Mỹ sẽ tấn công hạt nhân, nếu ‘‘lợi ích sống còn’’ của Hoa Kỳ và đồng minh bị xâm phạm Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin họp báo tại trụ sở Lầu Năm Góc, Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 27/10/2022. REUTERS - LEAH MILLIS - Trọng Thành Hai tuần sau khi tổng thống Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia, hôm qua, 27/10/2022, Lầu Năm Góc công bố chiến lược quốc phòng. Washington sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu ‘‘các lợi ích sống còn’’ của Mỹ và các đồng minh, đối tác, bị xâm phạm. Nga được xác định là ‘‘mối đe dọa cấp bách’’. Trung Quốc là thách thức duy nhất ‘‘mang tính hệ thống’’.
<!>
Đây là lần thứ hai trong vòng hơn 10 năm, chính quyền Mỹ cập nhật chiến lược quốc phòng. Lần gần nhất trước đó là vào đầu năm 2018, dưới thời tổng thống Donald Trump. Hãng tin Pháp AFP nhấn mạnh đây là ‘‘lần đầu tiên’’ chính quyền Mỹ cập nhật cùng lúc chiến lược quốc phòng và chiến lược liên quan đến vũ khí hạt nhân. Nâng cao uy lực răn đe hạt nhân để tự vệ và bảo vệ các đồng minh, đối tác là mục tiêu căn bản của chiến lược hạt nhân nói trên.
Đối tượng nhắm đến trước hết của Mỹ là chính quyền Nga. Trong văn bản tóm tắt về chiến lược hạt nhân dài khoảng 20 trang được công bố, bộ Quốc Phòng Mỹ nhận định : ‘‘Nga đã tiến hành cuộc xâm lăng chống Ukraina cùng lúc với đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, với các tuyên bố vô trách nhiệm, các cuộc diễn tập hạt nhân được tiến hành một cách thất thường và những lời lẽ dối trá liên quan đến khả năng dùng đến các vũ khí hủy diệt hàng loạt’’, bao gồm hạt nhân và các vũ khí khác.
Trả lời báo giới, một quan chức cao cấp của bộ Quốc Phòng Mỹ giải thích rõ về lập trường mới về răn đe hạt nhân của Mỹ nhằm ‘‘gây khó khăn hơn cho quyết định của đối thủ’’ về việc sử dụng các vũ khí hủy diệt hàng loạt. Quan chức nói trên nhấn mạnh : vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ được sử dụng để chống lại việc đối phương tiến hành ‘‘các cuộc tấn công rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, bất kể với sức công phá ra sao, kể cả với các vũ khí phi hạt nhân’’.
Chiến lược răn đe hạt nhân được Mỹ đưa ra đúng vào lúc chính quyền Nga liên tục cáo buộc Ukraina sử dụng ‘‘bom bẩn’’. Kiev và các đồng minh lên án Nga lấy cớ để biện minh cho việc sử dụng các vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại Ukraina.
Về Trung Quốc, tài liệu nói trên cũng lên án ‘‘những lời lẽ ngày càng mang tính khiêu khích và các hành động gây hấn của Trung Quốc chống lại Đài Loan, gây bất ổn định, làm gia tăng nguy cơ hiểu lầm, đe dọa hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan’’. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh là ‘‘một xung đột với Trung Quốc không phải là không thể tránh khỏi, và cũng không phải là điều đáng mong muốn’’. Chiến lược hạt nhân của Mỹ cũng khẳng định rõ Hoa Kỳ ‘‘chỉ xem xét việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong các tình huống cùng cực để bảo vệ các lợi ích sống còn của Mỹ, các đồng minh và các đối tác của nước Mỹ’’.
Riêng về Bắc Triều Tiên, bộ Quốc Phòng Mỹ cảnh báo : ‘‘mọi tấn công hạt nhân của Bắc Triều Tiên chống lại Hoa Kỳ hoặc các đồng minh, đối tác sẽ là điều không thể chấp nhận được, và sẽ dẫn đến sự cáo chung của chế độ này’’.
Liên Hiệp Châu Âu đoạn tuyệt với xe hơi thải các-bon từ 2035
Xe hơi đang nạp điện trên đường phố Roma, thủ đô nước Ý. Ảnh ngày 28/04/2021. REUTERS - GUGLIELMO MANGIAPANE
Anh Vũ
Theo AFP, tối ngày 27/10/2022, các nghị sĩ châu Âu và đại diện các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã đạt được thỏa thuận "lịch sử": từ năm 2035, các xe hơi mới sản xuất hoàn toàn không phát thải CO2. Điều này có nghĩa là các loại xe chạy xăng dầu sẽ phải được thay thế bằng xe chạy điện hoặc nhiên liệu không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Nghị sĩ châu Âu của Pháp, Pascal Canfin (thuộc đảng Renew Europe), chủ tịch Ủy ban Môi trường Nghị Viện Châu Âu, bình luận trên Twitter đây là « quyết định lịch sử của Liên Âu về khí hậu ».
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng bày tỏ vui mừng về một « giai đoạn mấu chốt » cho các tham vọng về khí hậu của Liên Âu. Ngành công nghiệp xe hơi châu Âu cũng cho biết « sẵngsàng vượt qua thách thức » sau « quyết định chưa từng có » này đồng thời đề nghị Liên Âu triển khai những « điều kiện » cần thiết để có thể hoàn thành mục tiêu.
Văn kiện vừa được thông qua dựa trên cơ sở một đề xuất của Ủy Ban Châu Âu hồi tháng 7/2021, dự trù đến năm 2035, các xe hơi sản xuất mới tại Liên Âu phải đạt zero phát thải CO2. Như vậy là tất cả các loại xe hơi chạy động cơ đốt trong bằng nguyên liệu xăng hay diesel sẽ không còn được bán trên thị trường từ thời điểm 2035.
Xe hơi chiếm 15% lượng phát thải khí CO2 của Liên Hiệp Châu Âu. Quy định mới sẽ góp phần đáng kể để Liên Âu đến năm 2050 đạt mục tiêu trung hòa các-bon. Công nghiệp xe hơi sử dụng gián tiếp hoặc trực tiếp 13 triệu người ở châu Âu, tức 7% thị trường lao động của Liên Âu, theo Hiệp hội các nhà chế tạo xe hơi châu Âu (ACEA).
Vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho các nhà sản xuất xe hơi khi chuyển đổi hoàn toàn sang xe chạy 100% điện như bình điện và các nguyên vật liệu cơ bản chế tạo bình điện và hệ thống nạp điện và chủ yếu là giá thành xe vẫn còn cao.
Nghị Viện Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu sẽ phải chính thức thông qua để thỏa thuận có hiệu lực.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu công du Trung Á
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel (thứ hai từ trái qua) họp với lãnh đạo 5 nước Trung Á tại thủ đô Astana, Kazakhstan, ngày 27/10/2022. © via REUTERS - KAZAKH PRESIDENTIAL PRESS SERVIC
Trọng Thành
Hôm qua, 27/10/2022, lãnh đạo Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đến Astana, Kazakhstan và tham dự cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Liên Âu và 5 nước Trung Á. Mục tiêu của Liên Âu là thắt chặt quan hệ với các nước vốn được coi là vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga.
Lãnh đạo Hội Đồng Châu Âu Charles Michel hội kiến với tổng thống Kazakhstan, Kassym-Jomart Tokaïev, tại thủ đô Astana, sau đó lãnh đạo hai bên đã ra tuyên bố chung khẳng định Liên Âu và Kazakhstan ‘‘tiếp tục thúc đẩy và hoàn tất việc thực thi Thỏa thuận về đối tác và hợp tác tăng cường (APCR) giữa Kazakhstan và Liên Âu, và hợp tác giữa Liên Âu và khu vực Trung Á’’, cũng như tiếp tục các sáng kiến mới của Liên Âu liên quan đến Trung Á.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel kêu gọi các nước Trung Á phát triển ‘‘các cơ sở hạ tầng giao thông’’, và khẳng định Trung Á cần trở thành ‘‘đối tác quan trọng’’ Liên Âu.
Sau cuộc gặp với tổng thống Kazakhstan, lãnh đạo Hội Đồng Châu Âu tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên Liên Âu và 5 quốc gia Trung Á, thuộc Liên Xô cũ (Kazakhstan, Kirghizstan, Uzbekistan, Tadjikistan và Turkmenistan).
Chuyến công du của lãnh đạo Hội Đồng Châu Âu diễn ra hai tuần sau một cuộc thượng đỉnh của khu vực, tổ chức tại Astana, Kazakhstan, với sự tham gia của lãnh đạo Nga. Năm nước Cộng hòa Liên Xô cũ không công khai lên án Nga xâm lăng Ukraina nhưng cũng không ủng hộ điện Kremlin.
Trung Quốc lại phong tỏa các thành phố lớn do Covid-19, tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng
Nhân viên an ninh, mặc quần áo bảo hộ, đứng gác ở cửa một khu nhà người bị nhiễm Covid, ngày 22/10/2021 REUTERS - THOMAS PETER
Phan Minh
Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 vừa kết thúc, cuộc chiến chống Covid-19 lại tiếp tục tại Trung Quốc. Theo ngân hàng Nomura, được RFI trích dẫn, hơn 200 triệu người tiếp tục hứng chịu các biện pháp cách ly, phong tỏa ở các mức độ khác nhau. Chính sách kiểm duyệt cũng như tuyên truyền ngày càng khó có thể dập tắt sự phản đối của người dân về chính sách zero-Covid.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm thông tin:
Bài hát "Resuan" nói về xét nghiệm PCR mà mọi người dân Trung Quốc bắt buộc làm ba ngày một lần hoặc ít hơn kể từ mùa xuân năm ngoái, đã dấy lên nhiều bình luận chế giễu trên mạng xã hội. Bài hát do các quan chức địa phương ở một tỉnh miền đông Trung Quốc sáng tác, với nội dung là những học sinh đeo khẩu trang đề nghị các thi sĩ có tên tuổi làm xét nghiệm.
Ở Bắc Kinh, Thượng Hải, cũng như ở hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc, biện pháp phong tỏa đã được áp dụng trở lại trước khi mùa đông tới. Các hàng rào sắt cũng được lắp ở xung quanh các chung cư, như ở Vũ Hán. Đây là một dấu hiệu xấu đối với Audrey, một phụ nữ Pháp sống ở thành phố là cái nôi của đại dịch và chiến lược zero-Covid.
Audrey nói : "Tình hình bắt đầu xấu đi vào thứ Sáu tuần trước, các nhà hàng xung quanh trường học của tôi chỉ còn bán cho những khách mua hàng mang đi. Giờ đây, không thể chấp nhận tình hình này được nữa. Các hàng rào xuất hiện trở lại, tất cả các nhà hàng đều đóng cửa, ở đây chúng tôi vẫn chưa chính thức bị phong tỏa nhưng tôi nghĩ rằng biện pháp này sắp được áp dụng vì nhân viên trường học đã chuẩn bị cho chúng tôi đi chợ để ăn trong một tuần bị phong tỏa hoặc thậm chí lâu hơn một chút."
Mạng xã hội thường xuyên nhắc đến những vụ phong tỏa này, đặc biệt là ở phía Tây Trung Quốc. Những bình luận, hoặc là những bức ảnh bị kiểm duyệt, chẳng hạn như cuộc biểu tình của công nhân ở Lhasa cách nay hai ngày, tình trạng thiếu lương thực ở Tây Ninh hoặc thậm chí những người tiếp xúc với những ca dương tính bị cách ly trong nhà vệ sinh công cộng với túi ngủ sát bồn tiểu ở Lân Châu. Nhà vệ sinh công cộng, nơi không có camera giám sát, sự bất bình chống lại chính sách y tế được thể hiện thông qua các bức vẽ trên tường.
Chính sách zero-Covid tác động mạnh đến kinh tế. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) hôm nay 28/10/2022 cảnh báo rằng, tăng trưởng kinh tế ở châu Á phải đối mặt với nhiều sóng gió với việc nền kinh tế Trung Quốc bị đè nặng bởi chính sách zero-Covid.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét