Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :22/10/2022 - ĐHL

Liên Hiệp Châu Âu muốn tránh « lập trường đối đầu có hệ thống » với Bắc Kinh  Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel họp báo tại Bruxelles, kết thúc thượng đỉnh Liên Âu hôm 21/10/2022. AP - Geert Vanden Wijngaert Minh Anh -  Kết thúc cuộc tranh luận về mối quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Trung Quốc, lãnh đạo 27 nước thành viên hôm 21/10/2022, tuyên bố muốn phát triển một « mô hình riêng » trong bang giao với Bắc Kinh. Bruxelles chủ trương một đường lối khác so với của Hoa Kỳ và từ chối để bị lôi kéo vào một sự « đối đầu có hệ thống » với Trung Quốc.
<!>

AFP dẫn phát biểu của chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng Liên Hiệp Châu Âu « sẽ luôn tỏ ra cứng rắn và kiên định để bảo vệ các nguyên tắc, nền dân chủ, và các quyền tự do cơ bản »trong mối quan hệ với Bắc Kinh. Nhưng trong bối cảnh Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng, Liên Âu « phát triển một mô hình riêng ».

Cũng theo Charles Michel, Liên Hiệp Châu Âu thật sự mong muốn hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề biến đổi khí hậu và y tế. Cuộc tranh luận giữa các lãnh đạo đã cho thấy « một thiện chí rõ ràng là không nên ngây thơ nhưng cũng không muốn đi theo tư duy đối đầu có hệ thống ».

Về phần mình, chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula Von der Leyen, nhấn mạnh đến việc khối 27 nước phải « cảnh giác tránh để phụ thuộc » vào ông khổng lồ châu Á này trên nhiều phương diện, nhất trong các ngành công nghệ thiết yếu như chíp bán dẫn và các loại nguyên nhiên liệu quan trọng (đất hiếm, lithium…)»

Liên Âu trước đó đã thông báo các chiến lược nhằm tăng cường sự tự chủ trong hai vấn đề này. Bruxelles còn triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tốt hơn các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoại tại châu Âu, giảm thiểu tình trạng mất cân đối trong cuộc cạnh tranh không lành mạnh này.

Thủ tướng Đức muốn bán cảng Hamburg cho Trung Quốc


Thủ tướng Đức, Olaf Scholz bị chỉ trích bán cảng Hamburg cho Trung Quốc. Ảnh chụp tại thượng đỉnh Liên Âu, từ Bruxelles ngày 20/10/2022. AP - Markus Schreiber
Trọng Nghĩa
Thủ tướng Olaf Scholz hôm 21/10/2022 loan báo công du Trung Quốc vào đầu tháng 11, trở thành lãnh đạo một quốc gia Liên Hiệp Châu Âu đầu tiên đến Bắc Kinh kể từ tháng 11/2019. Các kênh truyền thông Đức NDR và WDR tiết lộ Berlin bán một phần cảng Hamburg cho tập đoàn Trung Quốc Cosco.

Hợp đồng được ký kết hồi tháng 9/2022. Thủ tướng Scholz, nguyên là thị trưởng Hamburg đã bị chỉ trích ngay cả trong liên minh cầm quyền. Ngoài tầng lớp chính trị Đức, các cơ quan tình báo và phản gián cũng dè dặt trước việc bán một cơ sở hạ tầng quan trọng cho Trung Quốc.

Thông tín viên RFI tại Berlin, Nathalie Versieux, tường trình:

"Cosco là tập đoàn vận chuyển container lớn thứ ba thế giới, với 50 bến cảng trên toàn cầu. Hải cảng Hamburg đang gặp khó khăn, đầu tư của Trung Quốc sẽ là một món quà trời cho, một loại bảo hiểm nhân thọ trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ.

Theo thị trưởng thành phố Hamburg, ông Peter Tschentscher, người tán đồng việc bán cảng cho Trung Quốc: “Từ chối thỏa thuận với Cosco sẽ là một gánh nặng cho cơ sở kinh tế và Hamburg sẽ thua thiệt so với hai đối thủ cạnh tranh là Rotterdam (Hà Lan) và Anvers (Bỉ)”.

Vào thời điểm nước Đức hết sức lo sợ trước việc tự đẩy mình vào vòng tay Trung Quốc, sau cú sốc đã quá lệ thuộc vào khí đốt Nga, thị trưởng thành phố Hamburg nhấn mạnh rằng Cosco sẽ không có quyền truy cập các thông tin nhạy cảm của cảng, cũng như tham gia quá trình ra quyết định.

Những người phản đối thỏa thuận với Cosco nhắc lại những khó khăn của các công ty Litva đã bị Trung Quốc tẩy chay kể từ khi Vilnius mở đại sứ quán ở Đài Loan vào năm ngoái, hay của cảng Pirée ở Hy Lạp mà 67% đã bị Cosco kiểm soát. Vào năm 2009, đại sứ Trung Quốc tại Hy Lạp đã đích thân gây sức ép buộc chính quyền Athens phải giải tán một cuộc biểu tình ngồi của dân nhập cư, đã chặn lối vào cảng.

Berlin phải quyết định về hồ sơ bán cảng Hamburg cho Trung Quốc vào cuối tháng này".

Macron: Bán cơ sở hạ tầng chiến lược châu Âu cho Trung Quốc là một sai lầm
Cũng liên quan đến Trung Quốc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 21/10/2022 cho rằng Liên Hiệp Châu Âu phải xem xét lại quan hệ thương mại với Trung Quốc, và kêu gọi một sân chơi bình đẳng hơn giữa hai đại cường thương mại.

Phát biểu vào lúc kết thúc hai ngày hội nghị thượng đỉnh Bruxelles, trong đó quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc được đề cập đến, ông Macron thừa nhận: “Chúng ta đã phạm sai lầm chiến lược trong quá khứ khi bán cơ sở hạ tầng cho Trung Quốc”.

Ý : Giorgia Meloni tuyên thệ nhậm chức và thành lập chính phủ cực hữu đầu tiên từ 1946


Georgia Meloni, nữ thủ tướng đầu tiên của nước Ý và tổng thống Sergio Mattarella đứng giữa nội các mới với 24 thành viên. Ảnh ngày 22/10/2022. AFP - FABIO FRUSTACI
Minh Anh
Hôm nay, 22/10/2022, lãnh đạo phe cực, bà Giorgia Meloni tuyên thệ nhậm chức tại phủ tổng thống Quirinal, ở thủ đô Roma, trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Ý. Thành phần nội các mới tại Ý cũng đã được công bố. Đây sẽ là một chính phủ thiên hữu nhất và hoài nghi châu Âu nhất tại Ý kể từ năm 1946.

Reuters cho biết, tân chính phủ Ý được thành lập từ ba đảng cánh hữu chính : đảng cực hữu Huynh Đệ Ý của bà Giorgia Meloni, đảng cực hữu Liên Đoàn của Matteo Salvini và đảng bảo thủ Forza Italia của ông Silvio Berlusconi. Ngoài vị trí bộ trưởng Quốc Phòng thuộc về ông Guido Crosetto, một trong số những người sáng lập đảng Huynh Đệ Ý của bà Giorgia Meloni, những vị trí chủ chốt khác được phân bổ đều cho các đảng đồng minh.

Từ Roma, thông tín viên đài RFI Anne Tréca cho biết cụ thể :

« Tại những vị trí chủ chốt, Giorgia Meloni đã tự quyết không chút khoan nhượng đối với các đồng minh. Bà đã tự mình lập danh sách các bộ trưởng, bác bỏ những yêu sách của Berlusconi, và từ chối trao cho Salvini vị trí bộ trưởng Nội Vụ như ông này mong muốn.

Những bộ chủ chốt xung quanh bà được trao cho các nghị sĩ cánh hữu cứng rắn, cực kỳ bảo thủ trên phương diện quyền công dân, nhưng bà cũng dành chỗ cho nhiều gương mặt dễ tìm được đồng thuận trong bang giao với nước ngoài.

Để khẳng định lập trường ủng hộ châu Âu của Ý, cựu chủ tịch Nghị viện Châu Âu, Antonio Tajani được trao vị trí ngoại trưởng. Còn ông Giancarlo Giorgetti, thuộc đảng Liên Đoàn chủ trương tự do nắm giữ bộ Kinh Tế.

Cả giới truyền thông Ý đều hoan nghênh việc một phụ nữ lãnh đạo đất nước. Sự nghiệp chính trị của bà khiến mọi người phải nể trọng, kể cả phe đối lập. Xuất thân từ một khu phố bình dân ở Roma, không bằng cấp, bà leo lên tất cả các nấc thang chính trị, biến đảng của mình thành đảng chính trị hàng đầu ở Ý, và xử lý công việc với bàn tay sắt với cả các đồng minh dày dạn kinh nghiệm và đầy tham vọng như Berlusconi và Salvini. Đây là một thành tựu lịch sử.

Nhiều tờ báo tỏ ra hoan hỉ trước sự trở lại của một chính phủ cánh hữu, sau 11 năm vắng bóng. Nhưng nhiều nhật báo lớn cũng tỏ ra ngờ vực về năng lực của các vị tân bộ trưởng, mà phần đông đều có bản lý lịch khá khiêm tốn. Đây còn là một vấn đề cho bà Meloni. Bà từng là một nữ chính khách xuất sắc lúc ở thế phe đối lập, mạnh mẽ trong liên minh, nhưng bây giờ là phải lãnh đạo đất nước. »

Bế mạc Đại Hội Đảng : Tập Cận Bình, yếu tố « trung tâm » của Đảng Cộng Sản Trung Quốc


Hai người áp tải cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) ra khỏi hội trường trước khi biểu quyết sửa đổi điều lệ Đảng. Ảnh ngày 22/10/202. © Andy Wong / AP
Thanh Hà
Kết thúc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm 22/10/2022, toàn thể 2.300 đại biểu « nhất trí » thông qua hai điều khoản sửa đổi điều lệ Đảng bao gồm 2 quy định : dứt khoát chống đối Đài Loan độc lập và công nhận vai trò « hạt nhân » của ông Tập Cận Bình. Ngoài ra danh sách 205 nhân vật trong Ban Chấp Hành Trung Ương đã được công bố. Nhưng mọi chú ý tập trung và thành phần Ban Thường Vụ sẽ được chỉ định vào Chủ Nhật 23/10/2022.

Trong diễn văn bế mạc Đại Hội Đảng Trung Quốc, trong cương vị tổng bí thư Ban Chấp Hành Trung Ương, ông Tập Cận Bình kêu gọi « Hãy dám đấu tranh đẻgiành lấy chiến thắng ». Về thành phần nhân sự mới, như dự báo đương kim thủ tướng Lý Khắc Cường không có tên trong danh sách 205 thành viên Ban Chấp Hành Trung Ương. Ông chính thức rời khỏi chức vụ thủ tướng vào tháng 3/2023.

Tuy nhiên sự kiện đáng chú ý nhất trong lễ bế mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 hôm nay, là hình ảnh cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) người ngồi ngay bên tay trái ông Tập Cận Bình, đã bị áp tải ra khỏi Đại Lễ Đường Nhân Dân trước cuộc biểu quyết sửa đổi điều lệ Đảng.

Thông tín viên đài RFI Stéphane Lagarde tường thuật về sự kiện được các nhà quan sát bình luận nhiều nhất sáng nay :

« Có vẻ như là cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bất đắc dĩ đã phải rời khỏi hội trường. Ngay sau khi bắt đầu làm việc tại phòng báo chí, các phóng viên qua ống nhòm đã trông thấy hai người áp tải ông Hồ Cẩm Đào ra khỏi phòng họp. Ai cũng biết cựu chủ tịch Trung Quốc nay đã gần 80 tuổi, sức khỏe suy yếu và có thể là ông đã bị mệt. Dù vậy ông Hồ Cẩm Đào đã rời hội trường trước khi mọi người biểu quyết sửa đồi điều lệ Đảng. Toàn thể các đại biểu đã nhất trí đưa tư tưởng Tập Cận Bình về xã hội chủ nghĩa theo đường lối Trung Quốc vào văn bản này.

Trong khi đó ông Tập Cận Bình chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ thứ ba, điều chưa từng thấy từ thời Mao Trạch Đông. Việc ông Tập tiếp tục nắm giữ quyền lực đã làm dấy lên nhiều chỉ trích ngay trong nội bộ Đảng. Trong lễ bế mạc Đại Hội Đảng hôm nay, phía bên tay trái của ông Tập Cận Bình là một chiếc ghế bị bỏ trống.

Chưa có thông tin về thành phần Ban Thường Vụ và danh sách 6 nhân vật chung quanh ông Tập Cận Bình. Liên quan đến Ban Chấp Hành Trung Ương, trong số 205 thành viên, không có tên thủ tướng Lý Khắc Cường. Trong danh sách này cũng không thấy tên ông Uông Dương (Wang Yang) chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc. Có lúc ông này được dự báo là có thể được cất nhắc vào chức vụ thủ tưởng.

Dù vậy, đương kim ngoại trưởng Vương Nghị cùng tuổi với phó thủ tướng thứ nhất Quốc Vụ Viện Hàn Chính (Han Zheng) thì vẫn được giữ lại. Một nhân vật thân tín khác với ông Tập Cận Bình là đương kim thành ủy Thượng Hải, ông Lý Cường (Li Qiang) thì có tên trong Ban Chấp Hành Trung Ương. Ngày mai mọi chú ý sẽ tập trung vào thành phần Ban Thường Vụ để xem xem rằng trong đó sẽ có bao nhiêu người thân tín với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ».

AFP ghi nhận, sau vụ ông Hồ Cẩm Đào đột ngột rời hội trường trước khi Đại Hội Đảng kết thúc trong những điều kiện « bất thường », tên tuổi ông bị kiểm duyệt trên các mạng internet tại Trung Quốc.

Hai điều khoản mới trong bản Điều Lệ Đảng
Liên quan đến bản Điều Lệ Đảng sáng nay 2.300 đại biểu Trung Quốc « nhất trí » thông qua hai điều khoản mới. Một là xác định « Vai trò trung tâm của đồng chí Tập Cận Bình », qua đó củng cố thêm vị trí của đương kim tổng bí thư, kiêm chủ tịch nước, chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Nghị quyết thứ nhì cũng đã dễ dàng được toàn thể các đại biểu thông qua liên quan đến quy chế độc lập của Đài Loan. Điều Lệ Đảng Cộng Sản Trung Quốc quy định rõ « chống đối » Đài Loan độc lập.

Úc-Nhật Bản ký kết một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc trong tầm nhắm


Thủ tướng Nhật, Fumio Kishida, (trái) và đồng nhiệm Úc, front left, Anthony Albanese, tại Kings Park, Perth. Ảnh ngày 22/10/2022. AP - Stefan Gosatti
Trọng Nghĩa
Công du nước Úc, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và đồng nhiệm Anthony Albanese ngày 22/10/2022 đã ký kết một thỏa thuận an ninh. Mục tiêu được cho là nhằm đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Theo hãng tin Pháp AFP, văn kiện được hai thủ tướng Úc và Nhật Bản ký kết tại thành phố Perth là phiên bản được điều chỉnh của bản thỏa thuận an ninh soạn thảo cách nay 15 năm, vào thời điểm khủng bố và vấn đề phổ biến vũ khí còn là mối quan tâm hàng đầu.

Thủ tướng Úc hoan nghênh thỏa thuận đã ký giữa hai nước. Ông khẳng định : “Tuyên bố lịch sử này gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới khu vực về mối liên kết chiến lược của chúng ta”. Về phần mình, thủ tướng Nhật Bản, dù không nêu đích danh Trung Quốc và BắcTriều Tiên, đã gọi hiệp ước là một phản ứng đối với “môi trường chiến lược ngày càng khắc nghiệt”.

Đây là chuyến thăm Úc đầu tiên của thủ tướng Nhật Bản kể từ năm 2018. Hai quốc gia vùng Thái Bình Dương dự kiến tập trung đặc biệt vào việc chia sẻ dữ liệu và thông tin tình báo thu thập được từ vệ tinh nghe lén điện tử.

Cả Úc lẫn Nhật hiện không có mạng lưới tình báo ở hải ngoại rộng khắp, như cơ quan CIA của Mỹ hay DGSE của Pháp. Tuy nhiên, theo ông Bryce Wakefield thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Úc (Australian Institute of International Affairs), Tokyo và Canberra đều có các phương tiện tinh vi nhằm thu thập, nghe lén các trao đổi, liên lạc.

Theo chuyên gia này, thỏa thuận Úc-Nhật cũng có thể là mô hình giúp Nhật Bản phát triển mối quan hệ an ninh sâu sắc hơn với các nước như Anh Quốc, mở đường cho việc Tokyo gia nhập liên minh tình báo "Five Eyes" (hay là Ngũ Nhãn) hùng mạnh giữa Úc, Anh, Canada, New Zealand và Mỹ.

Nhật Bản lên án việc dùng vũ khí nguyên tử
Trong chuyến thăm Úc, thủ tướng Nhật Bản cũng tố cáo việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Đó sẽ là “một hành động thù địch chống nhân loại”, ông cảnh báo.

Theo nhà lãnh đạo nước duy nhất trên thế giới từng bị ném bom nguyên tử, đe dọa của Nga về “việc sử dụng vũ khí hạt nhân là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh của cộng đồng quốc tế là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Vào tháng 5/2023, ông Kishida dự kiến sẽ đón các nhà lãnh đạo của các nước G7 tới Hiroshima, nơi bị ném bom hạt nhân của Mỹ vào ngày 6 tháng 8 năm 1945 khiến 140.000 người thiệt mạng. Thành phố Nagasaki của Nhật Bản cũng bị nhắm đến ba ngày sau đó.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraina vào tháng 2, tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần không che giấu việc sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Drone vũ trang Iran : Châu Âu đề nghị Liên Hiệp Quốc mở điều tra


Ảnh tư liệu: Một kho chứa các loại drone của quân đội Iran, ngày 28/05/2022. AP
Minh Anh
Ngày 21/10/2022, trong thư ngỏ gởi đến Liên Hiệp Quốc, Anh, Đức và Pháp, đề nghị mở một cuộc điều tra « công minh » về drone Iran cung cấp cho Nga theo như cáo buộc của phương Tây.

Thư ngỏ mà hãng tin Pháp AFP được xem qua, gởi Hội Đồng Bảo An và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, ghi rằng « một cuộc điều tra từ ban thư ký Liên Hiệp Quốc chuyên trách thực thi nghị quyết 2231 của Hội Đồng Bảo An là rất được hoan nghênh và chúng tôi sẵn sàng hậu thuẫn công việc của ban thư ký để thực hiện một cuộc tra kỹ thuật và vô tư. »

Nghị quyết 2231 được đưa ra năm 2015 nhằm giám sát thỏa thuận hạt nhân dân sự Iran hiện « đang hấp hối », được ký kết giữa Iran với Anh, Nga, Pháp, Đức và Trung Quốc, dự trù dỡ bỏ từng phần các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Iran.

Trong thư ngỏ, các đại sứ Anh, Pháp và Đức bày tỏ mối « quan ngại sâu sắc » cho rằng việc Iran cung cấp drone cho Nga, « vi phạm nghị quyết 2231 của Hội Đồng Bảo An » và những drone này đã được « Nga sử dụng trong cuộc chiến xâm lược chống Ukraina và trong các cuộc tấn công phá hoại các cơ sở hạ tầng dân sự và nhiều thành phố Ukraina, gây chết chóc cho thường dân vô tội. »

Đại sứ Pháp bên cạnh Liên Hiệp Quốc Nicolas de Rivière còn khẳng định có những tài liệu vững chắc cho thấy « các lực lượng Nga sử dụng drone của Iran tại Ukraina ». Đại sứ Pháp yêu cầu Iran « ngưng ngay tức thì mọi hình thức hỗ trợ cho cuộc chiến xâm lăng tại Ukraina do Nga tiến hành. »

AFP nhắc lại, từ nhiều ngày qua, Teheran bị phương Tây lên án đã cung cấp drone tự sát loại Shahed-136 và Shahed-131 cho Matxcơva. Chính quyền Biden còn khẳng định sự hiện diện của nhiều quân nhân Iran tại Crimée hướng dẫn quân Nga sử dụng drone bắn phá các cơ sở năng lượng của Ukraina. Tuy nhiên, cả Nga lẫn Iran đều thẳng thừng chối bỏ có sự hợp tác này.

Không có nhận xét nào: