Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

Vladimir Putin: Khi “đại đế” tự lật đổ ngai vàng - Lê Tay Son


Cuộc biểu tình chống Putin rầm rộ nhất thế giới tính đến thời điểm này, tại Berlin, Đức; ngày 27 Tháng Hai 2022 (ảnh: Kay Nietfeld/picture alliance via Getty Images) Cách duy trì quyền lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin phụ thuộc vào việc tạo ra kẻ thù nước ngoài và những người mà ông ta gọi là “phản bội” trong nước. Khơi mào xung đột ở nước ngoài là chiến thuật để tăng cường sự ủng hộ. Nhưng lần này có vẻ “siêu anh hùng Nga” đã đi quá xa?
<!>
Ukraine chỉ là “con chốt thí” trong tham vọng quyền lực

Với hầu hết giới quan sát bên ngoài (và cả nhiều nhà khoa bảng Nga), hành động của Vladimir Putin trong tuần qua có vẻ liều lĩnh đến kinh ngạc, từ việc công nhận hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine đến bài phát biểu phủ nhận quyền tồn tại của Ukraine và cao trào là mở cuộc xâm lược toàn diện trên nhiều mặt trận vào lãnh thổ một quốc gia có chủ quyền, thành viên Liên Hiệp Quốc. Hành vi của Putin có vẻ phi lý đến mức nhiều người cho rằng sự cô lập do đại dịch COVID-19 đã khiến ông suy sụp, quẫn trí, làm tăng nặng chứng hoang tưởng và mất phương hướng.

Nhưng với những người biết nhiều về lãnh đạo Nga, dù ở trạng thái tinh thần nào, hành động của Putin là có chủ đích và mục tiêu rõ ràng: Củng cố quyền lực và muốn lịch sử ghi lại như một “anh hùng mở rộng lãnh thổ và giải quyết sai lầm cũ của những người đi trước”. Lấy cớ ngăn Ukraine gia nhập NATO và không cho NATO vào Ukraine (dù Ukraine chưa hề tiến gần đến việc gia nhập liên minh như trước đây), Putin vô hình trung đã giúp thống nhất phương Tây, trong đó có cả những nước từng do dự ủng hộ Kyiv và lệ thuộc vào khí đốt.

Lấy cớ củng cố an ninh nhưng Putin lại kéo đất nước mình vào một cuộc chiến mà không ai khác ngoài ông ta muốn tham gia. Nhiều nhà phân tích tin rằng Putin muốn giành quyền phủ quyết chính sách đối ngoại và đối nội của Ukraine bằng việc xé bỏ Thỏa thuận Minsk giúp duy trì một nền hòa bình mong manh ở miền Đông Ukraine từ năm 2015 và làm tăng vị thế của các khu vực ly khai. Các lệnh trừng phạt được công bố bởi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada và Nhật Bản dù không đủ để làm chế độ Putin sụp đổ nhưng chúng chắc chắn khiến người Nga trở nên nghèo hơn và bất hạnh hơn. Để tìm câu trả lời đúng, cách tốt nhất là đưa cuộc khủng hoảng Ukraine vào cái thế giới mà Putin dành phần lớn thời gian của mình cho nó: Đó là chính trị trong nước, nơi Putin nuôi tham vọng quyền lực suốt đời, mê mẩn sự sùng bái như một đại đế và muốn được xem như là “người cứu rỗi một dân tộc có lúc bị xem thường”.


Cuộc biểu tình chống Putin tại Madrid, Tây Ban Nha, với sự tham dự của các cựu thành viên Nghị viện châu Âu (Paquita Sauquillo, Manuel de la Rocha, cựu thị trưởng Madrid, Manuela Carmena); ngày 27 Tháng Hai (ảnh: Isabel Infantes/Europa Press via Getty Images)


Baden-Wuerttemberg, Stuttgart, Đức; ngày 27 Tháng Hai (ảnh: Christoph Schmidt/picture alliance via Getty Images)


Hessen, Frankfurt, Đức; ngày 27 Tháng Hai (ảnh: Frank Rumpenhorst/picture alliance via Getty Images)


Berlin, Đức; ngày 27 Tháng Hai (ảnh: Cigdem Hizkan/ dia images via Getty Images)


Bangkok, Thái Lan; ngày 27 Tháng Hai (ảnh: Anusak Laowilas/NurPhoto via Getty Images)

Đốt nhà bên ngoài để dập nguy cơ hỏa hoạn bên trong

Cuộc chiến Ukraine không là hệ quả một chính sách đối ngoại “có cân nhắc tỉnh táo” mà chỉ là sự tiếp nối những nỗ lực không ngơi nghỉ của Putin để cai trị nước Nga suốt đời, bằng cách vẽ lên một bức tranh đất nước đang bị đe dọa bởi các thế lực hủy diệt bên ngoài, mà chỉ ông ta là người duy nhất có khả năng chống lại. Dĩ nhiên, bức tranh này hoàn toàn nằm trong “sự tưởng tượng” của Putin, vì NATO là một tổ chức gồm nhiều thành viên được dựng lên để tự vệ chứ không phải xâm lược. NATO không phải một quốc gia nên không thể chiếm một quốc gia để cai trị.

Dù người ta thường nghĩ về Putin như một “kẻ chuyên chế nắm giữ một quyền lực phi thường”, nhưng trong thực tế, nhà độc tài này vẫn phải đối phó với các giám đốc điều hành doanh nghiệp, chính trị gia, quan chức chính phủ và quan chức an ninh. Giới thượng lưu lẫn công chúng đều không thực sự tin vào khả năng Putin có thể đảo ngược đợt suy giảm kinh tế kéo dài đã 8 năm. Để có thể duy trì và củng cố quyền lực khi đối mặt những thách thức như vậy, Putin dành phần lớn thời gian trong 10 năm qua để tái cấu trúc nền chính trị Nga xung quanh “học thuyết” chủ đạo: “Nước Nga đang đối mặt các mối đe dọa hiện hữu từ bên ngoài biên giới, được hỗ trợ bởi những kẻ phản bội bên trong”.

Thế là từ đó, tất cả phe đối lập trong nước đều là “công cụ của các thế lực nước ngoài” và sự qui chụp này được dùng biện minh cho việc xóa bỏ truyền thông độc lập, xã hội dân sự, các đảng phái chính trị; đồng thời bí mật thực hiện các vụ đầu độc, ám sát lãnh đạo đối lập. Luận điểm “mặc định” bất kỳ ai chống lại sự cai trị Putin đều là con rối của lợi ích nước ngoài được Putin phát triển từ khi ông ta chứng kiến ​​các cuộc biểu tình của công chúng lật đổ chính phủ Georgia và chính phủ thân Nga ở Ukraine năm 2003 và năm 2005. Putin kết luận: Không thể để xảy ra tình trạng bất ổn khó lường.

Đây cũng là chủ đề chiến dịch tái tranh cử của Putin vào năm 2012 và sau này. Ông ta vận dụng các luật hạn chế chống lại “gián điệp nước ngoài” để săn lùng và bỏ tù hàng trăm nhà báo, nhà hoạt động và chính trị gia đối lập. Đồng thời, Putin cố làm cho người dân Nga tin rằng “mối đe dọa từ bên ngoài” là “rất cụ thể, rất gần” bằng cách lao vào các cuộc chiến tranh, đối đầu khu vực và cả toàn cầu với phương Tây. Việc chiếm bán đảo Crimea vào Tháng Ba 2014 và bảo trợ cuộc nổi dậy ly khai ở miền Đông Ukraine vào cuối năm đó của Putin đã dẫn đến việc tăng trừng phạt của phương Tây và một chu kỳ leo thang địa chính trị dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay.

Can thiệp để cứu chế độ độc ác Syria mà phương Tây nỗ lực lật đổ là dẫn chứng khác. “Vũ khí” Nga được sử dụng để bảo vệ Alexander Lukashenko của Belarus và Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan chống lại các cuộc biểu tình bạo động là sự quy chụp “do Mỹ và châu Âu xúi giục” được truyền hình nhà nước Nga lải nhải hàng ngày. Việc bảo đảm quyền kiểm soát tuyệt đối trong nước và chính sách đối ngoại chống phương Tây của Putin đều nằm trong chiến lược chung, cái này nuôi cái kia, và đã được chứng minh với những gì Putin làm những ngày gần đây. Nói rõ hơn, những gì Putin đạt được trên bàn đàm phán hoặc trên chiến trường ít quan trọng hơn việc duy trì một cuộc đối đầu địa-chính trị đủ lớn để biện minh cho chính sách đàn áp trong nước.


Đức Giáo hoàng Francis kêu gọi chấm dứt chiến tranh, Vatican, ngày 27 Tháng Hai (ảnh: Riccardo De Luca/Anadolu Agency via Getty Images)

Gậy ông đập lưng ông?

Khi xâm lược Ukraine, Putin đánh cược vào khả năng định hướng dư luận và giới tinh hoa Nga bằng câu chuyện phong thần về việc phải “tiêu diệt tận gốc những tên Quốc xã đang điều hành Ukraine”. Trong khi các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Nga ủng hộ công nhận các khu vực ly khai và đồng ý với Putin trong việc quy trách nhiệm về cuộc xung đột cho NATO, thì người Nga lại xếp cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ với phương Tây là hai thất bại trong chính sách đối ngoại lớn nhất của Putin.

Đa số người Nga có quan điểm tích cực về Ukraine hơn là tiêu cực, và hầu hết cảm thấy Nga và Ukraine nên có quan hệ hữu nghị và bình đẳng. Loạt cuộc biểu tình quy mô đáng ngạc nhiên đã xuất hiện tại các thành phố của Nga (tổ chức phi chính phủ Nga OVD-Info cho biết hơn 2,200 người đã bị bắt vào ngày 24 và 25 Tháng Hai) và tâm lý bất an đang gia tăng. Ủy ban Các bà mẹ của binh lính, một nhóm được thành lập để phản đối cuộc chiến tranh phá hoại của Nga ở Chechnya trong thập niên 1990, đã công bố những bức ảnh về điều kiện tồi tệ của binh lính Nga đồn trú dọc biên giới Ukraine, kèm một video phản đối chiến tranh. Bất kỳ trường hợp tử trận nào của lính Nga đều có thể tiếp thêm nguồn lực cho phong trào non trẻ này (đây chính là lý do Nga xem thống kê chiến trường là bí mật quốc gia).

Sự bất mãn sẽ tăng thêm khi các lệnh trừng phạt của phương Tây tác động đến cuộc sống hàng ngày của người dân Nga ở qui mô rộng. Không biết giới tinh hoa Nga sẵn sàng trả đến giá nào cho một cuộc chiến mà một số ít trong số họ đang ủng hộ mạnh mẽ. Dù chống lại Putin từ trong nước là cực kỳ nguy hiểm, nhưng sự thiếu kiên nhẫn với những cái giá nặng nề phải trả cho thói cai trị độc đoán của Putin và ý thức cần phải làm gì đó để giải quyết nó, có thể sẽ phát triển nhanh chóng ở hậu trường. Nếu điều đó xảy ra, cuộc chiến mà Putin bắt đầu ở Ukraine để củng cố vị thế của mình tại quê nhà có thể sẽ không đem lại kết quả như tính toán của ông ta mà ngược lại.


Lê Tây Sơn

Không có nhận xét nào: