.
Qua ngày thứ 8 thì 6 ông cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã kiệt lực, không ai đứng dậy nổi. Ngày thứ 9 họ được ở yên trong phòng.
Tới tối ngày thứ 10 thì có 4 tên Việt Cộng từ Ủy Ban Thanh Lọc Quân Khu 5 tay thủ AK 47 lầm lì xuất hiện trước phòng giam.
Bọn này gọi tên, ra lệnh cho người tù lớn tuổi nhứt là Trung sĩ Huỳnh Thanh Bền bước ra ngoài.
Tới cửa, trước khi bị dẫn đi, ông Bền bị trói chặt hai tay bằng một sợi dây dù, hai mắt ông bị bịt bằng một vuông vải đen, miệng ông bị nhét một cái giẻ to.
Rồi cứ thế, mỗi tối phòng giam lại hụt đi một người. Anh Thiếu úy Thám Báo Tỉnh là người bị trói tay, bịt miệng, bịt mắt dẫn đi sau cùng.
Chị Hà biết được chuyện này là do 1 trong 3 tên cán bộ Cộng Sản canh giữ phòng giam kể lại cho chị nghe. Y là người đã chứng kiến những gì đã xảy ra từ ngày đầu tới ngày cuối.
Số là, khi ra đi, anh Bổn đã chuẩn bị sẵn 10 cái khoen vàng một chỉ. Anh luồn những cái khoen vàng đó trong lưng quần. Sau khi bị khảo đả ngày đầu, anh Bổn vội rút hết vàng ra mua chuộc 1 tên cán bộ bảo vệ. Tên này cùng quê Phú Phong, Bình Ðịnh với anh Bổn. Y đã cố gắng giúp anh khai bệnh tiêu chảy lúc nửa đêm. Anh được đưa ra bờ sông để đại tiện; thừa dịp này anh có thể nhảy xuống nước mà lặn đi. Nhưng mỗi lần anh ra ngoài, đều có 2 vệ binh đi theo. Tên vệ binh thứ nhì đã ranh ma, cột chặt một tay anh vào cổ tay nó, do đó đã có 2 dịp may ngồi bên bờ nước mà anh Bổn vẫn không trốn được.
Vài ngày sau, biết mình đã cùng đường, anh Bổn kể hết mọi chuyện đã xảy ra từ ngày anh bị tập trung ở Sài Gòn cho tới ngày anh bị đưa về Bình Ðịnh cho tên Việt Cộng gốc Phú Phong nghe. Anh cho y địa chỉ gia đình anh ở Qui Nhơn và viết mấy chữ nhắn người nhà anh đền ơn cho y, nếu y tìm tới gặp vợ anh và kể cho chị ấy biết hết sự tình. Thời gian này chị Hà đang ở nhà cha mẹ đẻ trong thành phố Qui Nhơn.
Một tuần lễ sau ngày anh Bổn bị trôi sông, tên cán bộ người Phú Phong đã tới nhà gặp chị Bổn.
Tên Việt Cộng kể rằng ngày cuối cùng chỉ còn một mình anh Bổn trong phòng, anh vẫn bình tĩnh như thường, anh nhờ y nhắn với chị Hà một câu:
“Kiếp này duyên tình của vợ chồng mình nửa đường đứt đoạn, đôi ta chỉ biết hẹn gặp nhau ở kiếp sau!”
Y cũng tiết lộ cho chị Hà biết lý do vì sao mỗi đêm Ủy Ban Thanh Lọc Quân Khu 5 chỉ đem 1 người đi bắn rồi đạp xác xuống sông Lại Giang.
Sở dĩ nhà cầm quyền Việt Cộng chọn cách giết từng người như thế chỉ với mục đích tránh tai mắt của ngư dân quanh vùng. Lại Giang là con sông lớn, nước chảy không ngừng, nên chỉ vài giờ sau khi bị ném xuống nước, xác người bị thủ tiêu đã trôi tới biển Ðông.
Nghe xong chuyện 6 anh em phòng «Zét» bị thủ tiêu, gia đình chị Hà đã bỏ công thuê người đi dò dẫm hỏi thăm dân cư ngụ hai bên bờ Lại Giang từ cầu Bồng Sơn ra tới cửa biển An Dũ xem có xác chết trôi nào nổi lên không?
Cả tháng sau không tìm thấy dấu tích gì, gia đình chị Hà đành bỏ cuộc. Tới tháng thứ 3, chị Hà mới vô tình lục ra cái thư của bà chị anh Bổn gửi ra từ Sài Gòn, từ đó chị Hà có địa chỉ của vợ anh Bền.
Từ sau lần gặp mặt đó, bẵng đi 1 thời gian dài, tới cuối năm 1979 chị Hà lại tái xuất hiện. Lần này chị tới từ biệt chị Bền để ra đi theo chương trình xuất cảnh bán chính thức. Chị Hà bước thêm bước nữa. Chồng mới của chị là một ông lớn tuổi, người Việt gốc Hoa.
Chị Bền cho tôi hay cháu Thoa đã có gia đình, chồng cháu là con 1 ông đại úy chế độ cũ, ông ấy đã được tha về từ năm 1981. Chồng cháu Thoa đã nhiều lần bỏ công sức đi tìm người tù có tên Huỳnh Thanh Bền qua những trại giam của Quân Khu 5 như Tiên Lãnh, Bình Ðiền, Gia Trung, Thuần Hạnh, Củng Sơn… vân vân, nhưng vô vọng.
Có một lần, vào năm 1982, gia đình cháu Thoa được tin ông Bền bị giam ở Trại Z30 A nơi Ngã Ba Ông Ðồn và đang nằm chờ chết vì bịnh sốt xơ gan. Cả nhà ông Bền, gồm cả con trai, con gái, con rể, cùng với 2 đứa cháu ngoại, kéo nhau lên Ngã Ba Ông Ðồn để xin gặp mặt ông lần cuối. Nhưng tiếc thay, khi gặp nhau mới vỡ lẽ ra, ông Huỳnh Thanh Bền này chỉ là 1 người trùng tên, trùng họ với ông Bền ở phòng «Zét» của trại Lê Văn Duyệt mà thôi.
Thời gian sau khi tôi được thả thì tất cả tù nhân cải tạo còn lại đều bị tập trung về trại Z30D, ở Hàm Tân. Tôi nói với cháu Thoa hãy lên đây hỏi thăm xem có ai tên là Huỳnh Thanh Bền hay không.
Chỉ 1 tuần sau tôi gặp lại chị Bền, chị gạt nước mắt rồi nói với tôi:
– Chú ơi! Chẳng có ai tên Huỳnh Thanh Bền ở trại này!
Bận rộn công việc làm ăn kiếm sống, nhưng tôi và 1 anh bạn gốc Thủy Quân Lục Chiến vẫn lâu lâu ghé thăm chị Bền.
Gặp 2 đứa em, chị vui mừng ra mặt, nói đủ thứ chuyện.
Chị kể rằng ngày xửa, ngày xưa chị và anh Bền là con của 2 ông địa chủ ở Cần Thơ. 2 ông địa chủ gả con, cưới vợ cho con mà chẳng thèm hỏi ý kiến con.
Hai cô chiêu, cậu ấm này đều là dân học trường Tây, trường Ðầm, nhưng vẫn nghe lời phụ mẫu: “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó!”
Chị kể cho tôi nghe chuyện đám cưới nhà quê diễn ra như thế nào.
Chị nói, ngày đưa dâu chị lo sợ lắm. Chị không biết ông chồng mình dáng dấp cao, thấp, béo, gầy, ra sao, tính tình hiền lành hay hung dữ, rồi chị che miệng cười:
– Vậy mà chỉ ít lâu sau khi thành vợ, thành chồng, tụi này đã thương nhau dứt ra không nổi.
Chị tâm sự:
– Ảnh là tri kỷ của tui, còn tui cũng là tri kỷ của ảnh! Ảnh Solo Guitar hay lắm! Nhưng ảnh chỉ đờn cho mình tui nghe thôi! 2 đứa tui cứ tự ví mình như Bá Nha, Tử Kỳ. Ngày đám cưới, mẹ ảnh có cho tui 1 cành thoa bằngvàng, ảnh nói sau này có con gái thì ảnh sẽ đặt tên nó là cây trâm vàng để nhớ mẹ anh ấy. Vì thế, đứa con gái đầu của tụi tui có tên là Kim Thoa…
Một hôm, tôi ghé thăm, chị cho tôi hay thằng con trai và đứa con gái út mới về làm ăn dưới CầnThơ, quê nội, còn chị thì dọn về ở với gia đình cháu Kim Thoa đâu đó vùng Thị Nghè.
Tôi thắc mắc:
– Giờ này mấy đứa nhỏ đã lớn khôn và có gia thất cả rồi, chị không còn phải lo lắng nuôi dạy chúng nó nữa. Sao chị không ở nhà nghỉ ngơi và trông cháu? Chị còn tiếp tục buôn bán kiếm tiền làm chi?
Nghe thế, chị Bền nhìn tôi rầu rầu:
– Chị đâu có cần nuôi ai! Chị chỉ nuôi hy vọng thôi! Chị ôm gánh xôi mỗi ngày ở đây chỉ vì chị coi chỗ này như một cái hộp thư. Biết đâu hôm nào đó có 1 ông của phòng “Zét” còn sống sót đi qua, thì chị sẽ có tin tức của anh Bền.
Ngày 5 tháng 5 năm 1992 những người tù cải tạo sau cùng được trả tự do; 1 trong những người đó là Thiếu tướng Ðỗ Kế Giai, người đã chỉ huy tôi.
Một tuần sau tôi tới tư gia của Thiếu Tướng Giai để thăm ông.
Dịp này Tướng Giai đã nói với tôi:
– Thế là từ nay tất cả anh em mình đều đã được đoàn tụ với gia đình.
Tôi buồn rầu, nắm tay ông Tướng:
– Không phải vậy đâu Thiếu tướng ơi! Còn nhiều anh em đã ra đi mà chưa thấy về!
Trên đường về nhà, tôi đạp xe qua con đường xưa ghé thăm chị Bền. Chị vẫn còn ngồi chỗ cũ. Chị vẫn bán xôi. Chị vẫn chờ tin chồng.
Chị hỏi tôi:
– Em đi thăm ai về?
Tôi trả lời:
– Em vừa từ nhà Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai về, tiện đường ghé thăm chị. Ông Giai mới được thả tuần trước. Ông ấy là người sau cùng ra khỏi nhà giam.
Nghe vậy, chị Bền thở dài:
– Như thế thì anh Bền không về thật rồi! Anh ấy không về thật rồi em ơi!
Chợt chị ngẩng mặt nhìn tôi:
– Bây giờ là tháng 5, năm xưa anh Bền cũng ra đi vào tháng 5. Anh ấy không về, thì coi ngày anh lên xe cũng là ngày giỗ của anh! Chú có nhớ ngày anh Bền lên xe không?
– Hôm đó là 20 tháng 5 năm 1975.
– Hôm nay là ngày mấy rồi hả chú?
– Dạ! Hôm nay là 12 tháng 5.
Chị Bền bỗng hạ thấp giọng như tự nói cho một mình chị nghe:
– Còn 8 ngày nữa là tới ngày giỗ của anh. Anh Bền ơi! Em hẹn sẽ gặp anh đúng ngày hôm đó! Chờ em! Chờ em! Anh ơi! Anh ơi!…
Nghe chị Bền buông những lời than não lòng như thế, tôi bèn an ủi chị:
– Chị đừng quá bi thương, chị còn con, còn cháu. Chị hãy nhìn vào con, vào cháu mà quên đi những muộn phiền...
Chị Bền mở to đôi mắt nhìn tôi, rồi nói với một giọng thật là tỉnh táo:
– Chị ráng sống tới ngày hôm nay chỉ vì chị còn hy vọng.
Sau đó chị đứng lên, xếp gọn quang gánh chuẩn bị đi về.
Những lần qua đây sau ngày ấy tôi không còn trông thấy chị nữa.
Một năm sau, tháng 4 năm 1993 gia đình tôi lên đường đi Hoa Kỳ định cư theo diện H.O.
Trước ngày đi Mỹ, tôi ra thăm Ðà Nẵng lần cuối cùng. Trong chuyến đi này, tôi có dịp ngồi trên xe đò qua cầu Bồng Sơn, Bình Ðịnh.
Chiếc xe già chở đầy khách, bò từ từ trên cây cầu dài, dưới sông nước cuồn cuộn đục ngầu.
Nhìn những cụm lục bình trôi băng băng xuôi dòng, tôi chợt rùng mình, nhớ lại chuyện xưa.
Tôi tin rằng ngày 20 tháng 5 năm 1975 Thượng Ðế đã ra tay cứu tôi thoát khỏi chuyến xe oan nghiệt chở tù binh đi Quân Khu 5, vì nếu Ngài không sắp đặt sẵn những điều đã xảy ra ngày hôm đó thì chắc chắn giờ này linh hồn tôi đã vật vờ đâu đây, dưới chân cầu Bồng Sơn hay trên sóng sông Lại Giang…
Seattle tháng 5 năm 2021
Vương Mộng Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét