Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

CÓ MỘT BÀI THƠ TRONG TÔ MÌ QUẢNG - Lê Mai Uyên


Hồi nhỏ, nhà em ở gần chợ bà Hoa. Chợ như một xứ Quảng thu nhỏ, nơi người Quảng Nam lưu lạc đất Sài gòn ấm lòng như đang đứng trên đất quê hương, như tìm lại được mùi nhớ mùi thương của chái bếp sau nhà. Mổi một lần mẹ đi chợ, ba em lại có dịp cằn nhằn: - Mua chi mà mua dữ thần, như mang hết cả cái chợ bà Hoa về nhà. Em cũng ước thầm, em có thể mang hết cả cái chợ bà Hoa về nhà. Nhất là sạp mắm của bà Hà, nơi duy nhất trong thành phố còn có đường đen, em quen gọi đường bát nấu từ mía Quảng Ngãi, Quảng Nam, cái thứ mía xác xơ khô cong mà cho giọt đường ngọt lừ thắt lưởi, gợi lại ngày nhỏ xíu, em thấp thõm gậm nhấm góc tô đường mía,...
<!>
 vừa thèm thuồng, vừa lo toan dành dụm chắt chiu hương vị ngọt ngào thanh tao gói kín đáo trong rơm bọc ngoài lá chuối kia sẽ tan biến mất. Bát đường đen còn dùng để thắng ra làm các loại bánh xứ Quảng cổ truyền, Mẹ em nói "phi đường đen bất thành bánh Quảng", nào là bánh da, bánh in, bánh nổ, bánh tổ, bánh khổ... mà vị đường đã ăn sâu vào trong ký ức nhớ thương.
Ba em chỉ ưng món cơm nguội với con cá chuồn thính chưng củ nén thơm lừng, vừa ăn vừa ngâm nga:
Ai về nhắn nẫu trên nguồn
Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên.
Thương là thương người dân xứ Quảng, vì sinh nhai mà đi tha hương khắp phương, thay đổi tập tính rất nhanh cho phù hợp với vùng đất mới, chỉ có nết ăn ở muôn đời vẫn vậy, vẫn đắng đót với ớt cay, mắm mặn. Cứ trời mưa lâm thâm, là bần thần ngồi trước dĩa rau lang luộc, bát cơm trắng bốc khói, chén mắm cái trộn ớt xanh giã cho cay nồng, mà nước mắt sống ứa ra chẳng biết vì ớt cay hay vì nổi nhớ đất , nhớ quê cồn cào gan ruột.

Em còn muốn mang theo về lon kẹo mạch nha dẽo quẹo ngọt lịm, bịch kẹo gương, kẹo đậu phộng, gần kề gian hàng các loại bánh ; bánh tét, bánh tổ, bánh ú, bánh in, bánh nậm, bánh bèo, bánh nổ, bánh đậu xanh, rồi củ hành tím, củ tỏi Lý Sơn nhỏ chút mà thơm cay, củ nén nồng nồng không thể thiếu trong tô mắm chuồng chưng hay nồi nước dùng mì Quảng.
Chỉ tiếc là không sao mang về được cái giọng Quảng đậm sệt chất quê, không thể lẫn vào đâu, nẫu ơi là nẫu, quê thiệt là quê mà thiết thân, gần gũi, đôn hậu như bản chất người quê xứ Quảng.
Nhiều khi mẹ đi chợ bà Hoa chỉ để nấu một nồi mì Quảng vì cả chợ có mỗi một hàng làm và cán sợi mì ngay tại chổ. Loại mì làm từ gạo mới xứ Quảng, khi đồng vàng ngoài quê đã trơ gốc rạ, cây rơm xếp chất đống cao hơn mái nhà thơm mùi nắng gió, hạt gạo mới loại nở mềm, không quá dẻo cơm sau khi xay xát tráng ra lá mì màu hồng nâu nhạt gần với màu đất non.

Tinh hoa của tô mì còn là ở nồi nước dùng, là mẹ chắt chiu chọn từng con gà ta vườn miền trung chỉ tuyền nuôi bằng thóc ruộng, gạo mương nên thịt vừa thơm vừa chắc, còn là cách mẹ khéo léo lóc trọn bộ xương gà ninh nồi nước dùng không lẫn lộn thứ thịt nào khác, cho nước dùng có vị ngọt và thơm theo đúng cách nấu cổ truyền vùng Duy Xuyên, Mỹ Sơn quê nội.
Cũng chỉ ở chợ bà Hoa mới có thứ rau cải con nhỏ rí , cọng giá mảnh như cọng chỉ còn nguyên hạt đậu xanh bùi béo , cái bắp chuối non xanh, và rau húng đất, húng lũi thơm cay nồng xứ Quảng.

Nhìn tô mì nóng hổi, thơm lừng, vàng ươm, lấm tấm bánh tráng mè và hạt đậu phộng rang vàng đều, rãi nhưn thịt gà kho thấm thía, nhưn con tôm đỏ au, bao giờ em cũng ngồi ngẫn người ngắm nghía say mê cho toàn bộ ngũ quan thỏa thuê tận hưởng no nê trước khi thật sự nhúng đũa tre thưởng thức tô mì Quảng.
Đến bây giờ em mới hiểu. Người quê mình nói tô mì Quảng có đủ âm dương ngủ hành, bát quái càn khôn, văn chương , khoa học. Có người nâng mì Quảng lên thành một thứ "tôn giáo" , nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã nói người Quảng đi ăn mì Quảng bằng cả tâm trạng, ký ức, nhớ thương trộn lại.Riêng với em, còn có cả một bài thơ trong tô mì Quảng của mẹ.

Lê Mai Uyên

Không có nhận xét nào: