Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Mùa Ngâu - Trần Lý Trí Tân

Giữa cơn mưa thu lất phất bay, người ta thấy một phụ nữ mặc áo dài đen, đầu đội khăn tang trắng, bước đi chầm chậm theo đoàn người tiễn đưa người quá cố. Đó là một ngày giữa thu nhưng lại có nhiều cây bắt đầu thay lá. Những chiếc lá xanh non lìa cành rơi đầy mặt đường như người thanh niên đang nằm trong chiếc quan tài kia. Người phụ nữ ấy dáng thanh mảnh, tóc dài búi cao, khuôn mặt trái xoan phúc hậu. Người phụ nữ ấy tên Bạch Yến. Hôm nay cô ấy tiễn đưa người yêu mình về phía bên kia cầu trong một ngày giữa thu tháng tám.
<!>
Năm đó, Yến mười tám tuổi. Hàng ngày đứng trong cửa hàng chăn ga gối đệm của gia đình, Yến thường thấy một thanh niên dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt tuấn tú, tuổi chừng đôi mươi, đặc biệt anh có nước da trắng, đôi môi đỏ như son đang nhìn Yến. Người thanh niên ấy cứ đứng hoài ở góc phố nhìn vào cửa hàng, chỉ khi bắt gặp ánh mắt Yến thì anh mới bối rối quay đi. Nhiều lần như thế, nhiều ngày như thế thành thói quen, Yến không muốn anh bắt gặp ánh mắt của Yến nữa, Yến sợ anh bỏ đi. Yến chỉ thi thoảng lén nhìn anh, lâu dần Yến cảm mến anh.
Đó là lần đầu tiên anh bước vào cửa hàng, dáng vẻ bối rối rụt rè. Anh hỏi giá đủ thứ nhưng chẳng dám nhìn Yến. Yến lúc đó cũng bối rối. Bất chợt anh dúi vào tay Yến lá thư rồi đi vội ra khỏi cửa hàng.
Yến biết tên anh là Đặng Thế Phong. Anh lớn hơn Yến hai tuổi, là một nhạc sĩ và đang theo học mỹ thuật ở Hà Nội. Lần đầu anh gặp Yến khi về Nam Định, đi ngang qua cửa hàng của Yến ở phố Hàng Sắt. Lần đầu tiên đó, anh bị vẻ đẹp của Yến luyến lưu, để rồi nhiều ngày sau đó, mỗi sáng anh đều đến phố Hàng Sắt chỉ để nhìn Yến. Mãi một thời gian sau, khi không kìm được nỗi nhớ về Yến, anh mới dám viết thư tỏ tình với Yến.
Một buổi sáng đầu thu trời trong xanh, gió heo may se lạnh, mùi hoa sữa bắt đầu thoang thoảng nơi đầu phố, Yến lần đầu viết thư cho anh. Yến không viết gì về tình cảm của mình dành cho anh. Yến chỉ kể cho anh nghe rằng, hôm qua Yến đã từ chối lời cầu hôn của một anh thông phán con nhà giàu có làm ở Tòa Đốc lý Nam Định. Sáng hôm sau gặp anh, Yến ngại ngùng bước ra khỏi cửa hàng rồi vội vã đưa bức thư cho anh như cách mà anh đưa cho Yến. Phút giây ấy tuy ngắn ngủi nhưng Yến thấy hạnh phúc nhất đời, Yến nhớ suốt đời. Thất tịch năm đó mưa như trút nước, anh nắm tay Yến chạy giữa mùa Ngâu, hoa sữa rụng trắng mặt đường...
"Vườn khuya trăng chiếu.
Hoa đứng yên như mắt buồn
Lòng ta xao xuyến. Lắng nghe lời hoa
Cánh hoa vương buồn trong gió
Áng hương yêu nhẹ nhàng say. Gió lay..."
Đó là lời bài hát anh mới sáng tác, lần đầu tiên anh hát cho Yến nghe khi Yến lên Hà Nội thăm anh. Căn gác trọ rộng chừng hai mươi mét vuông, chật chội tù túng nhưng không giam được tâm hồn nhạc sĩ của anh. Thế giới của anh rộng đến mức Yến thấy mình quá bé nhỏ khi bước vào. Cái thế giới ấy rộng lắm nhưng cũng buồn lắm, cô đơn lắm. Anh thường đàn và hát cho Yến nghe bài Serenade của Nhạc sĩ thiên tài nhưng yểu mệnh Franz Schubert. Anh nói chắc số mình cũng sẽ giống Schubert, không phải giống ở tài năng âm nhạc mà ở cái chết yểu. Khi đó, những cơn ho của anh bắt đầu kéo dài dai dẳng...
Anh dẫn Yến về ra mắt gia đình. Lần đầu tiên Yến gặp chị Bạch Tuyết, là chị đầu của anh. Chị Bạch Tuyết rất quí Yến, chị kể cho Yến nghe nhiều về anh, những điều mà Yến chưa biết, muốn biết.
...
Yến có đôi mắt buồn, buồn lắm. Dù đã nghe Phong kể nhiều về đôi mắt ấy nhưng lần đầu gặp Yến, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên. Đôi mắt buồn nhưng rất đẹp. Yến có dáng người thấp, mảnh mai, mái tóc dài đen mượt, Yến  thường búi cao rất ít khi xõa tóc. Những ngày Phong ra Hà Nội, Yến thường ghé nhà chơi, có hôm Yến ngủ lại. Tôi ngủ cùng Yến, hai chị em nói với nhau rất nhiều về Phong.
Cuối thu năm đó, gió heo may mang hơi lạnh đầu đông tràn về khắp phố. Thời tiết giao mùa rất khó chịu. Yến lâm bệnh cả tuần nhưng không cho Phong hay.
_Chị Tuyết đừng cho anh Phong hay em bệnh, anh sẽ lo mà dở việc của anh. Chừng vài ngày nữa em sẽ khỏi.
Nhìn Yến nằm co ro trên giường làm tôi không khỏi chạnh lòng. Tôi quyết định viết thư kể cho Phong về bệnh tình của Yến. Thời điểm đó Phong đang cùng vài người bạn ở Bắc Giang, không nghe tin về Yến, Phong sẽ lo lắm. Hai ngày sau Phong về tới nhà, Phong đưa cho tôi tập nhạc Phong mới viết rồi vội đi thăm Yến. Tôi cầm tập nhạc trên tay tò mò mở ra xem.
"Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng..."
Tôi không biết về âm luật nhưng đọc hết lời bài hát, tôi bỗng nghẹn ngào xót xa. Bài hát là tất cả nỗi niềm của Phong dành cho Yến. Tôi hiểu vì sao Phong đặt tên bài hát là "Con Thuyền Không Bến", bài hát như báo trước định mệnh mối tình của Phong và Yến. Đêm đó Phong đệm đàn hát cho Yến nghe "Con Thuyền Không Bến". Nghe xong, tự dưng Yến khóc nức nở, dường như Yến hiểu được tâm tư của Phong và Yến khóc cho cuộc tình của mình.
...
Lần đầu tiên anh nắm tay Yến bước vào khán đài Nhà hát lớn Hà Nội, nơi anh sẽ trình diễn "Con Thuyền Không Bến". Yến hạnh phúc biết nhường nào và trong khi mọi người lắng nghe anh hát thì nước mắt Yến chảy dài trên má.
"Biết đâu bờ bến thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu
Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu
Nhớ khi chiều sương cùng ai trắc ẩn tấm lòng
Biết bao buồn thương thuyền mơ buông trôi xuôi dòng
Bến mơ dù thiết tha thuyền ơi đừng chờ mong..."
Dường như dự cảm về cuộc tình của mình sẽ ngắn ngủi, Yến chắt chiu từng giây phút hạnh phúc của mình. Yến yêu anh và Yến cảm nhận hết tình yêu của anh dành cho Yến. Nhưng mà như anh nói, bến mơ dù có thiết tha thì cũng đừng chờ mong...
...
_Chị Tuyết ơi, em phải lên Hà Nội, em không thể để anh Phong một mình như vậy được.
_Không được đâu em... Bệnh lao rất dễ lây, đã có bác sĩ, y tá chăm sóc cho Phong rồi, em yên tâm.
_Không, em đã quyết rồi, chị đừng ngăn em...
Mùa đông năm đó, Phong được chẩn đoán mắc bệnh lao, căn bệnh nan y không có thuốc chữa vào thời điểm đó. Phong được điều trị ở nhà thương Cống Vọng, một bệnh viện chuyên điều trị bệnh truyền nhiễm. Yến xin gia đình lên Hà Nội chăm lo cho Phong dù gia đình hai bên đều can ngăn em ấy. Lần đầu tiên tôi nhìn thẳng vào mắt Yến thật lâu. Trong đôi mắt buồn ấy, tôi không thấy niềm tuyệt vọng, tôi thấy những tia hy vọng.
...
Anh nằm đó, hơi thở ngắt quãng nặng nề, dù không còn ho dai dẳng như trước nữa nhưng mỗi đợt ho đều có máu. Anh mệt, nói không ra hơi nhưng vẫn muốn Yến đàn hát cho anh nghe bài Serenade của Schubert, anh thều thào hát theo...
Anh nắm chặt tay Yến, anh nói anh muốn về nhà.
....
Có lẽ được về với gia đình, ở bên cạnh Yến, nên sức khỏe của Phong tiến triển hơn. Mỗi ngày Yến đến thăm Phong từ sáng sớm và ra về vào tối muộn. Yến không muốn ngủ lại, không muốn ở bên Phong hết thời gian của Yến. Vì Yến sợ rằng, lúc gần nhau nhiều nhất lại là lúc dễ xa nhau mãi mãi.
...
Chị Bạch Tuyết đưa cho Yến một chiếc hộp bằng giấy lớn, nói là kỷ vật của anh. Yến ngạc nhiên khi bên trong là một bức tranh do anh vẽ khi còn học trường Mỹ thuật. Anh vẽ một cây đại thụ với rất nhiều nhánh cây lớn nhưng tuyệt nhiên không có một chiếc lá nào. Cuối thu, cây bắt đầu thay lá, những chiếc lá xanh rụng hêt chỉ còn cành trơ trọi để cây bước vào thời kỳ ngủ đông... Nhưng anh không vẽ mùa thu, anh vẽ cuộc đời anh...
...
Mùa thu năm đó Phong đi, năm đó Phong hai mươi bốn tuổi. Yến xin gia đình cho Yến được để tang Phong.
Hôm Phong đi, mưa thu lất phất bay. Yến mặc áo dài đen, đầu đội khăn tang, ngồi lặng lẽ trước cửa. Yến ôm bức tranh của Phong vào lòng, nức nở bài hát cuối cùng của Phong...
"Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ!
Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành
như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi
mưa buồn chi
cho cõi lòng lâm ly
Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che gió về
Ai nức nở thương đời
châu buông mau
dương thế bao la sầu
Người mong mây tan cho gió hiu hiu lạnh
mây ngỏ trời xanh
chắc gì vui
mưa còn rơi
bao kiếp sầu ta nguôi
Gió xa xôi vẫn về
Mưa giăng mù lê thê
Đến bao năm nữa trời
Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu."
Truyện ngắn của Trần Lý Trí Tân
(Cảm tác từ cuộc đời tài hoa của Nhạc sĩ Đặng Thế Phong)
Mùa Ngâu, Nhâm Dần, 2022.

Không có nhận xét nào: