Theo Dòng Thời Sự: Vài Tin Nóng Đang Được Chú Ý Nhất!
“Hèn Với Giặc, Ác Với Dân!” Lợi Dụng Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc Họp Lần Thứ 20, CS Việt Nam Ca Tụng Trung Quốc Lên tận Mây Xanh! Tin Rằng Sẽ Thành “Cường Quốc Số Một Xã Hội Chủ Nghĩa!” Vào Giữa Thế Kỷ 21!
(Hình: Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Đại hội thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khai mạc hôm 16/10/2022 tại Bắc Kinh.)
Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vừa gửi điện chúc mừng tới Đại hội thứ 20, của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói rằng Việt Nam và Trung Quốc, là hai nước láng giềng “gần gũi, anh em!” tin tưởng rằng đất nước phương bắc này, sẽ “hoàn thành xây dựng cường quốc Xã hội chủ nghĩa” vào giữa thế kỷ 21 và rằng Hà Nội nguyện “trước sau một lòng! coi trọng” mối quan hệ mật thiết với Bắc Kinh.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20, của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), là sự kiện chính trị quan trọng nhất của đất nước có hơn 1,4 tỉdân, sẽ kéo dài một tuần sau khi khai mạc hôm 16/10/2022 tại Bắc Kinh. Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong số ít ỏi các đảng Cộng sản hiếm hoi còn lại trên thế giới, đã gửi điện mừng đến Trung Quốc, bên cạnh Đảng Lao động Triều Tiên, Đảng Cộng sản Cuba, và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
“Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, an hem gần gũi”, bức điện của Ban chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam viết. “Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ công ơn về sự giúp đỡ to lớn, quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc, trong công cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc trước đây, cũng như giúp đỡ trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay!”
Đảng Cộng sản Việt Nam tin tưởng chắc chắn rằng, Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc sẽ đề ra “hàng loạt phương châm và đường lối quan trọng”, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2035, là bá chủ thế giới! cơ bản thực hiện hiện đại hóa Xã hội chủ nghĩa, đến giữa thế kỷ này hoành thành xây dựng “cường quốc Xã hội chủ nghĩa hiện đại giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp!”, Tân Hoa Xã dẫn bức điện của giới lãnh đạo đảng của Việt Nam cho biết hôm 17/10.
Giới lãnh đạo Việt Nam cũng theo đuổi mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng nhắm đến kết quả ít tham vọng hơn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội 13 vào tháng 1/2021 rằng Việt Nam phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, “trở thành nước phát triển, theo định hướng Xã hội chủ nghĩa đàn anh!”
(Hình: Phiên trù bị của Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 15/10/2022.)
“Chúng tôi trước sau như một coi trọng nhất và sẵn sàng cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc, nỗ lực không ngừng củng cố và thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam, Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển mới, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”, nhật báo Nhân dân, cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng sản Việt Nam, trích bức điện, viết.
Điện mừng của Đảng Lao động Triều Tiên ca ngợi những thành tựu của Trung Quốc, cho rằng nhân dân Trung Quốc, “những người ủng hộ ĐCSTQ, không thể bị kìm hãm” khi họ tiến lên trên con đường Xã hội chủ nghĩa, với đặc điểm Trung Hoa cho một kỷ nguyên mới, do Tư tưởng Tập Cận Bình chỉ đạo, Tân Hoa Xã cho biết.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Cuba khen ngợi rằng ĐCSTQ đã đưa Trung Quốc trở thành nước đi đầu trong “đổi mới toàn cầu” và ca ngợi Trung Quốc đã đề xuất Sáng kiến Vành đai và Con đường, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến An ninh Toàn cầu.
Tại phiên khai mạc hôm 16/10, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trình bày báo cáo chính trị, nêu rõ kể từ nay, nhiệm vụ trung tâm của ĐCSTQ là đoàn kết, dẫn dắt nhân dân các dân tộc toàn quốc “hoàn thành xây dựng cường quốc Xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện”, thực hiện mục tiêu phấn đấu 100 năm thứ hai, thúc đẩy toàn diện sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, bằng hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.
Báo cáo của ông Tập nêu rằng Trung Quốc sẽ “kiên trì” định hướng cải cách thị trường kinh tế theo chủ nghĩa xã hội, “kiên định” củng cố và phát triển kinh tế theo chế độ công hữu, bên cạnh việc khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn sự phát triển của kinh tế phi công hữu, phát huy “đầy đủ vai trò mang tính quyết định” của thị trường trong việc phân phối nguồn lực, phát huy tốt hơn vai trò của chính phủ.
Trong thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc đồng nhất chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao ngay sau Đại hội 20 của ĐCSTQ, với việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mời Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sang thăm Bắc Kinh. Lời mời này được ông Cường đưa ra khi điện đàm với ông Chính hôm 19/9.
Trung Quốc: Đại Hội Đảng Cộng Sản Lần Thứ 20 Khai Mạc, Chủ Tịch Tập Cận Bình Cảnh Báo Có Khả Năng Dùng Vũ Lực Thống Nhất Đài Loan!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay sáng 16/10/2022, tại Bắc Kinh, Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 chính thức khai mạc.
2.300 đại biểu của cả nước Trung Quốc dự Đại hội đảng từ 16 đến ngày 22/10 sẽ thảo luận để thông qua đường lối chính trị, kinh tế, xã hội và chọn ra một bộ máy lãnh đạo của Trung Quốc trong 5 năm tới. Đại hội 20 này sẽ quyết định trao cho ông Tập Cận Bình quyền lãnh đạo tuyệt đối trong đảng và Nhà nước, nhiệm kỳ thứ 3.
Trong phiên khai mạc hôm 16/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có bài diễn văn quan trọng về tình hình trong nước và quốc tế. Bài diễn văn tập trung nêu bật những thành tựu của Trung Quốc trong nhiệm kỳ vừa qua. Đề cập đến vấn đề Đài Loan, một lần nữa lãnh đạo Trung Quốc khẳng định lại quyết tâm thống nhất và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để đạt được mục tiêu. Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh Stéphane Lagarde cho biết thêm thông tin:
Cách của ông Tập Cận Bình là đi vào các chủ đề gây tranh cãi để né tránh vấn đề cốt lõi. Cụ thể ở đây là tương lai ông ở lại lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ thứ ba. Ngay đầu bài diễn văn, lần này không dài như hồi năm 2017, nguyên thủ Trung Quốc nêu ra 3 thành tựu quan trọng gắn với uy tín của ông.
Trước hết là chính sách y tế rất nghiêm ngặt ở Trung Quốc. Ông giải thích, chiến lược “Zero Covid” là để ưu tiên sinh mạng con người trên tất cả những thứ còn lại, nói một cách khác là kinh tế.
Ông Tập khen ngợi việc khai triển một chính quyền do những người yêu nước lãnh đạo ở Hồng Kông. Cuối cùng, về Đài Loan, ông Tập Cận Bình khẳng định lại mục tiêu thống nhất tổ quốc, cùng với việc đưa ra đe dọa.
“Chúng ta tiếp tục làm hết sức để thực hiện thống nhất trong hòa bình. Nhưng chúng ta không thể bảo đảm sẽ không bao giờ dùng đến vũ lực và chúng ta để ngỏ mọi lựa chọn”.
Có những chủ đề được đề cập nhưng cũng có chủ đề không, thí dụ như vấn đề Tân Cương, cũng như không có một lời nào nói đến cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới phức tạp. Chúng ta phải chuẩn bị để đối mặt với những thử thách khắc nghiệt”, nhân vật số 1 Trung Quốc chỉ nhắc đến đơn giản vậy.
Tập Cận Bình Lại Khẳng Định Lời Thề, Sẽ Sử Dụng Vũ Lực Thống Nhất Đài Loan!
*
(Hình: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến phiên khai mạc Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 16/10/2022.)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người có thể sẽ tiếp tục ngồi thêm nhiệm kỳ thứ ba, phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng ông sẽ không bao giờ từ bỏ ý định dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan, đồng thời cũng ca ngợi các biện pháp đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông.
Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra năm năm một lần tại Bắc Kinh vào ngày 16/10/2022, người đứng đầu Nhà nước và Đảng Cộng sản Trung Quốc nói về Đài Loan:
“Chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ sử dụng vũ lực, và chúng ta sẽ giữ lựa chọn sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết”.
Ông cũng nói đến sự can thiệp của thế lực bên ngoài vào vấn đề Đài Loan dù không nêu tên trực tiếp nước nào.
Căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan đã leo thang vào tháng Tám vừa qua khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan và sau đó là một loạt các chuyến thăm khác của các Dân biểu Mỹ đến đảo quốc độc lập này bất chấp những phản đối của Bắc Kinh vốn coi Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc.
Phát biểu trước gần 2,300 đại biểu dự Đại hội, ông Tập Cận Bình nói: “Giải quyết câu hỏi về đài Loan là vấn đề của Trung Quốc, một vấn đề cần phải giải quyết bởi người Trung Quốc”.
“Thống nhất hoàn toàn đất nước chúng ta cần phải được thực hiện và nó có thể làm được mà không còn nghi ngờ gì nữa” - Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu.
Phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Đài Loan Trương Đông Hàm (Chang Tun-han) đã lên tiếng phản ứng lại phát biểu này của Chủ tịch Tập Cận Bình.
“Đài Loan là một đất nước độc lập và có chủ quyền, và dân chủ, tự do là niềm tin và cách nhìn của người dân Đài Loan” – Ông Trương Đông Hàm nói.
“Người Đài Loan nhất trí là chủ quyền lãnh thổ, dân chủ và tự do không thể được nhượng bộ và đối đầu quân sự không phải là giải pháp của cả hai bờ Eo biển Đài Loan” – Ông Trương Đông Hàm nói tiếp.
Ông Tập Cận Bình cũng ca ngợi việc Bắc Kinh đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông với các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra hồi năm 2019.
Vào khoảng giữa năm 2020, Bắc Kinh đã áp dụng luật an ninh mới lên Hồng Kông để áp tội hình sự lên những người bất đồng chính kiến và đàn áp xã hội dân sự.
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập cũng kêu gọi hiện đại hóa quân đội lên mức tiêu chuẩn quốc tế vào giữa thế kỷ 21.
Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh việc “thiết lập một hệ thống đánh chặn chiến lược mạnh” ý nói đến khả năng Bắc Kinh sẽ cải thiện khả năng nguyên tử của mình.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền từ năm 2012 đến nay, Trung Quốc đã có nhiều hành động lấn lướt trong khu vực, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông nơi nước này đã tiến hành cải tạo mở rộng đất và xây đảo nhân tạo ở các thực thể đang tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa, bất chấp phản đối của các quốc gia láng giềng.
Cũng trong phát biểu của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định chính sách Không COVID của Trung Quốc đã được thực hiện từ khi dịch bệnh bắt đầu vào cuối năm 2019, và gọi đây là cuộc chiến toàn dân chống đại dịch.
Chính sách Không COVID của Trung Quốc dẫn đến các lệnh phong toả rộng khắp đã ảnh hưởng đến đường dây cung ứng hàng hóa toàn cầu và ảnh hưởng đến việc xuất cảng hàng hóa từ các nước láng giềng bao gồm Việt Nam vào Trung Quốc.
Trung Quốc Loan Tin Đã Thử Nghiệm Tàu Đổ Bộ Tấn Công: Đài Loan Trong Tầm Ngắm!
- Phải chăng Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự trước ngày khai mạc Đại Hội đảng Cộng sản lần thứ 20? Trang mạng Hoàn Cầu Thời Báo bằng tiếng Anh, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, trong hai ngày 14 và 16/10/2022, lần lượt loan báo Không quân và Hải quân nước này có các cuộc diễn tập quân sự tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Hoàn Cầu Thời Báo dẫn các nguồn tin từ kênh truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết, Hải quân Trung Quốc vừa hoàn tất bài kiểm tra nghiệm thu đối với hai tàu đổ bộ tấn công loại 75 Hải Nam và Quảng Tây. Hai tàu này được thiết kế trong nước đã tiến hành thao dợt “các bài tập đổ bộ đa chiều”, như cho hạ cánh và cất cánh trực thăng chở lính đánh bộ tại nhiều vị trí tiếp đất khác nhau, khai triển thuyền đệm khí chuyển quân đổ bộ, xe bọc thép lội nước, chuẩn bị một cuộc tấn công bãi biển, và sau cùng thực hành tiếp liệu trên biển. Cuộc diễn tập được tiến hành trên Biển Đông, tại một địa điểm không được công bố.
Theo một chuyên gia quân sự Trung Quốc xin ẩn danh, quá trình nghiệm thu toàn diện cho thấy cả hai tàu Hải Nam và Quảng Tây đã sẵn sàng cho chiến đấu và lực lượng Hải quân của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân có thể khai triển hai loại tàu đổ bộ tấn công này.
Trước đó vài ngày, Trung Quốc cho ồ ạt khai triển một loạt 20 chiến đấu cơ gồm các loại tiêm kích tàng hình J-20, máy bay vận tải hạng nặng Y-20 và trực thăng Z-20 tại vùng biển Hoa Đông. Kênh truyền hình CCTV khẳng định những hình ảnh này cho thấy một sự thay đổi lớn của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân (PLA).
Những hành động này của quân đội Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Đại Hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 diễn ra tại Bắc Kinh, từ ngày 16 đến 22/10. Trong bài phát biểu khai mạc Đại Hội, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Tập Cận Bình tái khẳng định thu phục Đài Loan bằng mọi giá từ đây đến năm 2049, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.
Giới Lãnh Đạo Tình Báo Đức Lưu Ý Nghiêm Trọng: Trung Quốc Là Mối Họa Lớn Hơn Nga Gấp Nhiều Lần!
(Hình: Cảng Hamburg được Đức xem là cơ sở hạ tầng trọng yếu.)
Hôm 17/10/2022, các lãnh đạo tình báo Đức cảnh báo Trung Quốc có thể dùng cổ phần của họ trong các cơ sở hạ tầng trọng yếu làm đòn bẩy để theo đuổi các mục tiêu chính trị trong bối cảnh chính quyền Bá Linh đang tranh luận liệu có nên để công ty vận tải Cosco của Trung Quốc đầu tư vào cảng Hamburg hay không.
Bộ Kinh tế Đức do Đảng Xanh điều hành muốn phủ quyết kế hoạch của Cosco mua cổ phần tại 1 trong 3 bến tàu ở cảng quan trọng nhất của Đức, trong khi Thủ tướng thuộc Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) có khuynh hướng tán thành, theo các nguồn tin chính phủ.
Tranh cãi này cho thấy cuộc tranh luận rộng lớn hơn, gay gắt hơn ở Đức về làm sao giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của nước này, sau khi Nga xâm lược Ukraine đã cho thấy sự nguy hiểm của việc phụ thuộc vào một nhà nước ngày càng quả quyết và độc đoán.
Trung Quốc đã kêu gọi Đức không chính trị hóa quan hệ kinh tế của các nước hay đi theo chủ nghĩa bảo hộ ‘với danh nghĩa an ninh quốc gia’.
Trong một phiên điều trần tại Quốc hội về một loạt các vấn đề an ninh, lãnh đạo các cơ quan tình báo trong nước và hải ngoại của Đức cho biết họ không thể đưa ra đánh giá công khai về kế hoạch của Cosco nhưng nói chung họ kêu gọi hãy thận trọng.
“Chúng tôi rất, rất bất bình việc Trung Quốc tham gia vào cơ sở hạ tầng quan trọng”, lãnh đạo Cơ quan Tình báo Hải ngoại (BND), Bruno Kahl, nói tại phiên điều trần, và lưu ý rằng hải cảng nên được coi là cơ sở hạ tầng trọng yếu, vì vậy bất kỳ khoản đầu tư nào cũng phải được xem xét rất cẩn thận.
Đức nên nghĩ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng kỹ thuật, bao gồm cơ sở hạ tầng 5G, hoặc sức mạnh kinh tế để thực hiện các ý tưởng của họ, ông nói thêm. “Trong trường hợp có bất đồng chính trị giữa Trung Quốc và Đức, những công cụ này sẽ được sử dụng”, ông nói.
Người đứng đầu cơ quan tình báo trong nước của Đức, Thomas Haldenwang, cho biết cổ phần trong cơ sở hạ tầng quan trọng của Đức cũng dẫn đến phá hoại và gây ảnh hưởng dư luận.
“Khi tôi nói chuyện với các đối tác ngoại quốc về Trung Quốc, họ luôn nói: Nga chỉ là cơn bão, Trung Quốc mới là biến đổi khí hậu”, ông nói.
“Vì vậy, chúng ta sẽ phải chuẩn bị cho sự biến đổi khí hậu này trong những năm tới”.
Liên Hiệp Âu Châu Chuẩn Bị Điều Chỉnh Chính Đối Sách Cứng Rắn Hơn Với Trung Quốc, Cho Hợp Với Tình Hình Biến Chuyển!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay trong cuộc họp mở ra tại Luxembourg hôm 17/10/2022, để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu (EU) trong 2 ngày 20 và 21/10 tới, Ngoại trưởng 27 nước Liên Hiệp Âu Châu có kế hoạch thảo luận một tài liệu đề xuất điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc. Nội dung tài liệu, mà nhật báo Anh Financial Times đọc được, phản ánh một đường lối cứng rắn hẳn so với trước.
Theo nhật báo Anh, ý nghĩa quan trọng của tài liệu do cơ quan đối ngoại của khối chuẩn bị cho các quốc gia thành viên và được các lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu thảo luận hôm nay, là việc thừa nhận rằng chính sách hiện tại của EU xem Trung Quốc là “đối tác-đối thủ cạnh tranh-đối thủ hệ thống” đã lỗi thời.
Tài liệu ghi nhận rằng đối với Liên Hiệp Âu Châu, quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa, đặc biệt kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, là “một diễn biến đáng lo ngại… không thể bị xem nhẹ”, đồng thời cho rằng hậu thuẫn mà Bắc Kinh dành cho Mạc Tư Khoa đã “đưa Trung Quốc vào thế đối đầu với các nền Dân chủ phương Tây một cách trực tiếp hơn”.
Theo Financial Times, tài liệu dài năm trang chỉ bao gồm duy nhất một đoạn về các lĩnh vực có thể hợp tác, nhưng một cách hạn chế với Trung Quốc - bao gồm biến đổi khí hậu, môi trường và y tế, trái ngược hoàn toàn với chính sách hiện tại, theo đó Bắc Kinh vốn được coi là “một đối tác chiến lược của EU trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và những thách thức quốc tế “.
Một cách cụ thể hơn, các Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu được khuyến khích có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và xem nước này là đối thủ cạnh tranh toàn diện. EU nên hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, tăng cường khả năng phòng thủ không gian mạng và đối phó với các mối đe dọa hỗn hợp, đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, thay vì chỉ dựa vào Trung Quốc. Tài liệu khuyến nghị gia tăng hơn mối quan hệ giữa EU với các cường quốc Ấn Độ-Thái Bình Dương khác.
Văn bản này cũng nhấn mạnh quan hệ EU-Trung Quốc đã xấu đi đáng kể từ khi chính sách hiện thời đối với Bắc Kinh được thông qua vào năm 2019, thể hiện qua các tranh chấp thương mại, các lệnh trừng phạt ăn miếng trả miếng và một loạt nỗ lực thất bại trong việc tìm kiếm các lĩnh vực thỏa thuận chung.
Một viên chức cấp cao của EU được Financial Times trích dẫn nhấn mạnh thêm rằng Liên Hiệp Âu Châu phải “thừa nhận rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi”, và như vậy cần phải “chuyển sang logic của cạnh tranh toàn diện, cả về kinh tế lẫn chính trị”.
Các cuộc thảo luận trong nội bộ các nước Liên Hiệp Âu Châu về Trung Quốc được mở ra sau khi Mỹ cảnh báo rằng Trung Quốc là “thách thức địa chính trị” đáng ngại nhất của Hoa Kỳ, đồng thời đưa ra một chiến lược an ninh quốc gia, cảnh báo rằng Bắc Kinh “đang gia tăng năng lực định hình lại trật tự quốc tế”.
Vào hôm 16/10, trong bài phát biểu trước Đại Hội đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hô hào chống lại “sự can thiệp của ngoại quốc” và “chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch” của các nước khác.
Đại Hội Đảng Trung Quốc Đề Cao Tính Liên Tục, Chứ Không Phải Sự Thay Đổi!
(Hình: Ông Tập Cận Bình trở thành một trong những nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất thời hiện đại.)
Chủ đề bao trùm nhận thấy được tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc đang diễn ra là sự liên tục chứ không phải sự thay đổi.
Đại hội kéo dài một tuần, khai mạc hôm 16/10/2022, dự kiến sẽ bầu lại ông Tập Cận Bình làm lãnh đạo, tái khẳng định cam kết theo đuổi các chính sách của ông trong 5 năm tới và có khả năng nâng cao hơn nữa vị thế của ông Tập như là một trong những lãnh đạo quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.
Kể từ khi lên làm lãnh đạo cao nhất cách nay 10 năm, ông Tập đã định hướng lại Trung Quốc cả trong nước và trên trường quốc tế. Quân đội nước này đã tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp còn các nhà ngoại giao của họ trở nên quyết liệt hơn và nói rằng Trung Quốc sẽ không bị Mỹ và các nước khác bắt nạt.
Ông Tập đã áp đặt kiểm soát nhà nước mạnh mẽ hơn đối với nền kinh tế và xã hội, tăng cường kiểm duyệt và bắt giữ để dập tắt bất đồng chính kiến. Chiến dịch trấn áp tham nhũng chưa từng có đã khiến hàng trăm viên chức cấp cao, bao gồm một số đối thủ chính trị khả dĩ của ông Tập, ngã ngựa.
Tất cả những điều đó sẽ vẫn tiếp diễn - đó là thông điệp từ báo cáo chính trị kéo dài 1 tiếng 45 phút mà ông Tập trình bày tại phiên khai mạc.
Willy Lam, nghiên cứu viên cấp cao của viện chiến lược Jamestown Foundation, lưu ý rằng báo cáo đã mô tả khái niệm ‘hiện đại hóa kiểu Trung Quốc’ phải tuân theo các giá trị Xã hội chủ nghĩa.
“Trung Quốc sẽ kiên trì đi trên con đường của riêng mình”, ông Lam ở Hồng Kông nói. “Họ sẽ không vay mượn bất kỳ phương pháp hoặc phong cách quản lý nào từ ngoại quốc”.
Trên thực tế, ông tự mình phụ trách quân đội, chính sách đối ngoại, kinh tế và hầu hết các vấn đề khác thông qua một loạt tổ công tác đảng mà ông đứng đầu.
Về mặt biểu tượng, hệ tư tưởng của ông, được gọi là Tư tưởng Tập Cận Bình, đã được đưa vào Điều lệ Đảng tại đại hội trước đó hồi năm 2017.
Một sửa đổi điều lệ đảng khác cũng nằm trong chương trình nghị sự tại đại hội trong tuần này. Chi tiết không được tiết lộ, nhưng các phân tích gia cho rằng nó có thể giúp nâng cao hơn nữa vị thế của ông Tập trong đảng.
Theo thông lệ, đảng sẽ công bố ban lãnh đạo tối cao cho 5 năm tới một ngày sau khi Đại hội kết thúc, với một vài người được vào Thường vụ Bộ Chính trị, họ sẽ ra mắt công chúng lần đầu tiên khi bước ra lễ đài.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc Siết Chặt Kiểm Soát Kinh Tế
(Minh Anh)
Trong suốt 10 năm cầm quyền, Tập Cận Bình đã trao cho các doanh nghiệp Nhà nước vai trò cột trụ trong chiến lược kinh tế, đồng thời gia tăng tầm kiểm soát của đảng Cộng sản Trung Quốc trong lãnh vực tư nhân. Phải chăng giai đoạn mở cửa và cải cách thời Đặng Tiểu Bình đã bị khép lại?
Khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền cách nay 10 năm, giới quan sát nghĩ rằng Trung Quốc sẽ có một nhà lãnh đạo cấp tiến. Ngay những tháng đầu tiên đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng của ông là Lý Khắc Cường liên tiếp tuyên bố ủng hộ giảm bớt vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế.
Nhưng 10 năm sau, “không những vai trò của Đảng và Nhà nước trong nền kinh tế chưa bao giờ ngừng được củng cố từ ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa năm 1949, mà còn được tăng cường mạnh mẽ hơn kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền”, theo như nhận định của nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Alice Ekman trên nhật báo kinh tế Les Echos (14/10/2022).
Sau nhiều năm tăng trưởng ngoạn mục, khu vực tư nhân đang bị thu hẹp, trong khi đó, khối doanh nghiệp Nhà nước dần dần chiếm vị trí trọng tâm cho chính sách kinh tế của Tập Cận Bình. Theo Les Echos, khu vực này giờ cung cấp đến 12% thị trường lao động và chiếm từ 25-30% GDP của Trung Quốc.
Nhà Trung Quốc học, cựu Thủ tướng Úc Ðại Lợi, Kevin Rudd, trong một bài viết có tựa đề “Thế giới theo nhãn quan của Tập Cận Bình”, đăng trên Foreign Affairs, giải thích rằng đó là do nền kinh tế Trung Quốc trong một thập niên qua đã chuyển hướng theo chủ nghĩa Marx, tăng cường vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế.
Sự chuyển hướng này cũng một phần bắt nguồn từ việc ông Tập Cận Bình mất niềm tin vào nền kinh tế thị trường sau cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu năm 2008, khủng hoảng tài chánh Trung Quốc năm 2015 do bùng nổ bong bóng thị trường chứng khoán, khiến giá cổ phiếu Trung Quốc bị giảm mất đến 50%.
Cũng theo ông Tập, thời kỳ cải cách và mở cửa do Đặng Tiểu Bình đề xướng đã tạo ra một sự phát triển “không cân đối và không phù hợp” Và vì vậy ông bác bỏ quan điểm của Đặng Tiểu Bình cho rằng “Trung Quốc cần phải chịu đựng sự bất bình đẳng trong hàng trăm năm trước khi đạt được sự thịnh vượng cho tất cả mọi người”. Theo Tập Cận Bình, Trung Quốc có thể trở nên vĩ đại và đạt được sự bình đẳng về kinh tế nếu nước này tuân thủ nghiêm ngặt hơn các nguyên tắc của chủ nghĩa Marx.
Kết quả của tư tưởng này là các doanh nghiệp Nhà nước, tuy mức sản xuất thấp hơn của khối tư nhân gần 20%, được trao nhiệm vụ thực thi các chính sách công nghiệp chiến lược mũi nhọn của Trung Quốc như các lĩnh vực kỹ thuật cao, các chương trình chống biến đổi khí hậu. Cùng lúc, Tập Cận Bình cũng mở một cuộc chiến chống các “biến tướng” của chủ nghĩa tư bản, khi ông không ngừng nhấn mạnh đến lòng trung thành của các doanh nghiệp đối với Đảng, bất kể đó là doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân.
Vì vậy, các chi bộ Đảng hiện diện không chỉ trong doang nghiệp Nhà nước mà cả trong khối tư nhân, kể cả trong các doanh nghiệp ngoại quốc, với nhiều quyền hạn đáng kể: Tổ chức các cuộc họp phê và tự phê, các buổi học “tư tưởng Tập Cận Bình” và thậm chí quyết định cả việc chọn lựa ban lãnh đạo, cũng như là các định hướng chiến lược của doanh nghiệp.
Mặt khác, khi tham gia vào vốn của các công ty tư nhân, Nhà nước khuyến khích các doanh nhân thành đạt đầu tư vào các doanh nghiệp Nhà nước, hình thành nên một kiểu hệ thống hỗn hợp, trộn lẫn thị trường với Nhà nước ở một mức độ lớn hơn bao giờ hết. Và đó sẽ là một nền “kinh tế thị trường Xã hội chủ nghĩa theo đặc tính Trung Hoa”, theo đúng như ngôn từ của Bắc Kinh. Tóm lại, theo kết luận của cựu Thủ tướng Úc Ðại Lợi Kevin Rudd, “kỷ nguyên cải cách và mở cửa” của Đặng Tiểu Bình đã kết thúc, thay vào đó là một nền kinh tế chính thống mới, một sự pha trộn giữa kế hoạch hóa và các vùng tự do mậu dịch, giữa Nhà nước và tư bản chủ nghĩa!
Trung Quốc: Ưu Tiên của Tập Cận Bình Không Còn Là Tăng Trưởng Kinh Tế, Mà Trở Thành Một Siêu Cường, Nhất Thế Giới!
(Trọng Thành)
Đại hội XX của đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc hôm 16/10/2022. Phát biểu của lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình - người được coi là sẽ tiếp tục đứng đầu Trung Quốc thêm tiếp một nhiệm kỳ 5 năm, đang được soi xét kỹ. Theo Tiến sĩ Alice Ekman, Viện Nghiên cứu An ninh của Liên Hiệp Âu Châu (EUISS), ông Tập Cận Bình chủ trương đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường, áp đặt các quy tắc đối với phần còn lại của thế giới, bất chấp “các trả giá về kinh tế”.
Trái ngược với quan điểm khá phổ biến trong giới quan sát, cho rằng Trung Quốc đang mất đi thế mạnh của mình là tốc độ tăng trưởng cao, điều được coi là tạo nên tính chính đáng của đảng Cộng sản Trung Quốc trong con mắt của đông đảo dân chúng, chuyên gia Alice Ekman nhấn mạnh: “Tại Trung Quốc, ưu tiên của Tập Cận Bình không còn là tăng trưởng kinh tế”. Lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng cho nhiều hy sinh về kinh tế cũng như “quyền lực mềm” nếu cần, để đạt được mục tiêu tăng cường quyền lực của đảng Cộng sản, và ý thức hệ của Đảng. Chế độ Tập Cận Bình cũng sẵn sàng từng bước giảm bớt các hợp tác với phương Tây.
Mục Theo dòng Thời sự của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giới thiệu một số nét chính trong cuộc trả lời phỏng vấn của chuyên gia Alice Ekman (*) với tuần báo Pháp L’Express (đăng tải ngày 16/10/2022).
Chống lại phương Tây giờ đây là chính sách xuyên suốt của chính quyền Tập Cận Bình. Nếu như cách đây khoảng 10 hay 15 năm, thái độ thù địch với phương Tây có thể được bày tỏ trong một số cuộc họp kín của giới ngoại giao, hay nghiên cứu Trung Quốc, thì giờ đây, thái độ này được bày tỏ công khai và liên tục. Chính quyền Trung Quốc thường xuyên cáo buộc Hoa Kỳ và các đồng minh gieo rắc rối loạn khắp thế giới, giật dây cho “các cuộc cách mạng màu” khắp nơi. Bắc Kinh cũng đặc biệt phát triển các tuyên truyền “chống thực dân”, tỏ ra rất hiệu quả trong việc chinh phục công luận “các nước phía Nam” (tức các nước đang phát triển hoặc đang trỗi dậy).
Chính quyền Nga cũng có một quan điểm tương tự. Bắc Kinh đã tìm thấy ở Mạc Tư Khoa “sự đồng điệu về ý thức hệ” trong lập trường thù địch với phương Tây. Giống như Nga, Bắc Kinh khẳng định cuộc chiến tranh tại Ukraine hiện nay trước hết là do các khiêu khích của Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và Mỹ. Đứng từ quan điểm của Trung Quốc, tội lỗi hoàn toàn thuộc về phương Tây. Chuyên gia Alice Akman nhấn mạnh: nếu tin theo các lời lẽ tuyên truyền của Nhà nước Trung Quốc, “tất cả các cuộc chiến tranh trên thế giới, khu vực hay nội chiến, đều là tội của các nhà nước thực dân phương Tây”.
Chính quyền Tập Cận Bình mạo hiểm khi theo đuổi bước ngoặt chiến lược như vậy, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm hẳn, chính sách “Zero Covid”‘ khiến đất nước nhiều phần bị tê liệt?
Theo chuyên gia Viện Nghiên cứu An ninh của Liên Hiệp Âu Châu, Trung Quốc không đến mức bị cô lập, cho dù có thể có ấn tượng là như vậy từ Brussels hay Hoa Thịnh Ðốn. Hình ảnh đất nước Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình bị xuống cấp trong ngày càng nhiều quốc gia, trong đó có Âu Châu. Thế nhưng, tại nhiều nơi khác trên thế giới, Trung Quốc vẫn tiếp tục là một nhà đầu tư lớn, cung cấp các cơ sở hạ tầng về giao thông, mạng lưới viễn thông, kỹ thuật. Các dự án của kế hoạch Con Đường Tơ Lụa mới “còn xa mới bị chôn vùi”. Cho dù tại Sri Lanka hay một số quốc gia khác, kế hoạch này của Tập Cận Bình bị khựng lại, thì tại nhiều nơi khác Con Đường Tơ Lụa mới vẫn là một nội dung chủ đạo trong các vận động ngoại giao của Trung Quốc.
Bện cạnh sức mạnh gia tăng của Quân đội Trung Quốc, cũng là quân đội thứ hai có ngân sách đứng thứ hai trên thế giới, tiếp tục tăng 7% trong năm nay, nhà Trung Quốc học Alice Ekman cũng báo động về quy mô lớn của mạng lưới ngoại giao trên thế giới của Trung Quốc, được đánh giá là đứng đầu về số lượng các Ðại sứ và Lãnh sự, vượt Hoa Kỳ và Pháp.
Các vận động ngoại giao của Bắc Kinh giúp cho Trung Quốc giảm bớt các áp lực từ phương Tây, và khối các nền Dân chủ nói chung. Bà Alice Ekman nhấn mạnh đến việc mới đây, đầu tháng 10, Bắc Kinh đã huy động được đa số các nước trong Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu chống lại việc tổ chức một cuộc thảo luận tại Hội đồng về tình hình xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Tân Cương. Trung Quốc cũng đã thành công trong việc đạt được một thỏa thuận trao đổi mậu dịch tự do giữa 15 quốc gia Á Châu-Thái Bình Dương (RECEP), đi vào hoạt động từ đầu năm 2022. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, với Trung Quốc là thành viên sáng lập, vừa tổ chức thượng đỉnh tại Kazakhstan, với sự tham gia của lãnh đạo Trung Quốc, lần đầu tiên ra ngoại quốc, kể từ đầu đại dịch.
Chuyên gia Viện Nghiên cứu An ninh của Liên Hiệp Âu Châu cũng lưu ý là, về mặt kỹ thuật kỹ thuật số, chính quyền Tập Cận Bình đã có một chiến lược mới, nhằm giảm sự phụ thuộc vào kỹ thuật ngoại quốc, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất các linh kiện bán dẫn, mà toàn bộ các công đoạn trong dây chuyền nghiên cứu, chế tạo linh kiện bán dẫn nói chung. Nỗ lực của Trung Quốc có khả năng thành công hay không trong lĩnh vực kỹ thuật đỉnh cao này, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng cô lập hơn với các nền công nghiệp phát triển?
Câu trả lời của tác giả là khó có thể đoán định, tuy nhiên, điều chắc chắn là “sẽ là sai lầm khi đánh giá thấp nỗ lực rượt đuổi của Trung Quốc”. Alice Ekman dự báo, chính quyền Tập Cận Bình sẽ theo đuổi chính sách tách dần khỏi các nước phương Tây, về nhiều mặt, từ kinh tế, đến khoa học, truyền thông… “Nhiều cộng đồng riêng rẽ” - trong đó có các cộng đồng Trung Quốc là thành viên trụ cột - đang dần dần hình thành, dựa trên những tiêu chuẩn rất khác nhau, đối thoại ngày càng khó khăn.
Nga Lại Tấn Công Chết Chóc, Tàn Bạo Dã Man Khắp Nơi, Vào Trung Tâm Kyiv, Bằng Máy Bay Không Người Lái!
*
(Hình: Cảnh đổ nát sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở thủ đô Kyiv của Ukraine.)
Nga tấn công trung tâm Kyiv trong giờ cao điểm buổi sáng bằng máy bay không người lái hôm 17/10/2022 và nã pháo vào các thành phố khác trên khắp đất nước Ukraine, lần thứ hai trong một tuần Nga tấn công trên diện rộng ở Ukraine trong lúc quân Nga đối mặt với những thất bại trên chiến trường.
Lính Ukraine đã bắn lên không trung, tìm cách bắn hạ máy bay không người lái sau các vụ nổ làm rung chuyển trung tâm Kyiv. Người dân chạy tìm nơi trú ẩn. Một phi đạn phòng không có thể được nhìn thấy đang lao lên trời vào buổi sáng, sau đó là tiếng nổ và ngọn lửa màu cam.
Một viên chức trong văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết 3 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công vào một tòa nhà dân cư ở Kyiv. Khói đen bốc ra từ cửa sổ một tòa nhà bị nổ và các nhân viên cấp cứu vất vả dập lửa.
Ukraine cho biết các cuộc tấn công là do ‘máy bay không người lái tự sát’ do Iran sản xuất thực hiện, chúng bay đến mục tiêu và phát nổ. Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã thực hiện một cuộc tấn công ‘lớn’ vào các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng trên khắp Ukraine bằng cách sử dụng vũ khí có độ chính xác cao.
Thông tấn xã Reuters đã nhìn thấy các mảnh vỡ của một máy bay không người lái được sử dụng trong cuộc tấn công có dòng chữ: ‘For Belgorod’ (‘Trả thù cho Belgorod’) – đề cập rõ ràng đến việc Ukraine bắn phá vùng đất Nga giáp với Ukraine.
Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, ông Denys Monastyrskyi sau đó cho biết cũng đã có người thiệt mạng ở các thành phố khác trong các cuộc tấn công hôm 17/10.
‘Suốt đêm và suốt sáng, kẻ thù khủng bố dân thường. Máy bay không người lái kamikaze và phi đạn đang tấn công toàn bộ Ukraine. Một tòa nhà dân cư đã bị tấn công ở Kyiv”, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy viết trên Telegram.
“Kẻ thù có thể tấn công các thành phố của chúng ta, nhưng chúng sẽ không thể khuất phục chúng ta. Những kẻ chiếm đóng sẽ chỉ hứng chịu sự trừng phạt và lên án đích đáng của các thế hệ tương lai mà thôi. Và chúng ta sẽ chiến thắng”.
Máy bay không người lái cũng đánh vào cảng biển Everi ở thành phố Mykolaiv, miền Nam nước này vào cuối ngày 16/10, các viên chức cho biết, làm hỏng các bể chứa và làm dầu rò rỉ ra ngoài bùng cháy.
“Đây là cơ sở hoàn toàn dân sự. Không hề có quân đội”, ông Andriy, 47 tuổi, quản lý cấp cao của cảng, nói mà không cho biết họ của mình. Ông nói rằng các cuộc tấn công nằm trong nỗ lực của Nga nhằm ‘phá hủy kinh tế và hủy hoại an ninh lương thực’.
Tòa Ðại sứ Mỹ tại Kyiv lên án các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái là ‘tuyệt vọng và đáng lên án’. Nga phủ nhận nhắm vào dân thường.
Iran hôm 17/10 một lần nữa phủ nhận họ cung cấp máy bay không người lái cho Nga.
Ukraine Nói ‘Đã Bắn Hạ 85%’ Số Máy Bay Không Người Lái của Nga
(Hình: Một chiếc drone sắp sửa tiếp cận để tấn công ở thủ đô Kyiv của Ukraine.)
- Hôm 17/10/2022, phát ngôn nhân Không quân Ukraine Yuriy Ihnat cho biết Ukraine đã bắn hạ 37 máy bay không người lái của Nga kể từ tối 16/10, tức khoảng 85-86% số máy bay loại này tham gia tấn công.
“Đó là thành tích khá tốt của lực lượng phòng không chúng tôi và con số đó sẽ còn tăng nữa trong tương lai”, ông nói trong một cuộc họp báo, đồng thời cho biết thêm rằng tất cả các máy bay không người lái đã bay vào Ukraine từ hướng Nam.
Trong lúc này, Bộ Quốc phòng Nga hôm hôm 17/10 nói họ đã thực hiện một cuộc tấn công quy mô nhằm vào các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng trên khắp Ukraine với vũ khí có độ chính xác cao.
Tại cuộc họp báo hàng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã tấn công vào ‘tất cả các mục tiêu được chỉ định’ trong đợt bắn phá mới nhất vào các thành phố của Ukraine và cũng đã đẩy lùi nỗ lực của Ukraine nhằm phá vỡ hệ thống phòng thủ của Nga ở vùng Kherson, miền Nam Ukraine.
“Vào ban ngày, quân Nga tiếp tục tấn công bằng vũ khí tầm xa và trên biển có độ chính xác cao vào các cơ sở chỉ huy quân sự và hệ thống năng lượng của Ukraine. Tất cả các mục tiêu được chỉ định đều bị bắn trúng”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Liên Hiệp Âu Châu Quyết Định Huấn Luyện 15.000 Binh Sĩ Ukraine Trên Lãnh Thổ của Khối
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay Liên Hiệp Âu Châu (EU) đang tích cực hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Hôm 17/10/2022, Ngoại trưởng 27 nước thành viên họp tại Luxembourg để chính thức ra quyết định bắt đầu thực hiện kế hoạch huấn luyện 15.000 binh sĩ Ukraine trên lãnh thổ Liên Hiệp Âu Châu và cấp thêm 500 triệu Euro để trang vị vũ khí cho Kyiv.
Thông tấn xã AFP trích dẫn một viên chức Liên Hiệp Âu Châu, cho biết đây là lần đầu tiên Liên Hiệp Âu Châu thực hiện một sứ mệnh với quy mô lớn đến như vậy. Theo một nguồn tin ngoại giao, sau cuộc họp của Ngoại trưởng các nước thành viên, chương trình sẽ ngay lập tức được khai triển. Các chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraine tại Liên Hiệp Âu Châu sẽ được thực hiện với kinh phí từ Quỹ Hòa bình Âu Châu (FEP), nằm ngoài ngân sách Liên Hiệp Âu Châu viện trợ quân sự cho Kyiv. Mục tiêu là “huấn luyện cơ bản” cho tổng cộng 12.000 binh sĩ Ukraine và “tập huấn chuyên biệt” cho khoảng 2.800 quân nhân.
Trên thực tế, một số chương trình đào tạo đang được tiến hành ở nhiều nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu, nhất là Đức và Pháp, nơi binh sĩ Ukraine được huấn luyện sử dụng pháo, bệ phóng phi đạn và hệ thống phòng không do Liên Hiệp Âu Châu cung cấp. Riêng về Pháp, Bộ trưởng Quân lực Sébastien Lecornu hôm thứ Bảy (15/10) thông báo Pháp sẽ huấn luyện khoảng 2.000 lính Ukraine ngay trên lãnh thổ Pháp.
Về các khoản tài trợ, Brussels cho biết hôm nay Ngoại trưởng 27 nước thành viên cũng phải chính thức thông qua ngân sách 50-60 triệu Euro/năm trong giai đoạn đầu thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân Ukraine. Đồng thời, Liên Hiệp Âu Châu cũng thông qua khoản tài trợ mới 500 triệu Euro để Kyiv trang vị vũ khí, nâng tổng số tiền Liên Hiệp Âu Châu tài trợ cho Ukraine lên thành 3 tỉ Euro. Khoản tiền này không bao gồm các khoản viện trợ riêng của từng nước thành viên của khối, ước tính cao hơn con số nói trên rất nhiều.
Quỹ Hòa bình Âu Châu được cấp ngân sách 7,5 tỉ Mỹ kim. Nhưng một viên chức cấp cao của Liên Hiệp Âu Châu nhấn mạnh ngân sách cho 7 năm đã bị sử dụng hết trong vòng chỉ có 7 tháng. Các nước thành viên sẽ phải đóng góp thêm. Đức, Pháp, Ý Ðại Lợi và Tây Ban Nha là những nước đóng góp nhiều nhất cho Quỹ Hòa bình Âu Châu.
Cựu Viên Chức Ngoại Giao Nga Nhận Định: Cuộc Chiến ở Ukraine Sẽ Khiến Nga Hỗn Loạn!
(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ông không hối tiếc về cuộc chiến ở Ukraine.)
Cuộc xâm lăng Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin đã đưa Nga vào con đường đi đến hỗn loạn, có thể khiến ông bị lật đổ, gây ra nội chiến hoặc thậm chí làm đất nước đổ vỡ, một nhà ngoại giao Nga đã từ chức vì bất đồng với cuộc chiến đưa ra nhận định.
Ông Boris Bondarev, một Tham tán thuộc phái bộ Nga tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), đã từ chức hồi tháng Năm vì ông cảm thấy cuộc chiến cho thấy đất nước của ông đã trở nên đàn áp và méo mó như thế nào
Trong một bài viết chỉ trích dài 6.500 từ về nước Nga của Putin, ông Bondarev nói rằng đất nước hiện giờ đầy rẫy những kẻ nịnh hót chỉ biết vâng lời, những người lặp lại đường lối của Ðiện Cẩm Linh, cho phép ông Putin đưa ra các quyết định quan trọng vốn hưởng ứng sự tuyên truyền của chính ông ấy.
Tương lai có thể sẽ đối mặt với hỗn loạn, ông nói.
“Nếu ông Putin bị hất khỏi chức vụ, tương lai của Nga sẽ vô cùng bấp bênh”, ông Bondarev, người từng làm việc tại Bộ Ngoại giao từ năm 2002 đến 2022, viết trên tạp chí Foreign Affairs.
“Hoàn toàn có khả năng là người kế nhiệm ông ấy sẽ cố tiếp tục cuộc chiến, nhất là khi các Cố vấn chủ chốt của ông Putin đến từ các cơ quan an ninh. Nhưng không ai ở Nga có được tầm vóc như ông ấy, vì vậy đất nước này có thể sẽ bước vào thời kỳ rối ren chính trị. Nó thậm chí có thể rơi vào hỗn loạn”.
Tổng thống Putin nói hôm 14/10 rằng ông không hối tiếc về ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’, mà ông coi là một trận chiến sống còn với phương Tây hung hăng và kiêu ngạo bị ông xem là muốn hủy diệt và chia cắt nước Nga.
Nhưng sau gần 8 tháng chiến sự, được xem là cuộc đối đầu lớn nhất giữa Nga với phương Tây kể từ cuộc Khủng hoảng phi đạn Cuba năm 1962, ngay cả những mục tiêu cơ bản nhất nước Nga còn lâu mới đạt được.
Ông Bondarev, vốn tự mô tả là ‘nhà ngoại giao lưu vong’ đã bước ra khỏi ‘chiếc tàu điên rồ’, là con trai của một kinh tế gia tại Bộ Ngoại thương và là giáo viên tiếng Anh tại Học viện Quan hệ Đối ngoại Nhà nước danh giá của Mạc Tư Khoa.
Ông cảnh báo rằng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng chỉ đơn giản là cho Putin thêm thời gian.
“Bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng sẽ chỉ cho Nga cơ hội tái vũ trang trước khi tấn công lần nữa”, ông nói. “Chỉ có một điều thực sự có thể ngừng cuộc chiến của ông Putin, đó là quân của ông Putin bị đánh cho tan nát”.
Tuy nhiên, ông Bondarev nói rằng những người mơ ước về sụp đổ trong lòng nước Nga cần cân nhắc hậu quả.
“Người dân Nga có thể đoàn kết sau lưng một nhà lãnh đạo thậm chí còn hiếu chiến hơn ông Putin, kích động một cuộc nội chiến, gây hấn bên ngoài nhiều hơn hoặc cả hai”, ông cảnh báo.
“Nếu Ukraine thắng và ông Putin rớt đài, điều tốt nhất mà phương Tây có thể làm là đừng có sỉ nhục”.
Ông Bondarev chỉ ra sự sỉ nhục mà người Nga phải hứng chịu sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 nên là một bài học cho phương Tây.
“Cung cấp viện trợ cũng sẽ giúp phương Tây tránh lặp lại sai lầm của họ từ những năm 1990, khi người Nga cảm thấy bị Mỹ lừa gạt, và sẽ giúp người dân Nga cuối cùng cũng chấp nhận dễ dàng là đế chế của họ không còn nữa”.
Tình Hình Iran Vẫn Xáo Trộn: 8 Người Chết Trong Vụ Hỏa Hoạn Tại Nhà Tù Evin
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay theo một bản báo cáo mới được cơ quan Tư pháp Iran cung cấp vào hôm 17/10/2022, đã có 8 tù nhân thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn xảy ra vào tối 15/10 tại nhà tù Evin ở thủ đô Teheran. Bản sơ kết trước đó cho biết chỉ có 4 người chết và 61 người bị thương, trong đó có 4 người trong tình trạng nghiêm trọng.
Theo thông tín viên RFI Siavosh Ghazi tại Teheran, vụ hỏa hoạn bên trong nhà tù Evin, cũng như vụ xả súng sau đó khiến nhiều người chết và bị thương, vẫn gây bàng hoàng trong dân chúng.
Trên mạng xã hội, có rất nhiều bình luận phản đối những gì diễn ra bên trong trại giam nhưng cũng bày tỏ thái độ lo lắng. Theo các cơ quan chức năng cũng như gia đình những người bị giam giữ, các tù nhân đã có thể gọi điện ngắn gọn cho người thân để khẳng định rằng họ có sức khỏe tốt. Đặc biệt là nhà làm phim nổi tiếng người Iran, Jafar Panahi, người đang ở Evin.
Ngày hôm qua Chủ Nhật đã diễn ra một cách bình lặng trên toàn quốc, ngoại trừ một cuộc biểu tình nhỏ vào buổi tối ở một thành phố nổi tiếng ở phía Nam Teheran và một vài cuộc biểu tình nhỏ ở các tỉnh. Kể từ tối Chủ Nhật, chính quyền đã cắt hoàn toàn quyền truy cập vào mạng ảo VPN, được người Iran sử dụng rộng rãi để tránh né kiểm duyệt và truy cập vào Instagram và WhatsApp, cũng như các trang web ngoại quốc.
Rõ ràng, chính quyền ngày càng quyết tâm ngăn chặn mọi cuộc rối loạn mới bằng các vụ bắt giữ trên diện rộng và bằng cách sử dụng lực lượng chống bạo động, đặc biệt là một đơn vị nữ cảnh sát chống bạo động, đơn vị Zeinab, lần đầu tiên được tung ra.
Về phần mình, Tổng thống Iran đã lên tiếng bác bỏ phát biểu của đồng nhiệm Mỹ Joe Biden, vốn đã tuyên bố ủng hộ phong trào biểu tình, đồng thời khẳng định là Mỹ lại cho thấy tính cách quỷ quyệt của họ.
Nhà tù Evin là nơi giam giữ những người bị bắt trong phong trào biểu tình, cũng như những người ngoại quốc hoặc mang song tịch như nhà nghiên cứu Pháp gốc Iran Fariba Adelkhah, bị giam trong khu phụ nữ, hay Siamak Namazi, một công dân Mỹ. Theo gia đình của họ, tất cả đều khỏe.
Liên Hiệp Âu Châu (EU) Sắp Trừng Phạt Iran Vì Đàn Áp Biểu Tình, Cảnh Cáo Về Dính Líu Vào Ukraine
(Hình: Những sinh viên Iran xuống đường biểu tình hôm 15/10. Chính quyền Iran bị cáo buộc đàn áp nặng tay các cuộc biểu tình.)
Hôm 17/10/2022, Liên Hiệp Âu Châu (EU) chuẩn bị áp đặt các chế tài lên Iran để trừng phạt về hành vi đàn áp nhân quyền và một số Bộ trưởng Âu Châu đã cảnh báo về các biện pháp trừng phạt mới riêng rẽ nếu chứng minh được Tehran góp sức cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Các Bộ trưởng EU sắp áp đặt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản của khoảng 15 công dân Iran có dính đến cuộc đàn áp của chính phủ kể từ tháng trước đối với những người biểu tình phẫn nộ trước cái chết của cô Mahsa Amini, 22 tuổi, trong lúc cô bị giam trong đồn cảnh sát.
“Ngày hôm nay chúng tôi sẽ đưa ra một gói trừng phạt để buộc những kẻ đứng sau những tội ác tàn bạo đối với phụ nữ, thanh niên và nam giới phải nhận hậu quả”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói trước báo giới khi bà đến cuộc họp các Ngoại trưởng của khối ở Luxembourg.
“Trong số những cá nhân bị trừng phạt có những người được gọi là cảnh sát đạo đức - cảnh sát đạo đức là cách gọi sai, thực sự, nếu quý vị thấy họ phạm những tội ác gì ở đó”.
Các lệnh trừng phạt bổ sung của EU đối với Iran sẽ không chỉ giới hạn ở việc đưa một số cá nhân vào danh sách đen nếu chứng minh được Tehran có tham gia vào cuộc chiến của Nga đối ở Ukraine, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn cho biết.
“Sau đó, sẽ không chỉ là một số cá nhân mới bị trừng phạt”, ông Asselborn nói với các phóng viên khi đến cuộc họp của EU.
Ukraine cho biết của Nga đã có một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất trong những tuần gần đây. Iran phủ nhận việc cung cấp máy bay không người lái cho Nga, còn Ðiện Cẩm Linh không nói gì.
“Những gì chúng ta có thể thấy lúc này: máy bay không người lái của Iran dường như được sử dụng để tấn công ngay trung tâm Kyiv, đây là hành động dã man”, Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod lên án và nói rằng EU phải thực hiện ‘các bước cụ thể’ để đáp trả việc đó, cũng như trừng phạt việc Tehran đàn áp người biểu tình ở trong nước.
Pháp và Đức, cả hai đều là các bên tham gia thỏa thuận nguyên tử Iran năm 2015, nói rõ họ tin rằng cần phải có các biện pháp trừng phạt mới về vụ máy bay không người lái Iran được Nga sử dụng vì việc giao vũ khí như vậy đã vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
EU có thể quyết định tiến tới áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran về việc này, theo hai nhà ngoại giao tham gia chuẩn bị các cuộc đàm phán giữa các Bộ trưởng, mặc dù không có quyết định chi tiết nào sẽ được đưa ra vào ngày 17/10.
“Chúng tôi sẽ tìm kiếm bằng chứng cụ thể về sự tham gia (của Iran trong cuộc chiến Ukraine)”, ông Josep Borrell nói với các phóng
Nam Hàn Tập Trận Hoguk, Sẵn Sàng Đối Phó Với Mối Đe Dọa Từ Bắc Hàn!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 17/10/202, Quân đội Nam bắt đầu đợt tập trận thường niên “Hoguk” (Vệ quốc) trong bối cảnh các mối đe dọa nguyên tử và phi đạn của Bắc Hàn ngày càng gia tăng.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Nam Hàn (JCS) hôm 17/10 cho biết đợt tập trận hiệp đồng binh chủng Hoguk, kéo dài đến thứ Sáu tuần sau, 28/10/2022, diễn ra trên toàn quốc, với sự tham gia của Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân Lục chiến. Cuộc tập trận sẽ tập trung vào việc duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội và cải thiện khả năng hoạt động phối hợp.
Phát ngôn viên Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Nam Hàn, đại tá Kim Jun Rak, trong một cuộc họp báo, nhấn mạnh là quân đội đang duy trì các chuẩn bị, và “theo dõi sát các hoạt động của Bắc Hàn”. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh gần đây Bình Nhưỡng liên tục cho thử nghiệm phi đạn-đạn đạo, vi phạm các Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An và thỏa thuận quân sự liên Triều 2018, được ký kết với mục tiêu giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Theo Yonhap News, trước nhiều mối đe dọa của Bắc Hàn, nhiều đơn vị thuộc mọi binh chủng của quân đội sẽ được huy động vào các cuộc thao dợt ngày và đêm trên thực địa, nhằm nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ “trong thời chiến cũng như thời bình”. Một số cuộc thao dợt sẽ có sự tham gia của cả lực lượng Mỹ tại Nam Hàn (USFK) nhằm cải thiện khả năng tương tác giữa hai quân đội Mỹ - Hàn.
Việt Nam: Mưa Lớn Gây Ngập Lụt ở Đà Nẵng, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Khiến 6 Người Chết
(Hình: Cây đổ trên đường phố Đà Nẵng do bão Noru hôm 28/9/2022.)
- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay mưa lớn trong 2 ngày 14 và 15/10/2022 đã gây ngập lụt, lũ tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng, một người bị thương, hàng ngàn căn nhà bị ngập, hàng trăm ngàn gia đình dân bị mất điện, theo thống kê từ địa phương.
Mưa lớn vào ngày 14/10 do ảnh hưởng của bão Sơn Ca khiến cả sáu quận, huyện của thành phố Đà Nẵng ngập từ 0,5 đến 1,5 mét, có nơi ngập đến hai mét. Các hình ảnh được người dân đưa lên mạng xã hội cho thấy nhiều nhà dân nước ngập toàn bộ đồ đạc, xe hơi, xe gắn máy.
Theo thống kê của chính quyền thành phố Đà Nẵng, mưa lớn đã khiến bốn người chết, gần 3.900 ngôi nhà bị ngập sâu, hơn 200.000 gia đình dân bị mất điện.
Trong cuộc họp khẩn vào ngày 15/10, lãnh đạo thành phố lớn thứ ba ở Việt Nam nhìn nhận đây là trận mưa “lịch sử và chưa từng xảy ra”.
Giới chức Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng được truyền thông nhà nước trích phát biểu tại cuộc họp rằng lượng mưa lớn trong 2 ngày đã vượt quá khá năng đáp ứng của hệ thống thoát nước thành phố. Hệ thống được tính toán cho lượng mưa là từ 100 đến 200 mm/ngày. Trong khi đó, trận mưa kéo dài 6 tiếng đồng hồ ngày 14/10 được cho biết có lượng mưa 500 mm. Đến sáng hôm sau, phần lớn nước đã gần rút hết.
Cũng trong ngày 14/10, mưa lớn trút xuống Thừa Thiên-Huế, cộng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều nơi bị ngập, nước lũ dâng cao ở nhiều nơi.
Theo truyền thông nhà nước, suốt đêm 14 và rạng sáng ngày 15/10, người dân ở những vùng thấp trũng liên tục kêu cứu sự hỗ trợ của lực lượng chức năng và bà con lối xóm, họ cùng dìu nhau vượt qua cơn lũ lớn.
Đến chiều ngày 16/10, giới chức địa phương ở Thừa Thiên-Huế cho truyền thông nhà nước biết, đã có ít nhất hai người chết do mưa lũ và một người bị thương.
Mưa lớn từ ngày 14/10 cũng khiến nhiêu nơi tại tỉnh Quảng Bình bị ngập lụt. Thống kê từ địa phương cho thấy, đến trưa ngày 16-10, toàn huyện Lệ Thuỷ có hơn 600 nhà bị ngập lụt, huyện Quảng Ninh có hơn 100 nhà.
Trong khi đó, cơn bão số 6 có tên quốc tế là Nesat vừa tràn qua Phi Luật Tân đang tiến về phía Việt Nam và có thể gây ảnh hưởng tới các tỉnh miền Trung Việt Nam từ trưa và chiều ngày 17/10, theo công điển khẩn của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (Ban chỉ huy) thành phố Đà Nẵng.
Cơ quan Khí tượng Thuỷ văn của Nhật Bản dự báo cơn bão có sức gió gần 110 cây số một giờ khi vào Biển Đông sẽ mạnh lên khoảng 145 cây số một giờ vào thứ ba tuần tới trước khi đổ vào các tỉnh miền Trung Việt Nam từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế.
Trước đó, vào cuối tháng Chín, các tỉnh miền Trung Việt Nam cũng phải hứng chịu cơn bão số 4 với tên quốc tế là Noru.
Các chuyên gia về khí tượng thuỷ văn dự đoán, từ nay đến tháng 1/2023 còn có ít nhất hai đến ba trận bão hoặc áp thấp ảnh hưởng tới các tỉnh miền Trung.
Nhà Báo Phạm Đoan Trang Được Gặp Gia Đình Lần Đầu Tiên, Sau Phiên Tòa Phúc Thẩm
(Hình: Nhà báo Phạm Đoan Trang.)
Gia đình nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo Phạm Đoan Trang vừa có chuyến thăm gặp bà lần đầu tiên kể từ khi bà được chuyển đến trại giam An Phước, Bình Dương vào ngày 1/10/2022, gần 2 tháng sau khi tòa cấp cao Hà Nội giữ nguyên mức án chín năm tù với cáo buộc tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” trong phiên Phúc thẩm diễn ra hồi tháng Tám vừa qua.
Trong chuyến thăm gặp hôm 12/10 tại trại giam An Phước còn có bà Phạm Thị Lân, vợ nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, người đang thụ án 11 năm tù với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”.
Hôm 17/10, Ðài Á Châu Tự Do (RFA) liên lạc với bà Bùi Thiện Căn, mẹ của nhà báo Phạm Đoan Trang để hỏi về chuyến thăm gặp nhưng không liên lạc được. Tuy nhiên, vợ của nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, bà Phạm Thị Lân cho biết:
“Sau khi thăm gặp ra thì thấy gia đình nhà Đoan Trang cũng phấn khởi, được gửi hết đồ vì gia đình cũng đem rất nhiều đồ, lần đầu mà. Rồi cũng trò chuyện là Đoan Trang thì sức khỏe có vẻ không ổn, chân thì sưng phù, gia đình mua dép vào nhưng mà không đi được nhưng cũng được cán bộ người ta chở ra gặp gia đình xong ta lại chở vào”.
Cũng theo bà Lân, gia đình nhà báo Phạm Đoan Trang cho hay việc chuyển bà Trang về trại giam An Phước gia đình không được thông báo:
“Gia đình bảo là Đoan Trang chuyển từ mùng 1/10/2022 về trại giam An Phước, gia đình cũng không được thông báo, người nhà vào trại số 1 Hỏa Lò (Hà Nội) hỏi thì họ mới bảo là chuyển từ hôm 1/10”.
Trong chuyến thăm gặp lần này, vợ nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ cho hay sức khoẻ chồng bà, blogger Nguyễn Tường Thụy vẫn không khá hơn những lần thăm gặp trước:
“Anh có nói rằng là bệnh xương khớp của anh bây giờ nó đau thường xuyên, nhất là cái cổ tay trái khi bị bắt là người ta bẻ tay lấy mật khẩu nên bây giờ nó đau. Còn anh thì bị cao huyết áp, uống thuốc thường xuyên, nếu mà dừng thuốc thì nó lại bị huyết áp tăng lên. Nhưng mà tôi lo nhất là cái bệnh đột quỵ, anh Thụy đã từng đột quỵ năm 2015 mà bây giờ trong điều kiện trong nhà tù nếu như bất bình về tinh thần mạch, bệnh đột quỵ rất là dễ tái lại cho nên tôi lo nhất là cái bệnh đấy”.
Bà Lân đồng thời cho biết, mặc dù cán bộ trại giam An Phước không làm khó dễ gia đình bà vào mỗi đợt thăm gặp người thân nhưng hầu như thư từ của ông Thuỵ gửi cho bà đều bị trại giam giữ lại, bà nói:
“Có những cái thư chồng tôi gửi cho tôi nhưng mà họ cũng không đưa, họ bảo cái thư này không đưa được nhưng mà tôi muốn đọc. Tôi bảo không giao cho tôi thì cho tôi đọc nội dung, tôi không mang ra ngoài nhưng họ cũng không cho đọc”.
Ông Nguyễn Tường Thuỵ (70 tuổi) - một blogger của Đài Á Châu Tự Do - bị bắt giữa năm 2020 cùng với Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập là ông Phạm Chí Dũng và ông Lê Hữu Minh Tuấn - Biên tập viên của trang Việt Nam Thời báo thuộc Hội.
Đầu năm 2021, trong một phiên tòa chỉ kéo dài chưa đầy một ngày, Tòa án Nhân dân Tp. HCM kết án ông Dũng 15 năm tù giam, còn ông Thuỵ và ông Tuấn đều bị án 11 năm. Cả ba còn bị quản chế 3 năm sau khi mãn hạn tù.
Nhà báo Phạm Đoan Trang (44 tuổi) từng làm phóng viên và cộng tác cho các tờ báo Nhà nước Việt Nam. Bà cũng là tác giả của nhiều cuốn sách như Chính trị Bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực và một số báo cáo song ngữ, trong đó có Báo cáo Đồng Tâm.
Bà đồng thời cũng là một trong các sáng lập viên 2 tờ báo độc lập Luật Khoa tạp chí và The Vietnamese, một tạp chí nhân quyền viết bằng tiếng Anh.
Vì các hoạt động nhân quyền và các bài viết của mình, bà Phạm Đoan Trang đã được trao tặng nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có Giải Người Phụ nữ Can đảm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, giải Tự do Truyền thông (Media Freedom 2022) của hai chính phủ Anh và Gia Nã Ðại, giải Homo Homini năm 2017 của People In Need (Cộng hòa Séc), Giải thưởng Tự do Báo chí năm 2019 của Phóng viên Không Biên giới (RFS), Giải thưởng Martin Ennals năm 2022, và giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).
Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW), Ân xá Quốc tế (AI), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), và Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) đã kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Trang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét