Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù và Trận Tái Chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng, Quảng Trị - Bùi Phạm Thành (Đặc San Lâm Viên)

Dẫn nhập:
Mùa Hè năm 1972, trong khi hoà đàm Ba Lê đang tiếp diễn, thay vì chiến tranh phải tạm chấm dứt, nhưng Cộng sản Bắc Việt với chủ trương “Vừa Đánh Vừa Đàm", đã dốc toàn lực để chiếm đất của miền Nam. Thế cho nên Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phải đem quân chống cự để giữ đất và cứu dân. Có thể nói hai trận chiến trong “Mùa Hè Đỏ Lửa" năm 1972 là trận chiến trên Căn cứ Hoả lực Charlie và trận tái chiếm cổ thành Đinh Công Tráng ở Quảng Trị là kinh hoàng và thảm thương nhất trong hơn hai mươi năm chiến tranh Quốc-cộng trên mảnh đất điêu tàn của miền nam Việt Nam.Thế nhưng hai trận chiến này không được ghi rõ trong quân sử vì lý do toàn cõi Việt Nam đã bị nhuộm đỏ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.
<!>
Như chúng ta đã biết “Kẻ thắng trận là kẻ sẽ viết sử". Điều này cho thấy quân sử sẽ không được ghi chép trung thực cho đời sau học hỏi và nghiên cứu. Vả lại, khởi đi từ những năm đầu của thập niên 2010, ở hải ngoại, đã có nhiều bài viết, bàn cãi, và tranh giành công trạng về trận tái chiếm cổ thành Đinh Công Tráng. Nơi đây, chúng tôi, trên cương vị của người kể chuyện, xin viết bài sử thi, gồm 432 câu theo thể thơ Lục-Bát, để kể lại trận tái chiếm cổ thành Đinh Công Tráng ở Quảng Trị, dựa theo bài viết của cựu Thiếu Tá Trương Đăng Sỹ, tốt nghiệp Khóa 21 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, Đại Đội trưởng Đại Đội 51, thuộc Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, người trực tiếp chỉ huy trận tái chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng ở Quảng Trị, mang tên là Chiến dịch Lam Sơn 72, từ ngày đầu tiên, ngày 28 tháng 6 năm 1972, cho đến khi bàn giao cho Thuỷ Quân Lục Chiến vào ngày 27 tháng 7 năm 1972.

Thuỷ Quân Lục Chiến hoàn tất việc tái chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng vào ngày 16 tháng 9 năm 1972.

Quý vị có thể download bản PDF của bài viết này ở đường link dưới đây:

oOo

Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù Và Trận Tái Chiếm
Cổ Thành Đinh Công Tráng, Quảng Trị
001. Chuyện thời chinh chiến xa xưa
“Mùa Hè Đỏ Lửa” vẫn chưa phai mờ (1)
Quốc-cộng chia đôi cõi bờ
Dòng sông Bến Hải đôi bờ phân chia
Cộng Sản phía Bắc bên kia
Cộng Hoà chính nghĩa ở về phương Nam.
Tưởng rằng chia rõ Bắc Nam
Người dân sẽ được bình an yên lành.

009. Đâu ngờ lại bị chiến tranh
Cộng sản xâm lược dân lành điêu linh
Gần hai mươi năm chiến tranh
Xương chất thành núi máu thành sông trôi
Bắc quân chẳng thiết mạng người
Xua đoàn trai trẻ vào nơi chiến trường
Để cho chấm dứt tang thương
Hoà đàm hội nghị tìm phương giảng hoà
Thế nhưng Cộng sản điêu ngoa
Vừa đàm vừa kéo quân ra chiến trường
Mùa Hè bảy hai đau thương
Bắc quân ào ạt mở đường tấn công
Vượt Bến Hải chiếm miền Trung
Để đoạt thế mạnh bên trong hòa đàm
Rõ ràng là một kế gian
Thế nên bên phía Việt Nam Cộng Hoà
Buộc lòng phải đem quân ra
Trước là giữ đất sau là cứu dân.

027. Cộng sản Bắc Việt xua quân
Tràn vào Quảng Trị chiếm phần thượng phong
Thành Đinh Công Tráng đóng quân
Miền Trung vì thế có phần lâm nguy.
Cho nên các cấp chỉ huy
Quyết tâm phải đuổi chúng đi đến cùng.
Diễn tiến của cuộc hành quân
Ghi vào quân sử góp phần tương lai
Hai Tám tháng Sáu Bẩy Hai
Ngày N sẽ đến Phú Bài xuất quân
Không vận bốc Tiểu Đoàn Năm
Nhảy Dù ra Huế góp phần giải nguy.
Theo Quốc lộ Một mà đi
Tiến quân, diệt chốt những gì gần xa
Hải Lăng, Triệu Phong đã qua
Kinh hoàng Đại lộ vượt qua dễ dàng
Trên đường tiến đến La Vang
Phi pháo yểm trợ và giàn đạn bom
Cuối cùng cũng được dừng chân
Ngày mai sẽ lại đưa quân tiến vào
Làng Như Lệ mục tiêu sau
Lệnh hành quân lại hôm sau đổi dời
Tiểu Đoàn Mười Một đến rồi
Có Thiếu tá Mễ là người chỉ huy
Bàn giao La Vang rồi thì
Qua Quốc Lộ Một tiến về mục tiêu
Đem quân vào làng Trì Bưu
Dùng làm bàn đạp đến nơi Cổ Thành
Thành Đinh Công Tráng nổi danh
Hào sâu tường vững chiến tranh bao lần.

057. Trong đêm tiếng pháo vang ầm
Họp Đại đội trưởng hành quân luận bàn
Trung tá Nguyễn Chí Hiếu rằng:
“Tiểu Đoàn Năm được lãnh phần tiên phong
Vinh dự này phải thành công
Phải bằng mọi giá chiếm xong Cổ Thành.”
Sau khi phân tích tình hình
Cùng chia nhiệm vụ phân minh rõ ràng
Trịnh trọng nâng lá cờ Vàng
Trung Tá Hiếu nói rõ ràng cùng tôi:
“Đây là vinh dự một đời
Của cả Quân Lực anh thời nhận cho
Vinh dự của binh chủng Dù
Tôi đem tất cả cậy nhờ nơi anh
Trương Đăng Sỹ cố hoàn thành
Tiền quân tất cả do anh toàn quyền.”

073. Lo ậu hãnh diện, nỗi niềm
Như Kinh Kha đứng trên thuyền qua sông
Gõ mạn thuyền mà hát rằng:
“Một đi tráng sĩ chẳng mong ngày về.” (2)
Nhớ ngày ra trường đã thề:
“Chẳng cầu an lạc, chẳng nề hiểm nguy.” (3)
Trịnh trọng nhận lá Quốc Kỳ
Từ Trung Tá Hiếu, lời thề còn vang
Đưa chiếc hộp ông dặn rằng:
“Trường hợp tuyệt vọng mới dùng nó thôi
Bấm vào nút đỏ thì rồi
Mục tiêu huỷ diệt đồng thời đôi bên.”
Nhận lệnh mà lòng chẳng yên
Không thể chợp mắt qua đêm canh dài
Linh cảm về một ngày mai
Bao nhiêu xương máu hình hài nát tan
Chiến chinh là chuyện gian nan
Công thành sẽ có hàng ngàn cốt khô. (4)

091. Không còn nghĩ chuyện âu lo
Đã nhận trách nhiệm phải lo chu toàn
Hai đại đội dàn hàng ngang
Năm hai, năm mốt hiên ngang dẫn đầu
Qua con sông nhỏ tiến sâu
Cánh đồng trước mặt một màu xanh tươi
Làng Trì Bưu là đây rồi
Cộng quân đã chiếm được nơi đây rồi
Bố trí để chờ chúng tôi
Thượng liên, súng cối đầy nơi chốn này
Gọi Hồ Tường ra lệnh ngay
Cho một trung đội vào ngay cánh đồng
Dùng gò mả để phòng thân
Và tôi điều chỉnh phi tuần đánh bom
Tiếp theo pháo binh nổ dòn
Hai mươi tràng pháo rơi tràn mục tiêu
Mười tràng đạn khói tiếp theo
Làm màn khói phủ mục tiêu mịt mờ
Cho ba trung đội tràn vô
Xung phong vừa bắn vừa hô vang trời
Như trong phim ảnh mà thôi
Lính dù đánh giặc đất trời ngả nghiêng
Địch quân hồn phách đảo điên
Bỏ tuyến tháo chạy để yên thân mình
Dép râu, nón cối tan tành
Kaki Nam Định cũng đành tan thân.
Kiểm kê vũ khí địch quân
Là chiến lợi phẩm về phần quân ta.

119. Từ làng Trì Bưu nhìn ra
Về hướng Tây Bắc là nhà thờ kia
Tôi và Hồ Tường cùng chia
Song song nhắm mục tiêu kia tiến vào
Chỉ vài trăm thước chớ bao
Nhưng địch dày đặc có nào dễ đi.

125. Nhường tuyến cho bộ chỉ huy
Gọi thêm hoả lực dội đi mở đường
Pháo binh cơ hữu, Quân đoàn
Phi tuần oanh tạc từng tràng bom rơi
Hải pháo bắn từ ngoài khơi
Đệ Thất Hạm Đội khi trời đêm đen
Thuỷ Quân Lục Chiến giúp thêm
Từng tràng đại pháo vang rền bên tai.
Từng bước từng bước chung vai
Hồ Tường lần lượt cùng tôi tiến vào
Từng bước nhảy vọt cùng nhau
Năm mươi, trăm thước, cùng nhau tiến dần.

137. Thế nhưng đông quá địch quân
Bên bờ Thạch Hãn ầm ầm bắn qua
Đêm nghe rõ tiếng chiến xa
Tình hình như thế thật là khó khăn.
Tôi quyết định xin thêm quân
Để giữ cánh phải ngăn chân quân thù
Đại đội hai, Trinh sát Dù
Của Trương Văn Út bây giờ ra quân
Xông xáo, lanh lợi, quyết tâm
Nghe tiếng trong máy điều quân vang rền
Út Bạch Lan đã thành tên
Làm nên danh hiệu truyền tin để đời.

149. Tám ngày quần thảo tơi bời
Tiến ngày không được tôi thời tiến đêm
Nhà thờ Trì Bưu gần bên
Có một tiểu đội vào liền bên trong
Phát hiện cảnh tượng thương tâm
Hơn trăm người trốn dưới hầm tránh bom
Người già, người lớn, trẻ con
Đói khát, thương tật nguồn cơn thấu trời
Chợt nghe giọng Huế ngỏ lời:
“Được lính con ó cưu rồi ôn ơi !!!”
Thuốc men, thực phẩm tạm thời
Chỉ hướng cho họ về nơi an toàn.

161. Giữ nhà thờ và giữ đường
Con đường tiếp tế tải thương khi cần
Đại đội Năm Bốn giữ phần
Tiểu đoàn Mười Một góp quân thêm vào
Nghĩa trang bên trái ào ào
Chiếm từng ngôi mộ tiến vào mục tiêu.

167. Có quân tăng viện thêm nhiều
Cổ Thành chiếm lại có nhiều cơ may
Tiểu Đoàn Sáu bên trái đây
Nhà ga Quảng Trị trong tay Mễ rồi
Danh Lê Văn Mễ một thời
Charlie trận chiến long trời chưa quên. (5)

173. Hằng giờ, hằng ngày, hằng đêm
Bộ chỉ huy vẫn liên miên thăm dò
Lòng tôi rối tựa tơ vò
Ngồi trên đống lửa bây giờ khác chi
Thuốc lá cùng với cà phê
Mà lực lượng địch tứ bề quá đông
Đại pháo từ dãy Trường Sơn
Bên kia Thạch Hãn bắn sang ào ào.
Út Bạch Lan đưa quân vào
Cho từng toán nhỏ theo nhau cận kề
Chiếm từng căn nhà luỹ tre
Từng bước từng bước chẳng nề ngày đêm.

185. Địch quân chân đã bị xiềng
Vào các ổ súng ngay bên chiến hào
Họ chẳng còn phương cách nào
Ngoài việc tử chiến chớ sao bây giờ !!!
Thí quân đến độ không ngờ
Cộng sản quả thực là đồ dã man
Bắt lính “Sinh Bắc Tử Nam”
Chiến trường vì thế kinh hoàng thảm thương
Giờ tôi cùng với Hồ Tường
Từ từ từng bước trên đường tiến quân
Khoảng cách Cổ Thành ngắn dần
Tình hình chiến trận thêm phần hiểm nguy.
Hầu hết sĩ quan chỉ huy
Người thì tử trận, người thì bị thương
Tôi vừa chỉ huy chiến trường
Vừa làm tiền sát chỉ đường pháo binh.

201. Chiến trường thay đổi tình hình
Một đêm mưa gió cảnh tình thê lương
Gọi qua tần số cá nhân
Út Bạch Lan báo bị thương vong nhiều
Quân số chẳng còn bao nhiêu
Đại pháo của địch rơi đều chung quanh
Như tường hoả lực xây thành
Quân ta không thể tiến nhanh chút nào
Đề nghị xin thêm quân vào
Bên kia Thạch Hãn địch ào ạt qua
Cho Trinh Sát Dù rút ra
Biệt Kích Tám Mốt gửi qua tăng cường.

213. Giữ đường tiếp tế, tải thương
Út Bạch Lan bị chặn đường tấn công
Tình hình hiểm nguy vô cùng
Đành làm việc chẳng đặng đừng mà thôi
Hỏi Út Bạch Lan một lời:
“Phải hy sinh, có nhận lời hay không?”
Út Bạch Lan nói: “Bằng lòng.”
Ngàn cân sinh mạng xem bằng sợi tơ.
Tôi xin hai khu trục cơ
Thả bom xăng xuống chẳng chờ đợi thêm
Một vùng biển lửa bốc lên
Quân địch thiêu rụi gần liền quân ta
Út Bạch Lan tung quân ra
Các ổ kháng cự thế là dẹp xong
Con đường nay được khai thông
Tải thương, tiếp tế nay không khó gì.

229. Đến Cổ Thành con đường đi
Chỉ ba trăm thước gian nguy khó lường
Và tôi cùng với Hồ Tường
Xem bản đồ để tìm đường tiến quân
Kế hoạch phi pháo đa phần
Cổ Thành dồn hết vào gần nơi đây
Nhưng tôi nghĩ khác chuyện này
Mục tiêu cần phải dẹp ngay bây giờ
Bắc sông Thạch Hãn trên bờ
Phi trường Ái Tử tận ra Đông Hà
Phía tây Trường Sơn nơi xa
Đại pháo, hoả tiễn cần là dẹp tan.
Quảng Trị ngập trong điêu tàn
Cộng quân với hai Sư đoàn chính quy
Chiến trường quần thảo xá chi
Thương binh, tử sĩ ai thì đếm cho.

245. Trong khi chiến trận gay go
Được Đại Tá Hiếu ban cho lệnh này:
“Đích thân Tổng Thống cho hay
Phải bằng mọi giá chiếm ngay Cổ Thành
Cả Quân Đoàn Một và anh
Cùng với tướng Trưởng hoàn thành sớm cho.”
Nghe lệnh lòng tôi thẫn thờ
Sĩ quan chủ lực hiện giờ còn đâu
Việt, Hội, Sanh đã cùng nhau
Bị thương lần lượt trước sau hết rồi
Chỉ còn hạ sĩ quan thôi
Làm Trung đội trưởng tạm thời chỉ huy.

257. Cổ Thành phía trước ngay kia
Địch đông kháng cự vẫn thì còn hăng
Quyết định lập cảm tử quân
Lợi dụng đêm tối tấn công chiếm thành
Đến sáng tôi sẽ tiến nhanh
Xông vào tiếp sức dễ thành công hơn
Chọn ra tám cảm tử quân
Đều là tình nguyện trong hơn mười người
Khí hùng can đảm ngất trời
Trần Tâm, hạ sĩ, là người chỉ huy
Hồ Khang mang lá Quốc Kỳ
Là người Quảng Trị nên đi dẫn đường
Hậu mang máy, và Hồ Con
Cùng Lê Văn Lịch, tôi còn nhớ tên
Thế rồi trong màn đêm đen
Toán Quyết tử đã ngang nhiên lên đường
Chấp nhận nguy hiểm khó lường
Anh hùng như thế đời thường mấy ai
Tôi thức trong suốt đêm dài
Máy truyền tin vẫn bên tai chẳng rời
Gọi pháo yểm trợ từng hồi
Thỉnh thoảng trái sáng để soi sáng đường
Nửa đêm thấy rõ bờ tường
Hào sâu đầy nước tìm đường lội qua
Tôi xin pháo binh tối đa
Ra lệnh chuẩn bị sáng ra xông vào.

283. Tờ mờ buổi sáng hôm sau
Tôi nghe vang dội những câu reo mừng:
“Việt Nam Cộng Hòa muôn năm !”
“Nhảy Dù anh dũng muôn năm !” vang rền
Quốc kỳ đã được dựng lên
Tiếng Hậu đứt khoảng và liền ngay sau
Đủ loại đạn đã cùng nhau
Ầm ầm quân địch bắn nhầu bắn điên
Lá cờ Vàng vừa dựng lên
Là mục tiêu chính chúng liền ra tay
Tứ phía pháo nổ đạn bay
Tôi xin đạn khói phủ ngay mặt thành
Ra lệnh xuất phát thật nhanh
Dưới cơn mưa pháo Cổ Thành xông lên
Tôi dục Hồ Tường “Nhanh lên
Còn trăm thước nữa trèo lên Cổ Thành.”
Toán Quyết tử phải cứu nhanh
Xin lá cờ nữa lên thành lại treo.

301. Khó khăn vẫn cứ bám theo
Cổ thành trước mặt có điều quá cao
Tường dày, bao bọc bởi hào
Rộng gần mười thước, nước cao gần đầu
Địch quân phòng thủ trên cao
Ở trong lô cốt bắn vào quân ta.
Nếu tôi cho lính lội qua
Dùng dây sau đó để mà leo lên
Nhưng kế sách đó không nên
Làm bia cho địch bắn liền mà thôi
Phá tường thì không được rồi
Ở sườn bên phải địch thời chẳng xa
Vượt sông Thạch Hãn tràn qua
Biển người chúng muốn đem ra mà dùng.
Đêm đó tiền quân phải dừng
Đào hố cố thủ để cùng lo toan
Trong lòng trăm mối ngổn ngang
Xác toán quyết tử phải làm sao đây?
Tường thành vừa cao vừa dầy
M72 bắn chẳng trầy trụa chi.

321. Chỉ còn một kế khả thi
Dùng bom thật mạnh tường thì vỡ thôi
Hăm sáu ngày đã qua rồi
Bao nhiêu máu đổ thịt rơi tan tành
Tử sinh số mạng thôi đành
Cổ Thành nhất định phải giành lại thôi
Một ngày định mệnh đến rồi
Gọi Hồ Tường đến cùng tôi luận bàn
Đây là một điều sai lầm
Chỉ huy cùng ở trong tầm đạn bom
Tôi quyết định cho đánh bom
Theo trục Tây Bắc, Đông Nam xuống dần
Đối diện ngay với tiền quân
Sai với nguyên tắc thập phần hiểm nguy
Quyết định như thế bởi vì
Tường mà đổ xuống hào thì lấp ngay
Được thế thì là dịp may
Quân ta sẽ tiến được ngay vào thành.

339. Hai tuần khu trục xuống nhanh
Bốn quả bom phá tường thành vỡ tan
Hào bị tường đổ lấp tràn
Tôi xin đạn khói để làm màn che
Tiền quân dễ dàng vượt qua
Tan khói, súng địch bắn ra ngay liền
Từ hai lô cốt mặt tiền
Sân cột cờ cũng vang rền đạn bay
Phi cơ quan sát cho hay
Bắc sông Thạch Hãn địch dày như ong
Chúng đang tiến tràn qua sông
Tôi xin yểm trợ phi tuần dội bom.

351. Dầu sôi lửa bỏng đang cơn
Tai hoạ xảy đến để hờn mai sau
Đạn tám hai ly từ đâu
Như là sét nổ trên đầu chúng tôi
Hầm chỉ huy trúng đạn rồi
Hồ Tường máu nhuộm đầy người đây thôi
Người hiệu thính viên chết rồi
Và cánh tay trái của tôi tê rần
Tiếng Trung Tá Hiếu cằn nhằn:
“Chỉ huy đại đội sao nằm bên nhau
Tôi dặn anh có nghe đâu
Nay bị thương hết làm sao bây giờ?”

363. Với tôi là chuyện chẳng ngờ
Phải chăng số mạng đón chờ đau thương
Sống chết ở nơi chiến trường
Nhanh như chớp mắt chuyện thường xảy ra
Xác toán Quyết tử kéo ra
Hồ Khang xác bị chặt ba khúc rời
Hồ Con gục ngã xong đời
Lê Văn Lịch bị bắn nơi đỉnh đầu
Số còn lại lạc nơi đâu
Phải chăng thân xác nát nhầu tiêu tan?

373. Củng cố hầm hố sẵn sàng
Gộp hai đại đội sẵn sàng phản công
Nhiệm vụ quyết làm cho xong
Cổ Thành tôi đã vào trong được rồi
Dựng lá cờ Vàng lên thôi
Địch vừa trông thấy tức thời tấn công
Đủ loại súng đạn ầm ầm
Cột cờ chúng bắn vang rần chung quanh.
Tôi gọi phi yểm thật nhanh
Đến dẹp quân địch chung quanh Cổ Thành
L19 lượn quanh
Sẵn sàng điềm chỉ đích danh nơi nào
Hai A37 bay vào
Tôi thả những trái khói màu chỉ ngay
Rằng “Anh đánh đầu khói này
Vì gió thổi ngược vào ngay quân mình.”

389. Hỡi ơi trong cuộc chiến chinh
Định mệnh, số kiếp, phận mình, tay ai?
Phải chăng số phận an bày
Tang thương tai hoạ đến ngay lúc này
Khói chỉ điểm gói thổi bay
Bom A37 thả ngay tuyến đầu
Trung đội tuyến đầu còn đâu
Tôi hét trong máy yêu cầu ngưng ngay
Thế nhưng trong giây phút này
Hai quả bom nữa rơi ngay tuyến đầu
Thế là bốn quả trước sau
Hơn nửa ba trung đội đầu nát tan.

401. Trong tôi nát ruột tan gan
Lồng ngực ê ẩm tay chân rụng rời
Định mệnh hay là số trời
Thân này còn lại trên đời mà chi?
Rút máy huỷ mục tiêu đi
Nhưng bao sinh mạng tội gì nát thân
Thế nên lòng lại ngại ngần
Toan tự kết liễu lính ngăn cản đừng

409. Bây giờ mọi chuyện phải ngừng
Kiểm soát binh sĩ xem chừng còn ai
Lệnh Trung Tá Hiếu cho hay
Chiều nay sẽ có người thay tôi rồi
Thiếu Tá Bùi Quyền thay tôi
Dưỡng thương tôi sẽ phải rời đây ngay
Tôi muốn từ chối lệnh này
Vì nếu địch đánh đêm nay tan hàng.
Thiếu Tá Bùi Quyền nói rằng
Lệnh ngày mai tuyến Cổ Thành chuyển giao
Thuỷ Quân Lục Chiến sẽ vào
Nhảy Dù sẽ phải bàn giao chiến trường.

421. Còn đây uất nghẹn, đau thương
Năm Mốt bao kẻ chiến trường thương vong
Và Năm Hai Tiểu Đoàn Năm
Biệt Kích Tám Mốt ai nằm lại đây
Trinh Sát Dù những người này
Cổ Thành Quảng Trị phơi thây chiến trường
Quân sử ghi lại mấy chương
Về một chiến trận tang thương nơi này
Tên người ngã xuống ai hay
Ngàn năm hương khói có ngày nào chăng?
Mai sau xin một mộ phần
Cùng bao chiến hữu về nằm bên nhau.

Bùi Phạm Thành
Khóa 25 (Quyết Chiến Tất Thắng 1968-1972) Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, Đà Lạt
Ngày 20 tháng 10 năm 2022 - Irvine, California, USA

Chú thích:
(1) "Mùa Hè Đỏ Lửa" - Tên một quyển truyện chiến tranh của Phan Nhật Nam.
(2) Kinh Kha khi lên đường làm thích khách để ám sát Tần Thuỷ Hoàng, được Thái tử Đan và quần thần đưa tiễn đến bờ sông Dịch. Tương truyền, tại đây bạn thân là Cao Tiệm Ly gảy đàn trúc, và Kinh Kha khảng khái hát hai câu:

Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn,
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn.

Dịch nghĩa
Gió thổi hiu hắt, nước sông Dịch lạnh,
Tráng sĩ một khi ra đi, sẽ không trở về nữa.

(3) Một câu trong bài Truy Điệu truyền thống của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam: “Chúng tôi không tìm an lạc dễ dàng, mà chỉ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm.”
(4) Thành ngữ cổ: “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô.”
(5) Trận chiến trên Căn cứ Hoả lực Charlie diễn ra 7/4 - 14/4/1972, giữa Sư Đoàn 320 của quân cộng sản Bắc Việt, cùng với các đơn vị pháo binh và phòng không, quân số tổng cộng hơn 10,400. Trong khi đó Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù (Song Kiếm Trấn Ải) VNCH chỉ có 470 người và 1 sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ.

LỊch sử Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù:
oOo

Phụ đính: Nguyên văn bài viết của cựu Thiếu Tá Trương Đăng Sỹ đã được đăng trên trang web: Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam - Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận:

NHẢY DÙ VÀ CỔ THÀNH ĐINH CÔNG TRÁNG
Sydney, Australia ngày 10 tháng Tám 2009

Kính gởi Niên Trưởng Giao Chỉ (San Jose)

Nhân đọc được bài “Trong đêm đen chợt thấy ánh mặt trời” của Niên trưởng, tôi đã quyết định cầm lại cây bút. Nặng nề, đắn đo, suy nghĩ suốt mấy đêm liền …

Sau cùng tôi thấy mình có trách nhiệm phải nói lên một sự thật của lịch sử và nhất là vinh danh những chiến hữu, những đệ tử thâm tình đã vĩnh viễn nằm xuống bên bờ Cổ thành Đinh Công Tráng (Quảng Trị) vào mùa Hè đỏ lửa 1972.

Ngắn gọn để tự giới thiệu với Niên trưởng, tôi là cựu Thiếu Tá Trương Đăng Sỹ, xuất thân Khóa 21 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam Dalat, Đại Đội trưởng Đại Đội 51 Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù, được Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 trao trọn trách nhiệm tổng chỉ huy điều động lực lượng tiền phương tiến chiếm Cổ thành Quảng Trị vào năm 1972. Hiện nay, tôi đang sinh sống tại Sydney, Australia.

Với tư cách và danh dự của một Sĩ quan xuất thân từ trường Võ Bị, tôi dám quả quyết với các niên trưởng rằng tôi sẽ nói hoàn toàn sự thật sau đây vì nó có tính cách lịch sử, mà theo tôi lịch sử phải là sự thật, đó là chân lý, đừng bẻ cong ngòi bút, đừng che dấu và đừng đánh bóng cá nhân, nhất là những người không trực tiếp tham dự cuộc chiến.

Tôi được tham dự tất cả những trận đánh lừng danh trong quân sử của Việt Nam Cộng Hòa, từ năm 1966 mãi đến ngày mất nước 30/4/1975. Với tư cách là một sĩ quan thuần túy tác chiến, đi bộ, cầm bản đồ, địa bàn, tay bấm Combiné từ Campuchia qua Hạ Lào, An Lộc, Quảng Trị, có thể nói chưa bao giờ thất bại, nhưng chua cay và gay cấn nhất là Cổ thành Đinh Công Tráng (Quảng Trị). Sau đây là diễn tiến trận đánh.

Tôi đồng ý với Niên trưởng ở điểm là hôm nay làm thế nào chúng ta phải có bản đồ trận liệt Quảng Trị, cũng như phóng đồ Hành quân tái chiếm Quảng Trị. Nếu không chúng ta cũng còn lẩn quẩn trong những nét đại cương.

Nói riêng về trận tái chiếm Quảng Trị, tôi biết có rất nhiều người yêu cầu cũng như mong muốn tôi phải lên tiếng, nhất là bên ban quân sử Mũ Đỏ. Nhưng tôi vẫn im lặng, im lặng gậm nhấm tất cả những đau thương chua chát. Im lặng để tôn trọng những người viết trước – những vị này đều không trực tiếp tham dự trận đánh. Từ Phan Nhật Nam, Trương Dưỡng, Trịnh Hữu Ân, đến Kiều Mỹ Duyên trong Chinh Chiến Điêu Linh …Chỉ có một bài làm tôi để ý là bài của Đại úy Hồ Tường, Đại Đội trưởng Đại Đội 52 trong Đặc san Mũ Đỏ, nhưng rất tiếc Hồ Tường cũng bị thương sớm, hơn nữa là đàn em nên tôi hiểu rất rõ Hồ Tường đầy đủ khả năng uống rượu, quậy phá và đánh giặc hơn là khả năng viết lách. Đại úy Trương Văn Út (Út Bạch Lan) cũng trường hợp tương tự.

Tôi rất mong lá thư này đến trước khi cuốn phim tài liệu về trận đánh mà quý Niên trưởng sắp thực hiện, mục đích là vinh danh các chiến hữu đã nằm xuống bên bờ Cổ thành, vinh danh Binh chủng Nhảy Dù đã đổ quá nhiều xương máu cho một mục tiêu mà quả là cục xương khó nuốt, nhưng lại ảnh hưởng quá lớn trên trường chính trị. Ước mong quý Niên trưởng tôn trọng máu xương của các chiến hữu và máu của cả tôi đã đổ quá nhiều cho cuộc hành quân này. Tôi có tật bẩm sinh trong đời binh nghiệp là không tranh giành chiến công vì quan niệm tất cả là của chung, của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cũng như không đổ lỗi cho bất cứ một thất bại nào.

Trở lại diễn tiến cuộc hành quân, ngày N có lẽ là ngày 28/6/1972, sau hai tháng tử thủ An Lộc, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù được không vận ra phi trường Phú Bài Huế để nhập cuộc. Toàn bộ Sư Đoàn tiến theo Quốc lộ 1 qua Hải Lăng, Triệu Phong, vượt qua Đại lộ kinh hoàng tiến về hướng La vang thượng.

Qua bao nhiêu ngày tiến quân, dưới sự yểm trợ tối đa của phi pháo và đầu đội mưa pháo của địch quân, Đại Đội tôi cũng vào được Nhà Thờ La vang và tạm ngủ tại nghĩa trang một đêm để sáng hôm sau tiến chiếm mục tiêu làng Như Lệ.

Nhưng sáng hôm sau, tôi được lệnh bàn giao khu vực La vang lại cho Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù của Thiếu tá Lê Văn Mễ băng qua Quốc lộ 1 và tiến về hướng làng Trì Bưu để từ đó làm bàn đạp tiến thẳng lên Cổ thành Đinh Công Tráng.

Tôi nhớ rõ đêm hôm đó, trong tiếng pháo ầm vang của ta và địch, Trung tá Nguyễn Chí Hiếu cho họp Ban Tham mưu và các Đại đội trưởng để ban lệnh hành quân mới. Bên cạnh bản đồ và sa bàn Cổ thành Đinh Công Tráng, Trung tá Hiếu cho biết Tiểu Đoàn 5 được vinh dự nhận nhiệm vụ bằng mọi giá phải chiếm lại cho bằng được Cổ thành. Sau khi phân tích tình hình địch và bạn, phân chia nhiệm vụ, Trung tá Hiếu trịnh trọng hai tay cầm lá Quốc Kỳ trao cho tôi và ông nói:

– “Đây là tất cả vinh dự của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và của Binh chủng Nhảy Dù, tôi đặt tất cả tin tưởng vào anh. Cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, tất cả tiền quân đặt dưới quyền điều động của anh.”

Tôi đưa hai tay nhận lá Quốc Kỳ nửa hãnh diện, nửa lo âu. Nói có vong linh Trung tá Hiếu: ông đã đặt tôi vào cảnh còn hơn Thái tử Đan, tiễn Kinh Kha qua sông Dịch.

Trong phiên họp, ông còn đề nghị dùng dây để leo lên thành, đánh như lối La Mã ngày xưa. Sau đó ông trao cho tôi một cái máy hình chữ nhật khoảng 2 tấc x 4 tấc của Mỹ, ông căn dặn trong trường hợp tuyệt vọng, bấm vào nút đỏ ngay lập tức, Không lực Hoa kỳ và hải pháo từ Đệ thất hạm độ sẽ hủy diệt mục tiêu, kể cả quân bạn. Cho đến hôm nay tôi vẫn chưa hiểu đó là chiếc máy gì? Sau này, có lúc gần như tuyệt vọng tôi định đem ra sử dụng, nhưng nghĩ còn đến bao nhiêu sinh mạng dưới tay, sinh mạng của con người đó! Ngần ngại rồi lại thôi. Đêm hôm đó, không thể nào chợp mắt. Tôi chưa bao giờ từ chối bất cứ nhiệm vụ nào, nhưng linh cảm phải hy sinh rất nhiều xương máu “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”.

Nỗ lực chính đi đầu là hai đại đội 51 và 52. Sau hai ngày di chuyển ngày đêm, vượt qua một con sông nhỏ, trước mặt là cánh đồng trống, bên kia cánh đồng là làng Trì Bưu. Tôi biết trong làng địch quân bố trí chờ sẵn…lực lượng không biết bao nhiêu nhưng có cả 12 ly 8, cối 61 và 82 ly.

Đặt ống dòm nhìn mục tiêu làng Trì Bưu, tôi gọi Hồ Tường đến ra lệnh cho một trung đội thật mỏng chiếm nghĩa trang giữa cánh đồng làm bàn đạp. Điều chỉnh xong phi tuần A37 xuống đúng mục tiêu, xin thêm 20 tràng (T.O.T = Time on Target). Sau đó là mười tràng đạn khói bao trùm làng Trì Bưu. Liền sau đó, sử dụng 3 trung đội hàng ngang xung phong cộng với 2 trung đội sẵn sàng tiếp ứng. Binh sĩ vừa bắn vừa hô xung phong, đẹp hơn ciné chiến tranh.

Chịu không nổi hỏa lực khủng khiếp của phi pháo ta, địch tháo chạy bỏ lại chiến trường 6 xác chết mặc đồ kaki Nam định, chân dép râu, đầu đội nón cối.

– “Trình 501, tịch thu 1 khẩu 12 ly 8, 1 cối 82 ly và một số AK47 và B40 …”
– “Tập trung lại tại chổ, tất cả bung rộng lục soát, cẩn thận tối đa.”
– “Nhận rõ 501, 5 trên 5.”

Từ làng Trì Bưu, về hướng Tây Bắc, mục tiêu kế tiếp là Nhà Thờ Trì Bưu. Tôi và Hồ Tường song song bung đội hình từng bước tiến lên, nhường làng Trì Bưu lại cho Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn. Đoạn đường từ đây đến Nhà Thờ Trì Bưu khoảng vài trăm thước cũng không phải dễ đi.

Tôi đã sử dụng tất cả hỏa lực yểm trợ: 18 khẩu 105 ly, cơ hữu Nhảy Dù, 4 khẩu 155 ly, 2 khẩu 175 ly của Quân đoàn 1…

Ngày nào cũng có ít nhất hai phi tuần oanh tạc. Ban đêm, thỉnh thoảng còn được hải pháo từ Đệ nhất hạm đội bắn yểm trợ. Nếu cần thiết, còn được 18 khẩu 105 ly của Thủy quân Lục chiến tăng cường. Ngày nào ít lắm cũng có một hay hai lần bắn “T.O.T”.

Có lúc chúng tôi phải tiến quân trong mưa bụi của pháo binh, mục đích không cho địch quân ngóc đầu khỏi hố. Tôi áp dụng chiến thuật từng bước nhảy vọt. Hồ Tường tiến tới từ 50 đến 100m thì dừng lại bố trí, 51 tiến lên qua mặt 52, rồi lại tiến lên 50m đến 100m dừng lại hầm hố bố trí, cứ thế tiến dần …

Nhưng sức kháng cự của địch quân còn quá mạnh, nhất là bên cánh phải còn khu làng nhỏ sát bờ sông Thạch Hãn, địch bắn qua quá rát. Ban đêm đôi lúc chúng tôi còn nghe cả tiếng chiến xa địch.

Tôi quyết định xin thêm quân tăng viện và Đại đội 2 trinh sát của Đại úy Trương Văn Út (Út Bạch Lan) nhập trận. Tôi tung Út Bạch Lan qua bảo vệ sườn phải cùng song song tiến về hướng Cổ thành. Út Bạch Lan xông xáo, lanh lợi, gan lì ầm vang trong máy, nhất quyết dứt điểm mục tiêu.

Sau 7, 8 ngày quần thảo với địch quân, di chuyển ngày không được chúng tôi tiến ban đêm… và một sự tình cờ ngẫu nhiên, một tiểu đội đi lạc vào Nhà Thờ Trì Bưu. Nghe báo cáo, tôi bèn ra lệnh chiếm giữ và tung thêm quân vào lục soát, một cảnh tượng hải hùng thương tâm hiện ra trước mắt – dân chúng kẹt dưới hầm của Nhà Thờ hơn 100 người……già trẻ, bé lớn vừa đói khát vừa thương tật…….. Hầm trú ẩn nhà Thờ dày và kiên cố. Gặp chúng tôi, họ mừng vui ra mặt, một giọng Huế thân thương vang lên:

– “Mình được lính “con Ó” cứu rồi các ôn ơi !”

Tôi ra lệnh cho y tá săn sóc thuốc men và phát thức ăn tạm cho đồng bào, chỉ hướng cho họ đi về phía sau, gọi máy báo cáo cho TĐ tiếp nhận và xin thêm quân lên giữ nhà Thờ vì sợ địch cắt đứt đường tiếp tế tải thương. Đại đội 54 của Trung úy Nguyễn Đình Dương lên chiếm giữ. Dương sau này được lệnh thuyên chuyển về Phủ Phó Tổng thống. Ban Chỉ huy còn tăng cường thêm 1 đại đội của TĐ11 Nhảy Dù (Song kiếm trấn ải). Đại đội trưởng là Trung úy Đinh Viết Trinh. Lúc mới ra trường, Trinh về TĐ5 và làm trung đội trưởng cho tôi. Nghe tiếng Trinh trong máy, tôi thấy Trinh tiến bộ, gan lì, xông xáo hơn trước nhiều. Trinh tiến lên bên cánh trái chiếm nghĩa trang, từng ngôi mộ…..tiến về hướng Cổ thành. Bên trái là TĐ6 Nhảy Dù đang chiếm giữ căn cứ Compound của Mỹ để lại. Nhà ga Quảng Trị đã có Mê linh Thiếu Tá Lê Văn Mễ TĐ11 trấn giữ.

Có lần Hồ Tường đề nghị, nếu trường hợp bị địch dùng chiến xa và biển người cắt đứt đường tiếp viện giữa tiền quân và Bộ Chỉ Huy, chúng tôi sẽ có kế hoạch âm thầm di chuyển ban đêm về hướng TĐ6 Nhảy Dù. Dĩ nhiên tôi không chấp thuận lý do “Lá Quốc Kỳ chưa được tung bay trên Cổ thành”.

Hằng giờ, hằng ngày và hằng đêm, Thiếu Tá Lê Hữu Chí B3 và 101(Trung tá Nguyễn Chí Hiếu) gọi máy hỏi thăm và hối thúc liên tục. Tôi như ngồi trên đống lửa, thuốc lá và café đen liên tục…

Sức kháng cự của địch quân quá mạnh, thiệt hại nặng nhất cho tiền quân là đại pháo 130 ly từ dãy Trường sơn pháo xuống. Bên kia sông Thạch Hãn hỏa lực của địch bắn qua quá rát. Đại đội 2 trinh sát của Út Bạch Lan phải sử dụng sở trường dùng các toán trinh sát nhỏ chiếm từng ngôi nhà, lũy tre để tiến lên ngày và đêm…

Tôi và Hồ Tường cho tiền quân nhổ chốt bằng lựu đạn, đánh cận chiến và liên tục sử dụng phi pháo tối đa. Cho dù phải sinh Bắc tử Nam, những tên lính điên cuồng Cộng sản tuyệt đối không thể nào làm khác hơn vì chân đã bị xiềng chặt vào các ổ phòng không, đại liên hoặc súng cối. Mỗi đêm trôi qua đều hãi hùng, nặng mùi tử khí. Ban ngày khói lửa ngập trời. Cứ thế chúng tôi từ từ tiến bước….khoảng cách từ đây đến Cổ thành từ từ rút ngắn….

Sự thiệt hại càng ngày càng nhiều, những cán bộ nòng cốt lần lượt bị thương hoặc tử thương phải rời trận địa. Bao nhiêu tiền sát viên đưa lên đều lần lượt bị thương và tử thương, vì họ quá hăng lên ngay tuyến đầu để quan sát điều chỉnh, có đôi lúc tôi phải kiêm luôn tiền sát viên, nhưng muốn được yểm trợ phải xưng danh hiệu, các pháo đội trưởng Dù đều quen biết nên không trở ngại nhiều.

Vào một đêm tối trời, bên ngoài trời mưa lất phất, Út Bạch Lan gọi tôi qua tần số đặc biệt để báo cáo cho biết các toán trinh sát gần như tê liệt, đệ tử ruột thịt bị loại khỏi vòng chiến quá nhiều, thiệt hại đáng kể. Trong lúc tình hình địch mạnh lắm, đại pháo 130 ly, hỏa tiển 122 ly, phòng không 37 ly, hỏa tiển SA7, đại liên 12 ly 8, cối đủ loại tạo thành một bức tường hỏa lực dày đặc rất khó tiến quân. Bên kia sông Thạch Hãn, địch điều quân như chỗ không người. Út Bạch Lan lưu ý tôi nên thận trọng, báo cáo tình hình, xin thêm tăng viện. Nếu sườn bên phải bỏ trống, sẽ là một trở ngại và là nỗi lo âu to lớn cho tôi.

Sáng hôm sau, tôi gọi máy đề nghị với 101 cho Đại đội 2 trinh sát lùi về sau giữ điểm tiếp tế tải thương và xin thêm quân tăng viện. Trong cùng một ngày, 2 Đại đội của Liên đoàn 81 Biệt kích dù được phái lên tăng cường và nhập trận. Có lẽ Bộ Chỉ Huy hành quân quan niệm Biệt kích chuyên đánh từng toán nhỏ, sở trường chiến đấu trong thành phố và mới nổi danh ở chiến trường An Lộc. Nhưng thật sự với tôi có một trở ngại lớn trong vấn đề phối hợp và điều động chỉ huy. Vì hỏa lực của địch quá mạnh, nên 2 Đại đội 81 Biệt kích dù tiến hơi cẩn thận đôi lúc bị cầm chân tại chỗ.

Trong lúc Út Bạch Lan điều động Đại đội 2 Trinh sát lùi về sau thì bị chốt của địch khai hỏa dữ dội ngăn chặn, địch đã cắt đứt đường tiếp tế tải thương. Tôi nói với Út với bất cứ giá nào cũng nhổ cho bằng được các ổ kháng cự này. Tôi xin phi tuần Skyraider mang bom xăng đặc Napale và quyết định đánh sát cận rất nguy hiểm. Hai đầu là quân bạn, địch cắt ở giữa, phải làm thế nào đây ?

Tôi hỏi Út dám chấp nhận hy sinh không ? Út gật đầu, và chúng tôi quyết định sử dụng bom Napale. Sau khi L19 bắn khói điều chỉnh, chiếc khu trục thứ nhất lao xuống thả 2 quả bom xăng đặc. Cả một vùng biển lửa bốc cháy…sức nóng tàn khốc tỏa rất gần quân bạn, tôi nghe một vài binh sĩ la lên:

– “Check fire đi 501, nguy hiểm lắm !”

Tôi lạnh lùng bấm máy gọi L19:

– “Good, tiếp tục !”

Chiếc thứ hai lao xuống, 2 quả bom nữa rời cánh phi cơ, cụm lửa cao lan rộng hơn tiêu hủy cả một vùng rộng lớn…

Tôi gọi Út:

– “Vịt con (VC) bị nướng sống hết rồi, vào lượm súng đi Út Bạch Lan !”
– “Nhận rõ 501, tôi sẽ làm cỏ sạch bọn chúng.”

Út Bạch Lan cho xung phong và thanh toán gọn các ổ kháng cự. Từ đó, con đường tiếp vận tải thương mới được khai thông.

Trở lại với tiền quân, tôi và Hồ Tường mở bản đồ, tìm kế hoạch tiếp tục tiến quân. Con đường từ đây đến Cổ thành còn hơn 300m mà sao dài ra thăm thẳm….và lắm gian nguy. Tất cả phi pháo đa phần đều dồn hết vào Cổ thành, nhưng tôi lại không muốn như thế, tôi lại muốn dồn hỏa lực lên phía Bắc sông Thạch Hãn đến phi trường Ái Tử ra tận Đông Hà – phía Tây dãy Trường sơn, phải làm sao khóa họng các khẩu đại pháo 130 ly và hỏa tiễn 122 ly của địch.

Cần nói rõ trong thời điểm này, không lực Mỹ và B52 không đồng ý oanh tạc trong thành phố Quảng Trị. Quảng Trị chìm trong biển lửa, điêu tàn và thảm khốc. Gần một tháng trời quần thảo với địch quân với hơn 2 Sư đoàn chính quy Bắc Việt: Sư đoàn 304 và 324 (?) Sự thiệt hại của đôi bên đã lên đến con số khá cao, nếu được tính chính xác.

Vào một đêm đang ngồi trong hầm, bấm đèn pin xem bản đồ, suy nghĩ phương thức tiến quân thì hiệu thính viên đưa máy cho tôi và nói 101 muốn gặp:

– “101, đây 501 tôi nghe !”
– “Báo cho anh biết, đích thân Tông tông ra lệnh cho Quân Đoàn 1 và Đại bàng 1 (Trung tướng Ngô Quang Trưởng) ra lệnh cho chúng ta phải thanh toán mục tiêu Cổ thành bằng mọi giá, càng sớm càng tốt, nhận rõ trả lời.”
– “Nhận rõ 101, tôi sẽ cố gắng !”

Thẫn thờ buông máy, suy nghĩ mông lung…

Những Sĩ quan chủ lực của tôi lần lượt bị thương rời vùng, từ Trung úy Nguyễn Tiến Việt, Thiếu úy Nguyễn Văn Hội, Chuẩn úy Sanh…đều bị thương. Bất đắc dĩ phải cho hạ sĩ quan cao cấp lên làm Trung đội trưởng, có người không biết đọc bản đồ, nhưng tác chiến rất lì lợm và kinh nghiệm.

Vì sức kháng cự của địch quân còn quá mạnh, đại quân bị khựng lại. Tôi quyết định cho thành lập toán cảm tử, lợi dụng đêm tối tiến lên chiếm thành, hầm hố vững chắc, cố gắng cầm cự để tờ mờ sáng hôm sau, tôi dẫn đại quân lên chi viện và dứt điểm mục tiêu Cổ thành. Toán cảm tử này hoàn toàn tình nguyện. Đó là kế hoạch nhưng sự thi hành hơi khác.

Số tình nguyện lên khá cao, đã hơn 10 binh sĩ. Nhiều quá dễ bị lộ! Tôi quyết định chọn ra 8 người. Hạ sĩ nhất Trần Tâm làm trưởng toán, Hồ Khang sinh trưởng lớn lên đi học tại Quảng Trị nên làm tiền sát dẫn đường, Hậu mang máy, Hồ Con, Lê Văn Lịch… Tôi không nhớ hết tên 8 người.

Vào một đêm tối trời, tôi tập hợp tiểu đội tình nguyện này vào một căn hầm của dân để lại, căn dặn cẩn thận và nói rõ mục đích chuyến đi nguy hiểm này. Chúng tôi chia xẻ với nhau từng điếu thuốc quân tiếp vụ, sau cùng tôi lên tiếng:

– “Các anh nên suy nghĩ kỹ lại đi. Không một ai có thể bắt buộc các anh, đây là vinh dự của Tổ quốc và Quân đội dành cho các anh. Tôi chỉ hứa nếu nhiệm vụ hoàn thành, tôi sẽ ký cho các anh 15 ngày phép về Saigon.”

Hậu mếu máo nói với tôi:

– “Chúng tôi không dám nghĩ đến những vấn đề quá cao xa, chúng tôi tình nguyện ra đi vì quá thương Đích thân, mấy ngày qua Đích thân không ăn một miếng cơm, chỉ uống nước, café và thuốc lá.”

Tôi vỗ vai từng người và hứa:

– “Tôi thề sẽ không bao giờ bỏ các anh đâu, yên chí, sáng hôm sau sẽ có tôi bên cạnh.”

Hồ Khang xin mang theo lá Quốc Kỳ, Hậu mang máy PRC25.

Đêm hôm đó, toán Quyết tử âm thầm lao mình vào đêm đen. Tôi thức theo dõi từng bước đi, thỉnh thoảng cho pháo binh bắn yểm trợ, soi sáng và chỉ hướng. Tiểu đội này đôi lúc phải lẩn lách tránh các ổ kháng cự của địch. Nửa đêm hôm đó, toán Quyết tử báo cáo đã thấy được Cổ thành và đang tìm cách lội qua hào sâu, sát bờ thành:

– “Nước sâu quá Đích thân.”

Hậu thều thào trong máy. Tôi gọi pháo binh bắn yểm trợ tối đa vào Cổ thành và xung quanh. Ra lệnh tiền quân sẵn sàng xuất phát.

“Cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu.”
“Đi lên đi lên, trên hoang tàn ta xây dựng đời mới”.

Tờ mờ sáng hôm sau, trong khi vạn vật chưa tỉnh ngủ, bỗng nhiên tôi nghe tiếng la lớn:

“Việt Nam Cộng Hòa muôn năm, Nhảy Dù muôn năm!”

Tôi nghe hiệu thính viên đứt khoảng trong máy:

– “Quốc Kỳ đã được dựng lên !”

Liền sau đó tiếng nổ ầm vang tứ phía. Đại liên 12 ly 8, AK47, B40…….bắn xối xả vào một mục tiêu duy nhất - lá Quốc Kỳ!

Sau đó mất liên lạc, tôi nhanh chóng ra lệnh xuất phát và gọi pháo binh bắn đạn nổ chụp ngay trên đầu bạn và xin thêm đạn khói bao phủ Cổ thành. Pháo binh địch cũng bắt đầu lên tiếng trả đũa.

– “Mưa rơi nặng hột (pháo địch mạnh lắm)”

Nhưng cho dù mưa rơi dữ dội cách mấy, cho dù bão tố tôi cũng phải đi. Tôi phải cứu các đệ tử của tôi. Tôi hối thúc Hồ Tường:

– “Sắp tới rồi, còn không đầy 100m nữa thôi, nhanh lên 502!”

Tôi và Hồ Tường song song tiến thẳng lên Cổ Thành, bỏ 2 Đại độ 81 Biệt kích bên cánh phải đằng sau, thế là sườn phải bị bỏ trống. Một vài binh sĩ bị thương vì pháo kích, tôi không màng để ý, cứ tiến thẳng lên Cổ Thành và xin thêm lá Quốc Kỳ thứ hai.

Sáng hôm đó khi mặt trời ló dạng, chúng tôi đã nhìn thấy Cổ Thành trước mặt. Nhưng lại có một chướng ngại vật quá lớn, đó là thành quá dày và cao. Thành dày khoảng 5m, cao 5m và được bao bọc bằng hào sâu tới cổ, rộng gần 10m.

Không thể sử dụng được hàng ngang, tiền quân bị khựng lại, đào hầm hố bố trí và tìm phương thức tấn công. Trên mặt thành, địch phòng thủ vững chắc trong các lô cốt, bắn xối xả vào quân ta.

Hồ Tường cứ di chuyển ẩn núp sau các dãy nhà sụp đổ, chạy tới chạy lui và dùng súng bắn tỉa Việt cộng trên thành. Mỗi lần nhắm trúng một tên là hắn la lên vui mừng. Với tôi, trước tiên phải làm sao phá vỡ được thành mới tính tới chuyện xung phong. Nếu cho quân lội qua hào, rồi dùng dây leo lên thành, chắc chắn chỉ làm bia cho địch tác xạ. Cho sử dụng 57 ly không giật, kể cả 90 ly vẫn không thể phá nổi thành. Bên sườn phải, địch quân vượt sông Thạch Hãn chi viện, bám đầu cầu và khai hỏa dữ dội bên phải. Trong tình thế chẳng đặng đừng, tôi điều động thêm một trung đội của Đại đội 54 do Chuẩn úy Thạch Hớn chỉ huy tấn công và giữ sườn bên phải.

Nhưng một trung đội làm sao chống nổi biển người !

Đêm hôm đó đành bám trụ cố thủ, cho thám sát mặt nước cũng như kéo xác toán cảm tử còn kẹt trong thành. Quả thật là một đêm kinh hoàng, tôi không thể nào chợp mắt, cafe hết, thuốc lá chẳng còn…Xác đệ tử cách mình chỉ vài chục thước chưa kéo về được, bức tường thành kiên cố và hào sâu đầy chướng ngại, làm cách nào thanh toán đây ?

Khuya hôm đó, một binh sĩ toán cảm tử chạy về được báo cáo tôi biết: Hồ Khang, Trần Tâm, Hồ Con, Hậu đã tử thương trên thành, số còn lại đều thất lạc !

Sáng hôm sau, tôi cho sử dụng hỏa tiển M72, 4 khẩu châu vào và bắn cùng một lúc với hy vọng phá nổi tường thành, nhưng bờ thành chỉ xây xuyển đôi chút rồi vẫn sừng sững giữa trời…

Ngày N+26, một ngày định mệnh đã xảy đến !

Tôi quyết định sử dụng bom cực mạnh để phá thành. Sau khi ra lệnh cho binh sĩ hầm hố cho thật kiên cố, tôi cho gọi Hồ Tường đến chung một hố sơ sài của dân để lại. Một sai lầm lớn, không thể đặt hai bộ chỉ huy Đại đội chung cùng một hố. Ít nhất 4 cần antene và một số binh sĩ lố nhố sẽ là mục tiêu tốt cho địch pháo kích, nhưng để dễ chỉ huy điều động, tôi chấp nhận mọi hậu quả.

Sau khi nghe tôi trình bày kế hoạch, Hồ Tường có vẻ lưỡng lự nhưng không dám cãi. Tôi quyết định đánh bom theo trục Tây Bắc xuống Đông Nam, nghĩa là đối diện với tiền quân.

Một chiến thuật hoàn toàn sai nguyên tắc, rất nguy hiểm cho quân bạn. Mục đích của tôi là muốn lấy gạch đất của thành để lấp hào sâu, làm bàn đạp xung phong vào thành. Chiếc khu trục đầu tiên nhào xuống, 2 quả bom rời cánh phi cơ, tất cả đều cúi sát mặt đất, nón sắt che đầu. Rồi chiếc thứ hai lao xuống, thêm 2 quả nữa nổ long trời lở đất, cát bụi tung phủ cả bầu trời…

Khi ngẩng đầu lên nhìn trong đám bụi mờ, tôi thấy cả một niềm vui, tôi vỗ vai Hồ Tường:

– “Thành đã bị vỡ, chuẩn bị xung phong !”

Sau khi gọi pháo binh, đầu nổ chụp lẫn chạm nổ, sau đó là 20 tràng đạn khói phủ ngập mục tiêu. Tôi ra lệnh 2 trung đội đầu bỏ balô tại chỗ, một người cầm lựu đạn, một người cấm súng vượt nhanh qua hào sâu, bám chặt vào góc Cổ Thành đã bị vỡ. Nhờ đất đổ xuống lấp mặt nước hơi cạn, lợi dụng màn khói bao phủ, nên tiền quân vượt qua tương đối dễ dàng. Khi màn khói vừa tan, địch quân bắt đầu trả đũa dữ dội. Nặng nhất là hai lô cốt ở mặt tiền và giữa sân cột cờ Tiểu khu, địch còn ngoan cố trong hầm hố bắn trả rất mạnh. Tôi tung thêm vào thành một trung đội, bung rộng đội hình vừa đào hầm hố, vừa chống cự.

Phi cơ quan sát L19 bao vùng báo tôi biết địch từ phía Bắc sông Thạch Hãn tràn qua như kiến! Tôi một mặt xin pháo binh yểm trợ, một mặt xin tiếp phi tuần oanh kích.

Trong giờ phút dầu sôi lửa bỏng như thế, thình lình một tai họa xảy đến. Một quả đạn cối 82 ly nổ ngay hầm chỉ huy. Nói là “hầm” chứ thật ra chỉ là một ụ ẩn nấp sơ sài, trước mặt đường là hào sâu vì tôi muốn dễ quan sát tiền quân. Hồ Tường máu me đầy người, 3 hiệu thính viên: một chết, hai bị thương nặng. Riêng tôi cảm thấy cánh tay trái trĩu nặng, máu đào đã thấm ướt chinh y. Tôi cho gọi Thượng sĩ Trực lên tải thương và y tá băng bó tạm vết thương. Còn một tay vẫn còn sử dụng được Combiné. Lúc đó tôi đã là người say máu.

Gọi máy báo cáo về Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn để nhận được lời khiển trách của 101:

– “Căn dặn anh nhiều lần, đừng chụm hai bộ chỉ huy lại một chỗ, không nghe!”

Thiếu tá Lê Hữu Chí B3 vẫn còn đùa cợt trong máy:

– “Sử dụng Độc Cô cửu kiếm đi Lệnh Hồ đại ca !”

Đôi lúc danh hiệu truyền tin của tôi là “Lệnh Hồ Xung”, với tình trạng này dù có 10 thành Cửu dương thần công, hay độc cô cửu kiếm cũng đành bó tay !

Tôi cho củng cố, phối trí lại lực lượng. Hai Đại đội 51 và 52 nhập lại thành một. Bung 51 và Đinh Viết Trinh lên bên trái. Bên phải sát bờ sông Thạch Hãn, hối thúc 2 Đại đội 81 Biệt kích tiến lên giữ cạnh sườn. Nhưng vì sức kháng cự của địch quá mạnh nên cánh quân này bị dậm chân tại chỗ.

Đã kéo về được 3 xác của toán Quyết tử: Hồ Khang bị chặt làm 3 khúc nhận ra được vì anh đeo thẻ bài dưới chân, Hồ Con gục ngã, Lê Văn Lịch bị bắn ngay giữa đầu…số còn lại bị thất lạc.

Ra lệnh cho các trung đội trong thành củng cố hầm hố, tôi quyết định cho dựng Quốc Kỳ lên lần thứ hai. Cờ vàng ba sọc đỏ là mối thù không đội trời chung của Cộng sản, cho nên vừa thấy lá Cờ tung bay là chúng khai hỏa dữ dội, nặng nhất còn ở giữa cột cờ Tiểu khu Quảng Trị. Hai khẩu 12 ly 8 ở lô cốt mặt tiền hạ nòng bắn xối xả, B40, B41, AK47 châu thẳng vào cột cờ.

Quân ta cũng chống trả quyết liệt với quyết tâm giữ vững ngọn cờ!

Tôi gọi L19 lên bao vùng và quyết định dùng bom đánh thẳng vào cột cờ Tiểu khu. Danh hiệu của L19 bấy giờ là Phi Long (nếu tôi nhớ không lầm).

– Phi Long, Phi Long đây! 501 gọi, nghe rõ trả lời!
– Phi Long tôi nghe.
– Anh có nhìn thấy lá Quốc Kỳ ở góc Đông Nam Cổ Thành không?
– OK, đã nhìn thấy rõ !
– Tôi đang ở đó. Anh cho đánh từ lá Cờ về hướng Tây Bắc từ 100 đến 150m, nhận rõ trả lời.
– Nhận rõ 5/5.
– Lưu ý anh là phòng không địch rất mạnh. Hỏa tiễn SA7 và 37 ly đang chào đón các anh.

Lưu ý dùm fighter đánh trên đầu khói, vì khói đang bay dạt về hướng tôi.

– Đã nhận rõ, tôi sẽ gọi phi tuần đến ngay !

Khoảng 10 phút sau, 2 chiếc A37 bán phản lực vào vùng, bay lượn xung quanh và chờ L19 chỉ điểm. L19 bay quá cao để tránh phòng không nên khi lao xuống bắn khói chỉ điểm không được chính xác, hơn nữa cụm khói đang từ từ theo chiều gió bay đến chúng tôi…

Tôi vừa bấm máy gọi Phi Long thì chiếc A37 đầu tiên đã lao xuống, 2 quả bom rơi xuống ngay trung đội đầu.

Tôi thất thanh la lớn: “Check fire ngay lập tức !”

Nhưng sát theo sau là chiếc thứ hai lao xuống, 2 quả nữa chấn động cả vùng. Tôi ra lệnh tung khói màu và gọi “check fire”.

Đã trễ rồi ! “Phi cơ đã đánh lầm chúng tôi rồi !”

Tôi cảm thấy lồng ngực ê ẩm, tay chân nặng trĩu. Cả một bầu trời sụp đổ thê lương. Hơn phân nửa của 3 trung đội đầu gần như tê liệt. Nhìn binh sĩ lần lượt tải thương, dìu nhau trở lại mà lòng tôi tê cứng. Tại sao? Định mệnh nghiệt ngã hay số trời?

Tôi rút máy hình chữ nhật ra định tiêu hủy mục tiêu, lưỡng lự…lại thôi ! Rút colt 45 ra định kết liễu đời mình để đi theo chiến hữu, nhưng đệ tử xung quanh ngăn cản.

Sau khi báo cáo về Bộ Chỉ Huy, tôi kiểm soát lại binh sĩ, tạm bố trí chờ lệnh. Chiều hôm đó, Trung Tá Hiếu cho Thiếu Tá Bùi Quyền lên thay và cho tôi về dưỡng thương. Nhưng tôi biết rõ, nếu tôi về đêm nay và nếu lỡ bị địch tấn công coi như tan rã. Tôi cần ở lại và quyết định từ chối tải thương.

Thiếu tá Bùi Quyền cho biết lệnh ngày mai bàn giao Cổ Thành lại cho Thủy Quân Lục Chiến để nhận nhiệm vụ khác. Tôi không cần thắc mắc, vì thật ra tôi chỉ còn là một cái xác không hồn, đau thương, uất nghẹn…

Chỉ vì Cổ Thành Quảng trị, chỉ vì lá Quốc Kỳ, mà biết bao nhiêu chiến binh Mũ Đỏ đã bị thương và nằm xuống nhẹ nhàng và hãnh diện.

Sáng hôm sau, 27/7/1972, bàn giao vùng trách nhiệm lại cho TQLC trong màn khói bao phủ để tránh địch quân quan sát, pháo kích và tấn công. Địa điểm đầu tiên cách bờ thành chưa đầy 100m, nằm trong tầm đạn của quân thù.

Sau ngày 27/7/1972, chiến thuật và sự điều binh của TQLC tôi hoàn toàn không rõ.

Thay lời kết:
​​​​​​
Tôi muốn nói: “Nhảy Dù” đã đánh và đã vào Cổ Thành Quảng Trị như thế đó. Vào bằng tất cả hỏa lực và máu xương. Vào bằng tất cả quyết tâm của tuổi trẻ hiến dâng cho Tổ Quốc, cho dân tộc. Quyết tâm dựng lại cho bằng được lá Quốc Kỳ.

Nhưng than ôi: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Bây giờ, đã 37 năm trôi qua, trong lúc TQLC chuẩn bị làm Lễ Chiến thắng Cổ thành Quảng Trị thì cũng có một người đang âm thầm làm giỗ tưởng niệm các đệ tử thân thương của mình, cho dù đơn giản với một vài nén hương, một vài đóa hoa hay đôi dòng thương nhớ để nói lên sự hy sinh, lòng dũng cảm và hào hùng của những “thiên thần Mũ Đỏ” trong trận chiến Cổ Thành.

Hồ Khang, Hồ Con, Trần Tâm…quê hương tôi nghèo, tên tôi không chữ lót, nhưng họ mới thật sự là những anh hùng.

Một Đỗ Từ Long, đầu không bao giờ mọc tóc vì ba gai thành phố, nhưng đánh giặc thì lì lợm mấy ai bằng. Chạy lên chạy xuống xin lựu đạn để gục ngã trên hố quân thù. Ngày nào nó cũng nghêu ngao:

“Tóc em dài em cài hoa Thiên lý,
Tóc anh dài, Thượng sĩ cạo đầu anh…”

Còn nhiều và rất nhiều nữa, Thượng sĩ già Nguyễn Văn Trực, Hậu, Lịch, Tống, Kình….tất cả đã cùng tôi dầm sương dãi nắng, qua bao nhiêu hiểm nguy binh lửa, mà phút chốc đã bỏ tôi nằm đây bất động…

Còn 52, còn Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù, Đại đội 2 Trinh sát, Biệt kích 81 Dù, bao nhiêu người nằm xuống?!

Lịch sử có ghi, xin hãy ghi dùm, HỌ mới đích thực là anh hùng. Chưa bao giờ họ được hưởng bổng lộc, chưa bao giờ được thấy vinh quang dù chỉ trong chớp mắt nhìn được Cờ vàng 3 sọc đỏ tung bay trên Cổ Thành Quảng trị, cho dù một phút giây, cho dù giữ không nổi, nhưng họ đã cho đó là sứ mệnh thiêng liêng của người lính VNCH, của chiến binh Mũ Đỏ.

Hãy chờ tôi các em nhé! Cho dù sớm hay muộn, cho dù con đường có ngắn hay dài, tôi cũng sẽ gặp lại các em ở một nơi xa xăm nào đó, để cùng nhau nâng chén rượu đoàn viên:

“Xin cho tôi một mộ phần,
Bên ngàn chiến hữu của tôi.”

Trương Đăng Sỹ
Sydney, mùa đông 2009

oOo

Bài đọc thêm:

Như chúng tôi đã viết trong phần đầu, trận tái chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng ở Quảng Trị là một trong hai trận chiến kinh hoàng và tang thương nhất trong lịch sử chiến tranh Quốc-cộng kéo dài hơn 20 năm trên mảnh đất điêu tàn của miền nam nước Việt Nam, trận trước đó vài tháng là trận chiến trên Căn Cứ Hoả Lực Charlie. Cả hai trận chiến này đều xảy ra trong năm 1972, vì cộng sản Bắc Việt muốn chiếm miền Trung để giành ưu thế trong cuộc Hoà Đàm ở Paris đang tiếp diễn.

Một điều không may là chẳng bao lâu sau, ngày 30 tháng 4 năm 1975, toàn cõi ba miền Việt Nam đều đã bị nhuộm đỏ. Thế cho nên quân sử không thể ghi rõ lại hai trận chiến nói trên, đồng thời những thiên anh hùng ca khác của những năm sau cùng, 1972 - 1975, cũng chìm vào quên lãng.

Nơi đây, với mục đích để có thêm dữ kiện về trận tái chiếm Cổ Thành cho thế hệ mai sau nghiên cứu và học hỏi, chúng tôi xin gửi đến quý vị bài viết của cựu Đại Tá Mũ Xanh Ngô Văn Định, Lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 258 Thuỷ Quân Lục Chiến (TQLC), người trực tiếp chỉ huy lực lượng TQLC đến thay thế Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù vào ngày 27 tháng 7 năm 1972, và hoàn tất cuộc tái chiếm Cổ Thành vào ngày 16 tháng 9 năm 1972.

Nguyên bản bài viết đã được đăng ở đây:

Sơ lược về Đại Tá Ngô Văn Định - Ông xuất thân Khoá 4 Phụ Trừ Bị (Cương Quyết), thụ huấn tại Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (TVBQGVN - thời bấy giờ có tên gọi là Trường Võ Bị Liên Quân) ở Đà Lạt, thời gian thụ huấn 19/3/1954 - 1/10/1954, gần 300 sinh viên sĩ quan, tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu Uý Trừ Bị.

Khoá 4 Trừ Bị gồm 2 thành phần: Một thành phần được huấn luyện tại trường Bộ Binh Thủ Đức (Khoá Chính), và một thành phần (Khoá Phụ) được gửi lên thụ huấn tại Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Cả hai khóa chính và phụ đều mang tên là Khóa Cương Quyết.
(Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - Theo Dòng LỊch Sử)

Quý vị có thể tìm hiểu thêm về Đại Tá Ngô Văn Định qua bài bút ký của ông đăng trên trang web của TQLC:

Bùi Phạm Thành

Lưu ý:
Quý vị có thể download bản PDF của bài viết này ở đường link dưới đây:

Không có nhận xét nào: