Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2022

Tưởng niệmbiến cố 01-11-63, đọc tác phẩm "La République du Việt-Nam et les Ngô-Đình" của Ngô Đình Quỳnh, Ngô Đình Lệ Quyên & bà Jacqueline Willemetz - Trần Phong Vũ

Một cách tổng quát, tác phẩm có 246 trang, chia làm ba phần chính.
* Phần đầu hơn 70 trang gồm 4 chương:
Chương I.- trình bày về thân thế giòng họ Ngô Đình, bao gồm cả gia tộc bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh Trần Lệ Xuân.
Chương II.- Thuật lại cách tóm tắt sự ra đời của nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam. Hai mốc điểm quan trọng là cuộc trưng cầu dân ý, truất phế Bảo Đại ngày 23-10-1955 và một năm sau, ngày 26-10-1956 công bố nền CHVN. Trong chương này, tác giả đưa nguyên văn lá thư thứ nhất viết ngày 20-4-1956 và lá thư thứ hai không đề ngày, nhưng qua nội dung cho thấy viết vào khoảng sau Tết năm 1962 của ông Ngô Đình Nhu gửi người bạn đồng môn của ông là bà Jacqueline Willemetz tại Ecole des Chartes, Paris.
<!>
Chương III.- Cuộc chính biến ngày 01-11-1963 dẫn tới cái chết thảm khốc của TT Ngô Đình Diệm, ông cố vấn Ngô Đình Nhu, và sự cáo chung của nền Đệ Nhất CHVN.
Chương IV.- Trình bày một số những sự kiện quan trọng liên quan tới biến cố cần được nhìn lại. Lá thư thứ ba của ông cố vấn Ngô Đình Nhu viết ngày 02-9-1963 (chẵn hai tháng trước khi hai anh em Tổng Thống bị thảm sát) gửi bà Jacqueline Willemetz được đưa vào chương này. Trong một chú thích nơi trang 65 cho biết nguyên văn cả ba lá thư viết tay của ông Nhu hiện được lưu trữ tại văn khố École des Chartes. Nội dung mỗi lá thư chứa đựng những suy tư của vị cố vấn TT đầu tiên của Việt Nam ứng vào những vấn đề thời sự trong từng giai đoạn với những tình huống khác nhau.

* Phần thứ hai 29 trang là những hình ảnh mô tả dòng họ Ngô Đình. Trước hết là chân dung cụ Ngô Đình Khả, hình ghép cụ bà và sáu người con trai, từ ông Ngô Đình Khôi, Giám mục Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Luyện, Ngô Đình Cẩn, một số ảnh chân dung cố Tổng Thống, ông bà Ngô Đình Nhu và mấy tấm hình ghi lại những hoạt động của bà Nhu.

* Phần thứ ba là một đoạn Hồi Ký của bà Ngô Đình Nhu chiếm phân nửa tác phẩm với tiêu đề "Le Caillou Blanc" – tạm địch là "Viên Sỏi Trắng".

Ngoài ra là những trang cuối in lại bút tích của chính ông Ngô Đình Nhu trong ba lá thư ông viết cho đồng môn của ông ở Ecole des Chartes, Paris..

Xuyên qua nội dung tác phẩm "La République du Việt Nam et les Ngô Đình", người đọc ghi nhận một vài nét đặc biệt, đáng chú ý sau đây.

Hẳn không phải ngẫu nhiên khi trình bày vể thân thế giòng họ Ngô Đình, tác giả đã bắt đầu chương này với mốc lịch sử nước nhà ở thời điểm 939, năm chấm dứt thời Bắc thuộc để bước vào thời tự chủ với Ngô Quyền, vị vua đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Phải chăng các đồng tác giả muốn nhấn mạnh tới sự kiện Ngô Vương Quyền, người đánh đuổi quân Nam Hán, khai mở đế chế, đặt nền móng cho nền độc lập nước nhà sau 1000 năm bị người Tàu đô hộ? Từ đấy gợi cho người đọc mhớ tới hơn một nghìn năm sau –năm 1956- một người cũng thuộc giòng họ Ngô –Chí sĩ Ngô Đình Diệm- có công loại bỏ mọi tàn tích của thời phong kiến và 100 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp cùng với mưu toan nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam của cộng sản để mở đường cho dân tộc đi vào một kỷ nguyên mới? (Tiếc rằng, lịch sử đã diễn ra theo hướng khác, khiến cho tác giả Trung tá Nguyễn Văn Minh, nguyên chánh văn phòng của ông Ngô Đình Cẩn viết tác phẩm "Dòng họ Ngô Đình, Ước Mơ chưa đạt"!)

Ngoài những nét lớn ghi dấu sự ra đời và cáo chung của nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam, trong chương thứ tư phần thứ nhất, tác giả đã nêu bật lên một số sự kiện cụ thể nhằm phản bác những luận cứ của phe chống đối chế độ, bao gồm nhóm Phật Giáo Ấn Quang. Về điểm cho rằng cố TT Ngô Đình Diệm vì là tín đồ Công giáo nên có tinh thần kỳ thị Phật giáo, tác giả đã đưa ra nhiều chứng minh đầy tính thuyết phục để phản biện lại luận cứ này. Thí dụ như ở trang 63, tác giả cho hay: trong số 18 tổng bộ trưởng trong nội các thời ấy chỉ có 5 vị có tín ngưỡng Công giáo. Trong khi ấy, tỉ lệ số tướng lãnh trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ có cùng niềm tin với vị lãnh đạo quốc gia cũng chỉ là thiểu số so với những vị có tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo.

Trả lời luận cứ cho rằng chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa kìm hãm sự phát triển của Phật Giáo, tác giả đã chứng minh: chỉ dười thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, có tới 1275 ngôi chùa mới được xây dựng. Riêng với chùa Xá Lợi, một ngôi chùa danh tiếng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở thủ đô Sàigòn thời ấy, Ngô Tổng Thống đã tự mình quyết định trích ra 600 ngàn đồng giúp vào việc kiến thiết. Đấy là chưa kể hàng ngàn ngôi chùa khác đã được chính quyền giúp đỡ phương tiện trùng tu.

(Về điểm này, có lẽ cũng cần phải nói tới bài viết mới đây của nhà văn Trần Trung Đạo được đăng trên mạng Đàn Chim Việt Info.

Đại cương nhà văn họ Trần cho biết, mới đây ông đọc được trên mạng một bài viết thuật lại lời Đức Đạt Lai Lạt Ma cho hay đầu thập niên 60 thế kỷ trước, hàng chục ngàn tín đồ Phật giáo Tây Tạng theo chân ngài tị nạn qua Ấn Độ đã phải trải qua những năm tháng gian nan khổ ải, thiếu ăn thiếu mặc. Giữa cảnh ngộ khó khăn ấy, ngài đã được Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm gửi hàng trăm tấn gạo qua cứu trợ. Sau bản tin này, tác giả Nguyễn Kha trong nhóm Giao Điểm đã viết mỗt bài phản bác với tiêu đề mang nặng tư tưởng mạt sát: "Đức Dalai Lama, ông Ngô Đình Diệm và mặc cảm tội lỗi của nhóm ‘hoài Ngô’".

Nhưng may thay, nhờ những tài liệu còn lưu trữ trong văn khố của chính quyền New Dehli do Hoà Thượng Thích Như Điển viện chủ chùa Viên Giác ở Đức cung cấp, nhà văn Trần Trung Đạo đã trích dẫn lời của thủ tướng Ấn, ông Shri Jawaharlal Nehru, trong cuộc phỏng vấn ngày 19-12-1960, cho hay: "Các chính phủ Úc, Mỹ và Tân Tây Lan đã viện trợ 10 lakhs Rupees, 4,75,000 Rupees, 2,63,920 Rupees theo thứ tự để chính phủ Ấn chi dùng cho các chương trình tỵ nạn Tây Tạng. Riêng chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tặng 1300 tấn gạo". Ngoài ra, tài liệu còn cho hay, Bộ Trưởng Ngoại Giao Ấn Shrimati Lakshmi Menon cũng xác nhận, trong lần thứ hai chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm còn gửi thêm 200 tấn gạo để giúp đỡ dân tị nạn Tây Tạng.

Nhà văn Trần Trung Đạo nhấn mạnh:

"Như vậy, việc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa giúp đỡ tín đồ của Đức Đãt Lai Lạt Ma không chỉ một lần mà hai lần và cũng không chỉ vài ngàn mà hàng trăm ngàn tấn gạo là chuyện thật".)

Ngoài ra, cũng trong chương này, ba đồng tác giả Ngô Đình Quỳnh, Ngô Đình Lệ Quyên và Jacqueline Willemetz còn nhắc lại việc phái đoàn Liên Hiệp Quốc tới Việt Nam từ ngày 24-10 đến 03-11-1963 để điều tra về lời tố cáo của Ủy Ban Liên Phái Phật giáo là chính quyền Đệ Nhất Cộng Hỏa kỳ thị và đàn áp Phật giáo. Điều đáng tiếc là bản báo cáo của phái đoàn phi bác hầu hết những lời tố cáo chỉ được đưa ra sau cuộc chính biến 01-11-63 và đã bị người ta cố tình quên lãng.

Sau hết, chúng tôi nghĩ rằng việc các tác giả đưa hồi ký của bà Ngô Đình Nhu vào tác phẩm có những ưu điểm rất đáng chú ý.

Tập hồi ký có tên là Le Caillou Blanc – Viên Sỏi Trắng, chiếm phân nửa tác phẩm, chính xác là 122 trang, không kể nguyên bản ba lá thư với bút tự của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu gửi bạn đồng môn của ông ở École des Chartes. Như trong lời mở đầu buổi giới thiệu tác phẩm ở Paris hôm 02 tháng 11 năm 2013 của đồng tác giả Ngô Đình Quỳnh, nội dung cuốn hồi ký của thân mẫu ông mang nhiều tư tưởng thần bí. Trang đầu hồi ký ghi lại lời Kinh Thánh sau đây:

"Ai có tai, thì hãy nghe Lời Thánh Thần Thiên Chúa nói với các Giáo Hội: Kẻ thắng, Ta sẽ ban cho man-na được giấu kín; Ta cũng sẽ ban cho nó một viên sỏi trắng, trên đó khắc một tên mới; chẳng ai biết được tên ấy, ngoài kẻ lãnh nhận" (Apocalyse 2, 17). Và thêm lời Thánh sử Luca : "Ai là người nhỏ nhất trong anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất" (Luc 9, 48).

Ngoài phần mở đầu, nội dung hồi ký thuật lại những kỷ niệm thời thơ ấu của bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh Trần Lệ Xuân. Bà sinh năm 1924 trong một gia đình quyền quý, theo học trường Pháp. Năm 17 tuổi gặp ông Nhu, hai người yêu nhau và được chính ông Ngô Đình Diệm, vị Tổng Thống tương lại của Việt Nam Cộng Hòa, với vai trò quyền huynh thế phụ, tác thành đôi lứa cho hai người vào năm 1943.

Đọc trang cuối, người ta biết bà kết thúc hồi ký "Viên Sỏi Trắng" ngày 22-8-2010 tại nơi cư ngụ mang tên Tịnh Quang Lâu ở ngoại ô kinh thành Rôma, Ý.

Xuyên suốt nội dung hồi ký, người đọc bị hút vào những tư tưởng bí nhiệm với những trích dẫn trong Thánh Kinh, nhất là ở phần cuối. Tuy vậy, với tư cách là phu nhân của ông Cố vấn Chính trị Ngô Đình Nhu, em dâu vị Tổng Thống VNCH trong suốt 9 năm, bà đã hé mở cho người đọc thấy được nhiều góc cạnh khuất lấp về tình hình chính trị đương thời, bao gồm cuộc sống riêng tư của bà sau khi kết hôn với ông Nhu, mà chỉ những người trong cuộc mới biết rõ.

Bà kể lại những tháng ngay cô đơn, lo lắng vì chồng thường vắng nhà, hai người anh, một bị giết (ông Ngô Đình Khôi) cùng với con trai, một bị Hồ Chí Minh bắt giữ, sau đó được thả (ông Ngô Đình Diệm) trong khi ông Nhu phải trốn tránh, cho đến ngày ông Diệm về nước chấp chánh tháng 7 năm 1954. Tác giả hồi ký đã thuật lại những biến cố quan trọng trước khi nền Đệ Nhất CHVN ra đời, trong đó có bóng dáng sự can thiệp của bà. Hơn một lần bà công khai lên án bàn tay nhám của thực dân (được hiểu là người Pháp) và đế quốc (ám chỉ người Mỹ) nhúng vào nội tình chính trị miền Nam trong những cuộc đảo chánh dẫn tới cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Chính bà là tác nhân khiến không chỉ tướng Hinh, con trai nguyên thủ tướng Nguyễn Văn Tâm, vốn được người Pháp đỡ đầu bị truất quyền, mà cả phó thủ tướng Nguyễn Văn Xuân cũng phải từ chức, thời gian ông Diệm mới về nước chấp chánh.

Theo nhận định của tác giả hồi ký thì sau cuộc trưng cầu dân ý thành công ngày 23-10-1955 và sự khai sinh nền CHVN một năm sau, người Pháp vẫn nuôi ý định trở lại Việt Nam bằng cách tạm thời lánh qua Căm Bốt. Vẫn theo bà nhu, vụ TT Diệm bị ám sát hụt tại Ban Mê Thuột năm 1957 có vai trò của Lê Văn Kim vốn là một tay sai của Pháp khi trước. Trong những cuộc đảo chính bất thành đầu thập niên 60, bà đã công khai nói thẳng với CIA rằng "chúng tôi không trông chờ được coi là đồng minh (là bạn) của Mỹ mà chỉ mong Hoa Thịnh Đốn đừng can thiệp vào nội tinh Việt Nam". Lời tuyên bố thẳng thừng này của người được coi là Đệ Nhất Phu Nhân VN khi ấy, đã khiến Nhà Trắng quan tâm. Sau đó, do áp lực của cả Pháp và Mỹ bà phải phải rời Sàigòn qua Hoa Kỳ trong ba tháng với lý do được hiểu ngầm là để tránh sự can thiệp của bà vào việc ổn định nội các của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Thời gian này bà có dịp học thêm Anh ngữ.

Sau khi trở thành dân biểu, năm 1958 bà trình lên Quốc Hội Dự Luật về Gia-Đình với mục tiêu tối hậu là giải phóng phụ nữ về mặt pháp lý -một vợ một chồng, nam nữ bình quyền trong mọi lãnh vực, bao gồm cả việc quản trị, sử-dụng và phân chia gia sản, thừa kế di sản…-. Vì trước đó bà kể lại việc chồng bà –ông cố vấn Ngô Đình Nhu- đề ra thuyết Nhân Vị đề cao tính siêu việt của con người, cho nên có thể hiểu việc đệ trình Dự Luật Gia Đình như một hình thức đưa thuyết Nhân Vị vào thực tế sinh hoạt xã hội lúc bấy giờ. Có điều sau này những người am hiểu hoàn cảnh Việt Nam cho rằng: những việc làm của ông bà Nhu tuy xuất phát từ một viễn kiến đáng trân trọng nhưng nó được đưa ra công khai quá sớm nên đã bị dư luận đương thời phê phán.

Hồi ký cũng nhắc tới việc bà thành lập Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới (PT/PNLĐ) với mục tiêu khích lệ và trợ giúp nữ giới bước ra khỏi ngưỡng cửa gia đình, tham gia vào những công tác xã-hội, từ thiện, kể cả chính trị. Với tư cách người sáng lập Phong Trào, bà tích cực khơi gợi lòng yêu nước của chị em phụ nữ. Một trong những hoạt động nổi của PT/PNLĐ là thành lập lực lượng Phụ nữ bán quân sự vào khoảng tháng 10 năm 1961. Việc gia nhập được tiến hành theo tinh thần tự nguyện. Chị em được huấn luyện sử-dụng vũ khí và thực hành tác vụ y tế, cứu thương thường thức. Để làm gương, bà cho trưởng nữ Lê Đình Lệ Thủy gia nhập lực lượng này ngay từ khi cô mới 16 tuổi.

Nếu việc khai sinh thuyết Nhân Vị của ông Cố Vấn Chính Trị được bà gán cho một sứ mạng thiên sai theo Phúc âm Thánh Mát Thêu, thì tính cách linh thiêng của sự ra đời PT/PNLĐ khi ấy cũng được nhìn thấy qua sáng kiến gói ghém trong huy hiệu cây đèn dầu của các Trinh Nữ trong Thánh Kinh.

Trong vụ Phật giáo, bà Nhu đưa ý kiến là cần có đại diện các đảng phái và các tổ chức xã-hội dân sự trong Ủy Ban Liên Phái, nhưng TT Ngô Đình Diệm không thuận vì không muốn có sự hiện diện của bà. Nhưng trước khi công bố Thông báo, trong đó Phật giáo đã ký thuận, ông Nhu trao cho bà đọc để hỏi ý kiến. Bà thấy lạ vì hầu hết những đòi hỏi của Phật giáo đều chưa bao giờ bị cấm, do đó bà đề nghị phía chính phủ ký nhưng ghi thêm mấy chữ là những đòi hỏi trong Thông báo chung chưa hề bị cấm. Ông Cố vấn trình bày lại nhận định của bà khi đem Thông cáo chung đến buổi họp nội các, ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu làm thinh trong khi Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ mỉa mai: "Họ uống trà có sâm còn mình uống trà thường khiến mình trở thành kẻ ngu". Theo nhận định của bà, câu nói của ông Thơ đã khiến ông Mẫu cạo đầu từ chức để bày tỏ thái độ chống đối.

Ngày 12-9-1963, bà Nhu và trưởng nữ Ngô-Đình Lệ-Thủy lên đường đi "giải độc" ở Âu châu và Hoa-Kỳ. Trong thời gian ở Mỹ, trước khi anh em Tổng thống bị sát hại, bà và con gái được bảo vệ cẩn mật, nhưng sau đó gần như bị bỏ rơi khiến một Linh mục phải nhờ một gia đình người địa phương giúp đỡ mẹ con bà cho đến khi qua Rome.

Ở trong nước, trước ngày xảy ra đảo chánh, ông Nhu lo liệu cho ba người con lên Đà-Lạt và dặn dò trưởng nam là cậu Ngô Đình Trác nếu có chuyện gì xảy ra phải đưa 2 em trốn vào rừng sau nhà. Nhờ thế các con bà đã được trực thăng tiếp cứu khi có biến và ít ngày sau tới Rome an toàn.

Ngày 15-11-1963, bà và con gái rời Los Angeles để đi Rome sinh sống. Bị đế quốc bỏ rơi, nhưng ở phi trường đầy phóng viên báo-chí và truyền hình. Trong hồi ký, bà ghi lại tình cảnh bà bị đế quốc bỏ rơi và hầu như bất cứ ai, kể cả những ký giả có ý bênh vực bà sau đó đều bị ám hại.

(Nhân đây, người đọc xin mở dấu ngoặc để nêu lên một thắc mắc: tại sao khi viết hồi ký có rất nhiều điều tôi cho là rất quan trọng bà từng trả lời cuộc phỏng vấn của chương trình "Vietnam: A Television History – lịch sử Việt Nam bằng truyền hình" tại Roma ngày 02-11-1982 đã không được đề cập tới. Thí dụ như những câu hỏi liên quan tới cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, những luận điệu xuyên tạc về nhân cách ông cố vấn Ngô ĐìnhNhu khi họ nêu lên những đồn đại là ông nghiện thuốc phiện và về chính bà, khi người Mỹ mệnh danh bà là "Dragon Lady – Rồng Cái, Bà Chằng", nhất là chuyện Đệ Nhất CHVN toan tính "nói chuyện" với Hànội.

Xin ghi lại vài chi tiết sau đây:

"Thưa bà Nhu, bà ‘’tham chính’’ giữa thời kỳ 1954 đến 1963. Bà có thể nói cho chúng tôi biết một chút về con người TT Diệm không? Bà có thể phác họa tính cách của ông, và cho biết ông có thay đổi trong suốt giai đoạn chín năm đó không?

Bà Nhu trả lời: Tuyệt đối, ông không bao giờ thay đổi. Để mô tả tính cách của Tổng Thống, tôi có thể nói rằng ông là người công chính –Công chính như trong Thánh Kinh-. Điều ấy có nghĩa là ông có thể phạm sai lầm, nhưng lúc nào cũng sẵn sàng phục thiện. Cho nên đó là lý do tại sao tôi cho rằng phương tây đã phạm tội ác khi lên án ông, thậm chí giết ông mà không cho ông cơ hội để trả lời….

Khi người phỏng vấn nêu câu hỏi về chính vai trò của bà khi ấy, và về điều người Mỹ mệnh danh bà là "Rồng Cái", bà Nhu nói: "Vai trò của tôi ư? Nói chính xác điều ấy thật là khó. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi được Thiên Chúa túm cổ như con mèo nhỏ, rồi quẳng vào một đấu trường có những con sư tử. Nhưng tôi tin rằng chỉ vì tôi cầm tinh sư tử nên tôi tin mình có thể giao hòa hoặc đương đầu với chúng…. Riêng họ gọi tôi là "Rồng Cái", vì họ thấy rằng tôi có vẻ không tỏ ra khiếp nhược. Chồng tôi, ông rất không hài lòng với một đàng là người anh Tổng Thống của ông, đàng khác là vợ ông. Ông xem cả hai chúng tôi là ngây thơ! Vâng, trong vô thức, chúng tôi không biết được thực tế rằng muốn nhảy vào trận đấu mà lại không hoặc chẳng biết rằng mình đang chiến đấu với những con thú hung dữ. Nên ông từng nói với ông anh TT của mình: ‘’Anh à, anh chỉ nên làm thầy tu, và em nữa (nói với tôi), em nên ở nhà làm người nội trợ thầm lặng là hơn.’’ Nhưng tôi nói, tất nhiên, nếu được phép làm điều mình muốn, tôi sẽ lập tức nghe lời khuyên của chồng tôi là trở về nhà để đan, may và nấu nướng. Đó thật sự là những điều duy nhất mà tôi thích trong đời. Nhưng, khi tôi ở đất nước của tôi, người ta tìm đến tôi và yêu cầu tôi làm chuyện này, chuyện nọ.

Nên tôi thấy rất rõ rằng, nếu tôi không làm những điều ấy thì chẳng có ai làm. Vì thế tôi tổ chức mọi thứ để giao (chúng) lại ngay cho họ vì tôi không muốn và chẳng thích tí nào cuộc sống như thế vào lúc ấy. Nên người ta gọi tôi là "Rồng Cái" vì thấy rằng tôi hoàn toàn quyết tâm là không có gì có thể ngăn cản tôi. Điều duy nhất họ có thể làm, nếu họ muốn ngăn cản tôi, là họ phải giải thích cho tôi là tôi sai. Nếu họ không giải thích được thì tôi bất cần. Vì thế, họ thấy rõ rằng tôi chẳng sợ gì cả… Giới báo chí đã mời tôi đi. Đầu tiên, họ nói: ‘’Ông Nhu, Gia đình Nhu, không có ông bà Nhu, tin tốt lành.’’ Họ phải rời khỏi nước tôi nên họ mời tôi đi giải thích tại các bục diễn thuyết của Mỹ về vị thế của tôi. Quý vị thấy giới báo chí làm như thế đó. Khi tôi rời nước tôi, vừa đến đó, ở Belgrade vào thời điểm ấy, tôi được Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết rằng tôi không nên đến Mỹ vì sự an toàn cho tôi không được bảo đảm!

Thì ra họ mời tôi chỉ với mục tiêu cách ly tôi khỏi nước tôi. Nhưng, ngay sau khi tôi rời Việt Nam, thì họ nói: ‘’đừng có đến!’’ Tôi nói tôi đã rời khỏi nước tôi chỉ để đi đến đó và Chính phủ Mỹ sẽ chứng minh cho thế giới thấy họ có khả năng bảo vệ một người phụ nữ yếu đuối ngay trên lãnh thổ của họ hay không?... Vào thời điểm ấy, họ mời tôi và, sau khi tôi rời đất nước của tôi, họ nói với tôi như vậy. Tất nhiên, tôi đã bị lừa gạt."

Về câu hỏi, có dư luận cho rằng ông Nhu độc quyền, là người cuồng trí và nghiện bạch phiến, bà trả lời:

"Vâng, họ nói rất nhiều điều để chống lại chồng tôi. Thậm chí họ còn moi nhiều chuyện khác tương tự… Tôi tin ở nhân cách chồng tôi là người luôn trung thành với Thiên Chúa…. Năm này qua năm khác, cái chết của chồng tôi, tôi có thể chấp nhận nó, nhưng hạ thấp nhân cách của ông thì tôi không thể chịu đựng nổi…"

Khi người phỏng vấn yêu cầu bình luận về lời đồn là vì chồng của bà cảm thấy bị phản bội bởi người Mỹ nên đã toan tình thương lượng với Hànội, bà nói:

"Những cuộc thương lượng với CS sao? Như tôi đã có lần giải thích, chúng tôi đã thắng cuộc chiến. Nếu chúng tôi không thắng cuộc chiến thì không bao giờ Chính phủ Mỹ nhảy vào Việt Nam! Chúng tôi đã thắng cuộc chiến. Người cộng sản đã không dám leo thang chiến tranh. Họ chỉ có một trong hai lựa chọn: hoặc leo thang! Điều này họ không dám! Do đó, chính họ phải gửi người của họ đến với chúng tôi. Vì sao? Giản dị vì chồng tôi đã tìm ra giải pháp chống lại cuộc chiến tranh phá hoại (Bà muốn ám chỉ sự thành công của việc xây dựng Ấp Chiến Lược tại nông thôn). Giải pháp đó cho phép người dân miền Nam sống trong chiến tranh, chống lại chiến tranh, dù có chiến tranh. Và, vì vậy, người cộng sản không có chọn lựa nào khác hơn là gửi người của họ đến nói chuyện với chồng tôi. Cho nên, sự việc này đã bị người ta xoay ngược qua hướng khác để chống lại chồng tôi bằng cách gán cho ông là người đi bước đầu. Xin thưa đây hoàn toàn là một sự dối trá.,,

Vào lúc ấy, chúng tôi chỉ mới bắt đầu nói chuyện với họ để biết họ muốn gì! Họ đến, và muốn biết về điều kiện cho Chương Trình Vòng Tay Mở Rộng (Open Arms Program) của miền Nam là gì?... Thực ra, Chiêu Hồi là sự trở về, sự trở về của người anh em hoang đàng. Vì vậy, chúng tôi nói với họ chúng tôi sẽ giết -nói sao đây?-, le veau gras (tiếng Pháp là con bê béo) là cho anh, vâng, cho người con hoang đàng… Người ta làm thịt bê, quý vị gọi con bê béo như thế nào? Nhưng chúng tôi nói với họ chúng tôi sẽ giết con bê béo. Qua cách diễn tả như thế để đối lấy sự trở về của đối phương, tôi nghĩ rằng người Mỹ cảm nhận rằng họ sẽ là con bê béo. Có lẽ thế, nếu không, tôi chẳng giải thích được tại sao họ đã làm điều họ đã làm?!"

Lý giải cho câu hỏi của người phỏng vấn là tại sao năm 1963 lại dẫn tới một màn kết thúc bất hạnh như thế cho miền Nam Việt Nam, sau khi tự hỏi "biết nói sao đây?", bà nói, giọng tự tin, quyết đáp:

"Tất cả là do lòng kiêu ngạo! Chính phủ Mỹ tin rằng họ có chân lý nên họ tự cao, khinh miệt vì... họ quá duy vật không thể hiểu được... Thậm chí tôi không thể buộc tội họ hay là gay gắt với họ bởi vì tôi phải nói rằng ngay cả người dân của chúng tôi cũng đã không hiểu gì hết!!! Nhiều người không hiểu, vì duy vật, chỉ nhìn bên ngoài để tin rằng chồng tôi là người cuồng trí, giản dị vì ông coi thường tất cả sức mạnh vật chất và kiên trì gắn bó với giải pháp của ông. Nhưng đó chỉ là sự hiểu lầm do lòng kiêu ngạo của một bên và hầu như là sự thiếu khả năng suy nghĩ của bên kia. Với người Mỹ, tôi tin rằng đó là lòng kiêu ngạo. Và với người dân của chúng tôi, tôi tin rằng đó chỉ vì thiếu khả năng lập luận, chưa trưởng thành.")

Hẳn có người nêu lên câu hỏi về mục tiêu của bà quả phụ Ngô Đình Nhu viết cuốn hồi ký này? Để có được giải đáp rốt ráo cho câu hỏi này quả thật không dễ dàng. Muốn hiểu được phần nào điều tác giả muốn gửi gấm trong hồi ký, theo tôi, trước hết chúng ta nên đọc lại những lời trần tình mang đôi chút bí nhiệm phảng phất niềm tin tôn giáo trong hơi văn của chính tác giả ở phần mở đầu trang 112:

"Trong những năm tháng cuối đời, sau nửa thế kỷ im hơi lặng tiếng, tôi thấy có trách nhiệm phài ghi lại những gì cần biết. Đấy là cách giải thoát cho tất cả mọi người. Cũng không phải chỉ để thỏa mãn thị hiếu của quần chúng, nhưng chính là để trả lại những gì định mệnh đòi hỏi "kẻ bé mọn nhất" của Thiên Chúa, vào thời điểm của họ. Tôi khởi sự viết cuốn hồi ký này để giúp mọi người hiểu được những đòi hỏi của một chuỗi dài đời sống đã được lập trình, và để nhận ra rằng cuộc sống không bao giờ vận hành ngược lại với ý muốn con người, trái lại, luôn luôn như là phải như vậy".

Sau hết, người đọc không thể không quan tâm tới nội dung ba lá thư ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu gửi bà Jacqueline Willemetz, đồng môn của ông ở École des Chartes, Paris. Những lá thư này được gửi vào ba thời điểm khác nhau: Lá thư đầu ghi ngày 20-4-1956; Lá thư thứ hai không đề ngày tháng, nhưng nội dung cho thấy vào dịp trước Tết 1963 và lá thư cuối cùng viết ngày 02-9-1963, chẵn hai tháng trước ngày tác giả và bào huynh của ông –TT Ngô Đình Diệm- bị thảm sát.

Như đã nói trong đoạn trên, nội dung mỗi lá thư chứa đựng những suy tư của vị cố vấn chính trị của vị Tổng Thống đầu tiên của Việt Nam ứng vào những vấn đề thời sự trong từng giai đoạn với những tình huống khác nhau. Từ đấy nó mang giá trị chứng từ về một giai đoạn lịch sử quan trọng liên quan tới Việt Nam thời cận đại. Riêng lá thư thứ ba, xuyên qua ngôn ngữ và những biến động xảy ra vào giai đoạn cuối của Đệ Nhất CHVN, một không khí u uất, ảm đạm phủ bóng trên từng con chữ.

Để hiểu rõ vị trí quan trọng của ông Ngô Đình Nhu, người ta không thể không chú ý tới ảnh hưởng của ông trong chính giới Pháp nhờ những hào quang do ông tạo được với tư cách một người xuất thân từ École des Chartes. Trên trang mạng Dân Làm Báo ngày 07 tháng 10 năm 2010, người ta đọc được một tài liệu cho hay:

"Năm 1970, tức là 7 năm sau khi chế độ Diệm-Nhu sụp đổ, ông Trần Kim Tuyến, một người bạn và sau này là cộng sự thân thiết của ông Nhu, cho biết: ông Nhu có bằng cử nhân văn học ở Sorbonne rồi học tiếp École de Chartes. Trong một tài liệu khác thì nói rõ ông Nhu học ngành cổ tự học lưu trữ (archiviste palégraphe).

Ông Tuyến cho biết trường này rất kén chọn, sinh viên phải qua hai năm dự bị ở một trường rất danh tiếng là Henry Đệ Tứ rồi mới được nhập học, mỗi lớp chỉ có 20 học viên, sử dụng tiếng Latin rất nhiều, và chỉ có hơn một nửa số học viên này tốt nghiệp (link này cho thấy năm 1938 chỉ có 13 người trong danh sách luận văn). Do đó có từ "Chartistes" để chỉ các sinh viên tinh hoa của École des Chartes. Năm 1961, khi ở đỉnh cao quyền lực, ông Nhu có qua Paris và gặp gỡ cá nhân với ngoại trưởng Pháp là Couve de Murrville, đại sứ Pháp ở Việt Nam và Étienne Manach phụ trách Châu Á của bộ ngoại giao Pháp. Cũng theo ông Tuyến thì nhờ hào quang của trường Chartes nên các cuộc gặp gỡ tuy chỉ mang tính cách cá nhân mà ông Nhu đã giúp làm ấm lại quan hệ Pháp Việt. Sau khi có được sự ủng hộ của Pháp, ông Nhu bắt đầu có lập trường cứng rắn hơn với Mỹ, dẫn đến việc Mỹ quyết thay thế Tổng Thống Diệm và ông Nhu."

Từ trích đoạn trên, người ta hiểu được ba lá thư của ông Nhu gửi bà Jacqueline Willemetz, một trong những "Chartistes" bạn đồng môn của ông, không chỉ mang ý nghĩa giao tế bình thường.

Không có nhận xét nào: