Tổng tư lệnh Zaluzhny nói với tướng Mỹ về thứ vũ khí huỷ diệt duy nhất ở Ukraina Thứ vũ khí “hủy diệt hàng loạt” duy nhất mà Ukraina có được là lòng tự hào, sự dũng cảm và khát khao đánh bại kẻ thù. Mạng báo RBC-Ukraina hôm 25 tháng 10 cho biết đây là tuyên bố của Tổng tư lệnh các Lực lượng vũ trang Ukraina, Đại tướng Valery Zaluzhny trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đại tướng Mark Milley. Tướng Zaluzhny bảo đảm rằng, những cáo buộc của Nga về kế hoạch sử dụng “bom bẩn” của Ukraina là thông tin sai lệch và Lực lượng vũ trang Ukraina không có một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào.
Ông nhấn mạnh rằng, Lực lượng vũ trang Ukraina buộc phải bảo vệ con cái, cha mẹ, nhà cửa của mình trước sự xâm lược vô cớ của người Nga.
“Tôi không quan tâm Nga nghĩ ra những câu chuyện gì để giết người Ukraina”, Tổng tư lệnh Zaluzhny nói.
Ông cũng nói với Tướng Milley rằng, các Lực lượng Vũ trang Ukraina đang tiến hành các hoạt động phòng thủ và tấn công tích cực trên các hướng chính nhằm giải phóng các khu định cư, san bằng giới tuyến, chiếm các độ cao ưu thế và các tuyến có lợi.
Ông nói, tình hình ở mặt trận tuy căng thẳng, nhưng hoàn toàn trong tầm kiểm soát.
Theo ông: “Người Nga đang tiến hành các hoạt động thông tin theo kế hoạch nhằm đánh lừa ý định thực sự của họ, nhưng những nỗ lực này đều thất bại. “Chúng tôi nhìn thấy tình hình thực tế của vấn đề và phản ứng thích hợp”, Tướng Zaluzhny nói.
Trả lời câu hỏi của đồng nghiệp người Mỹ về các phương pháp và phương tiện chống lại các cuộc tấn công lớn của phi cơ không người lái Shahed-136, tướng Zaluzny đã chia sẻ kinh nghiệm của mình về Lực lượng vũ trang Ukraina.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Oleksiy Reznikov và người đứng đầu Ngũ Giác Đài Lloyd Austin đã thảo luận về cáo buộc “bom bẩn” của Nga và gói viện trợ quân sự mới trong một cuộc điện đàm.
Mỹ dự kiến trang bị hệ thống phòng không HAWK cho Ukraine
Hai quan chức Mỹ nói với tờ Reuters rằng, nước này đang cân nhắc việc cung cấp các thiết bị phòng không HAWK đời cũ trong kho lưu trữ cho Ukraine để giúp Kyiv phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình của Moscow.
Trước đó, Mỹ đã gửi cho Ukraine hệ thống tên lửa Stinger, một hệ thống phòng không tầm ngắn, nhỏ hơn để ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga. Tên lửa đánh chặn HAWK được cho là một phiên bản nâng cấp so với hệ thống tên lửa Stinger.
Chính quyền ông Biden sẽ sử dụng Quyền Rút vốn của Tổng thống Mỹ (Presidential Drawdown Authority - PDA) ) để chuyển giao thiết bị HAWK dựa trên công nghệ từ thời chiến tranh với Việt Nam. Hệ thống này đã được nâng cấp nhiều lần.
Quyền Rút vốn của Tổng thống cho phép Tổng thống duyệt kế hoạch chuyển giao khí tài và dịch vụ quân sự từ Bộ Quốc phòng mà không cần Quốc hội phê chuẩn trong trường hợp khẩn cấp.
Tờ Reuters không thể xác định Mỹ có bao nhiêu hệ thống HAWK và tên lửa để chuyển giao. Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin này.
Hệ thống HAWK có gì?
MIM-23 HAWK là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung do công ty Raytheon của Mỹ thiết kế và phát triển, được đưa vào sử dụng từ năm 1960. MIM-23 thường được trang bị 4 đài radar, 6 bệ phóng và một số thành phần hỗ trợ khác. Hệ thống HAWK có khả năng đối phó tên lửa.
Hệ thống phòng không trang bị đạn tên lửa MIM-23A dài 5,08m; đường kính thân 0,37m; sải cánh 1,19 m; lắp đầu đạn nổ mảnh nặng 54 kg và trọng lượng phóng 584 kg. Tên lửa sử dụng động cơ M22E8 có thể hoạt động với tầm bắn từ 2- 25 km, độ cao tác chiến tối thiểu là 60 m, độ cao tương tác tối đa là 11.000 m.
Bên cạnh đó, nó cũng có thể phóng tên lửa MIM-23B có trọng lượng 627 kg mang đầu đạn lên đến 75 kg. MIM-23B lắp đặt động cơ M112 với lực đẩy lớn hơn cho phép nó bay với tốc độ hành trình đạt Mach 2,4; phạm vi tiêu diệt mục tiêu lên đến 35 km với độ cao tối đa 18 km.
Lục quân Mỹ đã thay thế HAWK bằng hệ thống MIM-104 Patriot tiên tiến hơn vào những năm 1990. Đến năm 2000, Thủy quân lục chiến Mỹ cũng loại biên hệ thống này để chuyển sang sử dụng tên lửa FIM-92 Stinger di động.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết với Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelenskyy rằng Washington sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không tiên tiến sau một cuộc tấn công tên lửa tàn khốc của Nga hồi đầu tháng này.
Tờ Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ nói thêm rằng, nước này có khả năng sẽ gửi tên lửa đánh chặn dành cho hệ thống HAWK đến Ukraine vì Washington lo ngại rằng các hệ thống này không còn đủ tốt. Các vũ khí này đã được lưu trữ trong kho của Washington trong nhiều thập kỷ.
Các quan chức Mỹ cho hay, nước này sẽ cân nhắc về Quyền Rút vốn của Tổng thống vào cuối tuần này. Theo đó, quyết định này có thể sẽ chỉ bằng một nửa quy mô của các gói hỗ trợ an ninh gần đây, với trị giá khoảng 700 triệu USD.
Hiện vẫn chưa rõ liệu tên lửa đánh chặn HAWK có được chuyển tới Ukraine hay không, nhưng các quan chức Mỹ trước đó đã cảnh báo rằng quy mô và thành phần của các gói viện trợ quân sự có thể thay đổi nhanh chóng.
Hôm 14/10, Bộ Quốc phòng Mỹ (Department of Defense-DoD) đã chi một gói viện trợ quân sự lên tới 725 triệu USD, theo một thông cáo báo chí của DoD,
"Sự ủy quyền này là đợt rút thiết bị thứ 23 của Chính quyền ông Biden khỏi kho dự trữ của DoD cho Ukraine kể từ tháng 8/2021. Hoa Kỳ đã cung cấp hỗ trợ an ninh chưa từng có cho Ukraine và sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác để đảm bảo Ukraine có được sự hỗ trợ cần thiết", theo một thông cáo báo chí của DoD ngày 14/10.
Gói viện trợ nâng tổng số viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine lên tới 17,6 tỷ USD kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra,
Theo đó, Đức gần đây đã chuyển giao hệ thống phòng không IRIS-T đầu tiên như đã cam kết cho Ukraine. Khoản đóng góp quan trọng này sẽ giúp Ukraine tăng cường năng lực phòng vệ tốt hơn trước các cuộc không kích của Nga.
Đức gần đây cũng tuyên bố sẽ cung cấp thêm cho Ukraine hai hệ thống tên lửa phóng loạt MARS II, 50 xe bọc thép Dingo và 4 xe pháo tự hành Panzerhaubitze
Tây Ban Nha tuyên bố sẽ cung cấp 4 bệ phóng HAWK để tăng cường khả năng phòng không cho Ukraine.
Kể từ tháng 1/2021, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 18,2 tỷ USD cho Ukraine, trong đó 17,6 tỷ USD đã được chi sau khi Nga xâm lược nước này vào cuối tháng Hai. Kể từ năm 2014, Mỹ đã chi hơn 20,3 tỷ USD cho an ninh của Ukraine.
Sau sự kiện Hồ Cẩm Đào, biểu tình ở Bắc Kinh: Thêm nhiều cụm từ bị cấm trên Internet ở Trung Quốc
Bắc Kinh đã bổ sung hàng loạt cụm từ vào danh sách từ nhạy cảm, cấm tìm kiếm trên Internet sau Đại hội đảng 20. Các từ nhạy cảm không chỉ có "Hồ Cẩm Đào", "đưa Hồ Cẩm Đào đi", mà còn các cụm từ liên quan tới sự kiện gây sốc toàn cầu này "kết thúc", "đi khỏi", "rời đi", "lên ngôi", mà còn có cả "AirDorp", phần mềm chia sẻ thông tin về biểu tình trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 16 đến ngày 22/10/2022. Tuy nhiên, có quá nhiều sự kiện xảy ra trước, trong kỳ Đại hội mà các nhà chức trách của Bắc Kinh không muốn người dân biết, lan truyền hoặc đơn giản là thảo luận về nó.
Các sự kiện đó phải kể đến "sự cố biểu tình" ở cầu Tứ Thông (Sitong) ở Bắc Kinh, sự kiện các nhân sự như Lý Khắc Cường, Uông Dương và nhiều lãnh đạo cấp cao khác không được bầu lại với tư cách Ủy viên Ủy ban Trung ương. Nhưng đáng chú ý nhất là sự kiện cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào được "giúp đỡ" rời khỏi địa điểm họp bế mạc trước quan sát toàn thế giới.
Các từ cấm liên quan tới sự kiện Hồ Cẩm Đào
Tại lễ bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, bất ngờ có một cảnh tượng là cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào được người khác "giúp đỡ" đưa khỏi phiên họp. Điều này ngay lập tức làm dấy lên đồn đoán của ngoại giới xoay quanh truyền thống đấu đá trong nội bộ ĐCSTQ.
Ngay sau đó, tài khoản Twitter của hãng truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã tuyên bố: "Ông Hồ Cẩm Đào không khỏe trong cuộc họp bế mạc, các nhân viên đã tháp tùng ông đến phòng bên cạnh cuộc họp vì lý do sức khỏe".
Mặc dù đưa ra lời giải thích như vậy nhưng mạng lưới Internet ở Đại lục lại lập tức đưa hàng loạt cụm từ có thể liên quan [tới sự kiện Hồ Cẩm Đào] vào danh sách nhạy cảm; cấm người dân đại lục tìm kiếm thông tin có liên quan. Các cụm từ đó là "mang Hồ Cẩm Đào đi", "kết thúc", "đi khỏi", "rời đi", "Hồ Cẩm Đào", "lên ngôi".
Hiện tại, nếu người dùng ở Trung Quốc tìm kiếm bằng các cụm từ "rời đi", "ra đi" và "Hồ Cẩm Đào" trên Weibo, người dùng sẽ không thấy bất kỳ nội dung nào liên quan đến sự ra đi của Hồ Cẩm Đào. Trên Douyin, nền tảng video dạng ngắn lớn nhất Trung Quốc, tìm kiếm các từ khóa như "mang đi", "rời khỏi bàn" và "Hồ Cẩm Đào" cũng không có bất kỳ nội dung nào hiện ra.
Không chỉ sự kiện Hồ Cẩm Đào, sự kiện biểu tình bị đàn áp ở Bắc Kinh trên cầu Tứ Thông cũng trở thành một sự kiện nhạy cảm, không một người Trung Quốc nào ở Đại lục có thể tiếp cận thông tin này.
Từ 'Airdrop' bị cấm liên quan tới biểu tình trên cầu Tứ Thông
3 ngày trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, tức là vào ngày 13/10, tại Bắc Kinh đã xảy ra một vụ việc trấn động. Trên cầu Tứ Thông, quận Hải Định (Haidian) ở Bắc Kinh bất ngờ xuất hiện một số biểu ngữ phản đối. Các hình ảnh và video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội nhưng nhanh chóng bị kiểm duyệt tại Trung Quốc.
Hai biểu ngữ trắng mang các khẩu hiệu, trong đó có lời kêu gọi lật đổ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và chấm dứt chính sách hà khắc "zero-COVID", theo nhiều hình ảnh và video lan truyền trên Twitter nhưng đã bị chặn ở Trung Quốc.
Tổng cộng có bốn biểu ngữ phản đối, trong đó một biểu ngữ có nội dung: “Không cần xét nghiệm COVID, chúng tôi muốn lương thực. Không cần phong tỏa; chúng tôi muốn tự do. Không cần dối trá; chúng tôi muốn phẩm giá. Không cần Cách mạng Văn hóa; chúng tôi muốn cải cách. Không cần lãnh đạo; chúng tôi muốn bầu cử. Không cần nô lệ; chúng tôi muốn trở thành công dân".
Theo một số hình ảnh và video quay được từ nhiều góc độ khác nhau, vị trí của các biểu ngữ phản đối xuất hiện ở Bắc Kinh là trên một khu vực của cầu Tứ Thông quận Hải Định, ở phía tây bắc thủ đô.
Mặc dù quan chức ĐCSTQ đang tiết lộ thông tin liên quan của người đàn ông biểu tình, nhưng manh mối tìm thấy trên Internet cho thấy người này đến từ Hắc Long Giang, tên thực là "Peng Zaizhou", tên thật là Peng Lifa. Anh là nhân viên kỳ cựu của bộ phận công nghệ thuộc Công ty TNHH Công nghệ mạng Melon Bắc Kinh. Hiện vẫn chưa rõ tung tích của Peng Lifa.
Cư dân mạng Trung Quốc vẫn ủng hộ cuộc biểu tình trên cầu Tứ Thông bằng nhiều cách khác nhau. Một số cư dân mạng đã chia sẻ hình ảnh và video về sự cố cầu Tứ Thông bằng AirDrop.
Một người nào đó đã sử dụng AirDrop trên tàu điện ngầm Thượng Hải để phát tán hình ảnh, thể hiện sự ủng hộ với các khẩu ngữ trên cầu Tứ Thông. Do bị chặn trên Internet, người dùng đã chia sẻ với qua ứng dụng Airdrop. Thông tin lan toả mạnh mẽ đến mức một cơ quan cảnh sát thậm chí đã đăng một bài báo nói rằng họ có thể “thu thập bằng chứng” trên AirDrop và lấy danh tính cá nhân của người đã gửi hình ảnh.
Bởi vậy, các từ khoá kiểm duyệt mới trên Internet của Trung Quốc xuất hiện thêm cả một từ khoá tưởng như không liên quan tới nhạy cảm chính trị, đó là "Airdrop".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét