Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :25/10/2022 - ĐHL

Mỹ cáo buộc Trung Quốc ‘‘ngầm phá hoại nền tư pháp’’ Hoa Kỳ Bộ trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ Merrick Garland (phải) cùng với giám đốc FBI Christopher Wray, trong một cuộc họp báo công bố cáo trạng đối với một số người Trung Quốc bị tố cáo phá hoại hệ thống tư pháp, ở Washington (Hoa Kỳ), ngày 23/10/2022. © Jonathan Ernst / Reuters Trọng Thành Hôm qua, 24/10/2022, bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tổ chức họp báo, lên án các nỗ lực của Trung Quốc nhằm ‘‘ngấm ngầm phá hoại hệ thống tư pháp Mỹ’’. Đích thân bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland thông báo việc nhiều công dân Trung Quốc bị khởi tố vì làm việc cho tình báo Trung Quốc.
<!>
Giới quan sát đặc biệt chú ý đến việc cáo buộc nói trên được đưa ra đúng hôm sau ngày Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc bế mạc, lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức đảm nhiệm vị trí đứng đầu đất nước thêm một nhiệm kỳ. Thông báo nói trên có thể coi như một thông điệp cứng rắn gửi đến Bắc Kinh.

Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình từ Washington :

‘‘Chúng tôi sẽ không dung thứ cho bất kỳ nỗ lực nào của một thế lực nước ngoài nhằm phá hoại nhà nước pháp quyền, nền tảng của chế độ dân chủ của chúng tôi’’. Bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland đã tỏ ra hết sức nghiêm khắc khi đích thân thông báo 13 công dân Trung Quốc bị khởi tố trong 3 vụ việc khác nhau.

Vụ đầu tiên liên quan đến điều nhiều người gọi là ‘‘Chiến dịchSăn Cáo’’, cụm từ dùng để chỉ việc chính quyền Bắc Kinh cưỡng bức người Trung Quốc sống ở nước ngoài hồi hương, với lý do chống tham nhũng. Liên quan đến vụ việc thứ hai, 4 người quốc tịch Trung Quốc bị nghi ngờ đã cố gắng tuyển dụng nhiều giáo sư của một trường đại học làm gián điệp cho Trung Quốc. Trong vụ thứ ba, có 2 người bị cáo buộc đã mưu toan, bao gồm cả việc đưa hối lộ, để lấy các thông tin về chiến lược của bộ Tư Pháp trong việc truy tố một tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc, có thể là tập đoàn viễn thông Hoa Vi. Không may, tiền hối lộ đã được trao cho một điệp viên hai mang làm việc cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI.

Những quyết định trên được đưa ra vào thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ gia tăng, ngay sau khi ông Tập Cận Bình tiếp tục được khẳng định sẽ lãnh đạo Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ thứ ba.

Theo giám đốc FBI, có mặt trong buổi thông báo, ‘‘Nếu chính quyền Trung Quốc, đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục xâm phạm pháp luật của chúng tôi, họ sẽ tiếp tục phải đối mặt với FBI’’.

Vụ cáo buộc Kiev dùng ‘‘bom bẩn’’: Tổng tham mưu trưởng Mỹ, Nga điện đàm


Tổng tham mưu trưởng Quân đội Mỹ Mark A. Milley (T) và người đồng cấp Nga Valery Gerasimov trong một cuộc hội kiến ở Bern, Thụy Sĩ, 18/12/2019. © Wikipedia. Ảnh do chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cung cấp cho Flickr.
Trọng Thành
Ngày hôm qua, 24/10/2022, tổng tham mưu trưởng Quân đội Mỹ và Nga có cuộc điện đàm, lần đầu tiên kể từ ngày 19/05/2022. Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh Matxcơva liên tục cáo buộc Kiev chuẩn bị sử dụng ‘‘bom bẩn’’, tức bom thông thường nhưng có chứa chất phóng xạ, cáo buộc bị phương Tây lên án là thủ đoạn leo thang xung đột.

Điện Kremlin sử dụng cuộc điện đàm làm cơ hội để gia tăng cáo buộc chính quyền Ukraina. Theo hãng tin Nhà nước Nga Tass, bộ Quốc Phòng Nga ra một thông báo cho biết: ‘‘Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, thứ trưởng thứ nhất bộ Quốc Phòng Valery Gerasimov, đã có cuộc điện đàm với chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tướng Mark Milley. Trong cuộc trao đổi với phía Mỹ, đối thoại tiếp tục về diễn biến tình hình liên quan đến nguy cơ Ukraina dùng đến ‘bom bẩn’ ’’.

Về phía Hoa Kỳ, người phát ngôn Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đại tá Dave Butler, ra một thông báo ngắn cho biết, tổng tham mưu trưởng Mark Milley đã trao đổi với người đồng cấp Nga, trong đó ‘‘lãnh đạo quân đội hai bên đã thảo luận về một số vấn đề liên quan đến an ninh và đồng ý duy trì kênh liên lạc mở’’.

‘‘Duy trì các kênh liên lạc mở’’ về quân sự để tránh nguy cơ tính toán sai lầm và tạo điều kiện cho việc xuống thang căng thẳng’’ cũng là thỏa thuận giữa hai tổng tham mưu trưởng Quân đội Anh, Nga hôm qua. Theo bộ Quốc Phòng Anh, cuộc điện đàm đã diễn ra theo yêu cầu của Matxcơva.

Hoa Kỳ và các đồng minh tiếp tục cảnh báo về nguy cơ Nga lấy cớ Ukraina dùng ‘‘bom bẩn’’, để sử dụng ‘‘bom bẩn’’ và thậm chí vũ khí hạt nhân tại Ukraina. Theo Reuters, phát biểu trước báo giới hôm qua, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Ned Price, tuyên bố Matxcơva sẽ phải gánh chịu ‘‘các hậu quả’’, nếu sử dụng các vũ khí hủy diệt nói trên. Hiện tại, theo một quan chức cao cấp Hoa Kỳ xin ẩn danh, ‘‘chưa có bất cứ thông tin nào cho thấy Nga quyết định sử dụng các vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học’’, cũng như ‘‘bom bẩn’’ trên chiến trường Ukraina.

Anh Quốc: Chính trị gia gốc Ấn Độ Rishi Sunak trở thành thủ tướng


Ông Rishi Sunak (P) yết kiến Vua Charles III ngày 25/10/2022 và chính thức trở thành thủ tướng Vương Quốc Anh. © Aaron Chown/Pool via REUTERS
Trọng Thành
Chính trị gia đảng Bảo Thủ Anh, ông Rishi Sunak, được bổ nhiệm làm thủ tướng hôm nay, 25/10/2022. Cựu bộ trưởng Tài chính 42 tuổi, ông chủ của khối tài sản gần một tỉ đô la, người gốc Ấn Độ, là thủ tướng da màu đầu tiên của Vương Quốc Anh và cũng là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Anh hiện đại.

Tuy nhiên, tân thủ tướng Rishi Sunakkhông mấy được lòng dân: Chỉ có 38% người Anh hài lòng với việc cựu bộ trưởng Tài Chính trở thành thủ tướng, theo một thăm dò của YouGov từ ngày 21 đến 23/10. 62% cử tri mong muốn bầu cử Nghị Viện trước thời hạn ngay trong năm nay, theo một thăm dò khác của Ipsos, được AFP dẫn lại.

Tân thủ tướng Anh phải đối mặt cùng lúc với nội bộ đảng cầm quyền chia rẽ cao độ, và nhiều thách thức kinh tế to lớn. Thông tín viên Eméline Vin tường trình từ Luân Đôn :

‘‘Tình hình là phức tạp trong nội bộ đảng của tân thủ tướng cũng như trên bình diện quốc gia. Về mặt nội bộ, ngay cả khi một nửa số nghị sĩ đảng Bảo Thủ đã công khai ủng hộ thủ tướng kế nhiệm, ông Rishi Sunak đang đứng đầu một đảng trong tình trạng cực kỳ chia rẽ.

Đảng Bảo Thủ Anh hiện nay về cơ bản là một liên minh giữa các nhóm phái theo lập trường bảo thủ đang gặp khó khăn trong việc tìm được đồng thuận về… gần như mọi vấn đề. Bằng chứng cụ thể là thủ tướng tiền nhiệm Liz Truss đã lún sâu vào bế tắc ngay từ khi lên cầm quyền.

Trên bình diện quốc gia, chính trị gia Rishi Sunak là thủ tướng Anh thứ hai liên tiếp đã không giành được chiến thắng trước đó trong cuộc bầu cử Nghị Viện. Có nghĩa là ông Sunak chỉ là người được đưa lên ghế thủ tướng nhờ vào một thủ tục nội bộ của đảng. Ngày càng có nhiều người Anh kêu gọi tổ chức bầu cử lập pháp trước thời hạn.

Và trên hết, người kế nhiệm bà Liz Truss sẽ phải giải quyết hàng loạt vấn đề như sức mua sụt giảm, lãi suất gia tăng, dịch vụ công khủng hoảng, đình công liên tiếp nổ ra. Đối mặt với ‘‘những thách thức kinh tế khổng lồ’’, tân thủ tướng Rishi Sunakhứa hẹn sẽ ổn định và đoàn kết đất nước’’.

Mỹ và Châu Âu chúc mừng

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/10 cho rằng việc ông Rishi Sunak trở thành thủ tướng là sự lựa chọn « mang tính cách mạng ». Theo AFP, Nhà Trắng thông báo tổng thống Mỹ sẽ trao đổi với tân thủ tướng Anh Sunak « trong những ngày tới đây ».

Về phía Liên Âu, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel hôm qua đã chúc mừng ông Sunak và nhấn mạnh về việc cần tái lập ổn định ở Anh. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu khẳng định « cùng hợp tác là cách duy nhất để đối phó với các thách chức chung ».

Rishi Sunak lên làm thủ tướng Anh: Dân Ấn Độ tự hào, giới phân tích dè dặt


Một họa sĩ Ấn vẽ tranh chúc mừng tân thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 25/10/2022. AP - Rajanish Kakade
Thùy Dương
Nước Anh lần đầu tiên có thủ tướng là người da mầu. 42 tuổi, Rishi Sunak, lại là người gốc Ấn Độ, được chính thức bổ nhiệm hôm 25/10/2022. Tại Ấn Độ, thuộc địa cũ của Anh Quốc, người dân hết sức tự hào, nhưng giới phân tích không hy vọng quan hệ New Delhi-Luân Đôn dễ dàng hơn nhờ sự kiện ông Sunak lên cầm quyền tại Luân Đôn.

Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis cho biết thêm chi tiết :

« Rishi Sunak trở thành thủ tướng Anh vào một ngày mang tính biểu tượng tại Ấn Độ. Đó là ngày Diwali, lễ hội ánh sáng và sự đổi mới ở Ấn Độ.

Theo Harsh Pant, một nhà nghiên cứu về chính trị quốc tế tại Observer Research Foundation, việc Sunak trở thành thủ tướng Anh là kết quả của một sự thay đổi lâu dài. Ông nói : « Quyền lực chính trị của cộng đồng người gốc Ấn ngày càng được trông thấy rõ hơn trước đây. Rõ ràng là hiện giờ, cộng đồng người Ấn đang chuyển ảnh hưởng kinh tế truyền thống thành ảnh hưởng chính trị »

Tuy nhiên, không chắc là điều đó cho phép cải thiện các quan hệ giữa Ấn Độ và nước Anh, nhất là về thỏa thuận mậu dịch tự do sắp được đôi bên ký kết trong những ngày tới đây, cũng như góp phần cải thiện nhiều hồ sơ, trong đó có việc tạo điều kiện cho người nhập cư, theo cả hai chiều.

Nhà nghiên cứu Harsh Pant nói tiếp : « Nhập cư là một trong những chủ đề rất quan trọng đối với cử tri đảng Bảo Thủ. Và ông Rishi Sunak, với nguồn gốc xuất thân của mình, sẽ phải chứng minh ông không lơi lỏng trong lĩnh vực này. Chính vì thế, ông sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với những người tiền nhiệm, Boris Johnson và Liz Truss, khi ký kết thỏa thuận này với Ấn Độ".

Tuy nhiên, trên mạng internet, người Ấn Độ không che giấu niềm vui khi thấy một người gốc Ấn lãnh đạo đất nước từng đô hộ Ấn Độ.

Liên Âu : Các bộ trưởng Năng Lượng họp bàn hạ giá khí đốt


Một phần cảng trong khu công nghiệp Stade đang được cải tạo để trở thành điểm tiếp nhận khí hóa lỏng nhập khẩu, Stade, Đức. Ảnh chụp ngày 12/04/2022. AP - Sina Schuldt
Thùy Dương
Bộ trưởng Năng Lượng của 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, hôm nay 25/10/2022, họp tại Bruxelles, Bỉ, để triển khai lộ trình giải quyết khủng hoảng năng lượng mà lãnh đạo các nước đã thông qua tại thượng đỉnh hồi cuối tuần trước với đề xuất chính là tạm thời áp giá trần đối với khí đốt.

Liên Âu dự kiến thảo luận với Mỹ và Na Uy để hạ giá khí đốt nhập khẩu từ hai nước này. Nhiều người cho rằng Mỹ và Na Uy đạt “siêu lợi nhuận” vì bán khí đốt cho châu Âu với giá cao.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet giải thích :

Ban đầu, Liên Âu đồng loạt hoan nghênh Na Uy và Mỹ vì đã hứa cung cấp phần khí đốt mà Nga cắt, nhưng giờ đây, các nước châu Âu hy vọng đàm phán về việc giảm giá, thông qua hình thức mua theo nhóm, với các hợp đồng dài hạn. Thế nhưng, 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu cần xây dựng niềm tin chung trong quan hệ. Chẳng hạn ngay trong Ủy Ban Châu Âu, không phải tất cả đều tin là sẽ dễ dàng thuyết phục được hai đối tác Na Uy và Mỹ cố gắng thêm nữa. Vốn dĩ ngay từ đầu chiến tranh Ukraina, hai nước này đã nỗ lực rất nhiều.

Éric Maurice, phụ trách Văn phòng của Quỹ Robert-Schuman tại Bruxelles, giải thích : « Chúng ta thử lấy ví dụ về Na Uy, nước đã xuất rất nhiều khí đốt sang Liên Âu, mặc dù sản xuất khí đốt ở Na Uy đã lên tới mức tối đa. Rất khó để đề nghị Na Uy nỗ lực thêm. Còn về phía Mỹ, đúng là họ bán sang Liên Âu khí đốt với giá cao hơn giá trên thị trường nội địa nhưng chắc chắn là sản phẩm của Mỹ được xuất cho các nước Liên Âu. Có lẽ là Mỹ sẽ không muốn thấy họ làm điều có lợi cho châu Âu mà không có được sự đền đáp trở lại của Liên Hiệp ».

Các bộ trưởng Năng Lượng dù đã có lộ trình giải quyết khủng hoảng mà các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên đề ra, nhưng không có gì bảo đảm là hôm nay họ tìm ra được giải pháp phù hợp để hạ giá khí đốt. Trong trường hợp này, Liên Âu sẽ phải tổ chức thêm một cuộc họp thượng đỉnh về năng lượng, như thủ tướng Đức Olaf Scholz từng cảnh báo hôm thứ Sáu tuần trước.

Pháp : Nguy cơ bị nghe lén sau vụ chuyển nhượng hợp đồng thuê 600 điểm đặt ăng-ten


Ảnh minh họa: Nhân viên kỹ thuật lắp đặt trụ thu phát sóng trên nóc một tòa nhà ở Paris, ngày 20/03/2003. AFP - JACQUES DEMARTHON
Minh Anh
Trang mạng báo Le Monde ngày 25/10/2022 cho biết chính phủ Pháp theo dõi sát sao vụ tập đoàn Phoenix Tower International của Mỹ mua lại 600 điểm đặt trụ thu phát sóng viễn thông, do tính chất nhậy cảm cho quốc phòng và an ninh quốc gia.

Từ tháng 3/2022, Phoenix Tower International có cuộc đàm phán với hãng Cellnex của Tây Ban Nha để mua lại 1.226 điểm đặt các trụ thu phát sóng viễn thông trong nội thành Paris. Nếu thương vụ thành công, Phoenix Tower International sẽ có được khoảng 600 nóc sân thượng, và có khả năng lắp đặt nhiều thiết bị nghe như IMSI-catchers, những loại thiết bị nhỏ cho phép bắt được các cuộc liên lạc điện tử từ điện thoại di động (các cuộc gọi, tin nhắn SMS, lưu thông Internet…)

Nhưng việc có được 600 nóc sân thượng sẽ cho phép Phoenix Tower International một khả năng phủ sóng đến 97% thành phố Paris. Nếu như phần lớn các điểm gắn ăng-ten không mang lại nhiều lợi lớn, thì ngược lại hàng chục điểm trong số này lại mang tính chiến lược, nằm gần trụ sở các bộ, cơ quan hành chính, tòa đại sứ hay trụ sở các đại tập đoàn, nằm chủ yếu tập trung ở quận 7 và 8 ở thủ đô.

Nếu như bộ Kinh Tế - cơ quan có thẩm quyền phản đối vụ giao dịch này, khi trả lời báo Le Monde, trấn an rằng chính phủ đang theo dõi sát hồ sơ này, thì vụ việc gợi nhớ lại một sự cố nóc sân thượng tòa đại sứ Mỹ ở Paris. Năm 2013, trang blog của trang mạng « Zone d’interet, dựa vào bài điều tra của tuần báo Der Spiegel của Đức, từng tiết lộ rằng Special Collection Service (SCS), do hai cơ quan tình báo của Mỹ là CIA và NSA đồng quản lý, đã lắp trên sân thượng của tòa đại sứ một thiết bị nghe lén cho phép dọ thám điện Elysée, nằm cách đó khoảng một trăm mét.

Những thiết bị này được che giấu sau một mặt tiền giả của tòa nhà. Sự hiện diện của tai nghe lén này đã được nhà sáng lập Wikileaks, Julian Assange tiết lộ năm 2015, dẫn đến những chỉ trích gay gắt từ bộ Ngoại Giao Pháp.

Le Monde nhắc lại, Phoenix Tower International được thành lập năm 2013 nhằm mua lại các hợp đồng cho thuê các cơ sở hạ tầng viễn thông công nghệ cao như mạng điện thoại di động hay cáp quang. Lĩnh vực kinh doanh này đã phát triển mạnh những năm gần đây tại Pháp và châu Âu. Phoenix Tower International được tài trợ từ quỹ Blackstone của Mỹ, chiếm cổ phần đa số và có tổng trị giá tài sản là 950 tỷ đô la.

Tại châu Âu, Pháp là thị trường chính của Phoenix Tower International. Ngoài việc mua lại các điểm lắp ăng-ten viễn thông từ Cellnex, Phoenix Tower International còn thành lập công ty liên doanh với Bouygues Telecom nhằm tiếp cận 2.000 điểm viễn thông khác, biến doanh nghiệp này thành « một trong những nhà cung cấp độc lập cơ sở hạ tầng viễn thông không dây lớn nhất » tại Pháp.

Không có nhận xét nào: