Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :27/10/2022 - ĐHL


Chiến tranh Ukraina : Nga dọa « tấn công » vệ tinh thương mại của Mỹ và đồng minhẢnh minh họa : Một vệ tinh địa tĩnh. © Wikimedia. ESA, Cơ quan Không gian Châu Âu.- Thanh Hà - Hãng tin Nga Tass hôm nay, 27/10/2022, trích dẫn một quan chức cao cấp trong bộ Ngoại Giao Nga cho biết các vệ tinh thương mại của Hoa Kỳ và đồng minh có thể « là những mục tiêu chính đáng » để tấn công, nếu Mỹ và phương Tây các vệ tinh này để yểm trợ Ukraina.
<!>
Phát biểu trước Ủy ban giải trừ vũ khí của Liên Hiệp Quốc, ông Konstantin Vorontsov, phó Cục trưởng Cục kiểm soát vũ khí bộ Ngoại Giao Nga, khẳng định « vệ tinh thương mại của phương Tây nhằm hỗ trợ Ukraina trong chiến tranh là những mục tiêu chính đáng để tấn công », vì đây là một mối « nguy hiểm ». Theo ông, sử dụng vệ tinh thương mại vào mục đích quân sự cho Ukraina là một hành vi mang tính « khiêu khích ». Konstantin Vorontsov nói tới việc Mỹ và các đồng minh huy động thiết bị không gian phục vụ trong lĩnh vực dân sự và thương mại vào các cuộc xung đột vũ trang.

Lo ngại gia tăng tại khu nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia
Về tình hình chiến sự Ukraina, khu vực chung quanh thủ đô Kiev đêm qua, rạng sáng nay tiếp tục bị oanh kích. Tổng thống Zelensky tối qua cũng thông báo « chiến sự diễn ra rất ác liệt » gần thành phố Bakhmut, vùng Donetsk, miền đông Ukraina.

Sáng nay, chính quyền Crimée do Nga dựng lên báo động nhà máy điện Balaklava tại vùng này bị tấn công bằng drone, nhưng không bị nhiều thiệt hại.

Liên quan đến nhà máy điện Zaporijjia tại thành phố Energodar ở miền nam, lãnh đạo Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế, Rafael Grossi, chiều nay một lần nữa sẽ dự cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và sẽ kêu gọi thiết lập một vùng an toàn chung quanh nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này. Nga thì vẫn cáo buộc Ukraina tấn công nhà máy điện hạt nhân. Thông tín viên RFI Anissa ElJabri đã đến được sát gần nhà máy hiện do Nga kiểm soát:

« Báo động tối đa, còn hơn cả tại Kherson. Càng đến gần Energodar, các trạm kiểm soát càng nhiều. Ở vùng đồng bằng, trước khi vào đến thành phố, cứ mỗi ngã tư lớn đều có khoảng hơn một chục người lính. Xe cộ chỉ được đi qua một cách nhỏ giọt. Chỉ cần một dấu hiệu khả nghi nào đó là người ta bắt mở cốp xe để khám.

Energodar và nhà máy điện hạt nhân được kiểm soát ở mức độ rất cao. Alexander Gennadievich, quan chức Nga đặc trách cả về hành chính lẫn quân sự tại Energodar, cho biết: ‘Do các sinh hoạt của cả thành phố xoay quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia, cho nên an ninh không chỉ phải được được duy trì ở mức cao nhất, mà phải là ưu tiên tuyệt đối’..

Văn phòng của ông được đặt trong một tòa nhà mà mặt tiền đã bị trúng đạn. Ông nói tiếp : ‘Ở đây ai cũng biết, nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia phải được bảo vệ trong những điều kiện đặc biệt. Các chuyên viên sống và làm việc ở thành phố này trong một khu vực được đặt biệt theo dõi. Từ ngày 13/07/2022, thành phố cũng như nhà máy điện hạt nhân đã bị quân Ukraina oanh kích. Hiếm có đêm nào chúng tôi được ngủ yên’.

Chúng tôi được hướng dẫn đến gần nhà máy, nhưng vẫn cách xa khoảng chừng 200 mét. Một vành đai an toàn ghi rõ : 'Coi chừng trúng mìn'. Trong khu vực này chỉ có xe buýt chở nhân viên của nhà máy điện hạt nhân mỗi lần đổi ca. Rời nhà máy, họ trở về những căn hộ thường xuyên bị mất điện, có khi mất điện suốt 5 ngày vào lúc mùa đông đang đến. Tại các siêu thị, thì có thịt, trứng và sữa, nhưng giá cao gấp ba lần so với trước đây, theo lời dân cư trong vùng. Ở cổng vào Energodar, có một tấm biển thật to ‘chào mừng bạn đến với một trong những thành pố hạt nhân của Nga’ »

Nga bị tố dùng ảnh cũ của Slovenia để cáo buộc Ukraina về ''bom bẩn''


Những bức ảnh mà Nga sử dụng để tố cáo Ukraina chuẩn bị sử dụng bom bẩn bị Slovenia gạch chéo trên tài khoản Twitter của chính phủ (ảnh chụp từ màn hình). © twitter.com/govslovenia
Phan Minh
Slovenia hôm qua, 26/10/2022, thông báo, một trong những hình ảnh mà Nga sử dụng để cáo buộc Ukraina chuẩn bị cho nổ một quả "bom bẩn" là một bức ảnh cũ của cơ quan quản lý chất thải hạt nhân Slovenia.

Dragan Barbutovski, cố vấn của thủ tướng Robert Golob, cho biết : "Bức ảnh được bộ Ngoại Giao Nga sử dụng trong bài đăng trên Twitter là ảnh của ARAO (cơ quan quản lý chất thải hạt nhân của Slovenia) từ năm 2010 và đã được sử dụng trong các hội nghị". Ông Barbutovski nói thêm rằng bức ảnh đã được Nga sử dụng "mà không có sự đồng ý của ARAO". Cố vấn thủ tướng Slovenia còn khẳng định : ''Chất thải hạt nhân được cất giữ rất an toàn và được kiểm soát chặt chẽ ở Slovenia. Chúng sẽ không được sử dụng để chế tạo bom bẩn''.

Tuyên bố này từ phía Slovenia được đưa ra 2 ngày sau khi Matxcơva cáo buộc Kiev sắp hoàn tất việc phát triển một loại "bom bẩn" rồi cho nổ ngay trên lãnh thổ Ukraina để đổ trách nhiệm cho Nga.

Về phần Hoa Kỳ, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cũng tỏ ra hết sức cảnh giác với cáo buộc của Nga :

''Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào là Nga đang chuẩn bị cho việc sử dụng bom bẩn, hay nói thẳng ra là sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Điều quan trọng là phải nói rõ điều này ngay từ đầu. Nga có thói quen cáo buộc nước khác về những gì họ đang hoặc sắp làm. Đó là lý do tại sao chúng tôi rất cẩn trọng khi bộ trưởng Quốc Phòng Nga gọi điện cho bộ trưởng Lloyd Austin và nói rằng họ có thông tin Ukraina đang chuẩn bị sử dụng một quả bom bẩn. Rõ ràng đây là những cáo buộc không đúng sự thật. Ukraina không hề nghĩ tới chuyện đó và không có ý định làm vậy. Cho nên chúng tôi rất cẩn trọng với cáo buộc của Nga. Chúng tôi bảo đảm rằng sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết để giúp Ukraina tự vệ.''

Tổng thống Nga giám sát cuộc thao dượt về khả năng "răn đe hạt nhân"


Một hỏa tiễn Iskander-K có thể mang đầu đạn nguyên tử được phóng đi trong một cuộc thao dượt do tổng thống Nga Vladimir Putin đích thân giám sát. Ảnh chụp từ video của bộ Quốc Phòng Nga ngày 19/02/2022. © AP
Thanh Hà
Ngày 26/10/2022, từ điện Kremlin, tổng thống Vladimir Putin đã giám sát một cuộc thao dượt quy mô nhằm kiểm tra khả năng « sẵn sàng đáp trả » của các lực lượng « tấn công chiến lược Nga » trong trường hợp nước Nga bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Đây là một cuộc diễn tập thường niên và Matxcơva đã thông báo cho Hoa Kỳ.

Hãng tin Anh Reuters cho biết, chương trình diễn tập mang tên « Grom – Sấm sét » diễn ra cùng lúc với chiến dịch Steadfast Noon mà khối NATO đang tiến hành ở châu Âu, tại một nơi cách biên giới Nga chừng 1000 km.

Chiến dịch Grom nhằm thẩm định « khả năng răn đe chiến lược của các quân chủng Bộ Binh, Hải Quân và Không Quân », huy động từ tàu ngầm đến oanh tạc cơ chiến lược và cả tên lửa đạn đạo.

Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga, tướng Valeri Guerassimov được Reuters trích dẫn, thông báo trong cuộc diễn tập hôm qua, đã có những bài tập bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân. Nhiều oanh tạc cơ TU-95M có mang theo tên lửa hành trình đã được huy động. Đài truyền hình nhà nước Nga đã chiếu những hình ảnh một chiếc tàu ngầm đang chuẩn bị bắn tên lửa từ biển Barents trong vùng Bắc Cực.

Thông cáo của điện Kremlin kết luận « tất cả các mục tiêu đề ra trong chương trình thao dượt về khả năng răn đe đều đã được thực thiện và tất cả các tên lửa được huy động trong chương trình đều bắn trúng mục tiêu ».

Cách nay hai ngày, bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết đã được Matxcơva thông báo về cuộc diễn tập nói trên, diễn ra cùng lúc với chương trình thao dượt về khả năng « răn đe hạt nhân » do Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành.

Từ ngày 17/10/2022, 14 thành viên NATO tham gia chương trình diễn tập mang tên Steadfast Noon, huy động khoảng 60 chiến đấu cơ, trong đó có loại Tornado và F-16 của Mỹ, các loại máy bay trinh sát và máy bay vận tải. Steadfast Noon dự trù kéo dài hai tuần trong một khu vực trải rộng từ Anh Quốc đến vương quốc Bỉ và trong khu vực Bắc Hải.

ASEAN kiên quyết duy trì “Đồng thuận 5 điểm”nhằm giải quyết khủng hoảng Miến Điện


Cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN ở Jakarta, Indonesia, ngày 27/10/2022. REUTERS - POOL
Trọng Nghĩa
Ngoại trưởng Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN ) hôm nay, 27/10/2022, đã cam hết sẽ “quyết tâm hơn nữa” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Miến Điện. ASEAN vẫn ủng hộ bản kế hoạch hòa bình “Đồng thuận 5 điểm” đã đồng ý với Naypyidaw, cho dù một số nước đã bày tỏ lo ngại trước việc tập đoàn quân sự Miến Điện không tuân thủ kế hoạch này.

Phát biểu sau cuộc họp khẩn tại Jakarta, ông Prak Sokhonn ngoại trưởng của Cam Bốt, nước hiện là chủ tịch luân phiên của ASEAN, đã khẳng định: “ASEAN không nản lòng, mà còn quyết tâm hơn nữa để giúp Miến Điện tìm ra một giải pháp hòa bình”.

Theo hãng tin Pháp AFP, các ngoại trưởng ASEAN đã tái khẳng định cam kết của họ đối với kế hoạch 5 điểm, được đề xuất lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2021, yêu cầu chấm dứt bạo động, mở đối thoại giữa các bên và cho phép một đặc phái viên ASEAN đến Miến Điện để hỗ trợ đối thoại.

Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, trong một cuộc họp báo sau hội nghị, lãnh đạo ngành ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết các ngoại trưởng ASEAN cũng “bày tỏ nỗi quan ngại và thất vọng về việc không có tiến bộ đáng kể nào trong việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm”.

Bất chấp các phản ứng quan ngại và cố gắng can thiệp từ phía ASEAN, mà Miến Điện là thành viên, tình hình đã không hề được cải thiện. Miến Điện đã rơi vào hỗn loạn kể từ sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2/2021. Theo một tổ chức theo dõi tình hình nhân quyền ở Miến Điện, đã có hơn 2.300 người bị thiệt mạng trong những cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội Miến Điện nhắm vào những người chống đảo chính.

Mỹ lên án tập đoàn quân sự Miến Điện
Trước ngày mở ra cuộc họp tại Jakarta, Hoa Kỳ đã lên tiếng thúc giục ASEAN có hành động mạnh mẽ trên hồ sơ Miến Điện. Phát biểu tại Washington, ông Daniel Kritenbrink, phụ trách vùng Đông Á trong bộ Ngoại Giao Mỹ, đã lên án việc tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện đang “phá hủy hoàn toàn tất cả những tiến bộ đạt được trong thập niên qua” khi quốc gia Đông Nam Á này chuyển đổi sang nền dân chủ.

Theo nhà ngoại giao Mỹ, Washington rất “tôn trọng” ASEAN, nhưng gần đây, nhiều quan chức Mỹ đã phải bày tỏ thái độ thất vọng trước sự thiếu tiến bộ của Miến Điện trong việc đáp ứng lời kêu gọi của khối Đông Nam Á chấm dứt bạo lực và tăng cường đối thoại.

Vào tháng 7 vừa qua, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cho rằng khối ASEAN phải buộc chính quyền Miến Điện chịu trách nhiệm về tình hình hiện nay, nhưng lấy làm tiếc là “chưa thấy được các chuyển biến tích cực theo hướng đó."

Lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing sẽ không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Cam Bốt vào tháng 11 tới đây, năm thứ hai liên tiếp. Ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin đã bị loại khỏi các cuộc họp cấp bộ trưởng.

Chiến tranh Ukraina thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sang năng lượng xanh


Ảnh minh họa: Năng lượng hóa thạch gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất bị hâm nóng. © Fabrice Coffrini / AFP
Phan Minh
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm nay 27/10/2022 cho biết, tác động nghịch lý và tích cực về mặt khí hậu của việc Nga xâm lược Ukraina là lượng khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2025, sau khi các nước tăng cường đầu tư vào các loại năng lượng bền vững, do các thị trường năng lượng thế giới được định hướng lại một cách sâu rộng .

Trong báo cáo thường niên 2022, được công bố 8 ngày trước khi diễn ra Hội nghị Khí hậu Thế giới COP27, IEA cảnh báo về việc phải chống lại "sự cách biệt" giữa các nước giàu và nước nghèo trong lĩnh vực đầu tư vào năng lượng không hóa thạch, kêu gọi một "nỗ lực to lớn của quốc tế" để giảm bớt "sự chênh lệch đáng lo ngại" này.

Giám đốc IEA Fatih Birol cho biết : "Phản ứng của các chính phủ trên thế giới đối với cuộc khủng hoảng năng lượng này là một bước ngoặt lịch sử. Cuộc khủng hoảng này thực sự đã thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sang năng lượng xanh. Các thị trường năng lượng và các chính sách công đã thay đổi kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, thay đổi không chỉ bây giờ mà còn trong nhiều thập kỷ tới."

Trong khi một số quốc gia đang tìm cách gia tăng hoặc đa dạng hóa nguồn cung cấp dầu và khí đốt - nhiên liệu hóa thạch có lượng khí thải CO2 cao, thì nhiều quốc gia đang cố gắng đẩy nhanh các thay đổi cơ cấu để hướng tới năng lượng xanh.

Ông Birol lưu ý : "Chúng ta đang tiến gần tới sự kết thúc thời kỳ hoàng kim của khí đốt. Nhu cầu đối với khí đốt, đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến, đang giảm nhờ các công nghệ tái tạo và hiệu quả hơn."

Không có nhận xét nào: