Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

Theo Dòng Thời Sự: Kính Chuyển Những Tin Nóng, Đang Được Chú Ý Nhất! - Lê Văn Hải


Tin Vui Cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại:
Linh mục gốc Việt, John-Nhân Trần, từng hiến thận cho bạn mình, vừa được bổ nhiệm làm Giám Mục, với chức vụ phụ tá TGP Atlanta. Như vậy tại hải ngoại có 3 Giám mục người Việt! -Linh Mục John-Nhân Trần, chánh xứ giáo xứ Mary, Queen of Peace Catholic Church tại Mandeville, Louisiana, vừa được Đức Giáo Hoàng Francis bổ nhiệm làm giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Atlanta, Georgia, hôm Thứ Ba, 25 Tháng Mười.
<!>


Hình: Hồi năm 2015, Linh Mục Nhân Trần là người tặng quả thận trái của mình cho Linh Mục Thành Nguyễn, quản nhiệm giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Oklahoma City, Oklahoma.

Trong một thông báo viết trên trang web của giáo xứ hôm 25 Tháng Mười, Giám Mục-Bổ Nhiệm (Bishop-designate) John-Nhân Trần chia sẻ với giáo dân như sau: “Tôi luôn cầu nguyện anh chị em được bằng an. Hôm nay, tôi xin thông báo một tin vô cùng ngạc nhiên và anh chị em nên tin rằng, tôi cũng ngạc nhiên như anh chị em: Đức Thánh Cha Francis vừa bổ nhiệm tôi làm giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Atlanta.”

Vị giám mục vừa được bổ nhiệm chia sẻ tiếp: “Hôm 16 Tháng Mười, Tổng Giám Mục Christophe Pierre, sứ thần Tòa Thánh tại Mỹ, gọi điện thoại cho tôi và hỏi tôi, cùng với lời cầu nguyện, là tôi có thể gánh vác các trách nhiệm mới hay không. Sau khi suy nghĩ và nhận thức rõ rệt, tôi chấp nhận vai trò mới và bay đến Atlanta chuẩn bị cho cuộc họp báo, được tổ chức ngày hôm nay (25 Tháng Mười), lúc 9 giờ sáng.”


Vị giám mục-bổ nhiệm cho biết lễ tấn phong giám mục của ông sẽ diễn ra vào Thứ Hai, 23 Tháng Giêng, 2023, và ông tiếp tục làm việc tại giáo xứ Mary, Queen of Peace Catholic Church qua Lễ Giáng Sinh.

Như vậy, Giám Mục-Bổ Nhiệm John-Nhân Trần là người gốc Việt thứ ba tại Mỹ được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm chức vụ cao cấp này.

Giám Mục Bổ Nhiệm John-Nhân Trần năm nay 56 tuổi, cùng gia đình rời bến Bạch Đằng, Sài Gòn, vào Tháng Tư, 1975, khi mới 9 tuổi, theo ông trả lời phỏng vấn nhật báo The Times-Picayune hồi năm 2015.

Vị giám mục bổ nhiệm kể với The Times-Picayune rằng, mẹ ông qua đời lúc ông được 2 tuổi hồi năm 1968 vì bị bắn lầm. Cha ông cũng bị bắn, nhưng thoát chết. Một người anh của ông bị chết vì giẫm phải mìn.

Trong cuộc vượt biển năm 1975, cả gia đình ông, bao gồm bác chú cô dì anh em họ, được vớt trên Biển Đông trong lúc thuyền cạn nước uống.

Tổng Giáo Phận Atlanta có diện tích 21,445 dặm vuông, bao gồm nửa phía Bắc tiểu bang Georgia, trong đó có 69 quận hạt, theo trang web của tổng giáo phận.

Tính đến năm 2020, tổng giáo phận có 102 giáo xứ và họ đạo, 293 linh mục và tu sĩ, 46 nhà dòng và trường thần học, 18 trường học, và 1.2 triệu giáo dân.

Mùa Bầu Cử 2022, Báo Politico Loan Tin: Mỹ Sắp Ban Hành Cảnh Báo Về Các Mối Đe Dọa Trong Cuộc Bầu Cử!


(Hình: Một bảng chỉ dẫn bỏ phiếu bằng bốn thứ tiếng Anh, Tây Ban Nga, Tagalog và Việt Nam tại California.)

- Chính phủ liên bang Hoa Kỳ tuần này dự kiến sẽ đưa ra cảnh báo về các mối đe dọa nhắm vào hoạt động bầu cử tại Mỹ trước cuộc bầu cử Quốc hội ngày 8/11, tờ Politico ngày 24/10/2022 loan tin.

Bản tin tình báo nội bộ sẽ trình bày chi tiết cụ thể về các mối đe dọa mạng từ Trung Quốc và Nga, cũng như các mối đe dọa tiềm ẩn đối với các viên chức bầu cử trên toàn quốc, theo tường thuật của Politico, dẫn lời hai người quen thuộc với vấn đề.

Đảng Cộng hòa đang đặt mục tiêu giành lại quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện từ đảng Dân chủ của ông Biden trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.

Đại diện của Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA) không hồi đáp ngay yêu cầu bình luận.

Hai viên chức cấp cao của Mỹ nói với thông tấn xã Reuters vào tuần trước rằng đang xuất hiện các chiến dịch làm sai lệch thông tin và các mối đe dọa trong nước đối với nhân viên bầu cử và đây là những điều ngày càng đáng lo ngại hơn.

Nga và Iran, bị cáo buộc can thiệp vào các cuộc bầu cử trước đây của Mỹ bằng cách sử dụng các chiến dịch thông tin sai lệch, đang vướng vào các cuộc khủng hoảng của chính họ - cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine và các cuộc biểu tình lớn ở Iran. Mỹ chưa phát giác Nga và Iran nhắm mục tiêu vào cuộc bầu cử lần này, theo bộ phận an ninh mạng của Mỹ và các viên chức thực thi pháp luật.

Tính trung thực trong bầu cử là một vấn đề gây tranh cãi ở Hoa Kỳ, đặc biệt là sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump tiếp tục tuyên bố sai sự thật rằng cuộc bầu cử 2020 đã bị Tổng thống Dân chủ Joe Biden đánh cắp khỏi tay ông thông qua gian lận bỏ phiếu.

Kể từ năm 2020, đã có rất nhiều sự việc được báo cáo về việc các nhân viên phòng phiếu bị đe dọa, quấy rối hoặc hành hung bởi những người ủng hộ ông Trump. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số cử tri Đảng Cộng hòa tin rằng Trump đã thắng trong cuộc bầu cử đó.

Anh Đã Từng Đô Hộ Ấn Độ, Tân Thủ Tướng: Rishi Sunak Lên Làm Thủ Tướng Anh Quốc, Dân Ấn Độ Tự Hào, Giới Phân Tích Dè Dặt!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay nước Anh lần đầu tiên có Thủ tướng là người da mầu. 42 tuổi, Rishi Sunak, lại là người gốc Ấn Độ, được chính thức bổ nhiệm hôm 25/10/2022.

Tại Ấn Độ, thuộc địa cũ của Anh Quốc, người dân hết sức tự hào, nhưng giới phân tích không hy vọng quan hệ Tân Ðề Ly-Luân Đôn dễ dàng hơn nhờ sự kiện ông Sunak lên cầm quyền tại Luân Đôn. Từ thủ đô Tân Ðề Ly của Ấn Độ, thông tín viên Sébastien Farcis của Đài RFI cho biết thêm chi tiết:

“Rishi Sunak trở thành Thủ tướng Anh vào một ngày mang tính biểu tượng tại Ấn Độ. Đó là ngày Diwali, lễ hội ánh sáng và sự đổi mới ở Ấn Độ.

Theo Harsh Pant, một nhà nghiên cứu về chính trị quốc tế tại Observer Research Foundation, việc Sunak trở thành Thủ tướng Anh là kết quả của một sự thay đổi lâu dài. Ông nói: “Quyền lực chính trị của cộng đồng người gốc Ấn ngày càng được trông thấy rõ hơn trước đây. Rõ ràng là hiện giờ, cộng đồng người Ấn đang chuyển ảnh hưởng kinh tế truyền thống thành ảnh hưởng chính trị”.

Tuy nhiên, không chắc là điều đó cho phép cải thiện các quan hệ giữa Ấn Độ và nước Anh, nhất là về thỏa thuận mậu dịch tự do sắp được đôi bên ký kết trong những ngày tới đây, cũng như góp phần cải thiện nhiều hồ sơ, trong đó có việc tạo điều kiện cho người nhập cư, theo cả hai chiều.

Nhà nghiên cứu Harsh Pant nói tiếp: “Nhập cư là một trong những chủ đề rất quan trọng đối với cử tri đảng Bảo Thủ. Và ông Rishi Sunak, với nguồn gốc xuất thân của mình, sẽ phải chứng minh ông không lơi lỏng trong lĩnh vực này. Chính vì thế, ông sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với những người tiền nhiệm, Boris Johnson và Liz Truss, khi ký kết thỏa thuận này với Ấn Độ”.

Tuy nhiên, trên mạng internet, người Ấn Độ không che giấu niềm vui khi thấy một người gốc Ấn lãnh đạo đất nước từng đô hộ Ấn Độ.

Ông Sunak, Gốc Ấn Độ, Sẽ Đối Mặt Với Nhiệm Vụ Khó Khăn Khi Trở Thành Thủ Tướng Vương Quốc Anh


(Hình: Tân Thủ tướng Anh - Rishi Sunak.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay ông Rishi Sunak sẽ phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất của bất kỳ tân lãnh đạo nào khi ông trở thành Thủ tướng Anh vào thứ Ba (25/10/2022). Ông cần giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang xấu đi, mâu thuẫn trong đảng và một đất nước bị chia rẽ sâu sắc.

Cựu Bộ trưởng Tài chánh 42 tuổi đã trở thành Thủ tướng thứ ba của Anh trong vòng chưa đầy 2 tháng, sau khi đấu đá nội bộ và tranh cãi gay gắt tại Westminster đã khiến các nhà đầu tư kinh hoàng và các đồng minh quốc tế lo lắng.

Ông cựu chủ quỹ đầu cơ - và là một trong những chính trị gia giàu có nhất trong Quốc hội - giờ đây sẽ cần phải cắt giảm chi tiêu sâu để bù lỗ 40 tỉ bảng Anh (45 tỉ Mỹ kim) tài chánh công vào thời điểm mà vị thế đảng của ông ở trong nước đã giảm mạnh.

Ông cảnh báo các đồng nghiệp thuộc đảng Bảo thủ hôm 24/10 rằng đảng phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng hiện hữu” nếu không giúp đưa đất nước vượt qua những gì ông mô tả là “thách thức kinh tế sâu sắc”.

“Bây giờ chúng ta cần sự ổn định và thống nhất, và tôi sẽ đặt ưu tiên hàng đầu của mình cho việc gắn kết đảng và đất nước của chúng ta lại với nhau”.

Ông Sunak, Thủ tướng trẻ nhất của Anh trong hơn 200 năm và là nhà lãnh đạo da màu đầu tiên của nước này, sẽ thay thế bà Liz Truss, người đã từ chức sau 44 ngày tại vị sau khi một khoản “ngân sách nhỏ” gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chánh.

Với chi phí lãi vay tăng và triển vọng kinh tế xấu đi, ông Sunak sẽ cần phải xem xét lại tất cả các khoản chi tiêu, bao gồm cả các lĩnh vực nhạy cảm về chính trị như y tế, giáo dục, quốc phòng, phúc lợi và lương hưu.

Tình Hình Chiến Sự Nga & Ukraine: AIEA Chấp Thuận Thanh Sát Hai Địa Điểm ở Ukraine Sau Những Cáo Buộc Có “Bom Bẩn”

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 24/10/2022, Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (AIEA) cho biết trong những ngày tới sẽ gởi chuyên gia đến thanh tra hai nơi tại Ukraine, theo như đề nghị của chính quyền Kyiv. Trong khi Nga tuyên bố sẽ đưa vụ bom bẩn ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Trong thông cáo ngắn được thông tấn xã Reuters dẫn lại, Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế khẳng định “đã biết các tuyên bố do Liên Bang Nga đưa ra, liên quan đến các hoạt động được cho là đáng ngờ tại hai địa điểm nguyên tử của Ukraine”. AIEA nhắc lại, hai điểm này đã từng được thanh tra, “thậm chí, một trong hai điểm đã được thanh tra cách nay một tháng”. Cơ quan này khẳng định sẽ gởi các chuyên gia đến trong những ngày sắp tới.

Hãng tin Anh nhắc lại, trong hai ngày 23/10 và 24/10/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga liên tiếp có các cuộc điện đàm với đồng nhiệm Mỹ và Âu Châu, bày tỏ mối nghi ngờ Ukraine chuẩn bị một cuộc tấn công bằng “bom bẩn”. Kyiv đã bác bỏ cáo buộc này và tố ngược lại rằng chính Mạc Tư Khoa mới đang tìm cách sử dụng vũ khí có chứa các phế liệu phóng xạ, để rồi sau đó tố cáo Ukraine.

Trong một thư ngỏ gởi đến Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và Hội Đồng Bảo An, Ðại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassili Nebenzia xem việc “chế độ Kyiv sử dụng bom bẩn như là một hành vi khủng bố nguyên tử”. Đại diện ngoại giao Nga “hối thúc” các nước phương Tây “sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Ukraine buộc nước này từ bỏ những kế hoạch nguy hiểm đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế”. Đại sứ Nga còn kêu gọi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc “làm tất cả những gì có thể trong quyền hạn của ông nhằm ngăn chặn tội ác bỉ ổi này xảy ra”.

Theo những nguồn tin ngoại giao mà Reuters có được, Nga đã thông báo cho nhiều thành viên khác trong Hội Đồng Bảo An rằng Mạc Tư Khoa sẽ đề cập đến vấn đề này trong một phiên họp kín vào ngày 25/10.

Khích Lệ! Tổng Thống Đức Đến Kyiv, Cam Kết Giúp Thêm Về Quân Sự, Tài Chánh Cho Ukraine


(Hình: Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay trong chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv hôm 25/10/2022, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Ukraine, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng không. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.

Ông Steinmeier ban đầu dự định đến thăm Ukraine vào tháng 4 nhưng Kyiv đã từ chối chào đón ông vào thời điểm đó vì không hài lòng về sự ủng hộ của ông trong quá khứ đối với mối quan hệ hợp tác giữa phương Tây với Nga. Kyiv và Bá Linh sau đó đã giải quyết mối bất đồng của họ.

“Thông điệp của tôi với người Ukraine là: Chúng tôi không chỉ đứng về phía các bạn, mà chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine về kinh tế, chính trị và quân sự”, ông Steinmeier nói với các phóng viên khi đến Kyiv bằng tàu hỏa.

“Điều quan trọng hiện nay là chúng tôi giúp bảo vệ người Ukraine khỏi các cuộc tấn công trên không càng nhiều càng tốt và lưu ý rằng Đức đã trở thành một trong những nhà cung cấp thiết bị phòng không lớn nhất cho Ukraine trong những tháng gần đây”, ông Steinmeier nói thêm.

Nguyên thủ Đức, chủ yếu đóng vai trò về mặt nghi lễ, đã lên án điều mà ông gọi là “cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo” của Nga đánh vào Ukraine và nói rằng ông mong được gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong chuyến thăm của ông.

Bên cạnh hỗ trợ quân sự, ông Steinmeier cho biết, chuyến đi của ông sẽ tập trung vào việc giúp sửa chữa cơ sở hạ tầng bị phá hủy của Ukraine, chẳng hạn như lưới điện, đường ống nước và hệ thống sưởi, càng nhanh càng tốt trước khi mùa Đông đến.

Ông Steinmeier, một đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội và là cựu Ngoại trưởng, đã bày tỏ sự hối tiếc vì trong quá khứ đã ủng hộ đường ống Nord Stream 2, một dự án được thiết kế để tăng gấp đôi dòng khí đốt của Nga đến Đức nhưng bị hủy bỏ sau cuộc xâm lược của Nga.

Sau Đại Hội Đảng CS Trung Quốc, Tòa Bạch Ốc: Tổng Thống Mỹ Joe Biden Sẽ Tiếp Tục Đối Thoại "Hòa Bình" Với Tập Cận Bình!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay sau khi Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc và ông Tập Cận Bình tiếp tục lãnh đạo đất nước, Phủ Tổng thống Mỹ ngày 24/10/2022 thông báo Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục đối thoại bình thường với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thư ký Báo chí của Tòa Bạch Ốc, Karine Jean-Pierre, đã công bố thông báo và cho biết chính phủ Mỹ không bình luận về chuyện chính trị nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đài Nhật NHK dẫn lời giải thích của bà Karine Jean-Pierre: “Tổng thống Biden và chính quyền của chúng tôi tập trung vào việc giải quyết một cách có trách nhiệm” sự cạnh tranh Mỹ-Trung và sẽ tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu.

Thư ký báo chí của Tòa Bạch Ốc cũng lưu ý về tầm quan trọng của việc duy trì các cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã từng điện đàm với ông Tập Cận Bình, nhưng hai nguyên thủ chưa từng gặp mặt trực tiếp kể từ khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi tháng 1/2021. Rất có thể hai nguyên thủ Mỹ-Trung sẽ có cuộc nói chuyện bên lề thượng đỉnh G20 tại Nam Dương.

Mỹ Cáo Buộc Trung Quốc Có Nhiều Hoạt Động “Ngầm Phá Hoại Nền Tư Pháp” Hoa Kỳ!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 24/10/2022, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tổ chức họp báo, lên án các nỗ lực của Trung Quốc nhằm “ngấm ngầm phá hoại hệ thống Tư pháp Mỹ”. Đích thân Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland thông báo việc nhiều công dân Trung Quốc bị khởi tố vì làm việc cho tình báo Trung Quốc.

Giới quan sát đặc biệt chú ý đến việc cáo buộc nói trên được đưa ra đúng hôm sau ngày Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc, lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức đảm nhiệm vị trí đứng đầu đất nước thêm một nhiệm kỳ. Thông báo nói trên có thể coi như một thông điệp cứng rắn gửi đến Bắc Kinh. Thông tín viên Guillaume Naudin của Đài RFI tường trình từ Hoa Thịnh Ðốn:

“Chúng tôi sẽ không dung thứ cho bất kỳ nỗ lực nào của một thế lực ngoại quốc nhằm phá hoại nhà nước pháp quyền, nền tảng của chế độ dân chủ của chúng tôi”. Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland đã tỏ ra hết sức nghiêm khắc khi đích thân thông báo 13 công dân Trung Quốc bị khởi tố trong 3 sự việc khác nhau.

Vụ đầu tiên liên quan đến điều nhiều người gọi là “Chiến dịch Săn Cáo”, cụm từ dùng để chỉ việc chính quyền Bắc Kinh cưỡng bức người Trung Quốc sống ở ngoại quốc hồi hương, với lý do chống tham nhũng. Liên quan đến sự việc thứ hai, 4 người quốc tịch Trung Quốc bị nghi ngờ đã cố gắng tuyển dụng nhiều Giáo sư của một trường Đại học làm gián điệp cho Trung Quốc. Trong vụ thứ ba, có 2 người bị cáo buộc đã mưu toan, bao gồm cả việc đưa hối lộ, để lấy các thông tin về chiến lược của Bộ Tư pháp trong việc truy tố một tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc, có thể là tập đoàn viễn thông Hoa Vi. Không may, tiền hối lộ đã được trao cho một điệp viên hai mang làm việc cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Những quyết định trên được đưa ra vào thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ gia tăng, ngay sau khi ông Tập Cận Bình tiếp tục được khẳng định sẽ lãnh đạo Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ thứ ba.

Theo Giám đốc FBI, có mặt trong buổi thông báo, “Nếu chính quyền Trung Quốc, đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục xâm phạm pháp luật của chúng tôi, họ sẽ tiếp tục phải đối mặt với FBI”.

Câu Hỏi Khó Đoán: Liệu Trung Quốc Có Tìm Cách Chiếm Đài Loan Trong Nhiệm Kỳ Thứ Ba của Ông Tập?


(Ảnh phối hợp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và 6 tân Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.)

Thành công của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc bảo đảm thêm một nhiệm kỳ thứ ba vào cuối tuần qua đã làm dấy lên suy đoán về việc liệu ông có tìm cách thống nhất với Đài Loan bằng vũ lực trong vài năm tới hay không. Bắc Kinh coi hòn đảo tự trị Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Một số nhà phân tích suy đoán rằng Trung Quốc sẽ cố gắng đạt được sự thống nhất này vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trong khi đó, một viên chức Hải quân Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng ông Tập có thể tìm cách chiếm lại Đài Loan vào năm 2027, sinh nhật lần thứ 100 của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Một viên chức Đài Loan trong tuần này cho biết Bắc Kinh có thể buộc Đài Loan chấp nhận các điều khoản bất lợi cho việc thống nhất vào đầu năm sau.

Một phần thúc đẩy suy đoán là ông Tập, nhà lãnh đạo mạnh nhất của Trung Quốc trong nhiều năm, thường kêu gọi làm “trẻ hóa” quốc gia, bao gồm cả việc thống nhất với Đài Loan.

Tuy nhiên, ông Tập đã không đề cập đến mốc thời gian, ít nhất là không công khai. Và ông không đưa ra manh mối nào trong bài phát biểu khai mạc của mình tại đại hội đảng lần thứ 20 vào cuối tuần qua.

Ông ấy nói những điều tương tự như đã nói trước đây, nhưng nhấn mạnh rằng đối mặt với “những hành động khiêu khích thô bạo về sự can thiệp của bên ngoài (Hoa Kỳ) vào các vấn đề của Đài Loan”, Trung Quốc sẽ tiếp tục “phấn đấu cho sự thống nhất hòa bình với sự chân thành và nỗ lực cao nhất”, nhưng “ sẽ không bao giờ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực, và chúng tôi có quyền được thực hiện mọi biện pháp cần thiết”.

Các nhà phân tích đánh giá khác nhau về ý định của ông Tập.

Ông Chang Wu-yue, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ qua Eo biển của Đại học Tamkang của Đài Loan, nói rằng ông Tập sẽ không cố gắng thống nhất trong 5 năm tới vì “cái giá sẽ cao”.

Ông Chang nói: “Kế hoạch hiện tại của Bắc Kinh là đạt được sự thống nhất không muộn hơn năm 2049”.

Khi đó, ông Tập đã 96 tuổi, vì vậy không rõ đó là kế hoạch của ông ấy hay kế hoạch của Trung Quốc, hay thậm chí là có một kế hoạch nào đó.

Ông Simon Chen, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan, nói rằng bài phát biểu của ông Tập có cảm giác cấp bách.

Ông Chen nói: “Năm 2019, ông ấy nói vấn đề thống nhất không thể bị trì hoãn từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng năm nay, ông nói thống nhất đất nước phải đạt được và chắc chắn có thể đạt được”.

Vào cuối đại hội đảng hôm 23/10, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng lần đầu tiên thông qua bản sửa đổi điều lệ chống lại việc Đài Loan độc lập.

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc gia tăng trong những năm gần đây, càng làm tăng thêm suy đoán về một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Từ năm 2008-2016 khi đảng cầm quyền cũ của Đài Loan là Quốc Dân Đảng (KMT) nắm quyền, quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đạt mức tốt nhất kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến năm 1949, nhưng nhanh chóng trở nên tồi tệ nhất trong nhiều thập niên sau khi Tổng thống Thái Anh Văn từ Đảng Dân Tiến (DPP) ủng hộ độc lập lên nắm quyền vào năm 2016 và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhậm chức sau đó.

Bà Thái từ chối chấp nhận một thỏa thuận đã được cả hai bên chấp nhận trước đó vốn cho phép gạt vấn đề nhạy cảm về chủ quyền của Đài Loan sang một bên và giảm căng thẳng. Theo thỏa thuận, được gọi là ‘Đồng thuận 92’, cả hai bên đồng ý chỉ có một nước Trung Hoa, với Quốc Dân Đảng giải thích rằng mỗi bên có thể định nghĩa Trung Hoa đó là gì - Trung Hoa Dân Quốc (tên chính thức của Đài Loan) hay Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Bà Thái và đảng của bà lập luận rằng thỏa thuận đó không được viết xuống và Bắc Kinh chưa bao giờ chấp nhận cách giải thích của Quốc Dân Đảng. Nhưng các nhà lãnh đạo của Trung Quốc cũng chưa bao giờ công khai bác bỏ nó, để lại khoảng trống cho hai bên làm việc cùng nhau.

Trọng tâm của vấn đề là DPP và những người ủng hộ DPP không muốn Đài Loan và đại lục là một phần của ‘một Trung Quốc’, bất kể nó được định nghĩa như thế nào. Họ muốn làm việc để Đài Loan được quốc tế đối xử như các quốc gia khác, được góp mặt trong các diễn đàn quốc tế cho dù không được chính thức công nhận là một quốc gia.

Các nhà phân tích cho rằng mặc dù Bắc Kinh không muốn dùng chiến tranh để thống nhất hai bên, nhưng Trung Quốc có thể cảm thấy buộc phải làm như vậy nếu xu hướng hiện tại của quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan tiếp tục.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và bây giờ là Tổng thống Biden, Hoa Kỳ đã bán nhiều vũ khí hơn cho Đài Loan trong sáu năm so với cựu Tổng thống Barack Obama trong tám năm cầm quyền.

Cũng đã có nhiều chuyến thăm của các viên chức cấp cao Hoa Kỳ tới Đài Loan, bao gồm cả Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vào tháng 8 năm nay. Và các nhà Lập pháp Hoa Kỳ của cả lưỡng đảng đang chuẩn bị thông qua một đạo luật khác ủng hộ Đài Loan.

Đạo luật Chính sách Đài Loan, mặc dù được các nhà Lập pháp Hoa Kỳ coi là cần thiết khi tìm cách hỗ trợ Đài Loan, nhưng lại đáng báo động đối với Bắc Kinh. Theo trang web của Thượng viện, luật nhằm mục đích tăng cường khả năng quốc phòng của Đài Loan, cung cấp gần 4,5 tỉ Mỹ kim viện trợ an ninh cho Đài Loan và chỉ định Đài Bắc là “Đồng minh chính, ngoài NATO”. Luật cũng bắt buộc các cơ quan hành chính của Hoa Kỳ phải thúc đẩy sự tham gia của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế và thiết lập một chế độ trừng phạt để “ngăn chặn sự hung hăng hơn nữa của Trung Quốc đối với Đài Loan”.

Ông Victor Gao, một học giả tại Bắc Kinh, người hiểu rõ suy nghĩ của giới lãnh đạo Trung Quốc, nói rằng ông Tập không có mốc thời gian, muốn thống nhất hòa bình và có thể “đợi một thiên niên kỷ” để điều đó xảy ra, nhưng những hành động như thông qua Đạo luật Chính sách Đài Loan, sẽ phá vỡ thỏa thuận Trung Quốc –Mỹ và vượt qua lằn ranh đỏ của Bắc Kinh, khiến Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ và/hoặc sử dụng vũ lực chiếm Đài Loan để bảo vệ chủ quyền của họ.

“Quả bóng hiện đang ở sân của Hoa Thịnh Ðốn. Nếu Hoa Thịnh Ðốn không thúc đẩy nền độc lập của Đài Loan và nếu bà Thái Anh Văn không thúc đẩy độc lập, hiện trạng có thể tồn tại trong một thiên niên kỷ. Không có gì vội vàng. Tại sao phải vội vàng? “ ông Gao, Phó Chủ tịch nhóm nghiên cứu Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho biết.

Nhưng ông nói nếu Hoa Kỳ thực hiện các hành động vi phạm chính sách “một Trung Quốc” và các thỏa thuận Mỹ-Trung, thì điều đó sẽ gây ra một cuộc chiến tranh tàn phá cả hai bên.

“Khoảng 1.500 cây số khu vực ven biển ở Trung Quốc được bao phủ hoàn toàn bởi phi đạn. Nếu Hoa Kỳ (để bảo vệ Đài Loan) ném bom các thành phố ven biển của Trung Quốc và Bắc Kinh, bạn có nghĩ rằng bất kỳ nơi nào ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như New York và Washington, sẽ an toàn?” ông Gao chất vấn.

Ông cảnh báo khi ông Tập nói Trung Quốc sẽ thực hiện “mọi biện pháp cần thiết”, điều đó có nghĩa là nước này có thể sử dụng vũ khí nguyên tử.

“Trong thời đại nguyên tử, nếu một quốc gia cố gắng tấn công nước khác, sẽ có sự hủy diệt cho cả hai bên, nước đó sẽ bị tiêu diệt đồng thời”, ông Gao nói và nhấn mạnh rằng tất cả các bên nên “thúc đẩy hòa bình trong quan hệ xuyên eo biển Đài Loan, chứ không phải là chiến tranh”.

Việt Nam: Đại Hội Đảng Vừa Xong, Ông Tập Cận Bình Liền "Vời" Ông Nguyễn Phú Trọng “Qua Hầu!”


(Hình: Ông Nguyễn Phúc Trong mời ông Tập Cận Bình dự tiệc trà khi ông Tập đến thăm Hà Nội hồi tháng 11 năm 2017.)

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sắp sang Trung Quốc hội kiến với người tương nhiệm là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản-Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình theo lời mời của ông Tập.

Theo thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng CSVN, đây sẽ là chuyến thăm chính thức kéo dài trong 4 ngày, từ 30/10-2/11/2022. Do là chuyến thăm chính thức nên ông Trọng sẽ được phía Trung Quốc tiếp đón với đầy đủ nghi lễ dành cho nguyên thủ quốc gia.

Thông cáo của Ban Đối ngoại không nêu rõ chương trình làm việc của ông Trọng ở Trung Quốc cũng như thành phần phái đoàn của ông Trọng gồm những ai.

Chuyến thăm của ông Trọng diễn ra sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ vừa kết thúc Đại hội lần thứ 20 hôm 23/10 để đưa ông Tập Cận Bình lên làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba, củng cố quyền lực của ông Tập hơn nữa với tư cách là ‘lãnh đạo nguyên tử’ của đảng và với ban lãnh đạo tối cao mới chủ yếu là những người trung thành với ông Tập.

Như vậy, ông Trọng sẽ trở thành nhà lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên mà ông Tập đón tiếp kể từ khi đắc cử nhiệm kỳ thứ ba.

Trung Quốc cũng là nước đầu tiên ông Trọng đến thăm và ông Tập cũng là lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên ông Trọng đến gặp kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 hồi đầu năm 2021 mà khi đó ông Trọng được bầu lên làm nhiệm kỳ thứ ba. Ông Trọng đã không công du ngoại quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Kể từ khi lên cầm quyền tối cao ở mỗi nước, ông Trọng ở Việt Nam vào năm 2011 và ông Tập ở Trung Quốc vào năm 2012, hai nhà lãnh đạo có những điểm tương đồng. Cả hai ông đều phá vỡ nguyên tắc về tuổi tác và nhiệm kỳ để tiếp tục nắm quyền sang nhiệm kỳ thứ ba.

Trong khi ông Tập phát động chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’ để chống tham nhũng và triệt hạ đối thủ; ở Việt Nam, ông Trọng cũng thực hiện chiến dịch ‘đốt lò’ để làm trong sạch bộ máy đảng và củng cố quyền lực của ông. Ông Trọng đã nhiều lần cử các phái đoàn từ Việt Nam sang để học hỏi kinh nghiệm chống tham nhũng của Trung Quốc.

Khi ông Trọng mới lên nắm quyền sau Đại hội 11 hồi năm 2011, ông cũng đã dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu gồm nhiều Ủy viên Bộ Chính trị đi thăm Trung Quốc đầu tiên vào cuối năm đó theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào và tiếp xúc với người sắp lên nắm quyền là ông Tập Cận Bình.

Đến sau Đại hội 12 hồi năm 2016, ông Trọng cũng đã đi Trung Quốc vào đầu năm 2017 để hội kiến với ông Tập Cận Bình.

Việc lãnh đạo tối cao hai nước nhiều lần thăm viếng nhau đầu tiên sau khi đắc cử nhiệm kỳ mới cho thấy họ rất xem trọng mối quan hệ song phương giữa hai đảng, hai nước.

Trung Quốc hiện là một trong số rất ít nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Quan hệ hai nước vừa có mặt hợp tác vừa có mặt đấu tranh. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2021 đạt 165,8 tỉ Mỹ kim, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Đồng thời giữa Bắc Kinh và Hà Nội vẫn xảy ra nhiều tranh chấp trên Biển Đông. Dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã hành xử quả quyết và mạnh bạo hơn trên Biển Đông và đã xảy ra những sự việc va chạm nghiêm trọng giữa hai nước như vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào thềm lục địa Việt Nam hồi năm 2014 và đưa tàu vào quấy nhiễu Bãi Tư Chính hồi năm 2019 bất chấp lãnh đạo hai nước đã thống nhất về ‘nhận thức chung để giải quyết các tranh chấp trên biển’.

Hôm 23/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chúc mừng ông Tập Cận Bình sau khi ông được tái bầu làm Tổng bí thự Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng Hân Hoan Nhận Lời “Sang Hầu” Trung Quốc!


(Hình: Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội hôm 5/11/2015.)

- Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 đến ngày 2/11/2022 theo lời mời của ông Tập Cận Bình.

Báo Chính phủ hôm 25/10 đăng thông báo ngắn gọn dẫn thông tin từ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.

Nếu không có gì thay đổi, chuyến đi của ông Trọng được xem là lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến thăm chính thức Bắc Kinh kể từ khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ ba Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đây cũng là chuyến đi ngoại quốc đầu tiên của ông Trọng kể từ khi bị đột quỵ hồi tháng 4/2019 khi đi thăm tỉnh Kiên Giang.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, triều đình An Nam, sau này là Việt Nam (từ 1804 đến 1838), rồi Đại Nam (từ 1838 đến 1945) phải gửi đồ tuế cống cho Trung Hoa hai năm một lần và cứ 4 năm phải có một sứ bộ sang chầu.

Ngoài ra, phải có sứ bộ đến Bắc Kinh, mỗi khi có hoàng đế Trung Hoa thăng hà (để phúng điếu) và mỗi khi có hoàng đế mới đăng quang (để chúc mừng).

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nguồn nhập cảng chính của Việt Nam, trong đó chủ yếu là nguyên liệu thô và máy móc để sản xuất. Thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay lên hơn 132 tỉ Mỹ kim; với hơn 70% nhập cảng từ Trung Quốc.

Chuyện Lạ Mà Không Lạ! Hơn 100 Người Việt Sang Du Lịch Nam Hàn Đột Nhiên “Biến Mất!”


(Hình: Khách tại phi trường ở đảo Jeju, Nam Hàn, hôm 31/5/2020.)

- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay khoảng 100 công dân Việt Nam sau khi vào Nam Hàn hồi tháng trước đã đột ngột “biến mất!” khiến chính quyền tỉnh Gangwon phải “sắp xếp lại công tác quản lý và cấp visa (thị thực nhập cảnh) cho người Việt nhập cảnh tại phi trường Yangyang sau thời gian thử nghiệm chính sách miễn visa”.

Vào ngày 25/10/2022, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng xác nhận thông tin này và cho biết Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Nam Hàn đã chủ động liên lạc với cơ quan chức năng Nam Hàn xác minh, tìm hiểu thông tin về sự việc.

Trước đó, vào ngày 22/10, trên các trang mạng xã hội của người Việt tại Nam Hàn xuất hiện thông tin “thất lạc 120 khách du lịch Việt Nam đến Nam Hàn”. Theo thông tin trên trang Cộng Đồng Người Việt Tại Nam Hàn ở Facebook, 120 trong số 170 khách du lịch Việt đến phi trường YangYang “vẫn chưa thấy tông tích gì, phía cảnh sát Nam Hàn vẫn ngày đêm tìm kiếm”.

Vào ngày 22/10, hãng hàng không Fly Gangwon của Nam Hàn thông báo tạm thời không thể tiếp nhận khách Việt đăng ký theo diện miễn visa đến sân bay Yangyang từ 0h ngày 23/10 đến 31/10/2022 với lý do chính quyền tỉnh Gangwon phải sắp xếp lại công tác quản lý cấp visa cho người Việt nhập cảnh phi trường YangYang.

Trả lời câu hỏi của phóng viên trong nước về vấn đề người Việt đi du lịch rồi trốn ở lại lao động bất hợp pháp, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng khác trong nước sẽ phối hợp thực hiện các biện pháp giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng công dân Việt Nam lợi dụng hình thức du lịch để tìm cách cư trú bất hợp pháp tại Nam Hàn”.

Tình trạng người Việt “lấy cớ” vào Nam Hàn du lịch rồi trốn lại làm việc bất hợp pháp, khá phổ biến trong thời gian qua. Nổi tiếng nhất là vụ chín người đi cùng chuyên cơ đoàn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sang Nam Hàn hồi năm 2018 rồi trốn ở lại. Sự việc bị báo chí Nam Hàn phanh phui.

Hồi năm 2016, 56 khách du lịch Việt khác đến đảo Jejju của Nam Hàn cũng “

Vì Khoảng 100 Du Khách Việt ‘Mất Tích’, Tỉnh của Nam Hàn Tạm Ngưng Miễn Visa


(Hình: Hành khách Việt Nam chuẩn bị đáp chuyến bay ở phi trường Nội Bài, Hà Nội.)

Khoảng 100 du khách Việt Nam đã mất liên lạc sau khi đến phi trường quốc tế Yangyang thuộc tỉnh Gangwon, Nam Hàn, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận vào chiều ngày 25/10/2022 sau nhiều ngày xuất hiện tin đồn trên mạng xã hội.

Đáng lưu ý là sự việc này xảy ra chỉ vài ngày sau khi Fly Gangwon mở những chuyến bay đầu tiên đưa khách Việt từ Hà Nội và Sài Gòn đến phi trường Yangyang hôm 14/10 theo chính sách miễn thị thực.

Hôm 22/10, hãng hàng không giá rẻ của Nam Hàn Fly Gangwon thông báo tạm ngừng cho người Việt nhập cảnh ở phi trường Yangyang đến hết tháng 10. Lý do họ đưa ra là ‘để sắp xếp lại công tác quản lý và cấp thị thực cho người Việt sau hơn 4 tháng thử nghiệm đón khách Việt đến đây với chính sách miễn visa’.

Bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa xác nhận với báo chí thông tin về du khách người Việt ‘mất tích’ tại Gangwon.

Bà Hằng cho biết hiện Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Nam Hàn đang liên lạc với giới chức Nam Hàn để xác minh và tìm hiểu sự việc, theo trang mạng Vietnamnet, và sẽ hỗ trợ tìm kiếm công dân, sẵn sàng khai triển các biện pháp bảo hộ công dân nếu cần thiết.

Cũng theo lời phát ngôn viên này được báo chí trong nước dẫn lại, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và công ty du lịch trong nước để thực các biện pháp ngăn chặn tình trạng người Việt lợi dụng du lịch để tìm cách cư trú bất hợp pháp ở Nam Hàn.

Để thu hút thêm du khách Việt Nam, tỉnh Gangwon, tỉnh nhỏ nhất của Nam Hàn nằm cách thủ đô Hán Thành 110 cây số vốn từng tham gia đăng cai Thế Vận hội mùa Đông 2018, đã quyết định miễn thị thực cho du khách Việt Nam đi theo đoàn từ 5 người trở lên thông qua những công ty du lịch được chỉ định và phải nhập cảnh qua phi trường quốc tế Yangyang với thời gian lưu trú không quá 15 ngày.

Chính sách này có hiệu lực từ ngày 1/6/2022 cho đến ngày 31/5/2023. Tuy nhiên, phải đến giữa tháng 10/2022 mới thực hiện được khi FlyGangwon khai trương đường bay thẳng nối từ hai thành phố lớn nhất của Việt Nam đến Gangwon. Trước đó, du khách Việt không thể bay thẳng đến Gangwon để được nhập cảnh miễn thị thực.

FlyGangwon dự tính khai thác đường bay từ Hà Nội với 3 chuyến mỗi tuần, và đường bay từ Sài Gòn với tần suất bốn chuyến mỗi tuần.

Hiện tại, hãng bay này và các công ty du lịch được chỉ định đã nhận được lệnh tạm dừng đưa du khách Việt đến Gwangwon cho đến hết ngày 31/10, bà Hằng được trang mạng VnExpress dẫn lời nói.

Không có nhận xét nào: