Cách đây hơn 60 năm, hàng chục con cọp thật, cọp sống từng có mặt trên đất Ông Tạ. Ai dân Ông Tạ xưa đều biết ngôi đình thần làng Tân Sơn Hòa nằm ngay mặt tiền đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai, Tân Bình); cùng bên và cách nghĩa địa Thánh Minh (nay là chợ Phạm Văn Hai) vài chục mét. (Đình này đã bị dỡ bỏ giữa thập niên 1980, dời vô hẻm 67 Phạm Văn Hai trước đình). Trước đình, có một bình phong đắp nổi một “Ông Ba mươi” đứng đặt hai chân trước lên một tảng đá, vểnh đầu. Đi ngang, tôi và bạn bè Ông Tạ thỉnh thoảng vuốt râu hùm, thò tay vô miệng ổng. Có đứa, như thằng bạn tôi, Lưu Mạc Phong, còn bạo gan rủ bạn bè ăn ké cả bánh kẹo, trái cây của “Ông Cọp”.
28-3 âm lịch là ngày cúng đình, có rước đoàn hát bội về diễn tưng bừng, vui lắm. Xung quanh đình, dân người Nam cố cựu ở đây kẻ đội heo quay, người bưng mâm xôi cúng đình tấp nập. Không kỳ cúng đình nào vắng tôi. Cứ đi học về, ăn vội mấy miếng là tôi theo bạn bè tót ra đình ăn xôi, thịt quay và trố mắt coi hát bội dù con nít Bắc mà, nghe không hiểu gì hết. Coi một hồi chán thì ra sau sân khấu coi các diễn viên đánh phấn thoa son, ngó lạ và đẹp gì đâu.
Hồi nhỏ, tôi cứ tưởng đình thờ cọp vì làng này xưa nhiều cọp. Lớn lên mới hay đình thờ ông tiên sư họ Võ, vị thành hoàng lập làng. Còn tấm bình phong chính giữa, trước sân đình thường đắp nổi hoặc vẽ hoàng hổ (cọp vàng) đứng bên gộp đá lởm chởm, góc có một cây cổ thụ de cành lá là truyền thống. Hình ảnh quen thuộc ở nhiều đình của Nam bộ lẫn Sài Gòn - Gia Định.
Khi bà con Bắc 54 đến Ông Tạ, chắc chắn vùng này không còn cọp. Thế nhưng khoảng 1955-1960 ai ở khu vườn rau Lộc Hưng (trước 1975 gọi là cánh đồng Sơn Tây, do đa số bà con Bắc 54 ban đầu ở đây gốc Sơn Tây – nay thuộc Hà Nội) và gần ngã tư Bảy Hiền, thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng cọp gầm trong đêm, nghe hãi lắm. Các bậc bố mẹ nhân tiếng cọp gầm, dọa trẻ con: “Tối tăm thế này (thời đó Ông Tạ chưa có điện) không ngủ sớm, cọp đến ăn thịt bây giờ”.
Tiếng gầm của những con cọp thật trên đất Ông Tạ ấy từ đâu ra?
Một vị sĩ quan Việt Nam Cộng hòa (xin được ẩn danh) ở cư xá sĩ quan Chí Hòa (nay là cư xá Bắc Hải) cạnh đó cho biết: “Số cọp này do lính hay dân bắt được ở vùng Tây nguyên hay biên giới Việt – Miên. Nếu dân bắt được hay lính bắn chết, họ bán thẳng cho mấy gia đình ở Lộc Hưng. Còn lính bẫy và bắt sống được cọp, sẽ đưa về Trung tâm Thực nghiệm Chăn nuôi ở ngã tư Bảy Hiền (nay là khu Chăn Nuôi) chăm sóc cho khỏe rồi bàn giao cho Thảo cầm viên (Sở thú) Sài Gòn.
Chú cọp nào bị đưa về Lộc Hưng là coi như “tới số”: bị giết lấy xương nấu cao hổ cốt. Ở trại ngoài của Lộc Hưng (nay là Họ Micae) có cụ bá Khang chuyên nấu cao hổ cốt và cao khỉ. Cụ bá mua hổ sống về nhốt vào cũi để trước cửa – như một cách chứng minh: cao hổ cốt của tôi làm từ cọp thật đây. Con cháu cụ bá còn có người sống ở Lộc Hưng, không rõ có biết việc cụ nuôi – giết cọp nấu cao hồi cuối thập niên 1950 không.
Một số người ở Lộc Hưng lúc đó đã chứng kiến cảnh giết mổ cọp này (hồi đó cọp ở miền Nam còn khá nhiều, chưa là động vật quý hiếm nên không cấm giết mổ). Hôm hành sự, mấy thanh niên khỏe mạnh trong xóm dùng lao đâm qua chuồng nhốt cọp vào chỗ hiểm của cọp để giết. Cọp bị đâm, rống chết. Thời đó, nhà cửa vắng vẻ, xa cả trăm mét vẫn nghe rõ. Lâu lâu bà con xung quanh lại nghe tiếng cọp gầm rú khi giãy chết.
Giết cọp xong, bộ da bán, xương nấu cao, thịt có bán cho bà con xung quanh nhưng ít nhà mua vì thịt cọp khá khai, khó ăn.
Mùi cọp, mùi thịt cọp, xương cọp và mùi cao khi nấu bốc lên cả xóm. Chó xung quanh sủa inh ỏi cả đêm.
Cao hổ cốt nấu xong, bán trong vùng Ông Tạ cũng không đủ. Bà lý Sóc trong ngõ Con Mắt gần đó vốn chuyên làm và bán nước mắm (bà có xưởng làm nước mắm kiểu Sa Châu, miền Bắc) cũng có bán thêm cao hổ cốt, lấy từ miền thượng (Tây nguyên, Buôn Ma Thuột, Bảo Lộc…) về.
Từ đầu thập niên 1960 trở đi, Ông Tạ dân cư đông dần, chuyện giết cọp, nấu cao hổ cốt ở Lộc Hưng thưa dần rồi mất hẳn. Có thể nguồn cung cấp cọp bớt, cũng có thể dân đông mà nuôi cọp nguy hiểm quá, hoặc giết cọp nấu cao mệt mà lời lãi không bằng làm chuyện khác, buôn bán món khác.
Vậy tốt rồi. Cuối cùng Ông Tạ chỉ còn một Ông Ba mươi trước đình làng Tân Sơn Hòa cho tới cuối thập niên 1980 thì dời đình vô hẻm, mất luôn.
À quên, ở xứ An Lạc – Ông Tạ hình như vẫn còn cọp… hai chân “danh bất hư truyền”: “Trai Nam Thái – Gái An Lạc”…
Cù Mai Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét