Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2022

Câu Chuyện Đầu Năm - Nguyễn Ngọc Duy Hân


Tết Nhâm Dần năm nay bạn đã "ăn" như thế nào? Có gì vui, có gì không vui? Trong cơn đại dịch Covid hai năm nay, bạn đã mất đi bao nhiêu người thân quen? Có bao nhiêu bạn bè, gia đình bị "dính" vi trùng? Còn sống an bình đến ngày hôm nay quả là một ơn đặc biệt phải không bạn. Riêng tôi thì tạ ơn Chúa vô cùng, mất đi vài người bạn, gia đình và thân hữu thì bị lây nhiễm Covid khá nhiều, nhưng nói chung đã vượt qua cơn hiểm nghèo. Đến nay Ontario, Canada còn hạn chế tụ họp, nhưng dù sao cũng đã có thuốc chích ngừa, đã có thuốc uống trị Covid, mà cũng có thể do đã "trây lì", nên đã bớt sợ, bớt khủng hoảng.
<!>
Nói chuyện Tết ở hải ngoại, nhất là khu vực có tuyết thì chán lắm. Chỉ co ro trong nhà, vui lắm là có các tiệc Tất Niên, Hội Chợ Tết, nếu được như Cali, Texas nắng ấm có diễn hành hay hội chợ Tết lớn thì vui hơn. Riêng hai năm nay vì Covid, khu vực Ontario, Canada không có tiệc Xuân, Hội Chợ Tết gì cả.

Tuy nhiên năm nay vợ chồng già chúng tôi cũng được tham gia 2 chương trình văn nghệ Xuân Nhâm Dần qua Zoom viễn liên: Một buổi với Cộng Đoàn Thánh Giuse Scarborough và một buổi với Liên Hội Người Việt Canada. Dù văn nghệ trên màn hình không gặp nhau thật, chúng tôi cũng chuẩn bị khá công phu, rộn ràng. Nào là ca hát, đọc sớ Táo Quân, vui vẻ chúc Tết trong tình thân thương, mở cửa cho mọi người xem tự do, không ai phải "coi cọp". Bây giờ ngồi xem lại video cũng có thể cười mỉm chi cọp, rồi khi già hơn chắc chắn sẽ thấy kỷ niệm này đẹp và dễ thương hơn. Chúng tôi cũng bày trò nấu bánh chưng bánh tét, nấu nhiều nên bạn bè tưởng để đem bán. Chúng tôi mà bán được thì cũng là chuyện lạ, vì vụng về làm xếnh xáng cho vui thôi, chứ ai mà chịu mua. Chúng tôi còn muốn nấu nhiều hơn để tặng thêm cho bạn bè, nhưng đau lưng mỏi cổ nên chỉ tàm tạm như thế, bày ra chụp hình được là vui rồi. Tôi cũng lần đầu tiên trong đời tập làm mứt khóm, mứt khoai lang, ăn ngọt suốt mấy tuần nay chắc là lượng đường lên cao lắm.

Ngày mùng Hai Tết là ngày để nhớ tới ông bà cha mẹ, khi đọc bài của bà chị viết về ba má, tôi đã bật khóc nức nở. Chị nhắc về những kỷ niệm thời thơ ấu với gia đình. Khi tròn 20 tuổi, tôi vượt biên ra đi bỏ lại ba má và 3 người chị. Ba má già yếu, tội nghiệp chị là người phải chăm sóc vất vả mấy năm trời. Ba tôi nhìn nghiêm trang nhưng rất thương vợ con, luôn nhắc các chị hãy lo cho má, còn ông thì các chị không phải bận tâm. Ông giúp giặt quần áo cho má, thời ấy phải giặt bằng tay không có máy như bây giờ. Tôi cũng nhớ ngày xưa mình đã lười biếng, ngâm bộ quần áo trong thau định về sẽ giặt, nhưng ba nóng ruột ở nhà giặt dùm, làm tôi áy náy mãi. Theo lời chị kể, má tôi tiểu đường rồi bị quên lẫn không nói suốt hai năm rồi sau đó nằm liệt. Chỉ khi bắt kinh cầu nguyện là bà có thể đọc theo, còn hầu như cả ngày không nói gì. Khó khăn thay cho đứa con gái phải chăm sóc người mẹ thân yêu mà bà không nhận ra mình là ai. Trước khi vĩnh biệt cõi trần, má tôi có lẽ cảm nhận được nỗi lòng của chị, nên đã đưa tay quệt nước mắt cho chị và bảo: “Khóc làm gì…” Ba chữ cuối cùng này có lẽ sẽ đi theo và an ủi chị Hảo của tôi suốt đời.

Trong cái giá lạnh của Canada, ngồi nhớ nhà nước mắt ràn rụa, tôi cũng có cảm giác má đang nhìn tôi âu yếm hỏi “Khóc làm gì”.....
Ngày còn bé má cưng tôi nhất nhà, vì tôi là con út, lại hay ỏn thót, biết cách đòi má chiều chuộng. Được cưng nhất, nhưng gánh nặng chăm sóc, nuôi nấng trả ơn ba má thì tôi lại không làm được, vì ông bà ra đi khi tôi còn khá trẻ, điều này làm tôi ân hận, đau đớn rất nhiều. Nếu bạn còn may mắn trả hiếu được cho cha mẹ, bạn hãy vui mừng hãnh diện nhé. Vâng, con bé Hân ngày ấy còn bé, chỉ biết nhõng nhẻo đòi quà bánh, mà bây giờ cũng đã già rồi...

Tôi nhớ ba hay đọc chuyện Kiều, đọc thơ tiếng Pháp, nhớ má hay nấu cơm nếp mật với đường và gừng, nhớ Tết được lì xì, chơi bầu cua bằng hột dưa đã cắn vỏ, ngồi cắn muốn chết mới được một nhúm, mà đặt vào thì thua cả .... Nhớ ông anh kế ra đầu xóm chơi đánh bài đầu Xuân với lũ bạn, bị ba dọa lấy roi ra đánh. Tôi hồi bé khá lanh, nên đã chạy vội ra mật báo cho anh biết, nên anh chạy về kịp để khỏi bị đòn... Tôi cũng nhớ món cá trê kho khô của má, lâu lâu có được bộ trứng cá bùi béo, bà cho riêng tôi. Tôi hồn nhiên ăn không biết mời má, cũng không chia sẻ với các chị, thật là dại khờ. Nghĩ cũng lạ, tôi bắt đầu già lẩm cẩm hay quên, mà những chuyện xưa thì lại nhớ như in. Tết Canada lạnh và buồn, lại thêm nỗi nhớ nhà, nhưng có lẽ nhờ khóc một trận nên cũng vơi bớt nỗi lòng Tết tha hương. Ấy chết, đầu năm mà khóc không biết có bị xui xẻo cả năm không nhỉ !!???.
Dịp Tết năm nay chúng tôi cũng được tặng quà bánh, trà rượu, thức ăn, xin chân thành cảm ơn gia đình, các bạn. Chúng tôi cũng được vợ chồng người bạn trẻ ghé thăm cho bánh tét và kể câu chuyện cũ của anh, tôi xin phép kể lại, mong bạn cũng thấy thích.

Số là ngày ấy vì mới từ trại tị nạn sang Canada, anh bạn này phải đi rửa chén cho nhà hàng ở một thành phố rất nhỏ. Rửa khoảng 3 tuần chưa được lãnh lương, thì nhà hàng bất ngờ đóng cửa. Anh tiếc công, tiếc thời gian của mình lắm, nhưng hồi ấy tiếng Anh tiếng U chưa rõ, đành phải chịu. Việc các ông bà chủ bóc lột người làm là chuyện thường, thế nhưng mấy năm sau vào một ngày đẹp trời, anh đang đi trên phố thì thấy người chủ cũ hối hả đậu xe trước mặt. Ông mừng rỡ nhận ra anh rồi đếm đủ số tiền công rửa chén trả cho anh. Ông bảo áy náy bao lâu nay vì còn thiếu nợ anh món tiền này, nay thanh toán được ông thấy nhẹ nhàng vô cùng. Có lẽ Sarnia là thành phố nhỏ, lúc ấy ít người Việt, chứ nếu ở thành phố lớn và đông người Á Đông như bây giờ chắc ông sẽ khó mà tìm ra mà trả được số tiền đã thiếu. Số tiền không lớn, nhưng sự đàng hoàng của ông chủ nhà hàng người Ý là điều đáng nói, và cuộc hội ngộ khá là hi hữu. Ông thua lỗ phải đóng cửa tiệm, nhưng không ăn quịt đồng lương mồ hôi nước mắt của người làm công.
Thì ra người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, tôi xin ca bài "đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng". Biết được những tấm lòng chân thành, chung thủy có trước có sau, tôi thấy đời còn vui, còn đẹp biết bao. Câu chuyện làm tôi vui một ngày, làm mùa đông Canada bớt lạnh.

Trong hương vị vẫn còn của ngày Tết, thân chúc bạn và cả nhà thật vui trong năm mới con Cọp này, và chính bạn, chính tôi sẽ luôn cố gắng để sống tốt, lấy trung nghĩa làm đầu để cuộc đời này còn ý nghĩa, tốt đẹp hơn…

Nguyễn Ngọc Duy Hân
(Đặc San Lâm Viên)

Không có nhận xét nào: