Trong giao tiếp hằng ngày, nếu như có một người nào đó chịu chấp nhận cho bạn chơi gác trên đầu trên cổ họ cỡ nào cũng được, bảo đảm trong mười lần ngon lắm bạn chỉ gác được chín lần là cùng, riêng lần thứ mười thế nào bạn cũng bị phản kháng. Thiết tưởng trên đời này không có ai gan góc đến mức mười lần chịu nhịn nguyên mười. Nhưng đối với Nga thì lại khác. Chơi với Nga, tôi có bổn phận phải chơi gác lên đầu cổ cho đủ mười lần, thiếu một lần cũng không được, nếu thiếu Nga giận ngay. Bạn sẽ thắc mắc Nga là ai mà chịu ngu dữ quá phải không?
<!>
Nga là con nhỏ hàng xóm bạn Huyền, em gái tôi. Nga không có anh trai, vì sự thiếu thốn này nên Nga mê anh trai của Huyền vô cùng. Ðối với Nga tôi là một cái gì quý giá đầy uy quyền. Tôi mặc tình tác oai tác quái trên sự cam lòng vui vẻ đầy tự nguyện của Nga. Tôi được hiện hữu trên đời cốt để làm điểm tựa cho Nga, tôi phải là một tàng cây đầy bóng mát để Nga có chỗ trú thân. Ðền đáp lại, Nga lúc nào cũng tạo đủ mọi cơ hội thuận tiện để được tôi ăn hiếp. Nga lúc nào cũng chịu thiệt thòi, ví dụ như khi Nga có một cái bánh chẳng hạn, Nga phân làm hai để chia phần, khi chia, lúc nào Nga cũng cố tình chia thành hai nửa không bằng nhau, nửa nhiều, nửa ít. Tôi có trách nhiệm phải chọn nửa nhiều để Nga vui lòng. Nga nói đó là công bằng, lớn ăn miếng lớn nhỏ ăn miếng nhỏ. Tôi không có quyền đi ngược lại những gì đã trở thành đương nhiên. Nga không bao giờ để ý đến những chuyện lẻ tẻ, chỉ cần tôi chịu hạ mình chơi với Nga là Nga không còn mơ ước gì hơn. Chơi với Nga đó có phải là một sự hạ mình hay không, tôi không biết, tôi chỉ biết những chuỗi ngày ăn hiếp gần như bóc lột từ vật chất đến tinh thần là những chuỗi ngày êm ả nhất trong tuổi thơ tôi.
Chuỗi ngày làm cha thiên hạ đó bị chấm dứt lúc nào tôi cũng chẳng hay. Cuộc đảo chánh làm đảo lộn mọi thứ tự êm đềm tiến hành tự đâu, tôi không còn nhớ. Hình như bắt đầu từ một buổi chiều nào, con Huyền đi đâu về bắt gặp quả tang tôi đang lén phì phèo điếu thuốc lá, nó la lên:
"Chết ! Anh hai hút thuốc em méc ba cho xem"
Cái họng con em gái thiệt to, tôi hết hồn xuống nước nhỏ:
"Anh đâu có hút, anh chỉ thử chút chút xem khói thuốc có gì mà ba ghiền."
"Thử có nghĩa là hút rồi. Anh còn nhỏ mà đã bày đặt."
Năm đó tôi đã mười lăm rất ghét ai bảo tôi còn nhỏ, nhất là con Huyền. Mặc dù đang lo sợ cái miệng thọc mạch của nó, tôi vẫn trở mặt tức thì:
"Ai cho phép mày bảo tao còn nhỏ. Tao là anh hai của mày, anh hai muốn làm gì thì làm, em út không được xía vô . Mày có ngon, giỏi về méc ba đi"
Sợ chưa đủ đô tôi hăm thêm một câu:
"Méc rồi sẽ biết thế nào là lễ độ."
"Ðã làm lỗi không chịu nhận còn bày đặt hăm dọa . . Ðúng là cả vú lấp miệng em."
Câu trả lời quá ngon lành này có cho kẹo con Huyền cũng không dám. Vậy thì ai? Tôi quay ra, Nga đứng ở ngưỡng cửa tự lúc nào. Nếu bạn đang trong cơn giận dữ, Mỹ chưa chắc gì bạn sợ dừng nói chi Nga, đúng không? Tôi cũng thế, hầm hầm hất bản mặt lên nghinh với nàng liền. Khuôn mặt của tôi lúc đó chắc chẳng giống ai. Hai con mắt Nga trong veo như hai ống kính thu hình, mà cái đầu Nga là máy chụp. Ống kính chớp chớp vài cái trong phản xạ , thế là hình ảnh của một thằng nhóc mười lăm, phùng mang trợn má, tóc tai dựng ngược được thu ngay vào máy chụp hình. Cái bóng mát của tàng cây tỏa khôn suốt ba năm, chỉ cần dại một giờ biến ngay thành những cành khẳng khiu đâu còn che phủ được ai? Có lẽ không ngờ thần tượng của mình lại thô lỗ như vậy, Nga không thèm ngó thẳng mặt tôi.
Lần đầu tiên Nga cương:
"Ðừng thèm chơi với con người ngang ngược nữa Huyền."
Nga dằn tay con em cùng máu mủ ruột rà. Con Huyền có đồng minh yểm trợ lên tinh thần "hứ" tôi một cái rồi hai đứa ngoe nguẩy bỏ đi.
Kể từ buổi đó Nga liên thủ với Huyền và cuộc chiến tranh lạnh hai chọi một không cân sức bắt đầu. Tôi đâu ngán, dù gì tôi cũng là một thằng đàn ông con trai, một nam nhi chi chí. Tôi phải chứng tỏ cho Nga biết là tôi không thèm chơi với Nga, chứ không phải Nga không thèm chơi với tôi. Tôi tự nhủ để rồi cuối cùng xem ai thua cho biết? Lúc đó đừng hòng năn nỉ. Nhưng con nhỏ thật là dễ ghét, đã không thèm năn nỉ lại còn càng ngày càng khắng khít với Huyền như là chưa hề từng quì lụy dưới chân tôi. Nga xem tôi như chưa từng hiện hữu trên đời.
Và cứ thế tôi lẻ loi một mình bên lề cuộc sống của Nga. Những bước chân nàng nhẹ nhàng như không khí hít thở hằng ngày âm thầm len lỏi vào tận cõi lòng tự lúc nào tôi không hề hay biết. Cho đến một hôm, tôi phát hiện được tròng đen hai con mắt Nga dường như có nước long lanh hơn, bờ vai tròn hơn, mái tóc dài mượt hơn, làn da mịn màng hơn. Khi tôi phát hiện được điều đó, thì tôi cũng phát hiện được trình độ bơi lơ mơ như tôi dễ chết đuối trong hai cái má lúm đồng tiền của nàng. Hai cái lúm đồng tiền không sâu lắm, chỉ đủ dìm ngập hồn tôi ngất ngư.
Nhu cầu chiến trường ác liệt. Như tất cả mọi thanh niên thời chiến trong một đất nước bị lâm nguy, lũ học trò lỡ thầy lỡ thợ chuẩn bị lên đường. Tự tâm thân tôi chẳng còn gì vướng mắc trước phút ra đi, ngoài nỗi yêu thầm nhớ trộm chưa dịp bày tỏ cùng Nga. Nga thì cứ nhởn nhơ, còn tôi nước đã đến chân mà chưa dám nhảy. Lần lựa mãi vẫn chưa có cơ hội thuận tiện nào để nói chuyện phải quấy với nàng. Cho đến ngày cuối cùng tôi mới thu hết can đảm cầm tờ giấy báo của Trung tâm 2 tuyển mộ nhập ngũ, dẹp hết tự ái để xâm nhập gia cư nàng một cách hợp pháp. Căn nhà hàng xóm, tuổi thơ tôi qua lại bao lần nhưng sao lần này vô cùng.... hồi hộp.
Con Huyền trước tình cảnh anh hai của nó một thuở làm trời làm đất, giờ lù đù như con gà mắc mưa tội nghiệp nên đã trở về hồi chánh. Nó xúi:
"Anh hai còn chờ đến lúc nào nữa. Ngày mai anh đã đi rồi. Ðược thì ăn cả, ngã thì...đi luôn. Anh phải làm sáng tỏ nội vụ trắng ra trắng, đen ra đen chứ để nữa nạc nửa mỡ như vầy lỡ mai kia mốt nọ dẫu chết cũng chẳng yên lòng."
Con em sốt sắng đến nỗi bụm miệng không kịp
"Em xin lỗi anh hai, em không định trù ẻo anh đâu"
Tôi mỉm cười hiền lành:
"Không sao. Ðể con đó cho anh. Dẫu gì cũng là anh hai của em mà."
Thế là anh hai hùng dũng:
"Nga này."
"Có chuyện gì đó “
"Mai anh phải đi rồi."
"Ði đâu?"
"Ði lính."
"Làm trai thời ly loạn, khi tổ quốc lâm nguy phải lên đường đáp lời sông núi là lẽ thường tình “
Nga tỉnh queo nói y như đang giảng bài công dân giáo dục. Tôi đâm nản hết sức, đã lỡ mang thân đến đây rồi thì phải tới luôn chứ đâu có thể lùi được nữa:
"Ý anh không phải như vậy. Ý anh muốn nói là mai anh đã đi rồi. Trước khi ra đi anh có điều này muốn hỏi Nga”
"Ðiều gì cứ nói đi"
"Nga phải trả lời thật lòng."
"Ừ."
Theo tình hình này cái chuyện đi hay ở cuả tôi không mảy may tác động nàng. Ðến nước này còn e ngại gì nữa. Tôi trực khởi vào vấn đề:
"Nga có thích anh không?"
Nàng trả lời "không" chẳng cần suy nghĩ. Tôi hết hồn:
"Sao vậy?"
" Anh ngoan cố cứng đầu, làm lỗi không biết nhận."
Ðúng là ghim gút, thù dai.
"Chuyện đó đã năm năm rồi còn gì."
“ Hồi đó anh còn nhỏ không biết gì bây giờ lớn phải đổi khác chứ”
"Non sông dễ đổi bản chất khó chừa."
Thuở nhỏ đọc tiểu thuyết viết về những cuộc chia tay, tôi thấy cuộc chia tay nào cũng bịn rịn. Người con gái nào cũng nước mắt cũng đầm đìa gục đầu vào vai người con trai nức nở. Lớn lên cứ tưởng đời mình dù mạt vận lắm cũng giống được một phần cho ướt át. Ðâu ngờ con người đẹp đẽ như nàng trong giây phút vô cùng trọng đại lại quá sức tàn nhẫn vô tâm. Tôi nghẹn họng, cái bản chất khó chừa nàng vừa gán nổi lên. Tôi quay lưng không một lời từ giã. Tôi đi như bay ra khỏi cổng, bởi vì tôi biết nếu nấn ná thêm một phút giây nào nữa tôi chỉ có nước hộc máu ra mới hả được cái tức
Sáng hôm sau, chiếc xe quân vụ thị trấn chất lên khoảng 20 thư sinh trắng trẻo đẹp trai. Nhìn ba mẹ, bồ bịch của tụi nó quyến luyến nhau tôi tủi thân mình hết sức. Tôi mong xe mau nổ máy để đi khuất mắt nơi này, cái nơi tôi chẳng còn gì luyến nhớ. Khi xe bắt đầu nổ máy, khi tôi yên chí số phận tôi đã được an bài thì có tiếng của một người con gái gọi thất thanh:
"Anh Toàn."
Từ nhỏ đến lớn ngoài Huyền ra, không người con gái nào gọi tên tôi có kèm tiếng anh phía trước. Ðây là lần đầu có người thứ hai gọi tên tôi kèm theo tiếng anh. Tiếng kêu này tôi đã mong đợi từ lâu, đâu từ muôn kiếp. Tiếng kêu nghe quen thuộc vô cùng.
"Nga."
Tôi chồm người qua thành xe, Nga mặc chiếc áo sơ mi màu huyết dụ, sau lưng là Huyền. Nga đưa tay cho tôi nắm, hai con mắt nàng đỏ hoe:
"Xin lỗi chiếc xe đạp trật sên làm em đến trễ. Toàn có giận em không?"
Ðã gọi bằng anh lại còn xưng em nữa làm sao mà giận Nga được. Tôi lắc đầu.
" Anh đừng quên em nghe "
Nỗi sung sướng ào ạt dâng trào làm tôi nổi da gà. Bỗng nhiên tôi muốn nhảy xuống xe ôm đại Nga vào lòng, vì tôi biết đây chính là lúc chắc ăn nhất Nga sẽ không phản đối nếu tôi hôn ẩu nàng trước mặt đám đông. Chiếc xe chết tiệt, khi mong nó chạy thì lại cà rịch cà tang. Khi mong nó cà rịch cà tang thì nó lại dợm mình muốn chạy.
"Nga có yêu anh không?"
Trả lời bằng những giọt nước mắt vànhững cái gật đầu:
"Em yêu anh tận từ hồi đó lận."
"Hồi đó là hồi nào? "
"Hồi đó đó."
Hồi đó bận làm cha thiên hạ tôi nào để ý đến ai. Hèn gì Nga ghim ghút hành hạ tôi dai như đỉa. Tôi chưa kịp nói với nàng lời ân hận muộn màng thì xe... chuyển bánh.
Nếu lịch sử không có ngày 30 tháng 4 thì chuyện Nga và tôi chẳng có gì để kể. Cũng chỉ là một câu chuyện giống muôn ngàn câu chuyện tình khác trên đời này trong thời loạn. Chàng là người trai chiến tuyến, nàng người yêu bé nhỏ hậu phương. Nhưng bởi lịch sử có cái ngày đau thương đó nên chuyện tình hai chúng tôi bẻ ngoặt đi sang hướng khác. Thay vì là người lính ở chiến trường thì tôi lại là một tù tàn binh trong trại tù của những người thắng trận. Còn người yêu bé nhỏ hậu phương, tóc tai tơi tả xơ xác, băng rừng lội suối để thăm nuôi. Lần đầu tiên được gặp mặt sau sáu năm trời biệt vô âm tín, tôi bồi hồi ước gì được cầm tay, tha thiết đặt lên trán nàng một nụ hôn đầy ơn nghĩa, nhưng cặp mắt của tên cán bộ cứ chằm hăm chiếu tướng thật là mất lịch sự. Giá tôi không hèn, tôi sẽ đứng dậy đá hắn một cái cho bỏ ghét. Nhưng tôi biết mình hèn, tôi không dám động thủ, tôi sợ chết và tôi sợ mất Nga. Nga khóc lặng lẽ, người hùng của nàng áo quần chằng chịt gần trăm mảnh vá. Nga trông già dặn, chững chạc và đẹp mặn mà. Cuộc sống bên ngoài trại giam cũng không kém phần gian khổ, nhưng không vì thế nhan sắc nàng thuyên giảm.. Tôi biết nàng từ khi còn là một con nhỏ lẽo đẽo chạy theo năn nỉ được làm đệ tử đến lúc trưởng thành chưa bao giờ tôi thấy nàng đẹp như thế. Tôi nói nhỏ vừa đủ nghe:
"Nhìn em tự nhiên nản chí hết muốn ở tù."
"Trong hoàn cảnh này mà anh còn đùa?"
"Anh không đùa đâu, nếu không có tụi nó canh chừng, anh đã hôn em nãy giờ."
"Ðừng đùa nữa,khi nào anh ớn ở tù trở về em sẽ cho hôn. Còn bây giờ anh nên nhớ là em đang đợi anh."
"Ðợi anh?"
"Ừ, đợi anh"
"Chi vậy?"
"Ðể chờ anh lấy em làm vợ nếu anh không chê."
"Em đừng ngốc, anh bây giờ không giống con giáp nào hết. Tù đày con người đâm hèn hạ bần tiện lại không biết ngày nào ra. Còn em! Càng lúc càng đẹp não nùng đầy thánh thiện. Trong khi đám tù tàn binh tụi anh có người vợ ở nhà chờ đợi không nổi bỏ lấy chồng khác, còn em lại chẳng có gì ràng buộc thì hà cớ gì phải chịu cam tâm chờ đợi. "
"Em có anh ràng buộc, em chịu cam tâm."
"Ðã giải thích như vậy mà không chịu hiểu. Anh đâu còn đẹp trai như hồi xưa, đã vậy còn ỏng eo xấu xí nữa."
"Ăn thua gì anh. Phượng hoàng ở chốn cheo leo, sa cơ thất thế phải theo đàn gà, bao giờ mưa thuận gió hòa, thay lông đổi cánh lại ra phụng hoàng."
Nàng đúng là đồ cứng đầu. Trước tình thế vô cùng cảm động đó, tôi hứa ẩu:
"Thôi được nếu em chờ được anh thì anh cũng đành cam lòng chịu vậy."
Giữa giờ phút hai chúng tôi đang thề non hẹn biển, tên cán bộ hắc ám xía miệng vào, đúng là đồ Việt Cộng:
"Ê anh kia đã hết giờ thăm nuôi, chuẩn bị vô trại"
Truyện " Nga và tôi" đang viết đến đây thì có tiếng chìa khoá mở cửa lách cách. Ðã dến giờ vợ tôi đi làm về. Tôi vội vàng giấu bản thảo xuống gầm bàn, nếu không thế nào cũng bị la. Như thường lệ cửa chưa mở hết đã nghe tiếng oang oang:
"Anh à, cái thằng cha Thuận thiệt khó ưa. Cũng là dân H.O với nhau vậy mà vừa mới được bà chủ cất nhắc lên làm supervisor đã vểnh mặt làm tàng soi mói hạch sách như đàn bà.
"Vậy hả?"
Tôi nhanh nhẹn phụ họa. Vợ tôi khi đang ngon trớn nghiêng lòng muôn trút điều gì đang chứa ở trong đó ra tôi phải hứng liền nếu không muốn chảy tràn lan như đang lái xe vô lộn exit, cứ lòng vòng không tìm thấy lối thoát. Chuyện ở sở vợ tôi là chuyện dài tị nạn, nghe quen đến nỗi hai lỗ tai tôi được phân nhiệm rõ ràng, một lỗ "in" và một lỗ "out".
"Thằng chả làm như mình quan trọng lắm. Già đầu rồi mà tóc lúc nào cũng chải láng mướt, lại sơ mi trắng thắt cà vạt, đã vậy còn xịt trong người nguyên chai dầu thơm, mỗi lúc đi ngang nồng nặc bắt nhức đầu."
"Ai bảo em ngửi, kỳ sau đừng ngửi nữa."
" Em đâu muốn chẳng lẽ mỗi lúc thằng chả đi ngang mình bịt lỗ mũi lại?"
"Thì bịt lại đâu có sao?"
"Em sợ thằng chả nói mình khinh người."
"Ðằng nào em cũng đã khinh rồi."
"Thà em khinh sau lưng chứ ai lại mất lịch sự khinh trước mặt?"
Ðã khinh rồi còn bày đặt giữ lịch sự, đúng là đàn bà.
"Thôi bỏ qua chuyện đó đi, em thay đồ tắm rửa còn cơm nước."
"Hôm nay anh nấu món gì vậy?"
"Thịt bò xào dưa cải chua."
"Cứ món đó hoài, anh là đàn ông mà thiệt dở tệ không biết chế biến món gì khác."
Hai hàm răng ngà ngọc cắn vào miếng dưa cải chua chưa kịp nhai, nàng hỏi:
"Ủa hôm nay ông bán muối có đến nhà mình hả?"
"Ông bán muối nào? Anh có thấy ai đến nhà mình đâu?"
"Không đến sao dưa cải mặn quá vậy?"
Tôi chưa kịp hứa với nàng sẽ rút kinh nghiệm lần sau, nàng đã quay sang chuyện khác:
"Hồi nãy lúc em mở cưả anh đang làm thơ phải không?"
Tôi lắc đầu
"Em thấy rõ ràng mà còn chối."
"Anh đâu có làm thơ, anh đang viết truyện."
"Hết thơ đến truyện không lòi ra đồng nào mà cứ thơ với truyện hoài."
"Anh viết cho vui vậy mà."
"Vui sao nỗi mà vui. Con cái mỗi ngày mỗi lớn, nhu cầu mỗi ngày mỗi cao, hằng tháng đủ thứ bill trên đời, anh còn lòng dạ để mà thơ với truyện, nghĩ anh cũng tài thật. Không biết tại sao tui lại ưng ông, trong khi trăm dâu đổ đầu tằm, chống đỡ không xuể thì ông ngồi đó làm thơ viết truyện, đúng là ông trời chơi ác."
Cùng môt câu nói đang "anh, em" ngon lành, nàng quẹo qua "ông, tui" gọn bân, tánh khí đàn bà chuyển đổi còn lẹ hơn ngoài kia đất trời trái trở, thật là đáng nể. Khi vợ tôi trở giọng gọi "ông, tui" có nghĩa là tình hình đang trở nên nghiêm trọng, tôi phải khéo mà giữ mình. Thua non là giải pháp duy nhất. Nhưng không phải lúc nào cũng được quyền thua, đôi lúc vợ tôi đánh địch không cho địch thua dẫu địch đã đầu hàng, như lúc này chẳng hạn.
"Chịu khó dọn dẹp trên bàn sạch sẽ giùm tui, không ai rảnh làm mọi hoài. Ði làm về mệt thấy bầy hầy càng mệt thêm."
"Thì cứ để đó từ từ dọn."
"Ðể đó cho ông bày xả rác thêm à?"
"Thì xả chút đỉnh. Nếu anh không xả rác thì lấy gì em dọn dẹp, cũng như anh đàng hoàng không chịu bê bối lấy ai cho em la rầy?"
Vừa giả lả vừa lủi ra cửa. Thấy tôi dợm mình muốn tẩu thoát nàng chận liền:
"Ông đi đâu đó?"
"Anh ra ngoài một xíu."
"Lại ra ngoài hút thuốc phải không? Cái thân ốm nhom không lo giữ, cứ hút thuốc cho cố vào mai mốt ung thư rồi ân hận. Tui yêu cầu ông bỏ thuốc bao nhiêu lần mà chẳng chịu nghe."
"Em yên tâm anh hút thuốc từ nhỏ đến giờ đâu có sao. Em nhớ lúc chụp hình phổi làm thủ tục xuất cảnh phổi anh trong veo."
"Mỗi lần nói đến thuốc lá là ông rướn gân cổ lên cãi."
"Sao em thù thuốc lá dữ vậy. Anh nhớ hồi đó mỗi lần thở nhẹ cho mây lùa trong tóc là cặp mắt em lim dim chứ đâu có sòng sọc như bây giờ. Nghĩ cho cùng điếu thuốc có làm điều gì sai? Trong lúc con người thay lòng đổi dạ, lừa lọc cạn tàu ráo máng với nhau, thì điếu thuốc vẫn một mực thủy chung cùng chia xẻ những băn khoăn trăn trở không một tiếng than van...."
"Tui đang tức, ông đừng lý lẽ nữa được không?"
Tôi tắt đài. Ðã bao lần tự hạ quyết tâm là đừng thèm cãi cọ với nàng nữa, chứng nào vẫn tật nấy. Cãi để thua cãi làm gì cho mệt. Trăm lần chiến đấu đều thua cả trăm. Ðã thế cái hậu quả tất yếu sau cuộc chiến dành cho người thua thế nào chắc bạn cũng rõ. Năm 1975 cũng vậy, năm này cũng vậy. Người thua câm miệng hến lại, ngóng mắt để được kẻ thắng lên lớp giảng bài. Vợ tôi cũng thế, sau khi tôi câm miệng là nàng bắt đầu lấy trớn:"Trong khi chồng con người ta nhà to cửa lớn, tiệm này tiệm nọ, thì chồng con mình có mấy cái bill tiền nhà tiền xe trả không muốn nổi, vân vân và vân vân..."
Tôi trả không nổi thiệt. Nàng không nói thêm nói bớt. Nhưng trách ai bây giờ? Trách tôi? Với tháng ngày di cư muộn màng qua đất Mỹ, tôi làm được gì? Mỗi tuần với đồng lương tối thiểu tương xứng với trình độ và khả năng, mà nước Mỹ thì dẫy đầy thực dụng bon chen. Một số người sau cuộc tháo thân nay đã hoàn hồn, có ai còn nhớ nguyên cốt của mình thế nào ở từ cái nơi chốn đã bỏ ra đi để còn yên phận mà liệu cơm gắp mắm? Cũng có một số người quay đầu trở lại, chút của cải kiếm được gói kín những cái đầu thối rữa, nghênh ngang chẳng khác gì những kẻ chiến thắng năm 1975, chễm chệ ngự trị trên nỗi khổ đau tột cùng của đồng loại, mà cứ tưởng mình là người làm nên lịch sử. Xã hội này vốn đã là như thế, vợ tôi chỉ là một con ốc nhỏ được gắn trong guồng máy khổng lồ, nàng làm sao thoát ra khỏi được vòng lăn quay đó được? Chỉ tự trách mình còn chi cảm giác để mà biết đau. Vợ tôi là người đàn bà, nàng làm sao gánh nỗi những lo toan cuộc đời. Tội nghiệp cho nàng đã đầu tư tuổi thanh xuân nhầm vào tôi cái thằng không làm kinh doanh mà luôn luôn lúc nào cũng phá sản. Bỗng nhiên tôi thèm đi lang thang. Tôi mở cửa. Vợ tôi vói theo:
"Tui đang nói chuyện với ông mà ông bỏ đi đâu? Có giỏi đi luôn đi đừng về."
Biết như vầy thì hồi trước kia tôi đã không thèm lấy vợ để khỏi bị kềm kẹp. Nhưng nếu tôi không lấy vợ thì đâu có thể được... Bởi vì vợ tôi chính là con nhỏ Nga của mấy mươi năm về trước mà câu chuyện nãy giờ tôi đang kể.
Quan Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét