Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

BÊN BỜ SINH TỬ - Tạp ghi Giao Chỉ Vũ Văn Lộc gửi các bằng hữu.


Tạp ghi Giao Chỉ gửi các bằng hữu.
Thân tặng cháu Phạm Phú Nam, tưởng nhớ Đường Khuynh Diệp, cầu nguyện cho Trương gia Vy và rất nhiều bạn cùng khóa Cương Quyết Đà Lạt 54.
Vào trường 1954, Nửa thế kỷ sau 2004 đại hội toàn khóa lần cuối với 8 trung đội
<!>


Không còn họp khóa nữa:

Các bạn bè của Giao Chỉ mấy năm rồi Chết bảy còn ba, đến năm vừa qua chết hai còn một. Một đây không phải là một người mà là một phần trăm. Ra đi từ trại Ngọc Hà, Hà Nội tháng 3 năm 1954 có 300 chàng trai Bắc Kỳ cùng hát bài “Tôi xa Hà Nội năm lên 18 chưa từng biết yêu.” Đến tháng tư năm 1975 : “Bao nhiêu mộng đẹp tan ra thành khói, bay theo mây chiều.” Tháng trước tiễn đưa Nguyễn Văn Thịnh ra đi nhẹ tênh. Tiếp theo anh hùng nhiều huy chương nhất của nhảy dù là Ngô Lê Tĩnh được Giao Chỉ dẫn đi thăm Nghiêm Tôn còn chào tay anh em nay đã dứt khoát nằm chờ ra đi. Tôi và Vũ Thượng Đôn vào thăm dưỡng đường sau cùng của vợ chồng Lê Văn Bang chỉ thấy anh chàng lắc đầu. Anh Nguyễn Đình Tạo thì không nhận ra bạn bè. Mỗi buổi sáng gặp vợ là cúi đầu chào như người khách lạ.

 Người anh hùng mũ xanh Ngô Văn Định nói rằng rất muốn đi ra ngoài xem lại đất nước lần cuối nhưng không đi được. Định nhắc lại mình thực sự muốn đi lắm mà không đi được. May mắn thay miền Nam chỉ còn một đơn vị mạnh khỏe yêu đời lại không phải là nam tử. Chị Lê Xuân Định bây giờ là góa phụ ngây thơ đã cùng cô em đi xe đò Hoàng lên San Jose đòi họp khóa. Khóa có còn đâu mà họp. Ghé vào Delta Club của bác Đôn dự đêm nhạc thính phòng gia đình. Ông Đôn nhà ta học nhạc từ năm 13 tuổi nhưng không phải tay nghề nên gia nhập Công Binh chỉ huy các tiểu đoàn làm đường chiến binh cho các đơn vị hành quân. Về già ông ở ngôi nhà đường Delta bèn mở lò nhạc gia đình cho bạn bè OK với ban nhạc sống. Các danh thủ San Jose vẫn đến đây ca hát để chờ ngày. Một ngày mai trẻ lại để lên sân khấu lớn. Ca hát một ngày một lên cao nhưng tuổi trẻ làm sao trở lại nên phần số Cũng Đành. Chuyện tử sinh của anh em cùng khóa cũng đành theo phần số. Tất cả các bạn đều lên 90 hoặc gần như thế. Chúng tôi còn rất ít và đang chờ.

Mong một ngày về:


Năm 65 dai uy Giao Chi 30 tuổi một mình đi học lớp chiến tranh sinh hóa Alabama.
Cố vấn TTM là bạn cũ cho đi thăm SF Bay bằng tàu Navy Vip.
10 năm sau, 1975 đến Kim Môn Kiều là tỵ nạn SOS.

Mấy năm gần đây tôi muốn về thăm quê hương. Mộ phần ông bố vẫn nằm ở làng Bình Hải, Huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình. Bố tôi vẫn nằm chờ. Nghĩa trang quân đội miền Nam trên 10 ngàn chiến binh vẫn còn đó. Chưa có dịp về thăm. Chẳng phải quản ngại điều tiếng cộng đồng. Chưa về là chưa về. Có thể kiếp này hay kiếp sau. Có thể vợ chưa cho về. Chủ trương của mình là: Yêu nước không phải là yêu xã hội chủ nghĩa và Chống Cộng không phải là chống cả quê hương. Chưa về là chưa về. Năm 70 muốn về. Vợ không cho. Năm 80 vợ cũng không cho. Năm nay 90 vợ cho về thì mình đi không nổi. Các bằng hữu có hiểu vấn đề không? Cô vợ cao niên sợ ông già về nước léng phéng với tình yêu. 90 tuổi mới giải phóng thì còn gì phong độ.



                               Jenny tai Viet Museum và tại Huế

Đường Khuynh Diệp: Nhưng già chỉ yếu mà chưa chết. Trẻ chết thay. Mới đi dự buổi tưởng niệm cô luật sư Genny Đỗ qua đời. Hồng nhan bạc mệnh. Ra đi khi còn trẻ, thông minh, nhan sắc và có khả năng. Các bạn gái trung niên coi cô là thần tượng. Cô gái lai số một của chương trình con lai tìm về quê cha. Suốt tuổi thơ sống cạnh ngôi chùa dưới hương thơm ngát của mùi Khuynh Diệp trong thời gian cộng sản vào chiếm miền Nam. Sang Mỹ học lại tốt nghiệp luật sư Hoa Kỳ. Ước mong làm lớn chuyện nhỏ. Thăm viếng hội yêu Huế bèn trở thành hội trưởng. Yêu tà áo dài Việt Nam đã hạ sinh ra Ngày áo dài Bắc CA tuyến dương tại Sacramento. Muốn trở thành nghị viên thành phố San Jose rồi bay cao. Cả đời tình duyên lỡ dở. Gặp tai nạn hiểm nghèo nhất trần gian. Bệnh ung thư hành hạ suốt cuộc đời. Genny đi tìm lại mùi Khuynh Diệp. 

Ở Mỹ hương Khuynh Diệp không như ngày xưa ở Việt Nam. Trở về Việt Nam sao mùi khuynh diệp tuổi thơ không còn nữa. Cô luật sư trẻ đi tìm Đường Khuynh Diệp như một ẩn dụ của cuộc đời. Ngoài bắc ngày xưa anh em nghệ sĩ của Nhân Văn Giai Phẩm không giám ước mơ Tự Do công khai . Bèn theo nhau đi tìm Lá Diêu Bông ảo vọng. Đường Khuynh Diệp không có thực. Nó chính là lá Diêu Bông của niềm mơ ước. Nó chỉ là ẩn dụ. Ước mơ thực của cô có lẽ là nghị trường. Nhưng cô không tham dự được. Ngày tưởng niệm sau cùng các bạn cô tổ chức tại nhà vòm San Jose City Hall. Mọi người đến dự đều vote cho cô. Genie sẽ ở đó vĩnh viễn với hương thơm Khuynh Diệp trong lòng bè bạn. Ngủ đi con. Mộng vẫn bình thường. Cô gái lai Sài Gòn mà lại yêu Huế biết chừng nào.


Vy và Ng Xuân Hoàng những ngày cuối
Nhưng trước khi nhắc đến chuyện bệnh Ung Thư của Phạm Phú Nam cho tôi nhắc đến cô gái Trương gia Vy cũng đang chiến đấu những giây phút cuối với bệnh ung thư. Vy là người cầm cự với con bệnh trầm kha này lâu nhất và can đảm nhất. Ngủ đi con. Bên kia bờ đại dương Nguyễn Xuân Hoàng vẫn đứng chờ.

Cuộc chiến của Phạm Phú Nam


 Nam và 9 năm Thank You..

Bây giờ nói chuyện bệnh tình Ung Thư của Phạm Phú Nam. Nếu theo đúng tiên đoán sách vở của các bác sĩ thì anh Phạm Phú Nam của Dân Sinh chúng tôi đã ra đi từ lâu rồi. Những cái gì đã giữ cho Nam tồn tại đến ngày nay. Ngày 8 tháng 10 năm 2022 anh Nam vẫn còn leo lên sân khấu, với cặp mắt rất lơ mơ anh dõng dạc hô hào mọi người vỗ tay hoan nghênh cho cái cộng đồng trầm luân của chúng ta sau gần nửa thế kỷ lưu vong. Bác cháu chúng tôi tổ chức ngày cảm ơn nước Mỹ hàng năm và đây là lần thứ 10..Quyết định lần này này làm to vì không biết Que sera sera. Tuổi già của chúng tôi và bệnh nan y của anh Nam tính từng tháng. Anh em hỏi tôi bệnh tình của Phạm Phú Nam ra sao. Tôi thật sự không trả lời được. Bác sĩ đang gọi là phép lạ. Nên không ai có câu trả lời. Nhưng có điều quan trọng là bệnh nhân đang chiến đấu sinh tử với chính mình. Ý chí rất mãnh liệt. Sự can đảm xuất hiện trước bạn bè vá quần chúng chính là đang chiến đấu. Anh không đi tìm lá Diêu Bông. Anh cũng không đi tìm mùi hương Khuynh Diệp. Anh đang đi tìm ý nghĩa sau cùng cho cuộc sống. Hồn ai nấy giữ. Ông giám đốc Dân Sinh đã cùng chúng tôi cộng tác trên đường lịch sử ngoài 30 năm. Ông đang cổ giữ cho hồn thiêng không bỏ rơi xác tục. Chúng ta chỉ cầu nguyện thôi. Bác Lộc cầu nguyện cho cháu. Bác cũng chẳng còn ai là bạn đồng hành. Quanh đi quanh lại cũng chỉ còn mình cháu. Khác biệt nhưng rất hiểu nhau. 

Phạm Phú Nam tuy không cùng trường nhưng đã sống cùng khóa với các bác nhiều năm. Anh là thủy thủ trẻ tuổi nhất của hội Hải quân. Đã sống qua những ngày tem phiếu oan nghiệt của “giải phóng miền Nam”. Rồi vượt biển thành công. Rồi thành công với tạp chí Thị Trường Tự do. Sau cùng anh tình cờ rơi vào khai thác kho tàng văn học và lịch sử của cơ quan IRCC. Những chương trình văn nghệ xuất sắc nhất được khai dựng và tiếp theo là những DVD lịch sử để đời. Không hề học chính thức nhng tay nghề xuất sắc lạ lùng. Vừa sưu tầm, vừa viết, vừa bình luận vừa cắt ráp những mẩu tài liệu đơn giản thành câu chuyện tuyệt vời. Anh đã từng nói chuyện với các nhân vật lịch sử từ ông Thiệu, ông Khiêm. Ông Bá Cẩn, ông Nguyễn Khánh cho đến bà Kỳ và bà Nguyễn tôn Hoàn. Còn rất nhiều người khác. Sau cùng Phạm Phú Nam đã có mặt trong kỳ tổ chức Thank You America lần thứ 10 ngay tại Việt Museum như một phép lạ. Con trai của anh Nam là bé Việt nhỏ bé đã trở thành sinh viên luật cao lớn đỡ bố lên sân khấu. Anh hô hào các bạn Mỹ từ các ông bà dân biểu đến nghị sĩ CA và Giám sát viên quận hạt cũng đứng lên hoan hô cộng đồng Việt Nam. Một cộng đồng tuy nhỏ bé nhưng đầy tình cảm. Đã cùng góp sức và góp mặt cất cao lời cảm ơn nước Mỹ. Những cô bé hát quốc ca và đứng trên xác con tàu của thuyền nhân mà hát bài ca ngợi nước Mỹ. Chúng ta đã cùng trải qua nửa thế kỷ với những lời thơ than thở sau đây

Bài thơ nửa thế kỷ

1975-2025

Nửa thế kỷ tang tóc, Nửa thế kỷ ngục tù, 
Nửa thế kỷ chia ly, Nửa thế kỷ đoàn tụ,  
Nửa thế kỷ trầm luân, Nửa thế kỷ xây dựng,
Nửa thế kỷ bỏ lại, Nửa thế kỷ mang theo,

Nửa thế kỷ thành đạt, Nửa thế kỷ làm người…
Viện bảo tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa tại khu vườn lịch sử San Jose.
Lấy tro tàn quá khứ. Ta xây dựng bảo tàng. 
Đem lịch sử huy hoàng, gửi tương lai vĩnh cửu.

Quan niệm chính trị của Việt Museum
Yêu nước không phải là yêu xã hội chủ nghĩa
Chống Cộng không phải là chống cả quê hương.

Bài học của đất Mỹ trên quê hương mới.
Cảm ơn và xin lỗi

Tham dự ngày Thank you America

10pm thứ bẩy 8 tháng 10-2022 tại Việt Museum 635 Phelan Ave San Jose.
Buổi sáng Cảm ơn buổi chiều Nhạc Vàng muôn thủa.

Một ngày không quên.
Trân trọng báo cáo.

Giao Chỉ San Jose.

Giao Chi San Jose. giaochi12@gmail.com (408) 316 8393

Không có nhận xét nào: