Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :31/10/2022 - ĐHL


LHQ, Ankara và Kiev ký thỏa thuận giải tỏa 16 tàu ngũ cốc Ukraina Một tàu chở hàng treo cờ Quần đảo Marshall chở ngô của Ukraina, đang chờ kiểm tra tại Bosphorus, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10/10/2022. REUTERS - MEHMET CALISKAN - Thùy Dương Hôm qua, 30/10/2022, Liên Hiệp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraina đã ký kết một thỏa thuận cho phép giải tỏa hôm nay 16 tàu chở ngũ cốc Ukraina hiện đang trong vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo AFP, thông tin trên được đưa ra một hôm sau khi Matxcơva thông báo đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina, với lý do là Ukraina đã dùng drone tấn công hạm đội Hắc Hải của Nga ở Sébastopol.
<!>
Hôm nay 31/10, theo dự kiến, tổng cộng 12 tàu hàng rời cảng Ukraina hướng tới Thổ Nhĩ Kỳ và 4 tàu đi theo chiều ngược lại. Sáng nay, 2 tàu chở đầy ngũ cốc đã xuất phát từ cảng Ukraina và đi theo hành lang nhân đạo hàng để đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay từ sáng sớm, điều phối viên Liên Hiệp Quốc, Amir Abdulla nhấn mạnh sẽ không để một tàu hàng dân sự nào biến thành « mục tiêu quân sự » hay « bị giữ làm con tin ».

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thông báo Thổ Nhĩ Kỳ « quyết tâm theo đuổi nỗ lực » bảo vệ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina để « phục vụ nhân loại ». Là nước bảo trợ thỏa thuận « Sáng kiến Hắc Hải » cùng với Liên Hiệp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước sức ép duy trì thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina, vì lợi ích kinh tế và ngoại giao.

Trung tâm Điều phối Chung (JCC), trụ sở tại Istanbul, có nhiệm vụ giám sát việc thực thi « Sáng kiến Hắc Hải ». Trong thông cáo chung của các nhóm điều phối viên, Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc cho biết đã đạt thỏa thuận về việc bổ sung nguồn lực để kiểm tra hàng chuyên chở trên 40 tàu hướng đến cảng Ukraina từ ngày hôm nay 31/10. JCC cũng đã thông báo với nhóm điều phối viên của Nga về các thỏa thuận nói trên.

Trong khi đó, bộ trưởng Nông Nghiệp Pháp, Marc Fesneau, hôm nay cho biết Pháp và Liên Âu sẽ xúc tiến mọi việc để gia tăng xuất khẩu ngũ cốc Ukraina theo đường bộ, trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác mà Pháp và Rumani đã ký hồi tháng 9.

Mỹ chuẩn bị đưa oanh tạc cơ B-52 đến miền bắc Úc


Ảnh minh họa : Một oanh tạc cơ B-52 chiến lược của Mỹ trên đường bay tới Afghanistan. via REUTERS - U.S. Air Force
Trọng Nghĩa
Kênh truyền thông Úc ABC ngày 31/10/2022 vừa tiết lộ: Mỹ đã có kế hoạch triển khai đến 6 oanh tạc cơ chiến lược B-52 có khả năng mang bom nguyên tử đến một căn cứ không quân ở miền bắc nước Úc. Theo giới chuyên gia phân tích được ABC trích dẫn, đây là một tín hiệu cảnh cáo nhắm vào Trung Quốc.

Theo chương trình Four Corners của đài ABC, các tài liệu từ phía Mỹ cho biết là Hoa Kỳ dự định xây dựng các cơ sở chuyên dụng cho loại oanh tạc cơ B-52tại căn cứ hẻo lánh Tindal của không quân Úc, cách Darwin, thủ phủ của vùng Lãnh Thổ Bắc Úc, khoảng 300 km về phía nam.

Mỹ đã lên kế hoạch chi tiết cho cái mà họ gọi là “cơ sở hoạt động của phi đội” để sử dụng trong mùa khô tại vùng Lãnh Thổ Bắc Úc, bao gồm một trung tâm bảo trì và một bãi đậu “dành cho 6 chiếc B-52”.

Trả lời kênh ABC, Không Quân Mỹ khẳng định: “Năng lực triển khai máy bay ném bom tầm xa tới Úc gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các đối thủ về khả năng của Washington trong việc triển khai lực lượng không quân chiến đấu”.

ABC trích lời bà Becca Wasser, chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu Centre for New American Security, cho rằng việc đưa B-52, loại phi cơ có thể tiếp cận và có khả năng tấn công Hoa Lục, sẽ là một lời cảnh cáo đối với Bắc Kinh, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về nguy cơ Bắc Kinh tấn công Đài Loan.

Khi được hỏi về thời điểm B-52 bắt đầu được triển khai đến căn cứ Tindal, bộ Quốc Phòng Úc đã từ chối bình luận.

Theo hãng tin Anh Reuters, vùng Lãnh Thổ Bắc Úc là nơi diễn ra các hoạt động hợp tác quân sự Úc-Mỹ thường xuyên. Hàng nghìn lính thủy quân lục chiến Mỹ đã luân phiên đến miền bắc Úc mỗi năm để huấn luyện và tập trận chung, lần đầu tiên bắt đầu dưới thời cựu tổng thống Mỹ Barack Obama.

Vào năm 2022, Mỹ đã triển khai 4 chiếc B-52 tới căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.

Không quân Mỹ-Hàn rầm rộ tập trận
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, Seoul và Washington vào hôm nay, 31/10/2022 đã khởi động một cuộc tập trận không quân rầm rộ mang tên Vigilant Storm (tạm dịch là “Bão Táp Cảnh Giác”), với sự tham gia của khoảng 240 phi cơ quân sự từ cả hai phía.

Mục tiêu là nhằm rà soát năng lực chiến đấu của hai đồng minh trước các mối đe dọa và hành động khiêu khích ngày càng tăng từ phía Bắc Triều Tiên.

Cuộc tập trận sẽ diễn ra trong 5 ngày, huy động 140 phi cơ Hàn Quốc, trong bối cảnh Seoul và Washington tìm cách tăng cường khả năng răn đe Bình Nhưỡng leo thang căng thẳng, với một vụ thử hạt nhân hoặc các hành động khiêu khích khác.

Hàn Quốc đã huy động gần 140 máy bay, bao gồm chiến đấu cơ tàng hình F-35A, máy bay phản lực F-15K và KF-16. Trong khi đó, Mỹ điều động khoảng 100 máy bay, trong đó có loại chiến đấu cơ tàng hình F-35B và máy bay tác chiến điện tử EA-18, cũng như máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 và máy bay trinh sát tầm cao U-2.

Đây là lần đầu tiên Quân Đội Mỹ triển khai chiến đấu cơ F-35B đến Hàn Quốc.

Không Quân Úc cũng cho máy bay tiếp liệu KC-30A tham gia cuộc tập trận Mỹ-Hàn.

Quân Nga ồ ạt tấn công Ukraina bằng tên lửa hành trình


Ảnh minh họa : Một chiếc oanh tạc cơ chiến lược Tupolev Tu-160 tại sân bay Caracas năm 2018. Đây là phương tiện được sử dụng để oanh kích Ukraina hôm nay, 31/10/2022, với các tên lửa hành trình. AFP
Thùy Dương
Trong khi chiến dịch giải phóng Kherson ở miền nam Ukraina tiếp diễn, nhiều vùng tại Ukraina sáng hôm nay 31/10/2022 lại bị quân Nga ồ ạt tấn công bằng tên lửa hành trình. Nhiều khu vực ở thủ đô Kiev đã bị mất điện, do mục tiêu chủ yếu mà quân Nga nhắm tới vẫn là cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina.

Trên mạng Telegram, không quân Ukraina cho biết quân Nga đã phóng hơn 50 tên lửa hành trình vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina. Các tên lửa X-101/X-555 đã được phóng đi từ các phi cơ Tu-95 và Tu-160 từ phía bắc biển Caspi và vùng Rostov của Nga.

Riêng tại thủ đô Kiev, sáng sớm hôm nay, các nhà báo của AFP nghe thấy ít nhất 5 vụ nổ. Đô trưởng Vitaly Klitschko cho biết một phần Kiev mất điện và nhiều khu vực bị cúp nước sau các cuộc không kích của Nga. Trước đó, trong hai hôm 10 và 17/10, các cơ sở hạ tầng năng lượng của Kiev cũng đã bị Nga tấn công ồ ạt bằng drone, được xem là do Iran chế tạo.

Mặt trận Kherson phức tạp hơn dự kiến
Nhìn về miền nam UKraina, chiến dịch giải phóng Kherson sẽ phải kéo dài đến cuối tháng 11, theo dự báo của Kyrylo Budanov, lãnh đạo cơ quan tình báo của bộ Quốc Phòng Ukraina. Mặc dù đã giải phóng một số làng mạc ở miền nam đất nước, nhưng lực lượng Ukraina đã vấp phải nhiều kháng cự khi tiến về Kherson.

Thông tín viên Anastasia Becchio và Boris Vichith gặp gỡ những người lính đang chiến đấu trên mặt trận. Sau đây là bài phóng sự gửi về từ Kherson :

« Nghỉ ngơi một vài giờ trong đơn vị, ở một ngôi làng đã được giải phóng hồi tháng 9, trước khi trở lại mặt trận. Đó là lịch trình của Evguen, thuộc lữ đoàn 60. Là thợ cơ khí dân sự, Evguen được huy động từ những ngày đầu nổ ra chiến tranh. Evguen nói : « Chiến dịch này phức tạp hơn chúng tôi tưởng, chúng tôi không nghĩ rằng họ sẽ tháo chạy và để lại mọi thứ. Chúng tôi phải chiến đấu để giải phóng từng làng, từng cánh đồng. Địa hình vùng này gây khó khăn cho chúng tôi, bởi vì đây là vùng thảo nguyên bằng phẳng, nên khi tấn công, chúng tôi sẽ bị phát hiện ngay. Nhưng không sao, rồi chúng tôi sẽ thắng, chỉ là vấn đề thời gian thôi ».

Mục tiêu của họ vẫn là tái chiếm Kherson. Lực lượng chiếm đóng Nga đã thề sẽ biến Kherson thành một « pháo đài » và đã di tản một phần thường dân sang phía bờ bên kia sông Dniepr. Đối với viên sĩ quan đến từ làng lân cận để sửa xe, điều đó sẽ khiến nhiệm vụ của lực lượng Ukraina phức tạp hơn. Ông giải thích: « Họ đã cố tình đưa người dân sang phía bờ bên kia của Kherson, bởi vì họ sẽ dùng dân chúng làm lá chắn. Đó là chiến lược quân sự của họ. Rồi sau đó, họ sẽ loan tin chính chúng tôi đã bắn vào người dân của chúng tôi. Cũng giống như ở Enerhodar vậy. Họ đã chiếm nhà máy điện hạt nhân và tự cho phép mình làm mọi điều, vì biết rằng chúng tôi sẽ không bắn vào đó ».

Hai quân nhân này không ảo tưởng, họ nói rằng chiến dịch sẽ còn kéo dài và sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho cả hai bên».

Chỉ huy quân đội Nga ở miền trung Ukraina bị sa thải


Theo thông tin đăng tải trên kênh tin tức Apollo, Tướng Alexander Lapin, chỉ huy quân đội Nga ở miền trung Ukraina, đã bị sa thải vào ngày 29/10. Vào đầu tháng 10, Tướng Alexander Lapin đã bị chỉ trích nặng nề từ nhiều phía, trong đó có lãnh đạo nước Cộng hòa Chechnya Kadyrov và người sáng lập “Tập đoàn lính đánh thuê Wagner” Prigozhin.

EuroWeekly News cho biết, sau khi một kênh truyền hình ở Grozny thủ đô nước cộng hòa Chechnya của Nga đưa tin về việc Tướng Alexander Lapin bị sa thải, kênh tin tức kinh tế Nga RBC cũng đã đưa tin về vụ việc này.

Bộ Quốc phòng Nga chưa thông báo chính thức về việc từ chức của Tướng Alexander Lapin.

Lãnh đạo Nước Cộng hòa Chechnya Kadyrov trước đó đã cáo buộc Tướng Alexander Lapin rời bỏ vị trí chiến đấu.

Phương tiện truyền thông trực tuyến gazeta.ru đưa tin, Tướng Alexander Lapin đã được Tổng thống Vladimir Putin phong tặng danh hiệu “Anh hùng của nước Nga” trong chiến dịch đặc biệt chống lại Ukraina.

Người sáng lập “Tập đoàn lính đánh thuê Wagner” Prigozhin, đặt câu hỏi về thực trạng của Tướng Alexander Lapin và mức độ xứng đáng của việc nhận huy chương quân sự của ông. Ông Prigozhin gần đây đã chỉ trích vai trò của một số tướng lĩnh Bộ Quốc phòng Nga trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina.

Ukraina tuyên bố tiêu diệt gần 1.000 lính Nga trong 24 giờ


Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraina tuyên bố, trong 24 giờ qua từ 29-30/10, các đơn vị Ukraina đã tiêu diệt tổng cộng 950 lính Nga, theo Pravda.

“Đó là 24 giờ tuyệt vời. Người Nga đã phải chịu tổn thất nặng nề nhất trên mặt trận Donetsk và Lyman”, Bộ Tổng tham mưu Ukraina cho biết. Quân đội Nga không phản hồi tuyên bố trên.

Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Tác chiến miền Nam của Ukraina tuyên bố, trong cùng thời gian trên, lực lượng của họ đã loại bỏ 57 binh sĩ Nga trên chiến tuyến phía nam đồng thời phá hủy hệ thống phòng không Tunguska, một hệ thống hoả tiễn Pantsir, súng cối tự hành Nona, một số pháo tự hành khác cũng như một xe tăng, 7 xe bọc thép của đối phương.

Các lực lượng vũ trang Ukraina đã tiến hành 10 cuộc không kích vào các cụm nhân lực và thiết bị quân sự của đối phương ở hướng nam – nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt nhất khi Kyiv nỗ lực giành lại Kherson.

Theo Bộ Chỉ huy Tác chiến miền Nam của Ukraina, với lý do chuẩn bị cho các hoạt động phòng thủ, quân đội Nga đang di dời người dân địa phương khỏi các cứ điểm bên bờ sông Dnipro.

Ngày 30/10 là ngày thứ 249 của cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina. Cho đến nay Ukraina tuyên bố đã tiêu diệt khoảng 71.200 lính Nga, phá huỷ 2.672 xe tăng, 1.412 drones, 252 trực thăng, cùng hàng ngàn thiết bị quân sự khác của kẻ thù. Như thường lệ, Nga không phản hồi các số liệu do quân đội Ukraina công bố.

Thượng Karabakh: Azerbaijan và Armenia đàm phán dưới sự bảo trợ của Nga


Tổng thống Nga Vladimir Putin (G), thủ tướng Armenia Nikol Pashinian (P) và tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev (T) họp báo sau cuộc họp ba bên tại Sochi, Nga, ngày 26/11/2021. via REUTERS - SPUTNIK
Trọng Nghĩa
Hôm nay, 31/10/2022, lãnh đạo hai nước thuộc Liên Xô cũ, Armenia và Azerbaijan, được mời đến thành phố Nga Sotchi, để đàm phán dưới sự bảo trợ của tổng thống Nga Vladimir Putin.

Căng thẳng tăng mạnh trở lại giữa hai nước Azerbaijan và Armenia, với chiến sự tái diễn ở vùng Thượng Karabakh, đã thúc đẩy Nga đứng ra đóng vai trò kiến tạo hòa bình ở khu vực Kavkaz.

Từ Matxcơva, thông tín viên RFI, Julian Colling, giải thích:

Hội nghị thượng đỉnh tổ chức theo sáng kiến của Matxcơva, trước tiên bao gồm một cuộc họp ba bên giữa tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Armenia Nikol Pashinian và tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Tổng thống Nga cũng lên kế hoạch gặp riêng các lãnh đạo Armenia và Azerbaijan.

Nga, nước đã giúp hai bên ngừng xung đột vào mùa thu năm 2020, muốn duy trì vai trò hòa giải trong hồ sơ dễ bùng nổ này. Hôm qua, nhà ngoại giao Nga Andrei Roudenko bảo đảm rằng: “Vẫn còn nhiều vấn đề, nhưng chúng tôi hy vọng tiến đến một hiệp định hòa bình”.

Thế nhưng từ hai năm nay, sau chiến thắng của Azerbaijan, giao tranh vẫn thường xuyên nổ ra với một đợt bùng phát mới vào giữa tháng Chín. Theo các nhà quan sát, chính Baku là bên khởi xướng các cuộc tấn công, do vẫn đòi hỏi một giải pháp thực sự về quy chế hiện vẫn đang trong vòng tranh chấp của vùng Thượng Karabakh.

Azerbaijan đã xích lại gần châu Âu trong những tháng gần đây, thông qua việc bán khí đốt của nước này, thay cho khí đốt của Nga. Erevan cũng cáo buộc Baku chỉ trích Nga trong hậu trường với các quan chức châu Âu.

Dẫu sao thì vị thế của Nga đã suy yếu trong vấn đề này. Ảnh hưởng của Matxcơva trong không gian hậu Xô Viết cũng bị giảm sút trong bối cảnh đang diễn ra cuộc chiến ở Ukraina. Tuy nhiên, Armenia vẫn phải cần đến sự hỗ trợ của Nga và cho biết sẵn sàng hướng tới một thỏa thuận hòa bình.

Tại Sotchi, thủ tướng Nikol Pashiniancũng có thể yêu cầu gia hạn nhiệm vụ của đội lính “mũ xanh” của Nga tại hiện trường, thêm từ 10 đến 20 năm.”

Thảm kịch đêm Halloween: Chính quyền Hàn Quốc bị chỉ trích vì lơi lỏng về an ninh


Thi thể các nạn nhân tại hiện trường nơi xảy ra vụ giẫm đạp trong đêm hội Halloween ở Itaewon, Séoul, ngày 30/10/2022. AFP - YELIM LEE
Thùy Dương
Công luận Hàn Quốc vẫn bàng hoàng về vụ hơn 150 người chết và hàng trăm người bị thương do chen lấn, giẫm đạp lên nhau tại một hẻm dốc trong đêm hội Halloween 29/10/2022 tại khu Itaewon, thủ đô Seoul. Chính quyền Hàn Quốc bị chỉ trích vì lơi lỏng về an ninh trong vụ thảm kịch này.

Từ Chủ Nhật 30/10 đến 05/11 là quốc tang tại Hàn Quốc. Sáng hôm nay, thứ Hai, tổng thống Yoon Seok Yon và phu nhân cũng như đông đảo người dân đã đến đặt hoa viếng tại nơi tưởng niệm các nạn nhân. Theo AFP, cảnh sát Hàn Quốc hôm nay thông báo đã triển khai một nhóm điều tra để xác định nguyên nhân thực sự gây ra thảm kịch khiến ít nhất 154 người thiệt mạng. Trong khoảng 20 người nước ngoài là nạn nhân, có một người Việt Nam.

Tuy nhiên, trên các mạng xã hội và báo chí, chính quyền đang bị chỉ trích vì thiếu các hoạt động kiểm soát an toàn, an ninh trước khi diễn ra lễ hội quy tụ đến hơn 100.000 người.

Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca cho biết thêm thông tin :

Trên các báo Hàn Quốc sáng hôm nay, vẫn có thể thấy nhiều nỗi xúc động và bàng hoàng, nhưng mọi chú ý đang đổ dồn về phía nhà chức trách, bởi vì chỉ có chưa đến 50 nhân viên cứu hộ và dưới 200 cảnh sát được điều đến khu phố đó, để quản lý 100.000 người tới tham gia lễ hội.

Anh Aiden, một người đã chứng kiến thảm kịch, kể lại : « Khi đến nơi, chúng tôi không thấy một cảnh sát nào, chúng tôi thực sự đã rất ngạc nhiên, trong khi có nhiều đám đông lớn đang tụ tập ở khu phố Gwangwhamun. Tôi cứ nghĩ rằng lực lượng cảnh sát đã phải được triển khai tại chỗ chứ ».

Cô Luisa, một sinh viên người Brazil, có mặt tối hôm thứ Bảy tại một trong những ngõ nhỏ trong khu phố đó thì nói : « Cảnh sát không cho người dân qua, bởi vì họ đặt nhiều thi thể nạn nhân và để xe cứu thương ngay trước lối ra vào ngõ. Vì vậy, ngay cả khi mọi người muốn rời khỏi đó thì cũng bị cảnh sát chặn mất đường. Khi chúng tôi ra được đến phố chính, chúng tôi cũng thấy đầy thi thể nạn nhân và chúng tôi đã phải nhảy qua những thi thể, vẫn còn đang được cố gắng hô hấp nhân tạo. Chúng tôi nhìn về phía sau và thấy cả biển người đang tìm cách thoát ra khỏi con hẻm. Nhưng lần này cũng vậy, cảnh sát và lính cứu hỏa lại chặn mất đường. Tôi biết họ muốn giúp, nhưng làm như vậy họ đã chặn đường khiến chúng tôi không thể rời đi được ».

Bộ trưởng Nội Vụ hôm qua cho rằng, kể cả nếu cảnh sát hiện diện đông hơn nhiều vào lúc đó thì họ cũng không thể ngăn được thảm kịch xảy ra.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc sau Đại hội Đảng


Ảnh tư liệu: Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) tiếp người đồng cấp Trung Quốc, Tập Cận Bình tại Hà Nội, ngày 05/11/2015. AP - Minh Hoang
Trọng Thành
Hôm nay, 30/10/2022, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh, mở đầu chuyến công du bốn ngày tại Trung Quốc. Đây là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc, kể từ Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc, kết thúc hôm 22/10.

Đài Tiếng Nói Việt Nam VOV nhấn mạnh đến việc chuyến công du của lãnh đạo Việt Nam diễn ra ngay sau khi Đại hội XX của đảng CSTQ kết thúc : ‘‘Việc tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như giữa đảng Cộng Sản Trung Quốc và đảng Cộng Sản Việt Nam. Khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu’’. VOV cũng nhắc lại việc lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau khi kết thúc Đại hội XIX của đảng Cộng Sản Trung Quốc, cách nay 5 năm.

Le Courrier du Vietnam, tờ báo Pháp ngữ của chính quyền Việt Nam, cũng nhấn mạnh đến sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc sau khi kết thúc Đại hội XX, điều này cho thấy ‘‘tính chất đặc biệt và tầm quan trọng trong quan hệ giữa hai Đảng và hai Nhà nước’’.

Lãnh đạo Việt Nam là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Bắc Kinh. Chuyến đi diễn ra trước chuyến công du của tổng thống Pakistan Shehbaz Sharif, theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Trung Quốc Nian Peng, giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu về châu Á (RCAS), có trụ sở tại đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc đặc biệt chú ý đến việc chuyến công du của lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng diễn ra chỉ ít ngày trước chuyến công du ‘‘được trông đợi’’ của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam trong tháng 11 tới, trong th2166gian diễn ra một loạt hội nghị tại khu vực Đông Nam Á, thượng đỉnh G20, thượng đỉnh Đông Á, tại Indonesia. Theo chuyên gia Trung Quốc, ‘‘ông Trọng cần đi Trung Quốc trước chuyến công du của Biden đến Việt Nam, để thuyết phục Trung Quốc là quan hệ Việt – Trung vẫn là ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Hà Nội’’. 216

Không có nhận xét nào: