Động Đất Vùng Bay Area!
Trưa Hôm Qua, Cư Dân Thành Phố San José Một Phen Hết Hồn! Bạt Vía! Cảm Nhận Một Trận Động Đất 5,1 Độ! Rung Chuyển, Lắc Lư Toàn Vùng Bay Area! Tuy Nhiên Thiệt Hại Lại Không Đáng Kể! -Trận động đất 5,1 độ Richter, bất ngờ xảy ra gần buổi trưa, làm rung chuyển vùng Vịnh San Francisco, toàn vùng lắc bồng bềnh như trượt trên sóng nước! Nhiều người ồ ạt đổ ra đường, căng thẳng sợ hãi, nhưng may mắn thay, sau những báo cáo, không gây ra bất cứ thiệt hại lớn lao nào.
<!>
Động đất có tâm chấn 9 dặm, về phía Đông Thành phố San Jose, (Nơi có đông người Việt cư ngụ nhất tại Hải Ngoại) theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ. Có ít nhất 2 trận nữa nhẹ, (hậu địa chấn) tiếp sau đó, đo được 3,1 độ.
Trận động đất xảy ra dọc theo đường nứt Calaveras, một trong những đường nứt đáng lo ngại nhất trong toàn Vùng Vịnh Cựu Kim Sơn, vì nó có khả năng tạo ra những trận động đất lớn, với cường độ rất mạnh, trên 7 độ Richter! Sức tàn phá, thiệt hại, đổ nát, sẽ khủng khiếp!
Trong số những trận động đất gần đây, dọc theo đường nứt Calaveras, là trận động đất 6,2 độ Richter, năm 1984, xảy ra tại Morgan Hill, đã gây thiệt hại trên $7 triệu Mỹ kim và làm 21 người bị thương.
Nhưng với trận động đất hôm qua, đây là trận động đất lớn nhất ở Vùng Vịnh San Francisco, kể từ động đất vùng Napa 6.0 độ, vào năm 2014.
Sở Cứu hỏa thành phố San Jose, đã không nhận được bất cứ cuộc gọi khẩn cấp nào, liên quan đến vụ động đất này cả. Cảnh sát thành phố, cũng không nhận được tường trình nào thiệt hại, hay bị thương. Giám đốc Cơ quan Quản trị Khẩn cấp thành phố, ông Raymond Riordan cũng cho biết, không có báo cáo thiệt hại về hệ thống cung cấp nước hay gas, điện. Tạo ra hỏa hoạn.
Trận động đất trải dài, được cảm nhận sự rung rinh, lắc nhẹ về phía Nam xa đến tận Salinas và Monterey. Phía Đông đến tận Merced và phía Bắc đến tận San Rafael.
Người dân thành phố Daly City, cách tâm chấn 50 dặm về phía Tây Bắc, nhận được cảnh báo khẩn cấp từ hệ thống cảnh báo động đất MyShake earthquake, sớm được vài giây, trước khi động đất xảy ra. Nhưng đã không kịp để thông báo!
Miền Đông thì có bão, miền Tây thì động đất! Vùng nào chả có thiên tai! Nên phải tập quen. Thật ra trung bình, mỗi năm có trên 5 trận động đất nhẹ trong vùng! từ 4 đến 5 độ, vì nhẹ quá, người ta không cảm nhận được đó thôi! (Tổng hợp)
Anh Quốc: Lần Đầu Tiên Trong Lịch Sử Có Thủ Tướng Vương Quốc Anh Từ Gốc Ấn Độ!
Ông Rishi Sunak Đã Trở Thành Tân Thủ Tướng Anh Sau Khi Tất Cả Các Đối Thủ Bỏ Cuộc
(Hình: Ông Rishi Sunak ở Luân Đôn hôm 24/10/2022.)
- Hôm 24/10/2022, thông tấn xã Reuters cho hay ông Rishi Sunak sẽ trở thành Thủ tướng Anh, sau khi các ứng cử viên khác từ bỏ cuộc đua vào vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ, để lại cho ông nhiệm vụ điều hành một đất nước bị chia rẽ sâu sắc trong giai đoạn suy thoái kinh tế khiến hàng triệu người nghèo khó hơn.
Ông Sunak, một trong những chính trị gia giàu có nhất ở Westminster, sẽ được Vua Charles yêu cầu thành lập chính phủ, thay thế bà Liz Truss, nhà lãnh đạo từ nhiệm chỉ sau 44 ngày nhậm chức.
Ông đã đánh bại chính trị gia trung hữu Penny Mordaunt, người không nhận được đủ sự ủng hộ từ các nhà Lập pháp để tham gia cuộc bỏ phiếu, trong khi đối thủ của ông, cựu Thủ tướng Boris Johnson, rút khỏi cuộc tranh cử và nói rằng ông không thể đoàn kết các thành viên trong đảng.
Bà Mordaunt nói trong một tuyên bố khi rút khỏi cuộc đua chỉ vài phút trước khi người chiến thắng được công bố: “Quyết định này là một quyết định lịch sử và một lần nữa cho thấy sự đa dạng và tài năng của đảng chúng ta. Ông Rishi có sự ủng hộ hoàn toàn của tôi”.
Ông Sunak, cựu Bộ trưởng Tài chánh 42 tuổi, trở thành Thủ tướng thứ ba của Anh trong vòng chưa đầy hai tháng, được giao nhiệm vụ khôi phục sự ổn định cho một đất nước đang quay cuồng trong nhiều năm bất ổn chính trị và kinh tế.
Cựu trùm quỹ đầu cơ này dự kiến sẽ thực hiện các đợt cắt giảm chi tiêu sâu để cố gắng xây dựng lại danh tiếng tài khóa của Anh, ngay khi đất nước rơi vào suy thoái kinh tế, kéo theo chi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao.
Ông Sunak được cả nước chú ý khi ở tuổi 39, trở thành Bộ trưởng Tài chánh dưới thời ông Johnson ngay khi đại dịch COVID-19 tấn công nước Anh.
Ông Sunak, cựu nhà phân tích của công ty Goldman Sachs, sẽ là Thủ tướng gốc Ấn Độ đầu tiên của Vương quốc Anh.
Ông Boris Johnson Rút Khỏi Cuộc Đua Giành Chức Thủ Tướng Tiếp Theo của Anh
(Hình: Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson ở phi trường Gatwick, gần Luân Đôn, Anh, hôm 22/10/2022.)
Vào tối 23/10/2022, ông Boris Johnson cho biết ông đã rút khỏi cuộc đua để trở thành Thủ tướng tiếp theo của Anh, nói rằng ông nhận ra đất nước và Đảng Bảo thủ cần có sự thống nhất, theo thông tấn xã Reuters.
Dưới đây là toàn văn tuyên bố của ông:
“Trong vài ngày gần đây, tôi đã bị choáng ngợp bởi số lượng người đề nghị rằng tôi nên một lần nữa tranh cử vị trí lãnh đạo của đảng Bảo thủ, cả trong công chúng lẫn bạn bè và đồng nghiệp trong Quốc hội.
“Từ trước đến nay, tôi bị thu hút bởi vì tôi đã lãnh đạo đảng của chúng tôi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lớn cách đây chưa đầy 3 năm - và tôi tin rằng tôi là người duy nhất được đưa vào vị trí này để ngăn chặn một cuộc tổng tuyển cử.
“Một cuộc tổng tuyển cử sẽ là một sự phân tâm tai hại hơn nữa chỉ khi chính phủ phải tập trung vào những áp lực kinh tế mà các gia đình trên khắp đất nước phải đối mặt.
“Tôi tin rằng tôi có đủ khả năng để thực hiện một chiến thắng của đảng Bảo thủ vào năm 2024 - và tối nay tôi có thể xác nhận rằng tôi đã vượt qua rào cản rất cao của 102 đề cử, bao gồm một người đề xuất và một người ủng hộ, và tôi có thể đưa ra đề cử của mình vào ngày mai. Có một cơ hội rất tốt là tôi sẽ thành công trong cuộc bầu cử với các thành viên Đảng Bảo thủ - và tôi thực sự có thể trở lại Phố Downing vào ngày 28/10.
“Nhưng trong những ngày qua, tôi buồn bã đi đến kết luận rằng đây đơn giản là điều không nên làm. Ta không thể cai trị hiệu quả trừ khi ta có một đảng thống nhất trong Quốc hội.
“Và mặc dù tôi đã liên hệ với cả ông Rishi và bà Penny - vì tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể đến với nhau vì lợi ích quốc gia - nhưng đáng buồn là chúng tôi đã không thể tìm ra cách để làm điều này.
“Vì vậy, điều tốt nhất là tôi không cho phép đề cử của mình tiếp tục và tôi cam kết hỗ trợ bất kỳ ai thành công.
“Tôi tin rằng tôi có thể cống hiến được nhiều nhưng tôi sợ rằng đây đơn giản là không phải thời điểm thích hợp”.
Trung Quốc: Tập Cận Bình, Đe Dọa Hòa Bình Thế Giới Những Ngày Tới, Còn Hơn Cả Putin!
Trung Quốc: “Người Cầm Lái Vĩ Đại Chưa Từng Có Trong Lịch Sử!” Tập Cận Bình Từ Nay Độc Tôn, Đòi Tóm Thâu Hết Thiên Hạ!
(Thụy My)
-Ông Tập Cận Bình toàn thắng vẻ vang trong Đại hội 20: loại được mọi đối thủ, nắm trọn Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, phá vỡ tất cả những nguyên tắc từ ba thập niên qua tại Trung Quốc. Nay không còn ai trở thành một lực lượng đe dọa được ông Tập, cũng chẳng ai dám ngăn cản nếu sai lầm. Điều này rất nguy hiểm, quyền sinh quyền sát tại quốc gia 1,4 tỉ dân không thể nằm gọn trong tay một người duy nhất.
Tập Cận Bình tăng thêm sức mạnh sau Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc, căng thẳng giữa Pháp và Anh, chiến tranh Ukraine là thời sự quốc tế được các báo Pháp chú ý nhiều nhất hôm nay.
Toàn Bộ Ủy Viên Thường Vụ Bộ Chính trị Là Người của Tập Cận Bình
Les Echos nhận định “Tập Cận Bình cai trị Trung Quốc, quyền lực hơn bao giờ hết”. Ông ta đã tống khứ được tất cả các đối thủ, và chung quanh ông Tập bây giờ chỉ toàn những người được tin tưởng từ lâu. Nhiều nhà quan sát tin rằng Tập Cận Bình sẽ mạnh hơn sau Đại hội Đảng lần thứ 20, nhưng rốt cuộc ông ta còn đi xa hơn, đạt được thắng lợi rực rỡ. Trưa Chủ Nhật, ban lãnh đạo nhiệm kỳ thứ ba gồm ông Tập và sáu viên chức trung thành đã xuất hiện trước ống kính báo chí quốc tế. Năm nay 69 tuổi, Tập Cận Bình tiếp tục là Tổng Bí thư Đảng kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương trong 5 năm tới, trước khi tái khẳng định chức Chủ tịch nước vào tháng Ba tới.
Bí thư Thượng Hải Lý Cường (Li Qiang), 63 tuổi trở thành nhân vật số 2, được cho là sẽ lên làm Thủ tướng thay Lý Khắc Cường. Tuy việc giải quyết tệ hại cuộc phong tỏa Thượng Hải hồi mùa Xuân khiến người ta nghi ngờ về tương lai chính trị, lại chưa bao giờ là Phó Thủ tướng như thông lệ, nhưng nay ông ta lại được tưởng thưởng nhờ trung thành tuyệt đối với Tập Cận Bình. Năm ủy viên Thường Vụ còn lại là Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), Thái Kỳ (Cai Qi), Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang), Lý Hy (Li Xi).
Với 4 khuôn mặt mới, Ban Thường vụ Bộ Chính trị nay hoàn toàn là người của ông Tập. Triệu Lạc Tế, 65 tuổi, Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cùng gốc Thiểm Tây, căn cứ địa của Tập Trọng Huân (cha Tập Cận Bình), có thể trở thành Chủ tịch Thường Vụ Quốc hội. Thái Kỳ, 66 tuổi, Bí thư thành ủy Bắc Kinh, có mối liên hệ từ hơn hai thập niên khi ông Tập còn là viên chức Phúc Kiến. Đinh Tiết Tường, 60 tuổi, thư ký riêng của Tập Cận Bình cũng thuộc nhóm của ông hồi ở Thượng Hải và Lý Hy, 66 tuổi từng là thư ký của một đồng minh thân cận ông Tập Trọng Huân.
Quá Tuổi Vẫn Được ở Lại Trung Ương Nếu Là Người Thân Tín
Le Monde nhận thấy tuy Tập Cận Bình đã phá lệ từ năm 2018, cho sửa đổi Hiến pháp để có thể làm Chủ tịch hơn hai nhiệm kỳ, nhưng về giới hạn tuổi thì chưa biết có tiếp tục áp dụng cho các viên chức khác hay không. Quy luật lâu nay là vẫn có thể thăng tiến ở tuổi 67, nhưng phải về hưu nhân Đại hội Đảng sau sinh nhật 68 tuổi.
Câu trả lời đã có được hôm thứ Bảy (22/10), với việc chỉ định 205 ủy viên trung ương. Cùng 67 tuổi, Thủ tướng mãn nhiệm Lý Khắc Cường (Li Keqiang), thuộc phe Đoàn Thanh niên của ông Hồ Cẩm Đào, và Uông Dương (Wang Yang) chủ trương cải cách kinh tế đều phải ra đi, cả hai đều là nhân vật ôn hòa có uy tín. Ngược lại Ngoại trưởng Vương Nghị vẫn là ủy viên trung ương dù đã 69 tuổi; cũng như tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương đã 72 tuổi. Ông Trương từ nhiều năm qua đã ra sức giúp ông Tập áp đặt những cải cách trong quân đội.
Theo Alex Payette, người sáng lập Cabinet Cercius, Trương Hựu Hiệp thuộc phe cựu chiến binh thời chiến tranh Việt Nam. Có nhiều ủy viên trung ương mới là cán bộ quân đội thuộc phe “eo biển Đài Loan” vốn rất hiếu chiến. Một diều hâu khác cũng được vào Trung ương là Tần Cương (Qin Gang), Ðại sứ Trung Quốc tại Hoa Thịnh Ðốn nổi tiếng “chiến lang”, là người từng tổ chức những chuyến công du ngoại quốc của Tập Cận Bình.
Khống Chế Toàn Đảng Để Ngồi Tiếp Sau 3 Nhiệm Kỳ
Le Figaro nhấn mạnh, như vậy Tập Cận Bình đã loại được toàn bộ đối lập, cất nhắc bốn tay chân lên làm ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính trị, 65% ủy viên trung ương là người trung thành. Chuyên gia Jean-Pierre Cabestan ở Hồng Kông nhận thấy Tập Cận Bình đã siết chặt hơn cả dự đoán, với một ban lãnh đạo “đơn sắc”, “không còn quan tâm đến cân bằng giữa các phe phái”.
Nhà nghiên cứu Richard McGregor của Lowy Institute cho rằng “Bộ Chính trị mới chính là tuyên bố thẳng thừng về sự thống trị của Tập trong đảng”. Chuyên gia Lâm Hòa Lập (Willy Lam) khẳng định “Đó là chiến thắng toàn diện của Tập Cận Bình, với việc kiểm soát toàn bộ Ban Thường Vụ Bộ Chính trị. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy ông ta chuẩn bị cai trị tiếp sau ba nhiệm kỳ”. Nhà phân tích Neil Thomas của Eurasia Group ghi nhận “Nhiệm kỳ thứ ba này đã kết thúc ba thập niên chuyển tiếp quyền lực” tại Trung Quốc, “vai trò trung tâm của đồng chí Tập Cận Bình” đã được ghi vào điều lệ Đảng.
Áp Giải Cựu Tổng Bí thư Khỏi Đại Hội: Răn Đe Các Lão Thành
Le Figaro trong bài “Tập Cận Bình độc quyền trị vì tại Trung Quốc” quan tâm đến sự kiện ông Hồ Cẩm Đào bị áp giải khỏi Đại Hội ngay trước ống kính các nhà báo ngoại quốc. Cựu Tổng Bí thư già yếu kháng cự nhưng vẫn bị xốc nách đưa ra khỏi Đại sảnh đường Nhân Dân, ông nhìn kẻ độc tài kế nhiệm một lần cuối trước khi biến mất, sau đó cuộc biểu quyết mới diễn ra. Tân Hoa Xã nói rằng nhà cựu lãnh đạo “cảm thấy không khỏe”.
Le Monde nhận định, phản ứng của Hồ Cẩm Đào cho thấy khó có thể lấy lý do sức khỏe để giải thích. Bản tin truyền hình lúc 7 giờ tối dành hơn một tiếng đồng hồ cho Đại hội Đảng nhưng không hề nhắc đến sự kiện này. Một nhà ngoại giao dùng từ “thanh trừng”. “Đối với người Trung Quốc, Đại Hội 20 của đảng Cộng sản Liên Xô năm 1956 đánh dấu khởi đầu của sự kết thúc với việc cáo buộc Stalin. Tập Cận Bình muốn chứng tỏ tại Hoa lục thì ngược lại, đó là một khởi đầu mới”.
Khi loại trừ Hồ Cẩm Đào, người đại diện cho thế hệ cựu lãnh đạo cởi mở hơn với phương Tây, Tập chỉ rõ cho giới lão thành là họ không còn chỗ đứng trong “kỷ nguyên mới”. Thông điệp này còn dành cho các cựu lãnh đạo trong tương lai như Lý Khắc Cường - vẫn còn là Thủ tướng cho đến tháng 3/2023 - rằng tốt nhất nên giữ mồm giữ miệng trong thời gian tới. Nhưng từ nay cho đến lúc đó, lãnh đạo tập thể và kế nhiệm có tổ chức, hai nguyên tắc đặc trưng cho “mô hình Trung Hoa” rõ ràng đã bị chôn vùi.
Hồ Cẩm Đào Bất Mãn Trước Danh Sách Đề Cử?
Theo Le Figaro, cảnh công khai sỉ nhục nhân vật từng điều hành đất nước mười năm trước, vẫn sẽ là một bí mật trong bóng tối của Đảng, nhưng phô ra sự khuynh loát của Tập Cận Bình. Chương sách “mở cửa và cải cách” của người tiền nhiệm đã bị đóng hẳn lại, thay vào đó là một Trung Quốc “màu đỏ máu”, chuyên quyền trong nước và dân tộc chủ nghĩa với ngoại quốc.
Nhà nghiên cứu Lâm Hòa Lập đoán rằng ông Hồ Cẩm Đào hết sức bất bình về danh sách đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban thường vụ Bộ Chính trị, nên đã có ý kiến với Tập Cận Bình, và ông Tập rất bực mình. Việc cho nhân viên an ninh áp giải ông Hồ ra khỏi Đại Hội rõ ràng nhằm lăng nhục ông, đồng thời cho thấy phe Đoàn thanh niên đã bị loại khỏi vòng chiến. Đây là dấu hiệu rất xấu cho đảng Cộng sản, vì chưa bao giờ một cựu Tổng Bí thư lại bị “đuổi” khỏi Đại hội Đảng như vậy.
Chuyên gia Trần Cương (Chen Gang) ở Tân Gia Ba dự báo Tập Cận Bình có thể làm nhiều việc hơn nữa để thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” của ông và lộ trình “China 2035”. Trong khi đó bất bình đang dâng lên vì kinh tế chững lại, một số cán bộ đối phó bằng cách kháng cự thụ động. Ngay sau khi có tin Tập Cận Bình tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba, thị trường chứng khoán Hồng Kông, Thượng Hải, Thâm Quyến đều sụt giảm; các nhà đầu tư lo sợ ông Tập dành chức vụ chủ chốt về kinh tế cho những đồng minh ủng hộ chính sách zero-Covid.
“Người Cầm Lái Vĩ Đại” Họ Tập Tấn Công Xã Hội Dân Sự
Chuyên gia Jean-Philippe Béja của CNRS khẳng định trên Libération “Tập Cận Bình tiếp tục trị vì, Trung Quốc đối mặt với Người cầm lái vĩ đại mới”. Bài viết nhắc lại một số câu “Chúng tôi không muốn có lãnh đạo vĩ đại mà muốn bầu cử”, “Chúng tôi không muốn làm nô lệ mà là những công dân”, “Công nhân và sinh viên học sinh hãy đình công để đòi truất phế tên phản bội đất nước Tập Cận Bình”... Những biểu ngữ do nhà đấu tranh Bành Lập Pháp (Peng Lifa), tên trên mạng là Bành Tái Chu (Peng Zaizhou) giăng ở cầu Tứ Thông (Sitong) hôm 13/10 trước lễ khai mạc Đại hội Đảng, dù là hành động đơn lẻ, cho thấy xã hội Trung Quốc không đến nỗi bất động.
Alex Payette cho rằng “Ông Tập càng dấn tới thì càng tự cô lập khỏi xã hội”. Từ khi lên ngôi năm 2012, Tập Cận Bình đã tấn công chưa từng thấy vào xã hội dân sự mới hình thành vào đầu những năm 2000. Con người leo lên đến đỉnh cao quyền lực nhờ bề ngoài tỏ ra vô hại, năm 2015 đã cho bắt giữ 300 Luật sư nhân quyền trên toàn quốc; giải thể các tổ chức bảo vệ công nhân và tống giam những người phụ trách, buộc các tổ chức phi chính phủ và công ty tư nhân phải lập tổ đảng.
Trên mạng, những lực lượng độc lập xuất hiện trong thời kỳ mở cửa phải rút vào bí mật. Các biện pháp chống dịch càng giúp chính quyền kiểm soát chặt hơn. Ông Lâm Hòa Lập đưa ví dụ, một nhà ly khai không thể đến Bắc Kinh vì mã y tế màu đỏ, nên bị cấm đi máy bay và xe lửa. Nay thì trong cũng như ngoài Đảng, không còn ai có thể hình thành nổi một lực lượng chính trị đe dọa được “Người cầm lái vĩ đại” họ Tập, dù không loại trừ khả năng trong nhiệm kỳ thứ ba có những đối thủ dựa vào bất mãn trong xã hội để thách thức ông ta.
Nếu Tập Cận Bình phạm những sai lầm lớn, chẳng hạn tấn công Đài Loan (theo chuyên gia Lâm Hòa Lập là vào khoảng 2027-2032), sẽ không ai dám cản lại ông. Điều này rất nguy hiểm, Trung Quốc là một quốc gia quá lớn, quyền sinh quyền sát không thể nằm gọn trong tay một người lãnh đạo duy nhất.
Tập Cận Bình Thâu Tóm Hết Quyền Lực, Để Thách Thức Cả Thế Giới! Hay Tham Vọng Này Sẽ Là Một Thử Thách Đối Với Trung Quốc?
(Thanh Hà)*
-Đại Hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 đã kết thúc. Hôm 23/10/2022 trước ống kính truyền hình thế giới chính ông Tập Cận Bình thông báo được Đảng tín nhiệm giao phó thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Nhân vật số 1 của đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn đầu một phái đoàn 6 người trong Ban Thường Vụ mới của Bộ Chính trị: tất cả là những người trung thành với ông.
Việc trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất từ sau Mao Trạch Đông sẽ giúp ông Tập Cận Bình nhanh chóng thực hiện tham vọng đưa Trung Quốc trở thành “trung tâm” của thế giới, cho phép Bắc Kinh áp đặt trật tự mới về ngoại giao, quân sự và kinh tế? Hay trái lại đó sẽ là một trở ngại trên con đường xây dựng một xã hội “hài hòa” và thịnh vượng chung cho 1,4 tỉ người dân Trung Quốc?
Giáo sư về quan hệ quốc tế William Callahan, London School of Economics, được hãng thông tấn AP trích dẫn, lưu ý trong những phát biểu gần đây ông Tập Cận Bình luôn quan niệm hệ thống “quản trị”, lãnh đạo thế giới đang “đổ vỡ” và Trung Quốc là một “giải pháp” để xây dựng một mô hình, một trật tự mới. Càng lúc ông Tập càng tin rằng phong cách của Trung Quốc mới thực sự là một “mô hình phổ quát” để áp dụng cho thế giới. Chính vì lô-gic đó, Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách “zero-Covid” mặc dù công luận Trung Quốc càng lúc càng bất mãn vì những xáo trộn đối với kinh tế mà biện pháp này gây nên. Việc Bí thư thành ủy Thượng Hải, Lý Cường, được bổ nhiệm vào Ban Thường Vụ Bộ Chính trị và có triển vọng trở thành Thủ tướng là bằng chứng rõ rệt nhất cho phép đưa ra kết luận này. Lý Cường là người đã quyết định phong tỏa nghiêm ngặt Thượng Hải trong nhiều tuần lễ, gây phẫn uất trong công luận Trung Quốc.
Về kinh tế, đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra mục tiêu đến khoảng năm 2032 thu nhập bình quân đầu người tại quốc gia này phải tương đương với mức trung bình tại một quốc gia phát triển. Điều đó có nghĩa là trong hơn một chục năm, Trung Quốc sẽ phải tìm ra được một phép lạ kinh tế để “GDP tăng lên gấp đôi so với thời điểm 2020” như ghi nhận của hai chuyên gia Larry Hu và Yuxiao Zhang thuộc viện nghiên cứu tài chánh Macquarie, trụ sở tại Sydney (Úc Ðại Lợi). Đây sẽ là một nhiệm vụ khó hoàn thành vì nhiều lý do. Thứ nhất là nguồn lực lao động đang sụt giảm. Thứ hai là tham vọng lấy kỹ thuật cao làm động lực phát triển liên tục bị thách thức: Mỹ thu hẹp dần những khả năng cho phép các tập đoàn Trung Quốc tiếp cận với kỹ thuật mới của phương Tây. Thứ ba, theo hai chuyên gia của viện Macquarie, Bắc Kinh muốn kiểm soát chặt chẽ guồng máy kinh tế và điều đó sẽ không tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng.
Nhìn đến vế ngoại giao và an ninh, Đài Loan tiếp tục là “cái gai” theo quan điểm của ông Tập Cận Bình, nhất là khi đảng Cộng sản Trung Quốc gắn liền hồ sơ này với vấn đề “an ninh”. Trong chiều hướng đó, các chuyên gia chờ đợi Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh và phát triển sức mạnh quân sự. Đầu tư phát triển từ phi đạn đến tàu ngầm và những kỹ thuật cao phục vụ cho quân đội sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong những năm sắp tới. Giáo sư Callahan nhấn mạnh Trung Quốc muốn “thống lĩnh thế giới” và một trong những phương tiện để đạt được mục tiêu đó là “một đường lối cứng rắn về chính trị, về ngoại giao”.
Nhà nghiên cứu Jean Pierre Cabestan, thuộc Trung Tâm Asia Center tại Hồng Kông ghi nhận, với ban lãnh đạo mới, Chủ tịch Trung Quốc giờ đây đứng đầu một cơ quan quyền lực tối cao với toàn là những người thân tín. Ông không cần quan tâm đến việc phải tìm ra thế quân bình giữa các phe phái, chẳng hạn như là giữa cánh bảo thủ và phe chủ trương cải tổ; phe ôn hòa với cánh diều hâu. William Lam Đại học Hồng Kông nói đến một “thắng lợi toàn diện” của ông Tập và đó là dấu hiệu cho thấy ông “chuẩn bị để lãnh đạo đất nước lâu hơn nữa” chứ không chỉ dừng lại khi kết thúc nhiệm kỳ thứ ba. Với điều kiện, tất nhiên, là ông vẫn làm chủ được cuộc chơi trong “nội bộ Đảng” từ nay đến thời điểm đó. Chính ông Tập Cận Bình dường như cũng ý thức được điều này khi tuyên bố với gần 2 300 đại biểu toàn quốc “Đây sẽ là một hành trình dài hơi và đầy gian nan với những giai đoạn đều mang tính quyết định để chúng ta cùng đạt đến đích”, nghĩa là “xây dựng một mô hình Trung Hoa”.
Trung Quốc: Tập Cận Bình Giới Thiệu Với Thế Giới Về “Tân Binh Đoàn” Chiết Giang!
- Tân Hoa Xã ngày 24/10/2022 tiết lộ đích thân ông Tập Cận Bình can thiệp vào quy trình tuyển chọn thành phần Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Danh sách 205 và hơn 170 người dự khuyết đã được công bố cách nay 2 hôm. Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc có 25 ủy viên và Ban Thường Vụ Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên, đứng đầu là ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư. Thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm về những tiết lộ của báo chí chính thức Bắc Kinh:
“Việc chọn lựa những người thân tín với Chủ tịch đã được khởi động từ cuối 2020, theo như tiết lộ của Tân Hoa Xã. Trên cương vị Tổng Bí thư Đảng, đích thân ông Tập Cận Bình đã chủ trì một nhóm làm việc có trách nhiệm điều tra các cán bộ Đảng. Ông cũng đưa ra những chỉ thị về thể thức và tiêu chuẩn tuyển chọn nhân sự. Đương nhiên một trong những tiêu chuẩn đó là sự trung thành với Chủ tịch nước và xin trích ‘khả năng đương đầu với những biện pháp trừng phạt của phương Tây, và bảo vệ an ninh quốc gia’. Sau các cuộc điều tra về sự trong sạch của các ứng viên, 4 trong số 7 thành viên Ban Thường Vụ mới, cơ quan quyền lực cao nhất tại Trung Quốc, là những người trung thành với ông Tập Cận Bình. Một số đã từng trực tiếp làm việc với lãnh đạo Trung Quốc từ thời mà ông Tập còn là Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, một tỉnh phía Đông giàu có.
Nhà chính trị học Cao Chí Khải (Gao Zhikai) Phó Giám đốc cơ quan tư vấn Trung Quốc CGC (China Globalization Center) giải thích: ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, ông Tập đã nhân lên gấp đôi số lượng bộ phận quân đội của tỉnh. Ông đã can thiệp quản lý mọi khía cạnh trong đời sống chính trị, xã hội ở Chiết Giang. Qua đó ông đã thiết lập được nhiều quan hệ. Ông gặp gỡ các tỉnh trưởng, những người phụ trách công an các tỉnh, các lãnh đạo thành phố... và ông đã chú ý tới những người có năng lực từng cộng tác với ông. Đây hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên”.
Một đội ngũ trung thành mà một số người đã gọi là “tân binh đoàn Chiết Giang” với nhân vật nổi bật nhất là Lý Cường, Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Ông này không có kinh nghiệm trong chính quyền ở cấp trung ương. Trong 5 tháng, tân Thủ tướng Trung Quốc, một người trung thành với ông Tập, sẽ chỉ là cái bóng của Chủ tịch Trung Quốc”.
Tình Hình Chiến Sự Nga & Ukraine!
Chính Quyền Kherson Do Nga Dựng Lên Thiết Lập Lực Lượng Dân Quân Địa Phương
(Hình: Một binh sĩ Nga ở vùng Kherson.)
- Chính quyền do Nga cài đặt ở vùng Kherson của Ukraine hôm 24/10/2022 cho biết họ đang tổ chức một số nam thanh niên địa phương vào các đơn vị dân quân, theo thông tấn xã Reuters.
Trong một thông báo trên Telegram, nhà chức trách cho biết những nam thanh niên này có “cơ hội” tham gia các đơn vị bảo vệ lãnh thổ nếu họ chọn ở lại Kherson theo ý mình.
Tuy nhiên, những người ở các khu vực Ukraine bị chiếm đóng khác như Donetsk trước đây lại buộc phải tham gia và chiến đấu với quân đội ủy nhiệm của Nga trong cuộc chiến với Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước đã tuyên bố thiết quân luật ở các khu vực bị chiếm đóng, trao quyền cho chính quyền do Nga cài đặt để tăng cường huy động lực lượng.
Việc ép buộc dân thường phục vụ trong lực lượng vũ trang của một cường quốc chiếm đóng được định nghĩa là vi phạm Công ước Geneva về ứng xử trong chiến tranh.
Nhà chức trách Nga đã ra lệnh cho dân thường di tản khỏi Kherson, một trong bốn khu vực của Ukraine mà Nga cho biết họ đã sáp nhập vào tháng trước ngay cả khi lực lượng của Kyiv đã đạt được những thành tựu quân sự đáng kể.
Nga và các cơ quan ủy quyền của họ ở Kherson đã tăng cường cảnh báo khẩn cấp lệnh di tản khi đối mặt với cuộc phản công của Ukraine.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nga Sergei Kravtsov cho biết trong một thông điệp video hôm 23/10: “Điều quan trọng là phải giữ mạng sống của quý vị”.
Nhà chức trách cho biết vào cuối tuần rằng khoảng 25.000 người đã được di tản kể từ hôm 18/10, chủ yếu bằng thuyền qua sông Dnipro.
Phương Tây Bác Bỏ Cáo Buộc của Nga Về Việc Kyiv Sử Dụng “Bom Bẩn” ở Ukraine
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 24/10/2022, ba nước Pháp, Anh và Hoa Kỳ đã bác bỏ cáo buộc của Nga rằng chính quyền Kyiv đang chuẩn bị sử dụng một “bom bẩn” ngay trên lãnh thổ Ukraine. “Bom bẩn” là loại bom sử dụng chất nổ thông thường để rải chất phóng xạ trên một khu vực rộng lớn.
Trong một thông cáo chung, Ngoại trưởng của 3 nước phương Tây khẳng định: “Sẽ không ai bị lừa gạt về một mưu toan sử dụng cáo buộc này để lấy cớ làm xung đột leo thang”.
Tối 23/10, trên mạng xã hội, Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kouleba cho rằng cáo buộc của Nga về việc Kyiv sẽ sử dụng “bom bẩn” là những cáo buộc “vừa vô lý vừa nguy hiểm”. Về phần Tổng thống Volodymyr Zelensky, ông tuyên bố: “Nếu Nga nói Ukraine đang chuẩn bị làm việc gì, thì điều này chỉ có nghĩa là Nga đã chuẩn bị làm việc đó”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đưa ra cáo buộc nói trên trong các cuộc điện đàm với những đồng nhiệm phương Tây hôm 23/10. Từ thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga, thông tín viên Jean-Didier Revoin của Đài RFI tường trình:
“Ông Sergei Shoigu tuyên bố rất quan ngại. Trong các cuộc điện đàm với các đồng nhiệm phương Tây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga chỉ trích phương Tây chỉ lên án Mạc Tư Khoa mà không để ý gì đến những hành động khiêu khích của Kyiv.
Để làm nổi rõ tính chất trầm trọng của tình hình, Bộ trưởng Nga còn cảnh báo về nguy cơ chính quyền Ukraine sử dụng đến bom bẩn, bên cạnh việc liên tục kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí.
Các nguồn tin mà các hãng thông tấn Nga cho là đáng tin cậy cho biết là Kyiv có thể cho nổ một quả bom bẩn trên lãnh thổ Ukraine để cáo buộc Mạc Tư Khoa dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong chiến dịch quân sự của họ.
Đó là những thông tin không thể kiểm chứng được, nhưng cho thấy là các cỗ máy tuyên truyền của Ðiện Cẩm Linh đang chạy hết công suất vào lúc lực lượng Nga phải di tản thường dân khỏi Kherson, một thành phố mà chắc chắn sẽ là nơi diễn ra các trận giao tranh ác liệt”.
Tổng Thống Pháp Hy Vọng: “Hòa Bình Có Thể Được Tái Lập!” Tại Ukraine, Nhưng Phải Do Kyiv “Quyết Định!”
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay tình hình Ukraine đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu bật hôm 23/10/2022 tại Roma (thủ đô của Ý Ðại Lợi), khi ông khẳng định rằng hòa bình vẫn có thể được tái lập giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa, nhưng phải do người Ukraine quyết định.
Phát biểu nhân buổi khai mạc một hội nghi quốc tế về hòa bình do Cộng Đồng Sant’Egido, một tổ chức Công Giáo thân cận với Tòa Thánh Vatican, tổ chức, Tổng thống Pháp khẳng định: “Đến một lúc nào đó, tùy thuộc vào diễn biến của tình hình, và theo quyết định của người dân Ukraine và các lãnh đạo của họ, theo các điều kiện mà họ đề ra, hòa bình sẽ được xây dựng chung quanh bàn đàm phán, với phía bên kia, kẻ thù hiện tại”.
Đối với ông Macron, không được để cho hòa bình bị “sức mạnh của Nga chiếm đoạt”, bị “luật của kẻ mạnh chi phối”, và hòa bình cũng không phải là một cuộc ngừng bắn (đơn thuần), cho phép hợp thức hóa một sự đã rồi”.
Theo hãng tin Pháp AFP, dù vẫn ủng hộ Ukraine về mặt ngoại giao và quân sự để chông cuộc xâm lược của Nga, nhưng nguyên thủ quốc gia Pháp luôn chủ trương tiếp tục đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trái với một số lãnh đạo phương Tây khác và đặc biệt là Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Bên lề thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu (EU) tại Brussels (thủ đô của Bỉ) hôm thứ Sáu (21/10) tuần trước, ông Macron một lần nữa tỏ ý mong muốn Kyiv và Mạc Tư Khoa “trở lại bàn đàm phán” khi mà các điều kiện trở thành “chấp nhận được” đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky – và “càng sớm càng tốt”.
Quan điểm của Tổng thống Macron đôi khi bị chỉ trích, và ông đã tranh thủ bài phát biểu tại hội nghị hôm qua, để giải thích lập trường của mình trước hàng trăm nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới.
Phát biểu của Tổng thống Pháp Macron về Nga và Ukraine đã bị Mạc Tư Khoa đả kích. Trong một tuyên bố với báo giới vào hôm 24/10, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho rằng cả Tổng thống Pháp lẫn Thủ tướng Đức Olaf Scholz đều cho thấy thái độ “không muốn lắng nghe lập trường của phía Nga và tham gia vào bất kỳ nỗ lực nào liên quan đến hòa giải” nhằm tại lập hòa bình ở Ukraine.
Nga Tấn Công Nhà Dân ở Ukraine, Di Tản Kherson, Cảnh Báo Chiến Sự Leo Thang!
(Hình: Người dân xếp hàng lấy thực phẩm ở Mykolaiv, miền Nam Ukraine, ngày 24/10/2022.)
Trong một loạt các cuộc điện đàm tới các Bộ trưởng Quốc phòng phương Tây, thông tấn xã Reuters cho hay Nga bắn phi đạn và máy bay không người lái vào thị trấn Mykolaiv, miền Nam Ukraine, phá hủy một khu chung cư và nói rằng cuộc chiến đang có xu hướng “leo thang không kiểm soát”.
Cuộc tấn công vào thị trấn đóng tàu đánh cách tiền tuyến khoảng 35 cây số về phía Tây-Bắc ở Kherson diễn ra khi Nga ra lệnh cho 60.000 người di tản khỏi khu vực “để giữ lấy mạng sống của quý vị” khi đối mặt với cuộc tấn công đáp trả của Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thảo luận về “tình hình xấu đi nhanh chóng” trong các cuộc điện đàm với những người đồng cấp Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Ông Shoigu cũng nói chuyện qua điện thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin lần thứ hai sau 3 ngày. Ngũ Giác Đài cho biết ông Austin nói với ông Shoigu rằng ông “bác bỏ mọi lý do cho sự leo thang của Nga”.
Không cung cấp bằng chứng, ông Shoigu nói Ukraine có thể leo thang bằng cách sử dụng “bom bẩn”, hoặc chất nổ thông thường có tẩm chất phóng xạ.
Ukraine không sở hữu vũ khí nguyên tử, trong khi Nga tuyên bố có thể bảo vệ lãnh thổ bằng kho vũ khí nguyên tử của mình.
Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kuleba bác bỏ cáo buộc này, gọi đó là điều “vô lý” và “nguy hiểm”, đồng thời nói thêm: “Người Nga thường buộc tội người khác về những gì họ tự lên kế hoạch”.
Trong một tuyên bố chung sau cuộc hội đàm, Anh, Pháp và Mỹ cho biết họ cam kết hỗ trợ Ukraine “lâu bền” và bác bỏ cảnh báo của Nga về một “quả bom bẩn”.
Họ nói: “Các quốc gia của chúng tôi đã nói rõ rằng tất cả chúng tôi đều bác bỏ những cáo buộc sai trái của Nga rằng Ukraine đang chuẩn bị sử dụng một quả bom bẩn trên lãnh thổ của mình”.
“Thế giới sẽ nhìn thấu bất kỳ nỗ lực nào để sử dụng cáo buộc này như một cái cớ để leo thang”.
Bắc Hàn & Nam Hàn Căng Thẳng Chiến Tranh Leo Thang!
Hai Miền Triều Tiên Cùng Nã Pháo Cảnh Báo Gần Biên Giới Biển Trong Bối Cảnh Căng Thẳng Như Dây Đàn!
(Hình: Một kênh truyền hình loan tin về một tàu Hải quân Nam Hàn ngày 24/10/2022.)
Thông tấn xã Reuters cho hay hôm 24/10/2022, Bắc Hàn và Nam Hàn nã pháo cảnh báo ngoài khơi bờ biển phía Tây, cáo buộc lẫn nhau vi phạm biên giới trên biển của mình trong bối cảnh căng thẳng quân sự gia tăng.
Tham mưu trưởng Liên quân Nam Hàn (JCS) cho biết họ đã phát đi cảnh báo và bắn cảnh cáo để xua một tàu buôn của Bắc Hàn vượt qua Đường giới hạn phía Bắc (NLL), ranh giới trên biển trên thực tế, vào khoảng 3 giờ 40 phút sáng, giờ địa phương hôm 23/10.
Theo truyền thông nhà nước Bắc Hàn, quân đội Bắc Hàn cho biết họ đã bắn 10 loạt đạn rocket sau khi một tàu Hải quân Nam Hàn vi phạm biên giới biển và bắn cảnh cáo “với lý do truy tìm một chiếc tàu không xác định”.
Thông tấn xã Bắc Hàn KCNA dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên cho biết: “Chúng tôi đã ra lệnh cho các biện pháp đối phó ban đầu nhằm đánh đuổi mạnh mẽ chiến hạm của đối phương”.
JCS gọi hành động của Bắc Hàn là vi phạm Hiệp ước quân sự song phương năm 2018 cấm “các hành động thù địch” ở khu vực biên giới, đồng thời kêu gọi nước này chấm dứt “các hành động khiêu khích và cáo buộc liên tiếp”.
Một viên chức quân đội Nam Hàn cho biết họ đã tiến hành một “hoạt động bình thường” liên quan đến vụ xâm nhập biên giới.
Các cuộc nã pháo qua lại này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng âm ỉ, với việc Bắc Hàn tiến hành các vụ thử vũ khí với tốc độ chưa từng có trong năm nay.
Trong những tuần gần đây, Bắc Hàn đã nhiều lần phóng phi đạn-đạn đạo tầm ngắn và hàng trăm đợt pháo ra ngoài khơi bờ biển phía Đông và phía Tây của nước này để phản đối các hoạt động quân sự của Nam Hàn.
Quân đội Nam Hàn bắt đầu cuộc tập trận phòng thủ Hoguk hàng năm của họ vào tuần trước, được thiết kế để kéo dài đến ngày 28/10 và tăng cường khả năng của họ và kết hợp với Hoa Kỳ để chống lại các mối đe dọa nguyên tử và phi đạn của Bắc Hàn.
Bình Nhưỡng phản ứng giận dữ về các cuộc tập trận, gọi đây là các hành động khiêu khích và đe dọa các biện pháp đáp trả. Hán Thành và Hoa Thịnh Ðốn nói rằng các cuộc tập trận của họ mang tính chất phòng thủ và nhằm răn đe Bắc Hàn.
Việt Nam: Vẫn Chỉ Là Một Chư Hầu Ngoan Ngoãn!
Ông Nguyễn Phú Trọng Thông Báo: Tin Tưởng Hoàn Toàn Vào Hợp Tác Chiến Lược Toàn Diện Việt Nam-Trung Quốc!
(Hình: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng Bí thư Đảng CSVN.)
- Ông Tập Cận Bình đã được bầu làm Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc thêm 5 năm nữa. Như vậy, đây là nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của ông kể từ năm 2012.
Trang tin Thông tin Chính phủ loan tin trên trong ngày 23/10/2022 đồng thời đăng tải nguyên văn nội dung điện mừng của Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến ông Tập Cận Bình ngay sau khi ông này tái cử Tổng Bí thư khóa XX đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nội dung điện mừng có đoạn viết: “Tôi tràn đầy tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với Đồng chí là nguyên tử và sự định hướng của Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, toàn Đảng và toàn dân Trung Quốc nhất định sẽ hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội XX đề ra, sớm thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản hoàn thành hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, tiến tới xây dựng Trung Quốc thành quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp”
Bên cạnh đó, ông Trọng không quên nhắn gửi: “Tôi luôn luôn hết sức coi trọng và sẵn sàng cùng Đồng chí tiếp tục dành sự quan tâm cao độ, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương hai bên quán triệt, thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, đưa quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc lên một tầm cao mới, ổn định, lành mạnh, bền vững, đáp ứng lợi ích căn bản, lâu dài của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới”.
Ông Tập Cận Bình cũng được bầu làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, nắm giữ quyền lực cao nhất đối với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bầu ra 7 thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới.
Trong Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa XX, các ông Tập Cận Bình, Vương Hỗ Ninh và Triệu Lạc Tế là những ủy viên tái cử. Những thành viên mới bao gồm các ông Lý Cường, Thái Kỳ, Lý Hi và Đinh Tiết Tường.
Cũng trong ng ày 23/10, truyền thông Việt Nam loan tin Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un cùng Thủ tướng Pakistan Shebaz Sharif cũng đã gửi lời chúc mừng đến ông Tập Cận Bình.
Tổng thống Putin nói ông mong muốn tiếp tục phát triển “quan hệ đối tác toàn diện” giữa Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, trên Twitter cùng ngày, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif viết “Thay mặt toàn thể đất nước Pakistan, tôi chúc mừng Chủ tịch Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ 3”.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng Vội Vàng Hân Hoan Chúc Mừng, Đồng Chí Tập Cận Bình, Trúng Cử Nhiệm Kỳ 3. Ca Tụng Chưa Bao Giờ Có Tiền Lệ Trong Lịch Sử!
(Hình: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) được Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (giữa) tiếp đón tại một bữa yến tiệc ở Hà Nội vào tháng 12/2017. Ông Trọng đã gửi điện chúc mừng ông Tập trúng cử nhiệm kỳ 3 chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đang lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, đã gửi điện chúc mừng tới ông Tập Cận Bình, người vừa trúng cử nhiệm kỳ 3 trong một cuộc bầu chọn được xem là lịch sử ở Trung Quốc.
“Nhân dịp Đồng chí được bầu lại làm Tổng Bí thu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân danh cá nhân, Tôi thân ái gửi đến Đồng chí lời chúc mừng nồng nhiệt nhất”, ông Trọng viết trong điện chúc mừng được Báo Chính phủ đăng toàn văn hôm 23/10/2022.
Ông Tập, 69 tuổi, được bầu để lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ thứ 3 kéo dài 5 năm với tư cách là Tổng Bí thư hôm 22/10 tại Đại hội 20, trong đó lễ bế mạc còn gây chú ý bởi những hình ảnh cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ngồi cạnh ông Tập bị hộ tống ra ngoài. Việc ông Tập trúng cử nhiệm kỳ 3 đã phá vỡ tiền lệ và củng cố địa vị của ông là người cai trị quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông, nhà lãnh đạo sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ông Trọng cũng tái cử chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 3 chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam trong cuộc bầu cử tại Đại hội 13 hồi tháng 1 năm 2021 khi ông 77 tuổi. Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo Đảng lần thứ 2 vào năm 2016, ông Trọng đã tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng mà ông gọi là “không có vùng cấm”, được ví như chiến dịch “đả hồ diệt ruồi” của ông Tập để bắt và xét xử nhiều viên chức được cho là tham nhũng ở Trung Quốc.
“Tôi tràn đầy tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với Đồng chí là nguyên tử và sự định hướng của Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, toàn Đảng và toàn dân Trung Quốc nhất định sẽ hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội XX đề ra”, ông Trọng viết trong điện mừng gửi ông Tập.
Tại Đại hội 20 bế mạc hôm 22/10 sau một tuần nhóm họp, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua các sửa đổi điều lệ nhằm củng cố địa vị cốt lõi của ông Tập và vai trò định hướng của tư tưởng chính trị của ông, còn được gọi là Tư tưởng Tập Cận Bình, trong nội bộ đảng có khoảng 96 triệu thành viên.
Truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý hôm 23/10 đồng loạt đăng tin rằng Trung Quốc đã xác nhận ông Tập được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư thêm 5 năm nữa, đánh dấu nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp của ông kể từ năm 2012.
Ông Tập được Tuổi Trẻ trích dẫn nói trong cuộc họp báo quốc tế sau Đại hội 20 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh rằng ông “xin chân thành cảm ơn toàn Đảng vì sự tin tưởng mà các đồng chí đã đặt ở chúng tôi” cũng như cam kết sẽ “siêng năng trong thi hành nhiệm vụ để chứng tỏ xứng đáng với sự tin cậy to lớn của Đảng và nhân dân Trung Quốc giao phó”.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ người dân Trung Quốc ủng hộ ông Tập tiếp tục nắm quyền. Chỉ vài ngày trước khi Đại hội 20 khai mạc hôm 16/10, tại Bắc Kinh đã xuất hiện những biểu ngữ ghi các khẩu hiệu, bao gồm kêu gọi lật đổ Chủ tịch Tập và chấm dứt các chính sách chống dịch COVID-19. Các biểu ngữ này sau đó đã bị giới chức Bắc Kinh tháo dỡ.
Theo điện mừng ông Trọng gửi ông Tập, mục tiêu của Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc là “hoàn thành hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, tiến tới xây dựng Trung Quốc thành quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp”.
Bên cạnh Việt Nam, nước có cùng thể chế chính trị và quan hệ truyền thống với Trung Quốc trong 70 năm qua, các lãnh đạo của Nga, Bắc Hàn và Pakistan hôm 23/10 cũng đã gửi điện chúc mừng ông Tập đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 chức Tổng Bí thư. Cho tới lúc này, chưa có lãnh đạo phương Tây nào được biết đã chúc mừng ông Tập.
Trong điện mừng, ông Trọng nói “hết sức coi trọng và sẵn sàng” cùng ông Tập “đưa quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc lên một tầm cao mới”. Ông Trọng cũng bày tỏ mong muốn “gặp lại Đồng chí (Tập) để chúng ta cùng nhau đi sâu trao đổi những vấn đề chiến lược, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, đề ra những định hướng lớn cho tương lai phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét