Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

“QUÊ HƯƠNG QUA THI CA VIỆT NAM” CỦA NGUYỄN HỮU LÝ - DƯƠNG VIẾT ĐIỀN


Dương Viết Điền bút hiệu Hạ Ái Khanh, sinh tại tỉnh Quảng-Bình. Năm 1954 vào Nam. Cựu sinh-viên đại học Luật khoa Huế. Xuất thân khoá I Trường đại-học Chiến-Tranh Chính-Trị, Đà-Lạt . Cựu Sĩ-quan QLVNCH. Năm 1975 , đi cải-tạo 10 năm. Năm 1990, sang Mỹ theo diện HO. Hiện định-cư tại tiểu-bang California. Bắt đầu viết năm 1990 trên các báo Viễn-xứ, Saì-gòn Times, Sài-gòn Nhỏ, Chiến-sĩ quốc- gia, Việt-nam Press, Sức-Sống , Văn-học Nghệ-thuật, Quán Gió, Đại-Chúng, Thời-Luận, Thằng Mõ ...Hội-viên The International Society of Poets . Hội-viên Thi Ưàn Hương-Việt , Hội-viên Hội Văn-Bút Việt-Nam Hải-ngoại.
<!>
Tác-phẩm đã xuất-bản :

Trại Ái-tử và Bình-Điền (Hồi-ký cải-tạo 1993)

Ngậm-Ngùi (Thơ,1996)

Mấy tình khúc cho Đời (Nhạc,1997)

Speechless (Thơ Anh-ngữ, 2000)

Những anh-hùng vị-quốc vong-thân (2003)

Có thơ đăng chung với các thi-sĩ Mỹ trong những tuyển tập thơ như "The symphony of verse ", " The Cascade of Memory ", "The Outstanding Poets of 1998 
Sau khi đọc xong Tuyển Tập Việt Anh QUÊ HƯƠNG QUA THI CA VIỆT NAM (Anthology of homeland in Vietnamese Poetry and Songs) của cụ Nguyễn Hữu Lý gởi tặng, tôi bàng hoàng đến xúc động. Không xúc động sao được khi thấy một cụ già đã trên 80 tuổi vẫn miệt mài với văn chương chữ nghĩa, ngày đêm đèn sách quyết chí hoàn thành những ước mơ tiềm tàng trong lòng mình là xuất bản cho được thi phẩm nói về Quê Hương Việt Nam mến yêu của chúng ta.

Có lẽ vì xa nhà biền biệt đã lâu, vì nhớ nhà, nhớ quê cha đất tổ, nhớ giếng nước bờ ao, nhớ luỹ tre xanh bao bọc quanh làng, lòng tác giả đã quặn thắt để rồi buồn vời vợi mấy chục năm trời vì nghìn trùng xa cách.

Vì tình hoài hương dễ làm xúc động lòng người nên bất kỳ ai xa quê hương cũng nhớ nhà, nhớ quê da diết. Không nơi nào bằng quê nhà, không nơi nào bằng nơi chôn nhau cắt rún. Cho dù đang ở trên tháp ngà cao ngất trời xanh giữa chốn phồn hoa đô hội nơi đất khách quê người, cho dù đang được hưởng thụ nền văn minh vật chất tối tân nhất của nhân loại giữa thủ đô ánh sáng Paris hay tại thành phố Newyork, nhưng tất cả mọi người trên trái đất này, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, không phân biệt nam nữ hay trẻ già, mỗi lần nhắc đến quê hương ai ai cũng cảm thấy nhớ nhà da diết, ai ai cũng cảm thấy xúc động trong lòng.

Chính điểm này khiến thi sĩ Anh quốc Lord Byron khi quá nhớ nhà đã không ngần ngại hạ bút viết:

Home, home, home, sweet home!
How humble the home may be!
There is no place like home!

(Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn)

Và cũng vì chạnh lòng nơi quê người đất khách, vì quằn quại triền miên phải thao thức biết bao đêm trường mỗi lần nhớ về quê mẹ, thi sĩ Ella Goodwin người Mỹ cũng đã xúc động con tim mà sáng tác nên mấy vần thơ bất hủ sau đây :

“I'm homesick to- night, just homesick,
O! how I long once more
Just to sit as of old in the twilight
On the step of the old kitchen door...
I'm homesick to-night, O how homesick,
Never my tongue may tell,
Tho' my heart may break with longing
For the scenes that I love so well;
But the dear old home in the valley
Will be mine, O never again:
No more will its sunshine cheer me,
And wishes and tears are in vain.”

(“Homesick”, Ella Goodwin)

Nhà thơ Việt Hải đã phỏng tác thành thơ như sau:

“Đêm nay sao bỗng nhớ nhà,
Nghe hồn tư lự thiết tha nữa kìa
Nhìn trăng ánh tỏa ngoài kia
Bên thềm cửa bếp lòng dìa bâng khuâng...
Ôi sao nhớ quá, lâng lâng
Ngập hồn nhung nhớ ngàn lần tình quê
Nhịp tim hơi thở tìm về
Quê xưa cảnh cũ tràn trề tâm can
Luỹ tre khóm trúc đầu làng
Cho ta tìm lại giang san gọi mời
Bình minh tỏa sáng trên trời
Lệ tràn nhung nhớ một đời: Quê Hương”.

(“Nhớ Nhà” Việt Hải)

Vì thế, con tim của cụ Nguyễn Hữu Lý cũng không khác gì con tim của thi sĩ Anh quốc Lord Byron, không khác gì con tim của nhà thơ Mỹ Ella Goodwin, cũng không khác gì những con tim của hằng vạn người sống xa quê nhà, nên lòng cụ vẫn thường xuyên nhớ về quê mẹ Việt Nam mến yêu bây giờ đã xa cách nghìn trùng.

Đã thế, Việt Nam là một quốc gia có trên bốn ngàn năm văn hiến. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc oai hùng. Từ thời vua Hùng dựng nước, qua các triều đại Đinh Lê Lý Trần cho đến ngày hôm nay, lịch sử Việt Nam đã ghi lại biết bao nhiêu những chiến tích oai hùng. Đã thế Quê Hương Việt Nam toàn là những rừng vàng biển bạc, từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu đâu đâu cũng có nhiều danh lam thắng cảnh thật tuyệt vời.

Vì vậy, cụ Nguyễn Hữu Lý muốn cho giới trẻ Việt Nam ở hải ngoại tìm hiểu về Quê Hương, nguồn gốc dân tộc và giúp cho các dân tộc khác trên thế giới biết rõ hơn về văn hóa, lịch sử và về địa hình, địa vật được cấu trúc bởi tạo hoá thành những vẻ đẹp thiên nhiên trên mảnh đất giang sơn gấm vóc này.

Trong quá trình thực hiện những ước mơ này, cụ Nguyễn Hữu Lý đã bỏ hết thời gian của buổi chợ chiều của cuộc đời và bỏ rất nhiều công sức để sưu tầm những tác phẩm văn chương, những bài thơ bất hủ của các thi nhân ca ngợi Quê Hương Việt Nam từ thời lập quốc cho đến ngày hôm nay. Cụ Nguyễn Hữu Lý đúng là một mẫu người có chí lớn.

Thật thế, cụ nguyên là Trung Tá Thiết Giáp thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, xuất thân Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt năm 1955, tốt nghiệp trường Thiết Giáp QLVNCH năm 1957 và trường Thiết Giáp Fort-Knox Kentucky ở Hoa Kỳ năm 1962.

Những chiến tích huy hoàng của cụ trong thời chinh chiến ở trong quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã được đánh đổi thành 10 năm tù trong các trại tù từ Nam ra Bắc sau khi Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam. Cụ đến định cư tại Mỹ năm 1990 theo diện HO lúc tuổi đã lớn, sức lực đã kiệt vì những tháng năm bị hành xác trong ngục tù. Ấy thế mà cụ vẫn quyết chí cắp sách đi học trở lại làm cho mọi người phải thán phục. Dĩ nhiên khi chí đã quyết thì mộng phải thành. Cụ đã đậu được bằng Cao Học Nhân Văn Văn Chương Mỹ (Master of Arts in the Humanities - Major in Studies in Literature) tại Viện Đại Học Dallas vào năm 2000 lúc bấy giờ tuổi đời đã quá tuổi thất thập cổ lai hy!

Nhờ vốn liếng Anh ngữ qua những tháng ngày nghiên cứu tại đại học Dallas, dịch giả Nguyễn Hữu Lý liền bắt tay vào việc dịch thuật tất cả những tác phẩm văn chương của các thi nhân Việt Nam đã ca ngợi Quê Hương Việt Nam mà cụ đã sưu tầm được từ bấy lâu nay.

Đây là một công trình văn học nghệ thuật vĩ đại. Nhờ công trình này các thế hệ trẻ tương lai và các người ngoại quốc thấy rõ được những nét đặc thù về lịch sử, nhân văn, địa lý của nước Việt Nam chúng ta.

Tuyển tập song ngữ Việt Anh nầy có tên là QUÊ HƯƠNG QUA THI CA VIỆT NAM (ANTHOLOGY OF HOMELAND IN VIETNAMESE POETRY AND SONGS) gồm tất cả hơn 100 thi, nhạc phẩm của trên 80 tác giả nổi tiếng từ thế kỷ 11 cho đến ngày hôm nay.

Điểm qua các nguyên bản những bài thơ Việt ngữ rồi đọc những bài đã đựơc dịch ra Anh ngữ, chúng ta thấy dịch giả Nguyễn Hữu Lý đã giữ được tối đa ý thơ và hồn thơ từ nguyên tác của từng tác giả. Thêm vào đó, dịch giả còn kèm theo các cước chú rất công phu và rõ ràng giúp cho độc giả có thể hiểu thấu đáo nội dung của từng tác phẩm.

Trong Tuyển Tập nầy, dịch giả đã đưa ra những tác phẩm rất nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam như những bài:

- Nam Quốc Sơn Hà (The South Empire’s Land) của Lý thường Kiệt (1019-1105).

- Tòng Giá Hoàn Kinh (Following our Emperor’s Triumphal Return to the Capital) của Trần quang Khải (1248-1294).

- Bình Ngô Đại Cáo (The Proclaimation of Victory over the Wu) của Nguyễn Trãi (1380-1442).

- Hai Chữ Nước Nhà (Two-word phrase “Home Country”) của Á Nam Trần Tuấn Khải (1894-1983).

- Chí Làm Trai (The young man’s will) của Nguyễn công Trứ (1778-1858 ).

- Thăng Long (Thang Long Capital) của Nguyễn Du (1765-1820).

- Cảnh Đẹp Hạ Long (Picturesque Panorama View of Ha Long Bay) của Vua Lê Thánh Tông (1442-1497).

- Bài Thơ Khắc Trên Núi Đá Ở Lai Châu (Poem Engraved on A Rocky Mountain in Lai Châu) của Vua Lê Lợi (1385-1433).

- Động Hương Sơn (The Hương Sơn Cavern) của Chu Mạnh Trinh.

- Đập Đá Ở Côn Lôn (Breaking Rocks on Con Lon Island) của Phan châu Trinh (1872-1926).

Và mấy chục bài thơ nổi tiếng khác nữa.

Điểm qua một vài bài thơ nổi tiếng mà tác giả đã dịch ra Anh ngữ, ta thấy chỉ cần đọc nội dung bài thơ cũng có thể biết rất rõ hoàn cảnh đất nước Việt Nam qua từng thời đại nhờ tác giả cước chú rất rõ ràng cả Việt ngữ lẫn Anh ngữ. Chẳng hạn như bài Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt sau đây:

Đất nước Nam nầy, Nam đế chủ
Sách trời định phận rõ non sông
Cớ sao nghịch tặc dám xâm phạm?
Bạn hãy chờ coi, chuộc bại vong!

(Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.)

Phần Anh ngữ:

The South Empire’s Land
The South Empire’s Land is where the South Emperor reigns over
Evidently, that has been predestined in the Celestial Book
Aggressor! Why dare you come to invade our Empire?

Beware! All of you will be annihilated undoubtedly.

Nhờ cước chú rất cẩn thận và minh bạch, độc giả ngoại quốc hay con cháu người Việt thuộc các thế hệ tương lai ở hải ngoại có thể biết được nhân vật Lý Thường Kiệt là ai trong lịch sử Việt Nam, quê ở đâu. Và ông ta đã sáng tác một tác phẩm văn chương bất hủ mang tên Nam Quốc Sơn Hà với mục đích gì?

Qua những lời trình bày ở trên, ta nhận thấy rằng Tuyển Tập song ngữ Việt Anh nầy xứng đáng có một chỗ đứng trang trọng trong văn đàn Việt Nam ở hải ngoại. Đây là những tài liệu vô cùng quý giá về văn hóa Việt Nam cho các trường Đại học ở Hoa Kỳ và tất cả các nước khác trên thế giới nữa. Vì vậy chúng ta nên tìm đọc cho được tác phẩm nầy trước là để ôn lại lịch sử, địa lý, danh nhân v.v… của nước Việt, sau nữa là để cho con cháu chúng ta có tài liệu khi nghiên cứu về văn hoá của đất nước Việt Nam.

Nói chung, vì xa quê nhà biền biệt đã quá lâu nên cụ Nguyễn Hữu Lý đã triền miên thao thức hằng đêm, nằm nghe tâm hồn quằn quại vì nhớ Quê Hương chất ngất. Cũng vì niềm thương nỗi nhớ quê nhà đó khiến cụ quyết hoàn thành tác phẩm “Quê Hương Qua Thi Ca Việt Nam” rồi ngày đêm miệt mài dịch thuật toàn bộ tác phẩm này để cống hiến cho nền văn học Việt Nam hải ngoại.

Giờ đây, Quê Hương Việt Nam đang nằm trong chế độ độc tài nên không thể trở lại quê nhà được. Chờ một ngày đẹp trời khi chế độ Cộng Sản trên đất nước ta hoàn toàn được giải thể và hoa tự do nở rộ giữa Quê Hương, chúng ta cũng như cụ dịch giả Nguyễn Hữu Lý sẽ cùng nhau trở lại quê nhà. Đó cũng là lý do tại sao khi Hoàng Đế Napoléon cho phép đại văn hào Pháp quốc Victor Hugo đang sống lưu vong ở đất khách quê người trở về quê cũ, ông ta đã từ chối rồi khẳng khái trả lời với Napoléon rằng, khi nào tự do trở về tôi sẽ trở về (Je rentrerai, quand la Liberté rentrera).

Dương Viết Điền

Không có nhận xét nào: