TT Trump: Với Musk, Twitter không còn bị điều hành bởi những kẻ mất trí và kỳ quặc Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi việc tỷ phú Elon Musk chính thức mua Twitter nhưng không tiết lộ liệu ông có sử dụng lại mạng xã hội này hay không. “Tôi rất vui vì giờ đây Twitter đã trở nên lành mạnh, không còn bị điều hành bởi những kẻ mất trí và kỳ quặc theo phe cánh tả - những người thực sự căm ghét đất nước chúng ta”, ông Trump viết trên Truth Social vào sáng thứ 6 (28/10) giờ địa phương. “Twitter bây giờ cần phải làm việc chăm chỉ để loại bỏ tất cả tài khoản giả và tài khoản rác - những thứ đã đã làm tổn hại nặng nề nền tảng này. Nó [Twitter] sẽ nhỏ hơn nhiều, nhưng sẽ tốt hơn. TÔI YÊU SỰ THẬT!”.
<!>
Bài đăng của ông Trump không cho biết liệu ông có trở lại sử dụng Twitter hay không nếu Elon Musk quyết định dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động hồi tháng 01/2021 đối với tài khoản của vị cựu Tổng thống. Những người kiểm duyệt nội dung của Twitter từng cáo buộc rằng ông Trump đã vi phạm chính sách của công ty với những bình luận của ông ấy xung quanh vụ xâm nhập Điện Capitol (Mỹ) ngày 06/01/2021.
Sau khi ông Musk tuyên bố sẽ mua lại Twitter, cựu Tổng thống Trump đã nói với các hãng tin rằng ông sẽ không sử dụng lại mạng xã hội này và muốn ở lại Truth Social - công ty truyền thông xã hội của riêng ông. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp và chiến lược gia đã suy đoán rằng ông Trump sẽ buộc phải sử dụng Twitter nếu tái tranh cử Tổng thống vào năm 2024.
Trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump đã dùng Twitter với tần suất cực lớn và thường hướng sự chú ý của giới truyền thông dòng chính vào các chủ đề mà ông yêu thích. Trước khi bị cấm, cựu Tổng thống đã có hơn 80 triệu người theo dõi.
Việc Elon Musk mua lại Twitter diễn ra sau nhiều tháng hai bên đối thoại qua lại, bao gồm cả vụ Twitter kiện Elon Musk vì rút khỏi thỏa thuận mua lại. Trước đó, CEO Tesla cáo buộc mạng xã hội che giấu thông tin về tài khoản giả và tài khoản rác. Ngoài ra, ông Musk đã tự mô tả bản thân là một người theo chủ nghĩa tự do ngôn luận và đã chỉ trích các chính sách kiểm duyệt nội dung của Twitter trong quá khứ.
Truyền thông Mỹ đưa tin rằng sau khi chính thức tiếp quản Twitter, Elon Musk ngay lập tức sa thải Giám đốc điều hành Parag Agrawal, Giám đốc tài chính Ned Segal, Giám đốc kiểm duyệt nội dung Vijaya Gadde và những người khác. Bà Gadde là người từng công khai ủng hộ quyết định ‘cấm cửa’ ông Trump hồi năm ngoái.
Các bài báo, trích dẫn nhiều nguồn ẩn danh, nói rằng các Giám đốc hàng đầu đã nhanh chóng được hộ tống ra khỏi trụ sở chính của Twitter ở San Francisco (Mỹ) vào chiều thứ 5. Cả Elon Musk và những người khác đều không bình luận công khai về vấn đề này.
“Con chim [logo của Twitter] đã được tự do”, Elon Musk viết trên Twitter hôm thứ 5 mà không nói thêm chi tiết.
Trước đó cùng ngày, chủ sở hữu mới của Twitter nói với các nhà quảng cáo rằng công ty “rõ ràng không thể trở thành một địa điểm tồi tệ mở cửa cho tất cả mọi người, nơi bất cứ điều gì cũng có thể nói ra mà không có hậu quả”.
Lần đầu tiên, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraina các ăng-ten vệ tinh để liên lạc trên chiến trường
Lần đầu tiên, gói viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraina sẽ bao gồm các ăng-ten vệ tinh. Chúng được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện thông tin liên lạc trên chiến trường. Thông tin này được ‘Đài tiếng nói Hoa Kỳ’ ấn bản tiếng Ukraina loan báo hôm 28 tháng 10.
Trong bản tin, phó phát ngôn Ngũ Giác Đài Sabrina Singh cho biết, 4 ăng-ten liên lạc vệ tinh hoạt động bên ngoài hệ thống Starlink sẽ được cung cấp. Đồng thời, theo lời bà, điều này không liên quan đến những tuyên bố gần đây của tỷ phú Elon Musk về khoản lỗ từ việc tài trợ cho hoạt động của Starlink tại Ukraina.
“Chúng tôi lần đầu tiên đang gửi bốn ăng-ten liên lạc vệ tinh”, bà nói.
Bà cũng nhấn mạnh, các ăng-ten này có khả năng hoạt động với bất kỳ hệ thống vệ tinh nào. Nhu cầu cung cấp là do các binh sỹ của Lực lượng vũ trang Ukraina cần thông tin liên lạc ổn định trên chiến trường, khi đối mặt với việc các cơ sở năng lượng liên tục bị Nga tàn phá.
Vào đầu tháng 10, công ty SpaceX đã gửi yêu cầu tới Ngũ Giác Đài đề nghị cơ quan này tiếp nhận việc tài trợ cho hoạt động của Starlink ở Ukraina, người sáng lập công ty, tỷ phú Elon Musk, giải thích điều này là do thua lỗ lớn. Nhưng sau đó, ông Musk đã thay đổi lập trường, bảo đảm thông tin liên lạc vệ tinh và Internet sẽ cập nhật ở Ukraina trong mọi trường hợp.
Trong những ngày qua, giới Nga cũng đã đe dọa các vệ tinh thương mại của Hoa Kỳ và đồng minh có thể ‘là những mục tiêu chính đáng’ để tấn công, nếu Mỹ và phương Tây sử dụng các vệ tinh này để yểm trợ cho Ukraina.
Nhật Bản là nền kinh tế lớn duy nhất duy trì lãi suất âm
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định giữ lãi suất của mình ở mức dưới 0. Nhật Bản là nền kinh tế lớn duy nhất làm như vậy trong khi các Ngân hàng Trung ương chủ chốt khác tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Kể từ năm 2016, BoJ đã duy trì lãi suất chính ở mức âm 0,1%. Vào ngày 28/10, Hội đồng Chính sách của BoJ đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ngắn hạn, ở mức -0,1%, theo một tuyên bố từ ngân hàng. Ngoài ra, BoJ cam kết giữ lợi tức trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức 0% bằng cách mua “số lượng cần thiết” trái phiếu như vậy mà không đặt ra giới hạn trần.
“Ngân hàng sẽ đề nghị mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm với mức [lợi tức] 0,25% mỗi ngày làm việc thông qua các hoạt động mua theo lợi tức cố định, trừ khi có khả năng cao là không có hồ sơ giao dịch nào được nộp”, BoJ cho biết.
Quyết định của BoJ được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Fumio Kishida thông báo rằng chính phủ có kế hoạch giải ngân 29 nghìn tỷ JPY (yên Nhật) (200 tỷ USD) cho chi tiêu mới.
Động thái của BoJ để giữ lãi suất thấp hoàn toàn trái ngược với các Ngân hàng Trung ương lớn khác trên thế giới đang nỗ lực hết sức mình để tăng lãi suất. Chỉ một ngày trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã công bố một đợt tăng lãi suất lớn nữa, thêm 75 điểm cơ bản.
Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất chuẩn từ mức gần như bằng 0 vào đầu năm lên khoảng 3,0–3,25%, đây là mức cao nhất kể từ năm 2008.
Sự khác biệt giữa Nhật Bản và Mỹ, cũng như khu vực đồng EUR, là trong khi tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản là thấp, hai khu vực còn lại đang trải qua thời kỳ áp lực lạm phát cao.
Theo Bloomberg, Kyohei Morita, nhà kinh tế trưởng khu vực Nhật Bản tại Nomura Securities, cho biết: “Khả năng BoJ xoay hướng theo hướng thắt chặt vẫn còn nhỏ, vì lạm phát của Nhật Bản hoàn toàn không diễn ra trên diện rộng và chỉ đang tăng khoảng một phần ba so với tốc độ đã thấy ở châu Âu và Mỹ”.
Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda đã không để tâm tới quan điểm cho rằng chính sách lãi suất của BoJ là nguyên nhân của việc suy yếu mạnh của đồng JPY. Động thái mới của BoJ củng cố thêm các dự đoán rằng BoJ sẽ không sử dụng việc tăng lãi suất như là một công cụ để làm chậm đà suy giảm của đồng JPY.
"Ông ấy vẫn kiên trì với lập trường chính sách hiện tại của BoJ", ông Alvin Tan, người đứng đầu bộ phận chiến lược FX Asia tại RBC Capital Markets nói. "Nó phát đi thông điệp cho thế giới rằng ông ấy sẽ không thay đổi cách thức trong thời gian sắp tới".
Chính sách siêu nới lỏng của BoJ được cho là góp phần tạo nên sự suy yếu mạnh mẽ của đồng JPY và làm gia tăng giá nhập khẩu nguyên liệu và nhiên liệu vốn đã đắt đỏ, thúc đẩy chính quyền phải can thiệp vào thị trường để củng cố đồng tiền.
Ông Medvedev kêu gọi tỷ phú Elon Musk dừng cung cấp dịch vụ Starlink ở Ukraine
Hôm 28/10 vừa qua, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev đã kêu gọi tỷ phú Elon Musk (CEO Tesla và SpaceX) chấm dứt cung cấp dịch vụ Starlink cho Ukraine, theo tờ TASS.
“Hãy dừng hoạt động Starlink ở Ukraine”, ông Medvedev cho biết trên Twitter. Ngoài ra, ông cũng chúc tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay may mắn với Twitter, xóa bỏ sự định kiến chính trị trên nền tảng mạng xã hội này.
Hệ thống Starlink được tỷ phú Elon Musk cung cấp cho Ukraine từ 27/2, đóng vai trò quan trọng giúp duy trì thông tin liên lạc tại Ukraine, cũng như kết nối nước này với mạng Internet toàn cầu.
Hôm 14/10, ông Musk cho biết SpaceX không thể tiếp tục tài trợ cho hoạt động của Starlink ở Ukraine và đề nghị Lầu Năm Góc gánh vác trách nhiệm tài chính. Nhưng không lâu sau đó, ông chủ SpaceX đổi ý và cho biết sẽ tiếp tục cung cấp tài chính cho Starlink ở Ukraine.
Trên thực tế, một số nước như Mỹ, Anh và Ba Lan đã trả tiền cho hệ thống phần cứng để duy trì hoạt động của Starlink tại Ukraine.
Theo tờ Washington Post, tỷ phú Elon Musk, đã chính thức tiếp quản điều hành mạng xã hội Twitter hôm 27/10. Được biết, ông Musk đã ngay lập tức sa thải một số lãnh đạo cấp cao của Twitter, trong đó có Giám đốc điều hành (CEO) Parag Agrawal, Giám đốc tài chính (CFO) Ned Segal, trưởng bộ phận pháp lý Vijaya Gadde và Sean Edgett, Luật sư cấp cao của công ty.
Trước đó, ông Elon Musk đã tới trụ sở của Twitter hôm 26/10, đồng thời cập nhật thông tin cá nhân trên mạng xã hội này với chức danh Giám đốc công ty. Trong thông điệp trên Twitter, ông Musk cho biết mục tiêu của ông khi mua lại mạng xã hội này là đảm bảo môi trường tranh luận lành mạnh, thay vì là nơi thể hiện những quan điểm tiêu cực để gây thù hằn và chia rẽ trong xã hội.
Ông Medvedev nói Kyiv muốn có điện thì phải thực hiện theo yêu cầu của Nga
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ông Dmitry Medvedev mới đây tuyên bố, nếu Kyiv muốn quân đội Nga ngừng tấn công hệ thống năng lượng, Ukraina phải thực hiện theo các yêu cầu của Điện Kremlin.
Trên mạng Telegram hôm 28 tháng 10, ông Medvedev, người từng là Tổng thống Nga nói rằng, theo quan điểm của chính phủ Nga, việc nhập khẩu điện từ Slovakia sang Ukraina sẽ không giúp Kyiv ổn định hệ thống năng lượng.
Theo chính khách Nga, tình hình cung cấp điện ở Ukraina sẽ tốt hơn, khi việc sáp nhập các vùng lãnh thổ mà Nga chiếm được – được “công nhận”.
Đáp lại, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Chánh văn phòng Tổng thống Ukraina, trên twitter, trả lời rằng tuyên bố của ông Medvedev thể hiện việc Nga thừa nhận họ là quốc gia đang thực hiện chủ nghĩa khủng bố.
Ông Podolyak viết: “Tuyệt vời! Điện Kremlin đã tuyên bố trực tiếp thông qua Medvedev: chúng tôi sẽ phá hủy hệ thống năng lượng Ukraina và khủng bố hàng triệu người cho đến khi Ukraina đồng ý đầu hàng. Thực tế, đó là lời thú nhận chính thức về chủ nghĩa khủng bố ở cấp nhà nước.”
Nga có thể bắt đầu kêu gọi phụ nữ tham gia chiến tranh Ukraine
Theo cựu Tổng tư lệnh Lực lượng Mặt đất Nga, Moscow có thể bắt đầu kêu gọi phụ nữ nhập ngũ để tham gia cuộc chiến chống Ukraine, Newsweek đưa tin.
Tướng quân đội Vladimir Boldyrev, người lãnh đạo lực lượng mặt đất Nga từ năm 2008 đến năm 2010, đã đưa ra nhận xét vào ngày 21/10 để đáp lại lời kêu gọi của một chính trị gia về việc mở rộng nghĩa vụ quân sự cho cả phụ nữ.
Tuần này, Alexey Chepa, một thành viên của Duma Quốc gia Nga, đã đề xuất bắt đầu kêu gọi động viên phụ nữ nhập ngũ theo gương của Israel. Đề xuất này khi đó đã bị Điện Kremlin bác bỏ.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin địa phương URA.ru, tướng Boldyrev cho biết phụ nữ có thể được gọi nhập ngũ ở Nga và tham gia vào cuộc chiến Ukraine, làm bác sĩ và ở những vị trí không nhất thiết phải ở tuyến đầu.
“Nếu phụ nữ được gọi, thì có nhiều nơi họ có thể được sử dụng. Đầu tiên, họ [có thể là] bác sĩ. Thứ hai là các trung tâm liên lạc ở hậu phương. Ngoài ra, các đơn vị hậu phương, ví dụ như lương thực, quần áo,” ông Boldyrev nói.
Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, cho đến nay vẫn chưa có cuộc thảo luận nào về khả năng phụ nữ nhập ngũ.
Tatyana Butskaya, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Duma Quốc gia về Gia đình, Phụ nữ và Trẻ em, cũng đã cân nhắc về vấn đề này, nói rằng bà không tin rằng phụ nữ ở Nga nên được gọi nhập ngũ.
“Không có chuyện phụ nữ nhập ngũ”, bà nói với URA.ru. “Đây hoàn toàn không phải là lịch sử của chúng ta … luôn có một nam chiến binh và một người phụ nữ chờ đợi anh ta, canh giữ lò sưởi. Phụ nữ luôn có một cách phòng vệ khác,” bà nói.
“Chúng ta hãy nhớ về cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại [Thế chiến II]. Tất nhiên, có những chuyên ngành họ có thể giúp đỡ, [họ có thể] cứu sống những người họ cần được cứu, có những khoa quân sự trong các trường y tế sử dụng nữ giới,” bà Butskaya nói thêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố lệnh điều động một phần vào ngày 21/9 và hôm thứ Sáu (28/10), Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết việc huy động 300.000 lính dự bị đã hoàn tất.
Vladimir Budaev của Tổ chức Free Buryatia, một nhóm ủng hộ dân chủ có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết ông tin rằng cuối cùng Điện Kremlin sẽ còn huy động nhiều người Nga chiến đấu hơn con số 300.000 mà các quan chức quốc phòng đưa ra.
“Thực ra thì [việc huy động] không dừng lại. Chúng tôi không biết khi nào việc huy động mới dừng lại – có lẽ là không bao giờ. Ông Putin chắc chắn cần hơn 300.000 binh sĩ. Quân đội Nga đã chịu thiệt hại rất nhiều trong số những người được huy động rồi”, ông nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét