(NV. Đào Vũ Anh Hùng)
Tối hôm đó vợ chồng tôi vừa ngồi trước TV theo dõi tin lính Nga tấn công xâm chiếm Ukraine, bỗng nghe tiếng điện thoại reo dồn dập, bạn bè khắp nơi báo tin buồn: anh Đào Vũ Anh Hùng vừa ra đi khoảng 9 giờ tối (giờ Dallas, Texas) ngày 18.2.2022, tức 4 giờ sáng tại Đức (-7). Vợ tôi bật khóc, tôi thẫn thờ không nói nên lời…. Thế là người anh quý mến thân thương đã thật sự cất cánh phi vụ cuối cùng: bay đến cõi vĩnh hằng. Bảy năm phục vụ trong quân chủng Không Quân/VNCH của tôi vẫn chỉ là một quãng thời gian không đáng kể đối với các bậc niên trưởng thuộc nhiều quân binh chủng khác nhau mà tôi có dịp tiếp xúc gần gũi và học hỏi. Hai niên trưởng tôi quý mến nhất là anh Phan Nhật Nam và anh Đào Vũ Anh Hùng.
<!>
Cả hai anh đều là người lính viết văn, nhưng tính tình lại là hai thái cực khác nhau rất nhiều. Anh Nam - người Quảng Trị, K.18 Võ Bị Đà Lạt, lính Nhảy Dù, giọng nói oang oang nửa Trung, nửa Nam, đâu đó có chút Bắc kỳ, thêm cái ngang tàng phí khách, coi đời bằng vung và trực tính. Anh Hùng – sinh tại Hà Nội, phi công trực thăng, giọng nói êm ả từ tốn của dân Hà Nội chính gốc, nhã nhặn khéo léo, chừng mực và cũng trực tính. Cũng vì cái trực tính này mà cả hai anh đều có nhiều người thương lẫn không thương - chuyện thật bình thường -.Cái chính trực mà…vàng rơi anh cũng chẳng thèm tiếc và đó chính là Đào Vũ Anh Hùng. Dạo ấy tôi còn trong Trung Tâm Hành Quân Không Trợ 1 tận ngoài Đà Nẵng (DASC = Direct Air Support Center) trực thuộc Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân (TACC = Tactical Air Control Center), nên hầu như năm thì mười họa mới gặp được các anh. Điều bất ngờ với tôi là hai anh lại là bạn bè thân thiết với nhau, cùng vào sinh ra tử nơi chiến trường, hoặc thi thoảng trong quán cà phê La Pagode đường Tự Do, Saigon. Anh Nam thường nói đùa với anh Hùng rằng: „Những thằng Không Quân chúng mày đi hành quân mà chân hổng không đạp được đất, bọn tao có chết dưới đất vẫn vững vàng hơn. Mày ráng mà sống đi, chứ không tao lại có đề tài để viết thêm bài…cho một người nằm xuống“. Mà thật, anh Đào Vũ Anh Hùng vẫn còn đó qua những tháng năm trên bầu trời chinh chiến ấy, nhưng bây giờ anh đã thật sự gục ngã sau nhiều năm chịu đựng những căn bệnh nan y vô phương cứu chữa.
Tên thật là Đào Bá Hùng, sinh ngày 5 tháng 3 năm 1943 tại Hà Nội, viết văn từ năm 1960, viết thường xuyên cho các báo như Ngày Nay, báo Sống, báo Sóng Thần, báo Lý Tưởng của Không Quân/VNCH… với bút danh Đào Vũ Anh Hùng. Anh gia nhập Không quân khóa 65A, bay trực thăng phi đoàn 215 (Thần Tượng/Nha Trang), có thời gian làm huấn luyện viên hoa tiêu trực thăng và sau đó là phi đoàn 245 (Lôi Bằng/Biên Hòa) cho đến ngày mất nước, cấp bậc cuối cùng Thiếu Tá, phi đoàn phó rồi quyền phi đoàn trưởng. Sau năm 1975, gia đình anh chọn Dallas/Texas làm quê hương mới, chưa một lần trở về quê hương bỏ lại. Tại đây, anh em Không Quân bầu chọn anh làm hội trưởng hội Không Quân Dallas -Fort Worth và là thành viên trong Tổng Hội Không Lực VNCH. Mặc dù phải vật lộn với kế sinh nhai hàng ngày cho gia đình trên quê hương mới, anh vẫn nhận làm chủ biên Đặc San Đường Mây, viết cho báo Cánh Thép và Lý Tưởng Không Quân. Anh thường nói với tôi, nếu không có chị P., (người vợ hiền của anh) luôn hy sinh, cổ vũ và khuyến khích anh, thì anh chẳng làm được việc gì nên chuyện. Chính chị P. là người tận tụy ngày đêm quanh quẩn bên giường bệnh của anh suốt từ nhiều năm qua cho đến khi anh trút hơi thở cuối cùng. Có lần tôi tò mò hỏi lý do anh lấy bút danh Đào Vũ Anh Hùng? Anh cười cười nửa đùa nửa thật kể rằng, anh có người bạn nối khố từ hồi còn đi học tên Trần Vũ Anh nhưng lại mất sớm. Thương nhớ bạn, anh ghép tên bạn với tên mình thành Đào Vũ Anh Hùng. Đúng hay sai? Tôi nghĩ chỉ có chị P. mới biết rõ đầu đuôi câu chuyện. Người ta biết nhiều đến anh và gọi tên anh với bút danh này hơn với tên thật của anh. Tôi chọc anh là anh may mắn lắm, nếu anh vẫn giữ nguyên tên thật Đào Bá Hùng của anh mà người ta nói lái lại thành…“Hùng Bá Đạo“ thì bỏ xừ đấy. Anh xụ mặt nhìn tôi nói: „Ơ hay! sao em lại nói thế, chỉ có cậu mới dám nói với anh như vậy thôi đấy!“.
Ở hải ngoại, dù cách xa nửa vòng trái đất, tôi lại gần gũi với anh hơn xưa và có nhiều kỷ niệm riêng tư từ khi liên lạc được với anh. Mỗi lần gọi điện cho anh, thường thì chị P. nhấc máy. Nghe tiếng tôi, chị nhỏ nhẹ vừa cười vừa nói, vẫn với giọng Hà Nội êm ả: „Huấn hả, đây anh Hùng đây“. Anh bảo anh chị vừa từ nhà thờ về. Hóa ra mỗi năm vào dịp Tết Ta, anh chị và các cháu đều thay phiên nhau ra nhà thờ Cha xứ gần đó để phụ gói bánh chưng. Anh khoe bánh chưng ở đó ngon nhất nước Mỹ, mỗi năm bổn đạo nhà xứ gói hàng ngàn đòn bánh chưng gởi bán trên toàn nước Mỹ. Tôi phì cười hỏi ông phi công bay bổng hào hùng ngày xưa bây giờ lại co ro ngồi bệt xuống đất…gói bánh chưng. Anh chữa, anh bảo anh đâu biết gói, anh chỉ làm tài xế mỗi ngày ôm hàng chục thùng bánh chưng ra bưu điện gởi cho người ta thôi mà. Mấy hôm sau anh nói sẽ gởi tặng vợ chồng tôi vài đòn bánh chưng, bảo ăn thử. Vợ chồng tôi nhận quà mà rưng rưng cảm động. TIền cước từ Mỹ qua Đức gần gấp 4 gấp 5 hai đòn bánh chưng. Tết năm đó vợ chồng tôi được ăn bánh chưng từ phương xa để nuốt trọn cả mối ân tình quý báu của anh chị ưu ái trao tặng.
Biết vợ tôi hay bị tê chân, anh nhắn bảo tôi mua cái …“máy rung chân“ của Nhật Bản. Máy có 2 chỗ lõm để gác 2 cổ chân lên, chỉ cần cắm điện, nhấn nút là hai chân sẽ lắc lư như đuôi cá bơi lội trong nước. Anh bảo bên này anh giới thiệu người ta mua nhiều lắm. Anh còn gởi hình qua email, khuyên nên mua loại nào, giá cả ra sao. Ngày anh qua Đức, vợ tôi khoe anh cái máy rung chân đúng kiểu, đúng hiệu anh khuyên, nhưng giá lại rẻ hơn rất nhiều. Anh ngạc nhiên bảo: „Thế hả, sao bên này lại rẻ thế“. Tôi nhìn vẻ mặt…“tẽn tò“ của anh đâm phì cười nhưng sau đó lại hối hận nhiều. Chắc tại vì thế mà sau này anh chẳng còn giới thiệu món nào „online“ cho vợ chồng tôi nữa.
Mỗi lần vợ chồng tôi nói điều gì không đúng hay không hợp ý anh, anh không giận, không trách móc, mà chỉ khoan thai nói „Ơ hay! Sao em lại nói thế?“, rồi sau đó mới từ từ giải thích... „Ơ hay! Sao em lại nói thế?“, câu nói nghe thân thương làm sao, Bắc kỳ làm sao, anh nói như anh nói với…người tình. Chắc chị P. nghe mãi …cũng nghiền.
Đúng là: Chim khôn hót tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe (ca dao)
Hầu hết lính Không Quân/VNCH chúng tôi đều biết câu châm ngôn của quân chủng mình là „Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn Bè“, để nói lên tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Không Quân với nhau và cả với các quân binh chủng khác trong quân đội. Theo niên trưởng KQ Nguyễn Viết Trường cho biết, tác giả của câu nói đầy nhân bản này chính là của anh Đào Vũ Anh Hùng, được anh lấy làm tựa đề cho một bài viết của anh nói về người phi công L19 Trần Duy Nguyện bị nạn trong phi vụ liên lạc hành quân Nha Trang-Pleiku. Liên tục sau 5 ngày tìm cứu với hàng chục máy bay đủ loại từ trực thăng, khu trục, Cessna và cả C47, nhờ sự tháo vát và quả cảm của chính mình, người phi công Trần Duy Nguyện đã thoát nạn trở về trong vòng tay gia đình và các chiến hữu. Cũng theo niên trưởng Nguyễn Viết Trường, Tư lệnh Không Quân lúc đó là tướng Trần Văn Minh, sau khi đọc bài này đã cho người ra Nha Trang tặng tác giả một ngàn đồng tiền mặt và một chiếc đồng hồ mạ vàng và tuyên bố dùng câu „Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn Bè“ làm châm ngôn của quân chủng Không Quân/VNCH. Anh Đào Vũ Anh Hùng giữ lại chiếc đồng hồ làm kỷ niệm, còn số tiền mặt anh thêm vào chút tiền nữa đủ để mua một tấm lắc khoảng 2 chỉ vàng tặng cho con trai của người chiến hữu phi công Trần Duy Nguyện.
Đại đa số thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam tại Đức đều được con tàu Đức mang tên „Cap Anamur“ cứu sống và được chính quyền Đức tiếp nhận định cư vào thập niên 1980.
Đây là một tổ chức nhân đạo hoàn toàn tư nhân do ông tiến sĩ Rupert Neudeck sáng lập). Con số được cứu sống lên đến trên 11.000 người. Cuối năm 2006 anh em chúng tôi vận động chính quyền để xây dựng một tượng đài thuyền nhân tỵ nạn để tri ân „Cap Anamur“ và chính quyền Đức đã mở vòng tay cứu sống và cưu mang mình, đồng thời ra mắt „Hội Xây Dựng Tượng Đài Hamburg“ với các thành viên đại diện trên toàn nước Đức và các ban đại diện tại Hoa Kỳ và Úc Châu nhằm kêu gọi sự đóng góp. Tôi mời anh Đào Vũ Anh Hùng tham gia, trong đó có anh Hoàng Anh (San Jose, LA), người được „Cap Anamur“ cứu sống và KQ Đặng Quỳnh (Westminster,LA), người cùng khóa 7/68 KQ. với tôi. Các anh hăng hái nhận lời ngay - Xin gởi lời chân thành cảm ơn các anh - Sau gần 4 năm vận động với biết bao khó khăn và chống đối từ nhiều phía (từ chính quyền Đức vì chính sách bang giao với CS Việt Nam, từ tòa đại sứ Việt cộng…) chúng tôi cũng đã hoàn thành trọn vẹn được ý nguyện mình và tượng đài thuyền nhân đã được khánh thành vào ngày 12.9.2009 ngay trong khuôn viên của cảng Hamburg, nơi xuất phát và trở về cảng mẹ Hamburg của con tàu nhân đạo CAP ANAMUR, cũng là ngày kỷ niệm 30 năm ủy ban „Cap Anamur“ được thành lập.Tôi mời anh Đào Vũ Anh Hùng sang tham dự. Tôi đón anh về nhà và đây là lần đầu tiên anh đến nước Đức xa xôi lạnh lẽo này. Nhìn anh vẫn khỏe mạnh, nước da ngăm đen, vẫn nhanh nhẹn hoạt bát, vẫn chút tiếu ngạo giang hồ, nhưng lâu lâu lại lộ vẻ trầm tư và …ít nói hơn xưa.
Vì là trưởng ban tổ chức lễ khánh thành nên tôi phải đến địa điểm sớm để sắp xếp dựng sân khấu, chăng dây, treo cờ…và hẹn trở về đón anh. Anh đòi đi theo để phụ chúng tôi. Buổi lễ rất thành công với hơn 2.000 người Việt lẫn người Đức từ khắp nơi đổ về, và nhiều quan chức chính quyền trung ương và Hamburg. Từ những cảm xúc bồi hồi rung động trong buổi lễ khánh thành đã được anh tỏ bày trong một đoản văn anh viết ngay tối hôm đó trong nhà tôi. Trích từng đoạn: „… Tôi là người từ xa đến từ bên kia quả đất nhưng không hề mang cảm giác lạ lẫm với cảnh với người trên đất nước này. Đa số người Việt tại đây dù không thân biết nhưng tôi vẫn thấy gần gũi, dễ dàng quen thuộc qua ánh mắt, nụ cười phát tỏa thứ tình gọi là tình nghĩa đồng bào, tình lân mẫn của người chung một giòng máu…Tượng đài như cái bào thai có bao nhiêu bà mẹ nóng lòng sốt ruột trông mong đứa con chung cưng quý ra đời ròng rã gần bốn năm trời. Hôm nay đứa bé đã chào đời suông sẻ, khôi ngô đĩnh ngộ….Đây là dấu tích lịch sử ghi chép lời tri ân nước Đức mà cũng là lời dõng dạc nói với thế giới về thảm cảnh bỏ nước ra đi bằng thuyền, vạch mặt chính danh bọn tàn hung cộng sản VN là tác nhân gây nên khổ hạnh….Tác phẩm điêu khắc bằng đồng bé nhỏ, giản dị nhưng trang trọng, thanh thoát chứa đầy ý nghĩa do một cô bé Việt Nam 14 tuổi thế hệ thứ hai, thứ ba của thuyền nhân được tàu Cap Anamur cứu sống, chau chuốt gói ghém tất cả lòng thành và tâm ý tạo nên với những dòng chữ khắc nổi ba ngôn ngữ Đức-Anh-Việt trên hai trang sách mở….“
Những ngày sau đó vợ chồng tôi dẫn anh rong chơi thành phố Hamburg. Nhiều người muốn gặp anh vì chỉ đọc văn mà chưa thấy người. Ôi thôi thì đủ chuyện, chuyện đời lính, chuyện văn chương, chuyện trước và sau ngày 30 tháng 4, chuyện xứ người xứ ta, kể cả …chuyện cấm cười. Anh bắt đầu thấm mệt! Ông phi công ngày xưa nay đã mon men gần đến cái tuổi „thất thập“, sao chịu nổi những chén trà ly rượu suốt sáng thâu đêm, mặc dù anh chỉ uống trà hay nước suối vì máu có đường. Biết anh thích ăn cơm Việt hơn cơm Tây, vợ tôi nấu phở, bún bò, bún thang, bánh cuốn… Món nào anh cũng bảo là ngon, nhưng ngay sau đó thì luôn nói thêm câu: „Chị P. ở nhà vẫn nấu món này cho anh ngon lắm đấy!“. Dẫn anh ra siêu thị, vợ chồng tôi định mua vài món quà tặng anh chị, anh lại nói: „Chị P. mua cái này đầy nhà anh rồi!“. Hỏi anh học …“sách hiếu thảo“ nào chỉ cho em học với, anh bảo. „Nói thật lòng đấy chứ, làm gì có sách nào“. Chợt nhớ lại ngày vợ chồng tôi đón anh từ phi trường về nhà. Anh đứng ngồi không yên, cứ đi qua đi lại trong phòng khách nhà tôi, miệng lẩm bẩm nói một mình: „Chưa đi đã nhớ! Chưa đi đã nhớ!“. Tôi nheo mắt cười thầm, nhưng vợ tôi lại ngẩn người chẳng hiểu „mô tê“ nên hỏi lại: „Anh đi đâu, anh nhớ ai?“ Anh nhìn thẳng nói …như quát: „Thì nhớ vợ chứ nhớ ai?“…Ghê thật!
Một hôm tôi khoe anh chiếc áo „Alpha Industries Jacket“, na ná giống chiếc áo Jacket của Không Quân thời xưa, trong cam ngoài xám. Anh mân mê có vẻ thích lắm, tôi ướm thử lên anh, thấy cũng vừa vặn, tôi tặng anh luôn. Lần độc nhất anh không nhắc đến chị P. nhưng vẫn không muốn nhận, tôi cười chọc anh; „Cái này em tặng anh chứ không phải của chị P. mua đâu“. Anh hiểu ý tôi, vừa cầm vừa nói: „Cậu cho tôi xin tí, đúng là…thằng Nỡm“. (thằng Nỡm là tiếng trách mắng nhưng rất thân mật khi không vừa ý mà người Bắc thường dùng).
Năm sau 2010, giỗ đầu của bố tôi bên Úc. Nhân tiện tôi rủ anh và KQ Chu Văn Hải cùng qua Úc. Hải là bạn cùng khóa KQ 7/68 với tôi và cũng là một trong số bạn bè thân thiết nhất từ xa xưa của anh, thuộc ngành Chiến Tranh Chính Trị trong BTL/KQ Tân Sơn Nhất. Anh ngồi hàng giờ tâm tình với mẹ và các em tôi, dành đẩy xe lăn cho mẹ tôi khi đi dạo phố. Anh chẳng thiết đi đây đi đó xem phố phường thắng cảnh của xứ Kangarus, mà chỉ muốn gặp lại bạn bè chiến hữu Không Quân ngày xưa để hàn thuyên, thăm hỏi, ôn lại kỷ niệm vui buồn. Anh vui lắm như trẻ lại, bạn bè cũ lại càng vui hơn, chụp ảnh lia lịa. Anh bảo đây là cơ hội ngàn năm một thuở, chẳng có lần thứ hai. Nhà của chú em út tôi trở thành „trung tâm hành quân“, ra vào tấp nập. Trong không khí tưng bừng ấy, tôi còn nhớ mãi câu nói của bạn Hải, vừa nhìn anh vừa thì thầm bên tai tôi: „Ai cũng biết bố này giỏi lắm nhưng lại …sanh bất phùng thời“. Tôi nghĩ bạn Hải nói không sai! Nhưng bây giờ trong niềm vui tái ngộ, anh vẫn vui và lại càng vui hơn khi lần đầu tiên hội ngộ với nhà biên khảo Minh Di, người kém anh gần 10 tuổi nhưng anh rất quý mến và thán phục qua văn phong cũng như nhiều công trình biên khảo. Cuộc hội ngộ này do anh Lý Trung Tín, chủ nhiệm tạp chí Dân Văn tại Đức giới thiệu và sắp xếp.
Lần thứ hai anh Đào Vũ Anh Hùng sang Đức vào năm 2012, qua lời mời của các anh em trong Hội Cựu Quân Nhân, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quân Lực 19 tháng 6 tại miền Trung nước Đức. Vợ chồng tôi lại đón anh tại phi trường Hamburg. Phi trường đông nghẹt người ồn ào chen chúc. Máy bay đã hạ cánh từ lâu, nhưng vẫn …“chẳng thấy bóng anh đâu“. Vợ chồng tôi đăm lo, đảo mắt tứ phía đi tìm. Bỗng nghe giọng nói quen thuộc „Anh Hùng đây!“. Tôi giật mình nhìn xuống thấy anh…ngồi xe lăn, được một người phụ nữ Đức đẩy ra. Thấy anh đau chân, tay cầm cây gậy nên nhân viên phi trường giúp anh đưa ra cổng. Vợ chồng tôi trố mắt nhìn anh, anh vẫn tự tại cười nói huyên thiên, vẫn đứng lên đi đứng như bình thường và không quên ngoảnh đầu cám ơn người phụ nữ Đức. Anh bảo anh đâu cần ngồi xe lăn, bay đường xa ngồi tê cả chân, họ thấy vậy nên „bế“ anh vào xe cho tiện. „Người Đức tốt thật“, anh nói. Vợ chồng tôi lo mua thêm thuốc men cho anh vì biết chuyến này chúng tôi sẽ đưa anh đi ngao du xa.
Ngày hôm sau tôi đưa anh xuống miền Trung Đức tham dự Ngày Quân Lực. Lại một màn thăm hỏi tái diễn. Anh em Không Quân định cư Đức thì ít ỏi, lại sinh sống xa nhau, đây đúng là dịp hiếm có tìm đến với nhau, mừng vui khôn tả. Tình nghĩa „Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn Bè“ lại được thể hiện. Anh thuyết trình đề tài „Sự anh dũng và kiên cường của người lính VNCH“. Sau đó tôi đưa anh đến thăm gia đình anh chị L.N.T.H. và gia đình anh chị N.H.M.N. Anh không thích ăn uống ngoài tiệm nên các chị đều nấu nướng ăn uống trong nhà. Món nào anh cũng khen ngon rồi lại vẫn câu thòng thường lệ nằm lòng…“Chị P. ở nhà vẫn nấu món này cho anh ngon lắm đấy!“. Tôi phì cười ghẹo anh „Biết rồi khổ lắm nói mãi bố ơi“. Lại cái giọng Hà Nội nhẹ nhàng: „Ơ hay, Sao em lại nói thế? Hôm nào qua chị nấu cho ăn rồi biết“. Tôi tiếc mãi vì có lần mua vé định bay qua Dallas thăm anh chị một lần, để biết nhà anh, được làm quen với chị và cũng mong được thưởng thức các món ăn chị nấu. Nào ngờ trước đó ít ngày vợ tôi phải mổ bàn tay. Anh biết tin, gọi qua dằn lời cấm không cho tôi đi, phải ở nhà săn sóc vợ.
Những ngày bên Pháp có anh chị N.H.M.N. đi cùng. Anh vẫn đi đứng bình thường với cây gậy, và chúng tôi luôn đi chậm để chờ anh. Hình như anh không quan tâm mấy với phong cảnh của thủ đô Paris mà lại thích thú với vườn trồng nho to lớn bên Đức khi anh chị N.H.M.N dẫn anh đi thăm. Anh hỏi bao giờ cho anh đi Lyon thăm cụ X. Thành phố Paris rộng lớn đông người, xe cộ chạy hỗn loạn, chúng tôi thường đi Metro cho tiện dù phải chen chúc như nêm. Tôi luôn nhắc nhở anh mỗi khi lên Metro thì phải coi chừng bị…móc túi. Ấy thế mà một lần vừa xuống xe, mặt anh tái mét như tàu lá, nói chẳng nên lời: „Anh bị móc túi rồi, chúng nó lấy mất hết cả tiền bạc lúc nào không biết!“. Anh bảo anh rất kỹ lưỡng, trước khi đi anh đã để hết giấy tờ quan trọng ở nhà, chỉ mang theo một ít tiền tiêu vặt và một gói tiền nhét kỹ bên trong túi áo khoác do con cháu cụ X. bên Mỹ nhờ anh mang qua cho cụ. Chúng tôi ngược xuôi tìm báo cảnh sát. Mấy ông cảnh sát bên Tây ầm ầm ừ ừ cho xong chuyện. Chúng tôi hỏi anh mất bao nhiêu, anh không nói. Đề nghị chung tiền đưa lại anh, anh cũng không nhận. Anh buồn, chúng tôi cũng buồn vì phần nào đó cũng mang mặc cảm trách nhiệm đối với anh. Anh đòi về, không đi Lyon thăm cụ X. nữa. Tôi có việc phải về trước, anh chị L.N.T.H. sau đó lặn lội đưa anh về lại Hamburg.
Sau chuyền đi Paris, anh thẫn thờ, chân đau hơn, đi đứng khó khăn ngượng ngập hơn, có lẽ vì đi bộ quá nhiều. Tôi đâm hối hận, chở anh đến thăm anh em qua nhiều mời mọc cho khuây khỏa trước ngày anh về lại. Ai cũng mến anh, nài ép mãi anh mới nhận món quà đi đường anh em cùng đóng góp tặng anh.
Ai ngờ, đây là lần hội ngộ cuối cùng với anh. Chúng tôi liên lại với anh chỉ qua điện thoại hay email. Sức khỏe anh yếu dần qua nhiều năm chống chọi những con bệnh nan y. Có lần anh khoe tấm hình anh ngồi xe lăn, chân bó nẹp sắt. Thế là anh thực sự phải ngồi xe lăn mất rồi. Lại nghe tin anh bị đột quỵ khi đang tập thể dục trong công viên, may mà có người cứu kịp và cứ thế vào ra nhà thương nhiều lần. Thời gian ngắn sau bạn bè lại gởi hình, báo tin anh nằm liệt giường, tay giơ lên không nổi nhưng tâm trí anh vẫn tỉnh táo với đôi mắt bung lung…Cứ thế, cứ thế - sức khỏe anh suy giảm dần và rồi Chúa đã gọi anh về với Người vào lúc 21:10 giờ ngày 18 tháng 2 năm 2022 tại tư gia, hưởng thọ 79 tuổi. Chúa đã gọi anh về với Ngài và anh phải đành bỏ lại anh em, bỏ lại bạn bè. Vẫn biết con người „Sinh, Lão, Bệnh, Tử“ là lẽ thường, nhưng những tiếc thương của gia đình, của anh em, của bạn bè chiến hữu vẫn còn đó và không thể xóa nhòa.
Giuse Đào Bá Hùng sống một đời người phi công oai hùng, văn võ toàn tài, nếp sống bình dị, trung trực thẳng thắn, chí tình với anh em bạn bè, cũng là một người chồng mẫu mực, một người cha khả ái theo gương Thánh cả Giuse quan thầy của anh trong gia đình Thánh Gia. Thay mặt toàn gia đình và tất cả các anh em bên Đức, xin được chia sẻ nỗi mất mát lớn lao của chị P. và gia đình. Cám ơn chị đã tận tụy hy sinh những năm tháng vất vả bên anh và đó là cái Phúc suốt đời mà anh có được. Những giòng chữ mộc mạc này viết lên để ghi nhớ mãi những kỷ niệm gần gũi thân thương với anh và nguyện xin linh hồn anh chóng hưởng dung nhan Thánh Chúa.
Lời cuối cùng xin gởi đến anh: VÀNG RƠI KHÔNG TIẾC, TIẾC NGƯỜI RA ĐI
Nguyễn Hữu Huấn
(K.7/68 KQ/VNCH)
1 nhận xét:
Bài viết rất là cảm động .
" Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ xin cho linh hồn GIU SE ( Đào Bá Hùng ) được lên chốn nghỉ ngơi
Hằng xem thấy mặt ĐỨC CHÚA TRỜI thiêng liêng sáng láng vui vẻ vô cùng
AMEN "
Một người tuy không quen biết nhưng ngưỡng mộ
Đăng nhận xét