Theo truyền thống và phong tục Việt Nam, cứ đến ngày lễ, tết là người ta lại có cơ hội để bày tỏ lòng yêu thương, quí mến nhau qua những lời chúc tụng và những món quà. Vì vậy, trong những ngày đặc biệt này, con cháu đến thăm viếng chúc tết cha mẹ, anh chị em bằng hữu gởi thiệp, gởi quà đến chúc tụng thăm viếng nhau, tuỳ theo cương vị và túi tiền. Thường thì con cháu hay mua những món quà quí giá để hiếu kính ông bà bố mẹ, anh em bằng hữu thì mua quà tặng ý nghĩa để nhớ đến nhau. Hơn thế, những ngày lễ tết còn là dịp tốt để tri ân nhau nên người thọ ơn thường đến thăm viếng và mua lễ vật biếu người thi ơn.
Nhưng ở đời có những trường hợp mà người thi ơn không cần nhận trả và người thụ ơn cũng không có dịp được trả ơn. Ðó là trường hợp của tôi. Hôm nay, khi thiên hạ tấp nập rộn ràng chuẩn bị đón mùa xuân mới, tay bưng tay xách đầy những món quà quí giá, tôi ngồi viết bài này để gởi đến một nơi nào đó, cho ân nhân của tôi, và rất ước mong người ân nhân đọc được những dòng này.
Trước ngày 30 tháng 4, nhà tôi ở gần khu Kiến Thiết, đường Trương Minh Ký nối dài, gần phi trường Tân Sơn Nhất. Tết Mậu Thân, Việt cộng vi phạm ba ngày hưu chiến, tổng nổi dậy khắp nơi ở miền Nam mong cướp chính quyền. Thấy cảnh VC đánh vào phi trường và pháo kích vào các khu quanh vòng đai, người chết, nhà cháy, tôi sợ và ghét chiến tranh, vì chiến tranh làm mất đi tuổi thơ và làm những ngày niên thiếu của tôi luôn có tâm trạng bất an. Tướng Lưu Kim Cương cũng đã thiệt mạng vì bảo vệ phi trường trong cuộc tổng tấn công của VC. vào dịp tết Mậu Thân này.
Nhưng vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, hình như ngày 27 hay 28 gì tôi không nhớ rõ, thì tôi mới thực sự biết chiến tranh là gì. Sau khi nghe những đợt pháo kích Việt cộng pháo xối xả vào phi trường thì dân chúng quanh vùng càng thêm sợ hãi. Người ta túa ra đường. Nhiều gia đình tay đùm tay dắt chạy tán loạn ngược xuôi. Mấy tháng trước, dân chúng ở ngoài Trung, ở miền Cao nguyên còn chạy vào Saigon. Bây giờ, chính Saigon bị tấn công thì dân Saigon, không kể những người có điều kiện và cơ hội chạy ra nước ngoài, còn những người như chúng tôi không biết chạy đi đâu, cho nên, đành chạy từ khu này đến khu khác, nhà này đến nhà kia, quanh quanh trong bà con bằng hữu để tìm sự an ủi bên nhau, để có nhau cho đỡ sợ.
Tôi cũng ở vào hoàn cảnh và tâm trạng chung này. Lúc đó, nhà tôi là một quân nhân phục vụ ở sư đoàn 18. Trong trận giao tranh với VC ở Long Khánh, bị thương nhẹ và được đưa về điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hoà. Tôi có đi thăm được vài lần. Ðến khi cuộc tấn công của VC vào quanh vòng đai Sài Gòn thì lịnh giới nghiêm ban ra và các trục lộ từ nhà tôi đến Gò Vấp bị chặn. Tôi không đi thăm nhà tôi được nữa.
Lúc đó, tôi có 4 người con. Lớn nhất gần 5 tuổi và nhỏ nhất mới 6 tháng. Ðông con nhỏ và không có bà con anh em ở gần, tôi đâm ra lo sợ hơn những người có đủ cha mẹ họ hàng. Từ nhiều ngày trước, dân chúng đã chộn rộn lo toan nhưng không ai biết phải làm gì. Đến nửa đêm nghe tiếng pháo kích vào phi trường và liên tục nhiều loạt pháo dồn dập trong chiều ngày 27 hay 28 đó thì tất cả đều hoảng hốt. Cũng như nhiều gia đình khác, tôi bỏ lại tất cả những gì có được, chỉ ôm dắt bày con và chạy khỏi nhà. Ba me tôi đã qua đời nên tôi không có bên ngoại để cho các con về ngoại. Tôi nghĩ đến nhà chồng. Dù sao, về trên nhà chồng, có người này người nọ nếu có gì xảy ra vẫn hơn là trơ trọi một mình. Nghĩ thế, tôi lấy cái túi địu cu út trên lưng. Hai tay dắt ba con nhỏ chạy theo đoàn người hướng về đường Lê Văn Duyệt. Trên đoạn đường chỉ chừng hơn một cây số mà sao hôm ấy tôi có cảm tưởng quá là dài. Dài và như không đủ sức để đi cho hết. Bên lề đường, những vật dụng cá nhân vất tung toé và đôi ba xác người chết nằm rải rác. Chỉ thoáng nhìn qua mà cho đến bây giờ tôi vẫn không quên được hình ảnh ghê sợ của một xác chết, đó là xác một người đàn ông độ trên dưới bốn mươi tuổi, mặc thường phục, nằm ngửa, trán u lên một cục to bằng quả cam, tím bầm và bóng lưỡng. Nhìn ông, không hiểu sao, tôi nghĩ rằng ông bị bắn vào đầu, từ phía sau. Ðạn không trổ ra ngoài và máu chảy nhiều, đọng lại, sưng lên. Vì chỗ sưng to quá nên khuôn mặt ông thay đổi, méo mó, tím bầm, nhìn giống như mặt một dị nhân, vô cùng khiếp đảm.
Tội nghiệp các con tôi, còn thơ bé, sống ở Sài gòn, chưa bao giờ từng nghe những tiếng đạn nổ, bom rơi, chưa bao giờ chứng kiến cảnh chiến tranh, cảnh mọi người hãi hùng tháo chạy, bỗng một ngày, thấy cả một chết chóc kinh hoàng. Tôi lo sợ không bảo toàn được bầy con và vừa ôm con, vừa chạỵ Tiếng pháo kích như đuổi theo làm hai chân tôi cứ vướng vào nhau. Ðứt dép, tôi đi chân đất, dẫm vào vật gì bén, đứt chân chảy máu, nhưng vì quá lo sợ cho an nguy của bầy con, tôi không còn biết đau.
Ra đến đường Lê Văn Duyệt, người đổ xô từng dòng xuôi ngược như thác lũ. Trong lòng đường lẫn lộn đủ thứ xe. Phần nhiều là xe đạp, xe gắn máy. xe xích lô đạp, xe ba bánh và... đông nhất là người. Xe thì xe nào cũng chở đồ vật và người đầy ứ. Tôi dắt con theo dòng người đi được một đoạn, đến nhà Giây Thép Gió thì tôi nghe đằng sau một tiếng nổ xé trời. Tôi quay nhìn lại. Chiếc xe lam đang trên đường tháo chạy bị đạn bắn bốc cháy. Một cột khói đen bốc lên cùng với ngọn lửa cao vài thước. Tiếng người kêu khóc thất thanh. Một số người nằm, bò ngổn ngang ngay trên mặt lộ. Một số chạy giạt tránh chiếc xe lam đang làm mồi cho lửa. Một vài người chỉ lên trời, phía trước mặt họ, rú lên, ôm lấy mặt. Tôi nhìn theo hướng đó, trên dây điện, thấy lủng lẳng một mớ ruột người. Các con tôi nghe tiếng nổ, thấy lửa cháy, thấy người khóc, sợ quá, khóc thét, bám chặt lấy tôi.
Tôi hết sức kinh hoàng, trí não chìm trong một trạng thái mê cuồng, tê dại, không còn biết phải làm gì. Tiếng xe chạy, tiếng súng các loại rải rác khắp nơi, không biết của phía nào, trộn với tiếng pháo kích liên tục, tiếng người kêu khóc gọi nhau thành một loại âm thanh vô cùng kinh loạn. Tôi không còn sức đi nữa mà ôm con đứng nép vào lề đường, trước nhà Giây Thép Gió. Chưa biết làm cách nào để có thể an toàn đem các con đến được nhà cha mẹ chồng tôi dù không xa lắm, độ 3 cây số, cạnh Quân Vụ Thị Trấn, nằm trên đường Lê Văn Duyệt. Ðoạn đường đó, những lúc thường thì chỉ mất 15, 20 phút xích lô nhưng hôm nay sao mà diệu vợi.
Trong lúc tôi đang hốt hoảng, lo lắng đến tột cùng thì như có phép lạ, một chiếc xe ba bánh trống trơn dừng lại trước mặt tôi. Tôi ngơ ngác ngước nhìn người đàn ông đang xử dụng chiếc xe, chưa kịp nói gì thì ông nhìn tôi hỏi:
- Cô đi đâu? cho mấy đứa trẻ lên xe, tôi đưa đi.
Như gặp được cái phao khi sắp chết đuối, tôi không nói được gì, chỉ vội vàng run rẩy làm theo ông như một cái máy. Khi mấy mẹ con tôi ngồi gọn trên lòng chiếc xe ba bánh, ông vừa đạp đi, vừa hỏi:
- Cô đi đâu?
Tôi trả lời ông giọng run và đứt quãng:
- Dạ ông làm ơn cho... tôi đến gần... Quân Vụ Thị Trấn.... Cứ đi thẳng đường này, qua chợ Hoà Hưng.... một lúc ... thì đến.
Người đàn ông không nói gì, tiếp tục nhấn mạnh chân lên bàn đạp. Không hiểu nghĩ sao, tôi tiếp:
- Gần lối vào khám Chí Hoà, ông ạ.
Người đàn ông vẫn không nói, tiếp tục đạp xe. Tôi cũng không nói thêm gì. Xe đi thật chậm theo dòng người. Khi qua nghĩa địa Chí Hoà, ông bỗng lên tiếng:
- Chồng cô đâu?
- Dạ bố các cháu đang nằm trong Tổng Y Viện Cộng Hoà.
Tiếng súng vẫn nổ, tiếng pháo kích vẫn xé bầu trời. Người chen chúc với xe trên mặt lộ. Cuối cùng, tôi cũng đến được nhà bố mẹ chồng tôi. Tôi vội vã đỡ các con xuống xe và chưa kịp nói lời cảm ơn ông thì ông đã biến ngay vào rừng người đang ngược xuôi, hoảng loạn... Ðứng trước cánh cửa sắt đóng kín của nhà bố mẹ chồng, tôi vừa đưa tay lên đập cửa, vừa quay nhìn theo người đàn ông ân nhân ấy. Qua đôi mắt thất thần, tôi không thấy được gì ngoài lớp sóng người chao đổ.
Em chồng tôi ra mở cửa, kéo mấy đứa trẻ vào thật nhanh và đóng ngay cửa lại.
Cũng như tôi, người chị cả của chồng tôi, chị Mai đã đem con về nhà bố mẹ. Chồng chị cấm trại, chị lo ngại nhìn tôi:
- Hạnh đi thăm Trung được mấy lần?
- Dạ ba lần.
- Không biết nó ở đó tình trạng ra sao! Nhân viên bịnh viện không biết còn làm việc hay bỏ nhiệm sở mà ở nhà lo cho gia đình họ.
Tôi không trả lời, vì không biết sao để trả lời. Không thấy mẹ chồng đâu, tôi hỏi chị:
- Mợ, đâu, chị ?
- Mợ ở nhà sợ pháo kích, đi đến nhà chị Chấn rồi. Mợ bảo ở đó, lầu đúc mấy tầng, đỡ sợ pháo kích hơn.
Tôi nghĩ đến những tiếng nổ kinh hoàng trong trận pháo kích ở Tân Sơn Nhất và tiếng nổ của hỏa tiễn bắn vào chiếc xe lam nên rùng mình:
- Vậy em cho các cháu đi đến nhà chị Chấn với mợ.
Bố chồng tôi ở phòng trong nói vọng ra:
- Muốn đi thì mai hãy đi. Bây giờ trời sắp tối, lại ngoài đường nhốn nháo thế kia, đi gì được. Cho tụi nhỏ ăn uống, tắm rửa đi rồi mai hãy tính.
Tôi vâng lời bố chồng, đi tắm rửa cho các con. Chị chồng tôi cũng vừa nấu cơm xong, bới cho con chị và ba đứa lớn con tôi, mỗi đứa một chén.
Ðêm hôm đó, ngoại trừ bố chồng tôi, còn mấy chị em, mẹ con chúng tôi không ai dám ngủ trên lầu mà trải nệm nằm trên nền gạch hoa, tầng trệt. Hai cái mùng đôi tuy lớn nhưng cũng không đủ cho cả một đám người. Sợ hãi và lo lắng, ai cũng ngồi sát lại gần nhau. Lũ trẻ con ngủ say, thỉnh thoảng lại thò chân thò tay ra ngoài mùng. Chị Mai cứ phải canh chừng để kéo chúng vào tránh muỗi. Tôi và chị Mai không ngủ được, thỉnh thoảng, chị Mai lại đưa tay đập muỗi kêu chan chát. Mệt quá, có lúc tôi thiếp đi, chập chờn mộng mị và lại giật mình trong nỗi kinh hoàng. Ngoài đường, người vẫn ồn ào như thác chảy. Tiếng súng lớn nhỏ vẫn ì ầm. Tiếng pháo kích vẫn vang rền, ghê sợ. Quá nửa đêm thì tù nhân trong nhà tù Chí Hoà tràn ra. Họ vừa đi vừa la hét om sòm nhưng may là họ không làm tổn hại gì ai.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi ăn qua loa vài miếng mì gói và tôi nằng nặc đòi đem con đi đến nhà chị Chấn. Vì tôi vừa trải qua một cơn kinh hoàng nên quá khiếp sợ và cũng nghĩ như mẹ chồng tôi, nhà chị Chấn có mấy từng lầu đúc thì tránh pháo kích cho các con tôi được tốt hơn.
Thế là tôi lại buộc cu Út vào lưng tôi như người Trung hoa địu con và dùng xe Honda chở con di chuyển đến nhà chị Chấn. Cô em của chồng tôi cũng giúp tôi một tay. Cũng đi một chiếc xe Honda khác, chở thêm hai đứa nhỏ cho tôi.
Ðến khoảng 11 giờ trưa ngày 30 tháng Tư thì tôi nghe lệnh của ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Từ máy radio, tôi nghe mà không muốn tin đó là sự thật. Nào là quân nhân ai ở đâu, yên đó, nào buông súng xuống, nào mời người anh em ngoài kia đến bàn giao... chao ôi ... sao mà đau đớn. Tôi khóc ngất trong nỗi thương đau căm giận như một đứa trẻ bị ai giằng đi món đồ chơi duy nhất vô cùng quí giá.
Sau lệnh đầu hàng, chúng tôi trở về nhà cha mẹ chồng tôi. Trên đường từ nhà chị Chấn trở về, xuôi ngược, người vẫn như nước chảy. Bộ mặt thành phố lúc bấy giờ có hai hình ảnh tương phản nhau rõ rệt. Ðau buồn và hạnh phúc. Người đau buồn là người trở về sau những ngày đi “di tản” như tôi. Người hạnh phúc là toán lính Bắc phương, là thành phần nằm vùng, là thành phần dao búa ở chế độ cũ nay theo đóm ăn tàn và cuối cùng là thành phần đi hôi của. Vì một số gia đình chạy ra nước ngoài, nhà bỏ trống, thì nay đẻ ra một lớp người hôi của. Họ tràn vào đập phá các ngôi nhà vắng chủ và các công thự để khuân mọi thứ đổi được ra tiền. Và sau lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh thì lại đẻ ra một lớp người mà sau này người ta gọi là “Cách Mạng Ba Mươi”. Nghĩa là, chỉ sau ngày 30 tháng Tư họ mới là “cách mạng”. Như trên đã nói, lớp người này, trước đó, là những thành phần bất hảo của chế độ cũ, nay thấy thay ngôi đổi chủ, họ cũng vội vàng thức thời và vội vàng thích ứng với hoàn cảnh và xã hội mới.
Ngày trước, tôi sợ chiến tranh thì bây giờ tôi lại ghét và ghê tởm "hòa bình". Một hòa bình kiểu Cộng sản VN. Sống dưới hòa bình của chế độ độc tài CSVN 5 năm, tôi thấy nhiều chuyện buồn cười. Nhưng tiếc rằng chuyện cười nào cũng chua xót đắng cay và trào nước mắt. Một trong những chuyện cười ra nước mắt đó là tôi làm vợ một người tù chính trị nhưng dưới một mỹ từ vô cùng nhân đạo là “học tập cải tạo”. Chồng tôi bị tù, à không, anh được đảng và nhà nước khoan hồng cho đi học tập cải tạo. (Nói như vậy mới là “quán triệt” được đường lối nhân đạo của cách mạng). Anh “được” đi cải tạo vì anh đã sống ở miền Nam, đã yêu đất nước và làm bổn phận người công dân. Như bao chàng trai Việt Nam thời bấy giờ, người công dân ấy đã nghe và đã đáp lại tiếng gọi núi sông. Anh đã hào hùng, can đảm lên đường chống xâm lăng, bảo vệ phần đất nước thân yêu và bảo vệ lý tưởng tự do của quê hương mình. Chuyện học tập cải tạo của anh thì thật là siêu đẳng. Anh đi học tập trồng sắn, trồng khoai, đẵn tre, phá rừng làm rẫy, nuôi heo và nhất là học làm một con vật người. Nếu làm không đủ chỉ tiêu thì có roi mây, báng súng của bọn quản giáo trừng trị. Báng súng, roi mây thường đi chung với những câu mắng chửi, miệt thị chế độ VNCH từ những con người tự nhận mình là đỉnh cao trí tuệ. “Bồi dưỡng” thì có bột luộc, đọt mì luộc hoặc bo bo trộn với khoai, ngô chấm với nước muối. Ốm đau thì không cần thuốc, cơ thể các anh cứ tự nhiên mà khắc phục. (**)
Thật là thán phục đảng CSVN. Vì phải có một bộ óc siêu đẳng như bác và đảng mới sáng tạo ra được cách “khoan hồng cải tạo” siêu đẳng ấy cho các quân nhân VNCH, những người trai bảo vệ phần đất quê hương mà đỉnh cao trí tuệ đã phải dùng thủ đoạn tuyên truyền gian xảo trên bàn hội nghị Paris và súng đạn Nga, Tàu để xâm lăng, chiếm đọat.
Phần tôi, tôi tiếp tục làm giáo viên, à không, trong “nhà trường cách mạng”, tôi làm một “Kỹ Sư Tâm Hồn”. Chúng tôi không được dùng những sách giáo khoa đã được bộ Quốc Gia Giáo Dục kiểm duyệt và cho phép ngày xưa để giảng dạy cho học sinh của chúng tôi nữa. Là một kỹ sư tâm hồn trong nhà trường cách mạng, chúng tôi phải làm tròn chức năng “trồng người”. Nghĩa là phải tận tình nhồi nhét vào đầu óc non nớt của những em bé Việt Nam ngây thơ trong trắng những bài tập đọc mới do đỉnh cao trí tuệ soạn thảo. Ðó là những bài tập đọc có nội dung gian dối điêu ngoa. Nào là Mỹ Ngụy ăn thịt người. Mỹ ngụy tàn ác, có tội với nhân dân. Nào ngụy là một đám lính đánh thuê, có nợ máu. Nào là bác Hồ vĩ đại, bác Hồ yêu nước, yêu dân, yêu các cháu nhi đồng. Những bài toán đố “trồng người” ở lớp Hai cũng thật là “siêu việt”. Siêu việt như chế độ siêu việt của đảng CS và Bác Hồ kính yêu. Tỉ Như: Năm chiếc máy bay Mỹ đang oanh tạc vùng đất của nhân dân. Cô du kích bắn hạ ba, hỏi còn mấy cái?
Trong năm năm này, tôi luôn nghĩ đến người đàn ông có chiếc xe ba bánh, người ân nhân, vị cứu tinh đặc biệt của tôi. Tôi nghĩ đến ông với lời thầm cảm ơn tự đáy lòng. Ðôi lúc tôi đã định đi tìm ông nhưng tôi không làm được vì tôi không biết cả tên ông để mà hỏi thăm, để mà tìm kiếm. Tôi mong được gặp lại ông, nhất là những lúc tôi đi trên con đường Lê Văn Duyệt, (đã đổi tên là đường Cách Mạng Tháng Tám). Nhưng điều mong ước đó đã không đến với tôi. Tôi không gặp được ông, và nếu có gặp thì chưa chắc tôi đã nhận ra ông. Ngày đó, tôi không hỏi tên ông, chỗ ở của ông không phải vì tôi vô tâm mà chỉ vì tôi đã gặp ông trong một tình huống mà tinh thần tôi đang trong một trạng thái hết sức kinh hoàng.
Có một hôm vừa cho học sinh đọc xong bài tập đọc, tôi chợt nhìn ra ngoài khung cửa sổ. Bầu trời đầy nắng trong, vài cành điệp ở góc sân trường khoe màu xanh thắm. Nắng trong và cây xanh nhưng trong lòng tôi từ mấy năm nay không còn cảm được vẻ đẹp thiên nhiên trời đất. Một con chim bay qua, tôi bỗng thèm có đôi cánh như con chim kia một cách lạ lùng. Tôi nghĩ, nếu có đôi cánh ấy, tôi sẽ cõng đàn con tôi, và nếu cõng được, tôi sẽ cõng hết cả lũ học trò của tôi trên lưng như con chim sau khi ăn khế, trả ơn người chủ cây khế bằng cách cõng anh ta đi lấy vàng trong Truyện Cổ Nước Nam. Con chim ấy sẽ bay đến một vùng trời tự do, vùng trời của lòng tôi mơ ước.
Nhưng tôi không dám có ý định tìm tự do vì con nhỏ và nhất là không có vàng. Vậy mà không lâu sau đó, như một giấc mơ, như một phép lạ, tôi đã thật sự đưa các con tôi đi tìm vùng trời tự do mà tôi hằng mơ ước. (***) Nhưng tôi lại không đem theo được em học trò nào. Tôi không đi bằng đôi cánh mà đi bằng một chuyến hải hành đầy nguy hiểm, một canh bạc lớn nhất của đời tôi. Tôi đã quyết định dốc hết vốn liếng là sinh mạng của những người con thân yêu và của chính tôi đặt xuống chiếu bạc đời và tôi đánh canh bạc cuối. May mắn, Trời thương, tôi được bạc.
Sau 23 năm chìm nổi kiếp tha hương, tôi vẫn không quên được người ân nhân đặc biệt của tôi trong buổi chiều cuối tháng Tư đen kinh hoàng đó. Ngày đầu tiên đặt chân đến nước Hoa Kỳ, khi người bảo trợ đón mẹ con tôi ở phi trường đưa chúng tôi về nơi tạm trú, tôi nghĩ tới ông thật nhiều. Nhìn các con tôi an toàn vui vẻ ngồi trong lòng chiếc xe hơi, trầm trồ líu lo, mặt mày rạng rỡ nhìn thành phố hai bên, tôi nhớ lúc mẹ con tôi ngồi co ro sợ hãi trong lòng chiếc xe ba bánh của ông. Tôi tự hỏi nếu ngày đó, ông không hiện đến đưa giúp mẹ con chúng tôi đoạn đường 2, 3 cây số ấy thì có chắc ngày nay, mẹ con tôi còn an toàn đầy đủ để ngồi ở đây, trong lòng chiếc xe Hoa Kỳ của người bảo trợ trên đất Mỹ này không?
Hôm nay, một ngày cuối tháng chạp tại miền Ðông Bắc Mỹ, như truyền thống và tập quán Việt Nam, tôi muốn gởi một món quà đến biếu ân nhân của tôi. Món quà đó là những lời cảm tạ mộc mạc nhưng rất chân thành tự đáy lòng tôi trong bài viết này. Ở một nơi nào đó, nếu người ân nhân của tôi, người xử dụng chiếc xe ba bánh của chiều ngày 27, hay 28 tháng Tư xưa, người mà đã chở năm mẹ con tôi từ Nhà Giây Thép Gió, ngang cổng Con Mắt, đường Lê Văn Duyệt đến gần Quân Vụ Thị Trấn, ngã Sáu Sàigòn, đọc được những dòng chữ này, thì xin ân nhân nhận nơi đây những lời biết ơn và tạ ơn chân thật nhất của tôi .
Ngô Minh Hằng
Ðông Bắc Mỹ, Cuối Ðông năm Nhâm Ngọ 2002
Chú thích:
** Trong hoàn cảnh tù đầy, năm 1978, bố các cháu nhờ tôi làm giúp mấy bài thơ để anh nộp cho quản giáo và tôi đã làm. 40 năm sau, năm 2018, anh tung những bài thơ này ra vu là tôi không nuôi tù, bỏ anh, lấy cán ngố và làm thơ tâng bốc VC. Ông NLGO Nguyễn Kim Quý nghe tin này trong buổi trà dư tửu hậu và tung ra cho bọn DLV lấy những bài thơ đánh máy lại, mạo ký tên tôi, gọi là thơ đỏ và vin vào đó đánh phá tôi nhiều năm trên các DĐ như nhiều vị đã biết).
*** Trong việc tôi may mắn, bất ngờ được gia đình một người học trò cho đi vượt biên trên tàu của họ, ông nhà thơ Đinh Tường và đồng bọn "tiết lộ" là họ liên lạc và "MUA TIN từ một cán bộ VC tên Vạn" và được biết tôi được VC Cao Đăng Chiếm cho đi đến Mỹ làm điệp viên. Đinh Tường kêu gọi đồng bào phải đề phòng tôi, một tên điệp viên nguy hiểm. Đinh Tường cùng mấy ông thi sĩ dùng tài thơ làm nhiều bài thơ rất tục bẩn, gọi tôi là ĐĨ THƠ, ký tên Anh Lan, vu cáo tôi bỏ chồng lấy cán ngố mà tôi vẫn còn giữ để nhắc nhở cho mình về những nham hiểm của những kẻ mặt QG nhưng lòng gian ác hơn VC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét