Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Lang Thang Trong Vườn Địa Đàng - Tràm Cà Mau


Một bà cụ 85 tuổi, mỗi ngày đi bộ thể dục hơn một giờ trên hè đường phố Paris, để cho khỏi sụm vì bệnh hoạn. Bà nói: “Mình phải tự thương, lo cho sức khỏe mình. Sức khỏe là cái mỗi người phải tự lo lấy, không ai giúp ai được. Con cháu có thương, thì biếu quà, dúi chút tiền bạc, chứ không thể cho mình sức khỏe được.” Tiếng của bà khào khào đứt quảng vì tuồi già, chân đi lụm khụm, bước vụng về. Nhưng mưa cũng như nắng, mỗi ngày xuống phố đi bộ. Tôi bước theo bà trên một quảng đường dài, nghe bà kể chuyện ‘ngày xưa’ về một ‘xứ’ có tên là Sài Gòn. Nơi đó, bà có một tiệm bán thực phẩm Pháp ở vùng Tân Định. Bà đã nuôi bốn người con cho đi du học Pháp, đều thành tài và có địa vị khá trong xã hội.
<!>
Nhớ lời cụ nói, sức khỏe là cái mà mình phải tư lo cho mình, nên mỗi ngày tôi lái xe ra công viên gần nhà tung tăng thả bước thong dong. Tôi nghĩ, không tập thể dục là quỵ luôn, và đời sống sẽ thiếu phẩm chất, mất đi nhiều sinh thú. Ưu tiên số một của người cao tuổi như tôi là bảo tồn sức khỏe, thắng lại cái đà suy thoái, để nó xuống chậm chừng nào tốt chừng đó. Không mong giữ được sức khỏe ở mức ngang bằng mãi. Chấp nhận, vẫn cảm thấy nó xuống dần mà không lo sợ, vì đó là luật tự nhiên của tạo hóa.

Công viên nầy vuông vức, mỗi chiểu rộng một dặm. Cây cối xanh um, cỏ mướt tươi mát, cắt xén sạch sẽ gọn gàng. Có những con đường tráng xi măng cho bộ hành, uốn lượn quanh co, vòng đi khắp bốn hướng. Hai hồ nước lớn cho dân ghiền câu thả cần. Gần chục cái nhà mát, với ghế dài, bàn dài cho dân chúng tổ chức họp mặt ăn uống. Quý nhất là có gần chục nhà vệ sinh, mỗi nhà có đúng mười phòng, các ông bà già khỏi lo ôm bụng chạy đi tìm trong những lúc khẩn cấp. Có ba sân đá banh, ba sân côn cầu, nhiều sân đánh banh quần vợt, bóng chuyền, một khu sân gôn lớn, nhiều sân bóng rổ, thêm một xạ trường cho những người ưa chơi trò bắn cung tên.

Khi đang thong dong thả bước qua một nhà mát, hai ông bạn già kêu tôi lại, mời ngồi nghỉ chân một lát, cùng nhấp chén trà cho thông cổ. Hai chiếc xe đạp tựa bên gốc cây. Trên bàn có bình thủy đựng trà, mấy cái ly nhựa và một dĩa bánh khô, thêm các thứ hạt trộn lẫn. Hai ông bạn già đang khề khà ăn uống và nói chuyện vui cười râm ran. Thấy hai ông bạn ngồi rung đùi, với dáng thảnh thơi nhàn tản, tôi nói đùa:

“Trông hai anh sung sướng, nhàn tản như tiên ông.”

Bạn tôi, anh Sáu cười hỏi: “Anh có biết cuộc sống trong trong vườn địa đàng ra sao không?”

Tôi lắc đầu: “Tôi đã ở trong vườn địa đàng đâu mà biết?”

“ Có phải ở đó, tiên ông tiên bà thong dong dạo chơi, thanh thản tâm thần, không lo âu cho cơm áo gạo tiền, chẳng cần cực nhọc lao động mà không sợ đói khát. Suốt ngày cứ tà tà cà nhỏng, ưa làm gì thì làm, không ngại phí phạm thời giờ, không bị ai kiềm chế, kiểm soát, thúc hối. Họ có đầy đủ tự do, sung sướng. Bây giờ đây, anh, tôi và anh Bảy cũng gần giống như vậy. Thì chúng ta không đang ở trong vườn địa đàng hay sao? Chúng ta đều thành tiên rồi, anh không biết hay sao?”

Tôi trêu chọc: “Hừ, tiên mà không có cánh, phải đi xe đạp.”

Anh Sáu cười bảo: “Anh đừng nói thế, có nhiều loại tiên khác nhau.Tiên nầy không cần cánh, có cánh chỉ thêm vướng víu, khó chịu. Anh thử tưởng tượng, nếu chắp cho anh đôi cánh trên vai, làm sao mà mặc áo, và ngủ thì nằm sấp như gà vịt, chán lắm. Mình thành tiên, vì đã sung sướng như tiên rồi.”

Hớp một ngụm trà anh Sáu tiếp: “Anh nhìn xem trong công viên nầy, thú vật và mọi người đều như toát ra niềm hoan lạc tự nhiên, hạnh phúc đầy tràn. Cầm thú không hề biết sợ sệt, sống thong dong. Xem đàn quạ bay lượn tung tăng, lũ sóc nhảy nhót vui đùa, chạy theo người đi bộ xin ăn, bọn vịt trời cả mấy trăm con hụp lặn dưới nước, đứng nghỉ ngơi trên bờ, thong thả nhặt từng cọng cỏ non, thấy người đi qua không thèm tránh đường. Kìa mấy anh cò tư lự nhàn nhã nhìn trời đất. Người và vật thân thiện, không sợ hãi, không e dè nhau. Đới sống an bình, hoà hợp.”

Anh Sáu chỉ qua nhà mát bên kia, có bốn ông và ba bà già Mỹ đang ngồi nói chuyện râm ran, thỉnh thoảng cùng cười vang rộ. Anh nói: “Trông vào họ, có giống như bầy tiên đang vui hưởng sung sướng nhàn nhã của cõi thiên thai không?”

Anh Sáu và anh Bảy mỗi ngày cùng đạp xe ra đây rồi đi bộ loanh quanh. Theo anh Sáu thì đi bộ là lối tập thể dục tốt và nhẹ nhàng, thích hợp nhất cho người lớn tuổi. Không cần đi nhanh, đi vừa với sức của mình. Cũng không cần quy định phải đi bao lâu, bao xa, nhưng nên đi cho đến khi nào mồ hôi ra lấm tấm lưng, là đạt được mục tiêu của việc thể dục. Ngày nào bận việc, không đi bộ thể dục, thì trong người anh mõi mệt, bần thần. Những lúc đó, thì anh phải đi quanh quanh trong phòng khách, vừa đi vừa nghe tin tức thế giới trên máy truyền hình.

Phần anh Bảy, dù ở một mình, bị vợ bỏ, cũng tự xưng là tiên. Ông tiên nầy đã tốt nghiệp “tiến sĩ tù”, học tập cãi tạo mười hai năm, vợ hết kiên nhẫn đợi chờ. Chính anh cũng khuyên vợ tìm đường thoát ra khỏi thiên đàng xã hội chủ nghĩa. Phần anh, thì cứ xem như đã đi đong rồi. Nghe tin vợ vượt biên thành công, anh vui mừng và “yên tâm cải tạo” hơn. Nghe tin vợ bước thêm bước nữa, anh có buồn, nhưng không oán, không giận, còn thông cảm và thương cho hoàn cảnh của người đàn bà khi bơ vơ nơi đất khách quê người, phải tìm chỗ nương tựa. Anh nghĩ chị làm đúng, để sống còn, và nuôi con. Anh nói: “Bây giờ tôi khỏe lắm ông à. Muốn làm chi thì làm, tự do hơn cả hồi hai mươi mấy tuổi độc thân. Không còn ưu tư, lo lắng chi cho tương lai, danh vọng, tiền tài, tình yêu, sao mà nhẹ nhàng sung sướng đến thế nhỉ?”

Anh Bảy được đi Mỹ theo diện nhân đạo HO. Khi đi, một chiến hữu cũ xin anh đem theo cô con gái của ông, cô nầy goá chồng khi còn trẻ, đã có hai con. Cũng chỉ là để cứu vớt đời cô và hai đứa bé. Đem cô theo với danh nghĩa vợ chồng, nhưng không chung chăn gối. Ngày xưa là chú cháu, phải đổi cách xưng hô lại là anh em. Thời gian đầu sống chung nhờ trợ cấp xã hội. Về sau, khi cô kiếm được việc, có thể tự lập, thì anh Bảy dọn ra riêng. Cô cũng có đề nghị anh Bảy biến chuyện giả thành thật, để nương tựa nhau nơi quê người trong quãng đời còn lại. Nhưng anh Bảy thấy lấn cấn vì cái tình bạn với ông bố cô, nên từ chối khéo. Không lâu sau đó, anh Bảy tìm cho cô một chàng goá vợ, họ kết hôn, sống hạnh phúc. Thỉnh thoảng vợ chồng cô cũng lui tới thăm viếng chăm sóc hỏi han.

Anh Sáu trêu chọc: “Ông Bảy nầy câu nệ quá trời. Cô cháu tình nguyện nâng khăn sửa túi, mà cũng không chịu, lại đùa đẩy cho người khác chịu trận. Tôi mà ở hoàn cảnh anh, thì xong rồi, vì dù sao trên giấy tờ và pháp luật, cũng đã là vợ chồng, thì càng thuận tiện. Tôi tin, nếu ông bố cô biết được chuyện giả thành thật thì cũng mừng chứ không trách cứ gì đâu. Tôi thấy anh cũng giỏi thật, cục mỡ để trước miệng mèo đói mà chẳng liếm láp chi cả. ”

Ông Bảy cười cười: “Nhiều người bảo tôi tốt, đàng hoàng, cái đó chỉ đúng một phần nhỏ thôi. Trong mỗi người, có một con quỷ ẩn nấp, thập thò, chờ dịp xông ra làm điều bậy bạ. Khi mình không đè nén nó được, thì rắc rối ập đến liền. Tôi cũng đã suy nghĩ kỹ lắm. Cái tuổi chúng ta, sau bao năm lao tù đày đọa, sức lực chẳng còn lại bao nhiêu, vướng vào một người đàn bà trẻ, thì chỉ mang khổ vào thân mà thôi. Cũng làm khổ họ nữa. Rồi bị cắm sừng tua tủa trên đầu, là chuyện đương nhiên phải đến. Tuổi nầy mà lập gia đình lại, thì cũng chẳng khác nào đi đã gần đến đích, mà quay về từ khởi điểm để đi lại. Tôi cũng biết rõ tình đời. Mình làm ơn, đem người ta từ miền địa ngục lên đến thiên đường, họ thấy ân nghĩa đó to tát lắm. Nhưng nếu loạng quạng, chỉ một lần thôi, một lần mò vào giường họ, thì bao nhiêu ân nghĩa đều rủ sạch, bao nhiêu kính trọng đều tiêu tan, và đang là người tốt, trở thành kẻ xấu xa lợi dụng. Tuổi già, nếu thấy cô đơn không chịu nổi, thì kiếm bạn, làm bạn mà thôi. Bạn bè, thường biết tôn trọng nhau, không đòi hỏi trách nhiệm, bổn phận, nên ít có cái quyền trách móc hờn giận nhau. Tôi không thấy cô đơn bao giờ, tôi thích thú với đời sống một mình hiện tại.”

Tôi vỗ vai ông Bảy và hỏi: “Thế thì, khi ‘tiên’ đau ốm, lấy ai chăm sóc, ai nấu cho chén cháo, pha cho ly nước ?”

Ông tiên Bảy cười: “Khỏi lo, trong cái chúng cư tôi ở, có mấy ông bà bạn già, họ cũng sống một mình. Mỗi sáng chúng tôi kêu điện thoại cho nhau, xem đêm qua có ai được Chúa rước đi chưa, hoặc đang nằm hôn mể không cựa quậy được. Nghe tiếng nhau là biết còn sống, mừng lắm. Lần nọ, khi hai giờ sáng, điện thoại reo, tôi nghe tiếng ông bạn ở phòng bên kia, giọng ú ớ, tôi vội vàng chạy qua. Chúng tôi đều có chìa khóa khẩn cấp của nhau. Tôi kêu xe cấp cứu, đưa bạn vào bệnh viện, hôm sau phải mổ tim liền. Chỉ nằm có bốn hôm thì bệnh viện cho về nhà, tôi phải chăm sóc ba tuần, ăn ngủ tại nhà bạn. Về sau tôi mới biết, những trường hợp nầy, nếu không có lợi tức cao, thì xin vào những trung tâm chăm sóc đặc biệt, nhà nước sẽ đài thọ tất cả chi phí.”

Anh Sáu cười ranh mảnh: “Như anh Bảy đây, nhờ độc thân mà có cả chục tiên bà vây quanh, bà nào cũng săn đón, vồn vã lấy lòng. Đau yếu có lo gì, các bà tranh nhau chăm sóc cưng chiều. Nhưng anh còn làm bộ, treo cao giá ngọc. Tôi đoán anh Bảy chưa chịu bà nào, vì lòng tham lam lớn quá. Nếu chọn một bà, thì mất hết mấy bà kia. Cứ ỡm ờ thế mà có lợi hơn.”

Anh Sáu nói với giọng vui vẻ: “Tôi vẫn cho là mình đã thành tiên rồi đó. Không sai chút nào. Bây giờ có tự do, sống thong dong, chẳng lo âu gì cả. Nhớ lại cái thời bị ‘cách mạng’ đuổi, không cho đi dạy mà ớn lạnh. Dạo đó, anh em đùa là thầy “mất dạy”. Tôi đi bán cà rem trên chiếc xe đạp cà tàng để kiếm sống. Đứng trước cỗng trường, học sinh cũ xúm lại mua, như để ủng hộ thầy cựu hiệu truởng. Nhưng cũng không được yên thân. Bọn ban giám hiệu, là cán bộ miền Bắc, xua đuổi, cấm đoán. Họ bảo rằng thầy ‘cựu hiệu trương’ đi bán cà rem là bôi bác cách mạng. Tôi quay qua nghề đạp xe ôm, sức yếu, đạp xì khói. Phải đội cái nón che khuất mặt, để người muốn đi xe không nhận ra ‘thầy hiệu trưởng cũ’. Nếu biết, họ không dám đi, không đành lòng. Có lần đang chở anh thanh niên đi xa về, nhận ra thầy cũ, anh cứ nằng nặc đòi “để con chở thầy, ngồi cho thầy đạp lòng con không yên”. Tôi nói đừng áy náy chi cả, nay đã đổi đời, nghề mới của thầy cũng lương thiện, không có gì sai trái cả. Khi đến nơi, hắn dúi cho tôi một nắm tiền, tôi không lấy, vì nhận ra hắn cũng rách rưới. Thầy trò cứ giằng co mãi. Sợ hắn áy náy, tôi bảo rằng bây giờ, cái tình là quý, cứ yên tâm, biết đâu sau nầy em sẽ giúp thầy việc khác to tát hơn. Nói vậy thôi, nhưng không ngờ thành sự thực. Hơn một năm sau, anh học trò cũ nầy đến kêu tôi đi vượt biên không phải đóng tiền. Sống trong xã hội đó, nếu chỉ nghèo đói rách rưới cùng cực thôi, thì cũng còn có thể chịu được. Nhưng chính sách cai trị vô cùng hà khắc, những kềm kẹp vô lý, bị khủng bố tinh thần, đe dọa, áp bức, nên người ta mới liều thân đi ra biển tìm tự do. Bây giờ, chúng ta không những có tự do, còn được no ấm, thong dong, an bình trong một xã hội văn minh. Thì thiên đường là đây rồi. Cái công viên nầy chẳng phải lả vườn địa đàng, thì là cái chi đây? Tôi là tiên, anh là tiên, mọi người quanh đây đều là tiên, và cả lũ kia, là tiên vịt, tiên ngỗng, tiên sóc, tiên chó, tiên quạ. Ha ha ha, chúng ta đang ở trong vườn địa đàng.”

Tôi cười vang cùng ông bạn và nói: “Sung sướng quá, hôm nay tôi được phong làm tiên ông. Thế mà ở nhà, bị vợ cho là ông già quỷ sứ xấu xa vô tích sự. Bây giờ chúng ta gọi nhau là ‘tiên bạn’, và gọi mọi người, vật quanh đây là tiên, cho sướng cái cuộc đời.”

Chúng tôi cùng đi bộ qua các đường quanh co tráng xi-măng. Đi ra ven hồ nước. Mấy ông tiên ăn mặc xốc xếch ngồi buông cần câu cá, họ mơ màng nhìn trời nhìn đất, xem ra chẳng màng chuyện cá cắn câu. Vài ông có bà ngồi bên cạnh, vợ chồng cười rúc rích qua câu chuyện vui nào đó, im bặt khi thấy chúng tôi đi qua.

Qua một nhà mát, chúng tôi nghe văng vẳng ồn ào tiếng Việt Nam, cùng ghé lại xem. Thấy có hai ông tiên đang đánh cờ, vừa chơi vừa trêu chọc nhau. Hai tiên bạn khác đứng ngoài mách nước. Một ông trẻ hơn, cứ chuyển được một nước cờ, thì hát ông ổng một câu ca có liên hệ đến tên con cờ. Xem như không có ai chung quanh. Khi lên con ngựa, ông ngoác miệng hát oang oang: “Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời. Đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời. Ngựa phi như điên cuồng, giữa cánh đồng, giữa cơn giông…” Rồi ông đưa ngón tay chỉ vào bàn cờ mà cười hinh hích: “Ngựa phóng vào đây, rồi xuống đây, thọc qua đây nữa, lấy chi mà cản. Xin hàng sớm đi cho dân đỡ khổ ông ơi.”

Đối thủ là một tiên ông có bộ râu dê màu tiêu muối rung rung, cười nói: “Con ngựa què sắp chết, đừng có làm tàng. Pháo tui về đây, ém nó lại, có mà chạy đàng trời. Rồi sẽ làm thịt con ngựa đãi anh em nhậu chơi…” Tiên trẻ thọc con xe xuống sâu và ca: “Em lên xe hoa rồi, biết rằng sầu để một người… Sầu quá đi chứ.” Rồi ông đổi qua giọng cải lương ca tiếp “Tướng quân đang lâm nguy, không sầu sao đặng…” Chừng năm phút sau, ông tiên trẻ đang lâm vào thế bí, cầm mấy con cờ, gõ côm cốp xuống bàn, đánh nước thí quân, vừa hát lớn: “Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh? Hy sinh. Hy sinh…” Ông tiên râu cười hăng hắc trêu: “Gáy, gáy nữa đi! Hy sinh thế là cùi rồi. Dù đốt cả Trường Sơn, thí thêm mấy triệu nhân mạng, thì cũng không cứu được.”

Tôi và hai ông tiên Năm, tiên Bảy rời nơi đánh cờ, tiếp tục thong thả tản bộ. Nhiều tiên ông, tiên bà dắt chó chạy tung tăng. Một tiên ông gầy gò, chỉ còn da bọc xương, lưng đã còng, vừa chạy vừa thở phì phò, nhưng không quên chào chúng tôi. Đi ngược chiều, có bà tiên mấp ú, núng nính trong khối mỡ mòng, vần cái thân bồ tượng mà đôi mông ngúc ngoắc qua lại trông như đuôi con vịt bầu. Vài tiên cô vừa đi vừa nói một mình, tay khua vào không khí, không phải họ bị bệnh thần kinh, mà đang dùng phép thuật “truyền âm ngàn dặm” qua chiếc điện thoại cầm tay.

Bên trong khu tập bắn, mấy ông tiên đang dương cung, nhắm những tấm bia có vòng đồng tâm, thả tên bay vút đi cắm phập vào. Phía trái, có ba sân côn cầu, đám tiên đang chơi đùa vui vẻ vang động tiếng cười dòn vui. Trên hai sân bóng đá, đám tiên trẻ tranh nhau lừa banh chạy tới chạy lui, bên ngoài sân đông đúc kẻ thưởng ngoạn la hò cổ võ ồn ào.

Khi đi ngang qua một bà có bộ ngực vĩ đại. Ông tiên Bảy nói: “Anh có biết Thánh kinh mô tả thiên đàng ra làm sao không? Ở đó “chảy tràn cả mật và sữa.” Anh cứ về mở tủ lạnh của anh ra, trong đó cũng có đầy cả mật và sữa. Chứng cớ rõ ràng, thế mà anh cứ mĩa mai chúng tôi mãi.”

Ông tiên Sáu nhẹ nhàng bồi thêm: “Tôi chịu nhất câu viết trong một cuốn sách truyền giáo rằng: ‘Về thiên đàng không tốn kém chi cả.’ Thật vậy, thiên đàng có sẵn trong ta, trong tâm mỗi người. Nếu ta thấy được cái sung sướng, cái phước hạnh hiện đang có, tức đã về đến thiên đàng rồi đó. Những ai còn mong ước nhiều hơn cái đang có, còn tham vọng lớn, ước vọng bé, thì chưa thấy được thiên đàng. Đó là điều tất yếu”.

Khi về nhà, tôi chạy vào báo cho vợ biết tôi đã thành tiên rồi. Vợ tôi cười và nói: “Đừng ham thành tiên. Tiên thường không có một đồng xu dính túi. Tiên không có phở, bún bò, bánh xèo, thịt kho, cá nướng mà ăn. Làm người trần tục, có niềm vui pha nỗi buồn, có sung sướng lẫn khổ đau, có thương yêu xen giận hờn, có khi an bình, lúc âu lo, có thanh cao, có chút tội lỗi. Đủ cả. Vui hơn. Những thứ nầy gom lại, làm thành ý nghiã và hương vị cuộc đời. Em không muốn thành tiên đâu! Vả lại, thành tiên rồi thì đâu còn cái quyền cằn nhằn chồng con?”
Tôi chịu thua, đáp lại: “Em cứ giữ cái tâm của người trần tục đi, để một mình anh thành tiên thôi, cũng đủ cho thăng hoa hạnh phúc gia đình rồi đó!”

tramcamau 2012

Không có nhận xét nào: